17
Hoàng ngừng nói. Căn phòng khách thật im lặng. Nguyễn nghe được
tiếng gió hú ngoài sân và tiếng lửa trong lò sưởi nổ tí tách. Lát sau Hoàng từ
từ kể tiếp. Giọng nói của anh nghe buồn buồn.
– Ghe đánh cá ghé vào Vũng Tàu. Tôi lại gặp Sa Huỳnh. Tuy nhiên
chúng tôi không có nhiều thời giờ với nhau vì tình hình càng ngày càng trở nên
nguy kịch. Tôi được lệnh kéo đại đội về Sài Gòn. Lần nữa chúng tôi phải chia
lìa, cách xa và có thể không bao giờ gặp lại. Đại đội hai mươi mấy người của
tôi đụng địch mấy lần trên đường trở về Sài Gòn. Dù không sợ chết, dù lính bắn
tới lúc hết đạn, tôi và đại đội cũng không thể cản được địch. Từ Bà Rịa tôi
cùng đại đội chạy bộ về Long Thành, Nhơn Trạch và Thành Thủy Hạ. Một cuộc cận
chiến diễn ra ác liệt đã làm tôi bị mù mắt. Những người lính may mắn không bị
thương đã dìu tôi và đồng đội bị thương vượt qua sông Sài Gòn về Cát Lái. Rồi
biến cố ngày 30- 4 xảy ra. Không còn cách nào hơn binh sĩ dưới quyền dẫn tôi xuống
tàu ra biển…
Hoàng ngừng kể. Không khí im lặng trừ tiếng lửa cháy trong lò sưởi
và tiếng thở của bé Tâm Ấn. Uống ngụm bia Hoàng nói nhỏ.
– Sông Thu… Em hãy kể cho anh Nguyễn nghe tiếp đoạn cuối chuyện
tình của anh với ni cô Sa Huỳnh…
Hoàng hôn nhẹ vào má của vợ như thúc hối. Sông Thu ngồi dậy. Giọng
nói thánh thót của nàng hòa lẫn trong tiếng gió hú ngoài sân.
– Sau khi chia tay với Hoàng ở Vũng Tàu Sa Huỳnh sống những ngày
dật dờ mộng tưởng. Nàng lười ăn biếng ngủ, quên giờ tụng kinh, đốt nhang lễ Phật.
Ngày ngày nàng leo lên tượng Thích Ca Phật Đài ngó mong con đường dẫn về Long
Thành, mõi mắt hoài trông một người đã đi bạt ngàn xa. Nàng gọi tên người đó.
Nàng khóc âm thầm và lặng lẽ. Ni cô Sa Huỳnh bây giờ chỉ là người, thật người,
khổ đau vì tình. Bây giờ nàng mới thấm thía hai chữ tình nghiệt mà sư cụ cố gắng
giải thích cho nàng nghe. Than ôi… Chậm mất rồi. Muộn quá rồi. Người lính chiến
tên Hoàng đã trở thành một thực thể, một hiện hữu không thể bôi xóa. Rồi nàng
phải làm sao, phải làm gì khi đời sống tu hành của nàng bị xáo trộn. Khi mà câu
kinh tiếng kệ không còn đủ sức mạnh để lấn át tiếng cười, giọng nói của Hoàng.
Sáng ngày ba mươi tháng tư năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm.
Sa Huỳnh nhớ không bao giờ quên. Ngày thành phố Vũng Tàu bắt đầu thấp thoáng
bóng những người lính xa lạ, lạnh lùng và vô tình cảm. Sa Huỳnh biết mình phải
ra đi vì không thể sống với những người mà nàng sợ hãi. Nàng lặng lẽ dìu sư cụ
xuống bãi biển. Thương hại kẻ tu hành người chủ thuyền cho nàng và sư cụ một chỗ
trong góc. Trời nước mênh mông. Sa Huỳnh gọi thầm trong trí não tên Hoàng. Nước
mắt của nàng nhỏ xuống lòng đại dương đen thẳm. Nàng biết sẽ không bao giờ gặp
lại Hoàng.
Tạm trú ở đảo Guam Sa Huỳnh không biết làm gì hơn cho qua ngày
tháng trống rổng là tham gia phái đoàn Phật giáo đi ủy lạo đồng bào tị nạn. Một
bữa tới thăm khu quân nhân và gia đình của họ, nàng lịm người đi vì hình ảnh của
một người. Đơn độc. Bơ vơ. Ngác ngơ. Hốc hác. Hoàng của nàng ngồi đó…
– Hoàng…
Tiếng kêu tắt nghẹn. Người lính biệt động ngơ ngác. Đôi mắt nồng
nàn tình tự yêu thương không còn nữa..
– Xin lỗi ai gọi tên tôi…
Sa Huỳnh bật khóc.
– Hoàng… Hoàng… Tôi là Sa Huỳnh… Ni cô Sa Huỳnh…
Giọng người lính chiến nghèn nghẹn.
– Thưa ni cô vẫn mạnh…
Hoàng đưa tay ra. Sa Huỳnh nắm lấy bàn tay chai cứng đặt lên mặt
mình. Hai dòng nước mắt từ từ ứa ra trên khuôn mặt gầy gò và hốc hác của người
lính tật nguyền.
Từ đó mỗi ngày. Sáng. Trưa. Chiều. Tối. Sa Huỳnh tới lui thăm viếng
và chăm sóc cho người lính chiến tật nguyền. Nàng lo cho Hoàng từng bữa cơm, giặt
giũ quần áo, dìu Hoàng ra bãi biển ngồi ôn lại chuyện cũ. Rồi một hôm Sa Huỳnh
được tin mình có tên trong danh sách chuyến bay sang Mỹ. Tâm hồn nàng ngổn
ngang. Đầu óc nàng rối rắm. Rồi Hoàng sẽ ra sao. Hoàng sẽ làm gì với đôi mắt đã
mù. Còn ai lo cho Hoàng miếng ăn. Còn ai lo cho Hoàng manh áo. Rồi ai sẽ dắt
dìu Hoàng vào đời sống lạ xa nơi đất khách quê người. Nàng không thể nào thanh
thản, bình yên để tu hành khi nghĩ tới hoàn cảnh của người mà mình yêu thương.
Nàng đi tu là để làm vơi nỗi khổ đau của chúng sinh. Hiện giờ, ngay tại đây, có
một người đang khổ sở và rất cần sự giúp đỡ của nàng. Hoàng đã từng hy sinh mạng
sống che chở và giúp đỡ cho nàng. Bây giờ chính là lúc nàng phải hy sinh để đền
đáp. Sa Huỳnh suy nghĩ, cân nhắc, so đo và sau cùng đi tới một quyết định. Ni
cô Sa Huỳnh cởi bỏ áo tu hành để thành Hồ Thị Sông Thu…
Nguyễn thở dài không phải vì buồn mà vì nhẹ nhỏm và vui mừng.
Sông Thu nhìn chồng mỉm cười. Nụ cười của nàng tắm đẵm hạnh phúc. Thứ hạnh phúc
hình thành từ tình yêu chân thật nhất. Lửa tàn dần. Hình ảnh của ni cô nhạt mờ
lung linh.
Ba hôm sau Nguyễn từ giã Hoàng với Sông Thu. Anh cảm thấy lòng
thanh thản vì biết dù hai mắt bị mù Hoàng đã có một kẻ đồng hành lý tưởng cho
quãng đời còn lại của mình.
Thu 1990
chu sa lan
1 comment:
Sa Huỳnh, câu chuyện rất hay và hấp dẫn. Ngoài sự diễn tả cuộc chiến đẫm máu thật tàn khốc giữa Biệt động quân và quân cộng sản trong những ngày cận kề 30/4/1975, nói lên sự chiến đấu anh dũng bất khuất của QLVN cộng hòa nói chung, và các quân binh chủng nói riêng .Kèm với sự chiến đấu oai hùng là những mối tình thật đẹp và mơ mộng khiến cho câu chuyện thêm ngọt ngào diễm tuyệt nhất là ẩn chứa sự liên quan mật thiết giữa đời và đạo
Chu Lan Sa có kiến thức Phật giáo rất là sâu sắc. Giữa Sa Huỳnh và Hoàng đã có Duyên Nghiệp gắn bó từ trước
Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không
Phải chăng duyên kiếp vợ chồng
Dù cho cách núi ngăn sông không rời
Dù cho máu đổ thịt rơi
Cuối cùng rồi cũng nên đôi vợ chồng
Cám ơn tác giả đã viết câu chuyện thật hay.
Cám ơn cô chủ vườn đã post bài
Post a Comment