Tuesday, January 17, 2017

NĂM ĐINH DẬU NÓI CHUYỆN GÀ


_______________

  Hai Hùng SG 



    Cứ theo lệ hằng năm khi năm cũ sắp kết thúc thì mọi việc phải tổng kết, xem lại kết quả làm ăn trong năm như thế nào , sổ sách, công nợ đều cố gắng kết thúc trong năm để bước qua năm mới hy vọng làm ăn sẽ được hanh thông phát tài.

    Người Việt mình vừa dùng Tây lịch và âm lịch song song với nhau cho cuộc sống hàng ngày, với tây lịch thì để xem ngày giờ cho công sở, học hành và các giao dịch hàng ngày, riêng âm lịch thì đa số bà con mình áp dụng vào nông nghiệp, để theo con trăng để biết con nước ròng nước lớn, để cấy trồng đánh bắt các loại thủy sản, ngoài ra một số người dùng âm lịch để xem ngày tốt xấu để cho các việc hiếu hỉ, xuất hành, động đất, khai trương .V.v...



   Năm âm lịch cứ vào mỗi năm mới thì có một con vật trong 12 con giáp ( Tí, sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất , Hợi.) thay phiên nhau sẽ là năm cầm tinh con vật đó, vì thế tôi thấy Con Khỉ ( Bính Thân) đang lo gói ghém hành trang và kêu gia đinh trong nhà, nào là lo kết toán sổ sách, tiền bạc, dinh cơ để bàn giao lại cho ông bạn con Gà (Đinh Dậu), đến đây tôi lại liên tưởng đến đương kim tổng thống Hoa kỳ, ngài Obama đang chuẩn bị bàn giao lại cho Tổng thống mới đắc cử Donal Trump, người mới lên ngôi thì háo hức cho công việc, còn người mãn nhiệm kỳ thì man mác buồn vì ngoảnh lại nhìn những thăng trầm, vui buồn trong lúc tại vị, chạnh nhớ tám năm về trước ngài Obama sức trẻ phơi phới, vậy mà sau hai nhiệm kỳ đầu tóc bạc phơ trên gương mặt ông hằn lên nhiều nếp nhăn theo thời gian cầm quyền, nếu không gánh vác trọng trách trên vai thì giờ này chắc gương mặt ngài Obama sẽ không khắc khổ như hiện tại, bởi vậy đâu phải cứ làm ông lớn là sướng đâu phải không quý vị .

  Con Gà là loại gia cầm sống gần gũi với con người đã từ lâu, ở miền thôn dã con gà là chiếc đồng hồ báo thức tuyệt vời, bà con nông dân cứ nghe tiếng gà gáy sáng là biết giờ giấc để ra đồng cày cấy, các loại thú tiêu khiển vùng quê trong đó có môn đá gà, họ rủ rê nhau đến khu đất trống trải cho gà bắt cặp đá với nhau, hơn thua nhau và ba xị rượu dĩa mồi, chủ yếu là mua vui, dần dà thú vui này được các tay " cờ bạc" biến thành cuộc sát phạt ăn tiền trăm tiền triệu, muốn chọ con gà đá có khi họ phải đi tỉnh này tỉnh nọ, rồi có mối lái hoặc người "Đồng hội đồng thuyền" chỉ nơi chuyên o bế các con gà chuyên đi đá để cá độ, nghe đâu kỹ thuật chăm sóc con gà cũng rất cầu kỳ, từ thức ăn, nước uống, thuốc men khi con gà "ho hen' những khi " trái gió trở trời" , tôi chứng kiến trong xóm tôi có hai ông cãi nhau kịch liệt vì con gà do hai ông hùn vốn mua về từ một tỉnh miền tây, chăm sóc thật kỹ lưỡng, đến ngày đi xổ ( đá gà ) thì hai ông bỏ con gà vô cái giỏ đệm (loại giỏ đan bằng dây lác) kín mít, sợ con gà xỗng ra, họ lấy cây sắt nhỏ có hai  đầu nhọn như cây đòn xóc,  họ luồn vào miệng cái giỏ lại thế là chú gà nằm im mặc cho chủ nhân đưa đến đâu thì tùy. Hai ông chạy u xuống đâu miệt Bình Chánh từ sáng sớm cho đến trưa mới quay về, vừa về tới nơi tôi nghe hai ông cự nự :

  - Tao nói rồi, mầy này đặt cho nó ăn ba cái đậu xanh làm chi, để ăn ba cái lúa như mọi lần là được rồi, ai đời vừa đá vừa ỉa liên tục thua là phải rồi.

   Nghe bạn trách cứ mình hoài, tuy sùng trong bụng nhưng biết mình có lỗi nên tay nọ phân bua :

  - Ai có dè đâu nè , thằng cha Ba Lém trên Hóc môn xúi vậy tao nghe vậy, chả nói gà ăn đậu xanh nó sung lắm vì đậu xanh tính hàn nên thân nhiệt con gà mát mẻ nó đá mới hăng.

  Lời qua tiếng lại một hồi thì cũng xong, hai ông ngoéo tay nhau đi uống chầu lade xả xui, chuyến đó hai ông thua vài trăm bạc đau như thiến nhưng được cái coi như mua bài học cũng không đắc giá cho lắm .

                      ***
   Gà cũng có nhiều loại, từ thượng vàng đến hạ cám, vì có loại gà khi nấu nướng lên thịt bở rẹt nên thiên hạ chê ít khi mua khi đi chợ búa, đó là loại gà Mỹ, sau năm 1975 thì bàn dân thiên hạ đặt cho nó cái tên mới là "Gà công nghiệp" , bởi loại gà này chỉ sống quanh quẩn trên cái chuồng, chỉ có ăn và ngủ nên trọng lượng tăng lên rất nhanh. 

    Cao cấp hơn là loại gà Đông Tảo, gà này đặt biệt có đôi chân to xấu da xù xì, đây là loại gà theo người dân cho là quý và hiếm, vì loại gà này chỉ có ở xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên ngoài miền bắc Việt Nam, gà này còn có tên là "Gà tiến vua" vì ngày trước chuyên dành cho các bậc vua chúa, còn dân thường thì chắc có lẽ chỉ được phép nhìn thôi, vì loại gà này rất đắc tiền... 

  Dòng họ nhà gà được chia làm nhiều loại, gà nhỏ con nhất có lẽ là gà ri ( gà ác), gà này có bộ lông trắng như tuyết, ngược lại thịt lại mang một một đen xanh, nhìn miếng thịt gà ác không hấp dẫn lắm, nhưng được cái gà này bên đông y chế biến thành món " Gà ác hầm thuốc bắc", món này có nhiều cách chế biến, tùy nơi họ thêm bớt gia giảm, đại khái có đậu đen, nấm hương, táo tàu, một ít lá ngải cứu. Chế biến cách nào cũng ngon, khi húp nước và ăn thịt gà nó giúp ta sảng khoái tinh thần và trị một số bệnh tẩn

  Kế đến gà Nòi, một loại gà chuyên để chọi ( đá gà) tướng tá gà nòi cao to, có con thân mình trụi lủi, da lúc nào cũng ửng đỏ , giống như mấy ông ngoại quốc mặc áo thun ba lổ và quần shot đi dạo phố Sài gòn với thân hình đỏ au vì nắng nhiệt đới thiêu đốt làn da của họ, rồi nào là gà Tre, gà này có bộ lông đẹp đầy màu sắc, và gà tre cũng là loại gà mà các tay cá độ cũng khoái, vì gà Tre chiến đấu mãnh liệt, có con đá đến khi chết gục tại chỗ mà không bỏ chạy, trên youtube nếu các bạn tìm kiếm sẽ gặp chú gà Tre nhỏ xíu rượt chú chó to lớn chạy có cờ trong sân một nhà nọ trông thật mắc cười, còn nhiều loại gà nữa , gà tàu, gà tây ..v.v..., nhưng có một loại gà ở xứ mình nghe qua có cái tên thật mỹ miều, nhưng lại khiến mấy bà vợ sẽ "Nộ khí xung thiên" khi biết các đấng phu quân mình léng phéng đến, đó là "Gà móng đỏ"  loại "Gà" này cũng hai chân, cũng có "Cánh" nhưng thức ăn là Tiền vàng, đô la, nhà cửa  ruộng vườn, nói chung thứ tài sản nào có giá trị thì loại "Gà" này "mần"  hết ráo, nhiều ông ham vui phút chốc "tán gia bại sản" và có ông còn thê thảm hơn nữa là "Thân bại danh liệt" ra đường không dám nhìn mặt ai.

  Trong giao tiếp hàng ngày, anh chàng nào khù khờ thì bị gán là dân "gà mờ", rồi làm việc gì mà vội vội vàng vàng thì bị mắng : "Mầy làm cái gì như gà mắc đẻ vậy", anh nào xui vì một nửa của mình không may "Khuất núi" sớm để lại đàn con thơ dại cho mình thì bà con gọi là "Gà trống nuôi con", trong làm ăn kinh doanh hoặc nơi quan trường người ta hay hơn thua nhau bởi : " Gà tức nhau tiếng gáy", tục ngữ ca dao lại có câu:

" Gà nào hay bằng gà Cao lãnh. Gái nào bảnh bằng gái Tân Châu" , có phải muốn khuyên mấy anh đá hay đá gà về Cao lãnh để lựa chọn , còn đàn ông muốn tìm vợ bảnh bao thì xuống Tán Châu ( An Giang) , có phải vì Tân châu là nơi sản xuất các loại lụa danh tiếng, các cô gái nơi đây diện bộ đồ lụa mượt mà làm chi các cô nàng bảnh bao chăng ????.
     Ông nào sắc mặt tái tái đi ra làm ăn chắc cũng không ít lần có người sẽ gièm pha "Mặt gà mái" do mâu thuẩn gì với nhau, mặc dù chàng ta là " gà trống" trăm phần trăm.
   Khi mua gà về làm người xưa khuyên mình lựa chọn như sau:
  " Gà cựa dài thì rắn, gà cựa ngắn thịt mềm".

Tôi nhớ ngày xưa, tình nghĩa anh em trong nhà trên kính dưới nhường, trong nhà có ai hữu sự thì " Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ" , về sau này khi kinh tế " thị trường" gì đó mở ra, nhà cửa đất đai có giá trị cao, từ đó giành giật nhau từng tất đất, con cái thưa cha mẹ ra công đường, anh em cãi nhau thậm chí dứt tình máu mủ, mướn dân " xả hội đen" về "làm thịt" người thân mình, tình nghĩa ruột thịt "Cạn tàu ráo máng" , trường hợp này ông bà mình khuyên lơn :
  " Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau", tôi thiết nghĩ bây giờ khó áp dụng câu này bởi vì phần đông chạy theo đồng tiền bất chấp đạo lý, buồn thay.

   Bạn bè ăn nhậu chung bàn , tới hồi xỉn quá xin về với vợ thì bị chúng bạn phang cho một câu : "Đồ gà chết".

  Trong truyện Tam quốc chí diễn nghĩa có mô tả quân của Tào Tháo bị vây hãm , Tào Tháo muốn lui binh bèn ra lệnh " Kê lặc", các quan không biết Ngụy Võ đế muốn đề cập đến việc gì, chỉ có quan ( Chủ bộ ) là Dương Tu hiểu ý cho thu xếp binh mà để rút quân, các quan thấy vạy mới hỏi "Kê Lặc" ( gân gà ) là ý gì , Dương Tu giải thích gân gà dai , khó nhai khó nuốt nên phải bỏ đi, ý là Thừa tướng kêu Phải lui binh, đến lúc này các quan mới hiểu ra. 

    Đến đây tôi lại nhớ mấy câu trong Sấm Trạng Trình:

"Mã đề giương cước anh hùng tận"
"Thân Dậu niên lai kiến thái bình "

  Năm qua quá nhiều biến cố, chiến tranh , thiên tai , nhiều tham họa xãy ra trên địa cầu, mong rằng Năm Dậu đúng như câu sấm trạng trình đã rao, hòa bình cho tất cả các cuộc chiến, thế giới cùng nhau hợp tác làm ăn nâng cao đời sống chi mọi người dân, được vậy quý lắm thay .
 Giai thoại về gà còn nhiều lắm, tết nhứt đến rồi, không khí rộn ràng của mùa xuân đã mấp mé bên thềm, bà con còn phải lo sắm tết trang hoàng nhà cửa để đón nàng xuân trở về nên tôi xin dừng lại ở đây và hẹn dịp khác hầu chuyện cùng quý vị tiếp .

  Xin chúc độc giả xa gần một năm mới Thịnh vượng & Phát tài, may mắn & gia đạo bình an .

       Viết tại Sài gòn Tháng 1.2017



Image result for xuân đinh dậu


3 comments:

rachgia said...

anh Hai Hùng gửi bài nầy cũng khá lâu và dặn"gần Tết cô hả post"
Bây giờ đà qua rằm rồi, còn 10 ngày nữa là Tết nên hôm nay post cho anh đây
cám ơn anh Hai Hùng thật nhiều đã có bài cho Tha Hương trong lúc xuân về
Thân chúc sức khỏe và gia đình mọi sự như ý trong mùa xuân mới 2017



Katie co5rg said...

Cám ơn Anh HH viết bài này hay quá , rất dí dõm nhưng đúng y bon , nhưng sao khg nghe anh nhắc tới món " Gà ác hầm thuốc Bắc " và câu : Nữ Kê tác quái , gà mái đá gà cồ hé .
Cô 5 RG

trường tôi said...

Anh Hai Hùng viết bài này hay quá! Anh đợi mùng 3 tết tui cúng gà xong sẽ gửi cho anh qua Net 1cặp chưn gà và 1 xị gụ Đường Xuồng lai rai nhậu tết...kkk...
Một Người Dallas