Friday, January 12, 2018

Giọt nước mắt muộn màng

_______





Tết tây vừa qua như vậy là tết ta sắp đến rồi. Tuổi đời lại chồng cao hơn một nấc. Tuổi lưu vong cũng xếp dầy hơn một bậc...
Cứ mỗi lần tết đến là tôi  lại nhớ chiếc áo đủ màu đủ sắc mà má tôi may cho tôi nhưng tôi chỉ mặc nó có 1 lần duy nhất...
Nhớ những đứa trẻ mồ côi trong Kinh 7...
Hai năm trước tôi có viết bài "Chiếc áo mới" bài viết được cô giáo Hoàng Thị Tố Lang post trên blog lyhuong-rachgia.blogspot.ca và sư đệ Hoa Trần post lên blog trunghockienthanh.blogspot.com



Các anh chị em trong 2 nhóm trên đã ủng hộ gởi quà tết cho các bé mồ côi ở Cơ sở bảo trợ xã hội "Mái Ấm Tình Mẹ Kinh 7"
Mùa tựu trường năm đó chị K.D  bạn tôi cho biết các cháu cần một bộ đồng phục. Tôi định mở lời kêu gọi mọi người đóng góp cho các em có một bộ đồng phục mới nhưng bà xã cản, sợ làm phiền lòng vì các anh chị vừa gởi quà tết chưa được bao lâu. Thế cho nên tôi đành bấm bụng liều mạng làm "mình ên". 
Tết năm rồi tôi định không làm gì hết, nhưng anh Lê Đình Chơn Tâm và thầy Phạm Công Nhựt gợi ý giặt ủi lại chiếc áo cũ để nó biến thành "chiếc áo mới".
Thật bất ngờ các sư huynh, sư muội tôi người thì share về nhà facebook người thì post lên Tào Lao Quán..
Kết quả có không ít bạn bè thân thuộc nhờ tôi chuyển quà về cho Sơ Thế, người điều hành  cơ sở Mái Ấm Tình Mẹ Kinh 7. Và chắc cũng không ít người đã gởi trực tiếp đến trại mồ côi có địa chỉ là:
 Kinh 7 B,  xã Thạnh Đông A huyện Tân Hiệp tỉnh Kiên Giang .
                                         Điện thoại bàn :  84-077-3789540.
                              Email  maiamtinhmek7@yahoo.com.vn.



                              Điện thoại cầm tay của Sơ  Phạm Thị Ngọc Thế  84- 0945135762.



Hôm nay còn hơn tháng nữa là tới tết con chó. Tôi định giặt ủi lại cái áo đã cũ xì, nhưng mới vừa lấy ra khỏ khỏ vài ba chữ thì nghe tiếng MC Việt Thảo nổi lên từ cái ipad của bà chị...
Mở đầu cho một show mới Việt Thảo thường có một câu chuyện nói về một đề tài nào đó ví dụ như hôm qua tôi nghe anh ta đang nói về cái đề tài  "cho tiền hay không nên cho tiền những người homeless". Câu chuyện mở đầu đó đã làm cho tôi chợt giật mình nhớ lại chuyện xưa...
Tôi không thảo luận về những lời nói của anh ta đúng hay sai, mà chỉ muốn kể lại câu chuyện đã làm tôi luôn luôn suy nghĩ canh cánh trong lòng suốt mấy chục năm nay.
Đầu thập niên 80 tôi chân ướt chân ráo đến xứ Mỹ nầy. Những bước đầu gian truân trôi sông lạc chợ rày đây mai đó, cả năm trời mới có một chổ làm tương đối ổn định trong hảng sản xuất xúc xích với cái tên ngọt ngào dể thương "Gallo Salame" ở San Francisco. 
Là một người tị nạn cs tôi rất biết ơn đất nước đã cưu mang mình nên hầu như năm nào mùa Gáng Sinh mỗi khi bước ra đường nếu thấy những người đứng với cái chuông ở trước cửa các siêu thị tôi luôn luôn để một vài đồng vô thùng tiền. 




Trong hảng hằng năm mùa giáng sinh đều có những người đại diện cho các cơ quan thiên nguyện đến xin tiền như Red Cross, Unitedway...Mỗi lần họ đến thì cái deparment của tôi được nghỉ 1 giờ để nghe họ thuyết giảng cũng như có thắc mắc gì thì cứ tự do đặt câu hỏi. Sau đó thì đến ghi tên tặng tiền cho hội...
Còn giờ nghỉ khi làm bù sẽ được trả overtime. Thường thì toán sanitation của tụi tôi chỉ cho tiền 1 lần trừ thẳng vào lương của tuần lễ đó mà thôi. 
Có người chỉ cho đủ 1 giờ overtime có người cho nhích hơn chút đỉnh...

Mỗi ngày đi làm chúng tôi đều tới trước giờ bấm thẻ từ 15 phút đến nửa tiếng đồng hồ. Thay đồ xong là đến phòng ăn làm một ly cà phê Mỹ hút một điếu thuốc trước khi xuống vật lộn với vòi xịt nước và mấy cái máy làm salame dính đầy thịt sống. 
Thuở đó người ta chưa ra cái lịnh ác ôn "cấm hút thuốc trong phòng ăn" cho nên ai muốn hút thuốc thì tự động ra cái bàn gần cửa sổ mà ngồi. Các nàng trong bộ phận vô hộp đống gói cử thuốc lá thì ngồi phía trong. 
Department của tôi có tới 9 cái ống khói tàu loại chạy với tốc độ cao nên thường ngồi gần nhau vừa cà phê thuốc lá vừa tán dóc chuyện đời. 
Hôm đó tôi vừa mang ly cà phê từ cái máy tự động đem tới chổ ngồi quen thuộc hằng ngày của tôi thì Tony xề đến thảy tờ USA Today trước mặt hằn học nói:
- Anh đã xem cái tin động trời nầy chưa?
Thiệt tình mà nói tiếng Anh tiếng U của tui chỉ đủ xài tạm trong giao tế hằng ngày mà thôi, xem báo, xem hại thì mệt lắm một chữ hiểu 2 chữ không 3 chữ trớt quớt nên hể thấy mấy tờ báo nào mà chữ chi chít là tui dẹp qua một bên, còn có hình nhiều thì tui mới ghé mắt vô xem. 
Phòng ăn có rất nhiều báo cũ của ca sáng họ xem xong rồi bỏ lại trên bàn. Tôi chỉ khoái lật ngay cái trang sale xe hơi để coi hình cho đã con mắt thôi hà. Vì thế khi nghe Tony hỏi tôi làm bộ sốt sắn hỏi lại:
- Tin gì mà động trời? Bộ cộng sản Nga đánh nhau với cộng sản Tàu rồi hả?
- Không phải. Là tin nóng hổi của người Mỹ mà tin nầy còn có liên quan tới tụi mình nữa nè.
Tony đẩy tờ báo đến trước mặt tôi. Một hàng chữ lớn đập vào mắt. 
Chủ tịch Unitedway biển thủ nhiều triệu đô la đang bị FBI còng tay ngay tại sòng bài ở Las Vegas.
Tôi vốn không quan tâm tới những kẻ lạm dụng chức quyền để biển thủ tiền bạc hay bán cả tài sản chung lấy tiền bỏ túi riêng. Vì tôi vốn biết có nhiều người làm như vậy dù ở bất cứ xã hội nào cũng thế mà thôi chứ không phải tham nhũng hay bán nước chỉ xảy ra ở Việt Nam còn các nước phương tây thì không hề có. Nhưng Tony thì khác anh ta luôn luôn tự hào dân Mỹ trong sạch số 1 ở trên đời nên khi nghe tôi trả lời:
- Chuyện đó cũng bình thường, ở đâu mà không có, chỉ là người ta chưa phác hiện ra thôi, tại anh mới nghe lần đầu nên cho là tin động trời chứ nếu anh sống ở những nước Á Châu thì nó chỉ là những bản tin xe cán chó. Coi làm gì cho mệt xác để thời gian xem thử xe nào mới ra năm nay rẻ nhất có lẻ còn đã hơn...
Tony thấy tôi không hứng thú nên anh ta quay sang Mario:
- Mầy xem thằng president of Unitedway nầy mỗi năm lảnh lương 1 triệu 200 ngàn đô mà còn chưa vừa bụng lại đi chôm công quỷ mấy triệu nữa. Không biết người ta xử nó mấy năm tù chứ theo tao thì đem mấy thằng đó bắn bỏ chứ nhốt tù làm gì cho tốn cơm, tốn tiền thuế của dân.
Mario chộp tờ USA Today vừa xem vừa  hỏi tới tấp :
- Thiệt hả? Làm cho cơ quan bất vụ lợi mà lương tới 1triệu 2 một năm vậy bằng cả đời tôi gọp là à?
Nghe lạ tôi tò mò chồm qua xem ké với Mario thì Stephen thẩy cho tôi tờ The San Francisco Examiner: 
- Báo San Francisco cũng đưa tin đó nữa nè. Thằng cô hồn đó không những chỉ lấy tiền công quỷ đi đánh bạc ở Las Vegas không thôi mà mỗi lần nó đi đâu nếu xa thì xử dụng mảy bay riêng còn gần thì xài xe Limousine không kém gì ông tổng thống một nước...
Cả cái deparment tôi xôn xao xào xáo mấy hôm liền vì cái tin xe cán chó mà hầu hết các báo đã loan truyền mấy ngày liền với nhiều bài bình luận nóng hổi. 
Vậy mà cơ quan Unitedway vẫn cử người tiếp tục xin tiền. 
Buổi họp hôm đó mấy người trong deparment của tui được dịp xả hết bực tức nên cô nhân viên của Unitedway bị bầm dập nát nhừ như tương tàu. Đa số các câu hỏi thắc mắc cô ấy đều không trả lời nổi và xin hẹn lần sau trở lại để giải đáp....
Nhưng cái lần sau đó không bao giờ đến vì Unitedway đã bị tẩy chay rồi giải thể luôn...
Riêng tôi vẫn tin ở trên thế giới nầy luôn luôn có người xấu mà cũng còn có kẻ tốt...



Mãi tới năm 1996 cuộc chạy đua siêu tốc vào nhà trắng tới hồi gây cấn. Hai đối thủ của Cộng Hòa và Dân Chủ tung ra những đòn bôi bẩn cá nhân lẫn nhau để cố mong dìm kẻ kia xuống bùn nhơ. 
Phe Dân Chủ lúc bấy giờ đang ra sức đánh bóng cho đương kim tổng thống Bill Clinton và cố tìm các vết nhơ của thượng nghị sĩ Bob Dole để mà thổi phòng nhằm hạ uy tín phe Cộng Hòa  nhưng có lẻ không tìm thấy nhược điểm nào đáng chú ý của đối phương nên họ quay sang bà vợ của ông là Elizabeth Dole khi đó đang là đương kim chủ tịch của hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ. 
Những bài báo phân tích và nhận định về mức lương 1 triệu 500 ngàn một năm của nữ chủ tịch American Red Cross đã làm cho không biết bao nhiêu dân Cộng Hòa tức giận rồi nổi điên mà quay sang bỏ thăm cho phe Dân Chủ.
Chuyện Cộng Hòa hay Dân Chủ ai sẽ làm vua trong tòa bạch ốc 4 năm tới vốn không làm tôi bận tâm suy nghĩ. Cái làm tôi luôn luôn thắc mắc trong lòng là sự nhận định của các bạn làm chung cũng như Jerry supervisor của slicing deparment lúc đó.
Jerry Mỹ trắng sinh trưởng ở miền đông Hoa Kỳ cái nôi và cũng là thành trì đảng Cộng Hòa anh chưa lần nào bỏ thăm cho ứng cử viên đảng dân chủ bao giờ vậy mà năm đó anh đưa cho tôi xem bài nhận định của tờ Wall street journal rồi than:
- American Red Cross là cơ quan bất vụ lợi được lập ra với mục đích giúp đở cho dân chúng nghèo đang bị sa cơ thất thế vì thiên tai hay nhân họa ập đến bất ngờ. Tất cả tiền bạc họ có được đều từ lòng hảo tâm của người dân Mỹ gom góp lại, vậy mà họ lại trả lương cho nhau cao gấp 50 lần những người dân lao động như chúng ta.Thử hỏi số tiền còn lại được mấy phần trăm đưa đến tay dân nghèo đang cần sự trợ giúp???
Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời của anh ta không bỏ thăm cho đảng Cộng Hòa...
Cũng từ đó niềm tin của tôi cũng bị họ giết chết luôn. Tui không tin những người lập hội, lập hàng để quyên góp tiền bạc cho dù họ trưng bày nhiều hình ảnh...
Tui không còn quyên góp cho bất cứ cơ quan nào dù chỉ một đồng. Tui chỉ làm đúng bổn phận của người dân đi làm nộp thuế đầy đủ mà thôi.



Nhưng má tôi thì khác. Bà là một siêu hà tiện. Tiền bạc mà vợ chồng tôi gởi về để cho bà sinh sống bà ăn uống thật kham khổ, quần áo rất ít khi may đồ mới chỉ vá lại những bộ đồ cũ rách nát đến không còn có thể vá được bà mới chịu bỏ. Các cháu tôi đã lớn có đứa dắt bạn gái, có đứa dẫn bạn trai đến cho bà xem mắt, bà vẫn mặc những bộ đồ vá díu để tiếp khách. Chúng năn nỉ thậm chí có đứa còn mua đồ mới trước khi dẫn bạn đến thăm. Bà cũng không cần đếm xỉa tới vẫn là với câu nói:
- Chiếc áo cà sa không làm nên thầy tu. Bạn các con muốn lập gia đình với con chứ đâu phải lập gia đình với ngoại...
Chỉ khi nào tôi về nhà thì bà sợ tôi hỏi tới hỏi lui rồi thừa lúc bà không để ý bắt tụi nhỏ đem bỏ hết những chiếc áo cũ quí giá của bà đi. Những lúc đó thì bà mới chịu mặc đồ mới để che mắt tôi. 
Tuy là thuộc loại siêu hà tiện nhưng bà rất rộng rải với những người nghèo túng đi xin gạo. Lu gạo trong nhà lúc nào cũng phải hơn nửa lu trở lên để dự trù cho những kẻ lở đường.
Ngày xưa người ta chỉ làm ruộng có 1 mùa duy nhất. Lúc gần tết thì mới bắt đầu thu hoạch, có khi khí hậu thời tiết thay đổi bất thình lình lúa chín trể phải qua tết mới bắt đầu thu hoạch. Gần tới lúc thu hoạch là khoản thời gian khó khăn nhất của nông dân tiền bạc dành dụm trong năm đã tiêu xài hết sạch có nhà thậm chí còn không có gạo ăn cho nên mới có câu ca dao: 
Ngoài đồng lúa chín vàng mơ. 
Trong nhà đói mờ con mắt.
Nhà tôi chắc cũng không ít lần bị mờ con mắt rồi cho nên từ khi tôi vượt biên gởi tiền về giúp gia đình tránh được cảnh mắt mờ, má tôi mỗi lần tết đến bà thường chừa lại vài chục giạ lúa, xay gạo sẵn để giúp cho những người con mắt bị mờ. Nhưng mà bà tuyệt nhiên không cho tôi biết chuyện đó cho đến một năm tôi về nhà đúng vào dịp trước tết mới biết được.
Từ đó mỗi khi về thăm nhà vợ chồng tôi luôn luôn nhín lại một ít tiền để thế mẹ mình giúp cho bà con trong xóm. 
Có lần bà xã kể chuyện đó cho người bạn thân trong chổ nàng làm nghe, chị ấy nằng nặc đòi tôi dắt về quê chơi cho biết luôn tiện chị cũng muốn làm một chút gì đó tạo niềm vui bất ngờ cho bà con ở thôn quê. Chúng tôi về ngay vào dịp lễ tiết Thanh Minh...



Những lần trước, mỗi khi muốn tặng quà tôi nhờ đứa cháu tìm hiểu xem gia đình nào cần sự giúp đở rồi lên danh sách sẵn sàng nhưng chưa thông báo cho gia đình đó biết, sợ rằng lúc về rủi ro mình có trục trặc kỹ thuật gì không về được thì sẽ mang đến cho người ta một thất vọng não nề. Quà của vợ chồng chúng tôi rất hạn chế và số người nhận cũng có giới hạn.
Năm đó có chị bạn trợ giúp nên chúng tôi nới rộng phạm vi chọn người ra xa hơn một tí. Số người cũng nhiều hơn một tí và phần quà cũng nặng hơn một tí.
Mỗi năm cháu tôi chọn dùm 80 gia đình nghèo trong 2 con kinh. Kinh 4 và kinh 3 chùa nhưng tôi phải chuẩn bị 100 phần vì tôi phải chừa lại 20 phần cho những thân chủ ở xa của má tôi. Một phần quà của tôi chỉ vỏn vẹn có 10 kí gạo 10 gói mì và 1 chai dầu nước xanh mang từ Mỹ về. 
Lần nầy chúng tôi dự trù 150 phần quà mỗi phần 15 kí gạo 10 gói mì và 1 trăm ngàn tiền mặt để bà con nghèo mua đồ cúng Thanh Minh. 
Cháu tôi cho ý kiến:
- Nếu tặng tiền mặt có khi người ta xài vào việc khác hay là mình tặng 50.000 tiền mặt  thôi, số còn lại mua thêm ít đồ ăn cho người ta cúng Thanh Minh.
Suy đi tính lại cuối cùng chúng tôi quyết định mua 2 con heo làm thịt rồi chia ra 120 phần. 
Hai cậu cháu tôi đi đặt mua gạo mì và thịt heo.
Lúc đến nhà máy xây lúa để đặt gạo thì tôi mới biết bà chủ nhà máy vốn là cô cựu học trò của tôi. Mặc dù lúc trước tôi dạy ở Mong Thọ chỉ có hơn 2 tháng là tới ngày mất nước rồi, nên không nhớ hết tên những đứa học trò của mình nơi đó. 
Cô học trò nầy thấy tôi năm nào cũng mua gạo tặng bà con nghèo ăn tết nên cô ta tưởng lầm, tôi chắc giàu có lắm, nhưng khi nó tiếp chuyện và hỏi thăm cuộc sống của tôi thì nó mới biết là tôi cũng còn là một gã nghèo mạt rệp  cho nên nó nói:
- Thầy cho em hùn 5 kí vào cái bao gạo của thầy nghen.
Hai cậu cháu tôi qua bên lò cạo heo, ông chủ lò heo là bạn của cháu tôi nên nó tình nguyện ra thịt từng phần dùm mà không tính thêm tiền công. Nó còn đem cuốn sổ mua heo ra chỉ cái giá heo đứng nó thâu vô cho tôi xem và chỉ xin lấy lại cái vốn nó đã bỏ ra cho cái tổ hợp mổ heo nầy mà thôi.
Trước ngày Thanh Minh chúng tôi mượn một chiếc ghe tam bản khá lớn, có 4, 5 đứa cháu ở xóm tình nguyện theo ghe để chạy máy và vác gạo lên tận nhà cho bà con nhưng mà cháu tôi nói chỉ cần 2 người là đủ rồi. 
Ghe đến nhà máy xay lúa các anh khuân vác không cho chúng tôi rớ tới mà họ tự động đem gạo xuống ghe chất ngay ngắn dùm. 
Đến lò heo thì thịt đã được ra từng phần. Anh bạn xẻ thịt nói với tôi:
- Giá trị từng loại thịt khác nhau cho nên cháu ra thịt nặng nhẹ khác nhau. Thịt ngon thì ít một chút còn có mỡ có xương lẫn lộn thì nặng hơn một chút. Mỗi phần đều được chứa riêng trong bao ny-lon. 
Tôi móc 2 trăm ngàn ra trả tiền công cho 4 người cạo heo cũng như ra thịt nhưng không người nào nhận mà họ nói một câu làm tôi nhớ mãi:
- Tụi cháu nghèo mới đi làm mướn kiếm tiền nên không giúp được gì cho những người khác nghèo hơn mình, thôi thì cho chúng cháu góp một chút công với chú đi nghen...



Chiếc ghe tam bản lớn chở những người mang niềm vui, đang nặng nề rẻ nước chậm chạp tiến vô con kinh 4. Lòng kinh bây giờ đã được nạo vét nhiều lần, 2 bên bờ cũng được nới rộng ra nhà cửa dân tứ xứ đến lập nghiệp cất dầy đặc. Nhưng đa số vẫn là những căn nhà lá ọp ẹp trống trước trống sau. Xa xa mới có một vài căn nhà tường khang trang với hàng rào sắt bao quanh. Thằng cháu cho biết: 
- Đó là nhà của các "cán bộ Đầy Tớ của Dân" mình đấy cậu..
Thiệt đúng là:



Thời xưa đầy tớ ở nhà sau 
Thời nay đầy tớ thật sang giàu.
Nhà trên chểm chuệ ngang nhiên ở 
Chủ nghe tớ gọi cuối đầu chào...



Cậu cháu tôi coi theo cái danh sách đã được lập sẵn mấy ngày trước và cũng đã thông báo cho bà con chừa lại nhà một người để nhận quà nhân dịp lễ Thanh Minh. Bà xã và chị bạn khi nhìn thấy cảnh những cụ già sống đơn độc trong những căn chòi rách nát bước chân run rẩy cố lần mò xuống mé kinh để nói tiếng cám ơn với hai người, các nàng đã không cầm được giọt nước mắt...
Mặt trời đã lên gần đúng ngọ. Nắng nóng muốn cháy da. Bà xã tôi và người bạn ngồi dưới bóng dù mát mẻ mà mồ hôi cũng tuôn ra như suối. Tôi hỏi thằng cháu:
- Còn mấy nhà nữa thì mình phát quà xong trong kinh 4 vậy con.
Nó trả lời làm tôi nhẹ người:
- Còn nhà dì Bạch nữa là xong hết ở đây rồi cậu. Sau đó mình về nhà ăn cơm, nghỉ trưa một lát chừng 3 giờ chiều mình sang đồ qua vỏ máy chạy đi kinh 3 như vậy sẽ lẹ hơn..

Tôi xa quê mấy chục năm người cũ ra đi tứ tán cũng không ít người vĩnh viễn không còn trên cỏi đời. Đa số cư dân ở đó bây giờ là người  tứ xứ mới tới lập nghiệp cho nên cái danh sách mà nó đưa cho tôi xem, tôi không hề quan tâm, hơn nữa ở quê người ta gọi cái thứ kèm theo tên. Ghi tên trọi lỏi thì chỉ có người ghi mới biết họ là ai mà thôi vì vậy tôi không hỏi nó dì Bạch mà nó vừa nói là ai. Cho đến khi tụi nhỏ mang quà vào nhà tôi vẫn một câu nói lập đi lập lại từ sáng đến giờ:
- Nhân dịp lễ Thanh Minh, tụi tui đại diện cho 2 cô ở dưới ghe mang tới cho chú thím một ít quà ăn lấy thảo.
Bà cụ chủ nhà miệng cười móm sọm:
- Cám ơn cậu hai. Cho chị gởi lời cám ơn đến mợ hai và người bạn tốt của mợ ấy. 
Tôi giật mình nhìn kỹ lại người đàn bà già nua đó nhưng không nhớ nổi bà ta là ai:
- Xin lỗi. Chị là ai mà tôi không nhận ra được vậy?
Thằng cháu tôi trả lời thế:
- Là dì Ba chị của dì út Hường con ông Tám bạn của mẹ con đó. Cậu không nhìn ra sao?
Nghe nó nhắc Út Hường bạn của mẹ nó là tôi nhớ ra ngay người đẹp mà 3 thằng bạn học chung trường sư phạm với tôi, tụi nó chỉ có gặp mặt một lần mà mang bệnh tương tư tới mấy năm mới chửa khỏi. 
Cái đại gia đình đó cũng khá đông người nhưng tôi không rành mấy, những người chị của Út Hường đều lấy chồng ở chợ nên tôi cũng ít khi gặp mặt. 
Gia đình bác Tám trước năm 1975 thuộc dạng giàu có nhất vùng, các con dù lấy chồng ở chợ hay lấy vợ ở thôn quê đều được chia rất nhiều ruộng đất. Thế thì làm sao mà chị Bạch lại ra thân tàn ma dại như thế nầy được? Tôi chết lặng hồi lâu mới lên tiếng:
- Xin lỗi chị nha. Hơn nửa thế kỷ mới gặp lại nên em không nhớ nổi. Nhưng mà chị ở Sài Gòn sao lại trở về quê làm chi  để chịu khổ vậy?
Chị Bạch bùi ngùi kể lại cho tôi nghe hoàn cảnh gia đình của chị sau cuộc đổi đời nhừng nổi nhọc nhằn và tủi nhục mà chị đã gánh chịu. Tôi vọt miệng hỏi chị một câu ngu ngốc:
- Vậy bác Tám không giúp ích được gì cho anh chị sao? 
Chị trợn mắt nhìn tôi hỏi lại:
- Không ai nói lại cho cậu nghe chuyện nhà của bên tui sao? Ba tui mất kể từ lúc họ tịch thu tất cả đất đai xung vào cái hợp tác xã chết tiệt kia. Mấy đứa em trai còn được cho làm chấm công. Còn  con Tím, con Hường theo gia đình chồng đi vượt biên một đứa bị bắn chết trong rừng đước ở Miệt Thứ, đứa kia thì bặt vô âm tín mấy chục năm nay. Vợ chồng tui trên Sài Gòn bị đày đi kinh tế mới sống không nổi mới trở lại đây sống dựa vào bà con chòm xóm mình...
Nghe chị kể mà mắt tôi cay xé, tim nhói đau nhưng không dám hỏi lại tiếng nào. Ôi cuộc đổi đời sao mà buồn thảm, khốc liệt đến thế. Thiệt là tình...

Có ai biết được chuyện ngày sau..
Mấy chục năm trường cách biệt nhau..
Tin dữ người đưa như sét đánh 
Xẹt trúng tim mình. Ôi! Quá đau 

Tôi len lén đưa tay lau vội những giọt nước mắt muộn màng rơi cho Út Hường. Chợt nhớ lại bài thơ nói về con ba khía...


Người nhai (ba khía). Ba khía rỉa thịt người 

Gẩm lại sự đời nước mắt rơi 

Biển xanh sóng nhận bao nhiêu xác ?
Lênh đênh trôi dạt khắp muôn nơi  
Đại dương trắng xóa màu tang tóc 
Con thuyền đang khóc dưới mưa rơi 
Ai về tìm lại con ba khía 
Hỏi xem có rỉa xác em tôi...

9 comments:

Katie co5rg said...

Đọc xong mới thấy mình thật là may mắn và cảm phục v/c anh chị LN và gia đình quá đi.
Cô 5 RG

vk said...

Đáng khen những tấm lòng vàng.

trường tôi said...

Thầy Long là người hay mần phước cho nên được nhiều người đẹp yêu mến... Rán lên Thầy Long ui !

Người nhiều chiện kkk

trường tôi said...

Thầy Long là người hay mần phước cho nên được nhiều người đẹp yêu mến...Rán lên Thầy Long ui !

Người nhiều chiện kkk

Thích bò bía nguyễn said...

Ông bạn Lanh Nguyễn là người tốt bụng cho tui hùn chiếc xe bán bò bía để làm từ thiện anh Lanh ơi !

Thích bò bía nguyễn said...

Ông bạn Lanh Nguyễn là người tốt bụng cho tui hùn chiếc xe bán bò bía để làm từ thiện anh Lanh ơi!

Thích bò bía nguyễn said...

Ông bạn Lanh Nguyễn là một người tốt bụng , cho tui hùn chiếc xe bán bò bía để làm từ thiện anh Lanh ơi!

Thích bò bía nguyễn said...

Ông bạn Lanh Nguyễn là một người tốt bụng cho tui hùn chiếc xe bán bò bía để làm từ thiện anh Lanh ơi!

Lanh Nguyễn said...

Bạn Thích Đủ Thứ ý lộn Thích Bò Bía ơi !
Sơ Thế có tổ chức cho các em làm việc tự túc rất nhiều cách. Bán bò bía cho bà con lấy thêm tiền cũng là một cách hay. Vậy bạn còn chần chờ gì nữa? Gởi thẳng cái xe bò bía tới Mái Ấm Tình Mẹ .. cho các em làm phương tiện đi. Xin thay mặt các em và Sơ Thế cám ơn bạn và tất cả những người đã từng ủng hộ các em LN