Chương 2
Người con gái nhìn Hòa khẽ gật đầu rồi quay lưng bước vội theo cô bạn. Chàng ngẩn ngơ đứng nhìn theo. Sự việc xảy ra thật chớp nhoáng khiến Hòa như chưa lấy lại bình tĩnh. Mái tóc tém kiểu con trai ôm gọn khuôn mặt nhỏ nhắn thanh tú và cách ăn mặc hơi “cao bồi” khiến Hòa khó đoán biết cô ta xuất hiện ở đây với tư cách gì. Nếu là cô giáo thì hình như... chưa đủ đạo mạo. Còn là phụ huynh thì có vẻ... thiếu một chút gì đó. Hòa tự cảm thấy mình ngớ ngẩn, người ta là ai thì mắc mớ gì đến chàng mà thắc mắc cơ chứ. Chẳng lẽ chàng lại để ý đến người ta rồi? Hòa lắc nhẹ đầu, chắc là không. Người con gái đó đâu có gì đặc biệt lắm, sao lại có thể khiến một người khó tính như Hòa xiêu lòng ngay ở lần đầu gặp gỡ được.
Chợt có một bàn tay đập lên vai Hòa. Chàng giật mình quay lại:
-Chú Sơn, nãy giờ chú đi đâu vậy?
-À, chú gặp người quen nên đứng lại nói chuyện. Còn Hòa sao không đi về mà lại đứng lớ ngớ ở đây?
Không hiểu sao Hòa lại nói trớ đi:
-Không, đông người quá nên cháu định chờ cho họ ra bớt...
Hai chú cháu cùng sánh bước về phía cửa ra ngoài rồi đi vòng ra sân sau để lấy xe. Chú Sơn nói với Hòa trước khi chui vào xe:
-Tối nay chú qua nhà Hùng dợt nhạc chắc khuya chút mới về...
Nhìn theo xe của chú Sơn khuất sau hàng cây Hòa mới lững thững đi về phía xe mình. Ký ức đưa Hòa ngược dòng trở về khoảng thời gian mấy chục năm trước khi Hòa và chú Sơn “bị đẩy” xuống tàu rời khỏi Việt Nam vào những ngày cuối tháng Tư 75. Tuy vai chú nhưng Sơn chỉ lớn hơn Hòa sáu tuổi, chú là con út trong khi ba Hòa là con trưởng nên hai anh em cách nhau đến mười tám tuổi.
Từ ngày còn nhỏ chú Sơn đã là thần tượng của Hòa. Bất cứ điều gì chú Sơn làm Hòa đều thấy hay và nghĩ rằng mai mốt mình cũng sẽ làm như vậy. Khi Hòa còn chưa lên trung học thì chú Sơn đã là một chàng thanh niên khôi ngô tuấn tú. Cộng thêm tài đệm guitar và giọng hát ấm áp khiến bao nhiêu cô nữ sinh cùng trường mê mẩn. Hòa còn nhớ lúc đó khoảng năm 73, tối tối chú Sơn hay đưa bạn bè về nhà. Nhà Hòa ở cạnh nhà ông nội nên khi chú Sơn và bạn bè tụ họp đàn ca ở ngoài vườn thì Hòa cũng có mặt bên vườn nhà mình mê mãi lắng nghe. Có khi thì chú Sơn đệm đàn cho các cô hoặc các chú hát. Khi thì họ cùng nhau ca chung một bài thật hùng. Nhưng Hòa để ý thấy lần nào cũng vậy, trời càng về khuya thì luôn luôn chỉ còn lại có mình chú Sơn độc diễn. Hòa không biết tại về khuya người ta mệt mỏi không muốn hát nữa hay vì giọng hát và tiếng đàn của chú Sơn càng về khuya nghe lại càng thấm thía hơn nên ai cũng muốn ngồi yên để thưởng thức. Tuy còn nhỏ nhưng Hòa nhớ rất rõ chú hát rất hay, nhất là những bài nhạc của Trịnh Công Sơn. Những bài này Hòa nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần vẫn không thấy chán.
Bước sang mùa Xuân năm 75, tình hình chiến sự ngày càng sôi động, người người nhốn nháo âu lo. Một ngày gần cuối tháng Tư, có lẽ bị bắt nằm nhà mãi chán quá nên chú Sơn rủ Hòa lén người lớn đi với chú một vòng ra Saigon để “nghe ngóng tình hình”. Chú Sơn nói vậy nghe cho ra vẻ “đại sự” chứ hai chú cháu lúc đó hỉ mũi chưa sạch, biết gì mà nghe ngóng. Chú Sơn là con trai út, rất được ông bà nội cưng chìu nên nghịch ngợm quậy phá cũng phải. Nhưng còn Hòa... bây giờ nghĩ lại Hòa cũng không biết tại sao mình lại gan cùng mình dám đi theo chú Sơn dù ba mẹ đã căn dặn rất nhiều lần là trong thời gian lộn xộn này, tất cả đều phải ở yên trong nhà.
Chú Sơn chở Hòa bằng chiếc Honda Dame xuống phố. Trong đầu óc non nớt của Hòa lúc đó, chàng chỉ nhớ rằng thành phố Saigon không giống mọi ngày. Phố xá, tiệm tùng bình thường tấp nập người mua kẻ bán bây giờ cửa đóng im ỉm. Những người đi trên đường ai cũng có vẻ vội vã và nhớn nhác như đang lo sợ một điều gì. Chú Sơn đảo một vòng qua những con phố chính, có lẽ thấy không có gì hấp dẫn nên chú cho xe chạy tà tà ra bến Bạch Đằng. Xe vừa rẽ qua con đường dọc theo bờ sông thì Hòa nhìn thấy rất đông người và xe gắn máy đậu lại trên đường. Đông cho đến nỗi chú Sơn không thể nào cho xe chạy tiếp được mà phải ngừng lại như mọi người. Hòa thấy dòng người đi bộ di chuyển dần về phía trước. Chú Sơn hỏi người đàn ông đứng bên cạnh:
-Người ta xếp hàng đi đâu vậy chú?
Người đàn ông có lẽ ngạc nhiên khi thấy bộ mặt non choẹt ngơ ngác của chú Sơn, còn dẫn theo đứa con nít là Hòa nên nói:
-Người ta xuống tàu rời Việt Nam, hai đứa mau về nhà đi không thôi bị đẩy lên tàu đi mất là người nhà tìm không ra đó...
Chú Sơn có lẽ nghe vậy càng thêm tò mò. Hòa thấy chú nhìn về phía chiếc tàu lớn. Từ nhỏ hai chú cháu chỉ nhìn thấy những chiếc tàu xa xa như vậy chứ có bao giờ được bước vào bên trong để quan sát xem nó ra sao đâu, nói gì đến được nó chở đi. Chú Sơn khều nhẹ Hòa bảo:
-Hòa đứng đây coi chừng xe, chú chạy đến gần coi chút rồi trở lại...
Hòa lắc đầu níu tay chú Sơn:
-Không, Hòa đi với chú, Hòa sợ bị lạc không biết đường về...
Cũng may là lúc đó Hòa không nghe lời chú Sơn để ở lại coi xe. Vì sau khi dựng xe dưới một gốc cây và khóa lại cẩn thận, chú Sơn nắm tay Hòa đi theo dòng người về phía tàu thì hai chú cháu Hòa không bao giờ còn cơ hội để trở về lấy xe nữa. Họ đã bị xô đẩy, chen lấn và có mặt trong số những người rời khỏi Việt Nam trên chiếc tàu Trường Xuân hôm đó.
Hai chú cháu cùng với mọi người được đưa sang đảo Guam. Sau đó họ được một hội nhà thờ của Canada bảo trợ và đưa sang định cư tại Montreal. Hòa còn nhớ rõ lúc đó người Việt tị nạn định cư ở Montreal hầu như chưa có ai, chỉ có một ít du học sinh. Hai chú cháu ra đường gặp người Á đông nào cũng cứ lớ ngớ chạy theo hỏi xem họ có phải là người Việt Nam không, nhưng thường là thất vọng vì không phải.
Giai đoạn đầu mới hội nhập vào xứ người, cuộc sống của hai chú cháu thật lắm gian nan. Họ gặp đủ thứ khó khăn. Chú Sơn đã hơn mười tám tuổi nên có thể sống một mình nhưng Hòa còn nhỏ quá mà lại không có cha mẹ nên người ta nhất định bắt chàng về sống với gia đình người bảo trợ. Hòa sống chết cũng nhất định không chịu bị tách rời khỏi chú nên cuối cùng hội nhà thờ đành phải nhượng bộ muớn một căn phòng nhỏ cho hai chú cháu ở chung dưới sự giám sát khá chặt chẽ của họ.
Chú Sơn coi vậy mà xoay sở rất giỏi, từ một công tử bột không hề nhúng tay vào bất cứ việc gì nay chú đã trở thành một người nội trợ đảm đang hết mọi việc lớn nhỏ trong nhà, lo lắng chu toàn cho Hòa ăn học. Chẳng những vậy, ba năm sau chú còn lấy được bằng thợ điện và tìm được một việc làm khá tốt. Phần Hòa thì năm đầu tiên sinh ngữ còn yếu nên phải “bơi” mới theo nổi chúng bạn. Những năm sau đó Hòa bắt kịp nên việc học hành không còn làm khó chàng được nữa. Hết trung học Hòa tiếp tục lên đại học theo ngành điện toán.
Khi những loại ngôn ngữ dùng để tiếp xúc và trao đổi với dân bản xứ không còn là sự khó khăn đối với chú cháu Hòa thì đến lúc chú Sơn chợt nhận ra tiếng Việt của Hòa bắt đầu có vấn đề. Điều này cũng không lạ vì Hòa chỉ nói tiếng Việt với chú Sơn mà thời gian họ ở chung mỗi ngày thì chẳng nhiều. Đó là chưa kể đến đọc và viết, nếu lâu ngày không xử dụng, chú Sơn nói rằng có lẽ chẳng bao lâu Hòa cũng sẽ quên luôn. Vì vậy chú quyết định sẽ giúp Hòa trau giồi tiếng Việt. Khổ nỗi nghĩ thì nghĩ vậy nhưng chú Sơn cũng chưa biết giúp Hòa bằng cách nào.
Một ngày mùa Đông, trời khá lạnh nên Hòa nhờ chú chở giùm tới thư viện thành phố để mượn sách. Hòa loay hoay tìm sách trong khi chú Sơn đi loanh quanh quan sát. Khi Hòa vừa tìm ra được hai quyển sách mình muốn thì nhìn thấy chú Sơn đi đến với một quyển sách trên tay, nét mặt chú có vẻ căng thẳng và đôi mắt thì long lanh ướt như đang xúc động. Hòa ngạc nhiên hỏi:
-Chú tìm được sách gì mà có vẻ hồi hộp vậy?
Chú Sơn đưa cuốn sách ra trước mặt Hòa, giọng vui vẻ:
-Thì ra ở đây có cả sách tiếng Việt nữa, phen này chú cháu mình tha hồ luyện tiếng Việt...
Từ đó chú Sơn hay mượn về những quyển sách hoặc truyện tiếng Việt. Ngoài một số ít tiểu thuyết tiêu biểu cho nền văn học của Việt Nam trước năm 75 còn có một số sách tham khảo về lịch sử, địa lý. Hòa nghe lời chú Sơn nên rất chịu khó đọc và tìm hiểu để trau giồi vốn liếng tiếng Việt ít ỏi của mình và nhất là đừng quên nguồn gốc. Những đoạn hay chữ nào không hiểu thì Hòa hỏi chú Sơn. Dù sao ở Việt Nam chú cũng đã học hết trung học nên kiến thức và trình độ hiểu biết về tiếng Việt của chú hơn Hòa rất nhiều. Chưa kể chú còn là người ham đọc sách, vì vậy những thắc mắc nho nhỏ của Hòa thường đều được chú giải thích và cắt nghĩa rất tường tận. Tuy nhiên sách tiếng Việt trong thư viện lúc đó rất ít. Những thư viện ở xa hơn cũng đều được chú Sơn chiếu cố nhưng chẳng bao lâu hai chú cháu hầu như đã đọc hết các sách tiếng Việt trong tất cả các thư viện của thành phố.
Sau một thời gian học hỏi, trình độ tiếng Việt của Hòa tiến bộ trông thấy. Chú Sơn rất hài lòng khi nghe Hòa nói chuyện ngày càng văn chương, chải chuốt. Thời gian sau đó, khi cộng đồng Việt Nam ở Mỹ ngày càng lớn mạnh thì các nhà xuất bản lần lượt cho in lại những tác phẩm mà họ mang theo được ra hải ngoại và một số những sáng tác mới sau 75 tại hải ngoại. Cùng một lúc, cộng đồng người Việt ở Montreal cũng hình thành. Những tờ nguyệt san, tuần san lần lượt ra đời. Những thư viện cũng được bổ sung thêm nhiều sách mới. Chú cháu Hòa tha hồ đọc mà không sợ hết.
Bản tính xông xáo và nhiệt tình cho nên từ những ngày đầu tiên văn phòng cộng đồng người Việt quốc gia được thành lập, chú Sơn đã góp phần không nhỏ trong những công việc giúp đỡ người già, người mới đến định cư, tổ chức lễ lạc hội hè, đình đám, văn nghệ văn gừng. Việc nào cũng không thiếu phần của chú. Hòa vì bận học nên chỉ thỉnh thoảng mới theo giúp chú một tay.
Tuy nhiên, lúc nào cũng vậy, khi bắt đầu có sự tham gia của nhiều người thì bắt đầu có nhiều xung đột. Hòa biết tính chú Sơn tuy dễ dãi nhưng không thích ai lợi dụng hay điều khiển mình. Vì vậy bất đồng ý kiến là điều khó tránh. Cuối cùng, sau một thời gian hăng say hoạt động cho cộng đồng, chú Sơn quyết định rút lui hoàn toàn.
Để lấp trống khoảng thời gian dư thừa vì không sinh hoạt cộng đồng nữa, chú Sơn tìm về với niềm đam mê âm nhạc của mình. Chú sắm một cây guitar rồi mỗi tối vừa ôm đàn vừa nghêu ngao hát như những “ngày xưa còn bé”. Tuy sau một thời gian tập dợt, giọng hát và tiếng đàn của chú Sơn đã lấy lại phong độ của ngày nào nhưng Hòa vẫn nhìn thấy trong ánh mắt chú một nỗi buồn. Hòa hiểu chú đang nhớ bạn bè. Chàng suy nghĩ mãi mà không biết phải làm gì để giúp chú Sơn vui vẻ hơn.
Một buổi tối, ngồi nghe chú đàn tự dưng Hòa chợt nẩy ra ý nghĩ nhờ chú dạy mình đàn. Dạo này Hòa đã học xong và ra đi làm nên có rất nhiều thời gian. Hòa không nghĩ mình có năng khiếu về âm nhạc nhưng chàng mong là có việc làm sẽ giúp chú nguôi ngoai nỗi buồn. Không ngờ ý tưởng của Hòa lại là một ý tưởng hay, bạn bè nghe nói chú Sơn dạy Hòa đàn guitar nên rất nhiều người ngỏ ý muốn theo học với chú.
Từ ngày ra nghề thày giáo dạy đàn bất đắc dĩ, chú Sơn có vẻ rất vui. Lúc đầu chú không chịu lấy học phí nhưng sau đó thấy chú có vẻ yêu nghề nên Hòa bàn với chú lấy tượng trưng và quảng cáo trong báo để nhận thêm học trò. Học đàn coi vậy chứ chẳng dễ chút nào, nó đòi hỏi vừa có chút năng khiếu vừa phải kiên nhẫn luyện tập. Bởi vậy rất nhiều người bỏ cuộc vì học vài tháng mà không thấy kết quả, trong số đó có Hòa. Rồi người này giới thiệu người kia khiến vòng sinh hoạt của hai chú cháu Hòa càng ngày càng nới rộng.
Cho đến một ngày, chú Sơn cùng với ba người bạn biết xử dụng những loại nhạc cụ khác rủ nhau định thành lập một ban nhạc. Ý định của họ chỉ là chơi tài tử trong vòng bạn bè và người thân như một cách giải trí. Sau khi đi đến quyết định thành lập ban nhạc đặt tên là Ngàn Khơi, chú Sơn và Hòa dọn về
một căn nhà rộng hơn gồm có hai tầng. Hai chú cháu ở trên lầu, basement bên dưới sẽ là nơi ban nhạc dùng để tập dợt.
Kể từ đó, cứ đến mỗi cuối tuần, nhà của chú cháu Hòa lúc nào cũng dập dìu tài tử giai nhân. Ban nhạc Ngàn Khơi của nhóm chú Sơn tưởng chỉ là làm chơi nào ngờ được nhiều người biết đến. Lúc đầu họ nhận lời giúp vui trong những buổi họp mặt gia đình, bạn bè nho nhỏ. Sau đó đến những tiệc tùng hay đám cưới cả trăm người cũng ngỏ ý mời họ phục vụ. Chú Sơn như cá gặp nước, lúc nào cũng vui vẻ nói cười và là trung tâm điểm cho các cô vây quanh, y hệt như chú Sơn trong ký ức Hòa những ngày còn nhỏ. Đẹp trai, hoạt bát và đầy nghệ sĩ tính.
Hòa may mắn giống chú Sơn ở vẻ mặt đẹp trai đầy nam tính. Tuy nhiên, dáng dấp hai chú cháu lại trái ngược nhau, Hòa có tướng tá săn chắc khỏe mạnh của một nhà thể thao trong khi chú Sơn lại mang nét dong dỏng cao gầy của một nghệ sĩ. Tính tình cũng vậy, trong khi chú Sơn yêu âm nhạc, thích những người con gái yếu đuối, e lệ thì Hòa lại mê thể thao, thích tuýp con gái dám nói dám làm, càng ngang bướng càng cuốn hút chàng theo đuổi.
Tuy hấp thụ nền văn hóa của Bắc Mỹ nhưng suy nghĩ và quan niệm của Hòa về tình yêu lại mang thuần tính chất Á đông, có lẽ do ảnh hưởng của những tác phẩm văn học Việt Nam mà chàng đã đọc vào tuổi mới lớn. Khi còn học trung học, trong trường chưa có nhiều người Việt nên Hòa đã quen rất nhiều bạn gái người bản xứ. Cũng từng ngỡ mình đã yêu. Nhưng rồi những cuộc tình đó chẳng đi đến đâu. Ở họ Hòa không tìm thấy những gì chàng chờ đợi. Tất cả đều dễ dàng và gần như là một nhu cầu của đời sống. Trong khi đối với Hòa tình yêu phải là một cái gì thiêng liêng hơn, thánh thiện hơn và nhất là phải có một chút khó khăn thử thách thì tình yêu đó mới có giá trị.
Sau khi lên đại học cũng là lúc chú Sơn bắt đầu thành lập ban nhạc, Hòa có rất nhiều dịp quen biết với con gái, ở trong trường chàng học và ở lớp học nhạc của chú Sơn. Có nhiều lần Hòa tưởng mình đã dừng lại trước một bóng hồng nào đó, nhưng rồi cũng không phải, chàng vẫn chưa tìm ra người mà chàng muốn tìm. Chú Sơn bảo Hòa khó khăn kén chọn quá nên ế vợ. Hòa hỏi lại còn chú dễ dãi vậy sao đến giờ này vẫn đi về có một mình. Nhìn ánh mắt buồn của chú, Hòa chợt hối hận, chàng biết chú vẫn chưa quên được người yêu đầu đời đã lấy chồng còn ở lại Việt Nam cho nên dù có bao nhiêu người con gái vây quanh, chú vẫn không yêu được cô nào. Chú Sơn tuy đào hoa nhưng lại rất nghiêm chỉnh trong tình cảm. Đối với những người con gái có cảm tình với mình chú cư xử dịu dàng nhưng rất rạch ròi. Chú nói trong tình yêu phải phân biệt rõ ràng đen và trắng. Yêu hay không yêu chứ đừng để lấp lững cho người ta đoán mò. Bởi vậy những cô có cảm tình với chú, sau một thời gian đều nản chí bỏ cuộc.
Năm nay chú Sơn đã gần bốn mươi, ông bà nội bên nhà cứ hối thúc chú lấy vợ cho ông bà yên lòng mà mãi cũng chưa được toại nguyện. Lúc mới tìm được việc làm, chú Sơn muốn bảo lãnh nhưng ông bà nội nói già rồi, không muốn lưu lạc xứ người nên không chịu đi. Ba mẹ Hòa vì vậy cũng không cho chàng bảo lãnh, nói là phải ở lại để lo cho ông bà nội. Dạo gần đây, thấy Hòa đã học xong và sự nghiệp cũng ổn định nên mẹ chàng cũng đã bắt đầu hỏi dò đến chuyện vợ con. Hòa chỉ ậm ừ hứa cho mẹ vui chứ chàng nghĩ có lẽ cũng còn lâu lắm, người yêu còn chưa có nói gì đến vợ con dù hai chú cháu chàng vẫn được tiếng đào hoa.
Nếu nói về đào hoa thì Hòa không bằng chú Sơn. Có lẽ nhờ dáng dấp nghệ sĩ của chú. Chỉ cần chú ôm đàn nghêu ngao hát hay đọc vài bài thơ là các cô cảm động liền. Muốn con gái dễ xiêu lòng cần phải có tâm hồn nghệ sĩ, trong khi Hòa thì hình như không có chút xíu “sĩ” nào trong dòng máu của mình. Âm nhạc chàng không có khiếu. Văn chương thi phú thì không đủ khả năng. Chỉ có hội họa là Hòa chưa bao giờ thử nên không biết. Mãi rồi Hòa không thèm tìm kiếm nữa, việc gì tới sẽ tới. Rảnh rỗi thì chàng xuống nghe ban nhạc của chú Sơn tập dợt hoặc đi đánh tennis, bơi lội, trượt tuyết. Dư giờ nữa thì chàng đi theo bạn bè dự những buổi họp mặt của các hội đoàn. Montreal dạo sau này đông người, nhiều hội đoàn ra đời và cũng có nhiều sinh hoạt thú vị. Hòa cảm thấy mình rất sung sức, muốn đóng góp chút khả năng nhưng chưa biết phải làm gì cho hữu ích thì một cơ hội bất ngờ đưa đến.
Hôm nọ anh chị Thuận, ba má của một cô nhỏ đến học đàn, có nói chuyện về trường dạy tiếng Việt mà anh chị và một nhóm bạn thành lập năm ngoái cho các em nhỏ đang cần nhiều giáo viên niên khóa tới và hỏi chú cháu Hòa có thể giúp một tay hay không. Hòa cảm thấy đây là một việc làm rất có ý nghĩa nên rất muốn góp sức nhưng ngại là khả năng tiếng Việt của mình không đủ để dạy các em. Anh chị Thuận nói họ đang rất cần những người có lòng, cứ đến tham dự buổi họp rồi tính sau. Chú Sơn tuy bận dạy học trò và tập dợt với ban nhạc nhưng vẫn bị anh chị Thuận thuyết phục và đã hứa giữ chức trưởng ban văn nghệ của trường.
Đó là lý do mà hai chú cháu Hòa có mặt hôm nay trong buổi họp. Với kinh nghiệm bản thân và lòng nhiệt thành, dù chưa phải là giáo viên chính thức, Hòa vẫn mạnh dạn đưa ra ý kiến của mình. Và hình như chàng đã làm đúng, vì Hòa đã nhìn thấy nhiều ánh mắt đồng tình và những cái gật đầu khuyến khích. Điều này khiến Hòa cảm thấy phấn khởi và hăng hái hơn. Sự hiện diện của rất đông giáo viên và phụ huynh hôm nay khiến chàng cảm thấy rất vui vì người Việt sau hơn ba mươi năm lưu lạc xứ người, đã không ngại khó khăn, bằng mọi cách tạo điều kiện giúp đỡ thế hệ sau tìm về nguồn cội, duy trì và gìn giữ văn hóa Việt Nam, không để nó bị lãng quên và mai một.
Hòa cho xe ra khỏi parking và chạy chầm chậm về nhà, gương mặt của cô gái lúc nãy lại trở về trong trí. Hòa chợt gõ nhè nhẹ lên volant, chàng đã biết cô gái kia thu hút chàng ở điểm nào, chính là đôi môi. Dù cô ta chỉ nói có một câu, nhưng Hòa vẫn kịp nhìn ra nét nghịch ngợm và bướng bỉnh của chủ nhân đôi môi này. Khám phá này khiến Hòa cảm thấy thích thú. Thế nào chàng cũng phải tìm hiểu xem cô nàng này là ai mới được. Hòa hơi ngạc nhiên với chính mình, đã lâu lắm rồi chàng mới cảm thấy mình có những thắc mắc về một người con gái.
Tuần lễ sau đó, anh Thuận liên lạc với Hòa và mời chàng lên họp với Ban Tổ Chức để bàn thêm chi tiết về ý kiến “vừa học vừa chơi” của chàng đưa ra. Các anh chị trong Ban Tổ Chức nói là chỉ còn có hai tuần lễ sợ rằng không thay đổi toàn bộ chương trình kịp nhưng họ vẫn muốn nhờ Hòa soạn thảo kế hoạch cho cấp lớp nhỏ nhất. Họ muốn đưa vào thử nghiệm ngay trong niên khóa này để xem kết quả ra sao. Nếu được thì sẽ từ từ tiếp tục áp dụng cho những cấp lớp lớn hơn sau đó.
Hòa dựa theo chương trình của Ban Tổ Chức đưa ra, phác thảo một kế hoạch theo ý của mình rồi nhờ chú Sơn cho thêm ý kiến. Sau khi sửa đổi và điều chỉnh, Hòa gửi cho Ban Tổ Chức. Hai hôm sau, anh Tân trưởng ban tổ chức đích thân gọi điện thoại cho Hòa, cám ơn và khen ngợi kế hoạch của chàng rối rít. Anh nói mọi người đều cảm thấy kế hoạch của chàng hay và có thể thực hiện được. Anh còn nói giao hẳn kế hoạch này cho Hòa, chẳng những chỉ là cấp lớp một mà là của cả trường sau này.
Ngày khai giảng các giáo viên được tập họp sớm hơn học sinh một giờ. Ban Tổ Chức giới thiệu sơ qua về kế hoạch của Hòa cho tất cả các giáo viên rồi cho mọi người về lớp mình phụ trách để sửa soạn đón học sinh. Riêng về lớp một, học theo chương trình mới của Hòa thì ngoài giáo viên phụ trách, Hòa cũng sẽ có mặt tại lớp trong ngày đầu tiên để quan sát với mục đích sửa đổi và bổ sung những chi tiết nào chàng nhận thấy là chưa được hoàn hảo lắm. Hòa được anh Tân cho biết là cô giáo phụ trách lớp một đã nhận được chương trình của chàng từ hơn tuần nay, đã nghiên cứu và có vẻ rất thích thú được là người đầu tiên thử nghiệm chương trình. Hòa tuy chưa biết mặt nhưng nghe nói cô ta còn trẻ, tính tình rất dễ thương, kiên nhẫn và chịu khó.
Hòa đảo mắt nhìn quanh có ý tìm xem cô nàng mà chàng gặp hôm trước có mặt trong số giáo viên hôm nay hay không. Phòng họp cũng khá đông, trường có năm cấp lớp, mỗi cấp có hai lớp, chưa kể hai lớp đặc biệt dành cho những học sinh lớn hơn 18 tuổi. Kia rồi, Hòa đã nhìn thấy cô nàng. Cô ta đang quay qua nói chuyện với người bạn bên cạnh. Chợt quay đầu lại bắt gặp ánh mắt của Hòa đang chiếu vào mình, cô ta hơi khựng lại chút rồi quay vội đi. Hòa định gật đầu chào nhưng không kịp. Có lẽ cô gái ấy đã không nhớ mặt chàng. Hôm nay cô ta mặc quần tây đen, áo chemise trắng nên nhìn ra vẻ cô giáo hơn. Hòa đang quan sát cô gái nọ thì nhìn thấy ánh mắt người con gái ngồi bên cạnh nhìn chàng với vẻ khó chịu. Chàng hơi ngạc nhiên. Cô gái trông quen quen mà nhất thời Hòa không nhớ là đã gặp ở đâu. Cô ta có quen biết chàng không mà tại sao lại nhìn chàng bằng ánh mắt không có thiện cảm như vậy?
Từ ngày chú Sơn mở lớp dạy đàn và thành lập ban nhạc, người đi kẻ đến nhà Hòa rất đông. Chưa kể sau này vì muốn tìm kiếm ca sĩ cho ban nhạc của mình nên chú còn mở thêm lớp luyện giọng. Do đó có rất nhiều người Hòa đã gặp mặt qua rồi mà không nhớ. Học trò học đàn đa số là các em học sinh trung học, trai có gái có, thường là được cha mẹ đưa đón. Trong khi những người muốn luyện giọng thì lại đủ mọi thành phần. Hình như người Việt Nam mình không chỉ thích cười mà còn thích hát nữa. Từ khi phong trào hát karaoke ra đời, có thể nói ai cũng có dịp cầm micro để làm ca sĩ. Người hát chưa hay muốn được luyện giọng để hát hay hơn. Người hát hay rồi thì muốn tập thêm cho giỏi, biết đâu ngày nào có cơ duyên sẽ trở thành ca sĩ thật sự. Bởi vậy người ta kéo đến học với chú Sơn rất đông.
Trong số đó có một cô tên Đào, rất đẹp và có giọng hát khá hay. Chú Sơn thấy cô ta có năng khiếu nên đặc biệt chỉ dạy và khuyến khích. Rồi như những câu chuyện tình lãng mạn trong tiểu thuyết, sau một thời gian cô Đào đã đem lòng yêu thương người nhạc sĩ tài hoa cũng là ông thày dạy nhạc của mình. Trớ trêu thay, ông thày chẳng những không đáp lại tình yêu của cô mà còn nhiều lần thẳng thắn công khai từ chối. Cô Đào buồn bã nhưng không vì vậy mà bỏ cuộc, cô kiên trì với tình yêu đơn phương của mình. Cuối tuần nào cô cũng có mặt ở phòng tập nhạc của chú Sơn. Cô chẳng đòi hỏi gì cả, cô chỉ cần ngồi trong một góc, lặng lẽ nhìn và nghe chú Sơn đàn, hát và chuyện trò với bạn bè. Bao nhiêu đó hình như đã đủ cho cô mãn nguyện rồi. Những buổi tối ban nhạc đi trình diễn, cô đều năn nỉ để được đi theo, và vẫn như ở nhà, cô luôn là cái bóng của chú Sơn.
Hòa chứng kiến tình yêu của cô Đào dành cho chú Sơn từ khi mới bắt đầu. Chàng nghĩ với thái độ lạnh lùng của chú Sơn thì sau một thời gian có lẽ cô Đào cũng sẽ bỏ cuộc như những cô gái khác. Nhưng thời gian qua Hòa mới biết mình lầm, dù cho chú Sơn có đối xử lạnh lùng như thế nào đi nữa, cô Đào vẫn không hề nản chí. Với một người yêu mình như vậy, tuy không yêu nhưng Hòa biết chú Sơn cũng có cảm động và lo lắng cho cô ta. Hòa biết được là vì mỗi lần khuya quá hay trời lạnh quá, chú Sơn đều nháy mắt nhờ Hòa đưa cô Đào về nhà. Lâu ngày Hòa giống như tài xế riêng của cô Đào vậy. Chú nói chú không muốn đưa vì sợ cô ta hiểu lầm rồi nuôi hy vọng sẽ khó dứt khoát tình cảm với chú. Hòa hỏi vậy sao chú không yêu cô ta. Chú nói sau mối tình đầu có lẽ trái tim chú đã chai lì rồi nên không thể yêu ai được nữa, ráng gắng gượng sẽ chỉ làm khổ người ta sau này.
Chuyện tình đơn phương của cô Đào kéo dài hai năm, sau đó thưa dần và từ sau Giáng Sinh năm ngoái Hòa không còn thấy cô Đào đến nữa. Hòa và chú Sơn nghĩ rằng có lẽ cô Đào đã tìm được người yêu mới nên cũng mừng cho cô. Ai ngờ cách đây hai tháng, hai chú cháu nhận được tin cô đã qua đời trong bệnh viện vì xẩy thai. Tin này khiến chú Sơn ray rứt mất mấy tuần. Chú nói mong là việc chú từ chối tình yêu của cô Đào lúc trước không phải là nguyên nhân gián tiếp của chuyện buồn này.
Mọi người lục đục đứng dậy khiến Hòa ra khỏi dòng hồi tưởng. Chàng thở dài nhè nhẹ. Chẳng hiểu tại sao ánh mắt không có thiện cảm của cô gái kia lại khiến chàng nghĩ đến chuyện cũ. Hòa cũng đứng dậy theo mọi người, chàng hít vào một hơi thật sâu rồi thở ra từ từ. Hòa cảm thấy lòng thanh thản trở lại. Chàng đưa mắt tìm anh Tân để hỏi xem anh có còn gì để dặn dò trước khi vào lớp không thì bắt gặp cô gái có mái tóc ngắn đang đi ngang qua chàng. Ánh mắt kia lại vội vã quay đi khi bị chàng nhìn lại. Lần này thì Hòa chắc chắn rằng cô ta còn nhớ mình nhưng cố tình lẫn tránh. Hòa thắc mắc nhưng chàng không có giờ để suy nghĩ nhiều, anh Tân đang bước tới đưa cho Hòa số phòng học của lớp một. Anh nói Hòa nên đến đó để xem có gì cần bàn bạc với cô giáo trước khi học trò vào hay không. Hòa cám ơn anh đã nhắc nhở rồi quay đi. Vừa lên cầu thang chàng vừa lẩm nhẩm số phòng. Tự nhiên Hòa cảm thấy mình thật sung sức, cuối cùng rồi chàng cũng đã có dịp tham gia vào một việc làm đầy ý nghĩa.
2 comments:
Thiệt là
" Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ ..."
Người có cùng tần số gặp nhau
Mặt nhìn mặt không nói một câu
Mà trong lòng nhộn nhịp xôn xao
Như cung đàn hoà chung giao hưởng
Kẻ lỡ thời, người duyên chưa tới
Sẽ gặp nhau gieo khúc PHƯỢNG cầu HOÀng?
Chờ chương ba nhiều điều lạ mới
Dưới bút ngòi của Phạm lệ An
Post a Comment