Saturday, January 12, 2019

Sa Huỳnh chương 11


Related image

11
Đang lui cui bửa củi nơi sân sau Sa Huỳnh nghe có tiếng cười nói lao xao. Bước ra ni cô hơi ngạc nhiên khi thấy ông lính già dẫn đầu một toán lính đang đi tới.
– Im… Mấy thằng bây im miệng… Đây là chùa chiền chớ không phải chợ búa đâu mà om xòm…
– Mô phật… Bần ni xin hỏi…
Chấp tay xá ni cô ba xá, thượng sĩ Minh nghiêm giọng.
– Thưa ni cô… Ông đại úy của tôi…
Thấy được thắc mắc của ni cô, ông ta tươi cười giải thích.
– Đại úy Hoàng của tôi…
Sa Huỳnh từ tốn thốt.
– Mô phật… Đại úy Hoàng… Ông Hoàng…
– Dạ dạ… Đại úy Hoàng bảo tôi dẫn lính lên đây để sửa lại chùa…
– Cám ơn ông… Ông thấy việc gì cần làm cứ làm…
– Trời ơi… Cái cô ni cô này đẹp hết sẩy mà đi tu uổng quá…
– Mày nói đúng đó… Ni cô mà trẻ quá… Đẹp thấy muốn xỉu…
– Tao nghĩ đại úy của mình mê…
– Xuỵt… Mày nói lớn quá ổng nghe được ổng cạo đầu mày…
Lính xì xầm. Sa Huỳnh đỏ mặt khi nghe những lời xì xầm của mấy người lính quỉ quái. Thượng sĩ Minh cũng nghe được nhưng tảng lờ. Ông phân công lính khai quang cỏ dại mọc tràn lan, bửa củi, xách nước còn bao nhiêu lợp lại mái nhà, cổng chùa, dựng lại mấy cây cột xiêu vẹo.
– Mô phật… Bần ni xin được hỏi đại úy Hoàng là gì của ông?
– Thưa ni cô… Ổng là đại đội trưởng… Ổng chỉ huy một trăm mấy chục người…
– Mô phật… Chắc ổng đánh giặc giỏi lắm?
– Số dách thưa ni cô… Ổng đánh giặc giỏi mà cũng thương lính lắm…
Ngừng lại giây lát Minh cười tiếp.
– Ổng còn dặn tôi là ni cô cần thứ gì cứ bảo tôi mua…
– Mô phật… Nhờ ông nói lại với đại úy Hoàng là tôi cám ơn. Ông đại úy cho cái gì tôi nhận cái đó. Chùa không có đòi hỏi gì hết…
Thượng sĩ Minh gật đầu cười.
– Sáng mai tôi sẽ đi Tam Quan sớm để mua đồ rồi trở về. Chắc phải chiều tôi mới mang lên cho ni cô được…
– Mô phật… Lúc nào ông mang lên cũng được…
Hoàng cười cười khi nghe ông thượng sĩ thường vụ của mình báo cáo lại những lời của Sa Huỳnh.
– Đây là danh sách và tiền để ông mua cho chùa…
Cầm tiền và danh sách Minh nói đùa.
– Cái cô ni cô đó đẹp đẽ mà lại đi tu uổng quá trời hả ông thầy…
Phải dằn lắm Hoàng mới không bật cười vì câu nói của Minh. Tuy nhiên anh cũng thầm công nhận lời của Minh đúng. Ni cô Sa Huỳnh đi tu uổng lắm.
Vừa gặp mặt Sa Huỳnh lên tiếng trước.
– Mô phật… Ông đại úy… Ông đi đâu vậy?
– Xin Sa Huỳnh đừng gọi tôi là đại úy…
– Gọi là đại đội trưởng nghen…
Hoàng lắc đầu cười vì lời nói đùa của ni cô.
– Nếu không gọi được anh Hoàng thời Sa Huỳnh gọi tên cũng được bằng không gọi ông Hoàng cũng được…
Sa Huỳnh lãng sang chuyện khác.
– Cám ơn ông cho lính lên chùa làm giúp…
– Có gì đâu mà Sa Huỳnh cám ơn. Đây là bổn phận của lính mà. Bảo vệ dân, giúp đỡ dân là chuyện của lính…
Ngừng lại giây lát Hoàng nói nửa đùa nửa thật.
– … Còn thương yêu kẻ tu hành là bổn phận của tôi…
Sa Huỳnh cúi mặt dấu nụ cười. Ni cô không dám ngước đầu lên vì sợ chạm phải ánh mắt tha thiết và nồng nàn của người lính si tình.
– Tôi mời Sa Huỳnh đi dạo một vòng quanh chùa để xem có gì cần làm nữa không. Nếu có sáng mai tôi sẽ cho lính lên làm tiếp. Có lẽ tôi và đại đội sẽ không ở đây lâu…
Giọng nói của Hoàng buồn bã và nghẹn ngào. Sa Huỳnh ứa nước mắt. Dù biết rằng mỗi người đều có đời riêng để sống nhưng Sa Huỳnh vẫn cảm thấy đau lòng khi phải chia tay với người lính chiến. Chiến tranh thật tàn nhẫn. Hoàng sẽ phải đi xa và có thể không bao giờ trở lại. Không hẹn hai người cùng sóng bước trên bãi cỏ vàng úa. Tiếng gió rì rào. Tiếng chim cu gáy rời rạc. Mỗi người đều im lìm nghĩ ngợi.
– Ông có biết đại đội của ông sẽ đi đâu không?
– Thưa không… Tôi không biết…
– Ông chỉ huy tới một trăm mấy chục người mà sao không biết. Tôi tưởng ông làm lớn lắm mà…
Hoàng bật cười vì ý nghĩ ngây thơ của Sa Huỳnh.
– Tôi chỉ huy có đại đội mà làm lớn gì…
Dường như muốn lãng sang chuyện khác Hoàng hỏi nhỏ.
– Sa Huỳnh bao nhiêu tuổi?
– Ông hỏi để làm gì… Mô phật… Tôi lớn tuổi hơn ông nhiều…
– Sa Huỳnh nói dối phải không?
Ni cô cất tiếng cười vui. Âm thanh tiếng cười bay trong cơn gió của buổi xế chiều.
– Tôi hai mươi hai tuổi…
– Vậy là Sa Huỳnh nhỏ hơn tôi năm tuổi…
– Ông đi khắp nơi chắc quen nhiều người lắm…
Hoàng cười vì câu hỏi của ni cô.
– Tôi không có ai hết. Ở đâu tôi cũng chỉ thấy có Sa Huỳnh… Tôi ăn… Tôi ngủ… Tôi đi… Tôi nằm… Tôi thở với hình bóng của Sa Huỳnh…
Hoàng dừng lại thở hơi dài. Nghe được tiếng thở dài của người lính chiến, Sa Huỳnh rưng rưng buồn. Như không tự chủ được ni cô nắm lấy bàn tay chai cứng rồi để yên bàn tay của mình trong lòng bàn tay của Hoàng. Lát sau ni cô mới nhẹ nhàng rụt tay lại. Hai người đi một vòng quanh chùa. Dừng lại nơi cửa hông Hoàng cười.
– Sa Huỳnh thấy có gì cần sửa chữa nữa không?
– Không… Tôi có nhìn đâu mà thấy… Còn ông?
– Tôi nhìn Sa Huỳnh chứ tôi đâu có nhìn ngôi chùa…
Hai người không hẹn đồng cất tiếng cười.
– Ông vào uống chén nước trà…
– Cám ơn Sa Huỳnh… Tôi phải về…
Đứng nhìn theo bóng người lính mặc bộ quần áo rằn ri Sa Huỳnh cảm thấy tâm hồn bật khóc âm thầm. Ni cô ước gì mình không đi tu, không mượn câu kinh tiếng mỏ để xa trần thế và không nguyện đem ánh sáng nhiệm mầu của Phật để làm cho nhân loại bớt đớn đau sầu khổ. Hiện tại có một người mà ni cô thương yêu đang héo hon sầu úa. Nhưng ni cô làm sao giúp được. Ni cô không thể bỏ con đường đã đi. Hoàng ơi… Xin ông hiểu cho tôi… Tôi yêu ông nhưng tôi không thể chung đường với ông. Tôi và ông. Hai người xa lạ. Gặp nhau. Yêu nhau nhưng không thể sống với nhau trong cõi trần ai tục lụy. Dù vậy tôi vẫn nhớ ông. Nghĩ tới ông. Tưởng tới ông… Bóng tối chụp xuống xóa nhòa hình bóng ni cô đứng yên như pho tượng phật đang lần tràng hạt.
Năm giờ sáng. Bắt tay đại úy Sang, vị tân tiểu đoàn trưởng địa phương quân quen biết trong những ngày ở Sa Huỳnh, Hoàng cười đùa.
– Anh ở lại mạnh giỏi. Khi nào Việt Cộng đánh nữa tôi sẽ gặp anh…
Người tiểu đoàn trưởng địa phương quân cười hà hà.
– Anh nói thế là tôi không ham rồi. Tụi nó trở lại lần nữa là tui banh càng rồi còn đâu gặp lại anh…
Vỗ vai người bạn mới Hoàng leo lên xe. Chiếc GMC từ từ lăn bánh. Trong bóng đêm mờ thẳm ngôi làng Sa Huỳnh xa dần cùng với bóng dáng của người ni cô. Hoàng đốt thuốc vì cảm thấy lạnh. Không phải lạnh bên ngoài mà lạnh ở trong tim. Khói thuốc lá bốc lên làm anh chảy nước mắt. Hai tiếng Sa Huỳnh bật ra trong trí não. Hình bóng ni cô gãy đổ theo sự giằn xóc của chiếc quân xa đang chạy trên con đường lồi lõm nhiều ổ gà. Hoàng nhớ tới lần nắm tay sau cùng. Bàn tay mềm mại, ấm êm của ni cô bắt đầu chai cứng vì phải làm lụng để tự mưu sinh. Hoàng liên tưởng khuôn mặt mừng vui và nụ cười rạng rỡ của Sa Huỳnh khi thấy mảnh đất hoang sau chùa được Hoàng với lính cày xới lên thành giồng, thành luống để ni cô có thể trồng rau, bắp, khoai, cà… Sa Huỳnh xuýt xoa một cách dễ thương khi Hoàng mang đến cho chùa cái lò dầu mà lính của anh đã làm bằng vỏ của trái đạn đại bác 155 ly. Ni cô nghẹn lời không thể nói tiếng cám ơn khi Hoàng cùng với lính khiên gạo, nước tương, dầu lửa và vô số vật dụng linh tinh chất đầy trong nhà bếp. Ni cô  đỏ mặt khi Hoàng đưa cho mấy chục cục pin để nghe radio theo dõi tin tức chiến sự nói về đại úy Hoàng thân yêu.

*****
– Đại úy… Đại úy…
Hoàng quay lại khi nghe người bưu tín viên của tiểu đoàn gọi.
– Đại úy có thư nè đại úy…
Vị đại đội trưởng hơi run tay khi cầm lấy một bao thư dày cộm. Ngắm nghía phong thư anh cau mày vì tên người gởi trên phong thư nhầu nát và cũ kỹ. Hồ Thị Sông Thu… Sông Thu tên nghe thật lạ…Hoàng lẩm bẩm.
– Mình đâu có quen ai tên Sông Thu…
Tuy nhiên nhìn nét chữ anh ngờ ngợ. Nét chữ nắn nót và gãy gọn như của Sa Huỳnh. Nhét phong thư vào túi áo anh hối hả trở về đại đội. Sau khi làm xong các công việc thường ngày anh tới ngồi nơi cái võng căng giữa hai thân cây lớn đầy bóng mát. Điếu thuốc cháy nơi tay anh chậm chạp xé phong thư.

– Ông Hoàng… Chắc ông ngạc nhiên và vui mừng vì tưởng là của cô gái nào gởi thư cho ông phải không. Tôi biết ông đại úy Hoàng đẹp trai của tôi đào hoa lắm. Tuy nhiên tôi không ghen đâu. Chắc ông cười vì những lời của tôi. Chắc ông cười và tự hỏi có cái gì thay đổi nên khiến một kẻ tu hành nói chuyện như một người còn sống trong tục lụy. Tôi biết là ít hay nhiều tôi có thay đổi. Tại ông đó… Tôi bắt đền ông đó… Ông Hoàng… Tại ông… Tình yêu của ông đã rung chuyển tâm hồn bình yên của tôi. Khi ông đi rồi tôi mới khám phá ra một điều khiến cho tôi cười mà lại khóc. Đau đớn mà mừng vui. Cứ mỗi lần chúng ta gặp nhau là tôi cảm thấy gần ông nhiều hơn. Nhớ ông nhiều hơn. Thương ông nhiều hơn. Khổ thân tôi ông Hoàng ơi. Ngày xưa lúc chúng ta mới gặp nhau. Hể ông tiến là tôi lùi lại để cố gắng giữ một khoảng cách. Còn bây giờ có lẽ tôi không muốn hoặc không thể lùi nữa. Ông tiến và tôi đứng yên một chỗ để chờ. Để đợi ông. Rồi một lúc nào đó chúng ta sẽ gần nhau, thật gần để tôi có thể nhìn ông và nói. Tôi yêu ông… Tuy nhiên tôi xin ông một điều. Tôi không thể sống với ông như một kẻ bình thường. Tôi là kẻ tu hành. Do đó chúng ta sẽ yêu nhau trong tâm tưởng…
Đêm qua tôi bỏ giờ tọa thiền thường lệ để nằm yên trong bóng tối nghĩ tới ông. Không biết giờ này ông đang làm gì. Vui chơi với bạn bè hay đang chỉ huy lính đánh giặc. Ông có nhớ tôi không ông Hoàng. Ông có nghĩ về tôi không. Ông có như tôi ngồi nhìn vào mặt đồng hồ Seiko để tưởng tượng ra khuôn mặt. Nụ cười. Giọng nói. Ánh mắt của một người đã đi xa ngàn cây số. Ở một nơi mà tôi không bao giờ tới được. Ông đang ở đâu ông Hoàng. Nếu có viết thư cho tôi ông nên tả cho tôi biết nơi ông ở để tôi có thể hình dung ra bóng dáng ông lẻ loi và buồn bã. Tôi ước có một ngày nào đó không xa tôi đến thăm ông thật bất ngờ. Ông có phiền giận không khi tôi gọi tên ông hoài. Tôi gọi tên ông trong nỗi nhớ vô thường khi lần giở kinh Pháp Hoa. Tôi nói chuyện với ông trong lúc tôi đang lau chùi tượng Phật Di Đà khiến sư cụ cười bảo tôi lẩm cẩm. Tôi tưởng nhớ ông khi lần giở từng trang kinh Địa Tạng. Cũng vì ông mà tôi lần hồi quên mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh. Tôi quên mất chân tâm tự tướng của mình…

Hoàng ngưng đọc. Anh rưng rưng nước mắt xót thương cho Sa Huỳnh đang sầu khổ vì thương yêu mình. Tội nghiệp cho một xác thân đang vất vả vì cuộc dằn vật của nội tâm. Nhiều khi anh cũng cố gắng quên đi một tình yêu nghiệt ngã, đòi đoạn. Tuy nhiên anh biết mình bất lực. Tình yêu sừng sững như dãy núi trường sơn ngoài kia. Tình yêu mong manh mà mầu nhiệm, bất biến bất hoại. Anh phải làm gì khi chỉ là một người bình thường biết yêu thương sầu khổ, biết khóc biết cười, biết run rẩy và hồi hộp.
Đốt điếu thuốc hít một hơi thật dài rồi nhả khói ra từ từ Hoàng im lặng đọc tiếp lá thư của Sa Huỳnh.

– Ông Hoàng ơi… Tên Hồ Thị Sông Thu là của ba má tôi đặt còn tên Sa Huỳnh là của ông đặt cho tôi. Ông muốn gọi tên nào cũng được. Tùy ông. Tâm hồn của người ni cô của ngôi chùa Sa Huỳnh giờ đang bị xẻ làm đôi. Nửa tục nửa tu. Ông nghe rõ chưa ông Hoàng. Chắc ông mừng lắm phải không ông đại đội trưởng…
Hoàng ấp lá thư vào ngực. Hai mắt lim dim anh mỉm cười cảm thấy ấm áp vô cùng. Anh cảm thấy bàn tay vô hình của Sa Huỳnh đang mân mê vết sẹo nơi ngực, làm lành đi vết thương tình yêu đang chảy máu của một kẻ si tình.
– Ông Hoàng… Hôm qua tôi và sư cụ vừa ăn cơm vừa chuyện trò. Có lẽ vui miệng nên người mới kể cho tôi nghe những mẫu đối thoại giữa ông và sư cụ. Đây là một câu mà tôi còn nhớ. ” Một lần bắt gặp ông đang cầm cuốn kinh, dường như là kinh Pháp Hoa, sư cụ mới hỏi.
– Thí chủ đang đọc kinh Pháp Hoa?
Nhìn sư cụ, ông cười trả lời.
– Không… Tôi chưa hề đọc kinh Pháp Hoa…
Nhìn cuốn kinh ông đang cầm trong tay sư cụ hỏi.
– Thế cái gì thí chủ đang cầm trong tay?
Đưa cuốn kinh Pháp Hoa lên ông cười hỏi.
– Sư cụ gọi cái này là kinh Pháp Hoa à?
Kể xong câu chuyện sư cụ nghiêm nghị nói với tôi.
– Hoàng…
Sư cụ gọi ông như thế.
– Hoàng có cái chân tâm… Nếu tu Hoàng mau ngộ lắm…
Tôi cười nghĩ thầm trong trí.
– Ổng mà tu gì… Yêu người tu thời có…
Hoàng ngừng đọc để đốt điếu thuốc. Anh cảm thấy vui vui vì những lời nói dí dỏm của Sa Huỳnh. Một kẻ tu hành như ni cô mà viết ra những lời như thế kể ra cũng lạ lùng và mới mẻ. Anh nhớ tới chuyện các thiền sư Phật giáo bên Nhật cũng lấy vợ và có con cái như người thường. Anh ước gì Sa Huỳnh cũng bắt chước chuyện đó. Hớp ngụm cà phê đen, hít hơi thuốc xong từ từ nhả khói ra anh đọc tiếp lá thư thật dài.
– Hôm qua xách nước tưới rau nơi mảnh vườn mà ông và mấy ông lính đã cày xới thành giồng tôi nhớ ông vô cùng. Ước gì có ông xách nước để tôi tưới rau. Hàng bắp tôi trồng đã trổ cờ. Hái đọt lang mà tôi rơi nước mắt vì nhớ tới những bữa cơm chay đạm bạc. Mân mê những trái dưa leo mà tôi buồn vì không có ông xẻ dưa làm mắm. Đêm giật mình thức giấc lắng nghe tiếng gió xạc xào bên hông chùa tôi mường tượng tiếng giày trận dẫm lên trên cỏ khô như đến nơi hò hẹn. Hai chữ này khiến cho tôi giật mình thảng thốt. Chúng ta quen nhau đã lâu mà chưa một lần hò hẹn. Không một lời ước nguyện mai sau. Đời sống cách ngăn. chia cắt. Chúng ta mỗi người đi trên một con đường song song với nhau. Hồi còn đi học tôi nhớ ông giáo sư toán có nói hai đường thẳng song song sẽ gặp nhau ở vô cực. Ông Hoàng… Ở đâu là vô cực? Thiên đàng hay là cõi niết bàn tịch diệt. Tôi nhớ ông cười bảo tôi là hai nơi đó quạnh hiu và buồn bã lắm vì không có tôi cười với ông. Tôi nói với ông. Không có tiếng khóc, tiếng cười. Tiếng than và tiếng reo. Ông kể cho tôi nghe mẫu chuyện về tổ sư Vô Ngôn Thông. Khi tổ sắp chết thời học trò mới bạch rằng.
– Thấy suốt đời tu hành nên sau khi chết chắc sẽ về cõi niết bàn cực lạc.
Tổ mới nói với học trò.
– Niết bàn cực lạc là đâu. Là tại chốn này…
Khi ông đi rồi tôi có đem mẫu chuyện này ra hỏi sư cụ thời người hỏi tôi.
– Con nghĩ niết bàn cực lạc ở đâu?
– Bạch thầy con không biết niết bàn ở đâu…
Sư cụ nhìn tôi giây lát rồi nói một câu.
– Khi chưa tu ta thấy sông là sông, núi là núi. Khi đang tu ta thấy sông không phải là sông, núi không phải là núi. Khi ngộ rồi ta thấy sông là sông, núi là núi… Con hãy ngẫm lời ta nói…
Hoàng gấp lá thư còn một trang chưa đọc bỏ vào phong bì. Anh muốn để dành cho ngày mai hay mốt hoặc khi nào không có việc gì làm.
– Đại úy… Đại úy… Tiểu đoàn phó gọi đại úy…
Hoàng đứng dậy khi thấy Đăng giơ lên cao cái ống liên hợp. Không biết bên đầu kia nói gì chỉ thấy Hoàng nói nhỏ.
– Cám ơn tiểu đoàn phó…Tôi sẽ cho người lên ngay…
Đưa ống liên hợp cho Đăng Hoàng quay qua nói với Minh.
– Tiểu đoàn săn được một con nai và một con heo rừng lớn lắm nên xẻ thịt chia cho bốn đại đội. Ông với lính đi lãnh phần của mình về chia cho bốn trung đội…
Lính hò reo khi nghe có được phần thịt tươi. Họ rủ nhau đi kiếm gia vị và rau cải về làm bữa ăn thịnh soạn. Bốn giờ chiều. Hai mươi mấy người vừa lính, hạ sĩ quan và sĩ quan ngồi quây quần bên bữa tiệc thịt rừng. Một thùng đại liên rượu đế được mở ra. Rượu bốc mùi hăng hăng khiến cho Chinh nhăn mặt.
– Mẹ… Mấy thằng bán rượu ham làm giàu đổ cả tấn an-côn vô uống nhức đầu thấy bà…
Hoàng cười.
– Thì ông uống bia đi…
Đi cái trót cạn chung rượu đế Chinh cười chúm chiếm.
– Uống bia thời đâu có sỉn. Người ta say mà mình tỉnh nghe nó kỳ kỳ làm sao…
Thượng sĩ Minh nói với Hoàng.
– Dô đi ông thầy… Có tôm khô với củ kiệu nữa…
Hoàng gật gù.
– Cái món tôm khô củ kiệu này nhậu bắt lắm. Ủa mà của ai vậy?
Đăng lên tiếng.
– Của tôi đó ông thầy… Má tôi bả gởi ra…
Đón chung rượu đế Hoàng ực một hơi xong khà tiếng lớn.
– Chà… Rượu này bốc lửa à nghen…
Chỉ cần hai vòng là mặt mày của mọi người đỏ lên cùng với ăn bạo, nhậu mạnh và cười đùa lớn hơn và văng tục cũng nhiều hơn. Chỉ có Hoàng là không có văng tục hay chửi thề. Lính mà không chửi thề hay văng tục thời không phải là lính. Ông thượng sĩ Minh thường nói đùa với Hoàng như vậy. Vị đại đội trưởng chỉ cười không nói gì thêm. Dù đi lính bảy năm Hoàng vẫn còn nhiều cái chất thư sinh. Tính tình vui vẻ nhưng trầm lặng anh không thích la cà ở vũ trường, phòng trà hoặc bia ôm như nhiều người khác. Họa hoằn lắm vì lời mời của những vị sĩ quan khác anh mới tháp tùng với họ đi nhậu vài ly bia.
– Dô đi ông thầy… Hết chung đế này là mình bắt qua thằng vĩnh tòn ten…
Ực cạn chung rượu đế Hoàng gấp miếng thịt nai nướng bỏ vào miệng.
– Món này là món gì dậy?
Quốc cười hà hà.
– Nai nướng đá đó đại úy…
Nhai nhai miếng thịt nai Hoàng gật gù.
– Ngon… Tôi chưa bao giờ ăn nai nướng đá…
Mọi người cười ồ. Minh lên tiếng với giọng nửa đùa nửa thật.
– Ở Sài Gòn người ta gọi là nai nướng vỉ. Ở đây mình không có vỉ nên tụi này dùng đá cục bởi vậy mới có tên nai nướng đá…
Chuẩn úy Hân, trung đội trưởng trung đội 1 cười sặc sụa khi nghe ông thường vụ đại đội giải thích. Quốc, chỉ huy trung đội 2 hỏi.
– Mình có mấy món tất cả?
– Ba… Món thứ nhất là nai nướng đá. Thứ nhì là nai núc nắc và cuối cùng là nai ở truồng…
Mọi người cười bò vì câu trả lời của trung sĩ nhất Phan, trung đội phó trung đội 3. Chinh nói trong tiếng cười.
– Tại sao gọi là nai ở truồng?
– Nai núc nắc một hồi thời quần áo tuột hết thành ra nai ở truồng…
Ngồi ở cuối bữa tiệc Đăng cười phun cả miếng thịt đang nhai. Còn Hoàng dù tính ít nói cũng phải bật cười.
– Ủa còn thịt heo rừng đâu?
Hoàng hỏi. Thượng sĩ Minh cười hà hà.
– Chưa ăn được ông thầy ơi… Con heo rừng thịt dai còn hơn cao su của đồn điền Michelin nên tôi cho tụi nhỏ hầm tới ngày mai mới nhai được…
Hết thùng rượu đế là mọi người bắt đầu sần sần, ăn uống, cười nói bạo hơn. Sáu giờ chiều tiệc tan vì rượu hết và thức ăn cũng không còn miếng nào.
Không gian im lìm. Hoàng lững thững bước dọc theo con đường mòn từ chỗ đại đội đóng quân về bộ chỉ huy tiểu đoàn. Những ngọn đồi trọc lơ thơ vài thân cây. Xa thật xa con đường số 1 uốn lượn. Mấy mái nhà xám mốc. Nhìn thời gần nhưng muốn đi tới xóm nhà dân ở cũng phải mất gần một giờ lội bộ. Đốt điếu thuốc bastos xanh Hoàng ngước nhìn về hướng nam. Trong bóng tối chập choạng và giữa bầu trời mênh mông xa thẳm ở đâu là Sa Huỳnh? Ở đâu là hình bóng người ni cô? Người đang làm gì. Tụng kinh? Lần tràng hạt? Tọa thiền hay nhớ nhung. Người lính chiến si tình cười một mình.
Đợi cho người dân làng đưa thư đi khuất xuống đồi Sa Huỳnh mới ngắm nghía phong thư nhầu nát của Hoàng. Tựa lưng vào thân cây ni cô nhẹ xé phong thư. Cử chỉ của ni cô thận trọng như nâng niu và âu yếm một vật trân quý. Sa Huỳnh đã chờ đợi, mỏi mòn trông ngóng thư của Hoàng hơn hai tháng nay.
– Quảng Ngải… Tháng 10 năm 1974…
Sa Huỳnh ơi… Sa Huỳnh… Tôi gọi hoài tên người mà không nghe có tiếng trả lời…
Ngưng đọc Sa Huỳnh mỉm cười nói thầm trong trí của mình ” Tôi trả lời mà tại ông không nghe… Ông ráng chịu đi…”.
– Tôi gọi tên ” em “…
Sa Huỳnh nghe hai má của mình nóng bừng  cảm giác thẹn thùng lẫn sung sướng. Lần đầu tiên ni cô mới được một thanh niên gọi mình bằng danh xưng thật êm ái và dịu dàng; thật tình tứ và lãng mạn.
– Tôi xin phép Sa Huỳnh được gọi bằng hai tiếng thương yêu này. Em chịu không?
– Chịu…
Trong sát na của vô thức Sa Huỳnh đã buột miệng thốt ra tiếng này. Khi nói xong rồi ni cô mới biết bèn đưa tay lên bụm miệng của mình lại. Liếc nhìn thấy chung quanh vắng lặng ni cô cúi đầu vào trang thư của người lính chiến si tình.
– Dù em có buồn, có giận hoặc em không chịu; tôi cũng gọi vì đó là tiếng gọi phát ra từ chân tâm tự tánh của tôi, một người trần tục đang yêu thương và sầu khổ bởi tình yêu của mình. Sa Huỳnh ơi… Tôi nghĩ tới em giữa ban ngày ngồi bó gối trong hầm núp. Chiến trận mỗi ngày một thêm lan rộng cũng như cường độ càng thêm ác liệt. Kẻ địch nhiều hơn, súng ống tối tân hơn và điên cuồng hơn. Pháo của chúng rớt vào chỗ đóng quân nhiều hơn. Trong lúc đó tôi và các anh em đang phải chiến đấu trong cực cùng thiếu thốn. Đạn dược bị cắt giảm, lương thực bị hạn chế, người bị thương hay chết nằm chờ cả ngày cũng không thấy máy bay tản thương. Tôi và anh em đang đánh nhau trong nỗi cô đơn, cảm thấy mình đang bị bỏ rơi. Nhân số đông gấp ba lần, súng đạn nhiều gấp trăm lần, vũ khí tối tân gấp mười lần; kẻ địch giống như đàn ong có nọc độc châm chích tôi và lính tới lúc kiệt sức. Sa Huỳnh ơi tôi sợ sẽ không có dịp may để gặp lại em, được nhìn vào mắt em và nói Anh Yêu Em…
Sa Huỳnh bật lên tiếng khóc âm thầm. Nỗi lo âu cho tính mạng, nỗi sợ hãi không nhìn thấy lại Hoàng khiến cho ni cô cảm thấy hai chân mình run rẩy như muốn khụy xuống.
– Hoàng ơi… Hoàng không thể chết… Tôi yêu Hoàng…
Sa Huỳnh kêu lên trong vô thức. Nước mắt ứa ra thành dòng nhỏ lên trang thư tình, người ni cô run tay lật qua trang khác.
– Đêm qua Việt Cộng lại tấn công vào vị trí của đại đội nhưng bị tôi và lính đẩy lui. Tuy nhiên người chết nhiều lắm. Lính bên mình cũng chết mà bên kia còn chết nhiều hơn. Xác nằm la liệt trên tảng đá, thân cây, miệng hầm. Xác cụt đầu, mất tay, đứt phân nửa người, mắt mở trừng trừng như ngạc nhiên. Tôi cũng bị thương nhưng nhẹ hơn một số lính trong đại đội. Sa Huỳnh chắc còn nhớ ông thượng sĩ già dẫn lính lên chùa làm cỏ không? Ổng chết rồi. Chết đêm hôm qua. Hầm núp của ổng bị nguyên một trái hỏa tiễn 122. Tội nghiệp ổng chưa kịp thấy mặt đứa con gái út và cũng là đứa con gái duy nhất trong gia đình có năm đứa con trai. Còn nhiều người quen chết lắm. Sự mất mát thật đau lòng và thê thảm. Đại đội của tôi trong vòng một tháng chỉ còn có tám mươi người. Người chết thời yên phận chỉ riêng người còn lại phải sống trong lo âu và phập phòng chờ tới phiên mình…
Sa Huỳnh gấp lá thư dài mấy trang của Hoàng lại. Nàng không thể đọc tiếp vì nước mắt ứa ra càng lúc càng nhiều. Đưa tay áo lau nước mắt nàng thì thầm trong tiếng nức nở.
– Hoàng ơi… Hoàng ơi… Ráng mà sống nghen Hoàng… Sa Huỳnh sẽ cầu nguyện đức Phật tổ phù hộ cho Hoàng và lính của Hoàng, cho tất cả mọi người… Hoàng đừng chết nghen Hoàng… Sa Huỳnh yêu Hoàng… Em yêu anh…
Sa Huỳnh giật mình thảng thốt khi nói ra ba tiếng đó. Ni cô biết mình đã nói thật với lòng mình. Tình yêu bấy lâu nay bị kềm hãm đã nổ bùng ra, bứt phá mọi giới hạn, ngăn giữ để tự do tuôn chảy như dòng sông. Gấp mấy trang thư vào phong bì đoạn bỏ vào túi áo của mình ni cô bước ra giếng nước. Màu nước trong phản chiếu khuôn mặt nhiều lo buồn và ưu tư. Sa Huỳnh đã hầu như đánh mất cái thanh tịnh của một kẻ tu hành. Nàng bị tình yêu của người lính chiến quấy rầy, lôi cuốn, đẩy đưa ra khỏi mái chùa, tiếng mỏ và câu kinh. Soi mặt xuống giếng nước trong nàng tự hỏi yêu có phải là một cái tội không? Một kẻ tu hành như mình có nên yêu không? Mình có nên yêu Hoàng không? Yêu Hoàng mình phải làm sao? Yêu Hoàng mình phải làm gì? Nhìn xuống lòng giếng âm u nàng thấy một đôi mắt đỏ au và buồn bã. Một khuôn mặt âu sầu, dã dượi. Nụ cười gượng gạo.



No comments: