__________________
Nguyễn Diệu Anh Trinh
Tôi thức dậy khi tiếng chim hót ríu rít thật vui tai trên
rặng cây cao ở khu rừng thông bên cạnh nhà. Sáng thứ sáu, ngày cuối tuần vui vẻ,
tôi mang tâm trạng vui tươi đó khi diện chiếc quần jean và cái áo trắng model hết
cở để đi làm. Trong tuần, chỉ có ngày thứ sáu là được tự do mặc jean thoải mái,
khác với những ngày đầu tuần, lúc nào cũng phải dress up nghiêm túc, lịch sự để
gặp gỡ, làm việc với khách hàng. Khách hàng là… thượng đế nên mình không được
ăn mặc lè phè.
Tôi thật may mắn được làm việc với ông Sếp rất dễ thương,
không hề biết làm khó dễ nhân viên là gì.
Kể từ dạo công ty tôi làm mở mang thêm mấy dãy lầu, sân
bãi đậu xe cũng được nới rộng ra. May quá, văn phòng của Sếp phải dời sang
building khác để thuận tiện cho ông trong việc họp hành, giao tiếp với khách
hàng hay gặp gỡ các Sếp lớn. Tôi được đưa sang làm ở phòng film, cách văn phòng
của Sếp một dãy cơ xưởng lớn. Một mình một cõi, cả tháng chưa thấy mặt Sếp, khi
có chuyện gì cần dặn dò, trao đổi thì Sếp điều khiển từ xa, qua mấy cái email
là xong.
Công việc trôi chảy nhịp nhàng như thế, tính ra cũng xấp
xỉ hai mươi năm rồi, tôi chưa hề bị khiển trách, thỉnh thoảng còn được khen thưởng.
Là người phụ nữ da vàng duy nhất của bộ phận Proof- Reading (Đọc bản vẽ) tôi nhận
được khá nhiều ưu tiên từ Sếp so với các đồng nghiệp khác màu da, khác màu mắt.
Thích nhất là giờ giấc làm việc thật thoải mái. Thay vì mỗi ngày làm tám tiếng,
năm ngày một tuần đi đi về về, tôi đã xin làm rút gọn trong bốn ngày, mười tiếng
một ngày với lý do nhà xa, mà thật ra là để đở “hao xăng” và lại có thêm được một
ngày nghĩ, tha hồ mà lang thang lên trang web… buôn dưa leo với mấy "bà
tám". Giờ có mặt ở bàn làm việc của tôi cũng chẳng bó buộc, tôi không sợ bị
đi trễ, không bị áp lực trong công việc và giờ giấc. Tôi biết đó là những ưu
đãi trong nghề nghiệp mà không phải ai ước là cũng có được. Đường công danh của
tôi, tuy không đạt đến đỉnh như bao người với quyền cao chức trọng, nhưng đó là
một công việc tôi yêu thích, với đồng lương xứng đáng so với khả năng và tuổi
tác của mình.
Lòng hân hoan, thơ thới, tôi lái xe đi qua con đường quen
thuộc mà tôi đã đi lại nhiều năm. Buổi sáng sớm, đường phố chưa tấp nập lắm,
sương mai còn phủ lờ mờ khiến cảnh vật thật huyền ảo, mùi cỏ mới cắt dịu dàng,
thoang thoảng làm tôi ngất ngây. Tôi vặn lớn volume của CD trong xe, lắng nghe
âm thanh tiếng nhạc dạo… “… Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, chọn những bông hoa
và những nụ cười…” (TCS)… nghe có lý lắm! Bỗng nhìn lên kiếng chiếu hậu,
ánh đèn màu xanh biếc đang chớp chớp, xoay xoay… Chết cha rồi, cảnh sát! Tôi
bình tĩnh đưa tay tắt nhạc, cẩn thận lái xe thêm một đoạn, tìm cách tấp vào một
khu shopping bên phải, tắt máy xe và chờ đợi. Chiếc xe cảnh sát nối đuôi tôi,
cũng tấp vào phía sau. Mấy phút sau, một viên cảnh sát người Mỹ trắng cao to với
hàm râu xồm xoàm làm khuôn mặt thêm phần oai vệ, nếu tôi không muốn nói là dữ tợn:
- Chào bà buổi sáng, vui lòng cho tôi xem bằng lái xe và
giấy bảo hiểm.
Tôi lấy bằng lái xe ra trình. Hắn lịch sự:
- Cám ơn quí bà
Rồi đi về phía xe của hắn, đang còn chớp đèn đàng sau.
Tôi ngồi yên trong xe mình, cũng chưa rõ mình bị stop vì lý do gì… có lẻ chạy
quá tốc độ cho phép?
... Không, tôi đâu có nôn nóng gì trên đường đi làm, bao
nhiêu năm lái xe tôi chưa hề bị phạt về vụ này mà! Đang toan tính kiếm vài câu
xã giao năn nỉ nếu bị hắn phạt quá nặng vì một tội vô cớ nào đó. Cảnh sát mà, họ
làm tiền cho ngân sách chính phủ nên tôi đành chấp nhận một cách… lạc quan!
Viên cảnh sát trở lại, hỏi tôi:
- Xin bà vui lòng cho tôi biết, tốc độ cho phép của đoạn
đường bà đang lái xe, thưa bà!
Trời ơi, gì chớ bài học này, con số 45 miles nằm chình
ình trên tấm bản nhỏ phía lề phải, dựng rải rác trên lề đường, có nhắm mắt tôi
cũng nằm lòng mà, tuy vậy tôi cũng nhỏ nhẻ, lịch sự:
- Thưa ông, tốc độ cho phép là 45 miles một giờ.
Viên cảnh sát hỏi tiếp:
- Thưa bà, vậy vừa rồi bà đang chạy với tốc độ là bao
nhiêu?
Tôi e dè:
- Tốc độ của tôi lúc nãy chừng 50 miles (tôi biết chắc,
đây là con số… có thể tha thứ)
Viên cảnh sát nhìn tôi:
- Thưa bà, bà đã chạy với tốc độ 70 miles một giờ…
Tôi xây xẩm mặt mày, không lắng nghe hắn nói lải nhải gì
thêm về luật giao thông… Tôi biết, một khi cảnh sát đã phán là y như tòa án
phán, không kiện thưa làm gì cho tốn công mà còn phải trả lệ phí toà án. Nó nói
mình chạy 70 miles? Cũng có thể lắm, khi vừa lái xe mà vừa nghe nhạc xập xình,
có thể đầu óc hưng phấn nên lở trớn… Tôi thầm tính toán, với tốc độ vượt mức
cao nghệu như thế, tôi phải chi ra bao nhiêu tiền để đóng phạt cho lần này, chi
phí này chúng tôi vẫn gọi đùa là… tiền ngu!
Viên cảnh sát lải nhải một hồi, ông ta trả lại tôi cái bằng
lái xe và tấm thẻ bảo hiểm xe. Tôi nhìn đôi mắt màu xanh lá cây biêng biếc của
hắn và nghĩ đến những tờ đô la cũng màu xanh như thế phải chi ra một cách oan uổng.
Vẫn chưa thấy tờ biên lai phạt màu vàng, không biết hắn xác định tội trạng của
mình như thế nào đây, tôi nghe ông tiếp:
- Bà đã chạy quá nhanh trên đoạn đường vắng vẻ này, rất
nguy hiểm cho bà.
- Vâng, thưa ông, tôi biết!
- Bà nên luôn nhớ rằng, lúc nào tôi cũng chạy xe sau lưng
bà, cẩn thận nhé!
Tôi rủa thầm trong bụng, quái, hắn muốn gì đây mà lên giọng
hăm dọa phụ nữ? Cảm giác bực bội len lỏi vào tâm trí.
- Tạm biệt bà, chúc bà một ngày tốt lành!
Ôngta nói xong, đưa bàn tay lông lá ra bắt tay tôi rồi
quay lưng đi, không kịp nhận ở tôi một lời cám ơn… giả dối!
Tôi kiểm soát lại một lần nữa giấy tờ của mình, nhìn
quanh chỗ ngồi trong xe, không có gì rơi rớt. Tôi mở cửa xe bước ra ngoài cẩn
thận xem xét, mọi thứ đều OK. Tôi nổ máy xe, lái khỏang năm phút là đến cổng
công ty, tâm trạng vẫn còn hoang mang.
Lấy chìa khóa mở cửa phòng, việc đầu tiên tôi làm là lục
bóp xem lại giấy tờ. Vẫn không thấy tờ giấy phạt ở đâu để biết ngày nào là hết
hạn đóng phạt. Có một người đồng sự mang hồ sơ đến giao, hắn hỏi bâng quơ vài
câu, tôi vui miệng kể cho hắn nghe sự việc xảy ra sáng nay. Hắn cười lớn:
- Vậy là chị được tha rồi. Hôm nay chị diện đẹp quá, một
ngày may mắn cho chị đó!
Tôi nghe và vẫn không tin đó là sự thật, dễ gì tên cảnh
sát râu xồm lại bỏ qua một cách vô lý khi hắn đã ngăm nghe là tôi chạy quá tốc
độ khủng khiếp như thế.
Khoảng chín giờ sáng, Sếp tôi đi họp, tiện đường ông đem
một số dụng cụ văn phòng đến giao cho tay thư ký trong phòng tôi. Có lẻ khuôn mặt
tôi đang còn băn khoăn nên Sếp hỏi:
- Chào cô, mọi chuyện đều tốt chứ, tôi có thể giúp gì cho
cô hôm nay không?
Tôi kể lại chuyện gặp cảnh sát sáng nay và chờ ở Sếp một
lời an ủi vì mới sáng sớm đã bị… hao tài. Ông Sếp hỏi tới hỏi lui:
- Cô chắc là ông ta chỉ trả lại giấy tờ chứ không bắt cô
ký giấy phạt chứ?
- Tôi chắc, không ký giấy gì cả.
Vậy là cô được tha rồi, may mắn quá! Nếu không, giá chót
là cô phải tốn hai trăm đồng cho lần phạt này. Hôm nay chắc tên cảnh sát đó có
chuyện vui nên dễ dãi đó, lấn sau cẩn thận nhé!
Tôi vẫn còn bán tin bán nghi, không thể nào tin vào vận đỏ
hôm nay. Cho đến ngày hôm sau…
… Trưa thứ bảy, tôi được phép đi ra ngoài ăn trưa vì
căng tin đóng cửa. Vốn không thích những thức ăn nhanh của Mỹ nên bất đắc dĩ lắm
tôi đành phải ghé vào một cửa hàng ăn vội đỉa salad. Trong khi đang chờ lấy
order…
- Xin lỗi bà, cho phép tôi ngồi ghế này được không?
Tôi ngước mắt nhìn, một ông Mỹ đang đứng cạnh bàn tôi và…
chính xác là hắn đang hỏi tôi.
Tôi trả lời như một cái máy:
- Được, xin ông cứ tự nhiên
Người đàn ông ngồi xuống, rất thân thiện:
- Chào bà, khỏe chứ!
- Cám ơn ông, tôi cũng thường. Ông khỏe không?
- Cám ơn bà. Nhà bà ở gần đây sao?
- Công ty tôi làm cách đây chừng 5 phút, thưa ông.
Tôi trả lời rất thờ ơ, người đàn ông vẫn nhìn tôi:
- Bà thật không nhận ra tôi hay sao, bà Nguyễn?
Câu hỏi của người đàn ông làm tôi giật mình. Tôi hơi sửng
sốt rồi tự hỏi mình, quái, quen biết ở đâu? Sao hắn biết mình họ Nguyễn? Có thể
quen mặt vì gặp nhau trong công ty hàng ngày. Tôi dò hỏi:
- Xin lỗi, ông cũng làm ở SGI Inc, phải không?
Người đàn ông cười:
- Bà không nhớ chúng ta mới gặp nhau hôm qua hay sao?
Lúc này tôi mới mở to mắt nhìn, Ah, đôi mắt “màu xanh đô
la” và… hàm râu ... Thì ra hôm nay viên cảnh sát mặc thường phục nên tôi
không thể nào nhìn ra được người đã stop tôi sáng hôm qua. Tôi tỏ vẻ ân hận:
- À, thật đáng tiếc, chào ông…
Có tiếng người phục vụ gọi tôi lấy thức ăn, người đàn ông
đứng lên đi theo:
- Để tôi giúp bà.
Người đàn ông đến quày giúp tôi lấy thức ăn và nhận luôn
phần ăn của ông ta bưng về bàn. Chúng tôi cùng ngồi ăn trưa. Tôi vừa dùng đĩa
salad của mình vừa lắng nghe. Nét mặt người đàn ông có vẻ bùi ngùi, ông ta nói
thật chậm, giọng kể lể, câu chuyện của ông đưa tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc
nhiên khác:
-… Ba tôi là một sĩ quan quân đội Hoa Kỳ, đã từng tham dự
cuộc chiến tranh ở Việt Nam nhiều năm. Mẹ tôi nói Việt Nam ở xa lắm, bên kia bờ
đại dương. Ngày Ba tôi rời gia đình thì tôi mới năm tuổi, ông đi ... và
đi mãi không về. Mẹ tôi vật vả, oán hờn cái đất nước bên kia bờ đại dương đã nuốt
trọn hình hài của ba tôi. Vì sau nhiều đợt kiếm tìm đều trở về trong thất vọng,
thân xác ba tôi vẫn còn nằm lại đâu đó, trong một khu rừng già nhiệt đới hay đã
tan tành dưới đạn bom vô tình năm xưa. Từ đó, mẹ tôi ghét cay đắng những con
người từ cái xứ sở đã cướp đi người bà yêu thương. Khi những đoàn người Việt
Nam di dân sang đây ồ ạt, bà dạy tôi không được giao tiếp với những đứa bạn
mang dòng họ Nguyễn. Theo sự tìm hiểu của bà, đó là dòng họ lớn nhất của người
Việt Nam. Tôi không biết mẹ tôi đúng hay sai, nhưng tôi hiểu là tôi nên làm mẹ
vui lòng. Cho đến một ngày… năm năm trước đây, mẹ tôi bị đau thận, cả hai quả
thận của bà đều không còn hoạt động được bao lâu nữa. Bà mỏi mòn chờ một trái
thận “từ thiện” thích hợp để kéo dài đời sống. Và… như một định mệnh, hay nói
đúng ra là một sự đền bù được Thượng Đế sắp đặt, một phụ nữ bị tai nạn xe hơi
qua đời, trong bằng lái xe có dấu hiệu sẵn lòng hiến dâng cả hai trái thận. Mẹ
tôi may mắn được ghép một trái thận từ người phụ nữ nào đó, mang họ Nguyễn, cái
họ khắc nghiệt mà bà căm ghét từ lâu. Chúng tôi không được phép biết tên vị ân
nhân đó, chỉ biết đó là một bà họ Nguyễn… Thưa bà… mẹ tôi nay sống khỏe mạnh phần
đời còn lại với một trái thận mang họ Nguyễn, ... như họ của bà đây.
Người đàn ông có đôi mắt xanh biếc ngưng một lát, ông ta
nhìn tôi… và tiếp:
-… Sáng hôm qua tôi đã nhìn thấy trong bằng lái xe của
bà dòng chữ màu đỏ ORGAN DONOR (Hiến Dâng Nội Tạng), bà Nguyễn… thật cám ơn bà.
Xin thay mặt mẹ tôi, thật cám ơn những trái tim nhân ái đến từ bên kia bờ đại
dương.
... Nước mắt ướt nhoè khuôn mặt khi tôi nghe lời cám ơn rất
trân trọng của người đàn ông. Trong khi thân xác bao người như cha anh và đồng
đội của ông đang còn nằm lại trên quê hương tôi. Mấy mươi năm qua rồi, tôi làm
sao dám nhận ở anh lời cám ơn hôm nay. Nhưng qua câu chuyện của người đàn ông vừa
kể, quả thận được hiến dâng của người phụ nữ họ Nguyễn nào đã cứu được mạng sống
của mẹ anh, người đàn bà khác chủng tộc, không quen biết cũng là một hóa giải
cho bao ưu phiền bấy lâu. Tôi nghe mà mừng.
Chia tay người đàn ông, tôi nhận được thêm ở ông lời cầu
chúc:
- Chúa sẽ ban phước lành cho bà!
- Cám ơn ông!
Tôi chào ông trở về nơi làm việc. Giữa trưa, bầu trời
xanh thẫm, vài cụm mây trắng lang thang trên cao, tia nắng mùa hè xuyên qua
cành lá, rơi xuống sân bãi đậu xe. Gió đưa nhẹ cành cây làm bóng nắng lung linh
nhảy múa. Tôi bước vào công ty, những bước chân như reo vui.
... Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, chọn những
bông hoa và những nụ cười ...*
* Ca từ của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Nguyễn Diệu Anh Trinh
1 comment:
Một câu chuyện kể thật đáng trân trọng về tình người. Tôi đang sống ở Việt Nam và thường nghe người ta nói về ORGAN DONOR.
Post a Comment