Monday, November 1, 2010

Nhạc Sử Tình Ca Lam Phương - Thành phố buồn




_________________

Lý Minh Hào



«J’entends ta voix vibrer dans tous les bruits du monde.”
Paul Eluard


Tại Việt Nam trước năm 1975, trong số những sáng tác của Nhạc Sĩ Lam Phương có hai ca khúc nổi nhất là Duyên Kiếp và Thành Phố Buồn. Hai ca khúc trên ra đời cách nhau khoảng trên dưới mười năm nhưng đều là top hit, tức loại nhạc thời trang được đa số giới thưởng ngoạn chào đón nồng nhiệt một thời gian nào đó rồi trở thành bất tử hay chìm dần vào quên lãng. Số phận ca khúc ra sao thường còn tùy thuộc vào giá trị nghệ thuật của bài hát hoặc tâm cảnh, tức tâm trạng trong lòng và hoàn cảnh cuộc sống ngoài đời.

Riêng với ca khúc Thành Phố Buồn , có thể nói, đạt thành công trên nhiều phương diện. Thành Phố Buồn là ca khúc thịnh hành và phổ thông trong đa số quần chúng miền Nam Việt Nam hoặc được nghe lén bởi lính bộ đội xâm nhập và nằm trong các chiến khu, bưng biền dưới lằn ranh vĩ tuyến 17. Kế tiếp, Thành Phố Buồn là ca khúc trở thành thương nhạc (commercial music) đứng đầu thị trường in ấn, thu dĩa hát, thu băng nhựa, làm nhạc nền cho phim ảnh, kịch nghệ. Một lần đọc báo có đề cập tới Thành Phố Buồn, thấy ký giả bài báo có nêu lên con số 12 (mười hai) triệu đồng (tiền miền Nam trước 1975) tác quyền mà tác giả Lam Phương thu được từ ca khúc này thì cá nhân chúng tôi bán tín bán nghi nên gọi Nhạc Sĩ Lam Phương để phối kiểm. Lam Phương có xác nhận con số « 12 triệu đồng » đó (cuộc điện đàm đã được một người bạn đồng hương là Huỳnh Văn M. cùng ngồi nghe). Sau hết, Thành Phố Buồn là một bản nhạc hay, nếu chưa dám nói là có giá trị nghệ thuật âm nhạc. Trước năm 1975, có một cô gái người Hoa không rành tiếng Việt nhiều lần khen ngợi hết lời bài Thành Phố Buồn mà cô ta mê thích ngang ngửa với « Mùa Thu Lá Bay » của phim ảnh Hồng Kông đã được xem như « Love Story thứ 2 » đối với người Á Đông mê phim và nhạc. Đã qua hơn ba mươi năm, Thành Phố Buồn nay vẫn còn đứng vững cùng phong sương (đổi nơi, đổi đời) và tuế nguyệt (thời gian) qua sự ưa thích của giới yêu nhạc và số lần thu âm Thành Phố Buồn dưới nhiều hình thức khaác nhau.

Thành Phố Buồn của Lam Phương buồn từ điệu nhạc tới lời ca. Tuy không buồn tê tái, thê thảm như Les Feuilles Mortes, Sombre Dimanche nhưng Thành Phố Buồn làm người nghe ngậm ngùi, xúc cảm… thương người rồi lại thương ta mỗi lần nghe tới điệp khúc tơ tình đứt đoạn:

Rồi từ đó chốn phong ba
Em làm dâu nhà người…
Âm thầm anh tiếc thương đời
Đau buồn em khóc chia phôi…

Qua tâm tình với Nhạc Sĩ Lam Phương, cá nhân chúng tôi được biết rõ hơn bối cảnh và tâm cảnh của bản tuyệt tình ca Thành Phố Buồn. Bối cảnh là thành phố cao nguyên Đà Lạt khoảng năm 1973 khi tác giả đi dạo đường đồi Đà Lạt thấy làn khói trắng lò sưởi tỏa lên từ ngôi biệt thự của vị phế vương là Cựu Hoàng Bảo Đại và khói trắng chậm buồn tan dần vào không gian như phận người hóa kiếp hay chìm vào hư vô giữa cảnh trí Đà Lạt đồi thông xanh ngát màu tình yêu, như lời thơ thi sĩ Hồ Mộng Thiệp mô tả Đà Lạt:
ẩn hiện lưng đồi từng biệt thự

Mơ màng thông quyện khói lam bay…
Gió dậy về đây tự cuối ngàn
Hôn ngàn hoa nở, mọng sương tan
Lầu cao thiếu nữ bao la ngắm
Ấp ủ tim non áo ngự hàn (Đà Lạt Bình Minh)

Lam Phương đã dạo nhẹ cung đàn trong thành phố tình tứ Đà Lạt với xúc cảm dạt dào hát khẽ lời âu yếm như ru người yêu trong vòng tay:

Thành phố nào, nhớ không em?
Nơi chúng mình tìm chút êm đềm
Thành phố nào vừa đi đã mỏi?
Đường quanh co quyện gốc thông già
Chiều đan tay nghe nắng chan hòa
Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em
Mắt em buồn trong sương chiều anh thấy đẹp hơn…

Thành phố tình yêu đó trong thời kỳ tình yêu hoa mộng chớm nở là thành phố hạnh phúc, thành phố đẹp của những đôi tình nhân. Bóng giáo đường, tiếng kinh cầu, chuông lễ nhà thờ ngày cuối tuần trở thành lâu đài tình ái, chứng nhân cho mộng ước tình yêu trăm năm, hôn nhân muôn thuở. Hôn nhân bền chặt và tình yêu kết ước là thứ điệp khúc mà cuộc tình nào, đôi lứa yêu nhau nào trong cõi nhân gian này đều từng hát lên, đều cầu khẩn:

Thành phố nào, nhớ không em?
Ngày Chủ Nhật, ngày của riêng mình
Thành phố buồn nằm nghe khói tỏa
Người lưa thưa chìm dưới sương mù
Quỳ bên em trong góc giáo đường
Tiếng kinh cầu dệt mộng yêu đương
Chúa thương tình sẽ cho mình mãi mãi gần nhau.

Tình yêu thệ ước giữa chốn thông ngàn, núi xanh, mây trắng, ngắm hồ nước làm gương soi đối mặt nơi thành phố thơ mộng miền cao vẫn bàng bạc trong thi nhạc tình yêu Việt Nam:

Tâm tư lặng lẽ gởi thông ngàn
Nước hồ in bóng áng mây tan
Về đây anh hỡi cùng than thở
Đừng để mình em mãi thở than…

Nhưng rồi lời hải thệ sơn minh không giữ được. Tình yêu thệ ước trở thành tình yêu bội ước:

Ngăn cách muôn trùng bóng núi xanh
Hững hờ mây trắng phủ mong manh
Thiên thu e ấp trang trinh nữ
Muốn hóa thân này chờ đợi anh (Nguyễn Thị Ngọc Dung)

Nhưng hợp đồng tình yêu trong Thành Phố Buồn của Lam Phương đã gẫy trong tình cảnh không kém đau xót sau cơn sóng gió tình yêu: người con gái đành phải về làm dâu nhà người không yêu trong nước mắt chia phôi. Vết thương tình yêu của người còn lại chắc cũng không mau lành mặc dù lời nhạc Lam Phương không buồn lắm nếu chỉ được nghe một câu duy nhất sau đây mà không nghe nhiều câu hay toàn bài ca:

Anh về gom góp kỷ niệm tìm vui

Thực ra cách tìm vui của một kẻ thất tình bằng gom góp kỷ niệm, mảnh vỡ của tình yêu chẳng khác chi tiếng cười của người thất chí, ngôn ngữ của người say, cách lộng ngôn của người điên. Đó là vui trong ê chề; vui ngoài mặt, khóc trong lòng. Nỗi ê chề tệ hại ở một người đàn ông phải chịu một thứ tội cả đời không được ân xá là tội không tìm được hạnh phúc trong tình yêu, như nhà văn Borges triết lý: “Tôi đã phạm cái tội xấu xa nhất mà một người đàn ông có thể vướng mắc: Tôi đã không được hạnh phúc.” (I have committed the worst sin of all that a man can commit: I have not been happy). Còn thi sĩ Tản Đà dùng chữ nghĩa trào lộng pha một chút ngông cuồng để tự giễu mình như kẻ bại vì tình:

Vì ai tớ phải lênh đênh
Nặng lắm em ơi một gánh tình!
Đoạn kết của bài Thành Phố Buồn hết sức buồn: đường tình sụp lỡ, sỏi đá u buồn, phố phường hoang vắng, chuông chiều thê lương:

Thành phố buồn lắm tơ vương
Cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn
Và con đường ngày xưa đã lỡ
Giờ không em sỏi đá u buồn
Giờ không em hoang vắng phố phường
Tiếng chuông chiều chầm chầm thê lương
Tiễn đưa người quên núi đồi, quên cả tình yêu.

Trong số ca khúc tình yêu dang dở “gần gũi” nhất với Thành Phố Buồn của Lam Phương là bài “Ngày Buồn”. Nghe thêm “Ngày Buồn” nếu nỗi buồn trong Thành Phố Buồn như chưa nói hết lời chia ly sau tiếng chuông chiều giáo đường thê lương tiễn đưa người thất tình lìa xa thành phố núi đồi một thời lưu dấu những bước chân tình yêu:

Còn gì nữa đâu mà khóc với sầu
Còn gì nữa đâu mà buồn với nhớ...
Mộng lòng chết theo rượu nồng pháo cưới
Thôi hết rồi, em đã về vui với người.
Xa nhau muôn đời, buồn này giẫm nát hồn tôi.

Để riêng tặng người nhạc sĩ tài hoa, nay sống trong hoàn cảnh cô liêu, xin ghi lại đây đoạn thơ trích từ bài “Nhật Ký Cho Một NgườI” mà nhà văn Sơn Nam tình cờ đọc được trong quyển đặc san mua trên chuyến phà Mỹ Thuận:

Một mình em, ai ghép nhạc vào thơ
Ai sẽ giúp thời gian quay trở lại?
Căn phòng nhỏ, chiếc ghế êm ngày ấy
Anh không về, đơn chiếc phủ bờ vai…

Tác giả Thành Phố Buồn đang buồn, nhưng chắc gì người khác vui??

LÝ MINH HÀO

No comments: