Monday, January 7, 2019

Ký sự xứ dân nghèo


___________


Phạm Huy Viên



Phi cơ Jetstar đổ tôi xuống phi trường Đà Nẵng, trong khi chờ hành lý, tôi đi kiếm toilet để giải quyết thắc mắc nội tại thì thấy toilet ở đây không… ngon lành (nhưng lượt về tôi mới biết lúc đó tôi xui vì gập cái … bên lề, chứ mấy cái khác thì cũng… vừa lòng khách đi). Thành phố thay đổi khá nhanh chóng! Thành phố du lịch 4 không mà! Không ăn mày, đánh giầy, vé số, bán báo dạo!
Buổi chiều, không khí khu gần bờ sông (sông Hàn) như đường Quang Trung… khá nhộn nhịp vì người ta chuẩn bị đón lễ hội pháo hoa 30-4-2011. Những quán ăn uống và bán đồ lưu niệm, kể cả đồ Si đa bán cho nông dân từ Hoà Vang, Điện Bàn, Hội An đi chân đất kéo tới xem pháo hoa, đã mọc lên ngổn ngang đầy vỉa hè (có lẽ chỉ được phép trong 3 ngày)
Nhìn chung, tuy đây là thành phố đông dân, công nghiệp hoá nhanh, nhưng vẫn còn khá thơ mộng. Đường xá rộng rãi, sạch sẽ, sông Hàn lãng mạn, bãi biển cát trắng, và buổi chiều mây lững lờ trên Sơn Trà, mây mờ ảo trên Hải Vân. Cà phê thì cũng chơi được, không đắng nghét hoá học kiểu Trung Nguyên, không đắng ký ninh kiểu liều mạng (hình như có lều bều bọt kiểu sà bông), có lẽ bạn nên vào những quán Nghệ Sĩ như … W. Love thì yên tâm hơn.

Buổi sáng hôm sau tôi lên đường đi Thánh Địa Mỹ Sơn hơi muộn, cái nắng mùa hè miền Trung không làm du khách hài lòng. Nhưng từ Điện Bàn rẽ về phía Tây cây xanh càng lúc càng nhiều. Tuy ruộng càng… không tươi tốt, nhưng nhà cửa vẫn khang trang, vườn tược vẫn vun quén, điều đó cho thấy cái dân Quảng Nôm này hay cãi mà cũng hay siêng làm lụng.
Mỹ Sơn rất cô tịch, thanh u làm bạn… ngẩng cổ… cúi đầu. Nhưng cũng như các nhà khảo cổ và các nhà quản lý, bạn… không hiểu gì hết. Có lẽ người ta không hiểu nên không tu bổ và…  “tôn tạo” chăng? Ở Hội An có tượng ông chuyên viên người Ba Lan rất hoành tráng, nhưng ông cũng chẳng giúp gì cho ta trong công việc "trùng tu"! Đắp vài viên gạch không cùng kích cỡ và khác kỹ thuật nung… nướng thì có ý nghĩa gì!!!
Không kẻ những tháp bị bình địa, còn lại mười mấy các tháp to nhỏ, đủ kiểu, ngổn ngang, tuỳ tiện. Tôi nghĩ không phải là đời sau “quy hoạch” cho khu lăng mộ đời trước. Có lẽ mỗi một cái tháp là một nhà ở (cung điện) của một ông chúa khi ông ta chết thì người kế nghiệp làm một cái cung điện bên cạnh (tháp) để ở, và cái tháp cũ biến thành nhà mồ. Sở dĩ có tháp to tháp nhỏ là vì có ông gặp hên, làm ăn khấm khá có ông bị mất mùa, thua trận hoài… nên hẻo như thế! Cũng chẳng phải là từ kinh đô Trà Kiệu đem xác lên đây hoả táng rồi đặt tro vào tháp (?). Giữa tháp có cái giống cái giường (có ngăn đựng đồ dưới gầm giường, có cối đá xay bột và vật dụng linh tinh…). Trà Kiệu thì bây giờ gần như bình địa, chả thấy vết tích thành lũy bao nhiêu. Tôi không có thời gian đi thăm Khương Mỹ, Bình An, Chiên Đàn... nhưng chắc cũng cùng cảnh ngộ như Trà Kiệu thôi, nên không có trong danh sách các điểm tham quan để… người ta thu tiền vào cửa. Tôi bèn tưới la de xuống chân tháp, viết mấy giòng nguệch ngoạc, đốt lên, mượn gió gửi đến người xưa:
Người xưa như đã bốc hơi
Cây trơ cỏ úa rã rời khóc ai
Không nghe tiếng ngựa tiếng voi
Chỉ nghe rủ rỉ gió ngoài đồi hoang
Khách du nào biết tháng năm
Gạch nào thách đố thời gian hỡi người
Từng lớp người, từng lớp đời
Trôi theo đợt sóng về nơi vô hình
Vết tích này nếu có linh
Cũng không nói được tâm tình người xưa
Sông Hoài mặt lạnh như tiền đón tôi với vẻ già nua, cằn cỗi. Chùa Cầu rộng chừng 3 mét, giữa cầu có một ô vuông chừng 2 mét. Người ta thắp hương lễ bái. Không có ông Thích Ca hay ông Di Đà, Di Lặc nào cả. Chắc không phải mấy ông Nhật Bản cầu cho mua may bán đắt, mua một cắc bán một triệu. Hai tượng chó ở đầu cầu chứng tỏ không phải đi từ Nhật Bản tới. Tôi nghĩ mấy ông Bồ Đào Nha: "buôn một, cướp mười" phát âm “Trà Bàn" hay "Japan" cũng một thứ thôi!!! Cũng may, người Nhật là một dân tộc có tư cách. Họ thấy mình nói cầu Nhật Bản thì ừ đại để lợi cho ngoại giao và buôn bán, chứ họ không đề nghị tài trợ để "trùng tu" cho có vẻ Nhật hơn!
CHÙA CẦU
Rêu phong nếp ngói đơn sơ
Sông hiền hoà quá, gió ngu ngơ buồn
Sông nào hoài vọng mưa nguồn
Sưu cao dân thượng, lệ tuôn dân đồng
Sông nào chở củi long đong
Sông nào chở sản vật trong núi rừng
Xưa tấp nập, nay dửng dưng
Từ xa nhìn khách bộ hành nhởn nhơ
Thu tiền vào cửa công ty
Nhà xưa chẳng sửa dân nghe ngậm ngùi
Gỗ đen nếu có bồi hồi
Gỗ nào lên tiếng cho người cảm thông
Chùa Cầu khiêm nhượng qua sông
Mái cong nửa cổ khó lòng khảo tra
Đầu cầu đôi chó thật thà
Chó nào minh chứng gốc là Japan
Cầu cho quốc thái dân an.
Con phố cổ đen đúa xám xịt dẫn tôi tới chùa Ông. Cũng như các chùa Ông khác ở miền Nam, người ta lẫn lộn ông Huyền Thiên Chơn Võ Đại Đế với ông Quan vân Trường (có lẽ 100 người Hoa thì 99 người lẫn lộn nhu thế). Tấm đại tự ở trên thì viết Đại Đế, nhưng những câu đối trên các cột thì đại loại như:
Chí tại xuân thu danh tại Hán
Trung đồng nhật nguyệt nghĩa đồng thiên


Để ca tụng lòng trung nghĩa của Quan Vân Trường.Tôi không thích những giòng chữ nho ghi xây cất và trùng tu … vào năm nào, tôi chỉ thích dân gian gọi đó là chùa Giải Oan. Chắc không phải giải oan cho Quan vân Trường đâu! Cũng chẳng phải giải oan như chùa Hương Tích giải oan cho bà chúa Ba. Có lẽ giải oan cho một ông quan hay tướng Minh Hương bị oan khiên dưới đời vua chúa nhà Nguyễn. Gần ngay sát đó là Hội Quán Phúc Kiến. Bảng đề Hội Quán Phúc Kiến tổ bố, nhưng tôi nhìn lên cao thì thấy 3 chữ Hán nhỏ xíu: Hội Sơn Tự (tôi sẽ có dịp hầu chuyện sau với quý vị về hai cái chùa Giải Oan và Hội Sơn này).

          Trở về Đà Nẵng trong đem theo con đường ven biển thì thật tuyệt vời: bên ngoài là bãi biển Mỹ Khê diễm lệ, đa tình, được bình bầu là một trong những vịnh đẹp thế giới, bên trong là làng đá Ngũ Hành. Thật là đáng phục cho những tay thợ đá, những người dân nghèo đã làm cho, giữa những công ty, nhà hàng hoành tráng, cao sang, là những nông dân không đất, những người khuân đá nghẹt thở, sứt tay. Sau khi cúi đầu trước những người cần cù, nhẫn nại, tôi lại nhớ đến những Anh Hùng, Chí Sĩ. Vùng đất này là của những Hoàng Diệu, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Phan Khôi… Tôi vào Tàng Chân Động để nhớ đến Chí Sĩ Nguyễn Thượng Hiền. Tôi men theo vách đá để tìm bài thơ trên vách. Ôi! Chỉ đọc được chừng 20%. Buồn quá, định trở ra đi theo thang máy xuống, nhưng chợt thấy có đường bộ qua chùa Linh Hựu theo bậc gạch đi xuống, thế là đỡ tốn 30 ngàn đồng. Tôi nghiệm ra là đa số đều đi bộ (không hiểu là bao năm cái thang máy này mới thu hồi được vốn?). Dù mệt thở, nhưng lòng cũng muốn có thơ gửi cụ Nguyễn Thượng Hiền. Về nhà bèn ghi tình ý lại:
NGŨ HÀNH SƠN
Ôi chao đá đẹp làm sao
Đẹp, bền, sáng tạo dồi dào ý thơ
Muôn dân sinh nghiệp mong chờ
Núi kia cảnh nọ động chùa uy linh
Tàng chân động hỡi có thiêng
Câu thơ chí sĩ nỗi niềm nước non
Trăm năm bia đá đã mòn
Ngàn năm tiên tổ vẫn còn quanh đây
Ngồi buồn, hết nhìn núi Hải Vân lại đến núi Sơn Trà. Nghĩ hoài đến những cái đồn Chân Sảng, Trấn Hải. Có trời mà biết chúng ở đâu. Nếu nó mới lòi ra thì cũng không ở chỗ xưa hoặc không giống xưa, thậm chí nó không giống cái ĐỒN của các cụ. Nhớ cụ Nguyễn muốn chết! Ngồi ngâm i ỉ lúc nào không hay
SƠN TRÀ
Hải đài chẳng chút vết xưa
Dân cò trách nhiệm giữ bờ cõi ta
Dựng lên tượng Phật nguy nga
Bảo an muôn dặm hải hà ngàn năm
Dân mình tiếp bước tổ tiên
Trời cao biển rộng núi thiêng sông dài
Nhắc ai chớ có hững hờ
Lòng dân phải chắc hơn bờ tường kia
Nguyễn tri Phương đã đi xa
Anh hùng hào khí gửi qua thành này
Sơn Trà gió vẫn vờn bay
Sông Hàn dịu mát chiều nay nhớ người

          Sông Hương núi Ngự đã từng làm tôi choáng với tà áo tím và những lời lịch sự, điệu nghệ. Nhưng tôi đã đi gần hết, lần này tôi phải tranh thủ đi thăm mhững nơi còn lại như: Voi ré – Hổ quyền, Văn Miếu, Lăng Ba Vành. Nhè khi bà xã mua sắm ở chợ Đông Ba, siêu thị… tôi trộm phép bả, lén đi những nơi vắng vẻ trên (tôi vốn sợ bả từ hồi Đệ Nhất Cộng Hoà lận: Nhất vợ nhì trời thứ ba Ngô Tổng Thống). Có bảng Hổ Quyền ở đầu đường, chỉ đàng hoàng, nhưng đi vô, đường ngoằn ngoèo như ruột dê mà chẳng có một cái bảng chỉ dẫn tiếp theo. Hổ Quyền có cả sơ đồ hướng dẫn, nhưng không một bóng người (?), có lẽ là ngày lễ? Nhưng dù có người thì những thuyết minh của họ cũng nhạt như sáo voi thôi! Cái vẻ tiêu điều, hoang vu, xơ xác thế kia mà thuyết minh thêm mắm thêm muối thì chỉ tổ phản cảm.
Sang điện voi ré cũng chẳng hơn gì. Điện đã xuống cấp âm u, nhện giăng. Hai hàng nhà nhỏ hai bên, bé xíu, có lẽ không phải nhốt voi mà là thờ voi, nó nứt, đổ, tang thương như nhà của những con heo nghèo (?). Tôi xách dép chạy mất đất, đi tìm ngựa sắt sang Văn Miếu. Sướt qua Kim Long, thấy chẳng có vẻ mỹ miều gì cả, bèn đi thẳng, không dám "liều" quẹo vô như vua Thành Thái:
Kim Long có gái mỹ miều
Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi
Văn Miếu là linh hồn của Văn Hiến Chi Bang!
Ôi! Sao mà đến nông nỗi này! Đến nền miếu cũng không còn. Cỏ hoang cao vài tấc lượn mấp mô trước gió chiều, xa xa phía trong nép mình vài bụi cây khiêm nhường! Tôi bèn quay lưng để đọc mấy tấm bia sân trước. Ôi! Dụi mắt ba lần cũng chỉ đọc dược chừng 40% số chữ! Học trò cụ Chu Văn An chạy đâu cả rồi? Ngoài cổng có tấm bảng viết là sẽ phục dựng nhưng biết bao giờ… mới khởi công? Người ta chưa chọn được ngày tốt hay chưa chia phần xong? Biết bao giờ những đệ tử của Chu Văn An một thời bị các đệ tử của Các Mác hạ xuống đất đen, mới được đặt trở lại địa vị cũ? Sau khi quay lại nghía lần chót bãi cỏ hoang, tôi thơ thẩn giang tay ra về mà trong lòng vang lên những ý thơ không biết có phải của tôi hay không:
VĂN MIẾU
Văn Miếu là gốc của văn
Bia chẳng đọc được biết rằng hỏi ai
Cỏ hoang mô đất thở dài
Gió nào rên rỉ bên tai hỡi người
Gần hai trăm năm qua rồi
Công trình lập quốc hỏi trời hay chăng
Ai đập ai phá lăng nhăng
Ai rằng phong kiến, ai rằng quan liêu
Bể dâu lớp lớp sóng liều
Soi gương kim cổ thấm nhiều đớn đau.

          Văn nhân Nho sĩ bị bạc đãi như thế rồi. Chiều, tôi đi tìm di tích vị Anh Hùng chống quân Thanh xem sao. Cuộc tranh cãi về lăng Ba vành có thực sự là của vua Quang Trung hay không? cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Bản thân tôi chưa thấy có những bằng chứng rõ ràng rằng đó là mộ của ngài, và những lý luận thì chưa đủ thuyết phục, nhưng tôi vẫn theo hướng đó để tìm hiểu thêm. Tôi nghĩ rằng thuở sinh tiền, ngài không đóng ở cái chỗ mà sau này người ta gọi là Phú Xuân đâu. Ngài phải đóng từ núi Tam Toà, núi Bân, Ngự Bình cho tới đồi Thiên An (Cũng như sau đó Bùi Đắc Tuyên đóng ở chùa (?) Thuyền Tôn là ở trung tâm “Đô” của nhà Nguyễn Tây Sơn, chứ không trốn ở một ngôi chùa hẻo lánh ở ngoại ô đâu). Điều này tôi sẽ trình bày thêm trong cuốn sử của tôi. Đồi Thiên An cho tới ngày hôm nay vẫn còn là một khu thưa dân dù cách thành nội ngày nay khoảng 7 km. Tôi lên đỉnh đồi thì không biết hỏi ai ngoài mấy tín nữ Ki tô giáo đang học đạo. Tôi hỏi về chuyện Quang Trung thì họ hoàn toàn không biết, chỉ cho biết đây là Đan Viện Thiên An (viện là chủng viện, nơi học đạo). May thay, sau đó tôi gặp một vị thầy giòng. Ông này đọc sách khá nhiều. Ông theo phái cho rằng đó là ngôi mộ của một ông quan nhỏ nhà Nguyễn.
Nói chuyện khá lâu, nhưng khi ra về tôi chỉ mang theo một chi tiết nhỏ (!) nhưng quan trọng: Đó là lăng Ba Vành nằm trong khuôn viên nhà thờ Đan Viện Thiên An (khuôn viên rộng 100 ha). Tôi chưa chứng minh được lăng Ba Vành là của vua Quang Trung. Nhưng đứng trước đồi thông mênh mang, nghe gió chiều kể chuyện, tôi nghĩ đến vị Anh Hùng mà cảm khái vô cùng.
          Ngày hôm sau, trên đường đi Quảng Trị tôi lại gặp những căn nhà lúp xúp, tí teo với vườn tược đất trắng như muối! Du du hề một phong vị vàng úa, xác xơ. Đây là tỉnh nghèo nhất Việt Nam chăng? Từ Hải Lăng tới Triệu Phong, Vũ Xương và Gio Linh đều mọt vẻ. Chiến tranh đã trôi qua gần 40 năm rồi, người dân không còn phải trốn bom đạn, họ chẳng còn bị ám ảnh bởi những Dốc Miếu, Cồn Tiên, Khe Sanh mà sao chưa thấy họ khá lên.
Phải chăng cái miền tấc đất tấc xương khô máu đọng này đã khiến cho những người yếu bóng vía bỏ ra đi biệt xứ?
Phải chăng cái miền tấc đất tấc bom mìn chưa nổ để người ta thấy đất không còn lãng mạn mời gọi?
Phải chăng miền đất này vẫn còn quá nhiều người thương tật và chấn thương tâm thần nên tiếng bi ai còn át tiếng hò gặt lúa?
THÀNH CỔ
Chuyện xưa chẳng bằng chuyện nay
Quên rồi chuyện cũ những ngày xa xưa
Từ hè đỏ lửa đến giờ
Râm ran nổi tiếng bất ngờ bởi ai
Oâng trời ác quá hỡi ôi
Nỡ đem bom đạn dồn nơi thành này
Oán hờn chất nhất loà mây
Oâi chao mùi khét là đây thịt người
Tần ngần ta ngắm đất trời
Đất câm chẳng nói trời lười lặng im

Tôi chụp vội mấy tấm hình ở thành cổ Quảng Trị và cầu Hiền Lương để kỷ niệm một ngày không vui (theo lời một người khá rành chuyện thì hồi nẳm, những người chết trong thành là trên 8 ngàn, còn thông tin trên mạng - lề phải - nhiều người cho là trên 10 ngàn). Qua cầu Hiền Lương, tôi hỏi anh tài xế về địa danh Vịnh Mốc, anh ta nói cách khoảng 10 cs và dĩ nhiên… vẫn nghèo! Tôi nén một tiếng thở dài để tránh làm mất vui những người cùng đi. Đây là huyện Vĩnh Linh vẫn còn thuộc tỉnh Quảng Trị và dĩ nhiên cũng nghèo như các huyện phía nam sông. Tôi nhận ra một điều là sông Bến Hải quá nhỏ so với sự tưởng tượng của tôi trước đây. Thảo nào những người vượt sông trong đêm tối bị các tay súng trên bờ bắn… trúng phóc!
CHUYỆN CÂY CẦU
Ván cầu câm nghẹn mầu nâu
Thành cầu sắt thép trơ mầu thời gian
Đơi bờ cũng một giang san
Tình người cũng một cháu con Lạc Hồng
Cười ai chụp mũ giòng sông
Bảo rằng sông bạc, chia lìa anh em
Sông rằng tắm sạch bụi lem
Lại từng tẩy rửa oan khiên cho đời
Linh giang cũng có một thời
Hai trăm năm trước bị người vu oan
Sông nào ngăn được lòng tham
Đặt để cho lắm chỉ toan lợi mình
Thinh không nghe một tiếng cười
Các ngươi lặp mãi một lời ngu lâu

Qua 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thuỷ, tôi chẳng nghe được tiếng hò khoan Lệ Thuỷ (nổi tiếng thế giới), chỉ thấy bên đường rặt khoai là khoai, hết khoai môn, khoai lang rồi tới khoai mì! Những bụi khoai dại (khoai môn nước?) èo uột, lá bằng bàn tay nhỏ, nhìn thấy tội! Không hiểu có phải người khoẻ mạnh đi biển hết, để ông già bà lão ở nhà nhai khoai không? Tôi không dám tìm hiểu tiếp. Anh bạn tài xế nói Quảnh Bình khá hơn Quảng Trị. Người ta nói sông Thạch Hãn trong, không phù sa, trong suốt nhìn thấy đáy. Ngồi trên xe tôi không kiểm nghiệm được điều đó. Có lẽ nhờ những con sông Kiến Giang, Nhật Lệ, Lý Hồ, sông Gianh mà Quảng Bình khá hơn chăng? Nhưng dù sao anh bạn tài xế cũng nói đúng. Từ đồng ruộng, nhà cửa cho tới thành phố Đồng Hới… Tôi thấy đều có vẻ khấm khá. Anh còn nói Quảng Trạch, Ba Đồn cũng khá nữa. Tôi không có thời giờ để vượt con sông ô nhục này để tìm hiểu ba cái đồn của chúa Trịnh mà rẽ trái vào Phong Nha. Phong Nha là Phnom = Non nước, chứ không phải là răng của gió hay gió có răng cắn người. Tôi lặng im thưởng thức vẻ tuyệt vời của nó mà không nghe những lời thuyết minh của hướng dẫn viên hay liên tưởng tới những khảo cứu của các học giả! Người ta đã phát hiện ra mấy chục hang động kỳ thú, có hang động dài hàng cây số và sẽ còn phát hiện thêm nữa! Đúng là một tặng phẩm tuyệt vời mà Tạo Hóa ban cho Việt Nam… Cái non nước hữu tình này đã làm lòng tôi dịu lại sau 200 cs dọc đường gió bụi. Tôi đã thấy khoẻ lại nên nổi hứng bảo tài xế lái xe cho tôi về theo đường Trường Sơn.
Dọc đường mới thấy phục và thương cho dân mình siêng năng, nhẫn nại và liều mạng. Mầu cây xanh, ngói đỏ đan xen hữu tình đã làm cho miền cao khởi lên sinh khí. Những cần cẩu, xe tải, công trường đây đó đã làm giảm đi cái ấn tượng miền Trung nghèo đói muôn đời không ngóc đầu lên nổi. Tôi không hiểu họ sống bằng cưa rừng, phá đá hay trồng cây công nghiệp lấn rừng. Nhưng thôi (chép miệng) được ngày nào hay ngày nấy, chuyện môi trường để hạ hồi phân giải! (không biết có cần cô Ngọc Quyên tuyên truyền giùm không?) Tôi hỏi cái bến Long Đại thì anh bạn không biết. Dĩ nhiên rồi, tài xế xe khách, xe bao đường trường thì quẹo vô đó làm chi. Có lẽ các cụ ngày xưa chỉ đi tới ngã ba Long Đại là cùng, chứ chắc chắn là không đi sâu tới Vịt-Thu-Lu. Trời đã ngả chiều, vả lại đi cùng với vợ con nên tôi không dám liều mạng kêu anh tài xế lái về xem con Vịt nó to Thu Lu tới cỡ nào. Tôi nghĩ các cụ cũng biết làm ăn lắm, nhưng chỉ đậu tuốt phía ngoài để đổi cá muối… lấy ngà voi, sừng tê, đậu khấu, Sa nhân, cánh kiến của người Lào. Về tới Cam Lộ thì trời đã tối nên tôi khơng thấy toàn cảnh của cái "Phủ" này. Có lẽ nó cũng bằng phẳng, dễ đi và có ruộng nương nên nhà Nguyễn đã đặt ở đây một Phủ lớn để an dân và để "phủ dụ" 9 mường cùa người Lào. So đoạn đường từ Đông Hà lên Lao Bảo, thì Cam Lộ chưa tới 1 phần 3 đoạn đường. Tôi nghĩ có lẽ nhà Nguyễn chỉ an dân nơi rìa đồng bằng là chính, còn người Lào cống nạp bao nhiêu không quan trọng. Cái rừng núi mênh mông phía tây đó có tên là gì thì các cụ chỉ biết qua… ba lần phiên dịch. Các cụ đâu có cần biết tới hộ khẩu của 9 cái mường đó! Những cái tên Cồn Tiên, Khe Sanh, Lao Bảo là chúng ta chỉ biết đến sau này mà thôi. Qua lại chợ Đông Hà về đêm thì cũng thấy đèn sáng giăng giăng, sầm uất, nhưng không bằng các tỉnh miền tây Nam Bộ đâu. Sau chiến tranh, vì thị xã Quảng Trị đã bị Coventry nên tỉnh lỵ được dời ra Đông Hà. Dù hàng Lào, hàng Thái đã tràn ngập thành phố. Có những cửa hàng lớn kẻ bảng bán hàng Lào hàng Thái, nhưng có lẽ chủ từ Sài Gòn ra, hoặc đây chỉ là Tiền Trạm hay trạm Trung Chuyển để thu mua hàng, nên tôi bảo Quảng Trị vẫn là tỉnh nghèo là thế.

Sáng hôm sau, để thay đổi không khí, tôi đi xe hoả từ Huế về Đà Nẵng. Phong cảnh hai bên đường dĩ nhiên là đẹp với những người muốn ra khỏi nhà để đổi không khí, giảm xì trét. Nhưng những mảnh ruộng nhỏ xíu, thậm chí có mảnh chỉ bằng cái chiếu, khiến tôi không khỏi nao lòng. Những mảnh ruộng đáng được ghi vào sách kỷ lục Guiness vì diện tích khiêm nhượng của nó, chắc khiến cho nông dân khi làm, khi gặt phải vướng tay đụng mông nhau, khó có thể hát lên những điệu hát hò rộn rã vui tươi : ngày mùa, được mùa !!!
Không hiểu ngày xưa :
Có chàng công tử quê Đè Nẽng
Cưới ả Thuý Kiều xứ Phú Cơm
Khi chàng mới gặp nàng lần đầu, nàng Kiều có dạo lên khúc đàn tranh, khiến chàng mê mẩn để khi về đến nhà cứ nhớ nhung
Gặp mi bữa đó thương mi gớm
Cái nhớ mỗi ngày mỗi nhớ hung
Chớ tôi thấy Phú Cam dưới trào Ngô cũng chẳng sung sướng gì hung. Các Đại thần có nườm nượp về đây bái kiến phó vương Ngô đình Cẩn hay thượng hoàng Ngô đình Thục, với cờ hoa rực rỡ, với lễ Ngân Khánh hoành tráng… thì người dân Thang Mộc Ấp của các ngài cũng chẳng lấy làm ơn sâu nghĩa nặng gì đâu! Chứng cớ là ngày nay chả ai nhớ tới các ngài cả!

Về tới Đè Nẽng, nghỉ tại khách sạn ngay chân cầu Thuận Phước, cây cầu dài nhất Việt Nam bắc qua vịnh. Chiều ngồi hóng mát. Nghĩ tới bao nhiêu cảnh, bao nhiêu thành, bao nhiêu di tích, lòng bồi hồi cảm thán. Nào là giầu nghèo, thịnh suy, tốt xấu, phải trái cứ miên man trong đầu. Trước mặt, một bên là núi Sơn Trà, một bên là núi Hải Vân: Mây trời, sương toả… Hồn mới lịm đi vài giây đã thấy từ biển nhô lên cảnh tượng không biết là thực hay ảo, chỉ thấy rì rầm như tiếng sóng đuổi nhau, nhiều thứ ánh sáng như đua nhau, nhiều tiếng ồn ào như tranh luận. Tôi thấy rõ là mình già rồi, không hội nhập được. Tôi lững thững về phòng, leo lên giường… Théc cho muồi… để còn sức ngày mai leo lên nàng Vina Airline về Sài Gòn.
CDM Phạm Huy Viên

No comments: