Saturday, June 24, 2017

Bảo tồn văn hóa

_________________

Trà Lũ




Năm Con Gà 2017 Canada có nhiều niên tuế kỷ niệm: Thành phố Montreal miền nói tiếng Pháp kỷ niệm 375 năm sinh nhật, Tổng Giáo Phận Công Giáo Toronto mừng 175 măm thành lập, và quốc gia Canada chính thức mừng lễ quốc khánh 150 tuổi.
Tuy là quốc gia còn trẻ, Canada đã đóng góp rất nhiều công sức cho nền hòa bình thế giới. Trong thế chiến thứ nhất Canada đã tham chiến với 619.000 binh sĩ, trong thế chiến thứ hai, với hơn một triệu binh sĩ. Sau hai thế chiến, Canada tưởng đã làm xong việc góp phần bảo vệ hòa bình, ai ngờ chiến tranh Cao Ly đã xảy ra năm 1950, Canada đã tham chiến dưới cờ Đồng Minh. Cuộc chiến này chấm dứt năm 1953, nhưng sau đó đã kéo Canada vào cuộc chiến Việt Nam. Canada không tham chiến nhưng đã tham gia Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến từ tháng 7-1954. Trong cuộc chiến tại VN này, Pháp tìm cách biến nó thành một mặt trận của thế giới tự do chống lại cộng sản. Nga Xô và Trung Cộng ủng hộ hết mình giúp mặt trận Việt Minh làm cho cuối cùng Pháp thua trận Điện Biên Phủ, và việc này dẫn tới Hội Nghị Geneve 8-5-1954 chia đôi VN lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Các bên tham chiến đồng ý ngưng bắn dưới sự giám sát của một Ủy hội quốc tế, gồm Ấn Độ, Ba Lan và Canada. Ba vị đại diện ba nước này trong Ủy hội mang cấp bậc đại sứ. Vị đại diện Canada là ông Sherwood Lett. Phái đoàn Canada trong Ủy Hội có 140 người, gồm 120 quân nhân và 29 dân sự.



Theo sử liệu, sau khi làm việc ít lâu, phái đoàn Canada đã trình Ủy Hội Quốc Tế và công bố 3 điều này:
– Việt Minh đã vi phạm nặng nề điều 14 của Hiệp Định là đàn áp và ngăn cản việc di cư vào Nam của người dân miền Phát Diệm, Trà Lý, Ba Làng, Lưu Mỹ, Thuận Nghĩa, Xã Đoài. Canada phản đối và lên án việc này.
– Bắc Việt tố cáo “đồng bào miền Bắc bị cưỡng bách di cư vào Nam”, Canada cho điều này là hoàn toàn vô căn cứ vì Canada đã tiếp xúc với hơn 25.000 người trong các trại di cư thì không có một ai ngỏ ý muốn được trở về miền Bắc cả.
– Canada tố cáo đích danh nhân viên Ấn Độ và Ba Lan đã thiếu vô tư và thiên vị Bắc Việt.
Ngoài ra, vì hạn 300 ngày cho việc di cư không đủ, Canada đã đề nghị thêm 2 tháng nữa, cho đến ngày 20-7-1955. Việc này Ủy Hội đã chấp thuận. Rất nhiều đồng bào thoát kịp miền Bắc vô được miền Nam vào phút chót là nhờ lời đề nghị gia hạn này của Canada.
Canada đã không thiết lập ngoại giao với cả 2 miền Việt Nam để bảo đảm tính cách vô tư và trung lập của mình. Chính phủ Miền Nam luôn luôn ca ngợi Canada về sự công bằng và tinh thần phục vụ hoà bình. Canada tuy không thiết lập ngoại giao với VNCH nhưng đã cấp rất nhiều học bổng cho các du sinh qua chương trình Plan Colombo.
Trên đây là vài nét sơ lược về việc Canada liên hệ tới VN qua hiệp định Geneve 1954. Chưa hết. Từ năm 1960, Miền Bắc bắt đầu xâm chiếm Miền Nam gây ra chiến tranh tàn khốc. Việc này dẫn đến hội nghị đình chiến ở Paris năm 1973, và một ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến lại được đặt ra. Canada lại được mời tham gia Ủy ban kiểm soát đình chiến lần nữa. Các văn phòng của Ủy Hội Kiểm Soát Đình chiến có mặt khắp nơi.
Nghe tôi nói đến đây thì ông bạn già ODP trong làng An Lạc của tôi đã cười ha ha rồi nói: bác nói Canada trung lập, không nghiêng bên nào, nhưng có một trường hợp Canada đã công khai nghiêng và xâm chiếm Việt Nam. Nghe đến đây thì ai cũng sửng sốt vì việc này chưa hề nghe. Ai cũng hỏi: Việc gì vậy? Ông ODP lại cười nữa rồi chỉ vào Anh John và Chị ba Biên Hòa:
– Đây, ông này là biểu tượng Canada đã xâm chiếm Bà này là biểu tượng Việt Nam. Rõ ràng chưa?
Cả làng phá ra cười. Ừ, đúng quá. Quả là người Canada đã xâm chiếm người VN. Duyên số thật chứ. Nếu không có Canada trong Ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến thì làm gì có anh John ở VN. Anh John trong làng An Lạc của chúng tôi là nhân viên trong phái đoàn Canada. Văn phòng của anh đặt tại Biên Hòa. Chị Ba là cô giáo anh văn ở Biên Hòa được tuyển làm thông dịch cho phái đoàn. Anh John đã mê cô giáo này ngay từ phút đầu. Anh đã cưới cô và đem cô về Canada xây tổ ấm. Hai anh chị là giáo dân đạo đức của giáo xứ cha Paolo ở Toronto. Anh Chị và giáo xứ đã bảo lãnh gia đình cụ Chánh từ trại tỵ nạn Mã Lai năm 1981, về sau cụ là tiên chỉ làng An Lạc chúng tôi.
Chuyện làng tôi thì còn dài lắm, tôi sẽ kể từ từ hầu các cụ về sau nha.
Trên đây tôi có nhắc tới việc năm nay thành phố Montreal miền nói tiếng Pháp ở Canada mừng 375 tuổi. Chuyện Montreal nhiều lắm vì ban đầu nó liên hệ tới ba nhà thám hiểm da trắng từ Âu Châu sang đây, đó là John Cabot, Jacques Cartier và Samuel de Champlain. Tôi nhớ nhất Jacques Cartier vì do cụ người Pháp này mà có tên Canada. Sách kể rằng năm 1534 khi thám hiểm một miền sông St. Lawrence, cụ Cartier gặp ông da đỏ bèn hỏi tên miền này. Cụ nói tiếng Pháp còn ông da dỏ nói tiếng Iroquois, hai bên không hề hiểu nhau. Người da đỏ nghĩ rằng ông da trắng này hỏi về nơi cư trú, anh ta liền chỉ mấy túp lều rồi nói: Kanata, nghĩa là nhà của chúng tôi ở kia. Cụ Cartier lại nghĩ “kanata” là tên của miền này nên cụ đã ghi tên này vào bản đồ của cụ. Tai cụ nghễng ngãng, người ta nói Kanata mà cụ ghi là Canada. Tên Canada có gốc như vậy đó các bạn ạ.
Còn thành phố Montreal có gốc từ một phái đoàn tu sĩ người Pháp xuất phát từ Paris năm 1642. Thủ lãnh của đoàn là Paul de Maisonneuve. Họ đã đến miền Quebec là nơi Jacques Cartier đã tìm ra. Đoàn có 40 người. Họ đã lập ra cơ sở truyền giáo ở đây đầu tiên. Montreal mừng 375 năm là lấy gốc từ cuộc xuất phát lịch sử 1642 trên đây.
Riêng thành phố Toronto thì Tổng Giáo Phận Công Giáo Toronto mừng 175 năm thành lập. Nhà thờ Công giáo đầu tiên do người Âu Châu thiết lập là ở Windsor thuộc bang Ontario năm 1767. Năm 1806 dân số Công giáo là 170 người. Giám mục Michael Power là giám mục tiên khởi với nhà thờ chính tòa là St. Michael ở Toronto năm 1842. Mới đó mà nay đã 175 năm, nay đã 225 giáo xứ, đã 806 linh mục, đã 2 triệu giáo dân. Xưa chỉ có một giám mục, còn hiện nay tổng giáo phận Toronto có một tổng giám mục là Đức Hồng Y Thomas Collins và 4 giám mục phụ tá, trong đó có Đức Cha Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu gốc thuyền nhân tỵ nạn VN. Xin hết chuyện các ngày lễ và xin kể tiếp về chuyện anh John với Chị Ba Biên Hòa. Ông ODP trêu chị là người bị Canada xâm chiếm, chị trả lời là chị không bị xâm chiếm mà chị là người xâm chiếm Canada, đã biến anh Canada này thành một người VN, từ tư tưởng, nếp sống đến miếng ăn. Chứng cớ ư. Chị bảo nhiều lắm. Một cái gần nhất là bữa bún bò Huế mà chị và hai cô Huế đãi làng tháng trước. Trong bữa này khi nghe có người nói phở là món đặc trưng miền Bắc, bún bò Huế là món đặc trưng miền Trung và món hủ tiếu là món đặc trưng miền Nam. Anh John nhà tôi đã lắc đầu bảo không phải vậy vì hủ tiếu là món Tàu. Theo anh món đặc trưng miền Nam là món “canh chua cá kho tộ”. Đồng ruộng miền Nam rộng mênh mông, lúa gạo ê hề, tôm cá ê hề, rau cỏ ê hề. Dân miền Nam thò tay xuống ruộng là có gạo thổi cơm, thò tay xuống hồ là bắt được cá, đưa tay ra vườn là hái được rau. Cho nên món cơm ăn với canh chua cá kho tộ đương nhiên là món ăn hằng ngày của dân miền Nam.
Nhân bữa họp làng tháng Sáu mừng lễ Các Người Cha, anh John người chồng Canada-bị-Việt-Nam-hoá đã xin chị làm món miền Nam này đãi làng.
Dân làng hoan hô hết cỡ. Ai cũng náo nức dành bụng ăn món đặc trưng. Bữa nay anh John là người phụ bếp, có kinh không cơ chứ. Khi cả làng đã an vị thì anh chị bưng thức ăn lên. Đầu tiên là tô canh chua rồi tới tộ cá, rồi tới cơm tám Nàng Hương. Cơm nóng canh sốt, hương thơm ngào ngạt, quả là ngon. Ông ODP là người rành và sành ăn nhất, tôi đã quan sát ông cách ăn canh. Ông đã lấy muỗm nếm nước canh trước tiên. Ông nhâm nhi chút xíu rồi gật đầu khen canh ngon. Theo ông, canh ngon là do nước canh. Ông nói nhỏ vào tai tôi: cũng như phở, nước có ngon thì cả bát phở mới ngon. Các cụ có thích tô canh chua này không? Tôi thì thích lắm, vì ngoài món chính là món cá, ta còn rất nhiều rau và gia vị. Nào me chua, nào giá, cần tây, đậu bắp, cà chua, quế, ngò om, nào nước mắm, nào đường. Loại cá “cat fish” luộc qua rồi bỏ vào nồi canh, chỉ mấy phút sau thấy cá ngon quá vì vừa chín tới. Rồi tô cá kho tộ, vàng ửng, được kho với đường, hành khô và tiêu đen.
Cả làng vừa ăn vừa xuýt xoa khen Chị Ba hết lời. Ai cũng hỏi bí quyết của hai món này. Chị vừa cười vừa tiết lộ. Em xin chia sẻ kinh nghiệm với mọi người: Tô canh ngon là vì em dùng nước súp nấu phở, tô cá ngon là vì em nêm nước mắm với chút xíu mật ong. À ha, cô Ba miền Nam giỏi quá hen!
Sang phần tráng miệng, ai cũng đang thắc mắc không biết món tráng miệng đặc trưng của miền Nam là gì. Sầu riêng chăng, mảng cầu chăng? Tất cả đều sai hết. Bữa nay món tráng miệng là một món Bắc Kỳ ròng. Đó là món cơm rượu. Lâu lắm tôi chưa được ăn món này. Không phải do Chị Ba làm mà do Cụ B.95. Cụ bảo chúng ta vừa qua Tết Đoan Ngọ, trong tết này, ngày xưa các cụ cho con cháu ăn món cơm rượu để giết sâu bọ. Bữa nay chúng ta ăn món này để nhớ lại quê hương ngày xưa.
Xin tạ ơn Trời Phật, bữa nay cả làng được ăn món chính của miền Nam, rồi món phụ của miền Bắc. Thiên đàng là đây, là bây giờ, chứ có ở đâu xa, phải không các cụ?
Rồi sang phần tin thời sự. Anh John xin kể ngay: Bây giờ mở radio và TV toàn thấy Vua Donald Trump. Người khen người chê loạn xà ngầu. Riêng phần tin VN thì có chuyện Ngài Nguyễn Xuân Phúc, biệt danh “Ma dze Cờ Lờ Vờ”, sang chào vua Trump. Các chuyện chào đón và diễn văn thì báo chí đã nói hết. Tôi chỉ thấy có điều này đặc biệt. Đó là món quà thủ tướng VN tặng vua Hoa Kỳ: một cái đèn dầu hỏa. Đèn này có trang trí hình cây lúa nước, và 2 lá cờ Việt Mỹ. Riêng lá cờ Mỹ thì vẽ sai. Cờ Mỹ có 7 sọc đỏ, 4 sọc đỏ ngắn và 3 sọc đỏ dài. Thế nhưng cờ Mỹ do mấy họa sĩ Hà Nội vẽ trên đèn thì 3 sọc đỏ ngắn và 4 sọc đỏ dài. Kỳ quá ha.
Nghe đến đây thì Cụ Chánh lên tiếng:
– Thôi, xin bỏ qua chuyện cờ quạt vì chắc là do mấy họa sĩ tài ba Hà Nội chỉ vì sơ ý mà vẽ sai chút xíu mà thôi, cờ đâu có quan trọng bằng việc xin nhờ Vua Trump đánh giúp Trung Cộng ở Biển Đông. Toàn những chuyện nhức đầu. Thôi, xin bỏ chuyện nhức đầu để sang các chuyện khác vui hơn. Thưa anh John, lâu nay tôi cứ thắc mắc muốn biết anh giỏi tiếng Việt như vậy là nhờ sách báo, nhờ Chị Ba, hay nhờ cái gì khác?
Anh John suy nghĩ một chút rồi trả lời:
– Cháu nhờ nhiều thứ lắm, vừa do vợ dạy, vừa do sách, vừa do các băng nhạc VN. Trong phòng của cháu có một núi băng nhạc, từ băng nhựa ngày xưa đến băng plastic ngày nay, như băng Thúy Nga, băng Asia. Nghe mấy ông MC, xem các ca sĩ múa hát, mê luôn, tiếng Việt nhập vô mình lúc nào không hay.
Ông ODP gật đầu rồi xin góp thêm ý:
– Anh John nói rất có lý và rất đúng. Tôi nghĩ rằng ở hải ngoại này cái công của mấy băng nhạc nổi tiếng như Thúy Nga và Asia rất lớn. Xưa kia nào có mấy ai điều khiển chương trình hay hơn Nguyễn Ngọc Ngạn, Kỳ Duyên, Nam Lộc, Trịnh Hội đâu. Họ là những người vừa có học, vừa có tài, vừa có duyên, họ là mẫu mực cho ăn nói. Rồi các ca sĩ, ngoài lời ca, còn là kiểu mẫu về y phục và trang điểm. Cô ca sĩ nào xuất hiện cũng ăn mặc đẹp hết cỡ, nhất là đề cao áo dài VN. Rồi các bài ca, bài nào cũng hay. Nào có bài nào lời lẽ rẻ tiền ngôn ngữ tầm thương đâu. Lại còn rất nhiều vở kịch đầy tiếng cười và có tính chất giáo dục… Những sự kiện này ảnh hưởng rất nhiều đến bao nhiêu khán thính giả, nay một ít, mai một ít, chúng thấm sâu vào nếp sống hằng ngày. Giả như ở hải ngoại này không có các băng nhạc VN trên đây thì người VN còn giữ được nếp sống văn hóa VN mạnh và cao như bây giờ không? Thế hệ 1-rưỡi và thế hệ 2 còn biết gì đến gia tài văn hóa VN nữa không? Tôi tin là không, vì thế hệ 1 của chúng ta nhiều lúc đã không làm gương sáng mà thường làm gương xấu, hay chia rẽ và chụp mũ nhau: chỉ tôi mới đúng, anh không giống tôi thì anh là VC! Những điều tôi ca ngợi các băng nhạc trên đây có thể làm nhiều người không đồng ý vì những lý do cá nhân. Tôi xin quý vị bình tâm xét lại, xin xét đến đại cuộc. Riêng tôi, tôi giống anh John, luôn trân quý các băng nhạc, nhất là băng Thuý Nga và Asia. Xin cám ơn đại gia đình Thúy Nga, và Asia với nhạc sĩ tài ba Trúc Hồ. Băng Thúy Nga 114, “Tôi Là Người Việt Nam” thật là hay và quý vì có bao nhiêu tài liệu sống về người VN.
Làng tôi nghe bài thuyết trình xong, ai cũng gật gù đồng ý với ông ODP. Ừ đúng quá. Thế hệ chúng ta hay chia rẽ, phe ta thường đánh phe mình! Mấy cô Huế và Chị Ba Biên Hòa vừa cười vừa lắc đầu: chúng tôi có chia rẽ bao giờ đâu! Chúng tôi thường họp nhau xem Thúy Nga và nghe ông Ngạn kể chuyện tiếu lâm mà. Rồi cô Tôn Nữ quay vào anh John hỏi: Anh John ơi, trong tiếng VN, tiếng nào làm anh buồn cười nhất?
Anh John thấy làng như chìm đắm vào đề tài công nghiệp văn hoá của mấy băng nhạc, anh muốn chuyển đề tài, nên giả bộ suy nghĩ một chút rồi trả lời:
– Có nhiều tiếng lắm. Chẳng hạn tiếng “ẤY”. Cái tiếng ẤY này hay vô cùng, không cần cắt nghĩa, cứ theo văn cảnh là hiểu ngay. Ví dụ nha:
. Lão này dê lắm, hắn ấy cả vợ bạn
. Thằng Tý và con Ty hay đi chơi với nhau lắm, chắc chúng đã ấy nhau rồi
. Thằng bé bị táo bón, ba ngày mới ấy được một lần.
. Nó được bác sĩ cho thuốc chữa táo bón, ngày hôm sau bác sĩ hỏi: Nó đã ấy được chưa?
. Chuyện này cấm cười, ai mà ấy là bị phạt liền.
Cả làng nghe xong liền phá ra cười ầm ĩ, mấy cô thì đấm nhau thùm thụp. Cô Tôn Nữ lại xin hỏi nữa: Chữ ẤY trong tiếng VN chỉ gồm hai chữ A và Y mà có bao nhiêu nghĩa, thế trong tiếng Anh có tiếng nào hay như vậy không?
Anh John đáp ngay như có sẵn tài liệu trong bụng:
– Có một tiếng, cũng chỉ gồm hai chữ, mà có không biết bao nhiêu nghĩa. Đó là chữ UP.
Tiếng UP được coi là một trạng từ, một giới từ, một tĩnh từ, một danh từ, và một động từ, các bạn cứ mở tự điển ra mà xem. Ví dụ nha: time is up, to speak up, to wake up, to brighten up a room, to line up for tickets, you are up to it, don’t give up, it’s up to you, shut up!…
Anh John nói đến đây thì Chị Ba Biên Hòa ra dấu ngăn anh lại rồi nháy mắt chỉ vào Cụ B.95. Cụ ơi, mai mốt lúc nào rảnh cháu sẽ nói về mấy chữ tiếng Anh này cho cụ hiểu nha. Bây giờ thì cháu xin được mời Cụ Chánh tiên chỉ làng nói mấy lời cho bữa ăn vui vẻ này.
Cụ Chánh nhìn mọi người rồi nói:
– Tuổi đời của lão đã cao, cuối đời mà được sống những ngày hạnh phúc như thế này thì là do các hồng ân của Chúa, lão thấy mình phải luôn luôn tạ ơn. Lão nhớ mãi câu chuyện của Cha Paolo kể: Rằng có một ông già đạo đức kia hễ mở miệng là tạ ơn Chúa dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Trời mưa bão ông cũng tạ ơn, trời nóng nực khô héo ông cũng tạ ơn. Một hôm có bọn cướp ập vào nhà trói ông lại rồi lục soát, ông có bao nhiêu tiền bạc thì chúng lấy hết. Hàng xóm biết tin chạy tới thì bọn cướp đã biến mất, họ cởi trói cho ông và hỏi ông còn tạ ơn Chúa nữa hay không, ông mỉm cười trả lời ngay: Còn chứ, còn cám ơn Chúa nhiều nữa chứ. Tôi cám ơn Chúa vì đây mới là lần đầu tiên tôi bị cướp, chúng lấy tiền bạc chứ không lấy mạng sống của tôi, tôi cám ơn Chúa vì tôi chỉ là nạn nhân chứ không phải là phạm nhân, tôi cám ơn Chúa vì tôi còn các ông bà đã chạy đến…
Cụ Chánh thấy mọi người lắng nghe chăm chú nên nói tiếp:
– Vừa rồi lão nghe Anh John và bác ODP nói chuyện cám ơn các băng nhạc về văn hóa. Thật hay và thật đúng. Ngoài ra, lão mới đọc bài báo nhắc tới lời của lãnh tụ Võ Đại Tôn khi ông nói chuyện yêu nước với đồng bào ở Louisiana năm 1998. Ông quả là có đại tâm khi nghĩ và nói tới đại cuộc như thế này:
… Đoàn kết phải xuất phát từ cái tâm của chúng ta, cái tâm của những người muốn cứu nước. Việc cứu nước không phải chỉ nguyên là việc diệt tan cộng sản rồi thôi. Cứu nước là làm thế nào cứu lại cái sinh phong của đất nước VN, cứu lại cái đạo lý của người VN, cứu lại cái văn hiến VN mà chế độ cộng sản đã chà đạp, đã hủy diệt quá nửa thế kỷ qua. Cho nên việc cứu người cứu nước là một việc làm nhân đức, làm huy hoàng lại cái uy đức của cha ông chúng ta…
Cụ Chánh đã giảng cho cả làng một bài giảng thâm thúy về việc yêu Chúa thì phải yêu người và yêu quê hương. Chúng tôi thật có phước lắm thay, phải không cơ?
Trà Lũ
Lời NXB: Hiện nay kho sách của Trà Lũ chỉ còn 3 cuốn: 300 Cười + 400 Cười + Đất Quê Hương 2, gồm 26 chuyện phiếm đầy tiếng cười. Đây là món quà quý cho mình và làm quà cho thân nhân. Giá 65 Mỹ kim gồm tiền sách và bưu phí. Xin liên lạc: petertralu@gmail.com


No comments: