Saturday, December 9, 2017

Mối Tình Đầu Của Tôi

NGUYỄN NGỌC HOÀNG

1.


Ngày xưa còn bé, tôi thấy con sông trước nhà nội sao lớn đến như vậy. Ước mơ thuở đó, là một ngày tôi sẽ bơi qua sông, đến bên kia bờ. Rồi chẳng lâu, tôi đã thực hiện được điều đó. Con sông trước nhà nội tôi không còn lớn nữa! Ngồi ngất ngưỡng bên kia sông, nhìn khúc quanh cuối làng, tôi vẫn thường tự hỏi: dòng sông quê tôi, sẽ chảy về đâu ở cuối nguồn? Cho đến khi học hết tiểu học, tôi phải lên huyện để thi vào lớp đệ thất. Ngày đi thi, bà nội và má tôi nhắc nhơ, dặn dò đủ điều gần hết cả đêm. Riêng tôi, chỉ mong ngày mai sẽ được đi đò lớn, ra khỏi làng đến cuối nhánh sông quê. Thế nhưng khi con đò lớn chạy hết con sông làng, thì trước mắt tôi là một bãi sông lớn mịt mùng, không bờ bến, trước khi rẽ vào trường huyện. Trên đò mọi người lao nhao, đã ra sông Cái! Tôi xúc động vô cùng. Thì ra là vậy, cuối nhánh con sông nhỏ làng tôi là một con sông rộng lớn khác. Con sông nhỏ trước nhà nội không dừng lại ở cuối làng, mà hòa mình vào một dòng sông khác của quê tôi, rộng lớn hơn và trôi, trôi mãi không ngừng. Tôi không còn mơ ước sẽ bơi qua bên kia bờ của dòng sông Cái, như ngày xưa nữa. Nhưng dòng sông Cái rộng lớn nầy sẽ trôi về đâu ở cuối chân mây? Một ngày lớn lên, tôi quyết sẽ đi đến đó. Tôi tự nhủ với lòng.


2.
Thời gian trôi qua thật nhanh. Thoáng chốc mà tôi đã học hết đệ tứ, lớp cuối cùng của trường huyện. Tôi chuyển lên trường trung học nam sinh của tỉnh. Ngày đó không hiểu sao, người ta lại phân hai trường trung học nam, nữ. Nhiều lúc tôi ấm ức, vì suốt thời gian học hành còn lại, mỗi ngày tôi chỉ tòan là nhìn mấy tên “đực rựa”, chán chết được. Mãi đến sau, tôi và lũ bạn biết được trường nữ trung học tỉnh cách đó cũng không xa! Chiều chiều, tan học chúng tôi rũ nhau qua đó, nhìn người và tập trồng “cây si”. Mặt tôi cũng bắt đầu lấm tấm mụn và giọng nói pha lẫn nhiều giọng đực, giọng cái ồ ề! Nội tôi nói, “Nó đã lớn. Chuẩn bị coi vợ là vừa”. Tôi nghe vừa giận nội, vừa suy nghĩ  bâng khuâng... Những buổi chiều như vậy cứ lặng lẽ trôi qua. Không phải là người khéo tay, nên tôi chẳng trồng được “cây si” nào bám rễ trước cổng trường con gái.
Năm lên đệ nhị, chuẩn bị thi tú tài một thì cuộc chiến tranh cũng bắt đầu bùng nổ, lan tràn dữ dội trên mọi ngõ ngách quê hương tôi. Đêm đêm tiếng súng lớn súng nhỏ vọng về trên căn gác nhà tôi ở trọ. Nhiều lần nội nhắn tôi đừng về thăm nhà vào những ngày cuối tuần. Đầu năm học, nên cũng chẳng có gì phải cần ôn tập, luyện thi. Vừa nhớ nhà, vừa quỡn không chuyện gì làm, tôi lang thang khắp nẽo đường chợ tỉnh, để tập làm người lớn và mộng mơ. Đám bạn cùng trường, đã có đứa có bồ, thức trắng đêm viết thư hò hẹn. Còn tôi thì đã mòn hết phân nửa đôi giầy bata, mà chẳng có em nào để mắt. Mãi đến một hôm về nhà thăm nội, đã thay đổi cuộc đời tôi mãi sau nầy.
Lần đó, nội tôi báo, con trai lớn của bà Sáu Lợi vừa tử trận. Hài cốt mang về quê và chôn phía sau nhà. Chồng chết, gia đình con dâu cũng dọn về đây chung sống. Nhà bà Sáu ở phía bên kia cầu cầu, cách nhà nội con rạch nhỏ, huê lợi chính là khu vườn mận chạy dài phía sau. Làng xóm còn gọi thân mật là bà Sáu mận. Gia đình thím Mạnh, tên chồng, có cả thảy bốn người con. Cô con gái lớn, tên Lệ – Nguyễn Thị Lệ, hơn tôi hai tuổi. Và đứa con trai út, vừa tuổi mười hai. Dần dà thời gian saú, tôi được biết thêm chị Lệ làm thư ký cho hội đồng xã. Lần đầu gặp chị trên chuyến đò, tôi trở lại trường, chị đi chợ tỉnh. Khuôn mặt thanh tú, mái tóc dài nửa lưng và đôi mắt buồn, biếng nói.
-Hoàng phải không? Hôm nay lên trường tỉnh? Chị tên Lệ, ở kế bên nhà.
-Dạ. Chị là chị Lệ.
Chỉ có vậy, tôi và chị quen thân từ đó. Chị Lệ cũng giống tôi, thích đọc sách. Nhất là các tuần báo như Tuổi Ngọc, Khởi Hành và Văn. Mỗi tuần tôi mua đều đặn, để được gặp và trò chuyện với chị.
-Ước mơ của Lệ là trở thành cô giáo. Vì hoàn cảnh gia đình, chị không thực hiện được. Còn Hoàng?
  Chỉ có chị, vừa xưng “chị” và vừa xưng tên “Lệ” với tôi trong cùng một câu nói.
-Hoàng cũng vậy. Cũng ước mơ trở thành một nhà giáo như chị.
-Lệ rất thích nghe giọng nói của Hoàng. Chị chắc chắn Hoàng sẽ trở thành một thầỳ giáo giỏi cho coi! Hoàng ráng học và thi đậu nghen...
Tôi nghe chị nói mà mừng, sung sướng tê người. Thật ra thì ngược lại, tôi mới là người thích nghe giọng nói của chị. Đôi môi nhỏ, phơn phớt hồng của chị, nói bất cứ chuyện gì tôi cũng thấy hay và muốn lắng nghe không dứt. Rất nhiều đêm trằn trọc, không ngủ được, tôi luôn nghe văng vẳng bên tai giọng nói chậm, dịu êm của chị. Giấc ngủ đến với tôi dịu dàng hơn.

Thời gian trôi thật nhanh theo con nước nhỏ trước nhà nội. Có chị, tôi thi đậu tú tài một dễ dàng với hạng bình. Má và nội mừng lắm, làm một tiệc nhỏ, vừa cúng ông bà vừa chia vui với bà con trong họ. Lần đó, chị rủ tôi đi chợ huyện để ăn mừng. Niềm vui chóng váng qua mau. Gia cảnh chị Lệ càng ngày càng khó khăn hơn. Đồng lương thư ký xã không nuôi nổi chừng đó miệng ăn. Đám quân nhân, công chức xã huyện tới lui nhà chị không ngừng. Càng lúc chị càng đẹp. Chị đẹp cả huyện. “Thời buổi nầy, đẹp như con Lệ không biết là may hay là họa”, nội tôi đôi khi cũng chép miệng, thở dài.
Gần cuối năm đệ nhất, thì tôi hay tin gia đình chuẩn bị đám cưới cho chị. Nghe nói, đó là con một người điền chủ giàu có ở miệt dưới. Quà cưới là một căn nhà lớn, chục mẫu ruộng vườn cho cả gia đình chị. Tôi nghe tin, thấy lòng trống trải vô cùng. Một khoảng trống mênh mông, cứ tràn ngập mỗi ngày một lớn. Tôi biết mình đã yêu chị thiết tha. Một buổi tối cuối tuần, có đoàn hát về huyện, mọi người háo hức đi coi. Trừ tôi và chị. 
Ngọn đèn dầu trên bàn soi bóng chị đổ dài trên vách. Khuôn mặt chị thật gần, để tôi có thể nghe rõ từng hơi thở nhẹ, ngập ngừng của chị. Đôi mắt chị thỉnh thoảng nhìn tôi, rồi nhìn vào ngọn đèn bấc khâu đêm, khe khẻ thở dài.
-Đừng chê trách, ghét bỏ chị nghen Hoàng..! Một ngày, Hoàng sẽ hiểu những gì Lệ muốn nói... Chị sẽ mãi nhớ Hoàng ở tận cuối nhánh sông...
Giọng nói chị hụt hẫng, nghẹn lời. Bên ngoài, từng cơn gió hắt hiu thổi vào, mang theo chút hơi sương lạnh từ con sông nhỏ trước nhà. Đêm chìm sâu, lặng lẽ. Giữa tiếng côn trùng nĩ non, xa vắng:
-Rồi một ngày, Hoàng sẽ quên chị... Hoàng sẽ quên cái làng bé nhỏ nầy và quên cả đêm nay. Nhưng Lệ sẽ không bao giờ...
Tiếng nói chị mờ đi. Bàn tay tôi đã nằm gọn trong những ngón tay thon dài của chị lúc nào không hay. Nỗi buồn trong tôi, lần nữa, chợt loang vỡ. Tôi muốn nói thật nhiều, nhưng mọi ngôn ngữ chừng như thừa thải, vô dụng. Khuôn mặt đẹp não nùng của chị làm đong đặc khỏang không gian nhỏ bé chung quanh.  Tôi thoáng nghe hơi thở chị thật gần. Thật gần để bất chợt, bờ môi nhỏ, mềm mại của chị đã gắn chặc môi tôi hốt hoảng, dại khờ. Thời gian lịm chết, ngừng trôi. Không gian mù lòa, tan vỡ. Nụ hôm đầu đời của tôi và mùi hương da thịt con gái. Bờ môi tôi ngây ngất, tham lam. Thân thể ấm áp, mềm mại của chị rung nhè nhẹ trong vòng tay tôi cuống quit. Đêm đã chìm sâu, khuất lấp...

Hôm rước dâu, tôi lặng lẽ đi dọc theo con đường làng, tiễn chị đến cuối con sông nhỏ quê tôi. Đoàn ghe rước dâu rẽ vào sông Cái, qua khúc chợ huyện và mờ dần ở cuối chân mây. Con sông Cái lớn sẽ đưa chị về đâu giữa mịt mùng sóng nổi? Để tôi đứng lại đây, chờ đợi những bất chợt cuộc đời. Chị ơi, một ngày Hoàng sẽ đi đến cuối nhánh sông dài có chị. Tôi sẽ mãi nhớ thương mái tóc, đôi môi của chị đang thì thầm với dòng sông đời một dãy cuộn trôi. Mắt tôi khô cứng, sao lòng tôi sóng vỗ theo người...

Tôi đã không làm được điều đã hứa với lòng. Dòng đời không trôi xuôi theo lòng nhau ước nguyện. Tôi đã không trở lại làng xưa, không cố đi hết dòng sông Cái lớn, để đến được cuối nhánh con sông dài tha thiết. Tôi đã vượt qua bao đại dương, qua bao biển cả trùng khơi, trước khi đi đến cuối nhánh sông quê. Mọi vùng đất tôi qua, mọi cuộc đời tôi sống cứ như một dòng sông cuồng cuộn chảy vô tình. Tôi không bám được rễ, như một nhánh lục bình, sao cứ nở hoa. Những bông hoa tim-tím quê nội, đã theo tôi, trôi suốt một dòng đời hờ hững.
Nhưng trên hết, tôi đã thực hiện được niềm mơ ước của chị, của tôi: “Hoàng đã trở thành thầy giáo rồi chị ơi!”.  Duyên nghiệp không dài, 5 năm (1976-1981), nhưng ước mơ của chị là những ngày tháng đẹp nhất một đời của tôi. Những ngày tháng đó, tôi có tuổi trẻ và đam mê. Tôi yêu thương con người trên mọi nỗi đau và khó khăn chồng chất. Tôi yêu từng dãy bàn ghế, từng ánh mắt hồn nhiên, trong sáng của học trò. Tôi dạy với tất cả tấm lòng, trái tim như ngày mai sẽ không còn dịp nữa. Ngày đó không hiểu sao tôi đã có linh cảm nầy. Tôi đã dạy, đi rất xa ngoài trang sách. Tôi không quan tâm đến những bài học khô khan, giáo điều. Dạy như nói với các em, những điều tôi muốn nói với chính mình. Tôi ước muốn, mỗi một giờ dạy, một năm học với tôi là những âm vang, những hình ảnh các em mang theo suốt một quãng đời còn lại. Ít nhất là đối với riêng tôi.  

3.
Nhiều năm tháng trôi qua, hơn bốn mươi năm thoáng chốc. Người đàn ông mái tóc bạc màu, đứng lặng lẽ nhìn con sông nhỏ bơ vơ hòa vào lòng con nước rộng bao la. Nơi có chị, có tôi một đời cưu mang dòng sông trước ngõ. Tôi đã già theo năm tháng, nhưng tình yêu và hình ảnh chị vẫn tuổi hai mươi. Tôi đi loanh quanh trong khu chợ huyện, nơi cuối nhánh sông dài. Những khu phố mới xây sầm quất, cao tầng chen lẫn với những con đường nhỏ, uốn quanh dọc ven bờ. Nhìn đâu tôi cũng thấy hình bóng chị. Đôi mắt chị nhắn nhủ tôi hãy nhìn đời độ lượng. Đôi môi nhỏ, phơn phớt hồng, gửi tôi niềm tin yêu thắm mãi không nguôi. Số phận mỗi con người như hạt bụi bay bơ vơ trong sa mạc đời vô tận; hạt muối nhỏ nhoi tan lẫn giữa lòng biển rộng bao la. Nụ hôn đầu của chị dạy tôi tiếng nói yêu người, hun đút trong trái tim tôi tình yêu đời không dứt. Những năm tháng đối đầu với bao khổ đau, hệ lụy tôi vẫn giữ trên môi tình yêu của chị thiết tha. Chị đang ở đâu, có nhớ lời hẹn ước? Có còn nhớ đến tôi, nhớ con sông nhỏ quê nhà? 

Một lần, chị đã đến với cuộc đời nầy hệ lụy cưu mang. Một đời, chị đã để lại trong tôi một nhánh sông, một nhánh sông dài cuối ngõ. Nhánh sông tôi đã qua bao bến bờ chờ đợi, lướt trôi. Qua bao nhiêu khúc sông, dòng đời tôi bên bồi bên lỡ. Trên dòng cạn mai nầy hay trong tiếng chim gọi chiều nước lớn, tôi vẫn mãi nhớ thương chị tận cuối nhánh sông dài... Chị ơi!



NNH

9 comments:

Phieu Tran said...

Cho dù bể can,sông dời
Nụ hôn thủơ đó; đầu đời khắc sâu !
Dặm trường; trôi giạt về đâu
Phù sa đựơm thấm; tình đầu vương mang !

trường tôi said...

Người yêu cũ của tác giả mà đọc được bài viết này chắc là khóc hết nước mắt vì xúc động bởi có người đã nhớ tới mình , một mối tình cao thượng và trong sáng .
Trong bài viết này tác giả đã ví cuộc đời mình như 1 dòng sông cuộn chảy tận cuối chân mây không biết đi về đâu như 1 nhánh lục bình trôi hững hờ... Giờ đây qua bao nhiêu khúc sông nhánh lục bình ấy giờ thì mắc cạn phải dzị hong ? Xin chúc mừng kkk...

LTP said...

Đúng là trái đất tròn, ngày xưa nghe Lý hữu Di khen học với Giáo Sư Văn có giọng nói rất là truyền cảm, đến độ cô học trò K. Hoa phải ngẩn ngơ luôn, gặp nhau trên TH ước chi Thầy Comments cho vui cửa vui nhà.

Nguyễn Ngọc Hoàng said...

Bạn LTP thân, thật quả đất tròn và nhỏ (với mạng xã hội ngày nay). Thời gian thoáng chốc, trôi nhanh, không trở lại. Trong bài thơ đời Đường “Tứ Hỷ” (không ai còn biết tác giả):
Cửu hạn phùng cam vũ
Tha hương ngộ cố tri
Động phòng hoa chúc dạ
Kim bảng quải danh thì
tạm dịch:
“Bốn Niềm Vui”
Nắng hạn gặp mưa rào
Xa quê gặp bạn cũ
Đêm động phòng hoa chúc
Đi thi đổ bảng vàng
Vui mừng vô cùng, gặp lại nhau trên trang nhà TH. Lý Hữu Di cũng có gửi tôi bài thơ “Thầy ơi!”, xin chia sẻ với các bạn:
Thầy ơi!
Cho em gọi lại tiếng thầy
Một thời ngổ ngáo đậm đầy phiêu lưu!
Bốn mươi năm ấy cho dù
Đổi thay cách trở phù du mấy màu
Giọng thầy trầm ấm ngọt ngào
Đưa em về bến mơ ngào ngạt hương
Dù cho cách biệt muôn phương
Thầy ơi,
kỷ niệm học đường không phai!
(Em Lý Hữu Di)
Vừa rồi trong bài tùy bút “Rạch Giá Trong Tôi”, trên blog’s Trung Học Kiên Thành – mấy cô học trò “năm cũ” có ý phản đối – sao chỉ nhắc đến K. Hoa trong bài(?):

Nguyet Hang Gửi lời hỏi thăm thầy , chúc thầy và gia đình luôn hạnh phúc , thầy ơi còn nhiều học trò của thầy ở RG nữa.

Thanh Khiết Trương Tìm gặp Thầy rồi há Nguyệt!

Cúc Lâm • Friends with Thanh Khiết Trương and 8 others
Em là Cúc Lâm nè, cùng học chung lớp và ngồi cùng bàn với Nguyệt nữa đó!

Bạn Trường Tôi thân, tôi vẫn là nhánh lục-bình trôi, chưa bám được rễ dù đã sống trên đất nước nầy hơn 30 năm! Mong sẽ được nhận được ý kiến bạn trong những bài viết tới trên TH.
Thân mến, NNH

Quang Minh said...

Thầy LTP gặp lại bạn trên blog TH sau nhiều năm xa cách và nhận được những lời thân mến của học trò xưa . Chúc mừng ! Chúc mừng !
Trái đất vẫn tròn gặp lại nhau
Mấy năm xa cách hỏi thăm chào
Chuyện xưa nhắc lại trào dâng cảm
Bày tỏ dòng thơ đẹp biết bao
Kỹ niệm vui buồn biết bao

trường tôi said...

Anh Quang ơi, Đại ca LTP (Lý Thanh Phong )hỏng phải là thầy giáo... Mà là Thầy Bói hi...hi nhớ hồi năm ngoái nhóm TH có qua Oregon chơi có gặp LTP ảnh bói cho tui vài qủe hay lắm! Vậy đi nghen!

trường tôi said...

Anh Quang ơi, Đại ca LTP (Lý Thanh Phong ) hỏng phải là Thầy Giáo... mà là Thầy Bói hi hi...nhớ hồi năm ngoái nhóm TH có qua Oregon chơi, có gặp LTP ảnh bói cho tui vài quẻ hay lắm... Vậy đi nghen !

trường tôi said...

Anh Quang ơi, Đại ca LTP (Lý Thanh Phong ) hỏng phải là Thầy Giáo...mà là Thầy Bói hi hi...nhớ hồi năm ngoái nhóm TH có qua Oregon chơi có gặp LTP ảnh bói cho tui vài quẻ hay lắm! Vậy đi nghen!

Quang Minh said...

HTX ơi ,
Thầy giáo hay thầy bói có chữ thầy là được rồi . , quan trọng là bố cho HTX đúng hay sai mà thôi
Vậy thầy bố LTP đoán cho HTX như thế nào , kể cho nghe đi