Saturday, December 29, 2018

THI SĨ VŨ HOÀNG CHƯƠNG CÓ CHẾT VÌ RƯỢU KHÔNG


Image result for vũ hoàng chương thơ say
_______________

CHÂN DIỆN MỤC



      Tôi là một đệ tử ruột của Thầy Vũ Hoàng Chương. Mỗi lần cầm bút định viết về Thầy tôi lại ngần ngại, chỉ sợ bị hiểu lầm là nịnh bợ, là ăn theo, là núp bóng.  Nhưng gần đây, rất nhiều bài viết về Thầy, trật lất, chứng tỏ người viết chẳng hiểu gì về Thầy cả.

       Nhiều người viết là Thầy không lý tưởng, sa đoạ, dùng rượu để quên đời, uống như hũ chìm... kiểu Lưu Linh.

       Sự thật Thầy không uống rượu nhiều, không bao giờ say té, say nói huyên thiên như... ngày nay! Có lẽ người ta căn cứ vào bài thơ say, và tập thơ say đầu tiên của Thầy chăng?


       Chính Thầy nói với tôi rằng bài thơ say là cảm hứng lúc Thầy đi qua nhà hàng khiêu vũ:
Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân
Lúc đó thầy chưa biết khiêu vũ. Thầy chỉ tưởng tượng là mình đang ôm người đẹp... Quay cuồng...  say xưa.  Say đây là say tình hơn là say rượu:

Đất trời nghiêng ngửa
Mà truớc mắt thành sầu chưa sụp đổ
Đất trời nghiêng ngửa
Thành sầu chưa sụp đổ em ơi

       Tôi xin nhấn mạnh ở chữ "chưa”: Thành sầu chưa sụp đổ! Nếu uống tới "quắt cần câu” tới “chui xuống sình” như ngày nay thì thành sầu đã tan thành tro, trôi ra biển rồi! 
Tôi có quen nhiều thi sĩ nổi tiếng. Họ nói tới rượu tía lia, nói tới rượu với bao âu yếm... thế mà rất nhiều trong số họ uống rất ít, thậm chí có người không uống! Thơ văn là hư cấu mà!!!  Họ mượn rượu để tâm hồn lâng lâng, bay bổng. Mượn thơ để tự thăng hoa, bốc đồng và... để tự đánh lừa mình! Một thế giới viễn mộng hay hư ảo!

      Hầu hết các nhà phê bình, khảo cứu, dù là có bằng cấp cao, viết luận án Tiến sĩ, hay nghiên cứu sau tiến sĩ đều đã “đánh vật với chữ nghĩa” mà không thả hồn đồng cảm với thi sĩ. Họ không hề biết làm thơ, không chơi thân với thi sĩ. Họ lấy kính hiển vi soi vào từng chữ của thi sĩ nên họ không cảm được cái bốc đồng, thăng hoa, bay bổng của thi sĩ.
Các bạn hiểu thế rồi, tôi sẽ nói với các bạn là rượu đã giúp cho thi sĩ “bay” ít, mà chính ả Phù Dung đã giúp cho Thầy “bay” nhiều. Cái thầy mình nhẹ như bông, lâng lâng, bay vần vũ vào khung trời hoa thơm cỏ lạ, với tình yêu lung linh đẹp, và cõi lòng mở hội đón giai nhân nhập cuộc vào lâu đài ái ân tuyệt vời.
Chính trong cái không khí:
Có ai ghì hư ảnh sát kề môi
mà những bài thơ hư ảo ra đời.
Không ghì được giai nhân ngoài đời thì “ghì” giai nhân trong căn phòng hư ảo, tiếng nhạc hư ảo và hơi thở hư ảo!!! Các bạn đã mường tượng ra con tim hư ảo của thi sĩ chưa? Nếu chưa, là tôi không có tài múa bút trên trang giấy này!

Người ta cũng hiểu lầm về thi sĩ khi cho chàng quá nhiều tình yêu, cho là một con người yêu lung tung, lẳng lơ, ướt át. Không!
Nếu tôi không lầm thì thi sĩ không yêu nhiều người. Ngoài bà Thục Oanh là Phu Nhân của Thầy, tôi thấy trước đó chỉ có ba vị giai nhân đi vào đời Thầy. Mà lần lượt, là sau một lần tan vỡ thầy mới yêu người khác, chứ không phải yêu một lúc ba người. Nếu tôi nói sai thì xin một vị nào thân cận với Thầy hơn, chỉ giáo cho (vì lúc đó tuy tôi có tới thăm Thầy nhiều, nhưng chỉ nói chuyện văn chương chứ không dám nói leo, hỏi chuyện tình cảm của Thầy).

       Người đầu tiên Thầy gọi là Kiều Thu thì ai cũng biết rồi;
Kiều Thu hề Tố hỡi em
...............................
Tố của Hoàng ơi hỡi nhớ thương

Người thứ hai là Tuyết Khanh:

Màu sương ngả thẫm ý hoài Khanh
........................................
Phượng nở đêm nào cặp má Khanh

       Người thứ ba là bà Vân. Nhưng có lẽ là người Tri Kỷ hơn là một người tình, cho nên trong tập thơ MÂY ta không thấy giọng tha thiết như trong mấy tập kia?

         Dù là mối tình đầu hay mối tình sau, dù là thân ít hay thắm nhiều thì ta vẫn thấy thi sĩ nghĩ tới và diễn tả giai nhân với những nét mờ ảo, huyễn hoặc, dật dờ chứ không phải những nét tả chân, dung tục như người thường.
Thi sĩ đã gặp giai nhân qua làn sương mờ ảo với sự môi giới của ả phù dung:
Ngọn đèn ai quạnh lửa nhàu bông
       Vâng! Dưới ánh đèn dầu lạc (dầu đậu phọng) chứ không phải dưới ánh đèn điện sáng chói. Vậy thì ta không thể nói rằng:
Cánh tay ngùi vết hương thừa trống không
là câu thơ dung tục.
Với tâm hồn đa cảm và tình yêu chân thật của chàng thì  dưới  “vết hương thừa” vẫn ánh lên một  “mối tình cao quý”  và chàng thành tâm kính cẩn bay về không gian xưa, “vượt mười năm cũ” về tận “kinh đô của ước thề”.

       Sở dĩ chàng bay được nhiều không gian xưa không mệt mỏi như thế chính là nhờ có sự tiếp sức của ả phù dung (Có lần tôi tới thăm Thầy, nói chuyện một lúc, Thầy ngáp dài, Thầy xin phép vào nhà trong chút xíu...  lúc trở ra, Thầy tươi hẳn lên)

       Lần bay sau chót của chàng là khi gặp giai nhân Thục Oanh:

Em ạ Thiên Đường lại mở
Chờ ta chắp cánh bay về

       
Tôi có hân hạnh được gặp Cô, quả là một Giai Nhân. Thầy đã an tâm sống ở Thiên Đường đó (Không biết Thầy có lâu lâu lén xuống hạ giới hay không, cái đó tôi không biết). Tôi sẽ đăng luôn lá thơ của chị Phạm thị Nhung, bạn tôi, gửi Cô, để quý vị thấy rõ tinh Cô đối với Thầy thế nào.

       Tóm lại, Thầy Vũ hoàng Chương không say rượu, mà là say tình. Qua ả Phù Dung, Thầy say sưa bay vào khung trời hoa mộng, khung trời riêng của Thi Sĩ, rất đáng trân trọng. Xin đừng mổ xẻ tùm lum, càng thêm rối, và càng không hiểu rõ về Thầy.

Chân Diện Mục 6-2011

1 comment:

Quang Minh said...

Tố của Người hay Tố của ai
Khung trời mây trắng nhẹ bay bay
Say tình say rượu say hình bóng
Mờ ảo mông lung giấc mộng dài

Dù mối tình đầu hay cuối nẽo
Dù là tình trước hay tình sau
Giai nhân huyễn hoặc như sương khói
Ẩn hiện mù xa tận chốn nào

Cảm hứng, tưởng tượng, fake news,
Không thật, chớ tin
Hi hi hi.. ,