16
Sáng 15. Trời nhiều mây trắng. Gió gai gai lạnh. Hoàng với Há và
Bảnh cộng thêm Trường đứng dưới hầm núp lộ thiên im lặng uống cạn những giọt cà
phê cuối cùng.
– Tụi nó có thể đánh mình tối nay. Nếu không thời ngày mai…
Nhìn Trường và Bảnh, Hoàng nghiêm giọng.
– Hai ông nên nhớ là phải dẫn lính rút ngược về hướng tây…
Trường gật đầu làm thinh. Dù không muốn nhưng đại đội phải chạy.
Không chạy là pháo dập nát thây. Đại liên bắn tan xác hay chết ngộp vì bị T54
đè. Chỉ mới ba ngày mà đại đội mẻ nhiều. Bảy chục giờ còn khoảng bốn mươi chưa
kể trong số này có người bị thương. Tinh thần suy xụp, đạn chỉ có năm bảy chục
viên, không LAW, không TOW thời làm sao cản được cả
ngàn chiếc T54 và PT76. Ai ở trong hoàn cảnh này cũng phải chạy bởi vì đánh là
chết. Ở lại là bị bắt.
Bum… Bum… Bum… Trường và Bảnh nhào về hố của mình khi nghe tiếng
départ của pháo địch. Hàng trăm ngàn quả đại bác đủ loại trút xuống làng Bà
Râu, dập xuống vị trí đóng quân của Hoàng. Tội nghiệp cho người lính. Họ trở
thành một thân xác tê cứng vì kinh hoàng và sợ hãi tới độ chỉ còn biết bịt tai
chặt để khỏi nghe thứ âm thanh khủng khiếp.
– Má ơi… Con chết má ơi…
– Bố ơi… Cứu con bố ơi…
– Chúa ơi…
– Phật ơi…
– Trời ơi… Chết tôi…
Những tiếng la tuyệt vọng. Tiếng gào. Tiếng hét đau đớn của người
bị thương. Tất cả đều vỡ nát. Vỡ vụn. Vỡ tan tành trong chuỗi âm thanh giết người
hung hãn và cuồng nộ. Tiếng pháo chưa dứt đèn pha sáng quắc quét từng đường dài
cùng với đại liên gầm rống.
– Đéo mẹ…
Bảnh chỉ nói có hai tiếng rồi im bặt. Máy xe tăng rú từng hồi.
Tiếng xích sắt khua rổn rảng. Hoàng nằm im. Lính cũng nằm im. Ló đầu lên là
lãnh đạn, là đạn đại liên bắn vỡ sọ, bắn bể nắp nhạo. Trận địa mù mịt khói súng
cộng thêm ban đêm khiến cho người ta chỉ thấy mờ mờ. Nằm dưới hố nghe đất rung
rinh cùng với xích sắt khua thật gần Hoàng im lìm chờ đợi. Anh chờ tới giây
phút quyết định. Chờ cho tăng của địch tới gần mới nhào lên. Với khoảng cách gần
súng trên xe tăng không bắn được. Lúc đó anh sẽ đánh cận chiến với bộ đội theo
sau thiết giáp để tìm đường chạy trốn. Bóp chặt ống liên hợp trong tay Hoàng đếm
thầm từ một tới mười.
– Xung phong…
Hét thật lớn trong ống liên hợp để ra lệnh cho bốn trung đội
xong Hoàng nhảy lên khỏi miệng hầm. Súng gắn lưỡi lê. Súng để tự động. Mấy chục
người lính biệt động chạy vượt qua xe tăng rồi nhào vào đám bộ đội. Lựu đạn nổ ầm
ầm. M60 khạc ra lửa. M16 nổ đùng đùng. Đụng phải đám lính liều mạng muốn mở đường
máu để thoát thân bộ đội Bắc Việt dạt về hướng khác. Dường như chúng không muốn
đánh nhau với những người lính đang nổi cơn điên.
11 giờ đêm. Hoàng ra lịnh dừng lại vì không một ai có thể lê bước
được nữa.
– Ông Bảnh đâu rồi?
Không có tiếng trả lời. Giọng nói của Hoàng nghèn nghẹn.
– Có ai thấy ổng không?
Ngần ngừ giây lát Há mới lên tiếng trả lời.
– Tôi thấy ổng chạy sau lưng của tôi một hồi quay lại thời ổng mất
tiêu… Chắc ổng bị lạc rồi…
Suy nghĩ giây lát Hoàng bảo lính kiếm chỗ ngủ. Quá mệt mỏi nên mọi
người lăn ra ngủ không cần canh gác gì hết.
Mặt trời lên cao mọi người mới lục tục thức dậy. Kiểm điểm quân số
Hoàng mới biết đại đội chỉ còn có hai mươi mốt người trong số đó có hai sĩ quan
là Trường đại đội phó với Hưng, trung đội trưởng trung đội 4. Ăn gạo sấy nấu với
nước lạnh xong Hoàng nói với Trường và Hưng.
– Chúng ta chia ra làm ba toán, mỗi toán bảy người trở lại tìm
kiếm những người bị thương hay thất lạc…
Nhìn đồng hồ Hoàng nói tiếp.
– Tìm được anh em hay không tìm được hai ông cũng phải trở lại
trước bốn giờ chiều… Nhớ tránh đụng với tụi nó…
Trường và Hưng gật đầu. Cho vàng họ cũng không bắn dù bộ đội có
đứng đái trước mặt. Đạn đâu mà bắn. Hai mươi mốt người mà có mười khẩu M16 với
một khẩu M60 và một dây đạn. Nhìn thấy Trường cầm khẩu M16 không có băng đạn
Hoàng cười như mếu.
– Tôi có hai băng đây… Tôi chia cho ông một băng để phòng thân…
Cầm lấy băng đạn Trường thở dài.
– Cám ơn đại úy…
Hoàng cùng sáu người lính thất thểu trở lại đường cũ với hy vọng
mong manh là tìm kiếm được vài đồng đội bị thất lạc hay bị thương. Tuy nhiên rừng
núi bạt ngàn hơn nữa họ không dám đi quá xa thành ra không thấy ai. Ngay cả dấu
vết cũng không có. Nhìn đồng hồ thấy gần hai giờ chiều Hoàng ra lịnh trở lại chỗ
hẹn.
– Mình có gì ăn chiều nay đại úy?
Tín hỏi cấp chỉ huy của mình. Hoàng cười gượng.
– Có gì ăn nấy nhưng tao đoán chắc là gạo sấy với nước lạnh…
Tín nhăn mặt.
– Cái đó khó nuốt lắm đại úy ơi… Hay là ông thầy để tôi dẫn hai
thằng em đi tìm thú rừng…
Hoàng gật đầu không do dự.
– Ừ… Em cẩn thận… Anh không muốn mất thêm mạng nào nữa…
– Ông thầy đừng lo…
Nhìn theo bóng của Tín và thằng em biến mất trong rừng cây Hoàng
quay sang Há, thằng em mang máy.
– Mình liên lạc với tiểu đoàn được không?
Há cười như mếu.
– Máy hư rồi đại úy ơi…
Nó đưa cái máy 25 ra. Hoàng trợn mắt khi thấy vết đạn tròn vo rồi
sau đó bật thành tiếng kêu.
– Mẹ… Không mang cái máy sau lưng là mày ngủm rồi…
Há cười hắc hắc hôn vào cái máy truyền tin.
– Bởi vậy tôi vẫn mang nó dù biết nó hư rồi. Tôi muốn để dành
làm kỷ niệm…
Bính, xạ thủ đại liên cười đùa.
– Mày với ông thầy coi bộ có ông bà độ mạng. Ông thầy súng bắn
vào ngực không chết còn mày thời súng bắn vào sau lưng lại sống nhăn răng…
Năng, tiểu đội phó tiểu đội 2 trung đội 1 xen vào.
– Mai mốt về Sài Gòn mình phải ăn mừng nghe ông thầy…
Hoàng gật đầu.
– Ừ… Chuyến này mà về tới phố là anh bao tụi bây một chầu nhậu
linh đình… Ráng sống mà về…
Bốn người lính vừa đi vừa nói chuyện trong lúc Hoàng im lặng suy
nghĩ. Dù lo âu nhưng anh không muốn nói ra cho lính biết sợ họ nản lòng. Không
có máy truyền tin liên lạc với tiểu đoàn hoặc liên đoàn hay các đơn vị bạn để
nhờ họ cho trực thăng đón, anh và lính chỉ có nước lội bộ. Mà lội về đâu. Phan
Rang. Cà Ná. Phan Rí. Phan Thiết. Giờ chắc đã bị địch chiếm rồi. Mò về đó lạng
quạng thế nào cũng bị tóm cổ. Tuy nhiên băng rừng về Bà Rịa hay Vũng Tàu thời
anh với lính không có sức để lội một quãng đường rừng hai trăm cây số. Hoàng nhớ
lại lần rút lui của mình ở Quảng Ngải. Lần đó anh chạy về hướng nam mới trốn
thoát được. Tuy nhiên lần này anh phải chạy ngược lại tức là chạy về hướng bắc.
Đi về hướng bắc nếu có đụng chỉ đụng với bộ đội không chiến đấu do đó anh có hy
vọng trốn thoát nhiều hơn. Địa điểm gần nhất mà anh muốn tới là Ba Ngòi hay Cam
Lâm hoặc Vườn Dừa. Từ các nơi đó anh mới có thể tìm ra ghe để về Sài Gòn.
Lính mừng rỡ khi thấy Tín vác con nai trên lưng. Riêng Hoàng bắt
tay Bảnh thật chặt. Hơn ai hết anh vui mừng gặp lại ông thượng sĩ thường vụ của
đại đội. Anh cần một người lính tháo vát và nhiều kinh nghiệm như Bảnh trong
lúc này. Ông thượng sĩ kể cho Hoàng, Trường và Hưng nghe chuyện mình đi lạc rồi
may mắn gặp Tín trong lúc săn nai. Mỗi người lãnh phần ăn với gạo xấy và thịt
nai nướng chấm với muối ớt. Ăn xong Hoàng bàn với Trường, Hưng và Bảnh.
– Mình không thể về Phan Rang, Phan Rí hay Phan Thiết được…
Trường gật đầu.
– Đại úy nói đúng. Giờ này mà mò về mấy chỗ đó là bị tụi nó tóm
cổ liền…
Hít hơi thuốc Bastos Hoàng nói tiếp.
– Mình cũng không thể băng rừng để về Vũng Tàu hoặc Bà Rịa vì xa
quá. Từ đây về đó xa gần hai trăm cây số…
Bảnh lên tiếng.
– Mình lội không nổi đâu ông thầy. Vả lại khi mình lội tới Vũng
Tàu hay Bà Rịa là mấy thằng bộ đội nó cũng có mặt rồi…
– Vậy mình đi đâu đại úy?
Hưng hỏi nhanh.
– Tôi tính dùng đường biển về Sài Gòn. Muốn có ghe ta phải ra bờ
biển…
Bảnh nhìn vị đại đội trưởng của mình giây lát đoạn hỏi nhỏ.
– Ông thầy biết mình đang ở đâu không?
Hoàng giở ba lô lấy ra tấm bản đồi rồi trải lên mặt đất.
– Đêm hôm qua mình đang ở Bà Râu. Nếu mình chạy ngược về hướng
tây thời tôi đoán mình đang ở trong vùng Núi Đá Mài…
Trường gật đầu làm thinh ngẫm nghĩ hồi lâu mới cất giọng khàn
khàn.
– Tụi nó tràn về Phan Rang cho nên sẽ bỏ trống các vùng lân cận
như Du Long, Bà Râu và Bà Tháp. Vả lại nếu chúng chiếm đóng thời cũng chỉ là
đám lính hậu cần đi theo để tiếp thu. Có đụng mình cũng không ngại lắm…
Đang ngồi dựa lưng vào gốc cây ăn cơm, nghe cấp chỉ huy của mình
bàn luận Tín chợt lên tiếng.
– Đại úy… Thằng Tửng ở tiểu đội của tôi quê ở Rừng Phong. Nó
rành vùng này lắm… Đại úy hỏi nó may ra…
Nghe Tín nói Hoàng mừng như bắt được vàng.
– Nó đâu rồi?
– Nó ngồi đàng kia… Để tôi kêu nó… Ê Tửng… Đại úy muốn gặp mày…
Tửng là binh nhì, còn trẻ chừng mười tám, mười chín tuổi. Nó
đăng vào biệt động chỉ vì lý do là khoái mặc bộ đồ rằn ri và đội bê rê nâu.
– Dạ… Đại úy gọi em…
Tửng rụt rè lên tiếng. Hoàng cười nhẹ.
– Ừ… Anh nhờ em chỉ đường ra biển. Muốn về Sài Gòn mình phải
dùng ghe chứ lội bộ không thấu…
Tửng nhăn răng cười.
– Mình kiếm đường về Sài Gòn để oánh nữa phải không đại úy. Mẹ…
Thua trận này em ức lắm… Phải oánh cho chết mẹ mấy thằng bộ đội…
Hoàng vỗ vai người lính trẻ.
– Ừ… Mình phải về Sài Gòn để oánh nữa. Em chỉ cho anh đường nào
ra biển để mình kiếm ghe…
Tửng cười hì hì khi nhìn thấy tấm bản đồ.
– Đại úy coi bản đồ làm chi cho mệt… Nhìn mấy con số, hình vẽ đó
nhức đầu lắm. Em dẫn đại úy đi đường tắt ra Vĩnh Hy… Ở chỗ đó có xóm chài lưới…
Hoàng muốn ôm lấy Tửng để cám ơn nhưng anh dằn lòng rút gói thuốc
ra mời người lính binh nhì. Giờ này nó là cứu tinh, là anh hùng của đại đội.
– Mình ngáo đêm nay cho khỏe đi đại úy rồi sáng mai mình đi cái
vù là tới Vĩnh Hy liền…
Tin tưởng vào lời nói của Tửng, Hoàng bảo Bảnh cho lính bố trí
phòng thủ ban đêm và chia phiên canh gác. Sáng mai hai mươi mấy người còn lại của
đại đội sẽ tìm đường ra biển.
Trời chập choạng tối. Chim về tổ kêu quang quác. Tiếng côn trùng
rỉ rả. Gió rung cây rừng làm thành âm thanh ào ào liên miên hoài hủy. Sương mù
giăng giăng. Khí núi lạnh tanh. Cuộn mình trong chiếc poncho Hoàng bỗng thấy nhớ
Sa Huỳnh lạ lùng. Nhớ quay quắt. Đòi đoạn. Nhớ điên cả người. Mấy hôm nay lo vật
lộn với sự sống chết nên anh không có thời giờ nghỉ ngợi và nhớ Sa Huỳnh. Bây
giờ đêm hoang vu và lạnh vắng anh để mặc cho tâm tư mình trôi về Vũng Tàu.
Thành phố đẹp và thơ mộng. Bãi cát vàng ươm chạy dài. Nước biển xanh một màu
xanh. Dân cư hiền hòa và dễ thương. Nhưng dễ thương nhất là hình ảnh của một ni
cô.
– Sa Huỳnh ơi…
Trong giờ phút buồn nản, cô đơn và hầu như còn rất ít hy vọng
Hoàng luôn gọi tên ni cô như cầu xin một chở che, phù hộ và giúp đỡ. Nằm co ro
vì lạnh Hoàng hồi tưởng lại lần đầu tiên mình đặt chân lên ngôi chùa nhỏ. Tất cả
mọi điều xảy ra sau này bắt đầu từ hành động đó. Nếu không gặp Sa Huỳnh ngày
hôm đó có lẽ anh không nằm đây. Tất cả chỉ là sự tình cờ, sự đẩy đưa không báo
trước, chữ duyên hay là định mệnh? Không có câu trả lời thỏa đáng.
Sáu giờ sáng. Sương mù dày đặc. Khí rừng bốc ra lạnh căm. Lính
thức dậy ăn uống thật no xong Hoàng ra lệnh lên đường. Hai mươi hai người chia
làm hai toán đi cách nhau không xa lắm vì sợ bị lạc. Càng gần tới Bà Râu họ
càng thêm thân trọng và đi chậm lại. Dấu chiến trận còn đầy với vết xe tăng, hầm
hố của đại bác và xác người chết. Có xác cụt đầu. Có xác mất tay. Có xác đứt nửa
người. Có xác chết nằm ngửa, nằm xấp, dựa vào gốc cây. Mùi máu bốc lên thum thủm.
Há bịt mũi.
– Thúi quá…
Tửng làm khinh binh đi đầu vì thuộc đường. Nó dẫn đại đội đi
theo đường mòn, xuyên qua hẻm núi, lội qua hai con rạch lớn, luồn qua rừng cây
rậm rạp và lắm lúc chui qua các hang đá. Khoảng hơn một giờ đại đội dừng lại
khi gặp đường rầy xe lửa. Sau khi vượt qua đường rầy xe lửa, đi một đoạn họ lại
thấy quốc lộ 1. Con đường vắng tanh. Mấy chiếc quân xa bị cháy xám đen. Thây
người chết nằm rải rác. Hầm hố vỡ tung. Vỏ đạn vương vải khắp nơi.
– Sao không thấy thằng bộ đội nào hết trơn vậy tía?
Há thì thầm hỏi Bảnh.
– Chắc tụi nó kéo về Phan Rang ăn mừng chiến thắng rồi…
Khoảng bốn giờ chiều Tửng dừng lại bên cạnh bờ sông nhỏ đầy nước.
Đứng trên bờ nó nói với Hoàng.
– Đại úy… Đây là sông Bóng Nho… Mình còn cách Vĩnh Huy chừng
ngày đường…
Chỉ tay vào ngọn núi không cao lắm ở trước mặt chừng cây số nó
nói tiếp.
– Đó là núi Chùa. Sau khi qua khỏi núi Chùa mình theo con đường
mòn tới núi Bà Đương rồi lội qua sông Nước Ngọt mới tới Vĩnh Hy…
Vì đã xem bản đồ trước cho Hoàng biết Tửng đi đúng đường. Anh ra
lệnh cho lính dừng lại nghỉ đêm. Mỗi người được lãnh bữa cơm là một phần tư bịch
gạo sấy và một miếng thịt nai nướng lớn bằng hai ngón tay. Ăn xong Bảnh khui
gói Bastos quân tiếp vụ chia cho lính. Há nói nhỏ vào tai người đại đội trưởng
của mình.
– Ông thầy để dành điếu Bastos đi. Em có cái này sang hơn…
Nó lục trong ba lô lấy ra hai điếu thuốc được gói cẩn thận bằng
mấy lớp ny lông. Đưa cho Hoàng một điếu nó cười cười.
– Ông thầy thử đi…
Đưa lên mũi ngửi rồi nhìn chăm chú điếu thuốc giây lát Hoàng trợn
mắt.
– Lucky… Mày giỏi thật…
– Tôi để dành lâu lắm rồi… Giờ mới đem ra hút biết đâu mình lại
có may mắn thoát được về Sài Gòn…
Hoàng cười nhẹ khi nghe thằng lính bán trời không mời thiên lôi
của mình lại mê tín dị đoan. Tuy nhiên anh cũng vuốt đuôi theo.
– Ừ… Hút Lucky biết đâu mình lại có may mắn…
Ngồi dựa vào tảng đá Hoàng lim dim mắt thưởng thức hương vị nồng
thơm của điếu thuốc. Anh mỉm cười khi nghĩ nếu mình đem chuyện này ra kể cho Sa
Huỳnh nghe chắc ni cô sẽ cười khi biết anh lại dị đoan tin vào những chuyện
hoang đường. Có lẽ ở vào tình trạng bi đát và khốn cùng nhất con người lại tin
vào phép lạ hay may mắn. Lội nguyên cả ngày mệt đừ Hoàng vừa nằm xuống là chìm
vào giấc ngủ. Nửa đêm anh chợt giật mình thức dậy khi nghe tiếng động ì ầm xa
xa về hướng tây.
Bảnh thì thầm vào tai người đại đội trưởng của mình.
– Dường như tiếng xe chạy… Tôi bảo thằng Tín đi xem coi có chuyện
gì…
– Mấy giờ rồi?
– Năm giờ sáng… Ông thầy làm hớp cà phê cho tỉnh…
Bảnh ấn vào tay Hoàng ly cà phê còn ấm. Hớp một ngụm xong đưa ly
cà phê lại cho Bảnh vị đại đội trưởng nói nhỏ.
– Ông đánh thức anh em dậy sửa soạn rồi mình đi…
Lát sau Tín trở lại cùng với Tửng.
– Xe nhà binh đông lắm đại úy… Có cả mấy trăm chiếc…
Hoàng nhìn Bảnh. Hai người lính già dặn kinh nghiệm biết là địch
đã di chuyển đại quân vào nam để tấn công Sài Gòn. Tửng xen vào.
– Tôi thấy có T54 của tụi nó nữa đại úy… Tôi định bắn mà anh Tín
không cho…
Hoàng cười lắc đầu.
– Thôi bắn làm gì… Em có bắn cháy một chiếc cũng không cản được…
Quay sang Trường Hoàng tiếp.
– Anh em xong chưa mình đi…
Đứng bên bờ sông Bóng Nho bề ngang chừng mười thước Tín hít hà.
– Chà… Mới sáng sớm mà mình được tắm sông chắc đả lắm nghe đại
úy…
Hoàng cười lội xuống trước nhất. Nước lạnh làm anh rùng mình nổi
gai ốc. Con rạch không sâu lắm. Chỗ nào sâu nhất nước cũng chỉ tới ngực cho nên
lính lội cái ào là tới bờ bên kia. Đoàn người lầm lủi đi trong bóng tối mờ mờ.
Gió lành lạnh. Mặt trời ưng ửng đỏ nơi hướng đông. Hai ngọn núi Ông Thọ và núi
Bà Đương mờ mờ nhô lên trong buổi bình minh. Đoàn người đi lọt vào con đường
mòn xuyên qua hai đỉnh núi. Cây cỏ rất ít. Rừng cũng không rậm và không có nhiều
cây cao. Đồi thấp thoai thoải với những đụn cát chạy dài. Hoàng biết mình ra gần
tới biển vì đất dưới chân có pha lẫn cát. Tửng quẹo trái vào một con đường mòn
khá rộng. Nắng le lói khiến cho Hoàng thấy rõ cảnh vật tiêu điều và hoang vắng.
– Mình còn cách Vĩnh Hy không xa… Chắc đứng bóng là mình tới…
Nếu Hoàng không lên tiếng nhắc chắc lính đã reo hò khi biết sắp
tới bãi biển. Mọi người đi như chạy. Khoảng mười một giờ sáng họ nghe tiếng
sóng vỗ ì ầm rồi lát sau xóm nhà lá hiện ra. Gọi là xóm song chỉ có khoảng mươi
căn nhà lụp xụp cất dọc theo bờ sông.
– Đại úy để tôi vào trước thử coi…
Tửng lên tiếng và Tín nói liền theo.
– Để tôi đi với nó nghe đại úy…
Hoàng gật đầu. Khi hai người lính khuất dạng Hoàng khều Bảnh và
láy mắt ra hiệu. Hiểu ý ông thượng sĩ ngoắc Tấn và mấy người lính. Cả bọn biến
mất sau mấy mô cát cao. Lát sau Tấn trở lại.
– Đại úy… Tía bảo tôi trở lại báo cho đại úy biết là có ghe rồi…
Toán lính mừng rỡ đi thật nhanh. Tới nơi Hoàng thấy Bảnh đang cười
nói với một ông già mặc bộ bà bà đen.
– Đây là ông đại úy của tôi…
Ông già chấp tay xá Hoàng và anh cũng chấp tay xá lại.
– Mấy ông lính cộng hòa đi lẹ đi… Ở đây lâu không được đâu…
Một bà lão từ trong nhà bước ra nói lớn.
– Thì ông cũng để cho anh em ăn cái đã. Tội nghiệp mấy con… Hai
hôm trước tui thấy tụi nó dẫn đi mười mấy người lính mặc đồ như mấy con… Thôi mấy
con đi bình an… Con Nhẫn của tôi đang chờ dưới ghe…
Hai mươi hai người lính ngồi chật trên chiếc ghe đánh cá đang
xuôi dòng sông ra biển. Hoàng thở dài. Không biết anh thở dài vì buồn hay vì
vui…
No comments:
Post a Comment