______________
Đoàn Xuân Thu
Cổng
chào Sài Gòn tại Footscray!
Thưa
bà con! Người Úc sợ ma nên cứ xúm chùm nhum lại, sống dày đặc tại những
thành phố ven biển. Còn rừng bụi bao la thì nhường cho Kangaroo (Chuột túi) và
Koala (Cù lần Úc) ở. Diện tích thì không thua kém Hoa Kỳ bao nhiêu nhưng dân số
chỉ vỏn vẹn có 24 triệu người, còn ít hơn số con Kangaroo, mà bà con bên Mỹ hay
chọc quê tui là ở xứ ‘Kan lu lu'! (Xin bà con mình đừng nói lái!).
Chỗ
người viết trôi dạt rồi tấp vào là thành phố Maribyrnong, do Thổ dân đặt tên
dòng sông nước mặn đổ ra Vịnh Phillip, về phía Tây Melbourne.
Maribyrnong
dân số ngày càng tăng, nên giá nhà đất cứ lên vù vù như pháo thăng thiên.
Còn Footscray (có nghĩa là hạ lưu sông Cray ở tuốt bên Anh), một thị tứ thuộc
Maribyrnong là thủ phủ của người Việt mình.
Ôi
chúng ta đi mang theo quê hương! Ðiều này cũng đúng với những người Úc gốc Anh
đó thôi.
Người
Việt tị nạn mình, từ những năm 80, đến Footscray, làm ăn cần cù, dành dụm tiền
(triệu) mua lại cái thương xá Bilo rồi đổi tên thành Little Sài Gòn để nhớ thủ
đô Sài Gòn, dù nó nhỏ hơn Sài Gòn nhiều (chính vì nhỏ mới có chữ Little đó chớ!)
Hi hi!
Chớ
trước khi bà con mình đặt chân tới, Footscray là ‘ghost town', thành phố hoang
vắng, đêm về ma nó ở (tối, cứ sáu giờ là thiên hạ rửa cẳng lên giường, ngáy kho
kho để sáng sớm đi làm hãng), giờ thành một khu thương mại sầm uất, trong quãng
thời gian 30 năm trở lại đây.
Từ
trung tâm thủ phủ Melbourne, nếu đi bằng xe lửa mất khoảng 10 phút sẽ tới
‘thủ phủ' người Việt ở Melbourne. Nhà ga xe lửa Footscray vừa được chánh phủ tiểu
bang tân trang toàn bộ coi cũng hổng thua ai nhe!
Sài
Gòn có gì thì Footscray có nấy. Quán cà phê, tiệm phở, bún bò Huế, hủ tiếu, tiệm
bánh mì, quán cơm, nhà hàng mọc lên như nấm... Công ty du lịch, tiệm vàng, tiệm
hớt tóc, phòng khám nha khoa nhổ răng rồi trồng răng giả, phòng khám của bác sĩ
gia đình...
Trong
số các siêu thị, thương xá Little Sài Gòn là nhộn nhịp nhứt, bán đầy đủ các loại
rau của Việt Nam mình như: rau muống, húng, hẹ, bắp chuối, giá, rau má, cà
tím... Trái cây nhiệt đới thì xoài, nhãn, chôm chôm, măng cụt và sầu riêng. Kể
cả mắm sặt cũng có nữa!
Ðôi
khi bà con mình đến Footscray không để mua cái gì mà có thể là đi hớt tóc, nhuộm
tóc cho trẻ lại để đỡ sầu đời, hay ngồi trên cái ghế uống cà phê sữa đá kiểu
Sài Gòn. Rồi nhìn ông đi qua, bà đi lại, anh đi tới em đi lui, mà đa phần là đầu
đen, rồi lâu lâu nghe mấy ông anh mình mở miệng xài giấy năm trăm, như tiếng đệm,
cũng làm nguôi ngoai bớt nỗi sầu xa xứ!
Chính
vì người Việt mình là một dân tộc cần cù, chịu thương, chịu khó... và chịu chơi
như vậy nên các chánh trị gia nước Úc muốn ăn phiếu của Cộng đồng mình bằng
cách rối rít cám ơn và phụ thêm tiền cho bà con mình cất một cái cổng chào vào
khu thương mại Little Sài Gòn để vinh danh sự đóng góp của bà con mình cho nước
Úc ‘Kăn Lu lu'.
Kiến
trúc sư Úc thiết kế cái cổng chào nầy dựa trên văn hóa Việt Nam, gồm một đôi
chim Lạc Việt, huyền sử Lạc Long Quân và Âu Cơ, một trăm quả trứng, trống đồng
Ðông Sơn, và chiếc thuyền vượt biển!
Cổng
chào nầy không giống cổng Tam quan ở những nơi khác mà cách điệu theo mỹ thuật
đương đại, dù không giống ai, nhưng phải công nhận là rất đẹp. Ðúng là Úc Việt
đề huề mà!
Nói
nào ngay thị tứ Footscray trên đường phát triển không phải lúc nào cũng chạy ro
ro như mình tưởng mà cũng bao phen lên trầm xuống bổng. Buôn bán lúc đắt, lúc ế.
Lúc đắt ai cũng mừng, mà lúc ế ai cũng rầu, vì tiền đâu mà trả cho tiền mướn
shop?!
Nhứt
là kinh tế thị trường, chuyện cạnh tranh lúc nào cũng có. Trung tâm thương mại
Highpoint, là một trong những cái lớn nhứt nước Úc, thuộc địa phận thành
phố Maribyrnong kéo khách về bên ấy, thì Footscray cũng quặt quà quặt quại theo
đó thôi.
Thế
nên Hội Ðồng thành phố Maribyrnong với sự kiên trì vận động của Hội Thương gia
Á Châu Footscray đã quyết tâm làm sống lại khu Little Saigon, trái tim của thị
tứ Footscray.
Một
tòa nhà mới nhiều tầng, có các cửa hàng ở tầng trệt và bãi đậu xe tầng trên sẽ
tưng bừng khai trương vào cuối năm nay. Rồi cắt một phần Byron Street và Leeds
Street làm Phố đi bộ. Rồi trồng thêm cây ven đường trong khu phố... cho nó mát
cái đầu hói của tui!
Bài
học rút ra của bà con người Việt mình, sau vài chục năm định cư, là muốn làm ăn
xuôi chèo mát mái, thực hiện giấc mơ an cư lạc nghiệp, con cái nên người và con
vợ có tiền đi Seoul, Hàn quốc sửa sắc đẹp, thì làm việc cần cù không thôi chưa
đủ mà phải gởi người đại diện mình vào chánh quyền Thành phố, chánh quyền Tiểu
bang và ngay cả chánh quyền Liên bang.
Chánh
quyền Liên bang hơi cao nên dù ráng (mấy lần tuyển cử rồi), nhưng con em mình đều
rớt hết ráo. Thôi thì từ chánh quyền Thành phố, nơi mình ở, rồi leo từ từ...
Tui chắc cuối cùng (có lẽ vài chục năm nữa) mình cũng tới thủ đô Canberra!
Thưa
bà con! Bầu cử Hội đồng thành phố Maribyrnong cứ mỗi 4 năm một lần, vào Tháng
Mười.
Tui
và em yêu nhận được phiếu bầu gởi qua đường bưu điện tới tận nhà. Mình cứ chọn
mặt gởi vàng, cầm cây viết lên, đánh số 1, 2, 3, 4 theo thứ tự phiếu ưu tiên.
Yếu
tố sắc tộc ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả bầu cử, nên lá phiếu của cử tri gốc
Việt rất quan trọng. Chỉ cần vài chục phiếu là có thể làm kẻ thắng người thua rồi!
Mấy
năm rồi, Hội đồng Thành phố Maribyrnong bắt dân đóng tiền đậu xe khi ra
Footscray đi chợ. Hậu quả là chợ ế nhệ hè!
Biểu
tình mấy lần, cự nự quá xá mà mấy ông bà nghị viên không có chịu nghe dân
than, nên bầu cử lần nầy nghị viên nào từng đòi bà con đóng tiền đậu xe
lúc đi chợ, ra tái cử là bị cho đi cầu tuột hết ráo!
Kiếm
tiền cho ngân khố thành phố để lo cho phúc lợi của người dân, ai mà cản?! Nhưng
cũng vừa vừa phải phải thôi! Tiền rác, (council rate), năm nào cũng lên... Bộ
chưa đầy túi ba gang hay sao chớ?!
Hôm
tối Thứ Ba, mùng Chín, tháng Mười Một, năm 2016, mấy anh độc giả thân thương
‘hú u' người viết đi dự lễ tuyên thệ nhậm chức của Hội đồng Thành phố
Maribyrnong.
Sáu
giờ rưỡi tối, nhưng trời mùa Hè Footcray vẫn còn ráng chiều sắc đỏ. Tui lò cò
cái thân già, diện kẻng, đeo cà ra oách, đẹp trai thấy mà ớn, leo
lên thang lầu, vào cái sảnh trên lầu hai.
Ðược
mấy ông, bà Úc cho uống sâm banh, ăn bốc vài miếng nho nhỏ bằng ngón tay (Úc gọi
là finger food mua ở siêu thị), rồi có nhạc sĩ ngồi chơi đàn guitar cho
mình nghe nữa đó.
Mình
là dân, mà dân làm chủ... Lâu lâu, đầy tớ đãi mình ăn chực... thì mình xực...
thế thôi!
Niềm
vui rượu rót tận ly, thức ăn đưa tận miệng mà hổng tốn đồng xu cắc bạc nào càng
tăng lên gấp bội khi 7 ông bà nghị viên mới cắt chỉ tuyên thệ xong rồi ra mắt
quần chúng thì nữ lưu chiếm đa số... tới 5 vị! Chỉ loe ngoe có hai ông. Ðúng là
âm thạnh dương suy!
Mà
tui vốn rất ‘galant'! Nên phụ nữ nào làm boss (như em
yêu của tui ở nhà) là tui cũng vỗ tay hoan hô hết trơn hè! Và trong năm vị nữ
nghị viên nầy (thiệt tình nhe), tui cũng vui mừng vui quá vui khi có tới hai
nghị viên gốc Việt!
Cúc
Lâm (thế hệ thứ nhứt) làm nghị viên Hội đồng Thành phố Maribyrnong lần nầy là lần
thứ hai. Còn tân nghị viên Gina Huỳnh (thế hệ thứ hai, do sanh đẻ tại đây) mới
là lần thứ nhứt.
Tui
tin chắc như bắp là nghị viên Gina Huynh đã lập một kỷ lục, không phải cho người
Việt mình tại Úc thôi đâu... mà có thể cho toàn thế giới nơi có bà con mình cư
trú, vì Gina là một sinh viên trường Luật, nghĩa là còn mài đũng quần trên ghế
trường đại học, và chỉ mới vừa 20 tuổi!
Nghe
bà con kháo với nhau là đám trẻ dồn phiếu tưng bừng... nên Gina Huỳnh đắc cử rất
vẻ vang!
Phụ
nữ Việt Nam mình giỏi thiệt nhe! He he!
đoàn xuân thu
melbourne
1 comment:
Hậu duệ của Trưng Nữ Vương và bà Triệu Ẩu không giỏi sao được. Chúng ta rất hãnh diện về các thành qủa của giới trẻ hải ngoại đang làm vẻ vang giòng giống Tiên Rồng.
"Rồng Tiên bay lượn khắp năm châu,
Lạc Việt vẫy vùng trong bốn bể" LM. Vũ đình Trác.
Post a Comment