Monday, December 16, 2019

Về hưu sớm, nên hay không?

______________

Huy Phương
Nghỉ hưu có nhiều thì giờ để lo cho sức khỏe. Nhưng có người khuyên muốn sống lâu, sống thọ thì đừng bao giờ nghỉ hưu... (Hình: Philippe Huguen/AFP via Getty Images)
Có hai nguồn ý kiến trái ngược nhau về chuyện nên về hưu sớm hay không? Phe chủ trương nên về hưu sớm thì cho rằng tuổi về hưu là giai đoạn mà người ta có nhiều thời gian hơn để tận hưởng cuộc sống nhiều hơn. Con người có thể tìm niềm vui bằng nhiều cách. Một số người thích vui vầy với con cháu, số khác đi du lịch hoặc dành thời gian cho sở thích của mình, mà thời gian còn đi làm việc không có thời giờ trau giồi và thưởng thức như trong địa hạt nghệ thuật như âm nhạc, nhiếp ảnh hoặc hội họa, điêu khắc.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng dành thời gian để chăm lo sức khỏe cho mình, tập thể dục hay tham gia một môn thể thao. Những người này cũng có những thú vui như làm vườn, khiêu vũ, câu cá, tham gia các club, nhóm xã hội, đi làm từ thiện… cũng là những việc mà người ta thường làm khi về hưu. Cũng có người dành thời gian sau khi về hưu chỉ để đi cruise du lịch dài ngày, uống rượu và xem tivi, đọc sách.
Nghỉ hưu sớm có thể kéo dài tuổi thọ. Đó là kết luận của một nghiên cứu từ trường đại học University of Amsterdam, đăng trên báo Health and Economics, năm 2017.
Thứ nhất, nghỉ hưu sớm sẽ có nhiều thì giờ để lo cho sức khỏe. Ví dụ như, được ngủ nhiều hơn, tập thể dục thể thao nhiều hơn, và nếu có vấn đề về sức khỏe thì sẽ quan tâm lo đi khám bác sĩ sớm hơn.
Thứ nhì, công việc làm có thể bị stress, và stress có thể gây ra cao huyết áp, một căn bệnh giết người thầm lặng. Nghỉ hưu sớm đi kèm với sự giảm thiểu nguy cơ bị trụy tim hay tàn tật vì tai biến mạch máu não.
Nghiên cứu trên đây cũng phản ánh một số nghiên cứu khác, ví dụ như ở Mỹ, cho biết một người, sau bảy năm về hưu, nguy cơ bị cao máu hay tiểu đường sẽ giảm đi 20%. Ngoài ra các nghiên cứu từ Do Thái, Đức, Anh Quốc và nhiều xứ Châu Âu cũng có những kết luận tương tự.
Nhưng ở một ý kiến khác, Iris Apfel là một nữ doanh nhân, chuyên viên trang trí nhà cửa và là một biểu tượng thời trang của người Mỹ, năm nay đã sống thọ đến 98 tuổi (bà sinh ngày 29 Tháng Tám, 1921, tại Astoria, New York City, New York), mới đây cũng tuyên bố rằng: “Đối với tôi, việc nghỉ hưu còn tồi tệ hơn cả cái chết.”

Nhà vật lý học Shigeaki Hinohara, Nhật Bản, cho rằng những người muốn sống lâu, sống thọ thì đừng bao giờ nghỉ hưu. Nếu có thể, hãy làm việc càng lâu càng tốt. Ông cũng là người quan tâm đến nghiên cứu về chuyện tuổi thọ, và vì sống trong môi trường hoạt động, làm việc sẽ giữ cho trí tuệ và cơ thể hoạt động bình thường, ông đã sống thọ cho đến tuổi 105.
Phe này chủ trương không nên về hưu sớm, cho rằng công việc luôn luôn đem lại nhiều lợi ích, thay vì cuộc sống quá nhàn hạ, rỗi rảnh. Nghiên cứu cho thấy, đàn ông trên 54 tuổi, nghỉ hưu sớm, trên 42% sẽ chết sớm ít nhất là năm năm so với người nghỉ hưu trễ. Khi làm việc chung, giao tế với mọi người trong xã hội, sẽ giúp cho ta bớt cô lập. Sự cô đơn sẽ dẫn đến tình trạng đầu óc không làm việc, mòn mỏi, dẫn đến việc tệ hại là có thể chết non.
Ở Quận Cam, California, Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh mới đây cũng kể chuyện rằng, ông dự định đóng cửa phòng mạch để về hưu, nhưng cô y tá khuyên can: “Bác sĩ ơi, đừng về hưu. Em thấy ai về hưu cũng sanh bệnh và chết sớm!”
Và ông tự hỏi: “Có phải thật như vậy hay không?”
Ông cho rằng, càng làm việc dài lâu, càng bớt bệnh giảm trí nhớ. Một khảo sát trong năm 2017 dự trên ý kiến 400 bác sĩ được tham khảo ở Mỹ, 68% trả lời là họ không hề nghĩ đến chuyện nghỉ hưu sớm. Lý do nghỉ hưu sẽ thiếu cơ hội giao tế xã hội, cuộc sống vô nghĩa khi không có mục đích, và sự cô đơn buồn chán dẫn đến buồn phiền, tuyệt vọng.
Tuy vậy trong đời sống thực tế, mỗi người có hoàn cảnh riêng biệt, khác xa nhau, nên quyết định về hưu sớm hay không, cũng là những quyết định không ai giống ai, có khi tương phản.
Một người đến sở, mỗi ngày phải bỏ ra ba, bốn tiếng đồng hồ để lái xe. Công việc làm nặng nhọc, lương ít, gặp ông chủ khó tính, đồng nghiệp thiếu thân thiện, không thấy “mỗi ngày tôi nhận một niềm vui,” thì chỉ mong đến tuổi 65, 66 hay làm đủ 40 unit là xin giã từ công việc. Trong khi đó thì nhiều người trúng số lotto, trở thành triệu phú nhưng nhất quyết ngày mai vẫn đến sở. Phải chăng họ có công việc nhẹ nhàng, môi trường tốt, thuận lợi, thấy công việc thanh thản, không bị áp lực mỗi ngày, và thấy vui trong công việc làm.
Những người chủ trương về hưu sớm cho rằng họ không muốn, từ sở làm vào thẳng bệnh viện, nursing home hay ra… nghĩa địa! Những người muốn về hưu sớm lại cho rằng, về hưu không có nghĩa là nghỉ ngơi, không làm gì cả, hay để đầu óc trì trệ. Tóm lại, hưu hay không, đều đi làm! Chưa tuổi hưu, thường người ta bất đắc dĩ, phải chọn nghề mình không hợp, nhưng về hưu, chúng ta có thể làm những gì, kể cả nghề mình thích.
Người Mỹ đến tuổi hưu, họ có thể cho những công việc làm vui cuộc sống. “Crossing guard” là công việc của một nhân viên bảo vệ chuyện băng qua đường cho các trẻ em ở gần trường học trong giờ buổi sáng hay tan trường. Chúng ta cũng thường gặp trong thư viện những thiện nguyện viên giúp sắp xếp sách, giúp trẻ em và người lớn khác đến mượn sách, dạy Anh Ngữ miễn phí cho di dân. Những người khác có thể hiện diện ở những công viên trong thành phố với việc phụ dọn rác, hướng dẫn người thăm viếng. Cũng không thiếu những tình nguyện viên lớn tuổi hiện diện trong bệnh viện, nhà dưỡng lão.
Hãy thử nhìn cuộc sống của những người đến tuổi hưu trong cộng đồng người Việt của chúng ta, có khi họ còn bận rộn, tất bật hơn thời còn trẻ mỗi ngày hai buổi đến sở làm. Lẽ cố nhiên cũng có người về hưu mà thành hư đốn như đi sòng bài đốt tiền thường xuyên, “cưa sừng,” kiếm cớ đi Việt Nam để sinh ra những hậu quả khó lường, dẫn đến vợ chồng ly dị và làm đổ nát gia đình. Nhưng phần lớn, chúng ta có những ông bạn già suốt ngày đưa cháu đi đến trường và đón cháu về. Cuối tuần ông bà hưu trí lại đưa cháu đi học nhạc, học Việt Ngữ, tham dự các buổi tập dượt thể thao. Và nếu mỗi tuần có dịp gặp bạn bè một lần bên ly cà phê, nói chuyện thời sự thì cũng vô hại, chẳng sao!
Bà thì suốt ngày đứng trong bếp, hết lo ăn cho cháu lại lo nấu nướng bới xách mỗi sáng cho con đến sở làm. Rồi tham gia sinh hoạt tôn giáo, đi chùa, nhà thờ, gọi là làm “công quả,” quét chùa, nấu bếp, pha trà cho thầy, ít khi thấy họ rảnh rỗi, than buồn.
Rồi Facebook, YouTube, Internet mỗi ngày, cái đầu vẫn làm việc, làm sao có mối lo để cho đầu óc phải trì trệ, đóng rêu.
Tôi cũng xin dẫn chứng một trong những lý do đặc biệt mà quý ông không muốn về hưu sớm. Một ông chủ tiệm ăn, đã giao công việc lại cho con trưởng để… về hưu, nhưng sáng nào tôi cũng thấy ông ra tiệm, ngồi nhẩn nha bên ly cà phê.
Hỏi ông: “Về hưu thì ở nhà cho khỏe thân, còn ra đây làm gì?”
Ông thực thà đáp: “Phải kiếm cớ ra đây giúp con, ông ơi! Ở nhà con mẹ ‘Hitchcock’ nó ràm chịu không nổi!”
Tôi chưa có dịp hỏi ông, vì sao gọi cụ bà là “Hitchcock,” và chắc ông có hối hận vì về hưu sớm, nhưng ông đã 85 tuổi rồi, muốn đi làm, giờ này cũng chẳng ai mướn! (Huy Phương)

1 comment:

Quang Minh said...

Cây mỗi hoa nhà mỗi cảnh, không ai giống ai. Về hưu sớm hay muộn tùy hoàn cảnh mỗi người. Chết là điều không ai tránh khỏi. Làm những gì mình thích, thích những gì mình làm, miễn sao mình vui trong những ngày còn lại , sống lành mạnh, không bị stress .

Mặc ai lo nghĩ trăm bề
An nhiên tự tại đi về thong dong
Hưu sớm hay muộn tương đồng
Cuộc đời có có không không vô thường