6
Sau khi khám lần cuối cùng vị đại úy bác sĩ quân y hỏi Hoàng.
– Em có gia đình ở Sài Gòn không?
– Thưa bác sĩ có… Nhà tôi ở Tân Định…
– Vết thương phải hơn tháng mới lành hẵn… Anh cho em về nhà nghỉ.
Đầu tháng tái khám rồi sau đó em sẽ về lại đơn vị cũ…
Cầm tờ giấy xuất viện ra khỏi tổng y viện Cộng Hòa, Hoàng gọi xe
ôm chở mình về nhà. Mẹ anh khóc mùi khi thấy đứa con trai độc nhất của mình trở
về với cái chân bó bột.
– Như vầy còn hên đó mẹ…
Ôm người mẹ thương yêu vào lòng Hoàng vỗ về.
– Ít nhất con cũng được ở nhà với mẹ một tháng nữa…
– Vậy hả… Con thèm ăn gì mẹ nấu cho con ăn…
– Cháo vịt…
Hoàng nói liền không do dự. Xoa đầu con trai mẹ Hoàng xách giỏ
đi chợ. Còn lại một mình Hoàng chống nạng đi vào phòng ngủ. Đồ đạc vẫn y
nguyên. Chiếc giường nệm của Hoàng được trải ra phẳng phiu. Những cuốn tiểu
thuyết nằm ngăn nắp trên kệ sách. Chút bụi mờ phủ lên vì mấy năm rồi không có
ai đụng tới. Cái bàn viết cũ kỹ. Cái ghế cũ vẫn còn đó. Nền gạch bông sạch
bóng. Từ khi Hoàng đi lính mẹ sống thui thủi một mình. Chiều hôm đó vừa ăn cháo
vịt chấm nước mắm gừng, Hoàng kể cho mẹ của mình nghe chuyện lính. Anh đem những
chuyện vui ra kể nhiều hơn khiến cho mẹ cười sặc sụa tạm quên nỗi lo sợ khi thấy
đứa con yêu bị thương.
Hoàng thức giấc vì tiếng chim cu gáy trên tàng cây vú sữa bên
hông nhà. Không khí thật im lặng. Má đã đi làm từ sáng sớm. Nhìn đồng hồ chỉ 2
giờ chiều Hoàng uể oải ngồi dậy. Đánh răng rửa mặt xong anh chậm chạp thay quần
áo. Năm ngày ru rú trong nhà khiến cho anh cảm thấy buồn chán nhất là nghĩ ngợi
và nhớ tới người ni cô nhiều hơn. Đêm trở trăn. Đêm chập chờn. Anh mơ thấy
khuôn mặt của ni cô. Anh mơ nụ cười. giọng nói. Trong giấc mơ tình si anh ngửi
được mùi hương tỏa ra từ chiếc áo nâu sòng. Anh cảm nhận được sự ấm êm. dịu
dàng toát ra từ bàn tay mủm mỉm với những ngón tay nuột nà. Buổi chiều ngồi
trong nhà nhìn chút nắng dọi ngoài sân anh nhớ mái tranh xám mốc rêu phong của
chùa Sa Huỳnh. Anh nhớ cái giếng nước trong. Đôi mắt thăm thẳm sâu buồn của ni
cô khi nhìn mình lần đầu tiên. Anh nhớ ni cô. Anh cần gặp ni cô. Anh phải nhìn
khuôn mặt. Anh cần phải được nghe ni cô nói. trò chuyện hỏi han. Anh muốn được
sự săn sóc. chiều chuộng của ni cô khi biết anh bị thương. Anh muốn nhõng nhẽo
với ni cô. Anh muốn đem vết thương ở chân để đánh động lòng thương của ni cô.
Đó là lý do khiến anh ra khỏi nhà. Hoàng nhớ tới chị Hạnh, người chị bà con cô
cậu với mình. Hạnh làm ở Air Việt Nam. Anh định nhờ Hạnh mua dùm vé máy bay đi
Qui Nhơn. Xe ôm chở anh tới tận nhà chị Hạnh ở Bà Chiểu. Cả nhà mừng rỡ la lối
om xòm khi thấy cái chân băng bột của Hoàng. Cô Ba ứa nước mắt vì đứa cháu ruột
thịt bị thương. Thăm hỏi hồi lâu Hoàng mới nói với chị Hạnh.
– Em tính nhờ chị mua dùm vé máy bay…
– Em mua vé máy bay đi đâu?
– Đi Qui Nhơn…
Nhìn Hoàng, Hạnh cười chúm chiếm.
– Em bị thương mà đi Qui Nhơn làm gì?
– Thăm bạn
– Bạn trai hay bạn gái?
Hoàng do dự chưa chịu trả lời chị cười tiếp.
– Thăm bồ phải không. Nói thiệt đi…
Hoàng cười gật đầu.
– Em muốn chừng nào đi?
– Ngày mai…
– Gấp vậy… Bộ nhớ lắm hả?
Hoàng cười gật đầu.
– Em ở chơi ăn cơm chiều đi. Em mua vé máy bay làm chi cho tốn
tiền. Một lát anh Thăng về chị nói với ảnh dẫn em vào bộ tư lệnh không quân đi
máy bay quân sự nhanh hơn và không tốn cắc nào…
Tới chiều trong lúc ăn cơm chị Hạnh nói với chồng về chuyện
Hoàng muốn đi Qui Nhơn thăm bồ. Anh Thăng vui vẻ bảo Hoàng.
– Một hồi anh chở em về nhà sửa soạn quần áo xong trở lại đây ngủ
rồi sáng mai anh đưa em vào Tân Sơn Nhất lên máy bay đi Qui Nhơn. Máy bay của
không quân đi Qui Nhơn mỗi ngày. Thăm bồ hả… Chừng nào cưới đây để cho tụi này
chuẩn bị…
Hoàng cười trả lời.
– Chắc còn lâu… Cô ta đang học đệ nhị…
Thăng cười hề hề nói với Hoàng.
– Anh có người bạn làm ở căn cứ Phù Cát. Cần giúp đỡ chuyện gì
em cứ kiếm trung úy Ngân…
9 giờ sáng. Hoàng tới Phù Cát. Nhớ lời Thăng dặn Hoàng hỏi thăm
trung úy Ngân. Biết được ý định của Hoàng, Ngân vui vẻ lấy xe jeep chở Hoàng ra
bến xe đò đi Quảng Ngãi. Ngồi trong lòng chiếc xe đò cũ kỹ, chật hẹp và dơ dáy
Hoàng vui mừng lẫn hồi hộp. Tưởng tượng tới lúc ni cô trợn tròn đôi mắt long
lanh với vui mừng và ngạc nhiên khi gặp lại mình, Hoàng cảm thấy lòng ấm áp lạ
thường. Ni cô sẽ ứa nước mắt vì cái chân bó bột của mình. 12 giờ trưa xe lại dừng
ở Phù Mỹ. Hoàng nghe lòng mình xôn xao. 2 giờ trưa xe dừng ở Bồng Sơn. Rồi Tam
Quan. Hít thở không khí nồng mặn mùi muối biển và rong rêu anh cảm thấy mùi
hương quen thuộc của chiếc nâu sòng của ni cô. Sa Huỳnh. Ôi ngôi làng thân yêu
vẫn không có gì thay đổi. Một vài người dân vẫn còn nhớ mặt anh. Họ vồn vả thăm
hỏi và chúc anh mau bình phục.
Đứng dưới chân đồi thấp. Hoàng như ứa nước mắt khi nhìn mái chùa
rêu phong. Anh chống nạng lê từng bước chậm chạp leo lên đỉnh đồi. Bước chân
xôn xao. Ý nghĩ lộn xộn. Mừng vui pha lẫn nghẹn ngào. Hoàng bước nhanh
hơn. Cỏ non quyện chân anh như chào hỏi. Chim hót như đón mừng. Trời xanh. Mây
trắng. Cây cổ thụ già nua hiện ra trong tầm mắt. Từng bước… Từng bước. Hoàng dừng
lại nơi chiếc cổng xiêu vẹo để nghỉ mệt. Đốt điếu thuốc, hít hơi dài anh chợt
nghe tiếng chuông chùa vọng lên rời rạc và buồn buồn. Chống nạn lần ra bên hông
chùa Hoàng dừng lại bên giếng nước. Cúi nhìn màu nước long lanh Hoàng khe khẽ
thở dài.
– Ông Hoàng…
Hai tiếng thôi. Hoàng lịm người. Khuôn mặt. Đôi mắt. Nụ cười.
Bàn tay. Bộ áo nâu sòng. Ni cô đứng đó bằng xương bằng thịt. Dịu dàng như nắng
sớm buổi bình minh. Rực rỡ như nắng trưa mùa hè.
– Ni cô…
Hoàng nghẹn lời. Hai người nhìn nhau. Không gian tĩnh lặng. Thời
gian ngưng đọng. Trong phút giây vượt ra ngoài không gian và thời gian, hai người
nhìn nhau, nói biết bao nhiêu điều mà ngôn từ của trần thế không đủ khả năng để
diễn tả. Cuối cùng Hoàng lên tiếng.
– Ni cô khỏe không?
– Khỏe… Còn ông?
Nhìn cái chân bó bột của Hoàng, ni cô ứa nước mắt.
– Mô Phật… Tôi tưởng không khi nào gặp lại ông nữa…
Hoàng nheo mắt cười.
– Tôi nói với ni cô là tôi sẽ trở lại thăm ni cô mà…
Dường như không thể dằn được cảm xúc, ni cô nói bằng giọng nghẹn
ngào.
– Tôi cám ơn ông…
– Tôi nhớ ni cô…
Hoàng nói nhỏ. Ni cô gật đầu.
– Tôi cũng nhớ ông…
Ngừng lại nhìn Hoàng, ni cô nói tiếp với giọng nhuốm chút bông
đùa.
– Chắc ít hơn ông nhớ tôi… Mời ông vào chùa gặp sư cụ. Người
mong được gặp ông lắm…
Thấy Hoàng đi khập khiểng với cây nạng ni cô nói bằng giọng săn
sóc.
– Ông mệt lắm phải không?
– Không… Được thấy mặt ni cô tôi hết mệt rồi…
Hoàng nói một câu rất thành thực với lòng mình. Ni cô cúi mặt xuống
như để che dấu điều gì. Hai người bước vào hậu liêu.
– Ông ngồi xuống ghế đi… Tôi rót cho ông chén trà nóng rồi tôi
đi mời sư cụ ra gặp ông…
Lát sau có tiếng giép lẹp xẹp rồi sư Huyền Ẩn chống gậy tre đi
ra.
– Mô Phật… Thí chủ trở lại thăm viếng khiến cho bần tăng mừng lắm…
Ni cô đỡ cho sư cụ ngồi xuống ghế xong rót nước trà.
– Thưa sư cụ… Tôi nghĩ tôi với sư cụ còn có chút duyên…
Sư Huyền Ẩn cười khẽ. Còn ni cô cũng mỉm cười khi hiểu được câu
nói nhiều ẩn ý của Hoàng. Lục trong ba lô Hoàng lấy ra một hộp trà đặt trước mặt
sư cụ.
– Tôi có chút quà mọn xin biếu sư cụ…
– Thí chủ có thành tâm bần tăng xin nhận lãnh… Bần tăng không khỏe
trong người vậy xin gặp thí chủ vào bữa cơm chiều…
Sư Huyền Ẩn cáo từ lui vào phòng riêng chỉ còn lại ni cô và
Hoàng ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn nhỏ. Hớp ngụm nước trà Hoàng cười nhìn
ni cô.
– Tôi có quà cho ni cô…
– Ông mua cái gì cho tôi…?
Ni cô sắm nắm hỏi. Dường như sự trở về của Hoàng gây xúc động mạnh
mẽ trong lòng ni cô. Do đó người có thái độ cũng như cử chỉ trìu mến và thân mật
hơn. Lục trong ba lô của mình Hoàng đưa cho ni cô cái hộp nhỏ. Mở nắp ra ni cô
tròn mắt khi nhìn thấy món quà của mình.
– Sao ông biết tôi cần và tôi muốn cái đồng hồ…
– Tôi đọc được ý tưởng của ni cô bằng thần giao cách cảm…
Hoàng đùa. Ni cô hứ tiếng nhỏ.
– Ông xạo…
Mân mê chiếc đồng hồ đeo tay xinh xắn hiệu Seiko, ni cô thì thầm.
– Ông đeo vào tay dùm tôi đi…
Ni cô đưa tay ra. Hoàng cảm thấy tâm hồn giao động và ngất ngây
khi cầm lấy bàn tay mềm mại, ấm áp với cổ tay mủm mỉm và xinh xắn của ni cô.
Tim đập thình thịch, người nóng dần lên, anh run rẩy đeo chiếc đồng hồ vào tay
của ni cô. Điều mà anh cũng cảm thấy là bàn tay của ni cô run nhè nhẹ, ánh mắt
sáng long lanh vẻ vui mừng và thiết tha.
Lật tay qua lại mấy lần để ngắm nghía xong ni cô cười đùa.
– Đẹp quá… Tôi không ngờ một người lính chiến như ông cũng có óc
thẩm mỹ…
– Nhìn ra cái đẹp của ni cô là tôi có óc thẩm mỹ nặng lắm…
Hoàng cười nói một câu bông đùa pha chút tán tỉnh khiến cho ni
cô phải đỏ mặt. Tuy nhiên ni cô lại tỏ ra sung sướng và nhất là không giận dữ.
Điều đó cho Hoàng biết tâm tình của ni cô đã thay đổi với chiều hướng có lợi
cho mình. Nhìn chăm chú ni cô, Hoàng nói với giọng nửa cầu khẩn nửa trang trọng.
– Thưa ni cô tôi có một yêu cầu…
– Tôi xin nghe ông nói…
– Tôi muốn gọi ni cô bằng tên. Chứ nói chuyện mà một điều ni cô
hai điều ni cô tôi thấy bất tiện quá…
– Ông thực sự không thích gọi tôi bằng ni cô hay ông không thích
tôi là ni cô?
Ni cô cười vặn và Hoàng cũng cười nhún vai.
– Tôi không thích cả hai thứ…
– Vậy thì ông đặt cho tôi cái tên đi…
– Sa Huỳnh… Tôi muốn đặt cho ni cô tên Sa Huỳnh…
Ni cô mỉm cười.
– Tôi thích cái tên ngộ nghỉnh này. Bây giờ ông ngồi đây để tôi
đi nấu cơm…
– Tôi muốn nhìn Sa Huỳnh nấu cơm…
Chưa vội quay lưng đi ni cô nói nhỏ vào tai của Hoàng. Giọng của
Sa Huỳnh gần như là năn nỉ.
– Ông cứ tự nhiên. Tôi biết là tôi không cấm được ông chuyện đó…
Tuy nhiên sư cụ mà nghe được người sẽ buồn lắm. Hay là ông gọi tên tôi chỉ khi
nào có mặt ông với tôi… Tôi năn nỉ ông…
Hoàng cười gật đầu.
– Tôi xin vâng lệnh Sa Huỳnh…
Ni cô Sa Huỳnh lắc đầu. Nét mặt của ni cô thoáng hiện chút buồn
rầu nhưng người lính chiến không thấy được. Anh đang vui mừng và sung sướng. Thứ
nhất anh đã gặp lại ni cô. Không những không lạnh nhạt hay tỏ ra hất hủi ni cô
còn thân thiện và vui vẻ. Ni cô hân hoan nhận quà của anh. Điều sau cùng là khi
anh van nài gọi bằng tên ni cô cũng không phản đối.
Nhắc cái ghế đặt nơi cửa ra vào nhà bếp để hai người có thể trò
chuyện với nhau trong lúc nấu cơm Sa Huỳnh lui cui làm việc. Hoàng im lặng
không nói gì hết. Sự im lặng của anh khiến cho Sa Huỳnh hồi hộp và luống cuống
vì biết Hoàng đang chiếu tướng mình.
– Chừng nào ông mới về Sài Gòn?
Sa Huỳnh lên tiếng như để phá tan bầu không khí ngột ngạt. Hoàng
trả lời trong lúc nhìn Sa Huỳnh ngồi lom khom nhóm lửa.
– Chừng nào Sa Huỳnh đuổi thời tôi về?
Sa Huỳnh quay lại nhìn Hoàng. Ánh mắt của người ni cô đầy khẩn cầu
và van xin.
– Ông biết là tôi không có xua đuổi ông; tuy nhiên thiên hạ…
Dù Sa Huỳnh không nói hết câu Hoàng cũng hiểu. Dân làng sẽ dị
nghị, đàm tiếu về chuyện thăm viếng của Hoàng. Sư cụ là một kẻ từ tâm và độ lượng,
nhưng người cũng không muốn tạo thêm nhiều xáo trộn trong đời sống tu hành của
người và Sa Huỳnh.
– Nói vậy chứ tôi không ở lâu được. Mốt tôi sẽ về Sài Gòn…
Sa Huỳnh nhìn Hoàng cười như cám ơn về câu nói của người lính
chiến. Hoàng hỏi nhỏ.
– Sa Huỳnh có nhận được thư của tôi?
Do dự giây lát Sa Huỳnh nhẹ gật đầu.
– Tôi không dám nối dối ông. Tôi có nhận thư của ông…
– Sa Huỳnh đã đọc thư chưa?
– Sao ông lại hỏi tôi câu đó?
– Tại vì nhận thư và đọc thư là hai việc khác nhau…
Sa Huỳnh mỉm cười. Nụ cười của Sa Huỳnh thật đẹp trong ánh lửa bập
bùng. Da mặt của ni cô hồng lên có lẽ vì sung sướng mà cũng vì sức nóng phát ra
từ lò lửa.
– Tôi có đọc thư… Ông viết thư hay lắm… Chắc ông đã viết thư
tình nhiều lần lắm phải không?
– Đó là lần đầu tiên tôi viết thư tình. Sa Huỳnh là người đầu
tiên tôi viết thư ngoại trừ những lá thư cho mẹ của tôi…
Hoàng nói bằng giọng nghiêm trang và thành kính. Cảm nhận được
điều đó Sa Huỳnh nói nhỏ.
– Cám ơn ông…
– Đã nhận được thư, đã đọc thư rồi, Sa Huỳnh có viết thư hồi âm
cho tôi không?
Sa Huỳnh cười khẽ vì câu hỏi của Hoàng. Chắt nước cơm vào cái tô
ni cô trả lời.
– Mình đã gặp nhau rồi thời tôi viết thư cho ông làm chi…
Hoàng lắc đầu mấy lượt.
– Chuyện tôi tới thăm Sa Huỳnh là chuyện khác, còn chuyện Sa Huỳnh
viết thư lại là chuyện khác nữa…
– Ông hay phân biệt quá… Ông không biết phân biệt gây nên phiền
não sao…
Hoàng cười khi nghe người ni cô dạy mình.
– Tôi là kẻ trần tục không phải như Sa Huỳnh…
– Tôi là một kẻ đi tu…
Hoàng ngắt lời liền.
– Sa Huỳnh là một kẻ ” tu chưa tới “…
Sa Huỳnh thở dài. Giọng nói buồn bã của ni cô vang lên chậm và u
uất trong nhà bếp chỉ có hai người.
– Đó là lỗi của tôi… Tôi đã để cho…
Sa Huỳnh dừng lại như không muốn bày tỏ hết cái ý của mình. Có lẽ
ni cô không muốn làm phật lòng Hoàng.
– Ông ngồi vào bàn đi… Để tôi đi mời sư cụ…
Dứt lời ni cô Sa Huỳnh cúi đầu bước. Hoàng không thấy được nước
mắt ứa ra trên mặt của ni cô. Bữa cơm chiều diễn ra trong vui vẻ. Hoàng kể cho
sư cụ và Sa Huỳnh nghe thời gian sau khi anh rời làng Sa Huỳnh cho tới lúc bị
thương ở An Lộc và được chở vào nhà thương điều trị.
– Mô phật… Bần tăng sẽ mỗi ngày tụng kinh cầu xin đức phật tổ từ
bi che chở cho thí chủ. Nếu còn duyên chúng ta sẽ gặp nhau…
– Cám ơn sư cụ… Tôi tin rằng tôi và sư cụ còn có duyên…
Hơi mỉm cười sư Huyền Ẩn liếc nhanh ni cô Sa Huỳnh đang ngồi cúi
đầu im lặng ăn.
– Thí chủ tính ở lại chùa bao lâu?
– Thưa sư cụ sáng mốt tôi phải trở về Sài Gòn…
– Ạ…
Sư Huyền Ẩn chỉ ạ một tiếng rồi thôi. Lát sau sư cụ lên tiếng.
– Bần tăng đang ở vào lúc tọa thiền cho nên không có thời giờ để
hàn huyên cũng như từ giã thí chủ. Bần tăng xin chúc thí chủ sớm bình phục và
đi đường bình an…
Ăn hai chén cơm xong sư cụ nói với ni cô Sa Huỳnh.
– Con thay ta tiếp thí chủ…
Ăn cơm xong Hoàng bước ra chỗ giếng nước hóng gió và hút thuốc
trong lúc Sa Huỳnh ngồi rửa chén bên hông nhà. Hai người cách nhau chừng mươi
bước. Nắng chiều dọi xuống chút ánh nắng vàng vọt trên tàng cây xanh và trên
bãi cỏ bắt đầu úa vàng. Gió nhè nhẹ đủ lất lây tàng cây và mấy cọng cỏ đuôi chồn.
Không gian thật im vắng. Đứng trên đỉnh đồi cao Hoàng có thể thấy mặt biển xanh
biếc. Thấp thoáng mấy con tàu nhỏ lừ đừ chạy. Sau lưng anh núi xanh đùn mây trắng.
Liếc thấy Sa Huỳnh đang lui cui rửa chén, Hoàng chợt buông tiếng thở dài hắt
hiu. Gần một ngày ngồi trên máy bay và trên chuyến xe đò Hoàng mới khám phá ra
một điều khiến cho anh ngỡ ngàng, bàng hoàng và vui sướng. Anh yêu… Anh yêu Sa
Huỳnh… Tuy nhiên ngay tại lúc này anh lại buồn. Tình yêu rồi sẽ đi tới đâu. Yêu
người và muốn được sống bên cạnh người mình yêu. Đó là ý nghĩ thường tình của một
kẻ trần tục. Nhưng ở đây lại khác. Sa Huỳnh là một kẻ tu hành. Dù ” tu
chưa tới ” Sa Huỳnh vẫn là một kẻ đã mặc áo nâu sòng, nguyện dâng hiến
đời mình cho phật pháp vô biên và nhiệm mầu. Liệu người ni cô tên Sa Huỳnh có
yêu anh hay không. Nếu yêu thời liệu tình yêu đó có đủ sức để Sa Huỳnh cởi bỏ
áo tu hành sống như một người trần tục. Tại sao mình lại yêu? Tại sao mình lại
quấy rầy tâm hồn bình yên thanh thản của một người con gái chỉ muốn tụng kinh
và đốt nhang.
– Ông Hoàng…
– Dạ…
Sa Huỳnh mỉm cười khi nghe tiếng dạ ngoan hiền của người lính
chiến.
– Trời tối rồi… Ông vào trong chùa để khỏi lạnh và bịnh…
– Sa Huỳnh sợ tôi bịnh phải không. Bịnh là tôi sẽ ở đây để quấy
rầy Sa Huỳnh…
– Thành thật mà nói tôi muốn ông ở đây nhưng tôi không muốn ông
bịnh. Có ông, tôi vui vì có người trò chuyện… Nhiều lúc tôi thèm được nghe ông nói…
Sa Huỳnh cười và Hoàng cũng cười vì câu nói cuối cùng.
– Tôi cũng vậy… Xa nhau tôi nhớ và ước ao được nhìn thấy
Sa Huỳnh…
– Cám ơn ông…
Cúi nhìn lòng giếng nước âm u thật lâu, Hoàng mới ngước lên nhìn
Sa Huỳnh. Ni cô thấy được trong mắt Hoàng một âu yếm dịu dàng, một đam mê chất
ngất và sung sướng vô hạn.
– Sáng mốt tôi sẽ đi và không bao giờ trở lại đây nữa…
Trong buổi chiều im vắng có tiếng nấc bật lên nghẹn ngào và câm
nín.
– Tôi không muốn quấy rầy đời sống yên bình của Sa Huỳnh. Tôi sẽ
cố gắng cưỡng chống lại lòng mình. Tôi phải để cho Sa Huỳnh tu hành…
Nước mắt từ từ ứa ra trên khuôn mặt trắng xanh của Sa Huỳnh. Qua
màn lệ mỏng lung linh bóng nắng của buổi chiều tà, ni cô thấy được một khuôn mặt
xương xương, làn da xạm nắng và đôi mắt u ẩn buồn.
– Không biết tôi có làm được không nhưng tôi sẽ cố gắng không gặp
lại Sa Huỳnh. Nếu có duyên chúng ta sẽ gặp lại, bằng không chúng ta sẽ không
bao giờ thấy nhau dù biết mình sẽ nhớ nhau thật nhiều…
Sa Huỳnh lặng im. Ni cô thầm cám ơn Hoàng đã có một quyết định
sáng suốt, hợp lý và hợp tình. Cho dù có thương nhau. có yêu nhau thật nhiều.
nhiều bao nhiêu đi chăng nữa. hai người cũng không thể sống gần nhau. vì mỗi
người đều có đời sống khác biệt. Họ không thể gần nhau. Họ không thể cùng nắm
tay nhau đi trọn cuộc đời. Mỗi người có mục đích riêng để theo đuổi. Một số mệnh
riêng đã dành sẵn cho họ.
Bóng tối chụp xuống. Tuy nhiên Hoàng thấy đôi mắt long lanh ngời
sáng cùng với bàn tay mềm ấm nắm lấy tay của mình bóp nhè nhẹ.
– Ông không gặp tôi mà ông có viết thư cho tôi không?
– Sa Huỳnh có muốn tôi viết thư không?
– Tôi không biết… Tôi chỉ muốn nhắc cho ông biết duyên
không thể tự nhiên mà thành hình. Nó phải là một tác động của nhân sinh…
– Như vậy là Sa Huỳnh muốn tôi viết thư?
Ni cô Sa Huỳnh trả lời bằng cái xiết tay nhè nhẹ.
– Ông biết luật nhân quả không?
Hoàng cười trong bóng tối vì hiểu ý của Sa Huỳnh.
– Biết… Sư cụ có giảng cho tôi nghe… Tôi không gặp Sa Huỳnh.
nhưng không có nghĩa tôi ngừng yêu Sa Huỳnh. Tình yêu sẽ là động lực khiến cho
tôi làm tất cả những gì tôi có thể làm để cho hai chúng ta được gần nhau… Có phải
Sa Huỳnh có ý nói như vậy không?
Sa Huỳnh bóp nhẹ bàn tay chai cứng của Hoàng như là một câu trả
lời.
– Ông Hoàng… Tôi lạnh…
– Vậy mình vào nhà… Sa Huỳnh có cần tôi dìu không…
Ni cô cười khẽ trong bóng tối.
– Ông lo ông còn chưa xong…
– Đó là tại tôi muốn nhõng nhẽo với Sa Huỳnh…
Cười thành tiếng ngắn Sa Huỳnh nói với giọng âu yếm.
– Ông hư lắm ông biết không…
– Dạ thưa ni cô tôi biết tôi hư lắm… Bởi vậy tôi mới phải lặn lội
ra đây nhờ ni cô làm cho tôi hết hư hỏng…
– Đi tu ông sẽ hết hư hỏng…
Hoàng cười đùa.
– Sáng mai tôi sẽ xin sư cụ ở lại đây tu Sa Huỳnh chịu không?
– Không được đâu… Có ông ở bên cạnh tôi làm sao mà tu được…
Hai người vào trong hậu liêu. Sa Huỳnh lên tiếng.
– Để tôi dọn chỗ cho ông ngủ… Tôi còn phải tụng kinh nữa…
Khuya hôm đó sư Huyền Ẩn thức dậy. Vị sư già mỉm cười tỏ vẻ hài
lòng khi thấy Hoàng đắp cái mền cũ nằm ngủ co ro trên chiếc chiếu trải dưới bàn
thờ Phật, còn ni cô Sa Huỳnh tọa thiền trong phòng riêng.
*****
Hoàng thức dậy khi ánh nắng xuyên qua khung cửa sổ dọi vào mặt.
Gượng ngồi dậy anh chống nạng đi ra sân. Đang đứng xúc miệng bên cạnh giếng nước
anh nghe có tiếng động là lạ. Tiếng động phát ra từ bãi đất trống sau lưng
chùa. Hơi ngạc nhiên Hoàng chống nạng ra xem. Anh ngẩn người khi thấy cảnh tượng
trước mắt mình. Đội trên đầu chiếc nón lá, mặc quần đen và áo cánh, tay cầm cuốc
Sa Huỳnh đang cuốc đất. Quần đen xắn khỏi đầu gối, áo cánh không có tay, mồ hôi
nhễ nhại trên mặt ni cô lom khom làm việc.
– Sa Huỳnh làm gì vậy?
Nghe tiếng hỏi ni cô chợt ngẩng đầu lên. Thấy Hoàng, Sa Huỳnh cười
vui.
– Ông thức dậy rồi à… Tôi đang cuốc đất để trồng bắp… Ông nhìn
gì vậy?
Sa Huỳnh hỏi khi thấy Hoàng nhìn mình chăm chú. Hoàng lắc đầu cười
gượng. Sa Huỳnh cúi nhìn xuống ngực và mặt đỏ bừng lên vì mắc cỡ. Nàng mặc chiếc
áo cánh mỏng manh với lại không có nịt ngực cho nên phô bày đôi nhũ hoa dưới
ánh nắng mặt trời. Có lẽ quá thẹn thùng nàng buông cây cuốc xong đưa tay che ngực.
– Ông… Ông…
Cười im lặng, Hoàng chống nạng xoay người lại.
– Tôi gặp lại Sa Huỳnh…
Thở phào người ni cô vội khoác lên người chiếc áo nâu. Ni cô
nghe người nóng bừng và tim đập thình thịch trong một cảm giác lo âu, thẹn
thùng và kích thích.
– Mô phật… Ổng có thấy chưa?
Sa Huỳnh hỏi thầm trong trí.
– Chắc ổng thấy rồi cho nên…
Nghĩ tới đó Sa Huỳnh cảm thấy người nóng ran. Bỏ cây cuốc nằm
trên đất ni cô tất tả bước vào hậu liêu. Vừa bước vào cửa ni cô thấy Hoàng đang
ngồi uống nước trà.
– Tôi dọn cơm cho ông ăn nghe…
– Tôi không đói… Sa Huỳnh làm vườn xong rồi à…
Mặt đỏ bừng lên Sa Huỳnh liếc nhanh Hoàng. Thấy ông lính vẫn giữ
cử chỉ tự nhiên, ni cô hơi an tâm một chút.
– Chưa… Tôi tính vào dọn cơm cho ông…
Hoàng đứng dậy.
– Đi… Mình đi ra làm vườn…
– Ông làm được không?
Sa Huỳnh hỏi và Hoàng trả lời nhanh.
– Tôi muốn làm… Tôi muốn giúp dù tôi biết là tôi không làm gì được…
Sa Huỳnh cười vui vẻ.
– Tôi cần sự có mặt của ông thôi…
Hai người bước cạnh nhau ra chỗ khoảnh vườn nhỏ. Trời xanh và
cao. Gió nhè nhẹ. Hoàng định cầm lấy cây cuốc thời Sa Huỳnh đã nhanh tay lấy
trước.
– Ông đứng coi tôi làm…
Đứng ngắm nghía giây lát Hoàng lên tiếng.
– Trồng ở đây Sa Huỳnh phải xách nước tưới cực lắm…
Sa Huỳnh gật đầu cười nhìn Hoàng.
– Tôi biết… Tôi muốn mình bận bịu… Mai mốt ông đi rồi tôi có nhiều
thời giờ lắm… Ngồi không mà nhớ ông, nghĩ tới ông chắc tôi điên mất…
Nghe giọng nói nghẹn ngào của Sa Huỳnh, Hoàng cảm thấy vui mừng.
Điều đó chứng tỏ ni cô phải có tình cảm sâu đậm với anh.
– Tôi cầu trời khẩn phật cho Sa Huỳnh nhớ tôi, nghĩ tới tôi…
– Ông ăn gian… Ông bắt tôi nghĩ tới ông mà ông không nghĩ tới
tôi. Tôi ở chốn quạnh hiu, không có ai còn ông ở thành thị thiếu gì người…
– Tôi đâu có muốn Sa Huỳnh đi tu…
Hoàng không nghe được tiếng thở dài thầm lặng của Sa Huỳnh.
– Mấy giờ rồi ông Hoàng?
Hoàng cười lắc đầu nhìn Sa Huỳnh khiến cho ni cô nhớ ra mình
đang đeo đồng hồ.
– Hơn mười giờ rồi… Chắc phải mất vài ngày tôi mới quen được là
mình mang đồng hồ. Thôi tôi dọn cơm cho ông ăn…
Ăn cơm trưa xong Sa Huỳnh cũng nghỉ làm vườn viện lý do trời nắng
nóng. Hai người ngồi sau nhà uống nước trà và thủ thỉ trò chuyện cho tới chiều.
*****
Trời tờ mờ sáng. Hoàng và Sa Huỳnh dừng lại nơi chiếc cổng xiêu
vẹo nhìn xuống dưới chân đồi. Chút ánh đèn leo lét. Con đường mòn lấm tấm cỏ
còn ngậm sương đêm. Thở hơi dài Hoàng đeo ba lô lên vai.
– Thôi Sa Huỳnh vào chùa đi…
– Tôi muốn đứng nhìn ông đi xuống đồi…
– Tôi hy vọng sẽ gặp lại Sa Huỳnh…
Giọng của Hoàng nghèn nghẹn. Dường như bị xúc cảm mạnh, anh vòng
tay ôm Sa Huỳnh vào lòng. Tuy không hưởng ứng hay có hành động nào khác hơn, song
Sa Huỳnh cũng để yên cho Hoàng hôn lên trán của mình. Lát sau buông Sa Huỳnh ra
Hoàng chống nạng xuống đồi. Sau lưng anh ni cô tên Sa Huỳnh đứng yên. Hai hàng
nước mắt từ từ lăn trên khuôn mặt. Qua màn lệ ni cô thấy hình bóng người lính
chiến xa dần dần…
1 comment:
Tu không phải để trở thành tượng đá Không còn xúc cảm trong lòng. Nhưng cũng phải có giới hạn nào đó mà người tu không nên vượt qua. Cho nên Sa Huỳnh mới thốt lên :" Ni cô thầm cám ơn Hoàng đã có một quyết định sáng suốt, hợp lý và hợp tình. Cho dù có thương nhau. có yêu nhau thật nhiều. nhiều bao nhiêu đi chăng nữa. hai người cũng không thể sống gần nhau. vì mỗi người đều có đời sống khác biệt. Họ không thể gần nhau. Họ không thể cùng nắm tay nhau đi trọn cuộc đời. Mỗi người có mục đích riêng để theo đuổi. Một số mệnh riêng đã dành sẵn cho họ." . Còn ông Hoàng, người hiểu giáo lý nhà Phật sao mà ẩu quá, thình lình ôm lấy Sa Huỳnh, lại còn hôn lên trán nữa chớ. Thật ra trái tim có lý lẻ của nó mà lý trí không thể hiểu được nên khó mà kiểm soát được khi người ta đã yêu, con tim đã rung động và cùng tần số chúng sẽ giao thoa
Cho nên thi sĩ mới nói
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó đến với ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu
Hy vọng " Qua màn lệ ni cô thấy hình bóng người lính chiến xa dần dần…" , xa dần khỏi tầm mắt của Ni Cô , khỏi lòng của Ni Cô như giới luật đã khiến Ni Cô không hồi âm thư đã nhận.
" Khuya hôm đó sư Huyền Ẩn thức dậy. Vị sư già mỉm cười tỏ vẻ hài lòng khi thấy Hoàng đắp cái mền cũ nằm ngủ co ro trên chiếc chiếu trải dưới bàn thờ Phật, còn ni cô Sa Huỳnh tọa thiền trong phòng riêng."
Tuyệt vời !
Cốt chuyện rất hay, lời văn thâm thúy có đôi lúc thật dí dỏm, lôi cuốn người đọc
Post a Comment