_____________
Vũ Thế Thành
Mẹ
tôi nể phục mấy cô gái Hà Nội lắm. Dưới con mắt của người nhà quê ra Hà Nội làm
việc vặt, bà thấy các thiếu nữ nơi đây ứng xử khôn khéo, nói năng lễ độ, và
khuôn phép lắm. Đó là chưa kể thêu thùa may vá, nữ công gia chánh,… Nói chung
là đảm. Mỗi khi thấy mấy cô Sài Gòn tân thời quá, tự nhiên quá, bà lại chép miệng,
con gái Hà Nội đâu có thế. Bà nói riết, nói riết…, khiến tôi ngờ…bà muốn thằng
con của bà nên đi tìm một thiếu nữ Hà Nội.
Nhưng
thế giới của tôi lại khác. Tôi sinh ra ở Sài Gòn, lớn lên ở Sài Gòn, bạn bè Sài
gòn, trong đầu tôi, nếu có, cũng chỉ là con gái Sài Gòn cho hợp… thủy thổ.
Mà
con gái Bắc (di cư 54) hồi đó gớm lắm, vờn qua vờn lại, làm duyên, đá lông
nheo, õng ẽo làm điêu đứng con trai Nam Kỳ đến là khổ. Một thanh niên xứ Biên
Hòa đã phải cay đắng thế này:
“
Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc
Nhớ
điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền,
Nhớ
khiêm nhường nhưng thâm ý khoe khoang,
Nhớ
duyên dáng ngây thơ mà xảo quyệt…”
Tôi không có ý kiến gì về bài thơ trên, mà cũng chẳng dại gì có ý kiến. Mấy bà mấy cô Bắc Kỳ đọc bài thơ trên có nổi cơn tam bành rủa xả, thì chắc cũng chỉ mình rủa mình nghe thôi, chứ tác giả, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên chết rồi, chết trong một chiếc xe hơi cũ kỹ ở sân chùa bên California.
Tôi không có ý kiến gì về bài thơ trên, mà cũng chẳng dại gì có ý kiến. Mấy bà mấy cô Bắc Kỳ đọc bài thơ trên có nổi cơn tam bành rủa xả, thì chắc cũng chỉ mình rủa mình nghe thôi, chứ tác giả, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên chết rồi, chết trong một chiếc xe hơi cũ kỹ ở sân chùa bên California.
Dù
sao cũng nên đọc tiếp thêm vài câu nữa mới thấy “cảm thương” cho tác giả:
“…Ta
vẫn nhớ dặn dò lòng tha thiết,
Nên
vội vàng tin tưởng chuyện vu vơ
Nên
yêu đương bằng gương mặt khờ khờ
Nên
hùng hổ để đợi giờ thua thiệt…”
Những
ngày sau 75, trên tivi Sài Gòn là những đoàn quân “chiến sĩ gái”, bước theo nhịp
quân hành, chiếu cận cảnh với đôi mắt rực lửa căm hờn, giọng nói lanh lảnh. Cảm
giác đầu tiên của tôi với các cô gái Bắc Kỳ (thứ thiệt) là…ớn lạnh. Tôi cười,
“Đấy con gái Hà Nội của mẹ đấy…”. Bà cụ lại thở dài, chép miệng… “Hồi trước đâu
có thế…”.
Dĩ
nhiên, mẹ tôi không thể phát hiện cái trò đánh lận rẻ tiền của thằng con, tỉnh
bơ xem tất cả các cô Bắc Kỳ đều là các cô Hà Nội.
Thực
ra trong đầu tôi cũng có một chút gì đó mơ hồ về con gái Hà Nội. Biết tả thế nào
nhỉ! Có thể là hình ảnh dịu dàng đằm thắm của cô Liên trong Gánh Hàng Hoa, hay
thiếu nữ tân thời một cách bảo thủ, không sao thoát ra khỏi vòng lễ giáo của cô
Loan trong Đoạn Tuyệt. Tôi cảm được nỗi cô đơn của Loan khi thả bộ trên bờ đê
Yên Phụ,… Đại loại là tôi đã nhìn thiếu nữ Hà Nội qua lăng kính của những tiểu
thuyết trong Tự Lực Văn Đoàn mà tôi được học thời trung học.
Cũng
chẳng dừng ở đấy đâu. Khi đọc “Tuấn, chàng trai nước Việt”, một thứ tiểu thuyết
hồi ký của Nguyễn Vỹ, tôi biết thêm rằng, các cô nữ sinh Hà Nội cũng lãng mạn
ra rít. Họ kín đáo lập ra hội “Ái Tino”. Tino Rossi là ca sĩ người Pháp lừng
danh thưở đó, và là thần tượng của vô số thiếu nữ, chẳng riêng gì thiếu nữ Hà
thành. Cái “hội” kín đáo, chỉ lèo tèo dăm ba cô thế thôi, nhanh chóng tan hàng,
và rồi mạnh ai người nấy tam tòng tứ đức, xuất giá tòng phu, công dung ngôn hạnh…
Cái “lãng mạn tân thời” chỉ là đóm lửa, và họ nhanh chóng quay lại với sự thanh
lịch, nề nếp theo giáo dục của gia đình.
Năm
1980, lần đầu tiên tôi ra Hà Nội công tác. Anh bạn đồng nghiệp trạc tuổi, tốt
nghiệp từ Đông Đức, chở tôi trên chiếc Simson lòng vòng Hà Nội. Nơi đầu tiên
tôi muốn ghé thăm là phố Khâm Thiên. Anh bạn tròn xoe mắt, “Làm gì còn hố bom
mà ghé thăm”. Tôi chợt hiểu vì sao anh bạn ngạc nhiên, nhưng không thể giải
thích. Môi trường giáo dục trong Nam ngoài Bắc khác nhau.
Cái
máu phóng đãng đã dẫn tôi đến phố Khâm Thiên, chứ không phải bom rơi đạn lạc ở
đó. Đến, dù chỉ để nhìn vài căn nhà xiêu vẹo, cũng thỏa đôi chút tò mò về một
thời vang bóng. Phong lưu tài tử giai nhân, đúng, nhưng không phải cách phong
lưu của Vân Hạc trong Lều Chõng của Ngô Tất Tố. Anh chàng Vân Hạc khi chờ kết
quả thi, ra vào chốn ả đào để vui say bè bạn, để trấn an nhau, để bốc nhau, để
chờ ngày bảng vàng ghi tên.
Tôi
nhớ đến kiểu cách phong lưu của Cao Bá Quát, một tay chơi thứ thiệt, khi làm sơ
khảo trường thi, tiếc bài thi hay mà phạm húy, đã dùng muội đèn để sửa. Việc lộ,
bị kết án giảo giam hậu, ông phải đi dương trình hiệu lực, nghĩa là đi làm phục
dịch cho phái đoàn đi công tác nước ngoài. Con người tài hoa này, mang theo nỗi
cô đơn đến phố ả đào giải sầu bên chén rượu, làm vài bài hát nói, đào nương
hát, mình gõ nhịp…
“Giai
nhân nan tái đắc
Trót
yêu hoa nên dan díu với tình
Mái
tây hiên nguyệt gác chênh chênh
Rầu
rĩ lắm xuân về oanh nhớ…”
Cũng lần đầu ở Hà Nội, buổi chiều chập choạng tối, lang thang ở phố Huế, tôi thấy một bà đi xe đạp ngược chiều, bị cảnh sát ngoắc lại. Bà năn nỉ thông cảm? Không. Bà phân bua? Không. Bà cãi tay đôi với cảnh sát rằng, nhất định mình đúng. Lương và nhu yếu phẩm phân phối còn không đủ sống, đâu dễ gì chịu nộp phạt. Đôi co với nhau mà cả hai vẫn một mực xưng hô…đồng chí. Tôi phì cười. Hà Nội có những điều không nằm trong trí tưởng tượng của một người Sài Gòn, lần đầu ra Hà Nội như tôi.
Cũng lần đầu ở Hà Nội, buổi chiều chập choạng tối, lang thang ở phố Huế, tôi thấy một bà đi xe đạp ngược chiều, bị cảnh sát ngoắc lại. Bà năn nỉ thông cảm? Không. Bà phân bua? Không. Bà cãi tay đôi với cảnh sát rằng, nhất định mình đúng. Lương và nhu yếu phẩm phân phối còn không đủ sống, đâu dễ gì chịu nộp phạt. Đôi co với nhau mà cả hai vẫn một mực xưng hô…đồng chí. Tôi phì cười. Hà Nội có những điều không nằm trong trí tưởng tượng của một người Sài Gòn, lần đầu ra Hà Nội như tôi.
Bây
giờ, Hà Nội khác xa rồi. Hà Nội nhiều nhà cao tầng, cầu vượt. Hà Nội nhiều xe
hơi hơn, Hà Nội giàu hơn. Hà Nội không còn những cảnh cãi tay đôi với cảnh sát
buồn cười như thế nữa. Hà Nội văn minh hơn, nhưng có thể họ phải “cãi tay đôi”
với chính mình, khi mà còn những cảnh thanh niên thiếu nữ “ à la mode” hái hoa,
giẵm hoa bẻ cành để chụp ảnh, hay gào thét tung hô thần tượng minh tinh Hàn Quốc.
Đó là chưa kể bún mắng cháo chửi, rải rác vẫn còn đâu đó. Thương hiệu chăng?
Tôi chịu! Ăn ngon mà nghe chửi, thôi thà ăn độn dễ nuốt hơn.
Tôi
có bà bạn già (hơn tôi) là dân Hà Nội mấy đời. Cha bà là một trong số rất ít
người xong bậc đại học thời Tây. Sau 54, nhà đông con, xoay sở không nổi, ông bố
định cho 2 đứa con lớn tạm nghỉ học, đi làm rồi học bổ túc sau. Nhưng bà mẹ thì
không, nhất quyết không. Bà đến gặp ông bà bác sĩ nhà bên mượn…tiền để các con
tiếp tục ăn học. Họ cùng ở trong thành như bà, không vướng bận con cái, còn
chút của ăn của để, đồng ý cho vay tín chấp, một thứ tín chấp tình người, thời
nay khó tìm. Tôi hiểu ra, dân trí thức Hà Nội xưa có kiểu chơi “chẳng giống ai”
(lúc này). Họ kín đáo giúp đỡ nhau trong những tình huống khắc nghiệt. Trong họ
dường như chất “nhân” và lòng tự trọng được rèn luyện qua giáo dục, giấy rách
phải giữ lấy lề. Mực đen và bão tố không thể vấy bẩn hay phá sập. Những năm sau
75, trong Sàigòn tôi cũng thấy vài trường hợp như thế.
Bà
bạn (già) này, về chuyên môn, thì kiến thức mênh mông chứ chẳng vừa. Ăn nói nhẹ
nhàng, nhưng quyết liệt khi cần. Vậy mà cư xử thì cứ dạ dạ,..cám ơn. Bà nói
chuyện với tôi cũng thế, cũng dạ dạ,..cám ơn. Tôi cười, sao chị khách sáo thế.
“Không phải đâu, tôi được giáo dục trong nhà từ nhỏ như thế. Các anh chị em tôi
cũng đều như vậy chứ chẳng riêng tôi. Hồi đi học, chỉ vì dạ dạ…cám ơn mà chúng
tôi bị phê bình là tiểu tư sản. Ông bà cụ dạy con nghiêm khắc lắm. Tôi là con
gái, đi học về là phải tập tành bếp núc, ăn trái chuối là phải bẻ đôi. Ở trường
là chuyện khác, còn về nhà là đâu ra đó, vào khuôn phép.”. Tôi cũng nhận ra sự
“khách sáo chân thành” của bà, chứ không phải khách sáo đãi bôi.
Dạo
sau này, vì công việc tôi thường ra Hà Nội. Đi ăn hàng với bè bạn ở đó thì
không sao, nhưng hễ đi một mình là bị chặt (giá), dù chỉ là chai nước tinh khiết,
10.000 đồng ở quán ven đường phố cổ. Bị chặt riết thành quen. Tôi nhủ thầm, lần
nào ra Hà Nội mà không bị chặt coi như trúng số.
Dù
tôi cũng có vài người bạn thân ở Hà Nội, nhưng giữa tôi và Hà Nội, dường như vẫn
còn khoảng cách nào đó. Tôi đến Hà Nội như một kẻ xa lạ, đến như đi nước ngoài
không cần visa.
Sài
Gòn dễ hội nhập. Cứ ở Sài Gòn là thành người Sài Gòn. Chưa thấy mình là người
Sài Gòn, ở lâu thêm chút nữa cũng biến thành người Sài Gòn. Sài Gòn đồng hóa
con người nhanh lắm.
Nhưng
Hà Nội có lẽ khác, người ta đồng hóa Hà Nội như vũ bão, đồng hóa cạnh tranh từ
nhiều nguồn khác nhau để tạo ra một văn hóa Hà thành hiện đại khó mô tả. Còn
người Hà Nội (thứ thiệt) đành phải co cụm, khép kín, và giáo dục con cái theo
cách riêng của họ để bảo tồn…di sản. Giáo dục từ gia đình mới tạo ra gốc rễ, chứ
không phải là quy tắc ứng xử, hay giàu sang, quyền thế.
Hà
Nội nhiều hồ. Hà Nội đẹp vì hồ vào những buổi sáng thật sớm, khi trời còn nhá
nhem. Sáng lên, Hà Nội biến mất. Con gái Hà Nội (xưa) chắc cũng thế. Cuộc đời
dâu bể đã làm họ biến mất, nhưng thực ra cũng chỉ lẩn quất, âm thầm đâu đó
thôi.
Năm
ngoái, đi ngang qua ngõ nhỏ trong khu phố cổ, tôi ghé tiệm tạp hóa mua chai nước
lạnh. Bà bán hàng dễ cũng gần 70, đưa chai nước: “Thưa, của ông đây, giá 5.000.
Cám ơn ông…”. Tai tôi lùng bùng. Trong tiềm thức có cái gì nghe quen quen, đọc
đâu đó rồi. Đã dợm chân đi, nhưng cũng quay lại: “Thưa bà, bà là người Hà Nội?”.
“Vâng ạ, nhà tôi ở ngõ này đã ba đời rồi, từ thời ông nội tôi ra làm quan ở
đây”.
Mẹ
tôi nói đúng về con gái Hà Nội. Họ hiếm hoi, ẩn mình như giọt nước đọng ở mặt
dưới của lá cây sau cơn mưa. Có duyên mới gặp, phải tìm mới thấy.
Vũ
Thế Thành
(Nguồn:
Blog Vũ Thế Thành via Blog SauĐong)
No comments:
Post a Comment