Thursday, November 29, 2018

Tình muộn


Nguồn Sáng Tạo

Ngọc Ánh

Vợ chồng tác giả


Tôi biết anh từ sau 1975 chừng vài tháng, khi mà mấy ông Thầy bị sàng lọc và đuổi ra khỏi trường mà không cần biết lý do, để đưa những tên cán bộ chính trị của Đại học Pắc Pó từ miền Bắc vào giảng dạy. Cộng Sản là thảm họa của cả miền Nam kể từ dạo ấy và đối với riêng anh việc bị đuổi ra khỏi trường Văn Khoa là một biến cố đau buồn nhất trong đời, nó thường xuyên ám ảnh đến cả giấc mơ đầy ác mộng của anh sau này. Anh là bạn thân của ông Thầy dạy tôi thời Trung học, hai người bạn thất nghiệp đi lang thang và ghé vào căn phòng trọ của cô học trò nhỏ, cả Thầy trò đều xác xơ đến tội nghiệp, tôi loay hoay nấu cơm bằng cái nồi nhỏ xíu với chút rau luộc và cái trứng vịt dầm nước mắm, buổi cơm đạm bạc nhưng chân tình.
Tôi ấm ức kể cho Thầy nghe những bực bội trong cuộc sống mới mà tôi phải chịu đựng, những bất mãn hậm hực trong chế độ XHCN nói một đàng làm một nẻo này, tức mà không biết nói với ai. Tôi viết nhật ký và in roneo cả xấp, không biết để làm gì nữa nhưng chắc cũng đở buồn đôi chút. Thời buổi này biết tin ai bây giờ ngoài Thầy, tôi không có dịp học với anh dù nửa chữ, nhưng tôi kính anh như thầy mình. Tôi đưa bản nháp cuốn nhật ký cho hai ông, coi như có người để chia sẻ tâm sự. Năm 1978 Cuốn nhật ký được một người thân lén chuyển qua Mỹ, và được in làm nhiều kỳ trong bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại tại San Diego. Và đầu năm 1979 tôi vào tù, tôi nghĩ chuyện tới đó là chấm hết.

Thời gian như cuồng phong phẩn nộ cuốn phăng mọi thứ, mất hút trong mưa giông là những dề lục bình tuổi thơ mơ mộng của bạn bè tôi, dật dờ rác rưởi trong chế độ mà “đôi dép râu làm sầu tuổi trẻ, nón tai bèo dẫm nát mộng đời trai”, gió đưa gió đẩy không về rẫy Kinh Tế Mới thì cũng ra khơi vượt biển tìm Tự Do. Thời điểm sôi bỏng lúc đó ai cũng muốn đi, dù biết chắc rủi ro phía trước.

Cuộc sống bức bách trong thời gian đầu khiến anh không thể chịu đựng nổi, Anh dẫn vợ con ra khơi trên chiếc ghe chông chênh túm húm phó thác tánh mạng cho Trời. Tôi chọn sự ở lại để cùng chồng mưu toan “bẻ gậy chống trời”, mọi việc không thành, cả nhà bị bắt, chồng tôi bị tuyên án Tử Hình, tôi chôn tuổi trẻ của mình hơn 10 trong lao tù Cộng Sản, thằng con trai mới hơn một tuổi cũng bị vạ lây vướng vòng lao lý đến độ tật nguyền. Câu chuyện đau thương và trãi dài biết bao khốn khổ bất hạnh trong suốt những năm tháng buồn hiu đó. Cuối cùng thì tôi cũng ra tù, con trai tôi được một tổ chức nhân đạo bên Thụy Sĩ mang ra khỏi trại giam trước đó vài năm, sự giải thoát chậm trể đã khiến nó tàn tật suốt đời, chính điều này đã làm tôi đau đớn ân hận mãi không nguôi.

Phần anh sau chuyến vượt biển thành công, chiếc ghe mong manh tấp vô một đảo nào đó bên Indo chờ ngày qua Mỹ định cư, giống như định mệnh được báo trước, những ngày trong trại tỵ nạn, tạp chí VNHN tình cờ lọt vào tay anh và những đoạn nhật ký rời rạc trong đó khiến anh thảng thốt vì anh đã biết tác giả là ai, anh đã từng đọc nó bằng bản roneo nhòe mực, và anh đã đốt nó trước khi xuống tàu ra đi, anh chọn sự bỏ cuộc và cô học trò chọn sự ở lại để đối đầu với cả một chế độ. Tuổi trẻ của cô ta thật dũng cảm, anh đã không làm được điều đó. Có cái gì như ân hận ray rức khiến anh bồn chồn trong bụng.

Vài năm sau, khi cuộc sống tạm ổn định anh gọi về Sài gòn gặp người bạn cũ để hỏi thăm tin tức về con nhỏ năm xưa, Thầy tôi cũng nghe loáng thoáng trong đám học trò “..hình như nó bị bắt và chết trong tù..” Anh thực sự đau buồn thương tiếc một người con gái trẻ sớm lìa đời…

Những bầm dập trong tù đã không làm tôi gục ngã, tôi sống sót để trở về với bao tang thương mất mát không cách gì bù đắp nổi

Ra trại, trở lại cuộc sống bình thường nhưng không yên ổn, cơm áo mưu sinh vất vả, thường xuyên đối mặt với những kỳ thị hoạnh họe của chính quyền địa phương, với cái lý lịch tăm tối tù tội trong quá khứ khiến tôi thật sự mệt mỏi. Trong một lần đi họp trường xưa bạn cũ, tôi đến chào Thầy, ông ngỡ ngàng nhận ra “con nhỏ học trò” thuở nào và buột miệng “em còn sống hả Ánh? Em còn nhớ Thầy S không? nó cũng hay về thăm tôi, có lần nó hỏi thăm em, tôi nói em chết rồi, nó buồn xo..” Mấy chục năm qua rồi, gặp anh một lần như thoáng gió, có yêu thương hò hẹn gì đâu mà nhung nhớ, tôi lúc đó hừng hực lửa hai mươi, còn anh có vợ 4 con bộn bề trăm nỗi. Cái buồn xo nếu có chắc cũng chỉ là tội nghiệp đứa học trò lận đận mà thôi!.

Trong mùa hè nào đó, tôi nhận được cú phone lạ “ Thầy S đây, con có nhớ thầy không?” Phản ứng rất tự nhiên tôi “dạ – không” gọn lỏn, bên kia đầu dây ngập ngừng một chút “ Ờ hôm nào Thầy trò mình gặp nhau nhe”.

Cũng không có gì bất ngờ luống cuống, hai ông thầy lại đến thăm cô học trò đã già hơn xưa sau hai mươi mấy năm không liên lạc, lại có bữa cơm thân tình nhưng tươm tất hơn trước, lại những câu chuyện kể đứt khúc như cuốn phim buồn, thật tình tôi muốn quên đi quá khứ đau thương. Ra về anh ghi vội cho tôi email để Thầy trò liên lạc nhau, và tôi vẫn kính cẩn “Thưa Thầy” mặc dù tới bấy giờ Thầy vẫn chưa dạy tôi cách dùng email để viết ..thư tình.

Thời đó có Computer trong nhà là một mơ ước của tôi, anh đâu biết mỗi lần trả lời email tôi phải chạy hàng mấy cây số mới tới chỗ dịch vụ Internet, loay hoay tự học mổ cò từng chữ.

Rồi thư qua thư lại, lúc đầu chỉ là những chia sẻ trong cuộc sống ở hai bờ đại dương xa lắc, anh còn đi dạy, lũ học trò tiểu học dễ thương, các con đã lớn có cuộc sống riêng, vợ anh ly dị đã lâu, anh ở một mình trong căn nhà rộng vắng vào ra cô đơn lặng lẽ, cơm nước tự nấu bữa sống bữa chín.

Còn tôi làm công nhân trong một xưởng gỗ tư nhân, mỗi ngày đạp xe hì hục trên xa lộ nắng cháy mà không biết tai nạn chết chóc xảy ra lúc nào, không có bằng Đại Học thì chỉ làm công nhân suốt đời, tôi nghĩ vậy mà cố gắng ghi tên học lại, rồi mấy năm đèn sách vất vả cũng qua đi. Khi anh gặp tôi thì mọi việc có vẽ như ổn định, tôi tự đứng dậy được trên đôi chân của mình. Email qua lại cả hai năm trời, anh gọi phone cho tôi thường xuyên hơn, thân thiết hơn và không biết từ chữ “Thầy” chuyển qua chữ “Anh” lúc nào mà tự nhiên chúng tôi không còn thấy khoảng cách hàng mươi ngàn cây số giữa Mỹ và Sàigòn xa xôi mút chỉ nữa, những lá thư tình chất đầy ngăn kéo đã kết nối đôi bờ.

Mùa hè 2004 Anh quyết định bay về nói chuyện kết hôn. Má tôi im lặng một hồi mới nói “Già rồi ở vậy cho rảnh” nhưng nói là nói vậy thôi, Má sợ tôi bước thêm bước nữa rồi khổ. Nhưng Má ơi, tử vi nói con hết cơn bỉ cực rồi Tôi chợt nhìn xuống chân “ông rể” tương lai của Má, ai đời buổi ra mắt nhà vợ đầu tiên mà anh mang vớ chiếc xanh chiếc xám bê bối thấy mà thương, mới biết anh chàng đã làm mềm lòng trái tim tưởng đã hóa thạch của tôi từ những điều nhỏ nhặt.

Vậy đó, tôi làm cô dâu ở tuổi 50, trong chiếc áo dài đơn sơ giản dị, bạn bè hai bên chừng vài bàn, buổi tiệc nhỏ đầy ấm cúng, ai cũng chúc mừng cho hạnh phúc muộn màng nhưng rạng rở của tôi, lối xóm bàn tán “cô ta hên ghê có chồng Việt kiều về cưới”. Anh nắm tay tôi ấm áp dỗ dành, tôi nghĩ mình thật hạnh phúc và bình yên khi có anh bên cạnh.

Sau ngày cưới, thấy không thể nấn ná trong cái xã hội đầy rẫy sự bất an ngang ngược từng ngày này, anh quyết định mang tôi đi xa hơn về miền đất hứa…

Ngày tôi lên máy bay rời Sài gòn cũng vào mùa hè, tháng 5 và những chùm phượng đỏ rưng rưng ướt đẫm trong cơn mưa đầu mùa, tôi biết mình đã mất Quê Hương từ cái ngày 30/4/1975 đáng nguyền rủa ấy, nhưng lần ra đi này mới thật sự thấy thấm nỗi chia ly, biết bao người đã bỏ nước ra đi và chết tức tưởi trên biển cả, còn tôi đã may mắn hơn triệu triệu người khi vượt biển trên chuyến bay American Airlines, để đến một nơi mà mình biết chắc là có Tự Do Hạnh Phúc thật sự chứ không phải thứ Tự do được rêu rao bịp bợm gian trá trong cái gọi là CNXH.

Qua rồi những bão tố gian nan, những cay nghiệt khốn khổ trong cuộc sống tù đày của ba mươi năm trước, tôi khép lại quá khứ nhọc nhằn, lau khô những giọt nước mắt bi thãm để nắm tay anh đứng dậy. Cuộc sống vốn ngắn ngủi cho những ai bi quan, tôi nghĩ mình đang hướng về phía mặt trời. Như cuốn tiểu thuyết có hậu ở trang cuối, tôi cám ơn anh đã viết Tình Yêu bằng chữ hoa trân trọng cho những năm tháng còn lại của chúng tôi. Hạnh Phúc thật sự chỉ có trong trái tim rộng lượng, chân tình.

Cám ơn anh, cám ơn nước Mỹ đã dung chứa thêm một người tị nạn khốn khổ như tôi. Chào một ngày mới bắt đầu trên quê hương mà bao người mơ ước được đặt chân tới. “America Dream.”

Ngọc Ánh
(Tháng 8/2018)

No comments: