Tuesday, May 12, 2020

Tản Mạn Về Tiếng Ta, Tiếng Tây !


 Vì sao cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt?
__________________

TRẦN HÀNG NGƯƠN


Tiếng Ta là tiếng Việt nói riêng hay tiếng mẹ đẻ nói chung, ở một xứ sở mà quê hương của người không nói cùng ngôn ngữ với mình.
Tiếng Tây thì ai cũng biết muốn ám chỉ ngôn ngữ của những người da trắng, ở phương trời Âu cách xứ ta xa ngàn dặm.


Tôi sanh ra và lớn lên ở Việt Nam. Cha Tàu, mẹ Việt. Không biết phải định nghĩa “tiếng ta” của tôi như thế nào? Gọi là tiếng Việt hay tiếng Tàu đều đúng! Nhưng nói tiếng mẹ đẻ của tôi thì là tiếng Việt đúng hơn, vì mẹ tôi là người Việt. Tôi chịu ảnh hưởng trực tiếp với ngôn ngữ của mẹ, và ngôn ngữ giáo dục từ trường học, là chữ Việt, chữ Quốc Ngữ.
Tôi là người mang 2 dòng máu Tàu - Việt trong người. Tôi kêu mẹ tôi bằng Vú và cha tôi bằng Chệt. Từ lúc biết nói tôi đã quen được cho kêu như vậy. Tôi không có sự lựa chọn cho kiểu xưng hô nầy.
Sống ở trời Tây 40 năm. Tôi đã mất gốc Tàu. Đáng lẽ tôi phải biết cả 2 ngôn ngữ Tàu và Việt mới đúng. Nếu cho thời gian quay ngược lại, tôi nhất định sẽ nói lưu loát tiếng Tiều của “Chệt” tôi. Mỗi lần nghe người ta nói tiếng Tiều (tiếng Triều Châu) chẳng những tôi không nói được mà nghe cũng không hết. Thật là xấu hổ hết sức khi tôi đã từng bị những người Tàu lớn tuổi trách : “Mầy gốc người Tiều sao không nói được gì hết vậy?”.
Sự thiếu sót nầy của cha mẹ tôi ngày xưa, nó vẫn ám ảnh và theo đuổi tôi đến giờ. Họ nói đúng! Tôi tiếc thật! Tôi nghe họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Tàu, tôi không hiểu hết, tôi vừa tiếc, vừa tức, vừa thèm. Thèm một thứ mà bây giờ tôi có tiền không mua được, muốn học cũng không xong. Đó không phải lỗi tại tôi. Vậy là tại ai ?
Tôi không đổ lỗi cho cha mẹ tôi. Nguyên nhân không xài được tiếng Tàu của tôi là do cuộc sống gia đình hồi đó, do học đường, và sinh hoạt xã hội của ngày xưa, mà sau này tôi mới nhận ra. Chúng ta đều biết rằng nếu biết thêm nhiều hơn một ngôn ngữ rất có lợi cho cuộc sống. Nhất là tiếng mẹ đẻ, mình nhất định phải biết nói, biết nghe, nhưng nếu lúc còn nhỏ không chịu tập, khi lớn lên không xài và nói được thì thật là tiếc ơi là tiếc ... Nên sau này, tôi quyết tâm muốn thế hệ kế tiếp của con tôi phải đọc và viết được tiếng Việt.
Sydney và Melbourne là hai thành phố lớn, nơi có nhiều người Việt định cư sinh sống từ sau năm 1975 đến nay. Những lớp Việt Ngữ đã được tổ chức giảng dạy vào hai ngày cuối tuần thứ bảy, chủ nhật, tạo điều kiện giúp cho con em chúng ta hiểu biết thêm về nguồn gốc, phong tục tập quán, đồng thời nói và viết được tiếng mẹ đẻ của mình.
Nên nhớ, ngôn ngữ thứ hai không phải dễ học, nếu không biết chữ, biết đọc, biết viết, thì lâu ngày sẽ quên luôn không xài được nữa.
Có một số người Việt mình không thấy tầm quan trọng nầy, cho rằng không nhất thiết phải đi học thêm chữ Việt ở một xứ nói tiếng Anh. Một số thì không quan tâm và chịu khó, muốn nói chuyện bằng tiếng Anh với con cái. Nói chung ở phương trời Tây đa số cha mẹ đi làm cả ngày, tối về gần gũi nói chuyện với tụi nhỏ không được mấy câu. Vậy mà có một số cha mẹ còn quan niệm dùng con cái mình làm phương tiện để trau dồi Anh Ngữ, để rồi tiếng Việt của chúng dần dần mất đi theo năm tháng mà không biết. Theo ý riêng của tôi đây là một quan niệm sai lầm! Đáng tiếc! Có thể những cha mẹ đó sẽ không học thêm được nhiều, ngoài những từ ngữ thông dụng sinh hoạt hàng ngày như: ăn uống, nhắc học bài, kêu đi ngủ, đi tắm ...v.v ... Tôi xin lỗi nếu có bị đụng chạm hoặc không vừa ý ai đó !
Khi chúng ta thấy một đứa trẻ, con cháu của bạn bè, gặp mình khoanh tay hoặc gật đầu chào “thưa chú, thưa bác” mình vẫn thấy ấm áp dễ chịu và có cảm tình hơn hai chữ “ hé lô “.
Bây giờ mấy đứa con tôi mới cảm thấy quí giá cái ngôn ngữ chúng tôi đã cho nó. Cái ngôn ngữ mà hàng ngày nó nói chuyện với cha mẹ nó, và thấy rằng hồi đó, mỗi sáng thứ bảy bị ép đi học thêm chữ Việt, suốt 12 năm không uổng chút nào! Đây cũng là niềm tự hào nhất trong cuộc sống 40 năm của tôi ở Úc. Tôi đã làm được chuyện tôi mong muốn, khi mà cả 3 đứa con tôi được sanh ra và lớn lên ở Úc đều nói được tiếng Việt lưu loát. Nhưng dù sao, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ chính, mà tụi nó phải sử dụng làm việc và sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày.

Tôi xin trân trọng nghiêng mình kính phục những thầy cô giáo, những người đầu tiên đã đề xuất chương trình Việt Ngữ dạy cuối tuần. Để cuộc sống tha hương nơi xứ lạ quê người, con cháu người Việt chúng ta còn có cơ hội làm bạn, gặp gỡ, khắng khít với nhau.
Chân thành cảm ơn những người đã không ngại bỏ hết thời gian, tâm quyết, để duy trì truyền thống, giảng dạy chữ Việt cho thế hệ kế tiếp, có được tiếng nói, giọng nói ấm áp, bằng chính ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ của mình.

Ngày 10 tháng 5 năm 2020
Trần Hàng Ngươn


4 comments:

trường tôi said...

Cám ơn anh Ngươn , Lời văn giản dị chân tình , hiền hòa như dòng sông Kiên . Chúc Anh và gia đình được nhiều hạnh phúc, bình an trong cuộc sống.
Người Đồng Hương

vk said...

Sống ớ nước ngoài, biết thêm một thứ tiếng tức một người mà thành hai. Biết tiếng Mẹ đẻ là một hạnh phúc, ngoài ra cơ hội kiếm việc cũng nhiều hơn. Ước gì người Việt hải ngoại ai cũng giống anh Ngươn .

Tran Hang Nguon said...

Cám ơn người đồng hương đã khen và khích lệ. Chúc người vui, khỏe và may mắn !

Tran Hang Nguon said...

Cám ơn đã xem bài viết !
Hiểu được lòng của người sống tha hương !
Dù không biết người comment nhưng rất vui !