Sunday, September 13, 2020

Áo Trắng Học Trò

 

________________

 Tùy bút của Hình Toàn 


Ngày xưa áo trắng sân trường 
Tan trường sao vẫn thẩn thờ ven sông 
Đường này sau vượt biển đông
nhưng mà thuở ấy ngây thơ nói cười 
chắc cô ra biển nhìn mây 
Hay là hò hẹn với anh bạn lòng ?

Ngày xưa chúng tôi đi học phải mặc đồng phục áo dài trắng với quần đen hay quần trắng, nam thì quần xanh dương đậm áo sơ mi trắng phải “bỏ vô thùng”đàng hoàng (áo bỏ trong quần) trên áo dài hay áo sơ mi cả nam lẫn nữ đều có may dính phù hiệu của trường mình đang học, thí dụ như trường Nguyễn Trung Trực, Lâm Quang Ky, Trường Võ Văn hay Phó Điều 
   Những cô cậu học trò ở nơi xóm biển không phải đi vòng qua cầu cá rồi đi ngược trở lên mà ngay bến cảng có đò đưa sang sông qua bên đình 
Ông Nguyễn rồi đi theo đường Mạc Đỉnh Chi gặp đường Nguyễn Bỉnh Khiêm quẹo trái là tới trường Nguyễn Trung Trực hoặc Lâm Quang Ky .

   Những buổi tan trường như đàn ong vỡ tổ, đứa đi bộ có đứa chạy xe đạp và một số ít đi xe Honda (mấy anh chị học lớp 11 hay 12 và nhà cha mẹ có tiền) thường thường học trò đi học bằng xe đạp là sang rồi (còn tôi từ đệ thất tới đệ ngũ cuốc bộ ngày hai buổi mệt lã mồ hôi, nên tôi ốm như “cò ma”
Vì bốn lượt đi về gần bốn cây số ...Ôi đi tìm con chữ đâu phải dễ .
      
Từ xóm Hoà Lạc quẹo trái góc đường Thủ Khoa Nghĩa + Võ Tánh, đi ngang trường tiểu học Vĩnh Huề  kế bên là “Đình Thần Vĩnh Hoà” mà ngày xưa mỗi năm vào dịp cúng kỳ yên tháng Giêng thường rước gánh hát bộ về hát ba ngày . Ôi ! Rất vui tối có bán đủ thứ bánh trái người người đi cúng đình vui hơn ngày Tết, phía bên trong đình có cái hồ nước dưới góc cây đa già nghe đồn có con BA BA (giống như Rùa) thật lớn mỗi năm ngày đợt cúng đình thường về dự lễ (hỏng biết đúng không) và có nhà ông TỪ giữ đình nằm trong khung viên đình, còn phía ngoài nhưng cũng trong hàng rào đình có một khoảng đất trống và cái giếng nước, sau đợt lễ, có gia đình người Hoa thường lên liếp trồng rau cải, ngày hai buổi sáng chiều xách nước từ giếng lên đổ vô đôi thùng nước có gắn cái vòi tưới, gánh trên vai đi giữa những liếp rau mà tưới ...Ôi những hình ảnh thân thương của xóm nghèo lao động .

Người ta phải vượt sông băng núi trèo đồi còn tôi đi học phải qua nhiều con phố, đi qua nhiều khu chợ rồi mới đến được trường, tôi đi hỏng biết mòn bao nhiêu đôi guốc, trời nắng còn đỡ khổ, gặp tháng trời mưa tà áo dài sau đều có chấm sình, nào áo mưa nón lá nào cặp đựng tập vở .Ôi đủ thứ linh tinh 
(Nên bây giờ ...tôi phải viết thật nhiều để trả cái công tôi đi học) 

    Khi tôi mới lên đi học đệ thất lần đầu mặc áo dài chế hai dẫn tôi đến nhà cô hai Cúc kế bên tiệm thuốc tây ngang “Nhà Thương Rạch Giá” góc đường Lê văn Duyệt + Lê Lợi để may áo dài nơi đây không thấy trương bảng hiệu như rất đông khách, ngoài ra còn có nhà may ÁO DÀI MỚI gần nhà sách TẤN HOÁ . 

Trên đường Lê văn Duyệt có quán DƯ ÂM của Thầy Trương Ngọc Thạch, đi xuống một chút là toà án cũ, gần đó có dãy nhà lầu hai tầng và có một quán bán yogurt (sửa chua) và rau câu nước dừa, rất thu hút các cô cậu học sinh, tôi thích ăn yogurt tẩy (nước đá đập nhuyễn trộn với sửa chua) rất ngon .

   Nếu bạn đi qua CẦU ĐÚC đi ra ngoài hướng về phía CỔNG TAM QUAN
Qua cầu thì đường đổi tên là Nguyễn Trung Trực bạn đi tới ngã tư “Xã Mai” nếu quẹo trái xuống đường Cô Bắc thì gặp đường Ngô Quyền cặp bờ sông, nếu quẹo phải xuống đường Cô Giang, trên đường Cô Giang có chùa Phổ Minh, lúc trước tên con đường này : Cô Giang ..Cô Bắc —-Nhưng sau họ đổi ngược lại là Cô Bắc ...Cô Giang (thôi Bắc Giang gì cũng được ...già rồi khi nhớ khi quên,nhớ đâu kể đó ... đi thêm chút nữa thì đụng đường Lâm Quang Ky sát mé biển (con đường này sau 75 cũng là bến bãi đổ quân ra tàu lớn vượt biển) trên đường Lâm Quang Ky có Quán Chiêu Dương ( của gia đình Anh Đào học trò NTT cùng cấp lớp với tôi) nỗi tiếng một thời, có hòn non bộ có nhà thủy tạ có cầu se duyên nơi lý tưởng để hẹn hò với bạn bè, tôi và đám bạn cũng thường ra đó ngắm trời mây non nước nhưng hỏng thấy rõ hòn RÙA .

Ôi ! Bao kỷ niệm xưa lại hiện về 
Cái thời tuổi trẻ lắm mộng mơ 
Thường ra biển ngắm trời mây nước 
Những mái đầu xanh lắm dại khờ 
Còn đâu những buổi tan trường cũ 
Áo trắng học trò tóc điểm sương

Hình Toàn 

No comments: