__________________
Bông Súng Trắng
Năm học lớp 12 thì tôi tạm biệt Rạch Giá theo gia đình về
Long Xuyên và học trường Thoại Ngọc Hầu. Má tôi vẫn thường xuyên ghé thăm má
nàng. Hai bà vẫn thân thiết như xưa. Thỉnh thoảng tôi vẫn quay về Rạch Giá để
ghé thăm gia đình nàng. Từ bao lâu nay, má nàng luôn xem tôi như người thân hay
con cháu trong nhà. Tôi quen biết nàng rồi quan tâm tới nàng “từ lúc hoa chưa mặn
mà”. Tôi muốn tặng cho nàng một món quà. Tôi nghĩ mãi và tôi chọn chiếc nón bài
thơ. Tiệm bán nón gần nơi tôi trọ học nhưng tôi ngại không dám qua mua trước.
Tôi chỉ sợ có người hỏi con trai mua nón lá làm gì. Thế là đến hôm nghỉ cuối tuần,
tôi bước nhanh qua tiệm nón lá và mua một chiếc. Tôi nhanh chân lùi bước quên cả
việc nhận cái quai nón kèm theo. Tôi nhờ thằng em họ lấy xe đưa tôi ra ngay bến
xe Rạch Giá. Khi xe lăn bánh, tôi cứ ôm mãi chiếc nón trong lòng. Rồi xe đến
Kinh D thì có nhiều học sinh tan trường đón xe về nhà. Xe bắt đầu đông khách, mấy
học sinh nam nữ đứng chen nhau nơi lối đi giữa hai hàng ghế. Anh lơ xe bảo tôi
để chiếc nón lên kệ cho trống trải. Tôi ngước nhìn anh ta nhưng vẫn cứ khư khư
ôm lấy chiếc nón vì sợ để trên kệ, người khác vô tình nhét đồ lên đó sẽ làm hư
chiếc nón. Việc này khiến các cô học sinh chú ý. Rồi tôi nghe có tiếng xì xào
và tiếng cười khúc khích. Tôi xoay người liếc ngang thì thấy các cô ấy đang bàn
tán và cười nhạo về một chàng trai và chiếc nón lá.
Về
đến nhà nàng, tôi gặp chị giúp việc đang đứng ngoài sân. Chị đón tôi ngay trong
sân và hỏi :
- A,
hôm nay về có mang theo chiếc nón lá, mua cho ai thế ?
Tôi hơi lúng túng trả lời :
- Cái
chị này, đã biết rồi còn hỏi.
Tôi dợm bước vào nhà nhưng quay lại đưa mắt nhìn chị như
cầu cứu :
- Mình
sẽ nói sao hả chị ?
Chị bật cười vui vẻ :
- Thì
cứ nói thẳng : anh mua tặng em chiếc nón bài thơ chứ nói sao giờ.
- Mà…
sao thấy ngại quá, hơi kỳ kỳ.
- Ngại
gì, kỳ gì, có sao nói vậy hơn là không nói.
- Thôi,
cứ để đại đó, chắc người ta cũng biết mà.
Thế là tôi vào nhà, lẳng lặng đặt chiếc nón trên chiếc
bàn gần nơi nàng ngủ. Xong. Đây là món quà đầu tiên tôi tặng cho nàng ngoài những
thiệp chúc xuân hằng năm đã gởi cho nàng.
Đến giờ cơm chiều, chiếc nón lá không còn nằm trên bàn nữa.
Nó được treo ngay ngắn trên vách và còn ló ra cái quai bằng vải trắng. Chiếc
quai hợp với chiếc áo dài đi học. Tôi thầm mỉm cười, vậy là được rồi.
Xế trưa ngày hôm sau, tôi đến đứng cạnh chiếc nón lá bạo
dạn mở lời :
- Mình
đi một dạo vòng đi.
Nàng nhíu mày nhìn tôi rồi lơ lững hỏi :
- Đi
đâu giờ này ?
- Thì
đi một vòng hóng mát đi.
- Còn
công chuyện tùm lum đây nè.
- Thì…
còn sớm mà. Đi một chút rồi về.
- Ừ… đi thì đi, mà một chút thôi để còn về
làm công chuyện, hông thôi má la.
Tôi tự tin đáp lại :
- Má
hổng la đâu.
- Sao
biết hổng la ?
- Ừ…
thì… mới đi lần đầu mà.
Tôi lặng lẽ dắt chiếc xe đạp ra lộ còn nàng thì bước vào
trong thay áo. Từ trong nhà, nàng bước ra trong chiếc áo kiểu, cổ vuông màu
xanh nhạt và chiếc nón lá tòn ten trên cánh tay. Đến nơi, nàng cẩn thận vuốt lại
cái quai nón rồi đội lên trước khi ngồi vào yên sau xe đạp. Tôi thong thả cho
xe đi về hướng cầu đúc. Trong đầu cứ nghĩ ngợi đi đâu bây giờ. Chả lẽ chạy vòng
quanh chợ, lãng nhách. Đang nghĩ miên man thì nàng lên tiếng giọng bâng quơ :
- Con
trai gì mà đi mua nón lá, không sợ người ta cười cho.
- Ừ… chứ biết mua gì giờ. Hơn nữa, tiệm bán
nón nằm ngang nhà trọ đó. Mua xong, bỏ đi một nước quên luôn cái quai nón người
ta tặng. À, mà mua cái quai nón hồi nào vậy, đâu thấy đi chợ đâu.
- Đâu có mua đâu. Có sẵn mà.
- Ủa, ở đâu mà có sẵn vậy.
- Ừ, mà nghĩ cũng ngộ…
- Cái gì ngộ ?
- Thì cái áo dài đó…
- Áo dài đi học thì đẹp, dễ thương chứ ngộ
gì.
Có
vẻ như nàng hơi dẫy nẫy. Chiếc vành nón lá đập vào lưng tôi và má nàng cũng áp
lên lưng tôi. Nàng nói :
- Người
ta chưa nói hết mà cứ ngắt lời hoài.
- Ừ,
thôi nói đi.
- Hôm rồi ba mua cho khúc soie Thái Lan. Đem
đến tiệm may thì họ nói bây giờ người ta bận áo dài hơi ngắn hơn lúc trước một
tí. Vậy là khúc vải dư được vài tấc. Tự nhiên lúc đó nghĩ đến một chiếc nón lá
và phần vải dư này sẽ làm được mấy cái quai. Quai màu trắng hợp với áo nhưng
mau dơ nên phải làm hai ba cái sẵn để thay đổi.
- Ừ, hiểu rồi.
- Hiểu cái gì ?
- Hiểu là nay có bà tiên với chiếc đũa thần
đã tặng chiếc nón lá đó.
- Lãng nhách. Tự nhiên đem cái nón về rồi để
đó không nói tiếng nào.
- Biết nói gì chứ. Chắc chắn người ta biết mà, thì
đó, bây giờ đã gắn chiếc quai đẹp rồi đó.
- …
Gần tới cầu đúc, tôi chợt nhớ giờ mình sẽ đi đâu đây? Ừ,
thì đi hóng mát.
Dừng xe bên bờ kè đá sát mé biển, tôi dựng xe và vươn vai
khoan khoái hít một hơi dài thật hạnh phúc. Nàng bước xuống, ngó quanh quẩn. Một
đôi bạn trẻ ngồi trên bờ đá ngắm ra biển. Sau lưng họ là chiếc xe Honda nữ. Xa
xa, một vài người đang nhanh tay thu dọn mớ cá phơi trên các vỉ tre. Giờ này
nơi đây vắng người. Nàng sửa chiếc nón ngay ngắn lại, ngồi lên bờ đá, quay người
nhìn ra biển im lặng. Một cơn gió thổi bật chiếc nón ra sau lưng. Trên gương mặt
nàng thoáng hiện nét đăm chiêu. Tôi bước đến ngồi cạnh nàng chưa biết nói gì.
Chợt nhìn thấy hình ảnh mờ mờ trên chiếc nón, tôi nói :
- Chiếc nón bài thơ đó.
- Ừ… biết mà. Thấy có chùa Thiên Mụ nè, có cầu Trường
Tiên, có cô lái đò mặc áo dài với lại… thêm cái hình gì nữa mình hổng biết.
- Thì hình cái cổng Tam Quan đó.
Nàng hơi nhíu mày, nghiêng đầu nhìn tôi nói :
- Nói bậy. Cảnh ở Huế chứ có phải ở Rạch Giá đâu mà
cổng Tam Quan.
- Thì tại thấy giống cổng Tam Quan nên nói vậy chớ
có đi Huế bao giờ đâu mà biết. Ừ… mà chắc là cảnh Ngọ môn ở Huế. Ở đó cũng có
cái cổng Tam Quan nữa.
- …
Ngoài khơi xa, một màn nước trắng đục che mất các hòn đảo.
Gió biển thổi vào mát lạnh. Hai con nhạn biển vỗ cánh hối hả bay vào bờ. Gió mỗi
lúc một mạnh hơn đưa sóng biển đuổi con nước đập vào bờ kè, nước bắn tung toé.
Cả hai đứa cùng đứng lên, lùi lại. Tôi nắm tay kéo nàng vào trong, bước tới đứng
sau lưng nàng chắn gió :
- Xui quá. Chắc phải về nhà thôi.
- Không kịp đâu mưa tới rồi.
Nàng vừa dứt lời thì từng giọt mưa nặng hạt lần lượt rơi
xuống vỡ tan trên mặt đường. Tôi hối thúc nàng :
- Chạy qua hội trường bên kia đụt mưa đi.
Nàng úp chiếc nón trước ngực lúp xúp chạy qua bên kia đường.
Tôi nhanh chân dắt chiếc xe theo sau. Vào đến hành lang, nàng treo chiếc nón
trên cánh tay và đưa tay kia lên vuốt lại mái tóc lấm tấm nước mưa. Tôi bước
vào đứng cạnh nàng rồi hai đứa cùng lùi dần đến sát vách tường. Hội trường giờ
này cũng vắng tanh. Đột nhiên, nàng ngước mắt nhìn tôi hỏi nhẹ trong hơi thở :
- Chừng nào đi ?
- Đợi chút, hết mưa thì đi.
Nàng lắc lư nhẹ đôi vai gằn lại từng tiếng :
- Người ta hỏi chừng nào đi Long Xuyên học
đó.
Tôi hơi mắc cười, không vội trả lời. Tôi nhìn màn mưa mà
như không thấy gì. Một cảm giác xao xuyến lẫn lo âu vẩn vơ trong lòng. Tôi
nghiêng đầu nhìn nàng rồi âu yếm nói :
- Tại nhớ quá thì về gặp mặt. Nhìn cho đã rồi
lại đi học. Cũng gần thi rồi.
- Lo học đi. Nếu thi rớt thì nhiều người buồn
lắm đó.
- Biết rồi. Tại nhớ quá đó mà…
Nàng nhoẻn miệng cười rồi quay mặt nói vui :
- Sạo quá đi. Con trai gì mà dẽo miệng quá.
- Thiệt đó nhe. Thề nè.
- Gì mà phải thề chứ.
Bỗng một cơn gió từ biển hắt những giọt mưa lạnh buốt vào
hành lang. Nàng giật mình nép sát vào người tôi, đưa chiếc nón lên che gió. Tôi
xoay người che chắn cho nàng và vòng tay kéo nàng sát vào lòng tôi. Nàng đỡ chiếc
nón lá lên, ngước mắt nhìn thẳng vào mặt tôi. Tôi cúi xuống nâng cằm và đặt lên
môi nàng một nụ hôn. Nàng hơi rùng mình đưa bàn tay áp lên ngực tôi ấm hĩm. Thời
gian như ngừng trôi, hạt mưa như ngừng rơi. Qua giây phút ấm áp đầu đời, nàng bẽn
lẽn, ngập ngừng :
- Sao gan quá vậy ?
Tôi hơi lúng túng :
- Ừ… thì con trai mà. Con trai gan hơn con
gái mà. Tôi buột miệng hỏi nàng :
- Vậy con gái có gan không ?
Nàng chớp chớp đôi mắt, đặt tay lên ngực tôi, ngập ngừng
:
- Thì… cũng gan vậy…nhưng…
- Sao ?
- Ừ… thì gan nhưng không lì.
Thời
gian vẫn tiếp trục trôi. Tôi đậu Tú Tài II và trúng tuyển vào đại học Sư phạm
Sài Gòn. Năm tôi tốt nghiệp sư phạm thì nàng cũng chuẩn bị bước vào đại học,
nàng có ý nguyện theo ngành dược. Hạnh phúc trong tầm tay.
Bỗng
đâu một cơn bão lớn ập đến, ngoài sức tưởng tượng của bao người. Cơn bão đã
quét từ Quảng Trị vào tới tận miền nam. Cơn bão đã đảo lộn tất cả. Cơn bão đã đẩy
nàng rời xa chiếc cổng đại học…mãi mãi. Ba nàng là một viên chức cũ. Nàng quay
về lẩn quẩn nơi quê nhà. Nơi đây rồi cũng không yên, nhà mất. Nàng đành phải về
quê ngoại. Bế tắc…
Cuối cùng, nàng đã xuống thuyền tìm cuộc sống mới nơi xứ
lạ quê người. Còn tôi, sau vài lần ra đi mong gặp nàng nhưng vẫn không qua khỏi
cửa biển. Nghìn trùng xa cách…
Qua gần bốn mươi năm… Bất ngờ, một hôm em gái tôi chuyển
địa chỉ email của nàng cho tôi. Tôi liền mở laptop gởi cho nàng một bức thư ngắn
đầu tiên báo tin đã nhận được địa chỉ email của nàng. Tôi hồi hộp chờ tin. Nàng
trả lời ngay :
- Được rồi ! Đã nhận được thư của “anh” rồi
(lần đầu tiên và cũng có thể là lần duy nhứt nàng gọi tiếng “anh”). Cố gắng giữ
liên lạc qua email nhé. Mừng lắm. Vui vẻ nhé.
Không thể nói hết nỗi niềm lúc này. Vui mừng, nhớ nhung,
hồi hộp, lo âu… Thế rồi hằng ngày thư đi, tin lại. Nàng cho biết nhờ một chuyến
đi dự ngày họp mặt các cựu học sinh trường Nguyễn Trung Trực. Lần đó, nàng tình
cờ gặp một người bạn quê Long Xuyên. Nàng hởi thăm tin tức gia đình tôi. May mắn
thay, người bạn đó quen biết với gia đình tôi nên nàng nhờ tìm cách liên lạc.
Nàng báo tin đã sống ổn định nơi xứ người sau một thời gian dài cô đơn, vật lộn
với đời, bương chải vì cuộc sống. Tôi cũng kể chuyện quê nhà, chuyện gia đình
cho nàng rõ và tôi thường nhắc chuyện ngày xưa. Một hôm, nàng hối thúc tôi sắm
cái smartphone để hai đứa gặp mặt nhau qua kết nối viber.
Rồi gương mặt nàng xuất hiện trên màn hình, không mấy
thay đổi, vẫn nét mặt bầu bĩnh như “lúc hoa chưa mặn mà”, nhờ sống ở nước ngoài
có khác. Có lúc nàng huyên thuyên kể chuyện còn tôi chỉ nhìn nàng qua màn hình
mà không nói tiếng nào. Nàng ngưng nói và lên tiếng :
- Sao rồi ? Sao nín thinh vậy cà ?
- Ừ, Tại lo nhìn màn hình đó mà. Nhìn chưa
đã.
- Giờ đã thấy mặt nhau rồi, còn muốn gì nữa.
- Vẫn thấy nhớ đó mà.
- Sạo quá đi ông ơi !
- Thiệt đó.
- Giờ hai đứa bước qua hàng sáu hết rồi. Quá khứ
không sửa được đâu. Quên đi. Hãy sống bình yên với hiện tại. Nhớ làm gì chỉ
thêm buồn và khổ tâm.
- Không quên ! Không bao giờ quên ! Ừ, có nhớ
thì có buồn đó nhưng không luỵ mà cảm thấy như được an ủi, yên tâm. Về quê thăm
nhà đi !
- Không về được. Không thể về.
- Sao lại không ? Biết bao nhiêu người đã về
thăm nhà rồi đó.
Giọng nàng buồn bã :
- Đã bảo không về được rồi mà.
- Vậy có còn gan không ?
Một lúc lặng im. Nàng hơi nhíu mày rồi như chợt nhớ ra,
nàng cúi mặt nhìn xuống, trả lời :
- Cũng còn gan lắm nhưng…gan bây giờ không giống
gan ngày xưa nữa. Già rồi mà, giờ vừa gan vừa lì nữa…
2 comments:
"Già rồi mà, giờ vừa gan vừa lì nữa... "Ha ha...Như dzị sao hỏng về quê nhà 1 chuyến thăm bạn bè cũ giờ ra sao ? Như niên khóa của tui 69-76 cứ mỗi năm họp mặt 1 lần đó hoặc là có ai ở nước ngoài về là sẽ có 1màn họp mặt bỏ túi liền...rất vui
Dân NTT
"Không về được. Không thể về "
Chắc là sợ khi gặp lại nhau chàng sẽ đứng tim phải vậy không ?
Post a Comment