Sunday, November 13, 2011

Thảm họa Việt Ngữ đương thời

_______________


 From :http://tiengthongreo.blogspot.com/

1) Tôi rất khó chịu khi một số bài viết, đài phát thanh cứ phang bừa debt ceiling là “nợ trần”. Đây là thảm họa của việc vừa dốt ngoại ngữ, vừa dốt tiếng Việt. Tôi đồng ý với ông Vô Danh, hai chữ debt ceiling phải dịch là “"mức nợ tối đa" hoặc "mức giới hạn của nợ".

2) Còn chữ software nữa. Chữ này được phiên dịch vào thập niên 1980 khi máy điện tử còn xa lạ với mọi người. Vả lại lúc này trình độ Việt ngữ của phe ta còn yếu lắm cho nên mới dịch bừa là “phần mềm”, rồi thì cả hải ngoại lẫn trong nước bắt chước…cứ thế mà nói. Theo tự điển Longman 2004 thì software có nghĩa “the sets of programs that tell a computer to do particular job”. Theo định nghĩa này thì software chẳng hề có nghĩa mềm hay cứng gì hết. Nó là một số, một bộ, một loạt những linh kiện để máy điện tử hoạt động theo ý muốn của mình.

Tôi đồng ý với ô. Vô Danh là chữ này cần có hàn lâm viện tìm một chữ tương đương cho Việt Ngữ. Trong khi chờ đợi theo ý thôi cứ để nguyên software là hay nhất. Bởi vì rất nhiều tiếng ngoại ngữ mình không thể dịch ra được vì dịch ra thì rất ngây ngô. Chẳng hạn khi người Pháp đem Café vào Việt Nam, mình làm gì có loại cây này cho nên dịch âm ra mà ai cũng hiểu đó là cà-phê. Một thí dụ khác nữa Hotdog, tôi đố ai có thể dịch ra tiếng Việt. Dịch là dồi chó hả? Dịch là Chó Nóng hả? Xin cứ để yên Hotdog là hay nhất…chẳng chết thằng Tây nào mà ai cũng hiểu. Dịch ra tiếng Việt rồi thì có khi chẳng ai hiểu gì cả.


3) Vừa rồi tôi có gửi điện thư chỉnh Website BBC một chuyện. Hiện nay thế hệ VNCH có trình độ, làm việc cho BBC trước đây đều già hoặc chết hết cả rồi. BBC hiện mướn một thế hệ mới từ Việt Nam, tiếng Anh vừa dở, tiếng Việt vừa lai căng. Họ dám viết “ cảng biển” . Tôi gửi điện thư cho họ nói rằng tại sao có hai chữ “hải cảng” đã quen thuộc sao không dùng? Hai chữ “cảng biển” lai căng và không có trong Việt ngữ. Không biết họ có sửa lại không? Vào Website BBC đọc bực mình không thể tưởng tượng nhưng đành chịu vì “mất nước là mất tất cả”.

Đào Văn Bình

4 comments:

Anonymous said...

Xin ghi lại những dòng chữ nầy mà hôm qua tui đọc được trên "Net".
MUỐN BẢO VỆ NGÔN NGỮ VÀ VĂN HOÁ VIỆT-NAM. TUYỆT ĐỐI KHÔNG DÙNG TỪ NGỮ CỦA CỘNG SẢN. Một dân NTT..

Anonymous said...

Tui thấy tác giả bài viết có vẻ bức xúc quá, thành thử có đôi chỗ thiếu kiềm chế thành ra nói bậy.

1. Khái niệm "debt ceiling" mà có được dịch ra là "nợ trần" thì cũng không có gì quá đáng, nghĩa là nợ đụng trần nhà, nghĩa là nợ tối đa. Như vậy cũng theo sát nghĩa của từ nguyên gốc debt ceiling. Tương tự playground được dịch thành sân chơi, homepage được dịch thành trang nhà, v.v.

2. Từ software mà được tác giả diễn giải thành "Nó là một số, một bộ, một loạt những linh kiện để máy điện tử hoạt động theo ý muốn của mình" thì hết sức bậy bạ. Software được dịch thành "phần mềm" là để phân biệt với hardware được dịch thành "phần cứng", và cũng để phân biệt với firmware được dịch thành "phần dẻo" (khái niệm này ít được nghe).

3. Tác giả quá bức xúc và có cái nhìn cực đoan quá. Vấn đề là bản thân tác giả đọc và cũng hiểu "cảng biển" là cái gì mà.

Vài dòng mạo muội.

Anonymous said...

Chào Bạn. Đây là bài viết mà cô giáo tui chuyển từ một website khác, nếu bạn không đồng ý và có comment gì xin vào website dưới đây , tôi nghĩ họ sẽ góp ý thêm những comments của bạn.Chúc bạn một ngày vui vẻ.Một học trò xưa."Tieng thong reo.blogspot.com"

Anonymous said...

Nầy bạn ta

Anh hay chị học trò gì đó đã mách đường cho bạn . Thế thì bạn đi sang Tiếng Thông Reo mà hỏi cho ra lẽ bạn nhé kẻo thôi quá " bức xúc " có bề gì rõ khổ thân ta . Bạn cũng như tôi mình cần phải " tồn tại " để trả nợ trần chứ . Chữ nợ trần của tôi không phải là " nợ trần " của debt celling đâu nhé . Chúc bạn sang đó bàn luận bậy bạ chữ nghĩa xem sao !