____________________________________
NGUYÊN NGÔN
Lão có một nếp sống và lối hành xử không giống ai. Nhưng nếu chỉ có thế, thì chẳng có ai phải phí thì giờ để lưu tâm tới lão. Trái lại, Lão được nguyên một nhóm người rất gắn bó nhau quan tâm, trọng vọng, kính ngưỡng, lo lắng, chăm sóc. Điều lạ lùng nằm ở sự đa dạng của nhóm người nầy: về vùng miền xuất xứ, có cả dân Bắc, Trung, Nam; về tín ngưỡng và tôn giáo có cả Chúa, Phật, Cao Đài, Hòa Hão; nghề nghiệp sống, cũng khác nhau trên các lãnh vực. Vậy thì mỗi người trong nhóm nầy phải tìm thấy một con người giống mình trong Lão Gàn để mà yêu thương và kính trọng.
Cho đến bây giờ, Lão vẫn giặt tay quần áo của Lão. Có lần tôi hỏi Lão:
- Tại sao không giặt bằng máy?
- Không có tiền mua máy. Vả lại mua máy giặt về còn phải thiết trí điện, nước phiền lắm.
- Thiết trí điện, nước đã có sẵn trong phòng tắm, gắn vào là xài, có gì mà phiền?
- Giả thử có thằng nào đó đem máy giặt đặt sẵn vào phòng tắm của anh, gắn điện nước hoàn chỉnh, anh có chịu mở máy để giặt quần áo không?
Lão Gàn bỗng dưng nổi sùng:
- Anh phải để cho tôi cảm thấy mình còn có ích lợi cho chính mình chứ.
Vâng, sự chọn lựa của lão căn cứ trên lòng tự trọng của Lão. Nhưng lòng tự trọng nầy đã vượt qua mức độ bình thường và trở thành gàn.
Lão Gàn bị té bể xương mắt cá chân. Một lão đệ ở gần nhà đưa Lão đi nhà thương để băng bột. Tôi đến thăm Lão:
- Anh bị té ở đâu vậy?
- Tôi bị té trên giường.
- Xin chúc mừng anh đã có đối thủ để quần thảo trên giường.
- Nói nhảm, làm gì tôi có đối thủ trên giường.
Việc đi đứng của Lão vô cùng khó khăn. Lão đệ nầy xin cho lão người giúp việc nhà như lau chùi, nấu nướng, quét dọn. Tốn phí nầy được hãng bảo hiểm sức khỏe thanh toán. Lão từ chối. Tôi cãi:
- Anh từ chối người chăm sóc tại nhà, chỉ có hãng bảo hiểm được lợi. Nhưng anh bớt đi công việc cho cơ quan chăm sóc tại nhà. Nếu có nhiều người như anh, cơ quan nầy sẽ giảm bớt nhân viên, nạn thất nghiệp tăng.
- Món nợ ân tình của tôi với xã hội Hòa Lan đã quá lớn, tôi không muốn vay thêm.
Được bao nhiêu người còn tôn trọng đất nước đã dang tay ra cứu mình?
Lão Gàn không biết ngày sinh nhựt của mình, cũng không biết tuổi chính xác. Anh em trong Nhóm muốn tổ chức lễ đại thọ 90 cho Lão, không biết phải chọn ngày tháng nào, liền đến thăm lão. Anh em lục tìm hồ sơ hộ tịch Việt Nam Cộng Hòa của Lão và hồ sơ tỵ nạn ở Hòa Lan. Các giấy tờ ghi các năm sinh khác nhau. Anh thông dịch viên đã lập hồ sơ tỵ nạn cho Lão 38 năm trước, cũng là người trong Nhóm. Anh cười hề hề “thật thà khai báo”: Lúc đó ảnh đưa ra Giấy Căn Cước, Giấy Hoãn Dịch, Giấy Khai sinh trớt quớt nhau hết, tôi bèn ghi đại vô năm sinh của ảnh là 1928 như trên giấy tùy thân hiện giờ.
Không có ngày sinh nhựt thì anh em chọn ngày sinh nhựt cho Lão.Lão được anh em thông báo ngày họp mặt thường lệ hàng năm của anh em trong Nhóm. Sau phần nghi thức khai mạc, Lão Gàn được mời lên lễ đài. Lão ngơ ngác nhìn mọi người, lão không biết lý do tại sao Lão phải lên lễ đài. Anh Trưởng Nhóm tuyên bố lễ mừng đại thọ 90 của Lão Gàn. Cùng lúc một cô bé thành viên thế hệ thứ hai của Nhóm bưng lên một chiếc bánh sinh nhựt to đùng có dòng chữ Lễ Mừng Thượng Thọ 90 của Lão. Lão Gàn cảm động đến rưng rưng nước mắt, rung rung tay cầm micro cám ơn anh em. Lão nói:
- Trong đời tôi chỉ được có hai lần tổ chức sinh nhựt, lần 80 tuổi và lần nầy, cả hai lần đều do Nhóm anh em tổ chức…
Có anh em la lớn lên: “Chúng tôi sẽ tổ chức sinh nhựt bách niên giai lão cho anh, chỉ còn có mười năm nữa thôi”.
Nhưng nếu Lão Gàn chỉ có gàn và lẩm cẩm như thế, thì lý do nào cả Nhóm lại tôn trọng, thương yêu lão.
Vào đầu thập niên 80 các tổ chức chính trị của người Việt Tỵ Nạn nổi lên khắp nơi, đủ mọi đường lối, từ hòa hợp hòa giải đến kháng chiến võ trang. Lão Gàn đứng ra nắm tờ báo Cộng Đồng chủ truong đường lối dân tộc:
- Làm sáng tỏ các giá trị của văn minh và văn hóa Việt,
- Nêu cao gương chiến đấu của tiền nhân trong công cuộc dựng nước và giữ nước trong suốt dòng sử Việt.
- Phục hồi tâm thức Việt
Đường hướng nầy đã giữ được cho Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng sản tại Hòa Lan một sư đoàn kết thống nhứt trọn vẹn hơn 30 năm.
Lão Gàn có tầm nhìn rất xa. Vào giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, một số công trình của người Tàu bắt đầu xây dựng ở đảo Phú Quốc. Lão Gàn báo động: “Coi chừng, âm mưu của bọn Tàu. Họ muốn cắt một mảnh của Việt Nam để xây dựng thành phố tự trị, rồi sau đó sẽ tuyên bố độc lập như Singapore”. Lúc đó không ai bận tâm đến chuyện hư thực xa vời nầy. Đến khi bọn cầm quyền Hà nội tuyên bố thành lập ba đặc khu kinh tế Vân đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, thì anh em trong nhóm mới phục lăng viễn kiến của Lão Gàn.
Lão là người nghèo nhứt Hòa Lan, nhưng lại là người dư dả nhứt. Khi người bạn của Lão ở ngoại quốc gặp khó khăn tài chánh, Lão gởi tặng ngay một ngàn Euro.
Khi một tổ chức chính trị mà Lão tin tưởng, kêu gọi thành viên đóng góp tài chánh cho các vận động chánh trị, Lão và người bạn vong niên hưởng ứng ngay, lại ghi là vô danh.
Tang lễ cũa môt người anh em trong Nhóm vừa xong, Lão Gàn đến hỏi ý kiến tôi, Lão muốn chung góp. Tôi bảo “Chắc không cần thiết đâu”.
Lão là một con người đầy tình trắc ẩn nhưng có vẽ như khô cằn, vô cảm.
Lão Gàn là một người cô đơn. Do nếp sống cô độc, cô đơn là vấn nạn lớn nhứt trong cuộc đời Lão. Nó hành hạ, ray rứt Lão ngày đêm liên miên suốt hơn nửa thế kỷ rồi và bây giờ nó vẫn còn đeo đẳng Lão.
Lão nói:
- Các anh về nhà mở cửa ra, liền có người để nói chuyện. Còn tôi, có khi cả tuần không có cơ hội để mở miệng. Đôi khi tôi tự hỏi, tiếng nói của mình có còn không?
Lão Gàn có căn bản tiếng anh, dùng tiếng Anh hàng ngày trao đổi với dân Hòa Lan. Khi Lão bị đột quỵ, vốn liếng tiếng Anh của Lão bổng dưng đi chỗ khác chơi. Lão chỉ còn nói tiếng Việt.
Tôi chọc Lão:
- Lúc tôi thay tã, rửa đít cho con, thì các anh đang nhởn nhơ ở vũ trường hay quán rượu. Các anh ham chơi, muốn tiếp tục rong chơi, không chịu lập gia đình, nên bây giờ phải sống cô độc.
- Nói nhảm, bộ muốn lập gia đình, liền có gia đình được sao?
Tôi dừng lại kịp thời cái búa tạ định giáng xuống Lão: “Anh cũng muốn lập gia đình sao?’’. Tôi đổi thái độ, nghiêm trang tiến vào tâm tư của Lão:
- Anh sống triền miên trong nỗi cô đơn thăm thẳm ngàn trùng đó, cái gì giúp cho anh khỏi khùng?
- Tôi tập viết chữ nho, thật là một sự bận rộn thú vị.
Tôi ngớ ra. Lão không nói đến mục đích hay thành quả nhắm tới, mà nói đến sự hưởng thụ trong lúc bận rộn. Đúng là một thái độ sống thông tuệ. Một danh sĩ nào đó nói: “Buồn phiền là sống trong quá khứ. Lo lắng là sống trong tương lai. Quá khứ đã qua. Tương lai chưa đến. Ta chỉ có thể sống trong hiện tại.’’ Và Lão tận hưởng cái thú vị bận rộn, trong hiện tại mỗi lúc, tập viết chữ nho. Lão hưởng thụ sự bận rộn và định tâm kéo từng đường nét. Có lẻ nhờ thế mà tay Lão vẫn chưa rung và tâm lão vẫn còn vững.
- Từ sau ngày xuống tàu há mồm xuôi Nam vào Sài gòn, đến lúc vượt biên, Tôi sống gần như toàn thời gian ở chùa.
Tôi hỏi:
- Anh sống gần như toàn thời gian ở chùa, quen biết hầu hết các cao tăng ở Việt nam, tại sao anh không đi tu luôn?
Câu trả lời của Lão làm cho tôi giựt mình tỉnh ngộ. Lão nói trang nghiêm:
- Về việc nầy, có lần tôi đã tiết lộ với một anh bạn, tôi vẫn còn nhục dục.
Ôi! một sự thành thật với bản thân mình một cách sống sượng, nhưng rất đáng nể! Có lẻ Lão thuộc vào loại quí hiếm gần tuyệt chủng trên cỏi đời nầy. Câu trả lời của lão gợi sư tò mò nơi tôi:
- Vậy tại sao anh không rời chùa, ra ngoài lập gia đình, xây tổ ấm?
- Tại vì tôi yêu cái không khí thanh tịnh trang nghiêm trong chùa.
Tôi ngẫm nghĩ, Lão nói thật, nhưng hình như không đúng. Lão có khunh hướng toàn hảo. Mà người có khuynh hướng toàn hõa thường có sẵn một khuôn khổ lý tưởng nào đó. Lão mắc kẹt vào một hình ảnh, một nếp sống hay một một kiểu dáng lý tưởng. Và trong 20 năm sống ở Sài gòn, Lão không tìm ra con người giống như hình ảnh lý tưởng trong lòng Lão. Việc lập gia đình của Lão cứ thế mà dời lui lần lần mãi cho đến cái ngày tang thương 1975.
Lão cười bẽn lẽn như một thanh niên nai tơ, buồn buồn:
- Thật ra tôi đã có lập gia đình một lần rồi.
Đây quả là một tiết lộ ghê gớm. Anh em trong Nhóm quen Lão hai mươi chín năm rồi, hôm nay, lần đầu tiên Lão chịu mở miệng nói về tình cảnh riêng tư của Lão.
- Bà xã tôi làm nghề ươm tơ tằm. Khi chúng tôi có một số lượng tơ lớn, một bà cô họ của vợ tôi dẫn vợ tôi mang tơ đi bán ở Hà nội. Bà cô nầy gạt vợ tôi lấy hết tiền bán tơ và bán luôn vợ tôi vô làm cô đầu. Lúc đó vợ tôi có mang ba tháng. Bơ vơ, lạc lõng, tủi nhục nơi chốn sa đọa, vợ tôi bị hanh hạ đến trụy thai. Trong một buổi truy hoan, người bạn thân của tôi gặp được vợ tôi và bỏ tiền chuộc bà ra. Người bạn thân nầy đem hết sự tình nói với tôi. Tôi chúc phúc cho hai người và từ đó cuộc hôn nhân của tôi với bà chấm dứt.
Một sự buồn phiền, ái ngại và tức tối phủ chụp lên tôi:
- Tình yêu của anh sao lại cà chớn đến mức đó?
- Dù bà ấy không có lỗi, nhưng cái không đáng, không nên xãy ra, đã xảy ra rồi. Tôi còn làm được gì?!
- Bây giờ thì sao?
- Tôi đã thoát ra khỏi nỗi ám ảnh của nhục dục rồi. Sự thoát xác nầy làm cho tôi thấy thoải mái tự do hơn nhiều.
- Tại sao không đi tu?
- Không còn cần thiết nữa. Tôi đã thấm nhuần Phật pháp và đã cảm nghiệm được lẽ vô thường rồi.
Tôi chưa chứng đắc đươc cỏi tâm linh của Lão nên không dám lạm bàn thêm.
Và Lão Gàn vẫn tiếp tục sống trong một nổi cô đơn miên viễn. Một anh trong Nhóm than:
- E rằng có một ngày, anh em mình hối tiếc vì đã hay tin quá trễ!
2 comments:
Đọc bài nầy tui thấy có chút phần nào trong đó. Tui không học chữ nho mà lo cây, cũ, vườn rau. Sáng sáng dạo quanh sau nhà, nhìn thành quả của những ngày côn, đào, xắn, múc gieo trồng lòng thấy an vui, trong những ngày gần đất xa trời. Tụng vài thời kinh cho tâm hồn tỉnh lặng
Sao mà than hoài! Hôm nào buồn thì anh bẻ một mớ rau cải tặng cho cô láng giềng rồi đứng bên hàng rào kiu cổ ra lấy nói chiện nắng mưa cho bớt buồn thiệt là... tình mà...
Người góp ý kkk
Post a Comment