______________________
TỪ KẾ TƯỜNG
Lẽ ra tôi không trở lại vấn đề cây Phượng nữa, nhưng xem ra những người có trách nhiệm với cây xanh, đặc bệt là cây xanh trong sân trường đang ra sức phân tích "đặc tính" của cây Phượng để chứng tỏ rằng nó không phù hợp trồng trong sân trường, kể cả trên vỉa hè nên nhân vụ cây Phượng bật gốc, ngã đổ bất ngờ đè chết em học sinh lớp 6, làm bị thương các em khác đã "bật đèn xanh" cho việc chặt phá, triệt hạ tất cả loài cây cho hoa đỏ khi mùa hè tới. Loài cây đã đi vào thơ ca, âm nhạc, hội họa, trở thành hình ảnh đặc trưng của mùa hè, của kỷ niệm một thời áo trắng sân trường, không chỉ đối với từng thế hệ học sinh mà còn từng thế hệ thầy, cô giáo từng đứng trên bục giảng.
Tôi có một kỷ niệm không phai mờ về ngôi trường Tiểu học Lộc Thuận, Bình Đại, Bến Tre, nơi tôi đã học lớp nhì, nhất và nửa năm lớp Tiếp Liên. Sau đó tôi lên Sài Gòn học tiếp bậc Trung học. Năm đó tôi 12 tuổi. Trước cổng trường Tiểu học Lộc Thuận có hai cây Phượng mà thời đó thường gọi là Me Tây, vì trái Phượng giống như trái me, chỉ khác là trái Phượng to hơn, dài và khi chín có màu đen, rất cứng trong có nhiều hột, hột có một lớp cùi ăn đăng đắng, ngọt ngọt. Nhưng ăn nhiều sẽ bị tê lưỡi và... say. Hai cậy Phượng trước cổng trường LộcThuận không biết có tự bao giờ, nhưng khi tôi học hết lớp Ba trường Sơ cấp Phú Vang, thi Sơ học và đậu vào Lớp Nhì trường Tiểu học Lộc Thuận thì hai cậy Phượng đã già lắm rồi, đã thành cổ thụ.
Hai cây Phượng tán lá đan vào nhau, tỏa bóng mát cho sân trường. Mùa hoa nở rợp trời, tiếng ve kêu rền rĩ tới suốt 3 dãy lớp học. Lớp Nhì khi tôi học học Thầy Sĩ dạy, Lớp Nhất là Thầy Đỉnh, Lớp Tiếp Liên là Thầy Phi. Hiệu trưởng là Thầy Phụng. Thời tôi học cũng mưa gió tơi bời, bão giông tới tấp nhưng hai cây Phượng cổ thụ không bao giờ gãy nhánh tươi hay trốc gốc vì bộ rễ cắm sâu vào đất, nổi gồ lên một khoảng rộng thật vạm vỡ. Hết mùa hoa là mùa trái Phượng chín khô, đen đủi, đong đưa trên cành và rụng khi gió mạnh. Tôi và lũ bạn thường lượm những trái Phượng chín đập ra, lấy hột, nhâm nhi phần cùi của cái hột trái Phượng nghe ngọt ngọt, đăng đắng, nhưng rất thú vị.
Quanh khu chợ Lộc Thuận ngoài, (để phân biệt với chợ Lộc Thuận trong) thời đó là các con đường tạo thành khu thị tứ sầm uất, nhà phố buôn bán, tiệm cà phê hũ tiếu, tiệm chụp hình, tiệm tạp hóa, tiệm thuốc Bắc của người Tàu... Và vỉa hè nào cũng trồng Phượng, những cây Phượng cổ thụ như trước cổng trường tôi học và chưa bao giờ tôi thấy Phượng trốc gốc, gãy nhánh tươi. Lý do là những hàng Phượng cổ thụ đó đủ đất để bám rễ sâu, bộ rể phụ lồi lên bên trên mặt đường, gân guốc, vạm vỡ, vững chắc. Những hàng Phượng cổ thụ vững chải, đứng thẳng qua năm tháng, qua bao gió giông, tạo thành hình ảnh kỷ niệm với màu hoa đỏ rực trời, tiếng ve ru ngân xa suốt khu phố chợ.
Sau này, khi tôi có dịp về quê, trở lại ngội trường Tiểu học Lộc Thuận để tặng tập vở cho học sinh, tặng sách cho thư viện của trường, tôi vẫn thấy hai cây Phượng già ngay cổng trường, tôi và anh bạn làm hiệu trưởng của trường thời hiện tại là Thầy Triệu đứng dưới bóng mát của hai cây Phượng cổ thụ đang mùa hoa nở đỏ, có những chùm Phượng rụng tơi bời trên đất nhắc lại kỷ niệm ngày xưa tôi từng học ở đây... Và mãi sau này, khi nhớ về ngôi trường Tiểu học mà tôi chỉ học có hai năm rưỡi để rồi rời xa nó, khi nhớ về, tôi đều nhớ tới hình ảnh hai cây Phượng già với cảm xúc ngậm ngùi. Để rồi từ hình ảnh này, gương mặt của những người thầy, bạn bè cùng lớp, khác lớp hiện dần ra như một thước phim quá khứ sống mãi, chẳng hề phai.
Trở lại việc trồng Phượng trong sân trường dẫn đến cây Phượng bật gốc như trong sân trường Bạch Đằng ở Q3 là do Phượng không trồng từ lúc là cây con, bị vây hãm bởi bồn xi măng, thiếu đất, thiếu chăm sóc nên bị sâu bệnh đục thân... Như vậy lỗi đâu phải tại cây Phượng mà chính là do con người đã không biết cách trồng, bị bỏ bê không chăm sóc... Với cách trồng cây bứng gốc từ nơi khác đem về trồng, bộ rễ đã bị vạt hết, rồi xây bồn xi măng xung quanh như trồng kiểng, hỏi đất đâu để cây Phượng phát triển, rễ đâu để cắm vào đất sâu giữ cho thân cây khỏi bật gốc? Không chỉ với cậy Phượng, bất cứ loại cây trồng nào nếu trồng theo cách "ăn xổi ở thì" này thì cũng đều bật gốc chứ chịu sao nổi?
Nếu trong sân trường không còn cây Phượng, thử hỏi những thế hệ học sinh sau này lấy hình ảnh nào để nhớ thời đi học, thời áo trắng. Lấy hình ảnh nào để nhớ thầy cô, bạn bè khi rời trường, xa lớp? Thậm chí sẽ có nhiều em không còn biết cây Phượng là cây thế nào và rất nhiều em sẽ ngạc nhiên hỏi tại sao lại có câu hát "Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa Phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu?". Cây Phượng sẽ biến mất trên cõi đời này nếu chỉ vì tư duy hạn hẹp, thiếu trách nhiệm: "Quản lý không được thì chặt bỏ, phá hết cho khỏe". Bất chấp sân trường trống vắng, thiếu cây xanh, bóng mát, thiếu tiếng ve ru cánh Phượng hồng giữa những tường cao, lớp học là từng khối bê tông?
Lỗi của con người không biết cách trồng cây, chăm sóc cây để cho bóng mát, hoa đẹp, tạo hình tượng lưu dấu kỷ niệm thời học sinh cớ sao lại đi chặt phá, tận diệt loài cây đã đi vào kỷ niệm, ăn sâu vào tâm khảm, hình tượng của những tháng năm đẹp nhất đời người đã đi vào thơ ca, nghê thuật, văn chương? Thật không hiểu được.
Thế mà đang có chiến dịch tận diệt cây Phượng vô tội trong sân trường...
No comments:
Post a Comment