Chuyện của ngày xưa
Nghe tin cụ Nguyễn Trung Trực bị giặc Pháp đem ra xử chém vào ngày 28 tháng Tám (âl) năm 1868, dân chúng tỉnh lỵ Rạch Giá đều bàng hoàng xúc động. Không ai bảo ai, tất cả đều chuẩn bị cho cuộc tiễn đưa người anh hùng dân tộc với lòng đầy thương tiếc. Và chính những người dân Tà Niên đã đi đầu trong việc chuẩn bị cho cuộc tiễn đưa lịch sử này. Họ mang hàng trăm chiếc chiếu bông, sản phẩm tiêu biểu của làng nghề địa phương, đến lót đường cho Cụ đi ra pháp trường. Để có những chiếc chiếu này, người dân Tà Niên đã không quản ngại thức trắng nhiều đêm liên tục để dệt. Những tấm chiếu mang nặng nghĩa tình mà như thắm đượm cả mồ hôi và nước mắt của bao người dân đất Tà Niên. Loạt chiếu này ở giữa có một vòng tròn, trong vòng tròn có một chữ Thọ màu đỏ tươi, đồng bào muốn chúc thọ cụ Nguyễn. Chiếu Tà Niên đã đi vào sử sách liên quan đến cuộc đời người AHDT Nguyễn Trung Trực như vậy và đã được lưu truyền đến ngày nay.
Sự phồn thịnh một thời
Cách thành phố Rạch Giá khoảng 6km về phía Quốc lộ 63 là xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành có một làng nghề dệt chiếu mà người dân trong vùng vẫn quen gọi “chiếu Tà Niên”. Chiếu Tà Niên đã đoạt nhiều huy chương vàng qua những cuộc đấu xảo thời thuộc Pháp và ngày nay chiếu Tà Niên vẫn là mặt hàng nổi tiếng của Kiên Giang. Chiếu Tà Niên là vật dụng thân thiết với con người trong cuộc sống hàng ngày, sản phẩm từng có mặt ở nhiều nơi, được khách hàng ưa chuộng.
Bà Lê Thị Sa (60 tuổi) là thợ dệt chiếu khéo nhất tay trong ấp Tà Niên hiện nay. Trung bình mỗi ngày bà và các con dệt được từ 2 đến 3 chiếc chiếu đôi, trong khi đó những người thợ thường chỉ dệt được từ 2 đến 3 chiếc đơn. Đồ nghề của người thợ dệt chiếu là 2 bộ khung dệt với đôi bàn dập bằng gỗ lên "nước" bóng loáng và mấy đôi que để xâu sợi lát. Bà Sa thường là người đảm trách khâu luồng dây mỗi khi bắt đầu dệt. Là "con nhà nghề", bà được truyền đạt những kỹ thuật và đức tính kiên trì, cần cù của người thợ dệt chiếu, chính vì vậy mà hiện nay bà được bà con trong ấp tôn vinh lên vị trí "thợ cả". Để dệt nên những chiếc chiếu khít sợi, dầy, bền chắc, phối màu hài hòa... bà Sa cũng như những người thợ dệt chiếu phải kiên trì thực hiện từng công đoạn rất tỷ mẫn, công phu. Cây lát sau khi thu hoạch về phải tước bỏ phần ruột, phần lá; sau đó tẽ thành 2 đến 3 sợi nhỏ; phơi khô 3 nắng rồi đem chia làm 2 phần: một phần để nguyên, một phần được nhuộm màu, sau khi nhuộm màu đem đi phơi khô thêm một nắng nữa rồi mới đem vào dệt. Nghề dệt chiếu đã được nhiều hộ ở Tà Niên, trong đó có cả người Khmer, duy trì đến ngày nay. Không chỉ gia đình bà Sa mà nhiều gia đình trong ấp có đến 3 đời làm nghề dệt chiếu. Đã có một thời nghề dệt chiếu là niềm tự hào của bà con Tà Niên, nó đã ăn lên làm ra và giúp bao gia đình thoát cảnh đói nghèo, thế nhưng trong cơ chế thị trường nhiều gia đình không duy trì được nghề đã chuyển sang nghề khác và đành gác khung dệt. Về Tà Niên trong những ngày này thấy nghề dệt chiếu lại rội rã vì trong dịp Lễ hội kỷ niệm 140 năm ngày mất của AHDT Nguyễn Trung Trực, làng dệt chiếu Tà Niên sẽ xác lập kỷ lục chiếc chiếu dài nhất Việt Nam do bà Sa và các con là người thực hiện, chiều ngang chiếc chiếu 1,8m, dài 45 mét.
Nghề chiếu trong cơ chế thị trường
Trong bối cảnh một số nghề truyền thống Kiên Giang (trong đó có nghề dệt chiếu Tà Niên) đang bị mai một dần, qua sự kiện này hy vọng làng chiếu Tà Niên sẽ phục hồi. Muốn vậy trước hết nhà nước cần hỗ trợ tổ chức lại quy mô sản xuất, quy hoạch vùng trồng nguyên liệu, tổ chức truyền dạy kỹ thuật sản xuất theo mẫu mã phù hợp với nhu cầu thị trường và ổn định đầu ra cho sản phẩm. Nếu được nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân có năng lực liên kết đỡ đầu tiêu thụ sản phẩm đồng thời kết hợp khai thác du lịch ở địa phương thì nghề dệt chiếu Tà Niên nhất định sẽ được hồi sinh.
Thế Hạnh-Công Ba
|
1 comment:
đọc bài chiếu Tà Niên mà tai tôi nghe văng vẳng tiếng hát của Út Trà Ôn trong 6 câu vọng cổ" Tinh Anh bán chiếu".Lúc trước chiếu rất thịnh hành ở thôn quê cũng hư ỏ thành thị.Chiếu được trải trên giường tre,bộ ván gỏ ở thôn quê;còn ở thành thị chiếu được trải trên giường có vạc bằng váng dầu .Ngày nay chỉ một số ít ở thôn quê dùng chiếu,còn ở thành thị thì dứt hẳn từ lâu.
Đó là ý kiến của tôi để cám ơn bài viết về xuất xứ và cách làm của chiếu Tà Niên..BẠN LÁNG GIỀNG
Post a Comment