Thursday, January 10, 2019

Sa Huỳnh chương 10


Related image


10
– Ông thầy… Đại úy…
Hoàng mở mắt khi nghe tiếng người gọi. Trước mặt anh là thượng sĩ Bảnh, mặc quân phục và tay xách túi quân trang nặng trĩu. Đặt túi quân trang xuống sàn Bảnh hỏi.
– Ông thầy khỏe không?
Hoàng gật đầu cười.
– Ba tháng trước thời mệt còn bây giờ thời khỏe… Tôi sắp xuất viện rồi. Ông và anh em khỏe không?
Bảnh cười hà hà.
– Khỏe re như bò kéo xe. Trận An Lộc xong rồi nên tôi được bảy ngày phép về thăm vợ con. Tiện tôi tạt qua thăm ông thầy trước khi trở về tiểu đoàn…
Ngừng lại giây lát ông ta cười tiếp.
– Tôi dồn tất cả quần áo, thư từ và sổ sách của ông thầy vô cái túi này. Trong đó có một cây thuốc Lucky của anh em hùn tiền mua tặng ông thầy…
– Tôi cám ơn anh em… Nhờ ông nói tôi có lời hỏi thăm anh em trong đại đội…
Bảnh bắt tay Hoàng thật chặt trước khi từ giã. Gượng ngồi dậy bước xuống sàn anh chậm rãi mở cái túi quân trang của mình ra. Đôi giày trận vẫn còn lấm bùn đất. Hai bộ quân phục nhăn nheo. Hoàng mỉm cười khi thấy cây thuốc lá. Khuôn mặt của người thương binh hơi lộ vẻ buồn rầu khi cầm cái bịch ni lông lên. Bằng tất cả trịnh trọng và nâng niu anh cẩn thận lôi ra một xấp phong thư. Cầm từng cái lên ngắm nghía Hoàng cười vui. Có bốn phong thư còn nguyên. Quyển nhật ký của Sa Huỳnh rơi ra. Cầm quyển nhật ký lên Hoàng cau mày khi thấy một lỗ nhỏ xuyên từ đàng trước mặt ra tận sau lưng. Nhìn đăm đăm lỗ nhỏ bị cháy nám vàng Hoàng chợt hiểu. Ứa nước mắt anh lẩm bẩm.
– Sa Huỳnh… Cám ơn Sa Huỳnh…
Bây giờ anh mới hiểu tại sao mình bị bắn ngay ngực mà không chết. Viên đạn bắn ngay ngực đụng nhằm quyển nhật ký của Sa Huỳnh trước nên anh chỉ bị thương mà không chết. Ấp quyển nhật ký vào ngực, Hoàng nói như có người ni cô đang đứng trước mặt mình.
– Sa Huỳnh… Anh yêu em…
Ngắm nghía tấm hình trắng đen của Sa Huỳnh thật lâu rồi bỏ quyển nhật ký vào túi áo Hoàng leo lên giường. Tựa lưng vào vách anh thong thả xé phong thư của Sa Huỳnh.
– Ông Hoàng…
Lâu lắm, dường như hơn hai tháng tôi không nhận được thư ông. Không được đọc thư của ông. Tôi buồn và lo. Tôi tự hỏi không biết có chuyện gì xảy ra cho ông mà ông không viết thư cho tôi. Hay ông quên tôi rồi…
Ngưng đọc Hoàng hớp ngụm nước lạnh, xé gói thuốc Lucky. Quẹt diêm đốt thuốc, hít hơi dài nhả khói từ từ, anh cười lẩm bẩm.
– Tôi nhớ ni cô muốn chết… Quên gì được mà quên…
Nhìn vào dòng chữ anh thấy mắt như mờ đi.
 Ông Hoàng ơi… Tôi muốn quên ông. nhưng tôi lại không muốn ông quên tôi. Tôi biết tôi mâu thuẫn và íck kỷ. Tôi muốn quên ông bởi vì tôi biết là tôi không thể quên ông. Dù ông đã đi xa nhưng tôi tưởng ông còn quanh quẩn đâu đây. Ông đi đã lâu mà tôi tưởng như ông mới vừa về thăm tôi. Tôi vẫn nghe tiếng ông cười. Giọng ông nói. Bước chân ông thầm lặng ra vào. Tôi vẫn thấy khuôn mặt của ông thấp thoáng đằng sau tượng Phật. Tôi mường tượng ánh mắt si mê dại khờ của ông lung linh trong ánh đèn dầu chập chờn của buổi chiều tụng kinh. Tôi nhớ tới bàn tay như có điện của ông mỗi khi tôi lần tràng hạt. Tôi nhớ lần ông cầm tay của tôi để đeo chiếc đồng hồ Seiko. Ôi cái nắm tay ngàn đời không quên lãng. Tôi nhớ những lần gội đầu cho ông. Bàn tay của tôi lùa vào những sợi tóc ngắn vàng cháy vì nắng gió sa trường. Tôi nhớ cái chân bó bột của ông với hai chữ ” SH ” mà tôi đã viết lên với nhiều thương mến và nắn nót như tôi đang nắn nót những dòng chữ gởi cho ông. Ông Hoàng ơi… Nhiều khi tôi tự hỏi tại sao tôi lại nhớ ông? Suy nghĩ về ông? Tưởng tượng về ông? Lo lắng cho ông? Ông có nhớ tôi không ông Hoàng? Ông có nhớ tôi nhiều như tôi nhớ ông không?
Hôm nay ngày 8 tháng 4 năm 1972 tôi theo sư cụ đi chùa ở Tam Quan. Ngồi trên xe đò nghe người ta bàn tán về chuyện Việt Cộng tấn công vào Quảng Trị và An Lộc. Tôi nhớ ông và lo lắng cho ông vì họ bảo lính biệt động quân của ông đều tham dự hai mặt trận đó. Tôi sợ ông chết ông Hoàng ơi. Tôi không muốn ông chết. Đi lễ chùa xong tôi xin phép sư cụ ra chợ tìm mua một cái radio. Đem về chùa khi sư cụ ngủ say tôi len lén mở radio lắng nghe tin tức. Đài phát thanh Sài Gòn, đài phát thanh quân đội đều nói về trận đánh ở An Lộc. Nghe lính chết nhiều tôi sợ cho Hoàng… Hoàng ơi… Tôi tụng kinh. Tôi cầu nguyện xin phật tổ từ bi che chở cho Hoàng…
Hoàng gấp lá thư lại. Dụi tắt thuốc anh ấp lá thư của Sa Huỳnh lên ngực và cảm thấy ấm áp vô cùng. Cầm ba lá thư còn nguyên với nét chữ nghiêng nghiêng đầy nắn nót của Sa Huỳnh, anh mường tượng tới khuôn mặt thuần hậu, thanh khiết. Nụ cười tươi sáng. Giọng nói thanh thanh. Ánh mắt buồn bã. Bàn tay xinh xắn với những ngón tay gầy trắng. Hoàng ước ao được gặp lại Sa Huỳnh. Được nhìn thấy nàng. Được sờ. Được nắm. Được ôm nàng run run trong bộ áo nâu sòng. Được ngửi mùi khói nhang hòa nhập trong vùng không gian tĩnh lặng của ngôi chùa nhỏ bé rêu phong cũ mốc. Dù khát khao được gặp lại Sa Huỳnh, nhưng anh phải dằn lòng. Anh đã hứa với nàng và anh phải giữ lời hứa của mình dù anh biết nếu anh đường đột tới thăm nàng cũng không trách móc hay giận hờn gì hết.
– Hay là mình cứ tới đại…
Hoàng lắc đầu vì ý nghĩ của mình. Anh yêu Sa Huỳnh. Anh kính trọng nàng và anh muốn nàng cũng kính trọng mình. Do đó anh phải giữ lời hứa.
Ngày trong bệnh viện buồn chán và dài lê thê. Hoàng không làm gì hết ngoài ăn ngủ, đọc sách hay chuyện trò với mấy người nằm cùng phòng. Hôm nay đi tái khám anh vui mừng khi được bác sĩ cho biết vết thương đã hoàn toàn bình phục. Ngày mai anh sẽ được xuất viện về nhà nghỉ ngơi hai tuần lễ rồi trình diện bộ chỉ huy biệt động quân trung ương tại Sài Gòn.
Toàn thể sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ của đại đội đều vui mừng khi thấy Hoàng xuất hiện. Trường, Danh, Hưng và Bảnh lần lượt bắt tay Hoàng thật chặt. Vỗ vai Há với Tín, Hoàng cười thân mật.
– Tôi tới thăm anh em trước khi ra vùng 1…
Mọi người đều lộ vẻ buồn rầu và bịn rịn khi nghe tin Hoàng bị thuyên chuyển ra bộ chỉ huy biệt động quân vùng 1.
– Đại úy nhớ viết thư cho tụi này nghe…
Nhìn Hoàng, Trường cười cười tiếp.
– Đại úy thật chứ không phải giả nghe ông thầy…
Hoàng cười bắt tay Trường.
– Ông ráng coi đại đội…
Hoàng ôm lấy Há, thằng em thân tín từng sống chết với mình. Bắt tay Bảnh lần nữa, anh từ giã mà lòng buồn vui lẫn lộn. Anh không nói cho mọi người kể cả mẹ của mình là anh tình nguyện xin thuyên chuyển ra vùng 1. Anh muốn được gần Sa Huỳnh. Anh cảm thấy có cái gì thôi thúc. Có tiếng nàng thì thầm réo gọi mình. Anh cảm thấy đất dưới chân chuyển mình, thời gian xô đẩy anh càng ngày càng xích lại gần Sa Huỳnh hơn.

*****
Đứng nghiêm, Hoàng kín đáo quan sát vị tiểu đoàn trưởng của mình. Tóc ngắn. Vầng trán rộng. Chân mày rậm. Ánh mắt tinh anh. Khuôn mặt vuông gân guốc và cương nghị. Thoạt nhìn ông ta có nét nghiêm trang nhưng thấp thoáng đâu đó là nụ cười của một cấp chỉ huy vui tính và thương lính.
– Em mới vừa bị thương xong nên anh tính cho em thế đại úy Hạnh làm sĩ quan ban 3 một thời gian…
Thấy Hoàng mấp máy môi định nói, ông ta cười hiền hậu.
– Em muốn nói điều gì?
– Thưa tiểu đoàn trưởng… Mấy tháng nay nằm bệnh viện tôi sợ ở không lắm. Nếu có thể tôi xin tiểu đoàn trưởng cho tôi coi đại đội, đại đội nào cũng được…
Thiếu tá G. cười nhẹ. Ông biết mình đã gặp một sĩ quan trẻ, hiếu động, thương lính và có nhiều khả năng chỉ huy. Trước khi Hoàng trình diện ông đã đọc lý lịch của anh.
– Cũng được… Đại đội 2 đang thiếu một ông đại đội trưởng… Anh chỉ sợ em bị thương…
Hoàng nói với giọng rắn rỏi.
– Thưa tiểu đoàn trưởng… Tôi bị đạn bắn trúng ngực mà không chết thời làm đại đội trưởng chắc cũng không mệt lắm đâu…
Thiếu tá G. cười xòa. Bước  tới vỗ vai Hoàng, ông nói nhanh.
– Đi… Anh chở em về đại đội…
Quan với lính của đại đội 2 hối hả đứng xếp hàng chào đón vị tiểu đoàn trưởng và vị tân đại đội trưởng của họ. Hoàng hơi cau mày khi thấy lính của mình ăn mặc xốc xếch, giày vớ bê bối, súng ống dơ bẩn. Hiểu ý thiếu tá G. nói nhỏ.
– Đây là đại đội tệ nhất của tiểu đoàn. Anh nhờ em chỉnh đốn lại. Trung úy Ánh bị thương nặng rồi không có ai trông coi thành ra…
Hoàng gật đầu nói với cấp chỉ huy của mình.
– Thưa tiểu đoàn trưởng… Tôi sẽ cố gắng… Việc đầu tiên tôi cần hai ông thợ hớt tóc… Tôi cần sởn từ quan xuống tới lính ba phân…
Thiếu tá G. cười hà hà như thích thú vì điều mà người đại đội trưởng của ông sắp làm. Bắt tay từ giã ông hứa sáng mai sẽ gởi thợ hớt tóc xuống cho Hoàng cũng như cung cấp những gì cần thiết để giúp cho anh chỉnh đốn lại đại đội…
Đứng trước hàng quân đông khoảng hơn trăm năm chục người, Hoàng nói với giọng trầm và nghiêm.
– Tôi là đại úy Hoàng, đại đội trưởng của anh em. Tôi biết anh em gian khổ và nhọc mệt nhiều lắm trong thời gian qua. Tiểu đoàn đã để cho anh em nghỉ xả hơi hơn hai tháng và bây giờ chúng ta bắt đầu chỉnh đốn lại đại đội. Đúng tám giờ sáng mai tôi muốn anh em trình diện tôi với quần áo, giày vớ và súng ống chỉnh tề. Ngày mai thợ hớt tóc của tiểu đoàn sẽ hớt tóc miễn phí cho anh em…
Quan với lính im lặng nhìn cấp chỉ huy mới của mình. Họ thấy ánh mắt của vị đại đội trưởng sáng lên với một quyết tâm, đồng thời họ cũng hiểu lời nói của ông ta như một mệnh lệnh.
– Hớt ba phân… Tôi nhắc lại hớt ba phân… Anh nào cạo trọc càng tốt…
Có tiếng cười phát ra vì lời nói nhuốm chút bông đùa của cấp chỉ huy.
– Anh em có gì thắc mắc hãy tới gặp tôi…
Giơ tay chào hàng quân xong Hoàng ra lệnh cho đại đội giải tán. Anh lần lượt bắt tay trung úy Chinh, đại đội phó; thiếu úy Hân, trung đội trưởng trung đội 1; chuẩn úy Quốc chỉ huy trung đội 2; chuẩn úy Dinh coi trung đội 3; thiếu úy Vũ xếp của trung đội 4 và người cuối cùng là thượng sĩ Minh, thường vụ đại đội. Đợi cho lính đi hết Hoàng nhìn sáu người lính đầu não của đại đội.
– Lính bết quá…
Giơ tay chào Hoàng, Chinh cười gượng nói bằng giọng ấp úng.
– Thưa đại úy… Tụi này biết nhưng…
Gật đầu, Hoàng quay sang thượng sĩ Minh.
– Ông lên tiểu đoàn xin quần áo, giày vớ cho lính…
Minh gãi gãi đầu.
– Thưa đại úy… Tôi đã xin mà tiếp liệu tiểu đoàn nói không có…
Hoàng gằn giọng.
– Nếu họ nói không có thời ông vào gặp tiểu đoàn trưởng và nói tôi yêu cầu…
Vỗ vai Minh, Hoàng dịu giọng.
– Tiểu đoàn trưởng đã hứa với tôi…
Minh hấp tấp bước đi. Nhìn bốn ông trung đội trưởng, Hoàng nghiêm giọng.
– Bốn ông về trung đội cho lính coi lại quân trang, quân dụng và súng ống. Ai không tuân lệnh dẫn họ lên gặp tôi…
Bốn trung đội trưởng giơ tay chào kính rồi rút lui. Hoàng cười nói với Chinh, người đại đội phó của mình.
– Tụi mình cần bàn bạc với nhau vài chuyện…
Ba giờ chiều thượng sĩ Minh trở về với năm người lính của tiểu đoàn. Mỗi người đều vác trên vai một túi nặng trĩu. Lính ới nhau đi lãnh quân phục. Người nào thiếu giày thời lãnh giày. Ai rách áo thời lãnh áo. Ai không có quần thời lãnh quần. Nón sắt. Dầu chùi súng hay bất cứ thứ gì cần thiết đều được chia xẻ đồng đều cho bốn đại đội. Cuối cùng chỉ có binh nhất Thắng thuộc trung đội 4 thiếu một cái áo. Cởi chiếc áo mình đang mặc Hoàng đưa cho Thắng.
– Em mặc áo của anh đi nhưng cởi ba mai trả lại anh…
Mọi người cười ồ. Thượng sĩ Minh xen vào.
– Mày ngon à nghen… Mặc áo của đại úy le lắm… Có cả bằng rừng núi sình lầy nữa…
Thắng cười toe tét với Hoàng.
– Em cám ơn đại úy…
– Không có chi… Em ráng đánh giặc giỏi cho xứng đáng cái bằng rừng núi sình lầy em đang mang trên áo…
Ba tháng. Hoàng nhồi, ém, nắn, vắt, vặn, bẻ một trăm năm mươi bảy người lính thành một khối đồng nhất đúng với quân phong, quân kỹ của Biệt Động Quân và của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Song song với mệnh lệnh của cấp chỉ huy, Hoàng đối đãi với mọi người thân tình như anh em. Sau những giờ thực tập anh đi từng trung đội trò chuyện, thăm hỏi từng người một, giải quyết những thắc mắc, thỏa mãn các yêu cầu nhỏ nhặt của lính trong quyền hạn của một đại đội trưởng. Ba tháng bận bịu nên anh có rất ít thời giờ nhớ và nghĩ tới Sa Huỳnh. Cho tới một hôm…
– Trong đó đang đụng nặng lắm. Theo tin tình báo thời tụi nó có sáu bảy tiểu đoàn chưa kể một tiểu đoàn phòng không và đại đội hỏa tiễn AT3 chuyên môn bắn tăng. Sáng mai quân xa sẽ chở mình vào Mộ Đức. Rồi từ Mộ Đức mình lội vào Đức Phổ. Từ Đức Phổ mình bắt đầu nhổ chốt của tụi nó để tới Sa Huỳnh. Bốn ông đại đội trưởng nên bảo lính lo đầy đủ súng đạn và lương thực… Thôi giải tán để cho mọi người chuẩn bị…
Giọng nói của tiểu đoàn trưởng vang vang nhưng dường như Hoàng không nghe hay không hiểu cấp chỉ huy của mình nói điều gì. Anh mường tượng tới nụ cười sáng ngời. Khuôn mặt thuần hậu. Ánh mắt long lanh. Giọng nói ngọt ngào. Sa Huỳnh… Thấp thoáng trong trí tưởng của người lính biệt động si tình hình ảnh ni cô đang lui cui thổi lửa nấu cơm chiều. Chiếc áo nâu sòng bạc màu. Cái đầu trọc. Hoàng mỉm cười khi nhớ tới cái đầu không có tóc của Sa Huỳnh.
Ra lệnh cho mọi người giải tán, thiếu tá G. thân mật vỗ vai Hoàng.
– Đại đội của em sẵn sàng chưa?
Hoàng cười vui.
– Sẵn sàng rồi thưa tiểu đoàn trưởng…
Ngừng lại giây lát anh cười tiếp.
– Hồi năm 70 tôi có chỉ huy trung đội đánh vào Sa Huỳnh…
Ánh mắt của thiếu tá G. sáng lên.
– Vậy hả… Tiểu đoàn của mình sẽ đi đầu. Anh sẽ cho đại đội của em đi đầu để thử lửa…
– Cám ơn tiểu đoàn trưởng…
Chỉ có Hoàng mới hiểu lý do tại sao anh lại cám ơn cấp chỉ huy cho đại đội của mình đi đầu. Theo chân mọi người ra khỏi bộ chỉ huy tiểu đoàn, anh cảm thấy tâm hồn giao động và rẩy run trên đường trở về đại đội. Từng bước chân xôn xao. Từng bước chân lao chao. Từng bước chân hụt hẫng. Anh phải dừng lại đốt điếu thuốc và hít hơi dài như để lấy lại bình tỉnh. Tựa lưng vào thân cây anh hướng mắt về phương nam. Đâu đó trong vùng không gian mịt mùng là Sa Huỳnh. Ngôi chùa nhỏ. Bóng dáng  ni cô. Giếng nước ngọt trong. Khóm bắp chắc đã tàn lụi từ lâu. Ngọn đèn dầu leo lét soi mờ mờ hình bóng đơn côi của Sa Huỳnh. Anh nghe lòng mình chập chùng thương nhớ và thấp thỏm chờ mong ngày tay bắt mặt mừng. Anh ghiền mùi khói nhang. Anh thèm bữa cơm tương chao. Anh mê giọng cười thanh thanh. Anh say tiếng nói dịu dàng. Anh muốn nhìn khuôn mặt. Cầm lấy những ngón tay mềm ấm tình yêu.
Đoàn công voa dừng lại ở Mộ Đức. Lính xếp hàng thứ tự để chờ lội vào Đức Phổ. Tiểu đoàn được lệnh nhổ chốt do địch đóng dài dài từ Đức Phổ vào tận tới Tam Quan. Đoạn đường dài mấy chục cây số đầy bất trắc và hiểm nguy với mìn, lựu đạn, AK, B40, trung liên, thượng liên và đại liên phòng không. Tin cho biết địch đóng chốt kiền đầy đặc dọc theo hai bên quốc lộ 1, bờ biển và trên sườn núi. Lính của sư đoàn 2 đụng riết cũng mệt nên ông Nhựt mới ” mời ” lính cọp rằn vào chia xẻ gian nan với anh em của hai trung đoàn 4 và 5.
– Khó ăn lắm nghe đại úy… Hai trung đoàn 4 và 5 bị ê càng rồi…
Thượng sĩ Minh nói với Hoàng. Vị đại úy trẻ cười vui.
– Tôi biết… Muốn nhổ chốt của tụi nó mình phải đánh đặc công… Đánh ban đêm… Đánh bằng lưỡi lê, dao găm và lựu đạn… Đánh từng hầm, từng hố…
Vừa đi vừa quan sát cảnh vật Hoàng nhẹ thở dài buồn bã. Dân ở đây khổ quá. Đất đã nghèo lại dân đông và thiên tai năm nào cũng có rồi bây giờ lại thêm chiến tranh. Nhà cửa tiêu điều. Phong cảnh cũng như người đều xác xơ. Dọc theo đường cái dân chúng cất tạm chiếc chòi lợp tôn, hở trước trống sau. Con nít ở truồng đứng nhìn lính rồi chạy theo xin cơm, kẹo hoặc thuốc lá. Lính cũng nghèo nhưng còn giàu hơn dân nên vui vẻ ném xuống bịch gạo xấy, lon đồ hộp quân tiếp vụ hay gói bastos xanh.
– Tụi bây cho hết rồi lấy gì mà ăn…
Trung sĩ nhất Dân, trung đội phó trung đội 2 rầy lính của mình.
– Tội nghiệp mấy đứa con nít… Tụi nó còn nghèo hơn mình…
Binh nhất Tám, xạ thủ M60 lên tiếng. Dân thở dài.
– Tao biết… Tụi bây có cho hết đồ ăn cũng chỉ giúp tụi nó no bụng một ngày mà thôi…
Xế chiều đại đội dừng lại khi cách Đức Phổ chừng ba bốn cây số. Hoàng bốc máy liên lạc với tiểu đoàn. Anh được lịnh cho đại đội đi trước mở đường vào quận lỵ. Chiều xuống. Lính thở phào vì chưa đụng địch. Họ có được một đêm bình yên để ngủ bù vì biết đâu ngày mai họ không có thời giờ hay cơ hội để ngủ. Hoàng với Đăng, người lính mang máy 25 trải poncho trên cát. Đêm thật im lặng. Nằm gối đầu lên ba lô, miệng phì phà thuốc lá Hoàng ngửa mặt nhìn trời sao lấp lánh. Anh nghe dường như có tiếng sóng vỗ ì ầm hòa với tiếng côn trùng rỉ rả và tiếng gió hú từng cơn từ rặng núi chớn chở của vùng Ba Tơ hoang vu rừng rú. Tiếng Sa Huỳnh thì thầm ” Hoàng ơi ” như là một điệp khúc buồn ru anh vào giấc ngủ.
Qua khỏi Đức Phổ đại đội bắt đầu đụng địch lai rai. Hoàng đánh chậm và chắc vì không muốn lính chết hay bị thương. Ban đêm anh cho lính đào hầm hố ngủ nơi khoảnh đất trống giữa đầm nước và con đường số 1. Anh cười khì khi nghe lính nói thích đánh nhau ở đây. Vùng này gần biển nên đất mềm dễ đào hầm hố. Chỉ cần nửa tiếng đồng hồ lính có thể đào một cái hố vừa sâu và rộng. Ngủ dưới hố an toàn lại ấm cúng hơn. Càng gần tới Sa Huỳnh chốt địch càng nhiều hơn, mạnh hơn và khó nhổ hơn. Có chốt đông cả tiểu đội với AK, B40, trung liên, thượng liên và đại liên phòng không. Lính chết và bị thương cũng nhiều hơn. Hoàng tự an ủi là dù sao đại đội của mình cũng mẻ ít hơn ba đại đội khác.
Hoàng cùng với trung úy Chinh, đại đội phó đứng trên đỉnh của một ngọn đồi. Từ chỗ anh đứng tới Sa Huỳnh cách chừng cây số.
– Thẩm quyền coi kỹ đi…
Chinh cười nói trong lúc đốt điếu thuốc. Hoàng nâng ống dòm của mình lên. Từng ngọn đồi, khóm cây, mô đất, ngôi nhà hiện ra rõ ràng. Đưa ống dòm sang phải anh tìm ngôi chùa. Đây rồi. Trên đỉnh đồi cao mờ mờ hiện ra mái tranh rêu mốc. Anh hi vọng thấy bóng dáng của Sa Huỳnh. Bỏ ống dòm xuống, móc túi lấy điếu thuốc Ruby quân tiếp vụ Hoàng thong thả bật diêm. Khói thuốc bay thật nhanh trong gió.
– Tối nay mình vào thử…
Hoàng lên tiếng. Hít hơi thuốc dài rồi từ từ nhả khói người đại đội trưởng của đại đội 2 cười nhẹ.
– Chinh chỉ huy thằng 1 và 2 giả vờ tấn công để dụ tụi nó. Còn tôi dẫn thằng 3 và 4 men theo hẻm núi đột kích vào bộ chỉ huy của địch…
– Anh nghĩ mình làm được không. Tôi sợ…
Chinh quay nhìn cấp chỉ huy của mình. Chỉ có hai trung đội hơn bảy chục người mà Hoàng dám liều lĩnh đánh sâu vào bộ chỉ huy trung đoàn 141 thuộc sư đoàn 2 sao vàng cộng sản Bắc Việt. Tuy nhiên nếu đánh được anh sẽ đập nát bộ óc của địch cũng như quậy tùm lum trong đó khiến cho địch phải rút bỏ khỏi Sa Huỳnh nhanh hơn dự tính.
– Anh đã nói chuyện với tiểu đoàn trưởng rồi.  Ổng nói nếu mình lọt được vào trong thời cả tiểu đoàn sẽ nhào vô để bứng tụi nó ra…
11 giờ đêm. Bảy mươi bốn người lính thuộc hai trung đội 3 và 4 đứng im lìm trong bóng tối mông lung. Giọng nói trầm và đanh thép của Hoàng vang vang trong tiếng gió gào và tiếng sóng vỗ ì ầm xa xa.
– Chúng ta sẽ đột kích thẳng vào bộ chỉ huy trung đoàn 141 của địch. Đây là một nhiệm vụ nguy hiểm cho nên người nào sợ không dám làm cứ bước sang bên kia…
Không có người nào trong hàng quân nhúc nhích cũng như lên tiếng. Dù biết nguy hiểm nhưng họ vẫn làm vì niềm kiêu hãnh của mỗi người. Họ không muốn bị đồng đội gọi là gà chết hay lạnh cẳng.
– Tôi sẽ đi với anh em. Tôi sẽ đi trước. Nếu chết tôi sẽ chết trước nhất. Tuy nhiên tôi tin tưởng là chúng ta sẽ làm được… Muốn sống anh em phải ghi nhớ ba điều. Thứ nhất là tuyệt đối tuân lệnh cấp chỉ huy của mình. Thứ nhì là tuyệt đối im lặng và bình tỉnh. Thứ ba là phải thuộc lòng mật khẩu…
Bước tới trước mặt binh nhì Thắng, Hoàng bật nhanh hai tiếng.
– Dục Mỹ…
– Biệt Động…
Tạt ngang ba bước tới trước mặt một người lính, Hoàng lập lại.
– Dục Mỹ…
Người lính tự động bật lên hai tiếng.
– Biệt Động…
Mỉm cười vị đại đội trưởng đại đội 2 nhìn lính của mình.
– Không nhớ mật khẩu là chết… Anh em nào không nhớ mật khẩu là người đó sẽ bị chính đồng đội của mình đâm hoặc bắn chết. Tôi lập lại lần cuối cùng phải thuộc lòng mật khẩu. Dục Mỹ
Hoàng nói lên hai tiếng và bảy mươi bốn cái miệng đồng bật lên hai tiếng ” Biệt Động ”
Đêm yên lặng. Lính không mang cái gì hết trừ súng đạn. Hai cấp số đạn. Lựu đạn được mang tối đa. Ngay cả Hoàng cũng mang M16, hai cấp số đạn và chục trái lựu đạn. Anh và lính của hai trung đội 3 và 4 chậm chạp di chuyển lần lần về hướng đèn sáng mập mờ. Gió thổi ù ù lạnh buốt. Đưa tay xem đồng hồ thấy chỉ 1 giờ sáng Hoàng đoán mình đã đi được quãng xa xa.
– Mình tới chưa ông thầy?
Minh thì thầm. Chưa vội trả lời câu hỏi của Minh Hoàng đưa ống dòm lên quan sát. Trước mặt anh về hướng đông nam có đèn sang sáng. Anh còn thấy được bóng người di động.
– Ông xem đi… Hướng đông nam 45 độ…
Minh rê ống dòm một vòng thật chậm. Ống dòm dừng lại một điểm thật lâu xong Minh lên tiếng.
– Đúng tụi nó rồi… Tôi thấy như là hầm núp… Ông thầy tính sao. Theo tôi mình nên tách ra làm hai toán…
Hoàng gật đầu quay sang chuẩn úy Dinh, trung đội trưởng trung đội 3.
– Dinh dẫn mấy thằng con của em mò vào theo hướng 45 độ. Anh sẽ cho ông Minh phụ với em. Vào được em nằm im chờ cho tới khi anh gọi mới được nổ súng…
Quay sang thiếu úy Vũ, trung đội trưởng trung đội 4 Hoàng vỗ vai.
– Đi… Anh em mình đi vào bắt tay tên trung đoàn trưởng 141 của Vẹm…
Vũ mỉm cười vì lời nói đùa của cấp chỉ huy gan lì và chịu chơi. Bóng những người lính áo rằn biến mất vào bóng đêm thâm u.
Ba giờ sáng. Tiếng súng chợt nổ rền. Lửa nháng lên từng chập. Chỉ huy hai trung đội 1 và 2 Chinh bắt đầu nhổ chốt. Lính tiến chậm vì địch kiền chốt khắp nơi. Vả lại chỉ cố tình dụ địch cho nên Chinh dặn hai trung đội trưởng cho lính đánh cầm chừng để ngóng chờ tin tức của toán đột kích.
Hoàng bò trước theo sau là Đăng, thằng em thân tín mang máy 25. Bò bên trái ngang hàng với anh là Vũ. Tới lúc này cấp chỉ huy phải đi đầu, phải bò trước để làm gương cho lính. Do đó nếu cuộc đột kích bị bể thời cấp chỉ huy cũng chết trước nhất. Trong ánh sáng mập mờ Hoàng thấy mấy cái nón cối ló lên khỏi mặt đất. Ba mươi bảy người lính áo rằn dàn hàng ngang bò từ từ tới sát hầm hố của địch. Như con cọp chụp mồi Hoàng nhào vào hố cá nhân ngay trước mặt của mình. Tiếng dao găm xuyên qua da thịt. Tiếng bộ đội kêu tắt nghẹn vì bị bịt miệng và bị cứa cổ. Tiếng vật lộn. Tiếng gầm gừ. Rồi sau đó là im lặng. Hoàng ngước đầu lên. Trước mặt anh là bóng người.
– Dục Mỹ…
Hoàng bật lên mật khẩu. Bóng đen ú ớ. Phựt. Mũi lưỡi lê từ họng súng M16 đâm ngay ngực bóng đen. Máu phun ra có vòi. Không biết, không trả lời mật khẩu là địch, là bị đâm chết. Một bóng người nhào xuống hố. Hoàng la nhỏ.
– Dục Mỹ…
– Biệt Động…
Bóng người trả lời thật nhanh. Hoàng nghe tiếng nói quen thuộc của Vũ.
– Anh em ra sao?
Vũ thì thầm.
– Vô sự… Mình đã bứng được hàng chốt thứ nhất rồi anh…
– Tốt… Anh đi trước…
Hoàng chồm người lên mặt đất. Ba mươi sáu người lính còn lại bò hàng ngang. Một cuộc đánh cận chiến xảy ra trong bóng tối dày đặc và trong im lặng rợn người. Tới lúc này người lính không còn biết run sợ, lo âu hay hồi hộp gì hết mà chỉ còn chăm chú vào một chuyện duy nhất. Giết người hay bị người giết. Mọi suy tư, cảm nghĩ đều tê liệt. Hoàng im lặng nghe Vũ báo cáo lính đã bứng được vòng chốt phòng thủ thứ nhì của địch. Chỉ còn một vòng chốt cuối cùng là anh sẽ lọt được vào bộ chỉ huy trung đoàn 141 của địch. Lúc đó lính tha hồ quậy vì hay lý do. Thứ nhất lính ở bộ chỉ huy trung đoàn đa số không quen đánh nhau. Lý do thứ nhì quan trọng nhất. Đó là yếu tố bất ngờ. Bộ đội sẽ hoảng hốt khi thấy lính áo rằn xuất hiện một cách bất thình lình. Lúc đó chúng chỉ còn nước co giò chạy. Nằm trong lòng hố cá nhân để nghỉ mệt Hoàng tự dưng nhớ tới Sa Huỳnh. Trong bóng đêm thâm u anh thấy khuôn mặt người ni cô sáng ngời. Anh nghe như có tiếng người gọi tên mình.
– Mình đi chưa đại úy…
Ở hố kế bên Đăng lên tiếng. Nhoài người ra khỏi miệng hầm Hoàng nói nhỏ với Đăng.
– Em đưa máy cho anh…
Cầm lấy ống liên hợp Hoàng thì thầm.
– Chinh Chiến đây Sa Huỳnh… Nghe rõ trả lời…
Tiếng sè sè vang nhỏ tiếp theo là tiếng thì thầm của Chinh.
– Chinh Chiến nghe Sa Huỳnh…
– Tôi sắp quậy… Anh cho mấy đứa con của anh gáy lớn hơn… Nghe rõ trả lời…
– Ok… Chinh Chiến nghe Sa Huỳnh 5/5…
Năm phút sau tiếng súng nơi hướng tây bắc chợt nổ lên dồn dập xen lẫn với tiếng lựu đạn ầm ầm. Ánh sáng lóe lên từng chập. Xiết chặt ống liên hợp trong tay Hoàng liên lạc với Dinh.
– Đông Ba đây Sa Huỳnh…
– Đông Ba nghe Sa Huỳnh…
– Khi nào nghe súng nổ anh đánh vào hướng 45…
– Đông Ba tôi nghe Sa Huỳnh…
– Vạn Giả đây Sa Huỳnh…
Tiếng nói của Vũ vang thì thầm.
– Vạn Giả nghe Sa Huỳnh…
– Khi nào nghe lựu đạn nổ là anh xung phong…
– Vạn Giả tôi nghe Sa Huỳnh 5/5…
Đưa trả ống liên hợp cho Đăng, Hoàng rút chốt lựu đạn. Chiếc khóa an toàn rơi ra chạm vào khẩu M16 gây thành âm thanh lạnh. Quả lựu đạn bay trong đêm tối. Ầm… Lửa nháng lên cùng với đất cát bay rào rào. Tiếng nổ của lựu đạn như là hiệu lệnh bắt đầu cuộc đột kích vào nơi đóng quân của bộ chỉ huy trung đoàn. Lính áo rằn xuất hiện. Lựu đạn nổ ầm ầm. M60. M16 để tự động. M79 nổ bụp bụp. Lửa sáng rực trong bóng tối của một đêm sắp tàn.
– Biệt động quân xung phong…
– Biệt động quân sát…
Đang chập chờn trong giấc ngủ chợt nghe ba tiếng ” biệt động quân ” lính của Giáp giật mình. Chưa kịp hoàn hồn, chưa kịp cầm súng, chưa kịp ngóc đầu lên chúng nghe súng nổ khắp nơi. Súng nổ từ bốn hướng. M72 bắn tung hầm trú ẩn. M79 phá nát hố cá nhân. Lựu đạn nổ banh càng đại liên. M16 bắn vỡ tung nón cối. M60 bắn gục bất cứ ai ngóc đầu lên khỏi mặt đất. Lính áo rằn nhào vào giao thông hào. Bộ đội chết gục vì bị lưỡi lê đâm hay báng súng M16 dọng vỡ mặt mày. Chinh chỉ huy hai trung đội 1 và 2 đánh vào còn trong Hoàng dẫn thằng 3 và 4 đánh bung ra đồng thời ba đại đội 1, 3 và 4 của tiểu đoàn cũng chia nhau tấn công khiến cho toàn bộ chỉ huy trung đoàn 141 phải mở đường máu băng qua đường số 1 rút chạy về hướng thung lũng An Lão. Không có người chỉ huy lính của trung đoàn 141 thuộc sư đoàn 2 sao vàng lớp buông súng đầu hàng, lớp cố gắng cầm cự cho tới khi bị lực lượng của quân lực Việt Nam Cộng Hòa tiêu diệt.

*****
Dù ước ao, dù mong muốn Hoàng phải ráng dằn lòng đợi tới hai ngày sau mới lên thăm Sa Huỳnh. Hiện thời anh còn nhiều chuyện lắm như chỉ huy lính bố trí hệ thống phòng thủ đề phòng địch quân trở lại cũng như khiêng xác của bộ đội xếp thành hàng dài dọc theo đường để quân xa tới chở đi. Bốn ông trung đội trưởng cũng dẫn lính đi làm tạp dịch, giúp dân làng xây lại nhà cửa, san bằng các hầm hố không cần thiết. Thượng sĩ Minh đi lên tiểu đoàn xin tiếp tế đạn dược và lương thực.
Đêm xuống trong bình yên và tịch mịch. Nằm trên chiếc võng hút thuốc Hoàng mơ nghĩ vẫn vơ. Anh mơ tới khuôn mặt thuần hậu và thanh khiết của Sa Huỳnh. Nụ cười hiền. Giọng nói ngọt ngào. Tiếng gọi “ ông Hoàng ” của nàng vọng vang trong gió gào và tiếng sóng vỗ vào bãi cát vàng ì ầm hoài hủy. Thuốc cháy đỏ rực trong đêm. Khói thuốc nồng khiến anh như ngửi được mùi khói nhang khi ngồi nơi chiếc ghế đặt trong hậu liêu im lặng nhìn Sa Huynh lui cui nấu bữa cơm chiều.

*****
Trời trưa. Nắng long lanh đọng trên tàng cây. Đứng dưới chân đồi Hoàng ngước nhìn lên ngôi chùa rêu mốc. Qua màn nước mắt dường như anh thấy bóng dáng nhỏ bé và đơn côi của ni cô thầm lặng ra vào. Dặn dò Chinh mấy lời xong Hoàng chầm chậm leo lên đồi. Cỏ vàng dưới chân. Từng bước xôn xao. Từng bước gượng nhẹ. Anh nghe tim mình đập thình thịch. Người lính chiến chưa từng run sợ trước họng súng của kẻ địch bỗng dưng hồi hộp, lo âu, mừng vui và sung sướng. Anh cảm thấy người nóng lên vì tim đập mạnh. Chiếc cổng chùa vẫn còn đó, xiêu vẹo nhiều hơn vì thiếu bàn tay sửa sang. Cỏ mọc lan tràn trong sân, lan vào tận hàng ba. Mấy dây leo có hoa màu tim tím bắt đầu quấn một vòng quanh cây cột. Tâm hồn người lính áo rằn chùng xuống khi thấy tấm vách bằng ván bên hông trái của chùa rơi xuống vì mục nát. Giếng nước vẫn còn đó. Như được hướng dẫn bằng vô thức Hoàng lững thững bước tới giếng nước. Chiếc gàu cũ nằm trơ vơ. Lòng giếng sâu. Nước trong thăm thẳm.
– Ông Hoàng…
Tiếng gọi nhỏ. Hoàng ngước nhìn. Giữa trời trưa nắng ấm, trong không gian tĩnh mịch ni cô hiện ra như ngôi sao rực sáng trong bầu trời thâm u. Cũng chiếc áo nâu bạc màu cũ kỹ. Cũng cái đầu không tóc. Cũng khuôn mặt đó. Cũng tia nhìn thẳm xa. Cũng nụ cười. Cũng bàn tay đưa ra nửa chừng như biểu hiệu một mừng vui và chào đón. Người lính biệt động si tình chỉ còn biết mấp máy môi thành hai tiếng.
– Sa Huỳnh…
Hoàng muốn la. Muốn hét. Muốn nhảy cởn lên. Muốn ôm choàng. Ghì chặt lấy vóc thân mà ngàn kiếp trước, sát na qua anh mơ yêu và tưởng nhớ. Nhưng anh không làm được. Vòng tay đưa ra chợt buông xuống cùng với tiếng thở dài hắt hiu muộn phiền. Giữa anh và Sa Huỳnh còn có một cách ngăn mong manh nhưng vẫn là cách ngăn. Đó là chiếc áo tu hành mà Sa Huỳnh đang khoác lên người. Đó là chướng ngại duy nhất. Người đại đội trưởng hai đêm hôm trước từng nhổ chốt, từng dẫm lên hầm hố, từng đạp lên xác địch để được gặp lại người mình yêu bỗng dừng lại. Có cái lực huyền nhiệm. Có điều gì thiêng liêng ngăn không cho người lính chiến tiến lên để quấy rầy đời sống của một kẻ tu hành. Sa Huỳnh nhìn Hoàng mỉm cười như thông cảm, như thấu hiểu tâm tình của người lính si tình đang đứng trước mặt mình. Đôi môi của ni cô mấp máy.
– Tôi nhớ ông…
Ba tiếng thôi nhưng đủ làm dịu lại sôi nổi, làm tắt bớt khát khao trong lòng Hoàng.
– Tôi cũng nhớ ni cô… Tôi nhớ Sa Huỳnh… Nhớ vô cùng… Nhớ muốn chết…
Giọng nói của người ni cô cất lên ấm êm và dịu dàng như tiếng tụng kinh và tiếng mỏ.
– Tôi biết ông nhớ tôi… Mấy đêm qua nghe súng nổ tôi mơ hồ biết ông trở lại. Tôi cầu nguyện cho ông… cho Hoàng…
Hoàng mỉm cười. Anh muốn đánh đổi hết quãng đời còn lại của mình để được vòng tay ôm Sa Huỳnh vào lòng dù chỉ trong sát na ngắn ngủi. Ôm Sa Huỳnh như ôm giấc mơ của những ngày ở An Lộc. Ôm Sa Huỳnh như ôm ấp ước mong được nghe tiếng nói. Ôm Sa Huỳnh như gói trọn thương nhớ, mong chờ của mấy tháng nằm cô đơn trong Tổng Y Viện Cộng Hòa.
– Ông ốm hơn lần trước mình gặp nhau…
Hoàng cười vui vì giọng nói đầy săn sóc của Sa Huỳnh. Một điều khiến cho anh mừng vui là ngôn từ của người ni cô bây giờ nặng tính chất trần thế hơn. Chữ ” mình ” của Sa Huỳnh nghe âu yếm hơn. Tình tứ hơn. Lãng mạn hơn. Hai tiếng “Mô Phật ” mà ni cô thường mở đầu trước khi nói cũng không còn nữa. Có cái gì xảy ra trong tâm hồn của người ni cô? Có thay đổi gì trong tình cảm của kẻ tu hành? Hoàng tự hỏi như thế.
– Tôi mời ông vào chùa uống chén trà. Sư cụ chắc vui lắm khi thấy ông. Người nhắc tới ông hoài…
Hai người bước cạnh nhau, song song với nhau trên sân cỏ mọc hoang.
– Chùa cần phải sửa lại…
Hoàng lên tiếng. Sa Huỳnh cười nhẹ.
– Tôi biết… Tôi chờ ông trở lại giúp tôi…
– Sa Huỳnh trả công cho tôi cái gì đây…
Hoàng đùa. Sa Huỳnh cũng đùa lại.
– Ông làm công quả mà… Phật sẽ trả công cho ông. Tôi đâu có tiền bạc hay cái gì để trả công của ông…
Quay sang nhìn ni cô, Hoàng cất giọng lửng lơ.
– Có chứ…
Nghe câu nói và thấy nụ cười Sa Huỳnh đỏ mặt vì hiểu được cái ý bóng gió, xa xôi của người lính. Cúi đầu người ni cô bước nhanh vào cửa hông. Vừa ngồi xuống ghế Hoàng nghe tiếng giép lẹp xẹp rồi sư Huyền Ẩn chống gậy bước ra. Sư cụ trông già yếu và hom hem.
– Mô Phật… Bần tăng rất mừng khi gặp lại thí chủ…
– Tôi cũng mừng khi tái ngộ sư cụ… Sư cụ vẫn mạnh?
Cười nhẹ vị sư già ngồi xuống ghế đối diện với khách. Sa Huỳnh đặt hai chén trà bốc khói trước mặt thầy và khách.
– Mô phật… Hai đêm trước nghe súng nổ bần tăng biết hai bên đánh nhau. Chắc người chết nhiều lắm phải không thí chủ?
– Thưa sư cụ nhiều lắm…
– Mô phật… Tháng trước họ kéo về làng thật đông. Đánh nhau với lính của mình xong họ đóng khắp nơi trong làng. Họ lên đây tra hỏi. Thấy chỉ có tôi và Sa Huỳnh nên họ cũng không làm khó dễ nhiều. Họ chỉ bắt Sa Huỳnh đi dân công mất một tuần rồi mới cho về… Tội nghiệp…
Sư cụ thở dài sau câu nói. Còn ni cô cúi mặt làm thinh. Không khí tĩnh lặng trong nỗi buồn.
– Mô phật…Thí chủ chắc còn ở lại đây lâu phải không?
– Thưa sư cụ, tôi đoán chắc cũng mươi ngày…
– Mô phật… Để bần tăng sai Sa Huỳnh xuống làng mua ít thức ăn về nấu bữa cơm chay mời thí chủ…
Hoàng cười nói.
– Sư cụ không phải bận tâm về điều đó… Tôi xin phép cúng cho chùa chút ít…
– Mô Phật… Thí chủ có thành tâm thời chùa xin nhận…
Chuyện trò mấy câu sư cụ cáo từ lui về phòng riêng. Ngồi đối diện qua chiếc bàn quen thuộc Sa Huỳnh im lặng lắng nghe Hoàng kể chuyện lính. Anh thong thả kể những ngày mình ở Tây Ninh, rồi về An Lộc, bị thương xuýt chết, nằm nhà thương mấy tháng trời mới lành rồi sau đó đổi ra vùng 1.
– Mấy tháng ông không viết thư cho tôi làm tôi sợ quá. Tôi vừa lo, vừa buồn, vừa mừng…
Thấy Hoàng nhìn mình dò hỏi, Sa Huỳnh nhẹ giải thích.
– Tôi lo ông chết. Tôi mừng vì nghĩ ông đã quên tôi. Tôi cũng buồn vì không nhận được thư của ông. Tôi buồn vì tưởng ông quên tôi…
Hoàng cười cười.
– Sa Huỳnh buồn nhiều hay mừng nhiều?
– Không biết… Ông hỏi để làm chi vậy?
Sa Huỳnh trả lời. Ánh mắt đăm chiêu của ni cô nhìn vào khoảng không rồi tiếng nói từ từ vang lên.
– Tôi nghĩ nếu ông quên tôi chắc tôi buồn nhiều hơn vui…
Hoàng cảm thấy lòng mình rộn rã vui mừng vì câu trả lời này.
– Ni cô biết không… Sa Huỳnh biết không… Tôi bị trúng đạn ngay tim mà không chết…
– Ông nói thật… Hoàng nói thật…
– Thật mà…
Vừa nói Hoàng vừa cởi áo ra.
– Mô phật…
Sa Huỳnh chỉ biết kêu lên hai tiếng khi nhìn thấy vết sẹo dài cỡ ngón tay ngay ngực trái của Hoàng. Không nhịn được ni cô đưa tay sờ nhẹ vào vết sẹo trong lúc cười hỏi.
– Có đau không Hoàng?
Cảm thấy câu hỏi của mình hơi thân mật ni cô cười chữa.
– Bị thương có đau lắm không ông Hoàng?
– Đau chứ. Sa Huỳnh biết tại sao tôi bị thương ngay ngực mà không chết không?
– Tại sao?
Hoàng móc túi lấy ra một vật rồi cười hỏi.
– Sa Huỳnh biết vật này không?
Mặt hồng lên ni cô cười bẽn lẽn.
– Biết… Nhật ký của tôi…
Đặt quyển nhật ký lên bàn, chỉ vào một lỗ tròn cháy xám vàng Hoàng nghiêm nghị nói.
– Nhờ nó đó… Từ khi nhận được quyển nhật ký của Sa Huỳnh, tôi luôn luôn giữ nó trong túi áo bên trái của mình. Viên đạn bắn trúng quyển nhật ký dày cộm, dài mấy trăm trang. Nhờ đó tôi không chết mà chỉ bị thương. Có một điều kỳ lạ là viên đạn trúng ngay vào trang nhật ký mà Sa  Huỳnh viết ba chữ ” tôi yêu ông “. Một điều vô cùng kỳ diệu và diễm lệ nữa là viên đạn lại trúng ngay chữ ” yêu “trong ba chữ tôi yêu ông… Nhờ quyển nhật ký của Sa Huỳnh… Nhờ tình yêu của Sa Huỳnh mà tôi không chết…
Mắt rưng rưng lệ, ni cô nhìn người lính đang ngồi trước mặt mình. Phải kềm hãm lắm Sa Huỳnh mới không bật thành tiếng khóc hay nắm lấy bàn tay xạm nắng của người lính chiến.
– Tôi nghĩ Phật tổ từ bi đã phù hộ và chở che cho ông…
Dù trong thâm tâm không hẳn đồng ý nhưng Hoàng cũng gật đầu nhìn nhận. Có lẽ cảm nhận ra điều đó nên Sa Huỳnh cười tiếp.
– Ngoài ra tình yêu của ông…
Hoàng ngắt lời.
– Tình yêu của Sa Huỳnh…
Người lính biệt động quân si tình nhìn người đang đối mặt với mình qua chiếc bàn nhỏ hẹp với vẻ mê man và đắm đuối. Sa Huỳnh cúi đầu xuống để tránh cái nhìn nồng nàn tình tự đó bởi vì nó giống như thứ lửa đun sôi tình cảm trong lòng mình. Sa Huỳnh biết tình cảm của mình giống như nồi nước đang được đặt trên lò lửa mà than củi là tia nhìn. nụ cười. ánh mắt. tiếng nói của Hoàng. Hằng ngày Sa Huỳnh phải tụng kinh nhiều hơn. cầu nguyện nhiều hơn. phải lần tràng hạt nhiều hơn cầu xin Phật tổ nhiệm mầu giúp mình có đủ sức mạnh  không sa vào vòng tình nghiệt. Tuy nhiên hình ảnh của ” ông Hoàng ” vẫn sừng sững và lớn dần lên từng sát na trong tâm hồn của ni cô. Ăn cũng nhớ tới người. Lần tràng hạt cũng nhớ tới người. Đốt lửa nấu cơm cũng nhớ tới người. Bửa củi cũng nhớ ông Hoàng. Xách nước cũng nhớ tới ông Hoàng. Ni cô đang phải chịu đựng một cuộc tranh đấu dai dẳng và chật vật giữa tình yêu và tín ngưỡng. Nhiều đêm đang tọa thiền Sa Huỳnh đột nhiên thấy khuôn mặt của người lính chiến hiện ra chập chờn lay động. Nhiều lúc Sa Huỳnh phải bỏ dở dang không dám lần tràng hạt vì mỗi viên tràng hạt hầu như chứa đựng nụ cười của ông Hoàng. Người lính chiến si tình đó như ma. như quỉ cứ theo quấy phá và ám ảnh hoài hoài. Ông Hoàng như ma quỉ. không có quyền phép nhiệm mầu nhưng lại là con ma. con quỉ đáng yêu và biết yêu. Con ma đáng yêu và hiền hậu này ngày đêm thủ thỉ để chọc cho nàng cười vui trong những lúc buồn rầu và đơn độc…
Sa Huỳnh lắc đầu như cố xua đuổi một điều gì. Giọng nói của người ni cô vang lên trong căn phòng chật hẹp.
– Có thể cả ba thứ hợp lại làm thành một sức mạnh huyền nhiệm che chở cho ông, để ông còn trở lại đây gặp tôi…
– Cám ơn Sa Huỳnh…
Giơ tay lên nhìn đồng hồ Sa Huỳnh nói nhỏ. Giọng của ni cô như tiếng thì thầm dịu dàng và âu yếm bên tai người lính.
– Ông biết không ông Hoàng… Tôi thích cái đồng hồ này lắm. Mỗi lần nhìn vào mặt kiến đồng hồ tôi thấy hình ảnh của ông hiện ra. Tôi thấy ông mỉm cười với tôi…
Hoàng muốn đứng lên ôm lấy Sa Huỳnh, hôn lên cái đầu không tóc, hít thở mùi hương của chiếc áo tu hành để làm dịu đi bao nhiêu sôi nổi trong lòng mình. Tuy nhiên anh chỉ ngồi yên trên chiếc ghế bằng cây nhìn Sa Huỳnh bằng ánh mắt ngập tình tự thương yêu và kính mến. Ni cô im lặng chịu đựng và nhận lãnh cái nhìn chứa chan tình yêu của người lính si tình.
– Ông đói bụng không tôi dọn cơm cho ông ăn…
– Đói… Tôi thèm bữa cơm tương chao của Sa Huỳnh lắm…
Ni cô cười thành tiếng vui vẻ.
– Hơn tháng nay từ lúc họ về chiếm đóng ở làng tôi và sư cụ ăn toàn rau luộc chấm với chao… Lưu thông bị cắt nên không có đậu hủ. Họ lấy hết gạo của chùa nói là để nuôi lính. May là tôi biết trước nên dấu đi một ít…

1 comment:

Quang Minh said...

Cứ tưởng
Tu là cội phúc, tình là dây oan
Nào ngờ duyên nghiệp tiền căn
Nâu sòng chiếc áo không ngăn lưới tình