____________
Lanh Nguyễn
Hôm trước trên Tha Hương
có post bài thơ ƠI EM MIỆT THỨ của Nguyễn Minh Phúc làm tui
nhớ lại những ngày đầu đặt chân lên cái xứ mà ban đêm trai gái gì khi
"tè" xuống sông cũng xẹt lửa đỏ trời. Xin kể lại để quý bạn cùng xem chơi
giải buồn nghen...
Đầu thập niên 70 chiến tranh Việt Nam đã leo lên
đến nấc thang sau cùng, nên hầu như con trai trên 18 tuổi đều gia nhập quân đội
để ra sức giữ gìn phần đất còn lại cho nó khỏi bị nhuộm đỏ. Nhưng cũng không ít
người tìm đủ lý do để trốn lính, khỏi phải thi hành nghĩa vụ gìn giữ quê hương.
Họ trốn lính qua đủ mọi hình thức hợp pháp cũng như bất hợp pháp. Ba hình thức
hợp pháp phổ thông nhất để trốn lính thời bấy giờ là hoãn dịch vì lý
do học vấn, vì lý do gia cảnh và vì lý do công vụ (đang làm việc ở xã ấp) ...
Năm ấy tôi vừa đậu xong Tú Tài 1 thì má tôi nhất
định bắt tôi phải thi vào trường sư phạm để khi ra trường sẽ được hoãn dịch vì
lý do công vụ mặc dù lúc đó tôi hội đủ cả hai tiêu chuẩn để được hoãn dịch vì
lý do học vấn cũng như lý do gia cảnh. Lớp tôi mấy đứa bạn trai cùng tuổi
đứa nào rớt tú tài thì "anh đi trung sĩ". Đứa nào đậu được tú 1 đều
phải chuyển ra trường tỉnh để học tiếp lớp đệ nhất. Đứa lên Long Xuyên vào
Thoại Ngọc Hầu hay Chưởng Bình Lễ đứa ra Rạch Giá vào Nguyễn Trung
Trực.
Chỉ có mình tôi cùng 2 cô bạn thi vào trường sư
phạm Vĩnh Long, nhưng vào giờ chót 1 cô đổi ý chuyển đơn dự thi qua trường sư
phạm mới mở ở Long Xuyên.
Trường Sư Phạm Vĩnh Long là ngôi trường đào tạo các thầy cô giáo
dạy bậc tiểu học cho toàn khu vực miền tây. Muốn thi vào trường nầy lúc đó chỉ cần có bằng tú
tài 1 là hội đủ điều kiện dự thi rồi.
Thường thì phái nữ thích làm nghề giáo hơn phái nam
cho nên nếu không phải đi quân dịch chắc là trường sư phạm không có bóng dáng
mấy tay húi cua trong đó. Một khóa có thời gian học là 2 năm, ngoài việc
phải học về kiến thức chuyên môn như tâm lý giáo dục, giáo dục cộng đồng, các
phương pháp giảng dạy học sinh cũng như thực hành. Trường sư phạm còn dạy những
môn rất hữu ích cho cuộc sống ở ngoài xã hội sau nầy thí dụ nhu là luân lý chức
nghiệp, giao tế xã hội, kinh tế chính trị, quản trị thanh tra học đường...
Một khóa được chia làm 10 lớp mỗi lớp trung bình 50
giáo sinh trở lên. Tôi được xếp vào lớp có số thứ tự thứ 6 sinh ngữ Pháp.
Không còn nhớ chính xác lớp tôi có bao nhiêu người vì tôi không có hình cả lớp
chụp chung nhưng nhớ rất kỹ phía bên con trai chỉ có 9 đứa nên không
thể lập 2 đội bóng chuyền để tập dợt thi đấu với các lớp khác
được.
Như vậy tỉ lệ nam nữ được xem là 1/5. Nam 1 phần nữ
4 phần. Nếu tính phần trăm thì ban đại diện lớp cũng xem cái phần trăm trên thì
mới gọi là nam nữ bình đẳng được, nhưng lạ một điều tất cả đều là nam ráo
trọi. Từ trưởng lớp, phó lớp cho đến các ban báo chí, học tập, thể thao,
văn nghệ, văn gừng... nhất nhất đều do 9 thằng con trai đảm nhiệm không có một
nữ giáo sinh nào đứng ra ứng cử hay được đề cử cả. Mặc dù tự do bầu cử.
Trường sư phạm lúc bây giờ có câu châm ngôn không
biết từ đời nào để lại rằng thì là: "Thi vô muốn đậu
thì khó. Thi ra trường muốn rớt lại khó hơn". Hầu như lớp nào cũng có
tỉ lệ tốt nghiệp từ 97%-100 %.Học hành rất là nhàn hạ nếu so với năm đệ nhị hay
đệ nhất của thời trung học, phải thức thâu đêm để gạo bài, ôn thi vì vậy có khá
đông giáo sinh ra ngoài học thêm những lớp luyện thi tú tài 2 của các giáo sư
trường Tống Phước Hiệp.Cuối năm nhất niên tôi cũng nộp đơn theo diện thí sinh
tự do ở trung tâm Thoại Ngọc Hầu trên Long Xuyên mà thử thời vận.
Hôm đi thi tôi gặp lại 3 đứa bạn thân thời trung
học. Chúng tôi mướn một phòng khách sạn ở chung. Đêm đó thay vì nghỉ ngơi để
lấy tinh thần cho những ngày thi sau đó, bốn đứa tôi lại chia phiên rình mò xem
2 anh chị ở phòng kế bên họ chung vô khách sạn để làm gì... Vì thấy chuyện
không nên thấy nên bị xui, kết quả khóa 1 bốn thằng đều trợt vỏ chuối. Vậy là tụi nó phải ba chân bốn cẳng nộp đơn vô sư
phạm làm khóa đàn em của tui.
Khóa 2 năm đó tui tự lượng sức mình không qua nổi
con trăng nên không đi thi mà ở nhà nghỉ hè chơi cho khoẻ, 3 đứa bạn thi khóa 2 một thằng đậu nên chuyển
qua học thương mại ngân hàng, hai đứa trợt vỏ dưa một thằng đi Thủ Đức còn đứa
kia đậu sư phạm khóa 10.
Năm sau tui đổi chiến thuật. Chỉ chuyên tâm học
thêm toán lý hóa mà thôi. Các môn khác thì mua sách về nhà tự học. Lúc nộp đơn
thi tui không chọn sinh ngữ Pháp là chính mà lại chọn sinh ngữ Anh. Năm rồi thi
ban B trợt vỏ chuối năm sau tui đổi thi ban A. Thằng Đáng thấy tui làm nghịch
đời nên la làng:
- Ê! Bộ mầy khùng hả? Pháp văn học từ nhỏ tới lớn không chọn
làm sinh ngữ chính lại đi chọn Anh văn làm sinh ngữ chính bộ tính để trống giấy
thi cho người ta gói bánh mì à?
Tui cười cười trả lời nó:
- Ngu sao để trống mậy. Không biết thì coi chữ nào giống giống bên
cái bài mà người ta cho mình đọc để trả lời câu hỏi đó, cứ rinh đại qua
ráp vô câu trả lời xài đở là được rồi. Dù gì mình cũng viết nhiều
trong đó, thế nào các giám khảo chấm thi cũng cho một chút điểm an ủi mà, không
ai nở lòng cho mình ăn hột vịt đâu mà sợ.
Còn Pháp văn là sinh ngữ ruột của mình nếu chọn làm sinh ngữ 2 chắc chắn
sẽ hốt được một mớ điểm.
Năm đó không biết bổn mạng của tui được sao gì
chiếu mà nó sáng vô cùng. Mới thi khóa một là tui chụp dính cái nhánh cây
sầu riêng làm mấy trái chín rụng tùm lum khiến mấy đứa bạn tui lượm về ăn no
bụng. Thi tốt nghiệp sư phạm tui cũng được hạng khá cao nên hôm chọn nhiệm
sở tui chọn trường kinh 7 cách nhà mình chừng 6 cây số.
Lớp tui năm đó về Rạch Giá 5 mạng. Ba gái 2 trai
coi như nam nữ ngang ngửa nhau. Nhưng có một bà chị kết nghĩa được xếp hạng áp
chót, xém chút nữa là chị ấy cầm cây cờ dinh dự để phất rồi. Hai
năm học ở trường sư phạm không biết sao mà mấy bà chị chung lớp xúm lại lập
thành cái gia đình kết nghĩa.
Gia đình đó gồm 8 người, 5 gái 3 trai cũng không
nhớ ai đã xúi dại rủ rê thế nào mà lại có tui trong đó. Hai năm đi thực
tập, cắm trại, tham quan, đi chơi chung với nhau cũng vui lắm. Ra trường rả đám
cũng có chút buồn. Ba mạng qua Kiến Phong một mạng tới Sa-Đéc, mạng kia đi Vĩnh
Bình, 3 mạng còn lại về Rạch Giá.
Tui tuy được nhiệm
sở gần nhà nhưng vẫn còn ngồi nán lại xem cô em út và bà chị thứ 3 trong cái
gia đình kết nghĩa kia được về đâu. Ngoài trục lộ thì rất hiếm nên cô em út
cùng 1 chị bạn chung lớp nắm tay nhau về trường Đông Yên. Tới phiên bà chị kết
nghĩa của tôi thì còn lại có 2 nơi đó là Cửa Cạn thuộc quận Phú Quốc và Xẻo Rô
1 thuộc quận Kiên An.
Thú thật vào thời
điểm đó bọn chúng tôi cũng đâu có rành về địa lý của tỉnh nhà. Chỉ biết lơ tơ
mơ Phú Quốc một hòn đảo cách đất liền 4,5 giờ đi đò lớn. Còn Kiên An thì thuộc U Minh thượng, mà nơi đó nghe
đồn Việt cộng nó nhiều như đĩa trên đồng. Vì thế mà bà chị tui ngồi khóc ròng
như mưa bất.
Chị đến kế bên tui than trời:
- Chắc chị phải bỏ nghề chứ một mình chị đi vô rừng U Minh thì chỉ có
nước chết mà thôi.
Cô em út cũng đến an ủi nhưng chị càng mũi lòng khóc dữ hơn. Túng thế
tui mới đi hỏi thăm chư vị thanh tra để xem thử coi trường Xẻo Rô 1 nó năm nơi
mô. Có
ai đó cho tui biết nó nằm trong rạch Xẻo Xu cách trường Đông Yên gần 3 cây
số. Ba cây số đường đất mà lội bộ vào mùa mưa đối với dân thành thị thì
quả là một cực hình, nhưng đối với dân ruộng như tôi thì rất bình thường không
có gì trở ngại, chỉ là hơi ngán mấy tay du kích mà thôi. Nhưng đi dạy học chứ có phải đi hành quân lùng giặc
đâu mà ngán Việt cộng thế cho nên tui tới nói với bà chị kết nghĩa:
- Thôi thì chị chọn đại Xẻo Rô 1 đi cho rồi. Công trình học hết 2
năm bây giờ lại bỏ ngang thì uổng lắm. Dù gì chị cũng chỉ ráng ở đó 2 năm thì
được quyền xin thuyên chuyển nhiệm sở rồi.
Bà chị tui mặt mày ủ rủ như con gà mắc mưa than:
- Hai năm mà em nói "chỉ có thôi" à. Hai tuần lễ là đủ để chị bỏ
xác tại chổ rồi. Thôi để chị ở nhà phụ má nấu cơm cho yên thân.
Cô em út tui xúi dại:
- Hay là anh hoán chuyển với chị ba đi, dù gì anh cũng là con trai có đi
xa một chút đâu có sao.
Đi cho biết đó biết đây
Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn.
Nói xong cô nàng nheo mắt ghẹo tui, còn bà chị thì ngước cặp mắt đẫm đầy
những giọt lệ nhìn tôi như van lơn cầu khẩn. Thấy tội quá tui liều mạng đổi đại
cái nhiệm sở ngon cơm của mình với bà chị kết nghĩa...
Hôm đi nhận sự vụ lệnh tui hỏi thăm rành rẽ về nhiệm sở của
mình...
Lần đầu tiên đến đó tui đi bằng đò Rạch Sỏi-Thứ
Ba. Con đường Rạch Sỏi - Xẻo Rô đi đò nào cũng được có mấy chục chiếc đò
mỗi ngày chạy xuống chạy lên Miệt Thứ-Rạch Sỏi liền liền. Từ thứ Ba, Tư...
dài dài tới Thứ 11 qua luôn Vân Khánh đều chạy ngang Xẻo Rô. Sau nầy quen rồi
tui lấy honda chạy thẳng vô Tắc Cậu gởi xe ở nhà bạn rồi có giang đò Xẻo
Rô - Tắc Cậu của mấy đứa học trò. Nhanh gọn lẹ lại ít tốn tiền hơn...
Ngày xưa ở xã ấp người ta lập ra cái gọi là giáo
dục cộng đồng. Các trường sơ cấp trong xã nhập chung với trường tiểu học thành
cái liên trường cộng đồng.
Thật ra cái liên trường đó chả có hoạt động gì ráo trọi chỉ là để
cho các giáo chức trong xã quen biết nhau mà thôi. Ở Kiên An có rất ít trường nên toàn quận chỉ có 1
liên trường cộng đồng mà thôi. Mỗi tháng về chợ Thứ Ba họp liên trường một
lần.
Tôi đến nhiệm sở của mình mới có mấy ngày là được
theo anh Tặng hiệu trưởng trường Đông Yên xuống thứ ba để họp liên trường. Anh Tặng khóa 6
bị lưu đày ở Đông Yên được 3 năm rồi vừa có sự vụ lệnh thuyên chuyển về Vĩnh
Long nhưng còn chờ giáo viên mới đến nhận nhiệm sở để có người thế anh Khải
khóa 7 được đề cử giữ chức vụ hiệu trưởng.
Trường Đông Yên là
1 trong 2 trường tiểu học mà quận Kiên An có được, năm đó có 9 lớp tất cả còn
trương sơ cấp Xẻo Rô 1 thì mới vừa cất xong năm rồi do một cô giáo viên ấp khá
lớn tuổi đảm trách. Nghe nói cô đi dạy từ khi trường tiểu học Đông Yên mới bắt
đầu thành hình. Nhà cô ở cạnh trường mới nên cô xin chuyễn về
Xẻo Rô 1 để mỗi ngày không phải lội bộ mấy cây số.
Họp liên trường
cộng đồng các giáo viên cũ không ai thèm đi làm gì cho tốn tiền đò chỉ có 2 ông
hiệu trưởng mới và cũ cùng với 3 người khóa 9 chúng tôi xuống Thứ Ba chơi cho
biết. Anh Tặng mượn cái vỏ vọt của phụ huynh học sinh Đông Yên rồi tự mình
lái chở bọn tôi đi họp liên trường cộng đồng. Toàn Quận Kiên An lúc đó
"giáo học bỏ túi" của bọn tôi thiệt chỉ vừa đủ đếm trên đầu ngón tay,
ngón chân. Các nàng gặp nhau thì nhiều chuyện để nói nên kéo đi mất biệt còn
lại 7 thằng đực rựa thì tề tựu lại nhà Bảy Bữu bày tiệc nhậu.
Tui là lính mới ra
lò chưa được 1 tuần thâm niên công vụ, mặt mày thì búng ra sữa lại ngơ ngơ ngáo
ngáo không biết chuyện gì để nói để kể trong khi bàn tiệc tiệc thì vang trời
dậy đất những chuyện tiếu lâm đủ loại. Thấy tui ngồi làm thinh ít nói mà
ăn uống gì cũng hỏng ham anh Bình bước qua vừa cụng ly tui vừa cười vừa nói:
- Làm gì mà ủ rủ như con gà nuốt dâu thun dzị chú em? Hay là
mới bị bồ đá. Buồn quá nên lười ăn, biếng nói chớ gì.
Tôi vội lên tiếng đính chánh:
- Hổng phải đâu. Tại lạ nước lạ cái nên hơi ngại hơn nữa tui lại không
biết hát hò mà chuyện tiếu lâm cũng chẳng rành.
Mấy anh khác đồng loạt xây qua tui lên tiếng:
- Vậy thì kể chuyện gì cũng được. Hay là kể chuyện tình yêu thời ký túc
xá cho tụi nầy nghe đi, không lẻ ở đó 2 năm mà không có một mối tình nào bỏ túi
sao?
Thiệt là chết một cửa tứ. Đúng là 2 năm sư phạm tui không có được một
cuộc tình nào lận lưng để đem theo ra trường cả. Phần vì tui nhát hít, phần
cũng gì nhìn đi nhìn lại thấy người nào cũng là chị của mình hết trơn. Có cô em
út kết nghĩa thì thằng cô hồn Đảm ngồi kế bên dành phần để cho nó cua rồi. Suy
đi tính lại chỉ có câu chuyện lúc đi thi tú tài 2 bốn thằng tôi rình coi hai
anh chị ở phòng kế bên "tò tí te" là có thể kể làm vui cho mấy vị sư
huynh nghe tàm tạm mà thôi.
Nghe tui dạo đầu câu chuyện Bảy Bữu hối:
- Chuyện nầy coi bộ hấp dẫn à nghen đâu chú
em mầy kể rỏ chút coi.
Tui hắn giọng kể: Mùa hè năm 1971 tui
đang lóng nhóng dò tìm tên mình trên bảng danh sách các thi sinh dự kỳ thi tú
tài 2 ở trung tâm Thoại Ngọc Hầu thì có ai đó vỗ vai mình nghe cái bốp. Tui
giật mình quay lại nhìn thì ra là thằng Chiến đứng sau lưng nó cười hỏi:
- Mầy đang tìm cái gì trên đó dzị? Có đi thi đâu mà tới
đây. Hay là tới tìm em Lệ của mầy? Nàng học trường sư phạm Long Xuyên chứ
có phải học Thoại Ngọc Hầu đâu mà mầy đi tìm cho mất công.
Tui mừng rỡ trả lời:
- Sao biết tao hỏng đi thi hay dzị? Bộ học trường sư phạm bị cấm
thi tú tài hả? Ở đó đa số là các anh chị rớt tú 2 mới vào sư phạm nên người ta
ra ngoài học thêm để thi lại nhiều lắm.
Thằng Đáng và thằng Lục đứng ở phía sau nói vói vô:
- Đừng nói với tụi tao là mầy cũng bắt chước người ta học thêm
để thi à nghen.
Tui không thèm trả lời mà chỉ tên mình trong danh sách thí sinh tự do
cho thằng Chiến xem. Vậy là nó khỏi móc méo lôi thôi. Chiến rủ tui:
- Kỳ nầy mầy đừng ở nhà chị hai làm chi, tới khách sạn An
Giang ở chung với 3 đứa tao cho vui đi, tụi tao mướn cái phòng lớn lắm có 2 cái
giường ngủ bự tổ chảng luôn, hơn nữa cả năm rồi tụi mình chưa gặp
lại...
Vậy là 4 thằng tui chất nhau lên 2 chiếc honda chạy lại khách
sạn An Giang. Chiến và Đáng vô trước còn tui với Lục lo gởi xe nên vô
sau.
Vừa nào phòng thì nghe Chiến đố thằng Đáng:
- Tao đố mầy cái cặp vừa mướn phòng kế bên mình là vợ chồng
với nhau hay là bồ bịch với nhau?
Thằng Đáng đế một câu như trời giáng:
- Hỏi ngu ngốc vậy cũng hỏi. Là bồ bịch mới dụ nàng vô khách sạn chứ vợ
chồng mắc chứng gì mướn khách sạn cho tốn tiền.
Thằng Chiến đâu dể chịu thua nó phản pháo lại liền:
- Rủi người ta ở xa đến đây chơi hay có việc gì thì sao?
Đáng cười giòn:
- Nếu vợ chồng ở xa tới đây thì họ phải mang theo đồ đạc
chứ. Mầy không thấy hai đứa nó đi tay không vô à.
Lục nhảy vô binh thằng Chiến:
- Nhưng cũng chưa chắc họ bồ với nhau, biết đâu ông thần đó mướn em út
vô thì sao?
Ba đứa nó đứa nào cũng cho là mình đoán đúng tui năm trên giường nghe
phát mệt nên cũng nhảy vô vòng chiến:
- Muốn biết hai người đó quan hệ như thế nào thì rình xem họ làm gì là
biết liền chứ ở đó mà đoán già đoán non làm chi cho mất công.
Ba đứa nó quay mủi dùi qua tui:
- Làm sao rình được?
Thời xưa người ta xây nhà bằng gạch ống, phòng nầy giáp phòng kia phía
trên vách tường họ thường chừa 2 cục gạch trống làm 2 cái lổ thông hơi. Tui chỉ
lên 2 cái lổ thông hơi trả lời:
- Kéo cái bàn qua đó rồi leo lên bàn ngó qua thì thấy rỏ họ đang làm gì
ở bển rồi.
Tui chưa kịp dứt lời là Chiến và Đáng đã khiên cái bàn để ngay phía dưới
lổ thông hơi. Hai đứa đồng loại leo lên bàn. Tui la nhỏ:
- Mỗi lần một thằng thôi, lên một lượt 2 thằng coi chừng xập cái bàn hổng
có tiền thền cho người ta à.
Nhưng 2 thằng nó đâu có thèm nghe tui nói, cứ nhón miết lên xem mà không
thèm trả lời, trả vốn tiếng nào hết. Chừng 10 phút sau thằng Chiến mỏi
chân nên xuống trước. Tui với Lục xúm lại hỏi:
- Hai người đó đang làm cái gì mà thằng Đáng xem mê mệt vậy?
- Họ đang chơi bài chứ có làm gì đâu mà coi cho mỏi chưn.
Lục nghe xong là tức tốc leo lên bàn thế chổ của Chiến để nhìn
qua phòng bên kia còn thằng Chiến thì ngạc nhiên nhìn tui hỏi:
- Hai người đánh bài thì có gì lạ đâu mà nó cũng nhảy lên xem vậy?
Tui cười cười trả lời nó:
- Tại mầy hỏng biết thôi. Thằng Lục có lần kể cho tao nghe nó
cũng dẫn cô bồ vô khách sạn rồi dụ nàng chơi bài hể người nào thua là phải cởi
bỏ trên mình ra một món đồ. Nảy giờ mầy xem thấy ai ăn ai thua vậy???
Thằng Chiến nghe tui hỏi nhưng nó cũng không thèm trả lời mà lại leo lên
cái bàn cây, rồi chen với 2 đứa kia nhìn qua phòng kế bên.
Cái bàn chịu sức nặng cửa 3 thằng con trai mới lớn nên run lên cầm cập,
nó đưa qua đưa lại từng chập cho đến khi sụp xuống đánh rầm một tiếng thật lớn,
phòng kế bên ánh đèn cũng tắt theo...
Anh Tặng hỏi:
- Vậy chú em mầy hỏng có coi thử xem họ làm gì bên đó sao?
Tui cười cười trả lời:
- Tui thấy 3 đứa nó nhóng lâu quá mà không có thằng nào chịu xuống thì
đoán chắc bên trong đang có màn hấp dẫn nên mới leo lên bàn mà coi ké với thằng
Đáng. Vừa thấy cái mảnh vải cuối cùng của cô kia cởi ra thì thằng Đáng lấn tui
mạnh quá nên cái bàn sụp bà chè làm bốn thằng lật gọng, có thấy thêm được gì
nữa đâu mà kể...
Bảy Bữu cười lớn:
- Vậy chắc kỳ thi đó 4 đứa bây rớt hết phải hông?
- Sao anh biết hay dzị? Tui giật mình hỏi
lại.
Anh Khải tiếp lời:
- Chắc là nó cũng gặp cảnh y chang như chú
em mầy thấy nên biết rành chứ gì...
Sau khi biết tui
có bằng tú 2 anh Bình rủ tui ra sở học chánh nộp đơn xin dạy thêm giờ cho
trường trung học Kiên An thế chổ anh Tặng. Anh cho tui dạy
toán lớp 6 và lớp 7 buổi sáng từ 8-12 giờ. Hai ngày mỗi tuần. Buổi chiều
thì tui lo cho cái nhiệm sở chính của mình. Trên giấy tờ nó là trường sơ cấp
Xẻo Rô1 còn người ở đó hay gọi là trường Xẻo Xu.
Dạy được mới có 1
tuần thì anh Bình được sự vụ lệnh thuyên chuyển về quê. Bảy Bữu lên thế chức hiệu trưởng nhưng
còn giờ dạy của anh Bình thì không có người thế. Trường Kiên An năm đó có 5 lớp
tất cả 2 lớp 6. 2 lớp 7 và 1
lớp 8, mà chỉ có 3 cô giáo dạy giờ là
cô Phù Hoa, Cô Mai và cô Nguyệt cùng với 3 giáo học bổ túc cũng dạy thêm giờ là
Anh Bình, Anh Tặng và Bảy Bữu. Anh Tặng đi về quê thì có tui vào thế còn
anh Bình sắp đi thì phải chờ xem ngài sở học chánh có đưa ai vào dạy nữa
không. Nhưng mà trường đã khai giảng hơn tuần rồi cho nên
Bảy Bữu không còn hy vọng có người mới xin vô dạy. Anh ta kêu tui
thầu luôn môn Việt Văn mà anh Bình phụ trách. Vậy là mỗi tuần tui dạy 5 buổi liên tục. Thứ 2 cho
tới thứ 6 chỉ có thứ 7 được nghỉ xả hơi buổi sáng nhưng buổi chiều vẫn phải dạy
lớp 2 trong trường Xẻo Xu.
Là một thầy giáo mới ra lò nên tui còn hăng lắm.
Ngoài những tài liệu cũng như sách vở theo chương trình của bộ giáo dục đưa
xuống tui còn mượn tài liệu cũng như tập vở của các em học lớp 6&7 năm rồi từ trường
Kiên Tân, Kiên Thành và cả trường Nguyễn Trung Trực đem về để nghiên
cứu rồi rút ra các ưu điểm của từng trường sau đó đúc kết lại thành bài học
riêng cho các học trò của mình. Cho nên năm đầu tay có hơi bận rộn một tí. Sang
niên khóa 73-74 tui khỏi cần soạn bài nữa cho nên buổi chiều sau khi cơm nước
xong rồi thì rất rổi rảnh. Lúc đầu thì thằng con trai của
"A sím" bán sữa đậu nành đến nhờ tui chỉ thêm toán vì năm tới nó
sẻ thi vô lớp sáu, kế đó là Tâm con chú Tám tiệm cà phê tại
chợ, rồi Loan con ông chủ tiệm tạp hóa, Bích con ông chủ tiệm may Văn Chương,
Phụng con tiệm thuốc bắc Kim Anh, Tố Anh em của mấy đứa học trò mà tui đi ké đò
của nó mỗi ngày...
Gần một chục đứa yêu cầu tui dạy luyện thi lớp 6 cho tụi nó.
Trường Kiên An lúc
đó tổ chức thi tuyển bề ngoài xem dữ dội cho giống các trường trung học
khác chứ thật ra thí sinh ghi danh dự thi so với số học sinh thu nhận không
chênh lệch là bao nhiêu, cở độ 9/10 không như lúc tui thi vô đệ thất.
Một phải đấu với 4 hay 5 mạng. Mà học
sinh Đông Yên lại được các giáo viên chuyên nghiệp dạy dổ ngon lành
vậy thì thi đậu là cái chắc rồi đâu cần học luyện thi làm gì. Nhưng cha mẹ
chúng là những người quen trong chợ đến nhờ mà mình thì quởn quá
không có việc gì làm, từ chối coi sao đặng nên tui đồng ý dạy thêm không công
cho chúng...
Trong 2 năm 7 tháng sống ở Xẻo Rô cái làm tôi nhớ
là tình người. Từ tình thầy trò, tình đồng nghiệp, tình xóm làng thứ tình nào
cũng khắc ghi trong tim tôi một nổi nhớ không quên...
Nhưng mà tôi vẫn phải nộp đơn xin thuyên chuyển về trường kế nhà tôi
cũng là ngôi trường tôi đã học lớp 3 với cô Nhiên. Trường Mong Thọ 19.
Cuối tháng 2 năm 1975 tôi tưởng mình đã thật sự rời khỏi vùng đất Kiên
An nhưng thật không ngờ sau ngày mất nước tui lại nổi hứng xin trở lại cái
nhiệm sở ban đầu mà làm bạn với muỗi để rồi dòng xoáy đời đưa đẩy tui tới bến
bờ tự do.
Thiệt là tình mà. Phải nói đúng là số trời đã
định...
3 comments:
Ông bạn Lanh Nguyễn viết hay vui nhộn
Hi hi...Tui cũng thích bò bía lắm ở RG hồi đó có chiếc xe bán bò bía hay đậu trước tiệm vàng Tân Kim Sơn người RG trước 75 chắc là còn nhớ...HTX
Muốn ăn bò bía thì dìa Rạch Giá với ông đạo Quang. Mần mai xong thì ổng sẽ mua luôn cái xe bò bía mà hậu tạ.
Post a Comment