_______
Chu Sa Lan
1
Nguyễn ngồi im. Ly cà phê phin nhỏ từng giọt chầm chậm. Thứ bảy.
Bảy giờ chiều. Nắng hanh vàng rơi rớt trên tàng cây mít xanh lá ngoài đường.
Rút điếu thuốc gõ nhè nhẹ lên mặt bàn, thong thả đưa lên miệng ngậm giây lát
anh mới quẹt diêm. Khói thuốc lãng đãng trong không khí ẩm ướt. Trời như muốn
mưa. Tiếng sấm gầm xa thật xa. Gió thổi nhè nhẹ rung rung những tàng cây ngoài
sân. Đây không phải là cái quán mà đúng ra là ngôi nhà. Bà chủ quán có chồng đi
lính xa, lương không đủ nuôi đàn con lũ khủ năm sáu đứa nên bà mở quán kiếm
thêm tiền. Nguyễn thích tới đây vào ngày cuối tuần vì sự thơ mộng và yên tịnh,
nhất là sự đối đãi đặc biệt. Đứa con gái của bà chủ quán là học trò của anh. Do
đó anh muốn giúp đỡ đứa học trò nghèo hiếu học được chút nào hay chút đó. Hiểu
được lòng tốt của thầy, đứa học trò không coi anh như một khách hàng thông thường
mà là một thầy giáo kiêm cha chú. Anh khẽ thở dài. Đời giáo chức ở tỉnh lỵ Tây
Ninh nhàn hạ, bình lặng, trống rỗng và nhàm chán. Ngày hai buổi tới trường nhìn
thấy các khuôn mặt quen thuộc, nhai đi nhai lại hằng ngày những lời giáo huấn
mà anh biết sẽ không còn có nhiều ảnh hưởng với học trò. Đám học trò đệ nhị,
đệ tam đang có nhiều lo âu và suy tư hơn là nghe một môn học chán nhất trong những
môn học. Đám học trò mới lớn của anh bận tâm về chiến tranh, tình yêu và chuyện
đi lính hơn phí thời giờ để vùi đầu vào môn Công dân giáo dục. Chiến tranh đang
trùm phủ lên toàn đất nước, nghe hoài hủy trên đài phát thanh, đọc nhan nhản
trên báo chí qua lời cáo phó hay đi dự đám tang của các gia đình có con hy sinh
vì tổ quốc.
Một người lính Biệt Động Quân bước vào quán. Bộ quân phục bạc
màu. Trên vai áo có gắn hai bông mai màu vàng. Đôi giày trận lấm bùn. Mái tóc
ba phân vàng cháy. Khuôn mặt xạm nắng. Đôi mắt ngác ngơ. Người lính trận trông
xa lạ và lạc loài. Nguyễn liên tưởng tới bạn bè, tới hai người anh của mình.
Đâu đó nơi vùng hẻo lánh hoang vu. Đâu đó trong rừng rậm ngút ngàn. Đâu đó trên
núi cao chớn chở. Đôi mắt lờ đờ thiếu ngủ. Quần áo nồng mồ hôi lâu ngày chưa giặt.
Anh ngồi co ro trong hố cá nhân. Anh vật vả dưới cơn pháo kích.
Ngồi xuống bàn bên cạnh, người lính biệt động gật đầu cười chào
Nguyễn. Nụ cười thật buồn, thật bơ vơ mà cũng thật hiền lành và dễ thương. Nguyễn
cười làm quen bằng một câu hỏi.
– Anh từ đâu tới?
Đốt điếu thuốc hít hơi dài, người lính chiến giơ tay chỉ về hướng
núi Bà Đen.
– Trong đó… Ba tháng mười một ngày… Tiểu đoàn của tôi lội nát
vùng Suối Đá, núi Bà Đen và mật khu Dương Minh Châu…
Nguyễn cười.
– Anh nhớ kỹ…
Người lính gật đầu.
– Tôi đếm từng ngày…
– Chắc đánh nhau với Việt Cộng dữ lắm…
– Lai rai… Đụng mỗi ngày…
Nhìn Nguyễn giây lát, người lính nói tiếp với giọng hơi khàn có
lẽ vì hút nhiều thuốc lá và thức đêm.
– Nếu không có chi phiền tôi mời anh chai bia…
Ngay giây phút đầu tiên thấy người lính biệt động này Nguyễn bỗng
dưng có thiện cảm. Có lẽ vì dáng điệu buồn bã và sự im lặng hiếm thấy. Có lẽ vì
cách ăn nói lịch sự và mềm mỏng của anh ta.
– Cám ơn anh…
Cầm ly cà phê Nguyễn bước sang bàn bên cạnh. Người lính áo rằn
giơ tay ra. Nguyễn nắm lấy bàn tay sần sùi và chai cứng.
– Hoàng…
– Nguyễn…
Hai người bắt tay nhau. Hoàng gọi hai chai 33. Rót bia vào ly
cho mình, anh nhìn Nguyễn.
– Mời anh…
Ngửa cổ uống một hơi thật dài xong Hoàng lại rót hết bia trong
chai vào ly rồi đưa lên uống cạn. Chắt lưỡi, anh cười nói như để bào chữa cho
cách uống rượu rừng rú của mình trước mặt một người mới quen.
– Ở trong rừng lâu quá đâm ra thèm đủ thứ. Thèm chai bia, tô
canh chua, cá kho tộ, chén cơm trắng…
Gọi thêm chai bia, anh cười tiếp.
– Thèm tô phở Pasteur, ly thạch chè Hiển Khánh… Phải đi xa, đi
lâu mình mới nhớ Sài Gòn… Anh ở Sài Gòn…?
Gật đầu cười Nguyễn trả lời bằng câu hỏi.
– Làm sao anh biết tôi ở Sài Gòn?
Hít hơi thuốc, Hoàng cười cười nâng ly bia.
– Tôi ngửi được mùi Sài Gòn nơi anh…
Nguyễn bật cười vì câu nói của người lính biệt động. Hoàng uống
cạn chai bia thứ nhì. Nguyễn nhận thấy người lính chiến mới quen này dường như
uống không phải để vui mà để say, để quên đi điều gì muốn nhớ, hoặc để tận hưởng
thời gian quí báu và ngắn ngủi nơi thành phố. Trời tối. Người đi lại thưa thớt
dù là đêm cuối tuần. Chỉ có lính hoặc thanh niên độc thân mới lang thang vào
ban đêm. Tây Ninh nằm sát biên giới Việt Miên cho nên luôn luôn là điểm nóng dưới
áp lực quân sự nặng nề của cộng sản Bắc Việt.
– Anh làm gì ở đây?
Hoàng hỏi người bạn mới quen trong lúc đốt thuốc.
– Dạy học. Anh thấy đứa con gái đó không. Nó là học trò của tôi…
Gật đầu cười nhìn theo tay chỉ của bạn, Hoàng hít hơi thuốc thật
dài, từ từ nhả khói ra xong nói với giọng mơ màng.
– Hồi còn trẻ tôi thích làm thầy giáo. Tôi thích làm thầy giáo ở
các tỉnh xa xôi như Ban Mê Thuột hay Pleiku…
Nguyễn cười uống ngụm bia.
– Người ta sợ những chỗ đó mà anh lại thích…
Uống cạn chai 33, Nguyễn mời Hoàng về gác trọ của mình uống tiếp.
Người lính chiến nhận lời không do dự. Tạt vào tiệm tạp hóa Nguyễn mua bia, thuốc
lá và tôm khô củ kiệu.
Hai người ngồi nơi lan can ngoài sân. Ánh trăng thượng tuần mông
lung vàng đổ. Cây mít cao lất lây trong gió đêm. Không gian vắng lặng.
Hai người im lìm uống. Chỉ có đầu thuốc cháy đỏ. Nguyễn liên tưởng đến hai câu
thơ của thi sĩ Bích Khê ” Ngồi suốt đêm trường không nói năng. Ngậm
ngùi chén rượu ánh vầng trăng…”
Hoàng chợt buông tiếng thở dài hắt hiu. Diêm quẹt cháy bùng. Qua
ánh sáng mờ mờ Nguyễn thấy mắt người bạn mới quen dường như có lệ.
– Anh chắc đã yêu?
Hoàng hỏi. Nguyễn gật đầu. Uống hơi bia, giọng anh chầm chậm cất
lên trong bầu không khí tịch mịch của tỉnh lỵ.
– Quen nhau từ trung học. Lớn lên càng thấy cách biệt. Dường như
tôi với nàng đều đổi thay. Rồi cuộc tình đổ vỡ dù hai đứa muốn hàn gắn. Tôi
nghĩ hàn gắn cũng vô ích. Rồi nàng đi lấy chồng. Thế thôi…
Hoàng lại thở dài. Tiếng thở dài buồn, thật buồn. Nguyễn không đủ
ngôn từ để diễn tả tiếng thở dài này. Rót bia đầy ly Hoàng đưa lên ngắm nghía
đoạn uống một ngụm. Suốt đêm đó dưới ánh trăng thượng tuần vàng đổ trên áo,
trong cơn say chập chờn vỡ vụn, anh kể cho người bạn mới quen nghe một chuyện
tình…
No comments:
Post a Comment