Friday, June 2, 2017

TẠP VĂN


 ______________
CHÂN DIỆN MỤC


Tạp văn là văn tạp nhạp, như số tiền lẻ, để chi cho đầy túi. Thôi thì viết bậy viết bạ, viết thí viết càn cho thiên hạ cười chơi... khóc chơi... suy nghĩ chơi. Như Lỗ Tấn chẳng hạn, nhiều bài gọi là truyện ngắn (rất ngắn), tùy bút, tạp văn cũng được. Chính cụ coi là tạp văn và nhiều nhà nghiên cứu cũng gọi là tạp văn!


Việt Nam trước đây cũng có nhiều người được ca tụng như Phạm duy Tốn, Nguyễn Bá Học, nhưng coi lại thì toàn là tạp văn.

          Gần đây thì ôi thôi... tạp văn nhiều vô số lủng
Thời chưa nhiễu sự trước kia, tôi thấy tạp văn của Lỗ Tấn, Phan Khôi ghê gớm lắm. Thời đa đoan nhiễu sự bây giờ e rằng nhiều tác giả còn vượt các cụ! Cái thời ăn tạp, nói tạp, khoe tạp này... đã khiến nhiều tác giả mài bút cho sắc để viết tạp văn!
Trước đây tôi có nói tới Đỗ Trung Quân (Ngu Trung) Đào Hiếu (Ăn Cây Nào Rào Cây Ấy) viết tuy ngắn nhưng mà đọc thấy... đã!  Đến như các ông nổi đình đám Phạm Lưu Vũ và Nguyễn Quang Lập (không ngạo đích danh ai nhưng như là đá giò lái!). Truyện Chị Cả Bống thì là truyện ngắn hay tuyệt vời rồi! Nhưng nhiều bài của ông tôi gọi là tạp văn để cười lẻ tẻ... chơi! Truyện Mỹ Tục là tục nước Mỹ, rồi Cơm Trắng và những bài mượn chuyện thời... Khổng Tử... chuyện Đám Mổ Bò gần đây  đọc mới đã chứ!  Nguyễn Quang Lập nói chuyện ngang ngang, móc họng. Nhưng chuyện Xóm Gái Hoang của ông đâu phải tả ba bà gái hoang, mà Nguyễn Quang Lập muốn tặng độc giả không phải những tiếng cười rỉ rả (ùa chầu chầu) tiếng cười vỡ òa, sảng khoái!

Cái vụ được mùa tạp văn này cũng có sự đóng góp của các nhà văn nữ lớn: Võ thị Hào, Song Chi, Nguyễn thị Từ Huy...
Nguyễn ngọc Tư không nói chuyện đao to búa lớn! Chỉ là cảm nghĩ vụn vặt của cô khi đi qua nhà ông tỉnh ủy, chỉ là suy nghĩ vu vơ... không hiểu sao lại có những hy sinh lớn lao như thế (chuyện cục kẹo).
Song Chi và Nguyễn thị Từ Huy còn gọi đích danh ông Chính Trị để nói chuyện, để đặt câu hỏi, chứ Võ thị Hảo chỉ mô tả khơi khơi những chuyện tạp nhạp của các cô gái Thanh Niên Xung Phong (Như Ngã Ba Đồng Lôc chẳng hạn). Nhưng những khổ đau, thiếu thốn, đói rét... nơi rừng âm u.  Các nàng thấy mình không những thiếu thốn... mà còn thấy mình xấu xí, mặc cảm, vô vọng... mong được có người tới... hiếp... rồi cười như điên dại! Ôi! Rất nhiều khu rừng mà tác giả gọi là rừng cười... đâu còn là chuyện tạp nữa!!!  Nhưng oái uăm thay, đối với nhiều quan lớn nó lại không phải là chuyện lớn... quên đi cho rồi !

Nguyễn Anh Khiêm viết Ký Ức Sơ Sài. Nhiều người gọi là tùy bút và hình như chính tác giả cũng gọi là tùy bút! Nhưng tôi thích gọi là tạp văn! Tác giả không viết tùy hứng, tùy tiện, mà tác giả cố ý đấy chứ!  Lâu lâu tác giả nhớ lại chuyện "vặt" xưa, viết ra để cười chơi! và đã mua được nhiều nụ cười đồng điệu! Trong đó có những nụ cười lớn: Kha Kha Kha!  Nhưng với riêng tôi, tôi chỉ cười mỉm thôi! Hồi xưa tác giả ra đường, thấy chuyện hay hay, lượm về cười chơi, bây giờ ngồi viết sơ sài lại! Một đêm tối ra đường, đi khệnh khạng thế nào suýt đâm vào gốc tre:  Đ.M. Tre gì mà lại trồng giữa đường???  Cũng trong đêm khuya kẻ hèn này ngồi đọc anh, mỉm cười bên ly trà nóng cũng thú đấy chứ! Cũng có khi không hề nhích mép mà trong bụng thú lắm, thú lắm! Sảng khoái lắm, sảng khoái lắm!

Chuyện tạp nhạp ở đất nước nhỏ bé này cũng đủ để đời nhỉ?
Hi! Hi! Hi!

C.D.M.

No comments: