TRẦN BANG THẠCH
Buổi chiều cuối tuần, bịnh viện thật vắng vẻ. Các băng đá trong sân bịnh viện cũng nằm ủ rủ dưới tàn cây. Trời vừa chớm thu. Lá chưa thật sự vàng nhưng người ta đã thấy vài chiếc lá chết rơi ơ hờ trên ghế đá.
Những ngày cuối tuần bịnh nhân thường được thân nhân đưa về nhà để đoàn tụ với con cháu. Mấy tháng đầu khi mới đưa vợ vào đây, ông Kim cũng rước bà Kim về nhà hai ngày cuối tuần. Nhưng từ hơn ba tháng nay bà Kim không chịu về nhà. Bà không nói lý do gì hết, bà chỉ không chịu bước lên xe. Nài nỉ cách mấy thì bà cũng chỉ mỉm cười, làm thinh, ngó về hướng khác.
Ông Kim chú ý từ vài tháng nay vợ mình thích ra nơi công viên hơn là nằm trong căn phòng bịnh viện. Tại công viên bà Kim hầu như quên hẳn người chồng đang ở bên cạnh; bà còn có vẻ như không thích có ai ở gần để bà thong thả đi từ gốc cây nầy qua bồn hoa khác, lượm hòn sỏi này, nhặt chiếc lá kia. Có lẽ những chú sóc con trên cành cây hay những con chim sáo đậu trên các thành dựa ghế đá làm bà Kim thích thú nhất. Bà rón rén đến gần, nhỏ nhẹ nói chuyện với từng con. Chúng bay chuyền trước mắt bà như mời bà cùng chơi trò cút bắt. Có con chim vụt bay mất khi nghe tiếng chân bà từ xa khiến bà ngồi buồn trên ghế đá. Những khi ấy thì tốt hơn hết là ông Kim nên đứng xa mà nhìn niềm vui lẫn nỗi buồn của vợ mình.
Hôm qua bà Tâm nói với ông Kim là chiều nay bà sẽ ghé bịnh viện. Đây không phải là lần đầu. Bà Tâm vẫn thỉnh thoảng ghé thăm vợ ông tại bịnh viện. Nhưng hôm nay thì tình cảnh hình như có cái gì khác. Hồi sáng, trên giường bịnh, bà Kim bỗng nắm tay ông Kim nói: "Bỗng nhiên em muốn anh trở thành một con chim đi tìm một cành cây khác". Ông Kim chưa kịp suy nghĩ hay có một phản ứng nào thì bà Kim đã nói chuyện trên trời dưới đất, chuyện nào chẳng ra chuyện nào hết. Bà đã trở lại trạng thái nửa tỉnh nửa mê mất rồi. Vợ ông đã nghĩ gì trong một giây tỉnh thức để phát ra những lời nhắn gởi ấy? Ông Kim gọi điện thoại bảo bà Tâm đừng đến bịnh viện hôm nay. Ông không nói là vì lý do gì. Thật sự thì ông cũng không chắc những gì ông đang nghĩ.
– Ông nầy kỳ há. Tuần rồi em đã không đến được thì hôm nay phải đến chứ. Lâu không gặp cũng thấy nhớ, không biết nó xanh xao vàng võ đến cỡ nào. Phải làm mấy món ăn chơi cho con nhỏ nữa, kẽo nó thèm mà ốm o gầy mòn.
Bà Tâm vẫn hay chuyện trò thân mật như vậy, nhất là đối với bà Kim, người bạn gái mang tên Hồng rất thân từ thời trung học.
Ý muốn của bà Tâm nghe thật đơn giản nhưng hôm nay biết đâu sẽ có nhiều phức tạp. Đi tìm một cành cây khác? Vợ ông đã nghĩ tới điều gì đây? Bà đã biết hết những gì đang reo âm ĩ trong lòng ông? Tự dưng ông Kim ước ao trên đời nầy không có người đàn bà tên Tâm ấy; hay nếu có thì chỉ là người xa lạ với gia đình ông. Đàng nầy tự nhiên dòng đời đưa đẩy để hai người đàn bà ông yêu cùng có mặt trong đời ông ở cái buổi chiều xế bóng này; lại đang lúc vợ ông đau yếu.
Đầu óc ông Kim bây giờ sao quá rối bời. Cả tháng nay cuồn chỉ rối trong đầu óc ông càng ngày càng rối. Nhiều chuyện để suy nghĩ quá. Hết điều nọ xọ điều kia. Ông suy nghĩ rồi quyết định. Quyết định rồi thay đổi. Bà Kim đang ngồi đó, trên chiếc băng đá dưới gốc cây sồi có tàn lá rộng như cái dù giương trên cao. Chắc chắn vợ ông không giúp gì được cho ông rồi, bài toán khó quá. Một chút nữa đây bà Tâm sẽ đến. Ông Kim biết rõ tánh ý bà Tâm từ mấy mươi năm trước, khi hai người là đôi bạn nhỏ rồi khi lớn lên hai người yêu nhau. Mấy mươi năm sau gặp lại, người tình năm xưa vẫn dịu dàng, mềm mỏng, tánh tình đơn sơ, mộc mạc, hết lòng hết dạ đối với người quen kẻ thân. Dường như tánh tình người đàn bà ấy cả đời cũng chẳng có một chút thay đổi nào. Còn ông, con đường sắp tới sẽ đưa ông đi về đâu? Bài toán khó nầy chỉ một mình ông là tìm ra đáp số, không ai khác, càng không thể từ hai người đàn bà đang có mặt trong đời ông. Từ dãy hành lang bịnh viện, ông Kim ngó ra phía cổng. Bãi đậu xe cũng thưa thớt. Ông không chờ nhưng mắt vẫn trông về hướng cổng. Chắc cũng đã gần đến giờ người đàn bà ông không mong sẽ đến.
Ở xa xa, bên cánh trái hành lang, trong bộ áo choàng trắng bà Kim ngồi đó như một gốc cây trơ trụi xám ngắt, chỉ có đôi chân quơ qua quơ lại trên mặt đất như đang vẽ tranh, đôi tay thì khoanh tròn trước ngực. Mấy chú sóc, chú chim đi đâu hết rồi. Từ xa, ông Kim không thấy được đôi mắt vợ mình đang nhắm hay đang mở, thường thì bà nhắm mắt. Những khi tỉnh táo bà than phiền với ông là nhiều khi bà thấy đầu óc bà tối mò, dù có mở mắt cũng không biết mình đang thấy cái gì, tốt nhất là nhắm mắt cho thoải mái. Với đôi mắt nhắm và chỉ có đôi chân di động tới, lui, lòng vòng trên mặt đất quanh chỗ ngồi là bà có thể đi thật lâu, thật xa. Bà không nói bà đi những đâu và tưởng nghĩ những gì. Dù có gạn hỏi thì bà cũng không biết trả lời ra sao, nhiều lắm là chỉ ậm ậm ừ ừ rồi tâm thần trở lại trạng thái ngu ngơ trong cái xác không hồn. Từ hơn năm nay bịnh lảng trí của bà Kim trở nặng, lúc tỉnh lúc mê. Bà Kim như đứa trẻ, lúc nhớ, lúc quên; mới chuyện trò thân mật với chồng rồi ngay sau đó bà chuyển câu chuyện sang một đề tài hoàn toàn khác, không dính líu gì đến ông chồng đang đi bên cạnh, bà cũng không biết người đang nắm tay mình là ai. Ông Kim trách cơn bịnh ngặt tới với bà Kim quá sớm. Ở tuổi sáu mươi bà Kim bỗng nhiên bị mất hết tất cả sáu mươi năm sống đã qua và phần đời còn lại bà sống từng ngày trong cái chết. Những con, những cháu bà thương biết bao vậy mà lắm khi bà có nhận ra đứa nào đâu. Vò đầu thằng cháu ngoại mà cứ hỏi nó là con ai. Nhiều khi thấy vợ ngồi khóc ngon lành trên ghế đá mà ông không hiểu vì lý do gì; cứ làm ngơ để bà sống trong thế giới của mình.
Nghĩ tới vợ rồi ông Kim bỗng nghĩ tới mình. Ông muốn quên tất cả những gì đã xảy ra cho ông từ hơn một năm qua. Ông muốn mọi chuyện tan biến hết để tình cảm của ông không có một chút nào thay đổi. Dự báo thời tiết nói cơn bão đang ở ngoài khơi Vùng Vịnh, đêm nay sẽ có cơn mưa to. Gió bây giờ thổi mạnh hơn. Trong ánh sáng của mấy ngọn đèn trong sân, ông Kim thấy mái tóc dài buông xõa của vợ mình bay theo chiều gió. Gió, gió hãy cuốn đi chuyện tình cũ bỗng trở lại từ năm qua. Chuyện tình ơi, hãy như là những xác lá khô nằm yên đâu đó trong vuông vườn cổ tích, hay là những thân lá ép kỷ niệm học trò trong tập lưu bút ngày xanh. Tâm, tại sao mình gặp lại làm chi để cả ba người chúng mình rơi vào một tình cảnh éo le? Thế giới rộng lớn quá mà, sao mình còn gặp lại trên mảnh đất xa xôi nầy làm chi? Từ bao năm nay, cuộc tình đã có nơi trú ngụ trong mỗi góc đời của mình rồi mà. Em thì vẫn như hồi nào, từ hơn bốn mươi năm nay vẫn ôm ấp một tình yêu đã mất, một mình mình biết, một mình mình hay. Nghĩ mà thương em hết sức. Tôi thì đang dật dờ giữa mộng và thực. Gần cuối đời rồi mà sao tôi còn đi dây giữa tình nghĩa vợ chồng và mối tình vừa trở lại. Từ ngày rời xa em, hơn bốn mươi năm nay có khi nào mà tôi không tưởng nghĩ đến em. Gặp lại em tôi như đứa bé vừa tìm lại món đồ chơi thân yêu bị đánh mất. Tôi không biết hiện tại tôi đang yêu em hay yêu một mối tình của thời mới lớn. Hay là tôi đang tiếc thương từng giọt máu ứa ra từ trái tim thương tật của em hơn bốn mươi năm trước, khi tôi vội vã bỏ đi? Tôi biết tôi không là người tình tốt của em và không còn là người chồng chung thủy với vợ, tôi đang nhẫn tâm cứa những vết dao trên tâm thức bịnh hoạn của người đã sống với tôi hơn ba mươi năm nay.
Trong tôi bây giờ sao có quá nhiều tiếng gọi. Và tôi không tìm được một tiếng trả lời!
Một chiếc xe đang tiến vào cổng bịnh viện. Trời nhá nhem tối nhưng ông Kim cũng biết đó là xe của bà Tâm. Ông rời hành lang tới chỗ bà Tâm đậu xe. Đằng kia bà Kim vẫn khoanh tay ngồi trên băng đá, chân vẽ hình trên đất, mái tóc của bà bây giờ bao phủ cả mặt, làm thành một vũng đen trên màu áo trắng bệt. Một luồng gió làm mái tóc bà Kim bay ngược về phía sau, làm thành một dòng sông đêm. Dòng sông uốn lượn như sóng tràn bờ.
– Em từ nhà anh đến đây. Mâm cơm tối đã sẵn ở nhà. Chốc nữa anh về ăn một mình nhé. Em dùng rồi.
– Cảm ơn em. Nhọc nhằn em quá.
– Em có làm cả chút sương sa cho Hồng, ăn cho mát. Lại có cả món canh bầu mà Hồng rất thích. Em đến thăm Hồng đây. Gặp anh sau.
Bà Tâm đi về phía bà Kim. Ông Kim trở vào hành lang bịnh viện. Ông không muốn nghe hai người đàn bà ông yêu sắp nói những gì. Có thể họ không nói gì hết về cuộc tình tay ba nầy vì vợ ông thì chắc không nói gì sau khi đã xa xôi, bóng gió nhắn gởi mấy lời cần thiết với chồng mình; còn bà Tâm thì cứ vô tư như đang sống trong mối tình đơn phương mà bà đã đeo mang từ khi ông Kim bỗng rời xa thành phố. Khi mới gặp lại nhau sau mấy mươi năm xa cách, bà Tâm không ngại ngần gì mà không thố lộ tâm trạng mình khi vợ chồng ông Kim hỏi về gia cảnh của mình:
– Thì vẫn một thân, một bóng. Sống như vậy cũng hạnh phúc chán!
Hơn một năm trước đây, khi gặp lại vợ chồng ông Kim, bà Tâm reo vui như con nít. Rồi họ tới lui, thăm viếng nhau hàng tuần. Những kỷ niệm cũ làm họ thân thiết như người một gia đình. Khi biết bịnh tình mình trở nặng phải thường xuyên vào bịnh viện, bà Kim nhờ bà Tâm tới lui lo cơm nước cho chồng mình và chăm lo nhà cửa. Có lần hai người bạn gái nói đùa với nhau:
– Ê Tâm, mi đơn thân độc mã, sao không về đây mà ở cho vui. Thấy mi lo lắng cho tụi tao cả năm nay mà bắt thương.
– Tao không làm thí công cho mi hoài đâu. Tao lo là lo cho con bịnh của mi và lo cho ông chồng già lão tội nghiệp của mi đấy. Dại gì mà làm "nanny" thường trực. Phải trả công bội hậu đấy nhé.
– Thì trả công bằng cái ông Kim già nua ấy, chịu không?
– Có mà thèm vào!
Rồi hai người bạn cười ngất như thời trẻ tuổi. Ông Kim cũng thấy vui lây.
Anh yêu dấu,
Em biết phải nói làm sao để anh tin những lời nầy? Nghe em nói đi anh. Em đang rất là tỉnh trí. Người bác sĩ vừa ra khỏi phòng với ánh mắt đăm chiêu, dường như ông muốn nói với em điều gì. Cô y tá vừa chích cho em mũi thuốc an thần. Em đang rất tỉnh. Em phải nói chuyện với anh trước khi một giấc ngủ dài có thể đưa em đi thật xa. Đi xa anh mãi mãi. Không xa hôm nay thì cũng ngày mai, ngày mốt, ngày kia. Không lâu lắm đâu anh.
Như anh biết đó, em vẫn hay nhắm mắt để sống cùng bóng tối. Trước hết bóng tối là của em, em muốn sống trong bóng tối của mình lúc nào cũng được, không phải đợi đến đêm về. Nhắm mắt lại là em sống với con hẻm nhỏ ở khu cư xá Chí Hòa, nghe tiếng bánh sắt ngọt ngào nghiến trên đường rầy và nghe hoài thành ghiền tiếng còi tàu mỗi sáng mỗi chiều để nghĩ tới những chuyến đi xa. Nhắm mắt là em thấy anh, người gia sư quần xanh áo trắng, mỗi chiều dựng chiếc mobilette nơi hàng ba nhà em, rồi bên kia chiếc bàn học, anh ngồi đối diện với em, em thấy trên đôi tròng kính cận dày mo của anh có đôi mắt em đang nhìn anh giữa những sin, những cos, những phương trình của bài đại số. Bóng tối có khi cũng cho em thấy lại những phút sống muộn phiền khi em tình cờ thấy anh tay trong tay với người ta trên hè phố Lê Lợi. Có một điều em cần nói với anh đây. Anh vẫn đang nghe em phải không anh? Bóng tối nhiều khi rất ngọt ngào, thơm tho, đầm ấm và vô cùng hạnh phúc anh ơi. Đó là khi bóng tối phả vào khắp cả châu thân em, luồn vào từng mạch máu em hơi thở người chồng bên cạnh. Hơi thở của anh đó. Nhắm mắt để được sống bên anh hằng phút, hằng giờ. Anh đi đâu, anh nghĩ gì thì khi nhắm mắt em vẫn có anh bên cạnh. Không ai chia sẻ được điều nầy với em đâu anh ạ. Từ lâu em biết anh không quên mối tình cũ. Bốn mươi năm tình cũ của anh làm sao có mặt được trong bóng tối của em khi em nghĩ về người chồng thương yêu của mình. Không gian, thời gian và con người chẳng làm gì chi phối được bóng tối của em. Bóng tối của em chỉ có một mình em là bạn. Em chơi với nó. Em sống yên vui, nồng nàn với nó.
Như vậy thì, anh yêu quí, ba mươi năm qua em vẫn hay nhắm mắt để sống cho mình. Em ích kỷ quá phải không anh? Em biết ngần ấy năm sống bên em mà tình cảm anh trôi về hướng khác; có khi rất mịt mù, xa lắc, xa lơ. Biết vậy mà em vẫn như người vô tâm, không một lần cố gắng nào để vun phân, tưới nước cho cây tình nghĩa vợ chồng mình. Chưa một lần làm người trồng bonsai chuyên nghiệp hướng dẫn những lá cành để cây bonsai tình yêu trở nên tươi tốt trong căn nhà êm ấm của chúng ta. Anh thì vẫn sống ba mươi năm tội nghiệp bên em và hơn bốn mươi năm âm thầm, ngậm ngùi tiếc thương mối tình đã mất. Còn em thì dè sẻn từng chút bóng tối để sống thênh thang hạnh phúc với hơi thở ngọt ngào của anh.
Bóng tối rồi sẽ tàn. Một ngày nào cái nhắm mắt cuối cùng của đời em sẽ tới, sẽ vùi trong huyệt mộ. Người ta giấu dĩ vãng trong cái chết; còn em thì sống thế giới ngọt ngào của mình, sống hoài cái hạnh phúc của riêng mình dưới những đêm sâu. Ngày rồi sẽ lên. Ngày lên để ánh dương rực rỡ chiếu sáng một mối tình, làm cho nó hồi sinh sau bốn mươi năm nằm ngủ trong giấc mơ dài. Anh, anh hãy đón lấy ánh sáng ấy và sống lại một thời đã mất.
Em không vĩnh biệt anh mà vĩnh biệt sáu mươi năm ánh sáng của em, ngay từ bây giờ. Thưa anh, anh yêu dấu.
TRẦN BANG THẠCH
No comments:
Post a Comment