_________________
Vũ Thế Thành
Ăn vụng luôn luôn là điều hấp dẫn. Thường
thì ăn vụng chỉ để thỏa mãn nhu cầu ẩm thực chốc lát, nhưng nếu ăn vụng là
phương tiện để tìm cảm giác mạnh thì khoái hoạt vô cùng.
Hồi
học đệ lục (lớp 7 bây giờ), thỉnh thoảng tôi mang theo đậu phộng da cá vào lớp.
Cô giáo dạy lý hóa, trẻ đẹp và ít cười. Bả cười ở đâu không biết nhưng rất hà
tiện với học sinh, và tôi thường chọn giờ của bả để hành động.
Động
tác che tay đưa đậu phộng vào miệng và nhai cầm chừng để qua mặt đối tượng là
điều quá dễ. Tôi không chọn cách đó. Tôi chờ lúc bà cô cầm phấn, vừa quay
mặt vào bảng là tung hạt đậu phộng lên cao, rồi giơ miệng ra hứng. Nhiều lần
trót lọt, và tôi yên chí mình là diễn viên xiếc tiềm năng.
Đi
đêm có ngày gặp ma, kẻ cắp gặp bà trẻ mới đau. Lần đó bà cô vừa chạm phấn vào bảng,
thì phấn gãy. Bả quay lại lấy viên phấn khác…
Một
cô giáo trẻ đẹp thường nghĩ ra những hình phạt mới lạ và quái lạ. Bà phạt tôi đứng,
không phải đứng trên đất, trên ghế, mà là đứng trên bàn. Ở tuổi 13 tôi đã cao
lêu khêu, và từ vị trí đắc địa tôi có thể quan sát tận tường lũ bạn vừa viết
bài, vừa ngước nhìn chế diễu.
Sự
nghiệp làm xiếc của tôi coi như kết thúc từ đó. Cho đến bây giờ tôi vẫn không
hiểu vì sao mình lại nghĩ ra được cái trò ăn vụng ngu dại như thế.
Mới
đây một thằng bạn Việt kiều đề nghị họp mặt tại Sài Gòn để mừng thọ tập thể,
trên dưới 60 cả rồi còn gì, và còn mời luôn thầy cô đến “chúc thọ học trò” để
thêm lộc trời. Cái mốc 75 đã làm ly tán tứ phương, kẻ còn người mất, trò đã đầu
hói tóc bạc, thì thầy cô cỡ nào đây? Vậy mà kiên nhẫn “truy nã” cũng tìm ra được
2 vị: bà cô phấn gãy và ông thầy
Việt văn.
Ngày
hội ngộ lùm xùm, phải đến nhà đón vì thầy cô đi không nổi. Bốn mươi năm trôi
qua như giấc mộng với bao nhiêu là biến cố. Ngày xưa chung lớp, cùng chơi đánh
đáo, cùng xem xi nê, … Giờ đây, kẻ thành danh, đứa thành ma, kẻ là kỹ sư, bác
sĩ, đứa thì bán phở, quà nhà cơm vợ. Thằng đã có cháu nội ngoại, đứa còn chăm
con mọn. Tồn tại và biến mất đủ kiểu.
Khi
những chuyện quá khứ được lôi ra để khoe khoang trí nhớ (là chính) và cũng để
bôi bác nhau (là phụ), mấy bà vợ Việt kiều mới hiểu ra rằng, ông chồng ba bốn
chục năm của mình đã “hoàn lương” một cách kỳ diệu. Bỏ đi Tám! Đừng thấy
người ta khờ khờ mà làm tới.
Đám
con cháu Việt kiều, tiếng Việt lõm bỏm, hiếu kỳ nhìn bậc cha chú thưa bẩm thầy
cô, cái kiểu ứng xử thầy trò gì lạ hoắc không giống ở Tây ở Mỹ chút nào, chỉ là
giao dịch mua bán kiến thức thôi mà.
Quà
tặng thầy cô là bức trướng, viết thư pháp Lương Sư Hưng Quốc. Ông
thầy Việt văn nhìn bức trướng đăm chiêu, Ai nghĩ ra trò này đây?. Hồi
học ở Đại học Khoa học Sài Gòn, tôi thường gửi xe ké bên Sư Phạm. Trường hàng
xóm này treo cái bảng thật to ghi bốn chữ đó, ra vào là đập ngay vào mắt. Bốn
mươi năm sau chợt nhớ lại và mang ra xài.
Có ý
kiến nên tặng thầy cô phong bì cho tiện. Cũng có lời cảnh giác, hồi đó
thầy cô mình đâu có ai dạy thêm. Cái văn hóa phong bì đã ngấm sâu vào người
hồi nào không hay. Họp báo phong bì, hội nghị khoa học cũng phong bì. Mới đây,
một giáo sư đi dự họp góp ý về đổi mới sách giáo khoa đã nói (công khai), ông
phát biểu 7 phút, và nhận được phong bì trong đó có 450.000 đồng.
Giọng
ông thầy bùi ngùi, chụp ảnh nhớ gửi cho thầy tấm này. Tôi hiểu
ông giáo già đó cần cái gì. Ông thầy Việt văn là người đã bắt bọn tôi phải học
thuộc lòng bài thơ Kẻ sĩ, mà ngay sau đó, nhân đề luận về tình thầy
trò ngày nay, tôi đã múa bút y như viết bản cáo trạng để trả đũa. Vậy mà
thầy vẫn cho tôi 16 điểm (/20).
Mấy
cái đầu già, già non, già khú, tụm lại để ôn lại chuyện của một thời, kẻ mất
người còn, rồi lạng sang đề tài giáo dục thời nay hồi nào không hay. Nấp sau những
cái gọi là hội phụ huynh, thành tích, học chuyên, tăng tiết,… chỉ là điều thực
dụng và bạc bẽo. Chính Danh lạng quạng, Trọng Đạo chưa xong nói gì đến tôn sư. Tiên
học lễ chỉ là thứ màu mè đi ngược với tinh thần giáo dục hiện đại? Đau
quá! Mấy cái đầu già cổ lỗ xĩ thở dài…
Lũ học trò năm xưa giờ đây ngậm ngùi xin thưa : “ Lương sư chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ để hưng quốc”. |
Bà
giáo già buồn buồn, mấy năm trước khi về hưu, cô được đổi về trường cũ. Khác
xưa nhiều lắm, kiến trúc tây xen với kiến trúc ta, nhìn thấy xa lạ. Cô nhớ
phòng giáo viên xưa, muốn vào xem. Bà y tá nói, đó là cái nhà kho. Cô cần gì?
Thưa
cô, bụi phấn không còn rơi nữa rồi. Thưa thầy, kẻ sĩ đã mờ nhạt trong thơ văn.
Lũ học trò năm xưa giờ đây ngậm ngùi xin thưa, Lương sư chỉ là điều kiện cần
nhưng chưa đủ để hưng quốc.
Vũ
Thế Thành
No comments:
Post a Comment