Thiếu Khanh
Tình
cờ đọc một bài viết trên trang Wikipedia tiếng Việt, thấy có thông tin ngô nghê
này:
“Người
Việt còn có lệ gọi người Hoa là “người Ngô”. Lệ này bắt nguồn từ lịch sử thời
Xuân Thu có “nước Ngô” và “nước Việt”. Điển hình là bản Bình Ngô Đại Cáo của
vào thế kỷ 15 sau khi Bình Định Vương Lê Lợi đuổi được giặc nhà Minh..”
Nói
“ngô nghê” vì thời Xuân Thu nào mà lại có nước Ngô và nước Việt?
Thực ra thời xưa người Việt gọi người Tàu bằng hai tên: người Hán, và người
Ngô. Sở dĩ vậy, vì người Việt bị cả hai đế quốc đó cai trị. Trước tiên ta bị
Tàu cai trị trực tiếp từ đời Hán, ta gọi họ là người Hán. Thời Sĩ Nhiếp đang
làm thái thú (do nhà Hán bổ nhiệm) tại nước ta, vào đầu thế kỷ III Tây lịch,
Trung quốc đang trong giai đoạn các đại gia tộc tranh hùng “chia ba thiên hạ.”
Sĩ Nhiếp “liên minh” với phe Tôn Quyền ở Đông Ngô. Khi cục diện Tam quốc thành
hình và Tôn Quyền xưng đế lập nên nhà Đông Ngô, chiếm lĩnh một cõi đông nam nước
Tàu, Việt Nam (lúc bấy giờ là Giao Châu) nằm dưới sự cai trị của nhà Đông Ngô.
Tổ tiên người Việt của chúng ta gọi bọn cai trị mới này là người Ngô để phân biệt
với người Hán đã thống trị mình trước đó. Về sau từ Ngô được dùng để chỉ chung
hết người Trung quốc ở phương Bắc. Cho nên khi giặc nhà Minh xâm lược nước ta,
tổ tiên ta thời đó cũng gọi chúng là giặc Ngô. (Nhưng chữ viết của chúng thì ta
vẫn gọi là chữ Hán.) Nghĩa của mấy chữ Bình Ngô Đại Cáo là lời
bố cáo về kết quả đánh bại giặc Tàu xâm lược.
Dù
sao, một số người Việt ngày trước vẫn còn gọi người Trung quốc là người Hán.
Rồi
bẵng đi một thời gian, không biết từ bao giờ, người Việt thôi gọi họ là người
Ngô. Khi người Mãn Châu xâm lược chiếm được Trung quốc, xóa bỏ triều đại nhà
Minh để dựng lên nhà Thanh, nhiều quan lại, tướng lãnh, binh sĩ và dân chúng của
nhà Minh bỏ nước chạy đi tỵ nạn. Các nhóm dân tỵ nạn này vào Việt Nam được gọi
là người Hoa (tức người Trung Hoa). Các Chúa Nguyễn chỉ định cư trú cho họ. Những
nơi họ sống quy tụ thành làng mạc được gọi là Minh hương (làng của người nhà
Minh). Nếu người Việt có nói từ “người Minh hương” là chỉ người dân trong các
làng ấy, nhưng gọi chung họ là người Tàu hay người Hoa.
Trước
năm 1975, người Hoa ở Việt Nam thường được gọi bằng hai từ “Ba Tàu” và “Các
chú”. Đã có người thắc mắc về cách gọi này, và cũng đã có nhiều người tìm lời
giải đáp nhưng xem chừng chưa có câu trả lời nào thỏa đáng cho từ Ba
Tàu.
Tiếp
theo thông tin “ngô nghê” nói trên, trang mạng Wikipedia trích dẫn một bài viết
xưa từ số báo ngày 16/2/1870 trên tờ Gia Định Báo, tờ báo tiếng Việt đầu tiên của
Việt Nam ở Sài Gòn. Bài báo viết:
“…Từ Ba Tàu có cách giải thích như
sau: Ba có nghĩa là ba vùng đất mà chúa Nguyễn cho phép người Hoa làm ăn và
sinh sống: vùng Cù Lao Phố (Đồng Nai), Sài Gòn Chợ Lớn,Hà Tiên, từ Tàu bắt nguồn
từ phương tiện đi lại của người Hoa khi sang An Nam,nhưng dần từ Ba Tàu lại mang
nghĩa miệt thị. Còn có cách giải thích khác: Người Việt thường xưng hô theo thứ
tự như anh Hai (con cả) anh Ba (con thứ)… Vì lý do đó mà người Tàu thường lễ
phép gọi thân mật người Việt đang làm ở các cơ quan Pháp thời đó là anh Hai (cậu
Hai) và xem mình là em (anh Ba). Từ đó người Việt mới gọi anh Ba (Tàu) là vậy.”
Giải
thích như thế chẳng có gì thuyết phục cả. Nếu “Ba” là để chỉ “ba vùng đất” họ
được phép sinh sống, tại sao không gọi hẳn họ là người … Ba Vùng mà lại gọi Ba
Tàu cho… rối việc?
Vậy
mà đoạn văn nói là của Gia Định Báo này được trích dẫn và phát tán rất phổ biến
trên mạng Internet.
Lại
có người giải thích như vầy:
“Chữ
“ba” ý rằng nhiều không đếm được hoặc không muốn đếm, ví dụ như ta hay nói :
Nấu ba hột gạo ( ba không có nghĩa là chỉ nấu đúng ba hột , ai ăn ai nhịn ).
Thằng ấy ba hoa, nhiều chuyện.
Nhậu ba sợi, nhậu lai rai
Thằng này ba trợn …
Ba Tàu có thể dùng để chỉ người Tàu khi ấy đi rất nhiều tàu qua mà không đếm
được hoặc không muốn đếm.
Tuy nhiên khi dùng từ ba, có hàm ý coi thường, không quan tâm.
Do đó dùng từ Ba Tàu để chỉ người Hoa còn có hàm ý coi thường.”
Lời
giải thích thật là … ba trợn.!
Một
Hoa kliều ở nước ngoài đã cảm thấy bứt xúc: “Không biết xuất phát từ
đâu và từ bao giờ, người VN gọi chúng ta là “Ba Tàu”, là “thằng chệt” với hàm ý
phân biệt đối xử và miệt thị. Có lẽ họ còn hận cha ông chúng ta ngày xưa đã đặt
ách thống trị cả ngàn năm lên đất nước này. Và cũng có thể họ ghen tức với sự
thành công của chúng ta tại miền Nam trước đây.” (Facebook – Ba Tàu Tự Sự) và trong một video của đài Truyền
hình Cali Today, có vị giáo sư trả lời câu hỏi của người hoa kiều “hơi bị khích
động” ấy, cũng trích dẫn lại một cách nghiêm túc lời giải thích được coi là của
Gia Định Báo nói trên.
Nói
người Hoa kiều kia bị khích động, vì anh ta nói người Việt gọi người Hoa là “thằng
Chệc.” Trong tiếng Việt không có từ “thằng Chệc”. Không bao giờ có một
từ như vậy. Nhưng có từ “chú Chệc.” Các nhà nghiên cứu đã cho biết “Chệc”
chỉ là một âm Triều Châu của từ “Thúc”có nghĩa là chú thôi
mà. Gọi chú Chệc là gọi “chú Chú”, chỉ sai ở chỗ lập lại từ
“chú” thôi. Chuyện này đã có người nói rồi.
Sự
việc khiến người Việt gọi người Hoa trên đất nước mình là Ba Tàu xảy ra vào khoảng
năm 1807, (hoặc chậm lắm là vào năm 1820, khi vua Minh Mạng lên ngôi). Đó là kết
quả một lệnh dụ kỵ húy do vua Gia Long ban ra: cấm cả nước nói từ Hoa!
Hoa là tên bà Hồ Thị Hoa, con gái của
quan Khâm Sai Chưởng Cơ (như tư lệnh quân đoàn bây giờ) Hồ văn Bôi [1] dưới triều Gia Long. Bà sinh năm
1791; năm 1806, mới 15 tuổi (được kể 16 tuổi ta), bà được hoàng gia triều Nguyễn
chọn làm chính phi (vợ chính) của hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm, người về sau được
chọn là đông cung thái tử, và kế vị cua Gia Long, là vua Minh Mạng. Một năm
sau, bà sinh hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Tông (về sau sẽ là vua Thiệu Trị.) Sau
khi sinh con được 13 ngày, bà qua đởi. Vua Gia Long rất thương tiếc đứa con dâu
yểu mệnh, bèn ban chỉ dụ cho quan lại và bá tánh trong nước kiêng tên Hoa của
bà.
Rất
tiếc là dường như người ta chưa tìm lại được bản chỉ dụ của vua Gia Long. Nhưng
nếu không phải bà được kỵ húy theo lệnh cha chồng, thì khi chồng bà lên ngôi
(vua Minh Mạng), và bà được truy phong là Tá Thiên Thuận Đức Nhân Hoàng hậu [2] thì đương nhiên triều đình phải xuống
lệnh kỵ húy trong dân gian, chớ không đợi đến khi con bà làm vua 20 năm sau đó
(tức vua Thiệu Trị) mới ra lệnh kỵ húy của mẹ mình.
Theo
lệnh kỵ húy này, tỉnh Thanh Hoa đổi thành Thanh Hóa, cái Cầu Hoa (ở
quận 1 Sài Gòn bây giờ) đổi tên thành Cầu Bông, cửa (gate) Đông Hoa
của Hoàng thành Huế đổi thành cửa Đông Ba. Và chợ Đông Hoa ngoài cửa
Đông Hoa cũng đổi tên thành chợ Đông Ba.
Từ
đó trên cả nước không còn nơi nào và có ai còn gọi người Hoa là người Hoa nữa.
Nhưng sao người ta không đổi từ Hoa này thành Bông (như cầu
Bông) mà đổi thành Ba? Đó là vì sự biến đổi đầu tiên xảy ra ở kinh
đô, với cửa Đông Hoa thành cửa Đông Ba như đã
thấy; rồi sự kỵ húy từ đó lan vào Quảng Nam, với Hội An là cái “ổ Hoa kiều” lâu
đời. Người Quảng Nam có câu ca dao:
Thủng
thỉnh lượm bông ba rơi
Lượm cho có cách hơn người trèo cao
Ba là thay cho từ Hoa trong
sự kỵ húy đó.
Từ Hoa được
thay bằng từ Ba, nhưng gọi người Hoa thì ai cũng hiểu, trái lại gọi người
Ba thì vừa lạ hoắc vừa vô nghĩa, chẳng ai biết đó là gì. Họ vốn là người
Tàu. Thế thì gọi luôn Ba Tàu, mà không cần giải thích gì thêm, ai
cũng biết.
Theo
chủ quan của người viết, “gốc” của từ Ba Tàu là như vậy. Đó là
một từ bình thường, như từ “Cầu Bông” hay “Đông Ba”, chẳng có gì để căn cứ vào
đó mà nói rằng “Ba Tàu là cách gọi thiếu thiện cảm của người Việt đối với người
Trung Quốc ở Việt Nam.” (Wiktionary – ba tàu)
Người
Việt cũng gọi người Ba Tàu là “Các chú”. Bài viết ở trang
Wikipedia nói trên cũng trích dẫn tiếp bài báo trên Gia Định Báo giải thích:
“Kêu Các-chú là bởi người
Minh-hương mà ra; mẹ An-nam cha Khách nên nhìn người Tàu là anh em, bằng không
thì cũng là người đồng châu với cha mình, nên mới kêu là Các-chú nghĩa là anh
em với cha mình. Sau lần lần người ta bắt chước mà kêu bậy theo làm vậy.(?)
Trật
quá!
Chẳng
thuyết phục gì cả. Đã có ai giải thích ở đâu đó: Các chú là tiếng
nói trệch của từ “Khách trú.” Chỉ có vậy thôi. Nếu có ai đa nghi mà thắc mắc rằng:
liệu từ “Khách trú” có thực sự tồn tại trong ngữ cảnh này không? Tức là người
Việt Nam có thực sự đã dùng từ “khách trú” để gọi những người Hoa đang sống nhờ
trên đất nước mình hay không?
Có
mà.
Nếu
ai có điều kiện gặp lại các sách vở báo chí của những thập niên đầu thế kỷ XX ắt
sẽ thấy từ “khách trú” xuất hiện nhan nhản để gọi những người “khách” từ
phương bắc đến tá túc trên đất nước mình.” Nhưng “khách trú” chỉ là cách
của người Việt dùng từ Hán Việt. Người Tàu không nói thế. Họ gọi người ở trọ là
“ký cư giả” (寄居者),
và người Việt “dịch” gọn là “khách trú.”
Trong
Chương 3 (Regionalism and the Six Dynasties – Chủ nghĩa địa phương và Lục triều)
sách The Birth of Vietnam, tác giả, tiến sĩ Keith Weller Taylor, có
nói đến các sojourners (chỉ di dân người Trung quốc) ở Giao
Châu. Mà từ sojourner là được tác giả dịch từ nguyên văn chữ
Hán “kí cư giả,” (nếu không phải dịch từ chữ “khách trú” trong một nguồn
tham khảo tiếng Việt.) Sojourner: ký cư giả: khách trú. Từ đây
“khách trú” bị nói trệch thành “Các chú,” một từ hiền khô, chẳng có ngụ ý gì cả.
Cũng chẳng hề mang nghĩa bà con chú bác anh em gì với ai.
Thiếu Khanh
[1] Có nơi gọi ông là Phúc Quốc Công.
Đó là phẩm tước ông được triều đinh truy phong sau khi ông đã qua đời.
[2] Tước hiệu truy phong đầy đủ của bà
là “Tá Thiên Lệ Thánh Đoan Chính Cung Hòa Đốc Khánh Từ Huy Minh Hiền Thuận Đức
Nhân hoàng hậu.”
No comments:
Post a Comment