PHAN
Người
tây phương có thói quen đầu năm thường đề ra những tâm nguyện để thực hiện
trong năm mới nhằm nâng cao đời sống cá nhân từ sức khoẻ tới tinh thần, tâm
nguyện đầu năm rất phổ biến ở Mỹ và cũng đã thâm nhập vào nhiều quốc gia trên
thế giới. Với người Việt ở Mỹ thì nhập gia tùy tục, lâu ngày cũng thành thói
quen. Nhưng theo những tài liệu tham khảo thì bốn ngàn năm trước, người Babylon
đã thầm khấn hứa với Thượng đế trong đêm giao thừa hay sáng ngày đầu năm mới về
tâm nguyện cá nhân của mình để Thượng đế giúp đỡ cho bản thân trong năm mới.
Nhìn
lại văn minh nhân loại thì tâm nguyện đầu năm – New Year’s Resolution là một
nét văn hóa đẹp của loài người, vì đó là bằng chứng cho thấy ai trong nhân loại
cũng muốn bản thân trở nên tốt đẹp hơn. Những tâm nguyện trong năm mới của người
giàu lòng nhân ái thường hướng tới tha nhân, tâm nguyện của người thường cũng
đáng khen ngợi như: ráng giảm cân, bớt hút thuốc lá, bớt uống rượu bia, không
đi sòng bài, để dành tiền…
Những
người bạn uống cà phê chung bàn với tôi đang nói về tâm nguyện năm mới rất hào
hứng, họ nghiêm túc nói ra tâm nguyện đầu năm của họ, nhưng họ lại không nhớ là
họ đã từng nói tới những tâm nguyện ấy từ những năm trước…Một nữ lưu nói về tâm
nguyện đầu năm của cô trong năm mới, nghe lạ: “Năm mới, chắc em giữ lại
resolution của năm ngoái!” Nghe lạ nhưng nghĩ lại lại thấy gần với sự thật của
hầu hết những tâm nguyện đầu năm của bạn bè. Tạm gác qua những tư tưởng lớn thường
nghĩ tới nhân loại đi về đâu, ý thức hệ nào lên ngôi, chuyện di dân lên sao Hỏa,
chiến tranh giữa các vì sao, ngày 20 tháng 01 tới đây, nước Mỹ đón chào tổng thống
mới… Vậy, người thường nghĩ gì về tâm nguyện của mình trong năm mới? Trang web
http://www.usa.gov của chính phủ đã liệt kê ra những điều tâm nguyện đầu năm của
dân chúng được sắp theo thứ tự: Giảm cân. Ăn uống đúng cách. Uống ít bia rượu
hơn. Bỏ thuốc lá. Trả bớt nợ. Tiết kiệm tiền. Dành nhiều thời gian với gia đình
và bạn bè. Tìm một công việc tốt hơn. Lấy thêm mảnh bằng. Làm thiện nguyện.
Tham gia sinh hoạt xã hội. Đi du lịch. Bớt gắt gỏng với người thân và đồng nghiệp.
Bớt trầm cảm. Sống độc lập hơn…
Đọc
qua danh mục những tâm nguyện đầu năm lê thê của nhân loại vào một sáng đầu năm
thức dậy,tôi mới nghĩ tới New Year’s Resolution cho bản thân như một thói quen
nhập gia tùy tục hơn là nghiêm túc đủ. Và giờ thì tôi đã chọn cái tâm nguyện đầu
năm của cô bạn là xài lại resolution năm ngoái, (bởi một năm qua đã thực hiện
gì đâu?) – đánh trống bỏ dùi không còn là nghề riêng của chàng mà nàng cũng rứa!
Nhưng
lần theo những trang web thì biết được, Đại học Marist University, thực hiện cuộc
thăm dò cuối năm cho thấy “giảm cân” đứng đầu danh sách tâm nguyện đầu năm, “đi
tập thể dục đều đặn hơn” đứng thứ hai, “chi tiêu ít hơn”và “bỏ hút thuốc” đồng
hạng ba.
Những
thống kê khác cũng cho kết quả tương tự. Nhưng hầu hết mọi người chỉ thực hiện
được những điều tâm nguyện này trong vài tháng đầu năm, rồi buông xuôi. Nói như
vậy không có nghĩa là những tâm nguyện đầu năm đều vô nghĩa, vì nhà tâm lý họcRichard
Wiseman (chuyên thực hiện những thí nghiệm về thói quen của quần chúng) đã thống
kê được 52% dân chúng có New Year’s Resolution, nhưng chỉ 12% giữ đúng được lời
hứa với bản thân.
Thế
chúng ta có nên chọn cái tâm nguyện đầu năm cho năm nay là đứng vào 52% có New
Year’s Resolution trước đã, chứ cứ sống như 48% buông xuôi tới đâu hay tới đó
thì cuộc sống mất nhiều ý nghĩa trong khi cuộc đời thì rất hữu hạn. Khi chúng
ta có tâm nguyện đầu năm vào mỗi năm mới đến thì mới mong đến năm đủ quyết tâm
để đứng vào được 12% giữ đúng lời hứa với bản thân. Nói theo khoa học thì nhận định
của giáo sư triết Emrys Westacott tại Đại học Alfred University đã hơi lãng mạn
“Tâm nguyện năm mới là một chiến thắng của hy vọng trên kinh nghiệm thực tiễn.”
Giáo sư giải thích về tâm nguyện đầu năm là một cách để con người bày tỏ những
gì họ ao ước cho chính bản thân mình, hay những gì con người chưa hài lòng về
mình, một ước muốn thay đổi. Quan trọng nhất, New Year’s resolution là một cơ hội
xóa đi làm lại, xóa bỏ những khiếm khuyết của năm cũ, làm lại một năm mới tốt đẹp
hơn.
Giáo
sư Joe Ferrari của đại học DePaul University ở Chicago thì cụ thể hơn với lời
khuyên, “Khi bạn giữ bí mật tâm nguyện của mình thì không ai giúp bạn theo dõi
được sự tiến triển. Và cái gì không được theo dõi thì sẽ rơi vào quên lãng.”
Giáo sư khuyên nên chia sẻ tâm nguyện với bạn bè và người thân để được tình
thân quan sát, theo dõi, nhắc nhở và động viên ta.
Đồng
ý với giáo sư Ferrari, giáo sư Michael Kitchens của trường Lebanon Valley
College đưa ra nhận xét, “Một khi bạn nói cho người thân, bạn bè biết tâm nguyện
của mình thì thể nào cũng có người hỏi thăm xem những điều tâm nguyện bạn đã thực
hiện được đến đâu. Điều này có giá trị động viên đối với bạn rất lớn.”
Giáo
sư Kitchens lại khuyên mọi người đừng thiết lập một danh sách tâm nguyện lê thê
cho năm mới, mà hãy giới hạn lại vài điều, tốt nhất là một tâm nguyện thôi.
Quan trọng là tâm nguyện đừng mơ hồ thì rất khó thực hiện. Giả như “năm tới,
hút thuốc ít lại…” Tâm nguyện chung chung ấy sẽ không hiệu quả gì hết. Mà phải
cụ thể như: Năm cũ, hút mỗi ngày một gói thuốc. Năm mới chia một gói thuốc ra
làm đôi cho hai ngày. Và dứt khoát phải chiến thắng cơn nghiện trong thời gian
còn lại của ngày, sau khi đã phì phèo hết nửa gói thuốc của ngày hôm đó. Theo
phương cách ấy, chia những mục đích lớn khác thành nhiều mục tiêu nhỏ để thấy sự
tiến bộ cụ thể. Như muốn giảm cân hai mươi pounds trong năm mới
thì hãy cân mỗi tuần lễ để xem mình đã giảm được tới đâu trong quyết tâm này. Kết
quả ngắn hạn (trong tuần) tuy không giúp nhiều cho sự hưng phấn, nhưng lại có
tác dụng kịp thời để điều chỉnh thực đơn cho kết quả lâu dài là cả năm.
Giáo
sư Richard Wiseman, đưa ra một vấn đề khá lý thú, “Những tâm nguyện thông thường
nhưng khó thực hiện như bỏ hút thuốc, ăn ít lại, hay bớt uống rượu, đều rất khó
thực hiện. Bởi vì khi buồn bực chúng ta thường dựa vào những thói quen khó bỏ
này để giúp mình bớt căng thẳng.Vì vậy, chúng ta cần có một nhóm bạn hữu để động
viên tinh thần. Chẳng hạn khi thấy buồn hay căng thẳng, hãy đến thăm hay gọi điện
thoại nói chuyện với một người bạn nào đó, thay vì hút thuốc liên miên, hay
khui chai rượu ra, ngồi uống một mình tới hết…”
Điều
lý thú nhất trong bài viết của giáo sư Wiseman là ông đề cập đến một ngộ nhận
ít ai để ý. Ông cho biết, “nhiều người nghĩ rằng chỉ cần khoảng ba tuần là con
người tạo được một thói quen mới. Thật ra theo một cuộc nghiên cứu mới (?), con
người cần phải có 66 ngày mới tạo được một thói quen mới, và gắn bó với thói
quen mới đó.”
Cứ lần
theo mấy ông giáo sư thì mình thành con vẹt. Nhưng không thể bỏ qua tri thức của
những người thành danh từ tri thức của họ. Nếu quả thật hay không, nhưng chỉ cần
66 ngày để hình thành một thói quen mới thì sao ta không thử? Thử ăn uống điều
độ 66 ngày để hình thành thói quen cho cái bao tử của một người hết sợ béo phì
thì nên lắm chứ! Thử bỏ thuốc lá, bỏ rượu trong 66 ngày để trở thành người hết
sợ ảnh hưởng xấu từ chất gây nghiện cũng đáng lắm chứ! Thử can đảm chạy ngang
những trung tâm mua sắm (shopping center) mà không ghé trong 66 ngày để cai
nghiện shopping rất hay! Thử cất hết thẻ nhựa ở nhà trong 66 ngày để bỏ chứng
thích cà thẻ cũng rất có lợi! Thử tham gia sinh hoạt từ thiện trong 66 ngày để
hình thành thói quen tương trợ người khác cũng rất đáng hoan nghênh… Thậm chí dễ
nhất là đi lễ đều lại trong 66 ngày để tập lại thói quen đi nhà thờ đều đặn sau
nhiều năm đi ngang nhà thờ cứ tưởng sở cảnh sát nên không ghé làm chi…
Ít
nhiều chịu khó đọc trong điều kiện không có đi học cũng giúp người ta hiểu biết
thêm về khoa học kỹ thuật, thế giới xung quanh. Dù đọc mười hiểu một cũng không
sao, quan trọng là không thực hiện một hiểu biết nhỏ nhoi mới là đáng trách. Mỗi
người hãy “cắn răng” thử 66 ngày để hình thành thói quen chống lại tật xấu nhất
của mình trong năm mới xem sao? Một tật xấu nhất thôi chứ đừng ôm đồm nhiều quá
vào danh sách những tâm nguyện đầu năm.
Ai
trong chúng ta cũng có những phút lắng lòng trong không khí cuối năm. Thường là
nghĩ về quê nhà, gia đình bên kia biển bây giờ ra sao? Nghĩ tới gia đình hiện tại
và bản thân trong năm qua (thường không như ý) nhưng tự an ủi (được vậy đã mừng).
Nhớ đến một chuyện tranh luận còn chưa ngã ngũ với bạn bè. Nhưng tất cả đều im
tiếng sau đó để sự việc chìm xuồng theo thời gian khi không ai đủ sức để thắng
mà cũng không ai chịu thua… Trời sanh ra lòng hối hận của con người và tánh háo
thắng như nước với lửa. Không có cả hai không có sự sống, nhưng
chẳng
bao giờ nước dung hoà được với lửa, nên lòng háo thắng đi qua cái gạch nối chiến
thắng ở giữa đã nhận ra đích đến là lòng ân hận. (Năm qua, bạn đã thắng được một
cuộc tranh luận với bạn bè. Nhưng năm tàn tháng tận với kỳ nghỉ dài ngày. Nhìn
lại bạn bè lưa thưa… bạn có hối hận với tâm tư quyết thắng trong cuộc tranh luận
đó? Sao không dùng chữ, “chúng ta cùng tìm hiểu, nghiên cứu”… để chân lý không
thuộc về ai thì mọi người dễ chấp nhận hơn!)
Dường
như ai cũng mang tâm nguyện đầu năm (là phác họa tương lai cho mình trong năm mới)
đầy những điều đúng đắn, nhân bản, vị tha. Nhưng một năm đi qua để tới thời điểm
nhìn lại thì bản thân dường như chỉ làm những điều ngược lại. Làm cho tâm trạng
cuối năm thường bất mãn hiện tại, luyến tiếc quá khứ, rồi mong chờ một tương
lai khá hơn. Nhưngkhi tương lai ấy đến cũng như muôn ngàn hiện tại đã qua, người
ta lại luyến tiếc quá khứ. Vòng luẩn quẩn của tâm thức luôn chối bỏ tri thức. Bởi
sức cám dỗ của những điều sai trái bao giờ chả mạnh mẽ hơn lẽ phải. Lý trí biết
phân biệt đúng-sai, nhưng con tim cứ mù loà tuôn theo cảm xúc…
Cuối
năm, ai cũng tự vẽ chân dung mình năm qua ngay khoảnh khắc giao thời để thấy ra
những khiếm khuyết. Trong giờ phút thiêng liêng của đất trời tiễn năm cũ đi và
chào năm mới về, ai cũng thì thầm những lời hứa hẹn tốt đẹp với mình trong năm
mới. Nói theo dị đoan xưa đã nhiều, nói theo khoa học mới cũng đã chứng minh ra
được nhiều điều đáng suy nghĩ. Như nếu chỉ bỏ ra 66 ngày để hình thành thói
quen mới là không hút thuốc lá, thì rất nhiều người đang hút thuốc lá sẽ làm được.
Nhưng giải thích làm sao về người đã bỏ được thuốc lá vài năm lại quay lại với
nàng tiên khói; người cai rượu thành công lâu rồi, sao lại nâng ly; con bạc bỏ
sòng kia cũng vừa quay lại chiếu bầu cua cá cọp buổi sáng thì buổi chiều đã đi
sòng bài (casino).
Vấn
đề là hình thành môt thói quen mới đã khó (nhất là thói quen tốt) như không cờ
bạc, rượu chè. Nhưng làm sao để giữ được thói quen mới đã hình thành sau 66
ngày cam go từ bỏ thói quen xấu. Khoa học chưa rõ lắm nên những vị giáo sư cũng
lờ đi, lướt qua… Vậy từng người tự hỏi mình: Trong năm mới cần nhất là bỏ đi một
thói quen xấu nào? Đừng chung chung như để tôi ráng, để thử coi, đó là một cách
tự gạt mình.
Kể
ra, tâm nguyện đầu năm đã như một đặc trưng văn hóa của nhân loại. Cũng như
trong đời sống, đôi khi nghe một người bạn đi tĩnh tâm một tuần ở đâu xa. Đó là
thời gian anh ta không rượu chè, trai gái, cờ bạc, tham thú… không dùng cả điện
thoại. Đó là thời gian người có đạo thanh tẩy chính mình. Rõ là nhu cầu thanh tẩy
tâm linh rất cần thiết nên nhà thờ mới tổ chức. Và người trong xã hội cũng cần
những khoảng lặng, dù ngắn, trong cuộc đời dài đầy những cám dỗ, sa đọa, tham,
sân, si… để bình tâm nhìn sâu vào lòng mình, công bằng phán xét đúng-sai. Để
sau đó từ bỏ những gì không tốt, để từ từ hoàn thiện mình thành một người tốt
hơn. Chỉ cần tốt hơn năm ngoái thôi chứ đừng mong làm người tốt nhất để lại vướng
vào hệ lụy của con người.
Hy vọng
mỗi người trong chúng ta hãy cố cắn răng chịu đựng 66 ngày (theo khoa học) để từ
bỏ được một thói xấu (khuyết điểm) nào đó của bản thân trong năm mới Đinh Dậu –
2017. Cho dù thành công không đáng kể thì chúng ta cũng đã tỏ rõ thiện chí và cố
gắng giúp chính bản thân mình trở nên tốt đẹp hơn. Đừng để tới lúc mình ghét
mình là không còn ai để tha thứ.
No comments:
Post a Comment