Monday, September 14, 2020

Nhà Xóm Biển

____________________

 Tùy bút của Hình Toàn 


Chiều ...chiều ra đứng nơi bờ tây 
Nhìn...nhìn theo con tàu đánh cá 
Xa kia núi trông như con Rùa
Ôi .. nước non nước non quê nhà 
........
Nay xa quê nhớ nhung vô cùng 
Nhớ nhiều biển chiều Kiên Giang 

Hôm trước đi chợ bờ sông tôi kể bạn nghe đến khu chợ cá biển ...rồi dài xuống cuối đường là bến Bạch Đằng , ngó ngang bên kia sông là đình Ông Nguyễn (NTT) và sân Vận Động, nơi đây là cửa biển nên có rất nhiều tàu đánh cá ra vào tấp nập mỗi buổi sáng và chiều, có bến tàu “Tân Hưng” chạy tuyến đường Rạch Giá- Phú Quốc (nhà ông kế bên nhà tôi ....nhưng tiếc thật ông không đi nên cuối cùng tàu ghe gì cũng bị đánh tư sản nên mất hết, sau 75 phải sống đời sống nghèo khó) . Ôi đời ai biểu được ngày sau ?   
Chiều chiều có những chiếc ghe cào đánh bắt gần bờ nên không đi xa  khi mặt trời sắp lặn thì họ ra khơi đánh bắt đến sáng tinh mơ quay bề cho kịp buổi chợ hừng đông có sống nơi này xóm biển mới thấy và hiểu được bao nỗi nhọc nhằn của những người làm nghề trên sóng nước 
Còn những chiếc tàu lớn hơn cao hơn, có phòng lái có hầm chứa cá chứa nước đá để khi bắt cá xong họ phải ướp trong đá giữ cá được tươi vì họ đi từ 10-20 ngày hay tệ lắm cũng một tuần thường thì một tàu 5-7 người thường gọi là “ngư phủ” . Ôi đời sống người dân quê tôi dãi dầu mưa nắng vui buồn theo từng cơn sóng vỗ và tình cảm vợ chồng treo trên những cột buồm 
    Khi chồng ra khơi vợ chiều chiều xuống bến đợi mong (đời xưa làm gì có phone cầm tay mà nhắn gởi) 

Tình anh treo cánh cột buồm 
Tình em ngóng đợi nơi bờ chợ tây 
Chiều chiều xuống bến mà trông 
Thấy buồm thấp thoáng biết anh đã về 

   Ở bến Bạch Đằng cũng là đường bạch đằng (sát mé biển) quẹo trái đi thẳng một chút là đường Hoàng Diệu (con đường cặp theo bờ kè chạy dài từ bến cảng tới sân quần vợt, sát bờ biển nên xóm này thường gọi là “xóm biển” 
   Tôi có cô bạn học thời trung học NTT nhà ở ngay góc đường 
Hoàng Diệu + Hàm Nghi, nên mỗi lần xuống nhà nó đi từ đầu đường Hàm Nghi 
có khách sạn Phú Sĩ và nhà thuốc tây cùng tên, gia đình này có mấy cô con gái 
tôi không nhớ hết tên chỉ nhớ tên người chị lớn tên Trinh, nghe nói toàn bộ gia đình định cư ở Úc (vì họ đi theo diện đăng ký bán chính thức).

   Bên kia con lộ ngang KS có các tiệm may đồ VEST (đồ tây Âu phục cho nam giới) như tiệm :
  - Thanh Việt 
  - Tân Việt 
  - Như Ý 
Và nơi này cũng có gia đình của cô Đường Năm (phu nhân của Thầy Phạm Công Nhựt) lúc trước theo lời ba tôi kể gia đình cô Năm có tiệm cơm Tây mà ba tôi là đầu bếp (nên ba tôi nấu ăn rất ngon)
  Ngang nhà cô Đường Năm có tiệm sửa máy may của bạn Tuấn mà bạn bè thường gọi là Tuấn Chí Trường (tên tiệm)
  Đi thẳng tới góc đường Hàm Nghi + Thành Thái : Có bàn bi da của Thầy Bích xéo xéo là nhà cô giáo Sang 
Đường Hàm Nghi + Huỳnh Tịnh Của : có nhà cô Tố Lang (định cư Canada và là trang chủ trang “Tha Hương” nên bài viết của tôi cũng nhờ cô 5 chèo đò đưa sang bên ấy và cũng cám ơn Nancy Hồ đã có lòng gởi bài tôi đến các bạn đồng hương Rạch Giá ở bên TLW .
Cuối cùng rất cám ơn một người đã cho tôi đôi cánh nhỏ, để tôi gởi nỗi lòng đi khắp mọi nơi đó là Hoa Trần của trang Trung Học Kiên Thành
Góc Hàm Nghi + Đinh Tiên Hoàng có quán 
Cà phê ông SÁNH 
Xéo qua là nhà bác Phủ và nhà Thầy tư Biện lúc đi học NTT tui hơn ngán sư phụ này vì là giám thị khó ơi là khó ...
    Trên một chút bên kia con lộ là quán 
    - Cà phê ông Cá Xường có món bánh nếp chiên ngon tuyệt cú mèo mà giờ đã thất truyền
     Đi một hồi thì tới nhà bạn tôi nằm sát mé biển ngay góc Hàm Nghi và Hoàng Diệu, quẹo trái là nhà anh Quang Đào còn quẹo phải thì tới nhà Thu Hương bạn tui nhà này cũng toàn là con gái “ngũ long công chúa “ 
  - Chế Lang
  - Chế Mỹ Thanh (trước làm việc ở Ngân Hàng Đông Phương ngay góc đường Lê Lợi đối diện chợ Kiên Giang có bức tượng đồng NTT.
  - chế Nguyệt 
  - Thu Hương ( bạn tôi còn gọi là Hương bóng mát )
  - Oanh 
Cùng dãy nhà Hương đi thêm dăm căn phố là tới nhà Lee Cai (cố quận)
Nhà nó ở xóm biển nơi sáng trưa chiều tối nhìn biển đến mòn con mắt, sáng mở mắt ra là nhìn thấy biển, chiều hoàng hôn phủ xuống cũng là biển nhưng biển chiều lãng mạn hơn nhiều, có chim hải âu bay lượn có ông rùa thấp thoáng phía trời xa, là xóm biển nên người dân nơi đây cũng sinh sống bằng những nghề liên quan tới biển như xẻ cá làm khô, đan vá lưới và buôn bán cá biển 
Ôi ! Thương làm sao hình ảnh đẹp của những người dân “nhà xóm biển”.

Hình Toàn


6 comments:

nhi said...

...Cùng dãy nhà Hương đi thêm dăm căn phố là tới nhà Cố Quận. Nhà nó ở xóm biển nơi sáng trưa chiều tối nhìn biển đến mòn con mắt, sáng mở mắt ra là nhìn thấy biển, chiều hoàng hôn phủ xuống cũng là biển nhưng biển chiều lãng mạn hơn nhiều, có chim hải âu bay lượn có ông rùa thấp thoáng phía trời xa, là xóm biển nên người dân nơi đây cũng sinh sống bằng những nghề liên quan tới biển như xẻ cá làm khô, đan vá lưới và buôn bán cá biển...ôi ! Thương làm sao hình ảnh đẹp của những người dân “nhà xóm biển”. Đọc hết đoạn kết của bài văn ngắn viết về " Xóm Biển Rạch Giá " của nhà văn Hình Toàn, làm nhị tôi nhớ lại những tháng ngày tuổi thơ đến thời thiếu niên khi gia đình mình còn cư ngụ tai căn nhà số chín đường Hoàng Diệu quá đi thôi.

Xóm Biển

Xóm biển ngày tôi tuổi ấu thơ
Thuyền neo kín bến đảo xa mờ
Kiên Giang gọi tỉnh người tư tưởng
Rạch Giá thành kêu kẻ mộng mơ
Vận đổi tình thân ly bốn cõi
Thời thay bạn hữu biệt đôi bờ
Thuyền ra một tối không trăng bỏ
Xóm biển dòng rêu cảng cột trơ

Làm xong tám câu...lòng nhị tôi quặn đau, buồn.

Thân,

Nhị

nhi said...



Cảm ơn bài viết ngắn của chị Hình Toàn đã mang nhị tôi về cùng sông dài và biển rộng Rạch Giá xưa, giờ quay lại mượn bức hình này thơ thêm bài nữa nghe mấy chế.

Cảnh Biển Xưa

Xưa cảnh biển sáng trưa chiều tối
Đàn nhạn con nước nổi trên sông
Lượn quanh mồi cá linh đồng
Sóng yên gió lặng bềnh bồng khói sương

Bao năm vắng lòng thương dạ nhớ
Rach Giá ơi một thuở xuân thanh
Ly hương nửa kiếp bỏ gành
Đảo-rừng-nương-ruộng-phố-thành lệ sa

Nay cảnh biển trùng xa ly khách
Đêm hồn mơ thấy phách lạc về
Xóm làng mộc mạc chân quê
Người muôn năm cũ...trong mê đâu chừ

Hình ảnh Xóm Biển của những ngày thơ ấu và thời niên thiếu ấy, sẽ còn sống mãi trong lòng nhị này vậy.

Thân,

Nhị

nhi said...



Hôm nay nói chuyện với anh Châu Hiền Quang bên Canada, anh giúp nhị tôi nhớ lại Xóm Biển trên đường Hoàng Diệu thị xã Rạch Giá rất nhiều...nhất là khi anh nhắc về hình ảnh chiếc xe bán đá bào của chú Sây dưới gốc cây đa cạnh Bến Đá, nơi mà những chiếc thuyền con sáng đi chiều về lưới cá năm xưa, nơi này nhị tôi đã sống suốt quãng đời tuổi thơ và niên thiếu của mình.

Xóm Biển (2)

Cây cầu con bến đá
Thuyền neo gốc cây đa
Tuổi thơ...niên thiếu đã
Mờ phai ký ức ta

Nay cửa nhà che mặt
Biển rừng xa đảo mờ
Người xưa kia bóng khuất
Đò ngang cảng đâu giờ

Đời lưu vong nhớ quên

Viết đến đây nhớ hai câu thơ " Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, Nền cũ lâu đài bóng tịch dương..." trong bài Thăng Long Hoài Cổ của Bà Huyện Thanh Quan quá đi thôi.

Thân,

Nhị

Châu Thành Rạch Giá said...

Cám ơn Hình Toàn, Bài viết "Nhà Xóm Biển" của Hình Toàn rất hay đã gợi nhớ nhiều về sinh hoạt của xóm biển ngày xưa nơi mà tôi đã sinh ra lớn lên và sinh sống tại đó. nhưng có một điểm tôi muốn xác định lại cho đúng là Tín Nghĩa Ngân Hàng ở ngay góc đường Lê Lợi đối diện chợ Kiên Giang có bức tượng đồng NTT. Còn Đông Phương Ngân Hàng ở ngay góc đường Hoàng Hoa Thám và Phan Chu Trinh bên hông nhà lồng chợ.

Châu Thành Rạch Giá said...

Nhà tôi số 9A đường Hoàng Diệu, cạnh nhà ông Bảy Phước có chị Tó đi chung tàu vượt biên với tôi. Xin cho hỏi anh Lee Cai ở cạnh nhà tôi phải không? Cám ơn anh Lee Cai

Quang Minh said...

Năm 2003 Hội Ngộ ở Toronto , lần đầu tiên tham dự, khi tới nhà thầy Cường, đậu xe ở bên đường , một ông lù lù tới, giọng nói nghe oang oang “ tui biết ông , mà ông không biết tui. “ , rồi kể ra một hơi, lúc đó mới bắt tay, từ đó bắt đầu là bạn
Đó là Châu Hiền Quang, ở 13 Hoàng Diệu, ngược số lại thì ra , số nhà 31 . Từ góc Hàm Nghi & Hoàng Diệu , nhà cô Mỹ Thanh , trái phải đi ngược chiều, nhà Kiều Phong - ông Đạo , Cùng học chung một trường, cách nhau chừng hai lớp, nhưng chưa hề quen biết, vì hai buổi đi về, một đường không ngó liếc, công việc nặng đôi vai, ở nhà đang chờ đợi. Nào xẻ cá, muối khô, đổ lên giàn phơi nắng . Cha lo việc bên ngoài, mình quán xuyến nhà trông. Thức từ bốn, năm giờ sáng, vở và rửa cá, rồi đổ lên giàn , nhờ lối xóm sang , xếp và phơi cá. Xong nhảy xuống biển, tắm bơi lội mấy vòng, rồi tất tả đến trường, chiều về phải dọn khô, sắp xếp vào cần xé, mai gửi đi vựa Sài Gòn. Vào những tháng mưa dầm , bưng vác cả tấm đăng , mau chạy riết vô nhà. Bây giờ ngồi nghĩ chuyện xưa, sao ốm mà khỏe vậy, cuộn đăng 5, 6 chục ký ( có cá khô bên trong ) , mà ôm chạy như không.
Hồi còn mới xuống vựa khô, chưa có phong tên nước , nên phải xách mỗi ngày, cả mấy chục đôi nước ( mỗi bên một thùng 20 lít ) ) từ bờ đá ra sau nhà, cách cả mấy trăm thước ,để sáng mà rửa khô. Xong mệt muốn đứt thở
Kể đến chuyện học hành, chỉ có ở trong lớp, về nhà đâu có thì giờ, liệng vở tập một xó, có cầm tới gì đâu,

Hòn Rùa và biển nước, hình ảnh quá thân thuộc , nhìn ngắm cứ mỗi ngày , đã ngấm vào tim óc, làm sao có thể quên , đôi khi mùa biển động , ít công việc làm , học thêm nghề đan, vá lưới,

hè 1966, từ giả mái trường yêu, lên Sai Gòn học đại,