Hai Hùng SG
Đang cuốc đất be bờ lại cho mảnh ruộng nhà mình bổng Tư Nên nghe tiếng của Sáu Càng gọi:
-Cha chả hôm nay anh Tư mầm sớm dữ hung a, sao không kêu sấp nhỏ ở nhà ra phụ, già cả rồi đừng ráng quá anh Tư ơi, anh mần quá có ngày cụp xương sống là mệt cầm canh nghe anh.
Chống tay lên cán cuốc Tư Nên cười khì một cái khi nghe ông láng giềng quan tâm đến mình hơi quá, Tư Nên nói:
-Chú Sáu nói sao chứ tụi mình chưa đầy "Lục từng" mà già cái khỉ khô gì, bữa nọ mở đài vô tuyến truyền hình tui nghe mấy ông hội nông dân tọa đàm về sức khỏe và đời sống của nông dân mình, có ông lên ngâm hai câu thơ làm tui khoái chí lắm, vầy nè :
-Bảy mươi chưa phải là già
-Bảy mươi là tuổi mới qua dậy thì .
-Vậy đó, tui với chú thì so ra mình còn "trẻ con nhi đồng" lắm đó chú .
Nghe Tư Nên nói vậy Sáu Càng khoái chí cười khanh khách, sau tràng cười thiệt đã kia Sáu Càng lên tiếng:
-Anh Tư nói nghe có lý à nha, để tui dìa nói lại cho bà dợ tui cho bả sáng con mắt ra mới được, chứ ngày nào bà cũng "hát" hoài một bài:
- Ông Sáu nè, lúc này già cả rồi, mần cái gì cũng phải nghĩ đến gia đình con cái, ông bỏ cái tật léng phéng đi, hồi trẻ thì không nói gì, giờ già khú rồi lạng quạng thiên hạ cười cho thúi đầu luôn nghe ông .
Nghe Sáu Càng kể vậy, chẳng những Tư Nên không bênh ông láng giềng nọ mà ông còn "Đế" cho Sáu Càng thêm vố nữa :
- Thím Sáu ở bển nói dậy là trúng phóc rồi, tui cũng mến chú lắm nhưng nói thiệt (dụ) này tui (binh) chú không đặng rồi nhe, ai đời chú hết quen bà này tới bà khác, chú bay bướm còn hơn mấy tay giàu có ở Sài gòn nữa, họ tiền bạc rủng rỉnh nên họ mới đèo bồng, còn chú thì "Trên răng dưới... Dép" mà bày đặt học đòi, thím Sáu ở nhà coi (dậy) mà tốt ghê, gặp người khác chú có môn ra chuồng heo mà nằm .
Nghe "Đồng Minh" trở quẻ với mình, sượng sùng trong lòng Sáu Càng phân bua :
- Ai có muốn dậy đâu anh Tư, tại mấy bà thầy bói coi chỉ tay cho tui, bà nào cũng phán tui có số đào hoa, nên chuyện hai ba bà theo đuổi tui là chuyện bình thường, nhưng từ lúc tui quen bà bốn bên Giồng Trôm thì nó trở thành bất thường luôn, bà xã nhất quyết đòi "Xé hôn thú" làm tui năn nỉ gần chết thì bả mới cho tui vác cái xác về nhà. Sáu Càng thở dài một tiếng rồi kể tiếp :
- Anh Tư biết sao không, quê cơ nhất là cái hôm tui trở về nhà, bả chơi ác mở cuốn băng hài của Hoài Linh và Chí Tài diễn cái tiểu phẩm Ru lại câu hò, hình ảnh Chí Tài ăn mặc lôi thôi trở về sao giống y như hoàn cảnh tui lúc đó, tui chạy lại tắt phim này liền, thấy vậy bả chọt vô một câu ê ẩm cả người :
" sao rồi, nhột lắm phải hông ông, cho ông chừa cái thói trăng hoa nghe chưa".
Đang trần tình với Tư Nên, bổng dưng Sáu Càng đổi đề tài :
-Anh Tư nè, bộ "Tam sên" của anh lúc rày bộ rã đám rồi sao không thấy khắng khít như lúc trước nữa.
Tự dưng nghe Sáu Càng "quẹo cua cao bồi" nhắm đến bộ ba của mình, từ khi có phong trào "Kiều hối" của những người sinh sống ở nước ngoài gửi về cho thân nhân ở quê nhà và phong trào "Hợp tác lao động" , nên những dòng tiền của hai nguồn này đỗ về quê cho các gia đình có con em nằm trong trường hợp trên, vô tình nó lại là nguyên nhân gây ra sự hiềm khích, ganh tị lẫn nhau giữa Ba Gà với Sáu Bảnh
Sở dĩ nhóm ba người của Tư Nên cùng Ba Gà và Sáu Bảnh được mang cái biệt danh là "Bộ tam sên" mà Sáu Càng mới nhắc cho Tư Nên là được xảy ra rất ngộ nghĩnh.
Bữa nọ trong ấp Tân Phú nơi nhóm bạn bè chí cốt của Tư Nên cư ngụ, nhà Sáu Bảnh cất thêm căn nhà gỗ cho hai vợ chồng thằng con lớn ra riêng, xui cho Sáu Bảnh vì đang mùa thu hoạch lúa nên các công lao động đỗ xô ra đồng lo cho vụ mùa, chỉ còn lại một số người già và trẻ em ở nhà nên thiếu nhân công phụ cất nhà, Sáu Bảnh buồn bã bèn thả ra tiệm cà phê đầu xóm ngồi chờ thời, một là có thể gặp ai đó chịu phụ mình trong vụ cất nhà thì thuê mướn, hai là Sáu Bảnh thuộc loại bị "sâu cà Phê" hành dữ lắm, bữa nào không uống thì người dật dờ rất khó chịu vì thế không nữa nào Sáu Bảnh vắng mặt nơi tiệm cà phê này, dường như trời già cũng sắp đặt nhân duyên nên khiến sao hôm ấy Tư Nên và Ba Gà có mặt, sau một hồi tâm sự chuyện làng xóm nhà cửa ruộng vườn của nhau, Tư Nên và Ba Gà nghe Sáu Bảnh cầu cứu việc cất nhà nên hai người nhận lời ngay, coi như phụ giúp nhau trong lúc khốn khó về khía cạnh nào đó là điều tốt đẹp..
Khi mấy cây nhang đã tàn trong buổi lễ cúng khởi công xong, Sáu Bảnh bưng cái dĩa đựng " Bộ tam sên" gồm mấy con tôm càng, vài cái trứng vịt, miếng thịt heo ba rọi thật ngon đem ra cái bàn tròn đặt giữa mảnh đất dự định cất nhà, Sau Bảnh kêu con gái đem ra chai đế Gò Đen trong veo như mắt mèo mùi thơm phức, đây là loại ba xi đế chánh gốc Gò Đen do sui gia của Sáu Bảnh tự nấu nên rất ngon và không có hóa chất độc hại ẩn trong đó, bộ ba nhậu một trận tưng bừng cho đến khi ngà ngà say, bộ ba này mới bày ra cái màn " Kết nghĩa đào viên" và đặt cho nhóm có cái tên "Bộ Tam Sên", với ý nghĩa ba người gắn bó tình anh em cùng nhau lâu bền, ví như Bộ Tam sên mà thiếu một món trong ba món kể trên thì coi như không còn ý nghĩa gì hết. Chuyện đời cứ nghĩ mọi việc sẽ trơn tru tốt đẹp, và bộ Tam sên kia tưởng đâu là bạn tốt suốt đời, nhưng...
Nhà cửa cất xong con gái Sáu Bảnh được ấp chọn cho đi Hợp tác Lao động bên Nhật Bản, chưa bao giờ được đi xa, vậy mà con Hiền con Sáu Bảnh sắp có dịp kiếm tiền còn được du lịch thì còn ao ước nào hơn...
Con Gái của Ba Gà đi nước ngoài đã lâu, trước đây thỉnh thoảng gửi về một lá thư, con Thu kể lể nhớ cha mẹ, nhớ con mương bên hông nhà nhớ cây cau trước sân, dĩ nhiên có tía má mình !à vợ chồng Ba Gà. Không biết sau này tự dưng Thu gửi tiền dồn dập về cho vợ chồng Ba gà sửa sang nhà cửa thật tươm tất, cuộc sống nhà Ba Gà "dễ thở" một cách rõ ràng.
Con Hiền con Sáu Bảnh cũng đâu kém cạnh, một thời gian làm lụng khổ cực Hiền bắt đầu gửi tiền về cho cha mẹ, tuy vậy cuộc sống của nhà Sáu Bảnh không thể nào sánh bằng cuộc sống nhà Ba Gà....
Xích mích bắt đầu có nguồn cơn để hình thành, một bữa đang ngồi "Cu ki" bên ly cà phê, Sáu Bảnh buồn vô hạn, vì hôm kia thôi Sáu Bảnh ngồi đò qua sông nghe mấy bà đi chợ trò chuyện với nhau:
-Cha nội Ba Gà lúc này ngon cơm lắm nhe mấy bà, Hôm rồi cúng miễu trong xóm mình, ổng đứng ra thầu hết chi phí, mọi lần bà con còn góp vốn vô cũng kiếng, giờ thì xóm đó sướng ghê, à tui nghe nhà của ông Sáu Bảnh gì đó , có con gái mần ăn ở nước ngoài nhưng coi bộ tiền bạc không bằng nhà Ba Gà, mấy " Ổng " nghe nói chí cốt nhau lắm nghe, nhưng coi chừng ganh nhau thế nào cũng rã đám cho coi.
Sáu Bảnh mừng thầm trong bụng vì mấy "Bà tám" trên ghe không ai biết mặt mình nên họ đâu có biết Sáu Bảnh cũng đang thầm ghen tức vì điều các bà tám vừa rồi thổ lộ cho nhau.
Người ta thường nói " Oan gia ngõ hẹp" nên đang bực bội vụ Ba Gà, Sáu Bảnh ực cho xong ly cà phê vừa đứng dậy đi về, bổng Ba Gà cũng mò đến quán cà phê, gặp sáu Bảnh bà Gà vồn vã hỏi:
- Sao rồi anh Sáu, lóng rày con Hiền nghe nói gửi tiên về cho anh Khẵm lắm phải hông, hôn nay quởn nè, tụi mình qua rủ anh Tư Nên làm vài xị giải sầu chơi, lâu quá không ráp lại cũng buồn.
Nghe Ba Gà hỏi thăm vụ con Hiền, vì đang bực dọc trong bụng nên Sáu Bảnh cứ nghĩ Ba Gà chơi xỏ lá, móc lò cho mình quê chơi, Sáu Bảnh tự nhiên thấy máu nóng dồn lên đầu nên trả đùa cho bỏ ghét:
- Không dám đâu anh Ba ơi!, con Hiền nhà tui tiền bạc làm ra sao bằng con Thu con anh, nghe nói nó ăn tiền trợ cấp thất nghiệp mà lại có công việc làm hẳn hoi nên nó gửi về cho anh nhiều hơn con Hiền nhà tui là cái chắc, nhưng anh dặn con Thu cẩn thận nhe, ăn gian có ngày " phú lít" nó "Vịn" là tiêu nghe anh.
Nghe lời nói chói tai của Sáu Bảnh vừa thốt ra, Ba Gà bực dọc :
- Ai nói anh con Hiền nhà tui dậy chứ, nó có ăn tiền của chính phủ trợ cấp cái giống gì đâu, anh nghe mấy bà tám ngoài chợ đồn đãi bậy bạ không hà.
Thấy thái độ tức giận của Ba Gà, Sáu Bảnh hả hê trong bụng vì trả đũa được Ba Gà một cách đích đáng nên Sáu Bảnh cũng mát dạ, đến đây hai ông không nói với nhau lời nào nữa, chiến tranh lạnh giữa cái hột vịt và con Tôm càng của bộ Tam Sên bắt đầu, chỉ có miếng thịt heo (Tư Nên ) chưa biết điều xích mích trên.
Tuy vậy lần hồi Tư Nên cũng biết được nội tình của hai người bạn thân thiết của mình giận nhau vì chuyện không đâu, biết hai người bạn mình ai cũng là người cố chấp, muốn họ làm hòa với nhau Tư nên cảm thấy khó còn hơn tìm đường "Lên trời", qua nhiều đem tâm sự với vợ mình, bữa nọ nhân có giỗ ở nhà Tư Nên mời lối xóm có mặt đầy đủ nhưng chủ yếu là lôi cho được hai người bạn đến để có cơ hội cho họ làm lành lại với nhau.
Bàn tiệc Tư Nên ngồi kế bên là Ba Gà và Sáu Bảnh, ai nấy nói cười vui vẻ, duy chỉ có hai ông nọ là không thèm nói chuyện với ai, cư lầm lì tới tua là bưng cái ly mắt trâu rượu đế nốc ực cho xong bổn phận, khi rượu bắt đầu ngấm, chờ có vậy vì Tư Nên thấm nhuần câu tục ngữ "Rượu vào lời ra", sau vài câu chuyện vô thưởng vô phạt, Tư Nên bắt đầu ra chiêu :
- Mèn ơi ! bà Tám Hợi hôm rồi cúng động Thổ cất nhà bả không xài bộ Tam sên để cúng nữa, tui thấy vậy cũng được đa.
Ông Tư Cồ thuộc hàng bô lão trong ấp đâu có biết mánh lới của Tư Nên, vì vậy ông lên tiếng phản bác :
- Thăng Tư bây nói dậy là bậy dữ đa nghe, nào tới giờ vụ cúng đất đai nhơn trạch, ông bà mình khi cúng dứt khoát phải có bộ tam sên mới thành lễ nghe bây, ai chế bớt vụ này thì sai bét rồi đó, con mẹ Tư Hợi bậy bạ hết sức luôn bây, ý nghĩa cúng bộ tam sên là để tế cáo Trời đất sông nước thành hoàng thổ địa đó bây, tục xưa vậy mà làm, đừng có chế bậy bạ tội lỗi với trời đất nghe bây.
Tư Nên cố tình chế dầu vô lửa :
- Ông Tư ơi , con đồng ý cúng bộ Tam sên, nhưng lỡ kẹt cúng hai sên được hông ông Tư.
Biết Tư Nên đang " Thấu cáy" mình chuyện gì, ông Tư Cồ làm bộ hỏi:
- Cái thằng quỷ này, hai sên là cái giống gì tao chẳng hiểu đâu ra đâu hết, ý chú em mầy là sao, cứ nói huỵch toẹt ra đi cứ úp mở hoài.
-Con thấy nếu thiếu miếng Thịt heo thì cúng cái hột vịt với con tôm được không ông Tư, hai sên là vậy đó.
Nghe Tư Nên nói xong ông Tư Cồ cười với cái giọng sằng sặc đến độ nước mắt rị ra nơi khóe, ông Tư dụi mắt rồi nói:
- Thằng Tư mầy hôm nay nói xàm hết biết luôn nhe, cúng tế cáo mà bây giả ngộ hoài, ai đời cúng kiểu đó bao giờ, bây có cái ý gì trong này phải không?
Đến nước này Tư Nên mới kéo Ba Gà và Sáu Bảnh đứng lên thi lễ với ông Tư Cồ. Khi vái tạ người lớn tuổi với thái độ tôn kính, Tư Nên bèn nói:
- Dạ thưa ông Tư, ba đứa con là anh em kết nghĩa, tụi con ví như bộ Tam sên, con là miếng thịt heo, Ba Gà là con Tôm Càng , còn Sáu Bảnh đây là cái hột vịt, hổm rày hai cha nội này giận nhau vì cái chuyện không đâu khiến ai cũng buồn, hôm nay nhờ ông Tư cho biết ý nghĩa bộ Tam sên, và nếu thiếu một thứ trong đó coi như vô dụng.
Quay sang hai ông bạn già của mình, Tư Nên nói :
- Hai tía mần ơn hòa thuận lại giùm tui đi, mình có ba đứa mà bày đặt giận hờn chi cho tổn hao sức khỏe, cuộc đời ngắn ngủi lắm hai ông ơi!
Gương mặt Ba Gà và Sáu Bảnh thật sự xúc động, Ba Gà xoay qua ôm chầm Sáu Bảnh, Sáu Bảnh cũng ghì chặt lấy ông bạn của mình, thấy vậy ông Tư Cồ khoái trá khen :
-Chèn ơi , thằng quỷ Tư Nên này ghê thiệt bây, dám giỡn mặt với Lão Tư Cồ này hen, tao phải phạt bây mới được, cho tao ba cái ly xây chừng đi bây, phạt thằng Tư Nên ba ly một chỗ mới được
Rượu rót ra sóng sanh đầy tràn ba cái ly "xây chừng" để trước mặt Tư Nên, vừa định bưng lên uống thì có bàn tay ai giữ lại, thì ra Ba Gà ngăn lại, thấy vậy ông Tư Cồ làm bộ làm dữ :
-Ủa sao ngộ dậy cứ để thằng quỷ đó uống đi chứ.
Ba Gà nói với ông Tư Cồ :
- Thưa ông Tư, lỗi này do tụi con gây ra, bây giờ xin phép ông Tư có phạt thì Phạt nguyên bộ Tam sên đi, chứ phạt miếng thịt heo không thì tội nghiệp lắm.
Ông Tư Cồ cười giòn , ông nói :
- Chú em này thuộc bài ghê chưa, phải vậy mới đúng bộ tam sên chứ.
Ông Tư Cồ cầm cái ly mắt trâu lên hô lớn :
- Bà con ơi! Nâng ly chức mừng bộ tam sên tái hợp nhe.
Tiếng dạ rân lên, ai nấy vui mừng khi thấy tình nghĩa xóm làng của bộ Tam Sên thật sự gắn bó nhau đến cuối đời.
Viết xong 11.9.2017 (20h38pm)
No comments:
Post a Comment