____________________
THAI NC
Tôi quen chị Châu ngay hôm đầu tiên chị vừa dọn
đến.
Hôm đó, khi vừa tan học về, tôi quăng vội tập
vở lên bàn và tò mò nhìn một việc kỳ lạ đang xảy ra ở nhà bên cạnh.
Gọi là kỳ lạ vì xóm tôi ở vốn là một khu tạp
nhạp. Hầu hết các gia đình ở đây thuộc lớp bình dân lao động. Họ nếu không là
quân nhân thì cũng là tài xế taxi, xích lô…Ai nấy đều an phận thủ thường, có
mái nhà nghỉ ngơi sau một ngày cực nhọc là đủ. Hình như không ai có ý tưởng
(hay khả năng) dọn đi nơi khác. Cho nên, việc căn nhà kế bên đổi chủ đã khiến
tôi chú ý theo dõi.
Thấy tôi đứng nhìn, chị Châu tiến lại làm
quen:
- Ở đây à?
Tôi gật đầu.
-Tên gì?
-Tuấn.
Chỉ vậy thôi chúng tôi đã quen nhau.
Từ lâu, nhà tôi có lẽ vắng người nhất xóm. Chỉ
ba mẹ con thui thủi. Ba tôi vắng nhà luôn vì cuộc sống quân ngũ.Thỉnh thoảng về
phép, ông vẫn dắt mẹ con tôi dạo phố, coi hát,và sắm đồ cho anh em tôi. Nhưng
những lần phép ngắn ngủi không bù được tháng ngày xa vắng. Từ khi có đủ óc nhận
định tôi vẫn thắc mắc và bất bình với sự vắng nhà của ông. Tôi thèm được như thằng
Bình ở cuối xóm. Ba nó chạy xích lô máy. Mỗi ngày ông đến đón nó ở trường. Khi
xe đến đầu xóm, thằng Bình ngồi trên xe vừa khoác tay vừa la: “Tránh ra! Tránh
ra!” để hù tụi tôi , những thằng đi bộ.
Bao nhiêu tình thương tôi dành cho mẹ, nhưng
bà lại quá nghiêm khắc. Mặc dù sau này khi lớn lên, tôi hiểu và thông cảm bà phải
kiêm thêm nhiệm vụ của ba tôi để dạy dỗ con cái. Nhưng đã lắm lúc tôi vẫn tủi hờn
vì bà kèm tôi nghiêm khắc từng tí một, từ việc học hành, đến lời ăn tiếng
nói.Do đó, sự hiện diện của chị Châu bên cạnh là một điều hạnh phúc trong quãng
đời thơ ấu.
Nhà tôi đã vắng, nhà chị lại càng đơn chiếc
hơn. Chỉ hai mẹ con. Ba của chị Châu cũng là lính chiến đóng ở miền xa. Vì thế
mà cô Ba và mẹ tôi thân nhau lắm, đồng cảnh sinh tình mà.
Năm đó tôi chuẩn bị thi vào lớp đệ thất, bước
thử thách đầu tiên của đời học sinh. Còn chị Châu thì học ở Trưng Vương, hơn
tôi ba lớp. Mỗi chiều tôi thường qua nhà cô Ba để chị Châu kèm thêm. Thực ra
tôi học rất khá và đầy tự tin trong kỳ thi sắp tới. Học thêm chỉ là cái cớ để
tôi gặp và nói chuyện với chị Châu mà thôi. Làm xong vài bài toán là tôi có thể
nhâm nhi ly chè ngọt lịm chị để dành sẵn, hay có khi vài cái bánh làm ở nhà…rồi
thong thả kể cho chị nghe những chuyện vui ở trường và tâm sự vụn. Một lần chị
hỏi: “Lớn lên Tuấn sẽ làm gì?” Tôi đáp không suy nghĩ: “Phi Công”. Chị suy nghĩ
môt chút rôi nói “Nếu vậy chắc Tuấn sẽ thành… thi sĩ”. Tôi không hiểu tại sao
muốn làm phi công lại thành thi sĩ, chỉ cảm thấy sung sướng, vì với tôi lúc bấy
giờ, “thi sĩ” là một danh từ lớn, vinh dự lắm rồi.
Tôi đậu vào Võ Trường Toản như ý muốn, mỗi
ngày lại ngồi sau xe chị Châu chở đi học. Trưng Vương và Võ Trường Toản chỉ
cách nhau một con đường nên thật tiện. Mỗi buổi trưa sau khi chuẩn bị xong, đợi
chị Châu dắt xe ra khỏi nhà là tôi nhảy lên yên sau. Một tay vịn dưới yên, tay
kia giữ hai chiếc cặp, hai chị em thơ thới ra đi.
Từ nhà tôi đến trường phải qua một cái cầu.
Những khi trời mát mẻ và vắng xe, chị Châu thường lấy đà từ xa để lên dốc.
Nhưng khi trời nắng chang chang, thấy chị gò lưng đạp, mồ hôi ướt đẫm cả lưng,
trông thật tội nghiệp. Tôi đề nghị dừng xe lại bên dốc này dốc, xuống xe đẩy và
lon ton chạy theo đến chân cầu bên kia mới lên đi tiếp. Nhưng như vậy cũng
không ổn, vì lúc xe cộ đông đảo, tôi chạy theo sau quá nguy hiểm, chị Châu
không chịu. Tôi đề nghị để tôi chở. Thử mấy ngày thấy tôi lên cầu phom phom,
tay lái vững vàng, chị Châu mới yên tâm chịu ngồi sau giữ cặp.
Dạo đó chị Châu học lớp chín và đã có mấy anh
lớn hơn ở Võ Trường Toản ngắm nghé. Thấy chúng tôi đi chung tưởng là hai chị
em, nên đến làm quen với tôi. Khi thì cây cà-rem, khi thì thỏi kẹo kéo…cũng chỉ
để hối lộ những câu hỏi: “Chị em tên gì? Học lớp mấy? Nhà ở đâu v..v…” Khi ra về
lại cũng có mấy anh khác kè kè theo sau, nói mấy câu gì đó không rõ, chỉ thấy
chị Châu thúc sau lưng ra hiệu đạp lẹ lên mà thôi.
Từ năm lên lớp bảy, tôi không đi học với chị
Châu nữa vì khác buổi. Mẹ tôi sắm một chiếc xe đạp để tôi đi một mình. Tuy vậy
tình thân giữa tôi và chị Châu vẫn không suy giảm mà ngày một đậm đà hơn. Trong
nhà chị, ngoài những đặc san Tuổi Ngọc, Hoa Tím…loại dành cho tuổi mới lớn,
không hiểu từ đâu mà còn một rừng tiểu thuyết, truyện dịch cho tôi tha hồ nghiền
ngẫm. Cho nên, khi những thằng bạn cùng trang lứa với tôi lúc đó chỉ mới dám Mơ
Thành Người Quang Trung với Duyên Anh. Say mê những Bồn Lừa, Hưng Mập, Dzũng
ĐaKao… thì tôi đã bắt đầu làm quen với các tác giả ướt át hơn nhiều như Hoàng
ngọc Tuấn, Nhã Ca vv…Hay có khi còn thả hồn phiêu bạt cùng Cậu Hoàng Con của
ông phi công Exupery tới những hành tinh xa lạ.
Có phải vì vậy nên đầu óc tôi sớm nẩy nở! Khi
đến tuổi mà tôi và các bạn bắt đầu đổi giọng trở nên ồ ề khó nghe, mặt lấm tấm
vài mụn trứng cá, cùng những bìến đổi sinh lý thầm kín khác. Chúng tôi bắt đầu
trò chơi người lớn. Trò chơi mà biết bao lớp đàn anh đã từng đi qua, ít nhất một
lần trong đời.
Mỗi chiều tan học, chúng tôi đứa chiếm một
góc, đợi tà áo trắng cô bạn láng giềng Trưng Vương đi ra. Trong khi các bạn tôi
ngẩn ngơ trông theo, không một bóng hình nào, thì tôi đã có một người.
Những ngày tháng sau này, tình cảm tôi dành
cho chị Châu dần dần thay đổi. Đầu tiên tôi xưng là “Tuấn”, không phảii “em”
như xưa kia. Khi kêu “chị Châu”, tiếng “chị” cũng thật nhỏ như không có. Tôi muốn
xóa bỏ hình bóng người chị trong đầu để có thể tiến lên làm một người bạn. Với
tôi, tất cả những gì hay đẹp, dịu dàng của người con gái đều có ở chị. Tự hồi
nào chị Châu đã chiếm trọn tâm hồn tôi không chừa một kẽ hở. Tôi nhìn các cô
gái khác cùng trang lứa với đôi mắt dửng dưng. Và cũng có lúc lắng nghe trái
tim ghen hờn, khó chịu khi thấy chị Châu nói chuyện với một người con trai nào
khác.
Không hiểu tôi sẽ ôm mối tình si bao lâu, và
làm cách nào gỡ thoát nếu không có những biến cố dồn dập làm thay đổi hẳn cuộc
sống.
***
Cuối năm 74, khi tình hình chíến sự chưa sôi
động lắm tôi cùng chị Châu hăng hái tham dự trại họp bạn Hướng Đạo toàn quốc tại
Tam Bình, Thủ Đức. Tôi chỉ mới là một Kha sinh, chị Châu đã là huynh trưởng của
một bầy sói con. Đối với bất cứ Hướng đạo sinh nào, tham dự trại họp bạn là điều
không thể nào bỏ qua vì đây là dịp ghi lại nhiều kỷ niệm tươi đẹp.
Trong các ngày trại, một sinh hoạt được hầu hết
các trại sinh tham gia là màn trao đổi huy hiệu. Đây là một trò chơi có tính
cách truyền thống và mang nhiều ý nghĩa nhất. Mỗi trại sinh thủ sẵn một số huy
hiệu của đơn vị mình, khi gặp trại viên của đơn vị khác, có thể lại làm quen và
đề nghị trao đổi làm kỷ niệm. Phần đông mọi Hướng đạo sinh đều thích tự tay
dùng lưỡi lam rạch lấy huy hiệu đã mang trên tay áo bạn, và nếu gặp được những
trại viên đến từ miền xa như Huế, Komtum, Cà Mau…thì huy hiệu càng hiếm và quý.
Dĩ nhiên tôi cũng hăng hái tham gia. Một hôm
thấy chị Châu từ xa, tôi lại gần nghiêm trang chào theo kiểu Hướng Đạo, làm như
chưa bao giờ quen biết.
-Chào chị, tôi là Tuấn, đạo Đông Thành.. Huy
hiệu chị đẹp quá, tôi muốn trao đổi có được không?
Hơi bất ngờ, nhưng chị dễ dàng hiểu ý:
-À…tên tôi là Châu, đạo Cửu Long. Được chứ
anh.
Tiếng“anh” làm tôi choáng váng mặc dù chỉ
trong trò chơi. Sau khi nhường chị rạch trước, tới phiên tôi lúng túng thế nào
đã cắt ngang phần áo gần vai đang mang huy hiệu của Châu. Chiếc áo rộng theo
gió căng phồng để lộ một phần thân thể. Khoảng da trắng ngần dưới làn áo làm
tôi bối rối.
-Tuấn…Tuấn xin lỗi.
Chị Châu cũng đỏ mặt, nhưng nhanh ý xếp chiếc
nón đang đội nhét vào cầu vai che lại khoảng áo bị rách và vội vã đi về lều.
-Không sao, tôi còn cái khác. Chào anh.
***
Sau kỳ trại, tôi về với tâm tư xáo trộn. Chị
Châu không giận làm rách áo, nhưng chính tôi cảm thấy nguợng ngùng.
Thần tượng trong tôi đang biến đổi trạng
thái. Tôi vẫn yêu mến chị như thuở nào, nhưng nay trong niềm thương mến đó đã
xen lẫn sự ham muốn của thể xác. Khoảng da trắng ngần của chị Châu như ngọn đèn
pha chói lòa trong óc tôi những đêm thâu trằn trọc. Tôi đặt mảnh áo cắt đuợc của
chị dưới bao gối để có thể ấp ủ hằng đêm. Mảnh áo như cánh cửa sổ, từ lâu vẫn
đóng kín vùng trời bí mật bên trong mà tôi vô tình một lần phá vỡ, để chứng kiến,
dù đó chỉ là một mảnh trời nhỏ bé.
Những đòi hỏi của dục tình ngày càng mãnh liệt.
Tôi khổ sở lắm. Tôi nào muốn như vậy đâu? Nhưng dù tôi có đè nén và chối bỏ
cách nào cũng vô ích. Nó đã hoàn toàn điều khiển, dẫn dắt tôi từ mảnh trời này
sang vùng trời khác, bao la hơn, quyến rũ hơn, đến nỗi tôi phải tránh gặp mặt
chị Châu vì sợ chị sẽ đọc đuợc tư tưởng tôi qua ánh mắt.
Tình hình biến đổi mau lẹ đã đưa sự sụp đổ của
toàn đất nước vào một ngày cuối tháng tư. Tôi tạm quên nỗi niềm riêng để buồn
chung với cả nước, qua tìm chị Châu để chia xẻ thì… chị đã đi mất rồi. Cô Ba gởi
chị theo gia đình người chú Hải Quân có tàu vượt thoát. Cô ở lại chờ chú đang
còn kẹt ngoài miền trung, chưa rõ tin tức.
Tối hôm đó tôi đã khóc.
Khóc cho đất nước thay đổi, tương lai mờ mịt.
Khóc vì thấy lá cờ vàng ngày nao kính ngưỡng,
đang thất thế sa cơ.
Và khóc, vì tôi nhớ chị Châu lắm.
***
-Tuấn đang nghĩ gì ?
Tôi giật mình trở về với thực tại. Trái đất
thật tròn. Không ngờ mình có thể gặp lại chị Châu trên xứ lạ quê người này.
Duyên số chăng? Hay là định mệnh? Nếu tuần trước tôi không ghé qua một chợ Việt
Nam để mua cà phê, ra về vội vã đụng phải người đàn bà đang đi vào…thì có lẽ những
kỷ niệm êm đềm ngày xưa sẽ vĩnh viễn chìm vào dĩ vãng. Định mệnh lại sắp đặt cuộc
hội ngộ ở một thời điểm không sớm và cũng không muộn. Khi mà chỉ mới mấy tháng
trước tôi chia tay với Trang, chấm dứt mối tình sau một năm trời vun đắp. Những
khác biệt căn bản giữa tôi với Trang không thể san bằng.
Còn chị Châu, chị cho tôi biết chị đã ly dị với
người chồng ngoại quốc, đem theo đứa con gái mang hai dòng máu Mỹ-Việt từ miền
đông giá buốt về Cali tìm lại hơi ấm và đồng hương.
Minh Châu, người con gái một thời tôi đã tôn
thờ và thương yêu ngây dại giờ đây là một thiếu phụ đang rực sức sống. Tôi lặng
lẽ nhìn nàng thật lâu, so sánh với một chị Châu của mườI hai năm trước.
- Châu lạ lắm sao? Nhìn hoài vậy?
-Không, Tuấn chỉ thấy chị vẫn đẹp và không
khác ngày xưa bao nhiêu.
-Thật không? – Nàng mĩm cười – Châu già rồi.
Con cái đầy đàn mà đẹp nỗi gì!
Tôi cũng cười theo. Ô hay chỉ một đứa mà Châu
nói con cái đầy đàn. Hơn nữa không phải các cụ vẫn bảo: gái một con ngó mòn con
mắt hay sao? Tôi nhận ra một cách tự nhỉên, nàng đổi cách xưng hô thân mật hơn.
Từ vẫn gọi là “chị” hôm mới gặp lại, nàng đã xưng “mình” trong những lần nói
chuyện sau. Đêm nay, trong không khí vũ trường đầy tiếng nhạc, nàng lại xưng
“Châu” một cách thân ái.
-Tại sao Tuấn chưa lấy vợ, gần ba mươi rồi
còn gì?
-?
-Vẫn còn mơ mộng quá phải không?
- Tuấn cũng…già rồi. Còn gì nữa mà mơ với mộng!
Chưa gặp người hiểu mình mà thôi.
Nàng cười khi tôi nhắc lại điệp khúc “ già rồi”
, nhìn tôi hỏi:
-Nếu có người thực sự hiểu Tuấn, nhưng lại có
những vấn đề khác, thì sao?
-Với Tuấn, đời sống chỉ thực sự hạnh phúc khi
có người hiểu mình… Còn lại, có lẽ không là vấn đề quan trọng.
-Thiệt không?
Tôi mỉm cười, để ba ngón tay lên trán chào
theo kiểu Hướng Đạo ngày xưa, dõng dạc đọc:
-Điều luật số một: Hướng đạo sinh trọng danh
dự và lời nói để ai ai cũng có thể tin lời nói của Hướng đạo sinh.
Minh Châu cũng cười theo reo lên
-Vẫn còn nhớ sao? Hồi đó… vui nhỉ? Nhớ một lần
Tuấn hư quá làm rách áo của Châu.
Trong khoảnh khắc, tôi bỗng tìm lại được ở
nàng hình dáng “chị Châu” của ngày xưa cũ. Có nên cho Minh Châu hay mảnh áo cắt
được năm xưa tôi vẫn còn giữ đến ngày nay. Tôi trân quý nó như một kỷ vật đã
đánh dấu một khúc rẻ quan trọng của quảng đời niên thiếu.
Chúng tôi bỗng trở nên yên lặng. Một người
theo đuổi một ý nghĩ riêng, thỉnh thoảng bốn mắt chạm nhau, cố tìm hiểu đối
phương đang nghĩ gì.
Nhạc lại trổi điệu Boston nhẹ nhàng. Bản Chuyện
Tình Buồn được nhiều cặp hưởng ứng. Minh Châu nhìn tôi, phá tan bầu không khí
trầm mặc:
-Châu thích bản này.
Uyển chuyển theo tiếng nhạc, Minh Châu âu yếm
dựa đầu lên vai tôi thì thầm:-Năm năm rồi không gặp, từ khi em lấy chồng. Năm
năm rồi trở lại, thương góa phụ bên song… Chỉ năm năm xa cách bao chuyện đổi
thay, huống chi hơn mười năm. Mình không như xưa nữa, phải không Tuấn?
Khẻ liếc xuống đôi cánh tay trần đang quàng
qua cổ. Những sợi lông măng phơn phớt dưới ánh đèn mờ ảo như đang mời gọi. Cả một
bầu trời đang mở rộng dưới mắt. Bầu trời mà mới ngày nào chỉ một mảnh nhỏ qua
khung cửa hẹp đã gieo vào tâm trí tôi biết bao xáo trộn.
Tiếng nhạc vẫn dặt dìu đưa đẩy mùi hương, mùi
tóc .Tôi nghe tim đâp mạnh, và xiết chặt vòng tay.
***
Đưa Minh Châu về tận cửa, cái bắt tay từ giả
bỗng trở thành nụ hôn nồng cháy. Bao nỗi cuồng nhiệt không che dấu của nàng biểu
hiệu qua mười ngón tay mần mò trên mái tóc tôi. Tôi tưởng mình sẽ đẩy cửa dìu
Minh Châu vào nhà… nhưng không hiểu sao một động lực nào đã ngăn lại. Nàng tỏ vẻ
ngạc nhiên khi tôi quay đi, nhưng không nói gì thêm, chỉ nhắn
-Chiều mai Tuấn lại đây ăn cơm với Châu nghe.
Khoảng 7 giờ.
Chiều mai khi tôi đến, sau bữa cơm, trong một
apartment ấm cúng chỉ có hai người. Minh Châu là người đàn bà có đủ khả năng và
bản lĩnh làm những gì nàng muốn. Tám năm chung sống với người chồng khác màu
da, nòi giống mà kết quả là sự đổ vỡ. San Jose là nơi nàng chọn để làm lại cuộc
đời, với một đồng hương, dù nơi đây nàng hoàn toàn cô đơn không ai thân thuộc.
Gặp lại tôi như người đắm tàu lênh đênh trên đại dương, dạt vào một hoang đảo.
Tôi bỗng nhớ đến Trang. Từ khi chia tay, tôi
vẫn nửa đêm tỉnh giấc, cô đơn trong căn phòng vắng lạnh mới hôm nào còn là tổ ấm
tuyệt vời của hai đứa. Giờ này em đang làm gì? Có nhớ những ngày vui? Tôi chợt
cảm thấy nhớ nhung hơi ấm quen thuộc của một người đàn bà, người yêu, người vợ.
Minh Châu chăng? Nàng là người hiểu tôi nhất trên đời. Nhưng còn đứa bé? Mái
tóc nâu nâu và đôi mắt xanh lơ sẽ luôn luôn làm tôi liên tưởng đến cha nó…
Bao nhiêu câu hỏi nhảy múa trong đầu đưa tôi
vào giấc ngủ. Trong cơn mơ, tôi thấy Trang trở về bên cạnh. Tôi lại thấy mình tới
nhà Minh Châu, gặp con bé tóc nâu Lisa, nó kêu tôi “Daddy, Daddy!”.
./.
No comments:
Post a Comment