Thursday, January 3, 2019

Thưởng Trà

________________

Chân Diện Mục 

Image result for thưởng trà

       Các cụ nhà Nho Việt Nam thường nói Thưởng Trà thay cho uống trà, dùng trà. Mà các cụ thường thưởng trà trong lúc thanh tâm nghĩa là lúc bụng trống, lúc đói, chứ không phải sau khi ăn hay lúc còn no.  Chữ thưởng cho ta thấy nó là nghệ thuật thưởng thức tổng hợp chứ không phải chỉ thuần một chuyện uống.
Uống thì chỉ cần vận dụng miệng, môi, lưỡi. Đi xa hơn thì người ta có thể nói là có vị giác, khứu giác tham dự.

       Nghệ thuật thưởng trà Việt Nam được sửa soạn rất công phu, nhưng nó để thoả mãn nhu cầu thưởng thức của nghệ nhân chứ không phục vụ cho một đạo lý cao siêu như Tầu và Nhật. Người Việt thưởng trà không cần phải chay tịnh, thắp hương cầu trời khấn Phật hay cầu cho ai đó sống lâu, trường trị.
       Tôi chẳng thích cái Trà Đạo của người Nhật một tí nào! Đó là cái tách nước mà các ngài Tướng Quân ban cho các Võ Sĩ (một thứ nô tỳ của các ngài). Người được ban trà, tới cổng ngoài, phải dừng lại ở "ngoại viên khả kính" để rửa chân, nghỉ một chút rồi tiến vào "nội viên khả kính"  để rửa tay... rồi để dép ngoài cửa, lết vào nội thất... được ban bát trà lớn, người được ban trà phải rất cung kính, hai tay cầm bát trà nâng lên nghiêm trang kính cẩn uống.   Kính cẩn uống một hơi chứ không nhâm nhi để lên để xuống tự nhiên được. Đến khi được ban bánh cũng phải ăn mau lẹ như thế...!
       Người ta phải cực kỳ cung kính bởi nó là đạo!  Người Âu Mỹ cũng cực kỳ ca tụng hàng triệu trang giấy bởi vì nó là... đạo! Một đạo thâm thuý kết tinh hàng ngàn năm của Đông Phương (!?) Không ca tụng sao được vì đó là Đạo của một cường quốc Đông Phương đã đánh thắng Nga ở Đối Mã, đánh thắng Mỹ ở Trân Châu Cảng! (Xin lỗi các bạn Nhật, ở một bài khác tôi sẽ cảm phục, ca tụng các bạn ở tinh thần quả cảm, ở cái đối nhân xử thế... ở tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau... của các bạn như.... trong động đất vừa qua...)
       Cái Trà Đạo của Nhật làm sao bằng cái Thưởng Trà của Việt. Chẳng cần nghiêm nghị, cung kính, gò bó... Người Việt ung dung, thoải mái, tự do thưởng thức mọi thú vị, sảng khoái... trong không gian, thời gian... trời cho.
       Vào lúc đẹp trời, chủ nhân (và khách) trong không gian có sương rơi (hoặc không rơi) có chim hót (hoặc chim gù) có mây bay (hoặc ngừng bay) có gió hây hẩy (hoặc lượn lờ) có hoa nở hàm tiếu (hoặc mãn khai) ngắm nhìn thích thú những cảnh vật như thân quen nhưng dường như vẫn chưa khám phá hết nét diệu kỳ của nó (!)
       Mấy cái Độc bình, cái choé, bức bình phong đứng im lìm nhưng lại phát ra những thông điệp bất tận... Tôi thấy cha tôi và các chú như mãi thẩm bình chuyện xưa không biết chán! Cái bình vẽ tích Chu Du (Trời đã sinh ta sao còn sinh Lượng). Cái choé vẽ cảnh Hàn Tín Vấn Tiều  (Hàn Tín hỏi thăm Tiều Phu đường để chạy trốn, rồi giết tiều phu, vì sợ ông ta nói lại với người đuổi theo... ). Tích cũ nhưng ngắm lại vẫn cứ gật gù, trầm tư... như chưa thế nào hiểu hết tâm sự của Chu Du và Hàn Tín!
       Rồi ấm và chén uống trà, cha tôi sắm đủ cả, nào Thế Đức, Mạnh Thần... ba loại độc ẩm, song ẩm, quần ẩm... và đĩa chén thì năm sáu bộ. Tôi thích lắm, nhưng chỉ nhớ có hai bộ viết thơ (cái chén quân đã nhỏ bằng ngón chân cái nhưng viết đủ hai câu thơ mà nét rất rõ, rất đẹp). Một bộ ghi hai câu :
Lạc Dương thân hữu như tương vấn
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ
(Lạc Dương bạn hữu có hỏi tới
Tuyết sạch lòng trong vẫn giữ thôi)
một bộ viết hai câu ngũ ngôn:
Kỵ lư quá tiểu kiều
Độc thán mai hoa sấu
(Cỡi lừa qua cầu nhỏ
Riêng than hoa mai gầy)
(Hơn 60 năm đã trôi qua rồi, không rõ hồi đó tôi hiểu được bao nhiêu về tấm lòng thanh cao, không ham danh lợi của tiền nhân!?)
       Tôi thấy trong không khí đó, các cụ rất cao hứng và xuất thần trong thú thưởng thức   Cảnh + Thơ + Trà.
Nước đã sẵn sàng (ông Nguyễn Tuân nhấn mạnh về nước giếng...) với than và quạt, luôn tính toán cho độ sôi vừa đủ (cái ấm bằng đồng thau có tay cầm bằng gỗ như cán soong, dưới đáy ấm có vài kim hoả bằng đồng đỏ cho mau sôi (!) và khi sắp sôi thì có tiếng reo để ta biết chừng độ sôi của nó đã đến).
Tôi thấy nước từ ấm đồng rót qua ấm Thế Đức (đã để sẵn trà) để một lúc cho trà ngấm rồi rót qua chén Tống, gạn qua chén quân để ta cầm chén uống liền. Tôi độ chừng khi ly trà đưa lên miệng thì độ nóng của nó còn tới 70 hay 80 độ C gì đó! Nếu ta uống ực như ngày nay thì có lẽ đến bỏng lưỡi, bỏng cổ mất thôi! Nhưng không! Các cụ đã thưởng trà bằng cách để môi cách mặt nước và lấy hơi rít nước lên để thưởng hết cái mùi hương trong nước và mùi hương... đang bốc lên! Các bạn cứ thưởng đi thì sẽ thấy hết cái ngạt ngào thú vị của nó! (Xin chớ có thổi phù phù cho nước nguội kẻo các cụ lại... lắc đầu... thương hại)
       Cái ấm đất Quần Ẩm sẽ đủ cung cấp nước cho dăm chén quân. Và thế là xong một tuần trà. Cái ấm đồng trên lò than đã được bớt lửa, không để sôi lâu làm cho nước chín quá! Muốn uống tới tuần 2 thì người ta lại đổ trà trong ấm đất đi, tráng qua ấm rồi đổ trà mới. Rồi quạt lò, rồi làm lại từ đầu...
       Nhưng hai tuần trà không liền nhau đâu, và ở giữa là một màn bình thơ. Dĩ nhiên là những bài thơ rất thanh cao như
LẠC THÀNH VĂN ĐỊCH
Thuỳ gia ngọc địch ám phi thanh
Tán nhập xuân phong mãn Lạc Thành
Thử Dạ khúc trung văn chiết liễu
Hà nhân bất khởi cố viên tình
Lý Bạch
ĐÊM NGHE TIẾNG SÁO LẠC THÀNH
Tiếng sáo nhà ai lặng lượn nhanh
Bay vào gió lặng vẩn quanh thành
Đêm vắng sầu nghe hồn ly biệt
Lòng quê ai chẳng gợn u tình
C.D.M.
hoặc:
DẠ BẠC TẦN HOÀI
Yên lung hàn thuỷ nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa
Đỗ Mục
ĐÊM ĐẬU BẾN TẦN HOÀI
Nước lạnh khói mờ trăng cát phơi
Tần Hoài quán rượu thả neo chơi
Đào thương chẳng quản hờn vong quốc
Khúc Hậu Đình em vẫn hát thôi
C.D.M.
       Một buổi thưởng trà thường chỉ kéo dài hai ba tuần là cùng. Một buổi mấy tiếng đồng hồ mà chỉ dùng tới hai, ba chén bằng ngón chân cái thì sao gọi là UỐNG Trà được?
Đôi khi các cụ cũng dùng trà ướp hương sen, lài, sói, ngâu... Nhưng nhiều cụ chỉ dùng trà Mộc thôi chứ không ướp các loại hoa. Tôi sẽ kể hầu quý vị về cách ướp hương hoa vào trà và các thứ hoa mà các cụ ưa thích vào bài khác. Hôm nay tôi chỉ xin hầu chuyện nhấp hay hớp hay rít hơi trà để tận hưởng hương trà (chứ không uống từng ngụm hay ực từng chén) và những câu chuyện trên sập hay trên trường kỷ thưởng trà.
Ông Nguyễn Tuân tuy cũng là con quan và ắt cũng thấy, nhưng tôi thấy ông chỉ kể những điều kỳ và lạ về huyền thoại uống trà, mà chưa nói lên được cái Tinh và cái Thần của buổi thưởng trà!
Ông Nguyễn Tuân rất có tài viết văn. Nhưng một ông ăn mày (xưa là người khá giả, từng nghiện trà) làm sao lại nhận thấy mùi vỏ trấu, trong khi vỏ trấu không nằm trong nhúm trà chủ nhân cho để pha, mà lại... nằm tuốt dưới đáy bình dựng trà trong tủ của chủ nhân?
       Tôi cũng phản đối cái truyền thuyết về "Trảm mã Trà".  Người Tầu từ ven đồi, cỡi ngựa lên đỉnh núi Vũ Di, cho ngựa ăn búp trà trên cây, rồi phóng ngựa về, giết ngựa... lấy trà ra... thì cái trà đó làm sao còn... thanh khiết!!!???
Sau này tôi có xem phim Tầu thì thấy họ bỏ trà vào một ly lớn và cao, rót nước sôi, lấy nắp đậy ly lại cho thấm trà, rồi lấy cái nắp đó chặn những cánh trà nổi lều bều trên mặt ly để uống. Tôi cũng có chơi thân với một số người Hoa phú thương hoặc nghiệp chủ, họ cũng uống kiểu đó.  Còn người Minh Hương hay người Hoa đã Việt hoá phần nào thì cũng uống ấm nhỏ và ly nhỏ như người Việt, nhưng họ uống từng ngụm chứ không rít lấy hơi như các nhà Nho Việt Nam.
       Thế nên tôi mạo muội viết mấy giòng, để ngày nay, các bạn thấy được cái chất Văn Nghệ Cao của buổi thưởng trà. Đó là cái tính nhàn nhã, thanh tao thi vị của buổi thưởng thức:  Cảnh + Thơ + Trà của các cụ.

CDM



2 comments:

Tật Hay Cừ said...

Trãm mã trà hay Cà phê cứt chồn đại khái nguyên tắc giông nhau vì bao tử những con vật tiễt ra những chất tương ứng nên "trà với ngựa" hay "cà phê không tiêu với chồn" đậm mùi hơn.
Chém ngựa thì em thấy thật hoang phí.
Tật Hay Cừ

Quang Minh said...

Thưởng trà thật lắm công phu
Nước sôi cho vào ấm đất đã có trà
Nước đầu dùng để tráng sơ và làm ấm các chén nhỏ gọi là chun rồi đổ bỏ đi. Sau đó cho nước sôi lần hai vào ấm đất, ngâm một lúc cho ra trà rồi rót ra các chén nhỏ .vì lần đầu được tráng qua với nước sôi, chén đã nóng, qua lần hai, nước trà rất nóng, hương trà bốc khói thơm ngát nên không thể uống, chỉ chíp chíp thưởng thức hương thơm và vị đăng đắng của trà và cái hậu ngọt ở cổ, do đó mất một thời gian rất lâu mới hết chun trà. Giữa đó người ta mới ngâm thơ vịnh chuyện trò thế sự

Thầy ơi! Em chỉ đón mò
Phàm phu tục tử uống cho bụng đầy
Thưởng trà đâu được mấy tay
Nghe Thầy bàn luận em đây chạy dài
Trảm mã trà có gì hay
Nằm trong bao tử khổ thay có mùi
Phí hoang con ngựa mất rồi
Kẻ thì giàu có thương người đói meo