Thursday, October 8, 2020

Sóng gió trùng dương

 __________

 Hồ Phi


Bài viết hoàn toàn sự thật , (không một chút hư cấu). 

SÓNG GIÓ TRÙNG DƯƠNG

* Viết để nêu ra vài nét sinh hoạt của đời ngư phủ, rủi ro, nguy nan trên biển cả và lưu niệm cụ Đỗ Muôn kính mến, người đã mãi không có dịp được gặp lại.

 Sau một ngày kéo lưới, vật lộn với sóng biển, thuyền của Hữu quay lại Bến Đá, Vũng Tàu, bán được nửa giỏ cần xé tôm thẻ lớn. Cơm nước trên thuyền xong, trời cũng đã tối hẵn. Đêm trăng 14 tháng Chạp năm Ất Mão (1975), mây phủ âm u, gió thổi đụng dãy núi trên bến, kêu vi vút từng hồi. Thuyền lắc lư như nôi ru giấc ngủ. Nằm xuôi trong khoang lái, chân tay, mình mẫy nhức mỏi, như không thể cử động nữa. Hữu ngủ mê man bất tỉnh. Đến quá nửa đêm, Hữu thấy khó chịu vì bị chùi xuống một góc. Nhưng Hữu vẫn mê ngủ, trong tư thế nửa nằm, nửa đứng. Hữu nhận ra thuyền đã quá nghiêng thấp về phía lái. Ban chiều thuyền, bị buộc mũi sát vào trụ bến, không theo mực nước lùi ra được. Đến khuya, thủy triều rút xuống để thuyền dựng nghiêng trên bờ đá lổm chổm.

Trời sáng rõ, Hữu thức giấc, bò về phía mũi và nhảy lên bến. Quay nhìn lại, Hữu thấy thuyền mình đang bu trên đống đá đen gồ ghề, mỗi hòn to bằng cái thúng lớn. Hữu xót xa, lo lắng vô hạn. Chiếc thuyền gỗ này bây giờ là sản vật quý hơn cả cao ốc ở Saigon, nó quyết định sự sống chết, nguồn hy vọng của cả nhà Hữu. Nếu vỏ thuyền rạn nứt hoặc thương tổn, thuyền có thể phá nước và chìm xuống đáy biển. Còn việc vào ụ sửa chữa cũng tốn kém và lắm nhiêu khê, phải làm đơn qua nhiều cấp chính quyền, từ liên gia, khóm, công an phường… đến ty Công An tỉnh.

Hữu là một chủ thuyền bất đắc dĩ, thời thế tạo con người. Trước kia Hữu không biết gì về chài lưới hay thuyền bè, sông biển. Hồi còn ở quê, mỗi lần qua đò ngang nước lớn, Hữu đã sợ rồi. Ngán cảnh mưa bão, lụt lội, dân tình cằn cựa khó khăn, anh em xâu xé, nghèo khổ, đói ăn, thiếu thốn đủ mọi thứ, nên chờ đến sau đình chiến 1954, Hữu đã tìm mọi cách vào Nam học hỏi và kiếm sống, mong thoát cảnh lầm than. Từ tay không, dần dần có vài chỗ nhà cửa, xe cộ và cửa hàng buôn sỉ hàng vải ở Chợ Lớn, theo kiểu người Hoa. Hai mươi năm tưởng đã thoát ách khốn cùng, không ngờ tai trời, ách nước đã trở lại trên khắp xứ. Chiêm bao hoàn ác mộng. Hữu vội phá bảng hiệu, dẹp cửa hàng, dứt dây điện thoại, bôi bảng số xe đẩy bỏ ngoài đường, nhà cửa tiện nghi thu nhỏ lại. Thừa chính sách dãn dân, đuổi dân Sàigòn đi bớt về quê, Hữu xin di chuyển ra Phước Tuy. Cán bộ mới làm không biết Phước Tuy bao gồm cả Vũng Tàu, nên chứng thuận ngay. Muốn thoát ách, cần phải công phu và kiên trì. Hữu cho vợ con mua một căn nhà nhỏ ở Vũng Tàu sát mé nước. Nhờ giấy di chuyển đã thay tên đổi tuổi, Hữu khai vào hộ khẩu ở đó. Có hộ khẩu làm dân địa phương mới được phép mua thuyền và làm nghề chài lưới. Lái thuyền trên biển cũng chẳng khó, nhưng làm nghề ngư phủ, bắt tôm cá dưới đáy biển, để bán cho Hợp Tác Xã với giá rẻ, để được mua dầu và mọi thứ, tránh bị nghi ngờ vượt biên là một điều khó khăn và khéo léo. Hữu làm việc, phơi nắng cho đen đủi, thế mà có người trong bến với giọng Quảng Nam, còn ác miệng nói: “Lão ấy tướng ông Thiệu mà làm biển cái chi”. Nghe thoáng lời ấy, Hữu càng lo, giống như Lưu Bị khi nghe Tào Tháo luận anh hùng. Người trong phường thường hay hỏi nhau, thuyền VT.018 đến nay đã bị bắt chưa?

Hữu đang nóng lòng chờ thủy triều lên, cho thuyền nổi, để biết thuyền có bị hư hại không. Tình cờ, Hữu nhìn thấy một ông già đầu bạc phơ, mặc bộ đồ bà ba trắng, đang ngồi trên bến nhìn ra, như đang chờ thuyền ai đi ngang qua cảng. Hữu lịch sự chào hỏi:

- Bác đang chờ ai vậy?

- Tôi chờ tụi Tư Đỏ, hẹn sáng nay đi câu, nhưng chưa thấy thuyền nó ra.

Nghe giọng nói Bình Định của ông, cũng là những kẻ tha phương cầu thực như mình, Hữu thấy như thân quen và cảm tình ngay.

- Ủa bác cũng làm ngư phủ sao?

- Tôi làm nghề này lâu rồi, còn chú làm gì đây?

- Tôi làm biển, đi dã tôm.

- Ghe chú đây à, sao lại đậu trên đống đá, nhiều ghe đã bị hư hại vì chỗ này.

- Bác ơi, tôi mới làm có mấy tháng, đâu đã biết. Có vài thằng nhỏ, gốc ở đây làm với tôi, mà chúng chểnh mãng không biết gì hết, thiệt là quá tệ.

- Ghe này đi câu khơi được, sao chú lại đi dã tôm?

Hữu đã có ý định muốn đi câu xa để thám sát biển khơi. Hữu có người bà con cô cậu, nay về làm Giám Đốc ở thành phố Hồ Chí Minh, hắn khoe rằng: “Hải Quân Giải Phóng bố trí dày đặc ngoài hải phận, ngăn chặn và trừng trị bọn phản động cố tình vượt biên theo giặc. Thuyền chúng xâm nhập hay trốn chạy đều bị bắt, hay bị bắn chìm tất cả. Chỉ có cá mới bơi lọt mà thôi”. Hữu muốn kiểm chứng thực hư. Nay nghe ông già đề nghị đi câu khơi, Hữu đồng ý ngay:

- Tôi cũng muốn đi lắm. Tháng trước, tôi đã đi một lần, nhưng sóng lớn quá, ai cũng ói cả. Thuyền lại ít người không làm nổi. Nửa chừng, chưa đến Côn Sơn, đã phải quay về.

- Chú yên chí, tôi sẽ sắp đặt cho chú có đủ tài công và ngư phủ. Chú muốn làm thì đi theo tôi.

Hữu theo ông già đầu bạc này lên xóm nhà nơi triền núi ngay Bến Đá, vào một căn nhà nhỏ trống trơn, chỉ có một cái giường cũ, trải chiếc chiếu nhựa rách nát. Ông già giới thiệu người ở đó là tài công Năm Lạc. Năm Lạc cao gầy đen đủi, môi thâm thuốc lá, lối ngoài 50 tuổi, nói giọng Quảng Nam. Hỏi ra, Năm Lạc đã từng lái thuyền đánh cá nhiều năm ở Đà Nẵng, sau lưu lạc vào Vũng Tàu. Năm Lạc có vẻ trầm buồn khắc khổ. Hữu thấy ông già giới thiệu, nên cũng yên lòng. Hữu cũng do dự có nên dùng những ngư phủ sắp được giới thiệu làm việc trên thuyền không? Vì mướn vào làm thì dễ, nhưng sợ lúc cho họ thôi việc có thể bị rắc rối.

Khi xưa, Cộng Sản thường xúi quẩy và vuốt ve người nghèo. Hữu sợ mướn người làm sẽ có thể bị tố là bóc lột, theo kiểu như địa chủ đã bị đấu tố, giết chóc, khốn đốn lúc trước. Nên Hữu vội nói trước cho ra vẻ ta cũng thông hiểu cách mạng:

- Như hai bác đã biết, cách mạng hiện giờ chấm dứt mọi hình thức bóc lột. Có thuyền mướn người làm là bóc lột. Mọi người đều phải tự lao động sản xuất. Tôi sắm thuyền cho gia đình tôi có phương tiện tự làm ăn, sản xuất, chứ không có ý thuê người khác làm mà chia phần. Nếu giờ đây các bác muốn làm với tôi, là chỉ tạm thời, theo qua mỗi chuyến câu mà thôi. Chúng ta sẽ chia phần theo tục lệ hiện hành, ai sao tôi vậy, nghĩa là sau khi trừ mọi chi phí, dầu nhớt, ăn uống, phần còn lại sẽ chia chủ 4, thợ 6. Sau mỗi chuyến là chấm dứt, không ai ràng buộc nhau thêm điều gì nữa.

Ông già và Năm Lạc đều đồng ý và nói:

- Chú đừng lo, tụi tui biết điều mà.

Thế là đôi bên thỏa thuận và hẹn nhau chuẩn bị phần việc của mình.

Hữu trở về bến, mực thủy triều đã cao, chiếc thuyền nổi lên bình an, không có dấu vết bị thương tổn hay hư hại, như con vật khổng lồ đang nằm chết, lại vừa đứng dậy khỏe mạnh. Hữu vô cùng mừng rỡ.

Chiều hôm đó, ông già và Năm Lạc dẫn theo 4 thợ câu nữa lên thuyền: Trí, Long, Mường, Được, đều là những ngư phủ đứng tuổi. Long lại có dẫn theo một viên Công An biên phòng, áo vàng với quân hàm đỏ vàng trên cổ áo, làm Hữu hơi lo. Nghe nói là viên Công An này trú đóng trong nhà Long, theo ra thuyền chơi. Nhưng có lẽ Công An đã được thông báo, nên ra thăm dò xem thuyền Hữu thật sự làm trò gì.

Nhân công có sẵn trên thuyền Hữu lúc bấy giờ gồm vợ chồng Hữu, hai con trai lớn là Ngà 20 tuổi, Hiển 17 và hai ngư dân trẻ địa phương là An và Thái đều khoảng 20.

Sau sự giới thiệu của Năm Lạc, Hữu nói rõ về điều kiện làm việc với tất cả, như đã nói với hai người lúc sáng, rõ ràng, rành rẽ. Mọi người, có cả viên Công An, đều nghe và yên lặng. Ông già Đầu Bạc phát biểu đồng ý, hứa sẽ không làm khó dễ gì, và xin Hữu cứ yên tâm.

Rồi tất cả bắt tay vào việc. Chia nhau đi mua thực phẩm, dự trù ăn 10 ngày, lấy thêm nước, dầu nhớt và đá lạnh. Người thì ngồi cột lưỡi câu hoặc mang thêm ngư cụ đến. Long và Ngà lập danh sách ngư phủ, đến liên gia, khóm, phường và Ty Công An Vũng Tàu xin phép ra biển. Nhờ có Long và Mường móc nối nên giấy phép và danh sách ngư phủ được ký thuận trong ngày. Một sổ chi tiêu cũng được lập ra. Tên của Mai, vợ Hữu cũng đã được ghi vào. Hữu thấy vui vui, vì có đông người làm việc với mình, nhưng hơi lo vì thấy trời mù, gió lạnh Đông Bắc đang thổi nhiều và radio loan báo sóng cấp 4 cấp 5.

Năm Lạc chỉ định An làm tài cãi, tức là thợ máy, lo việc hầm máy, coi máy chạy, bơm nước trong khoang và xem xét dầu nhớt. Chuyên môn của An cũng chỉ giới hạn. Nếu máy không nổ, hộp số trục trặc như đã từng xảy ra chỉ còn có nước cầu trời. Đến phút chót, Thái khai vướng lưỡi câu bị thương, chảy máu, không đi. Sau hỏi ra, mới biết Thái thấy vợ Hữu cùng đi, sợ thuyền sẽ không trở lại, nên kiếm cớ thoái thác. Hữu cũng mừng để Thái nghỉ việc. Thái là một thanh niên Công Giáo di cư, nhưng khi Cộng Sản vào Vũng Tàu, Thái cũng nhảy ra làm Công An, chỉ chọt này nọ một thời gian. Sau gặp An rũ đến làm trên thuyền của Hữu. Biết được, Hữu lo ngại Thái là kẻ trắc trở, lòng dạ đổi thay. Hữu đem vợ và hai con lớn tham dự chuyến câu khơi này cốt luyện tập cho quen khó khăn, học hỏi thêm về biển cả, để sau này gia đình có thể tự làm lấy, không cần người ngoài.

Khi mọi chuẩn bị đã hoàn tất, thuyền trình giấy tại trạm gác nổi Công An Biên Phòng và rời bến lúc 1 giờ chiều ngày 16 tháng Chạp âm lịch như đã dự tính. Năm Lạc tăng tốc máy tối đa trong mức quay (1400.RPM) an toàn, hướng mũi về Nam, ra khơi. Biển động cấp 4. Mai phải uống thuốc chống say sóng cho bớt ói mửa. Ngà và Hiển nằm ngây ngất trong khoang. Cả nhà Hữu không ai biết bơi, nên Hữu đã lo sẵn phao jacket của Hải Quân lúc trước, cho mọi người mặc, phòng khi té xuống biển khỏi bị chìm ngay.

Cùng đi với một đám ngư phủ biết nghề, Hữu thấy có phần yên tâm hơn, tuy biết rằng nếu sóng lớn, thuyền hở ván, vào nước, máy móc trục trặc, thì dù có tài giỏi kinh nghiệm gì cũng phải chết thôi. Hữu thấy nhóm ngư phủ này như đám mù, nghèo túng quá, phải liều thân ra khơi, khi đang còn mùa biển động. Người nọ tin tưởng, ỷ dựa vào người kia mà dạn dĩ. Hữu hỏi:

- Sóng gió như thế này, các ông thấy sao?

Có người đáp:

- Có khi sóng còn cao hơn thế này nữa.

Quá mệt mỏi, sau mấy lần nôn ói, Hữu nằm nửa tỉnh, nửa mê nơi khoang lái, chẳng ăn uống gì chiều hôm đó.

Ngọn hải đăng nhấp nháy trên núi Vũng Tàu dần dần thấp xuống và chìm khuất dưới chân trời phía Bắc. Đến nửa đêm, Năm Lạc bảo An tắt máy, thả neo và mọi người tìm chỗ ngủ trong khoang. Mũi thuyền cao, chỉa thẳng vào chiều sóng gió, nên cũng dễ bề chịu đựng.

Trời sáng tỏ, mọi người thức dậy, ăn xôi, uống cà phê và tiếp tục cuộc hải trình. Vài giờ sau, Hữu đã thấy ngọn núi Côn Sơn lờ mờ nơi chân trời Tây Nam. Đến 4 giờ chiều, ngọn Núi Côn Sơn đã mờ dần và chìm khuất dưới hoàng hôn Tây Bắc. Nhờ kín đáo thâu thập dữ kiện, Hữu ước tính thuyền này, máy Diesel Yanmar, 3-block, với vận tốc máy 1400 RPM đã chạy từ Vũng Tàu đến mức ngang Côn Sơn mất 16 giờ, tốc độ khoảng 12km/giờ và như vậy nếu đi Singapore phải mất 5 ngày đêm liên tục.

Đến đây, Năm Lạc nhả số, ngừng lại, cho máy nổ tối thiểu để bơm nước ra. Tay lái trở thành vô hiệu, thuyền tròng trành, nghiêng ngửa trôi theo sóng gió. Thợ câu ra khỏi khoang và bắt đầu thả câu. Mỗi người dùng 1 đến 3 dây cước. Ở cuối mỗi đầu sợi cước lại được buộc vài ba nhánh cước nhỏ hơn có buộc lưỡi câu. Nơi đầu mỗi lưỡi câu lại có gắn một tụm chỉ polyesters pha kim tuyến màu sắc lấp lánh giả làm mồi. Dây câu với mồi giả, lại có gắn chì, thả sâu xuống lòng biển. Họ câu được những con cá trắng, vàng nho nhỏ bằng vài ngón tay. Có khi họ lôi lên được ba bốn con một lúc. Hữu tò mò hỏi và được biết đây chỉ là câu mồi. Vì những con cá nhỏ này sẽ được cắt làm đôi làm mồi câu cá lớn sau này.

Thấy thế, Hữu nói đùa với thợ câu:

- Cá nhỏ ngu thật, tham ăn đớp càng mồi giả đầy màu sắc, đã mất mạng mà còn hại những cá lớn về sau, nhưng nghĩ cho cùng con người chưa phải đã khôn hơn.

Nói thế, vì Hữu đang nghĩ đến biết bao người bị câu toàn bằng bánh vẽ, tin lời hứa hẹn hão huyền. Họ bồng bột, tưởng mình trí thức, rồi cuồng tin vào những học thuyết vô nghĩa lý hoặc không tưởng mà hy sinh uổng cả cuộc đời, chẳng được gì, lại còn mang hại đến cả nước. Hữu không giải thích gì thêm, tuy nhiên ông già đầu bạc cũng hiểu được ngay, liền nhìn Hữu, mỉm cười biểu lộ ý tán đồng.

Long và Trí ngừng câu, ra sau lái, làm thịt con vịt và con gà trống mang theo để sửa soạn cho lễ cúng Bà Thần Biển. Mai say sóng, nằm vùi chẳng giúp được gì. Đến chiều, nhang đèn, giấy ngũ sắc, tiền mã, bông hoa, xôi, chuối, gà, vịt, cơm, cháo được dọn ra phía gần mũi thuyền. Ông già đầu bạc, cao niên trong đám, quỳ xuống lâm râm cúng vái thủy thần phù hộ. Nghi lễ trang trọng, nhưng không kéo dài được. Ông khấn vừa xong, chưa kịp bái tạ, một đợt sóng bổ mạnh, tung tóe nước lên thuyền, nhang đèn đều tắt, gà vịt xôi cháo văng đổ tứ tung. Mấy người phải thu lượm và chận giữ cho khỏi vung vải trong những đợt sóng kế tiếp. Tiếp đó, bông hoa, nhang đèn, giấy tiền đều vất xuống biển. Các thức ăn được mang ra sau lái, soạn lại làm bữa cơm chiều. Thịt gà vịt quá ít, mỗi người vài gắp là hết sạch. Già Đầu Bạc cầm hai chân gà lên đoán quẻ, lật qua lại và nói:

- Chuyến câu này sẽ khá, mỗi người có phần chia.

Cả ngày hôm ấy gió lạnh, biển trời u ám. Thỉnh thoảng có mưa nhỏ rải rác. Càng về chiều gió Đông Bắc thổi mạnh hơn. Hữu nhìn chung quanh, biển vắng hoàn toàn. Trong vòm tròn mênh mông trời nước mịt mờ, không một chiếc thuyền chài, không một tàu bè nào được trông thấy. Chỉ mây mù, sóng nước, với nổi buồn vô hạn trong lòng Hữu. Lát nhìn xa về chân trời Đông, Hữu thấy một chiếc tàu hàng lớn, lờ mờ với hai dàn trục, như hai thánh giá bên trên đang lướt sóng đi về hướng Bắc. Ngoài ấy là đường hàng hải quốc tế, là thế giới tự do của mọi công dân. Còn nơi Hữu đây, là vùng quá nhiều tự do chỉ dành riêng cho những kẻ cầm  quyền.

Năm Lạc yêu cầu mở radio nghe. Hữu hỏi các ông muốn mở đài nào. Một số yên lặng. Một số nói, đây ngoài biển xa, chỉ có chúng mình, cứ mở BBC hay VOA nghe chơi. Hữu cẩn thận:

- Các ông đòi mở. Vậy các ông có chắc là không ai tố cáo rằng thuyền đã nghe đài phản động?

Có vài người nói:

- Cứ mở đi, tụi tui không ai báo cáo đâu.

Hữu lo lắng từng chi tiết, vì thuyền và người có thể bị Công An bắt bất cứ lúc nào với một lý do rất vô cớ.

Ăn tối vừa xong, mỗi thợ câu sửa soạn hai đường dây cước lớn. Cá nhỏ câu được lúc chiều được cắt đôi, móc vào lưỡi câu lớn thả xuống biển. Đầu dây bên trên được cuốn vào một khúc cây nhỏ hay một miếng ván nhỏ trước khi được cột vào trụ thuyền. Năm Lạc tắt máy tàu, lấy dây buộc cứng tay lái không cho bánh lái đong đưa. Xong mọi người tìm chỗ ngủ, rải rác từ trong khoang máy và hai khoang phía trước. Hữu tuy không làm gì nặng nhọc, nhưng thấy mệt mỏi và xương cốt như rã rời vì sóng nhồi. Ba cái bình điện ghép song song cũng không còn cung cấp ánh sáng nữa, vì máy phát điện trong khoang máy bị nước biển làm hỏng, không đem điện vào bình điện được. Chiếc thuyền tăm tối như một vật đen nổi trôi theo hướng gió. Sóng đập vào mạn thuyền từng hồi, gây nên một tiếng “ành” hay “ạch” thật lớn, làm nước tung tóe vào thuyền, như muốn đập nát thuyền ra từng mảnh. Hữu lo lắng hỏi:

- Chúng ta đang làm gì đây? Sao lại tắt máy? Sao không thả neo giữ thuyền lại? Để sóng đập ngang hông thế này thuyền sẽ lật hay vỡ tan đi mất.

Năm Lạc không buồn trả lời. Già Đầu Bạc nói nhỏ đủ để Hữu nghe:

- Chúng ta đang bắt rạng.

Hữu chẳng hiểu bắt rạng là nghĩa gì, nhưng thôi không hỏi nữa. Dần sau, Hữu hiểu rằng: Thuyền tắt máy để trôi ngang theo sóng, với những đường dây câu thả dò bên dưới, cũng như cái lượt chải ngang. Nếu thuyền trôi ngang qua một rặng núi đá ngầm hay vùng san hô, bên dưới có địa thế che chở cho bầy cá ở. Cá sẽ cắn câu, lôi dây câu, làm khua động khúc cây gài trên thuyền. Thợ câu sẽ hay biết, thức dậy, thả neo dừng thuyền lại và sẽ xúm nhau thả câu bắt cá. Rạng do chữ Rặng (rặng núi đá ngầm). Nếu dò được rạng, tức tìm được được chỗ bầy cá ở.

Đêm 17 tháng Chạp âm lịch, nhưng biển tăm tối vì mây mù, gió Đông lạnh lẽo, biển sóng gồ ghề, từng đợt sóng cao vỗ mạnh vào ngang mạn thuyền. Hữu thấy quá buồn bã và đau khổ, không biết cả thuyền có sống sót qua chuyến đi này không. Do liên tưởng, Hữu nhớ đến bài thơ Ocean O’nox (Đêm trùng dương) của Victor Hugo, lúc trẻ đã đọc và đã xúc động nhiều. Hữu tự hỏi, không biết thi hào này đã có từng đi biển, hay chỉ tưởng tượng mà viết ra những lời thơ bi thương thống thiết về thực cảnh buồn thảm của những người đi biển trong tăm tối cô đơn, chẳng trở về. Hữu chẳng bao giờ nghĩ mình có thể thuộc vào những cảnh huống như thế, mà giờ đây không những chỉ đến với mình, mà còn xảy ra với cả vợ con mình nữa. Một đợt sóng mạnh trong đêm nay có thể lật thuyền hay làm ván thuyền long ra, nước sẽ túa vào, thuyền sẽ chìm sâu vào lòng biển. Chuyện kể tàu chìm Titanic và phim Con Tàu Vĩnh Biệt Posedein lại hiện ra trong tâm trí. Sự chết mất tích ngoài biển khơi có thể xảy đến trong bất cứ giây phút nào trong đêm nay vì sóng gió quá mạnh.

Thấy Hữu lo sợ, Năm Lạc trấn an:

- Không sao, trời sinh, trời dưỡng, sống chết có số.

Châm điếu thuốc, lão buồn bã tiếp:

- Lúc tới số, nằm ngủ ở nhà cũng ngủ luôn không dậy nữa mà. À, mà ước gì tôi được vậy, cho mãn kiếp này.

Nghe Năm Lạc nói, Hữu hiểu rằng lão đã quá đói khổ muốn chết, đâu có sợ chìm, nên đã đặt thuyền vào hoàn cảnh hiểm nguy này. Nghèo khổ trở nên liều lĩnh và nói những lời thất vọng là thường. Tên Năm Lạc mà không có lạc là nghĩa vui sướng nhưng lại là buồn khổ, nổi trôi lưu lạc. Tuy nhiên, trên cả thuyền không ai dám nói gì đến thời cuộc một tiếng. Nhưng chính thời cuộc lúc bấy giờ là nguyên nhân làm mọi người từ nghèo đến đói khổ thêm hơn.

Hữu ra phía sau, nằm ngang trong khoang lái, bên cạnh Mai. Mỗi đợt sóng đập ngang vào hông thuyền, nước tung tóe, tạo nên một tiếng động “ành” lớn, như thể đập thuyền vỡ tung. Sau mỗi tiếng “ành”, thấy thuyền chưa chìm, biết mình còn sống, lại lo sợ những đợt sóng kế tiếp. Quá mệt mỏi, một lát Hữu lại thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn. Không biết bấy giờ Mai đang nghĩ gì. Hữu cũng chẳng nói gì với Mai, vì sợ gây thêm sự lo sợ cho nhau. Hữu thấy mình và Mai khi gần như đứng nghiêng, khi gần như chổng đầu. Hữu đã lấy dây thừng cuốn giữ mỗi cánh tay hai người vào thuyền để phòng khỏi văng xuống biển. Hữu chuẩn bị tinh thần đón nhận cái chết sẽ xảy ra bất cứ giây phút nào do đợt sóng kế đến.

Ngoài rủi ro lật thuyền, ván hở, nước tràn, còn thêm việc tài-cải An, giờ này trong khoang máy, cũng mệt nhiều, rủi ngủ mê không thăm chừng để nước ngập khoang máy cũng chết cả đám. Bình thường nước vẫn rò theo trục chân vịt, phải luôn trông chừng, lo bơm ra. Nhớ có lần, sáng thức dậy trong bến, Hữu thấy thuyền lớn neo bên cạnh bị chìm vì ngư phủ ngủ mê, để nước rò vào ngập phòng máy, đến lúc hay ra thì đã muộn, phải nhảy bơi lên bờ thoát thân. Đó là trong bến cảng, còn đây giữa biển khơi, bốn bề vắng vẻ, chỉ có một đường xuống đáy biển. Đêm này là đêm dài, nguy nan nhất trong đời đối với Hữu và vợ con. Mọi người trong thuyền đều im lặng. Không hiểu mỗi người có lo lắng, suy nghĩ gì, hay tất cả đã quá mệt mõi nằm ngủ bất tỉnh. Không ai biết thuyền đã trôi dạt bao xa trong đêm ấy hoặc lênh đênh giữa tọa độ nào trên lộ trình hàng hải biển Đông. Chuyện rủi ro bị tàu lớn đi ngang đụng vào cũng từng đã xảy ra cho một vài ghe câu trên biển vào những năm về trước mà Hữu đã nghe kể. Nhưng cả bao nhiêu hiểm nguy vừa kể đều uổng công, vì suốt đêm tuyệt nhiên không một con cá lớn nhỏ nào cắn câu.

Phước thay, đêm đông dài nguy hiểm này rồi cũng qua. Hữu cũng không hiểu vì sóng to chưa đến độ đủ lật thuyền, hay nhờ phước đức ông bà và bề trên linh thiêng che chở, hay nhờ cấu trúc của thuyền này, máy diesel bằng sắt thép đặt nặng dưới đáy, biến nó thành như một con lật đật trẻ con chơi, dù xô đẩy thế nào nó vẫn lại đứng lên, không lật. Trời sáng rõ, mọi người thức giấc. An cho nổ máy bơm nước trong khoang ra. Năm Lạc nhìn hải bàn cho thuyền chạy về hướng Tây Bắc. Đến 12 giờ trưa, ngọn Côn Sơn đã hiện ra mờ mờ nơi chân trời phía trước. Hữu đứng cạnh bên, lén liếc nhìn hải bàn để xác định vị trí của thuyền trên biển. Hữu không dám để lộ cho Năm Lạc thấy sự quan tâm của mình về phương hướng hay có ý học hỏi. Năm Lạc ngừng thuyền cho mọi người thả câu. Cả bọn chỉ bắt được vài chục con cá nhỏ, chỉ đủ dùng cho một bữa ăn. Sau đó Năm Lạc hướng thuyền vào Côn Sơn để sửa chửa máy phát điện và núp gió tạm nghỉ ngơi.

Trước kia, Hữu đã nghe tiếng nhà tù Côn Lôn, nơi giam giữ, đày ải những kẻ trọng tội. Từng thuộc thơ Vịnh Côn Lôn của cụ Phan Chu Trinh và hát bài ca Côn Đảo của Đỗ Nhuận, giờ đây Hữu mới có dịp ghé thuyền vào danh đảo này. Côn Sơn là một quần đảo nhỏ nằm cách Vũng Tàu hơn 200km về phía Nam, cách mũi Cà Mau khoảng 150km về phía Đông. Thời Pháp quần đảo này được gọi là Poulo Condores hay Côn Lôn. Thời VNCH gọi là Quận Côn Sơn. Ngay sau tháng 4 năm 1975, Cộng Sản lại đổi ra tỉnh Côn Đảo. Côn Sơn gồm một nhóm đảo lớn nhỏ nằm gần nhau như những quả núi, cây cối xanh cao, sừng sững giữa biển:

Bài thơ 8 câu của cụ Phan Châu Trinh lúc ở tù Côn Đảo, Hữu chỉ còn nhớ có 4 câu:

.......

Cỏ hoa đá nẫy cây trăm thước,

Rồng cá trời mây biển một vùng.

Nước biếc, non xanh, thiên chẳng nhẻ,

Gian nan không hộ khách anh hùng.

Đảo chính lớn nhất là một ngọn núi cao 1933 feet. (600m). Trên đỉnh phía Đông Nam có một hải đăng. Đảo chính có hình gần giống bánh croissant, vịnh lỏm về phía Đông và đó cũng là lối thuyền vào. Vịnh này cạn đến nỗi thuyền Hữu vào Côn Sơn lúc xế trưa phải ngừng đợi đến chiều, nước triều lên mới cập được vào cầu tàu bê tông tại bến. Nước tại cảng trong vắt, có thể nhìn thấy những bầy cá nhỏ bơi dưới đáy. Thật là một cảnh đẹp thiên nhiên, núi cao hùng vĩ và trời biển trong lành. Hữu vào trạm Công An trình sổ thuyền và xin dấu khán cho phép đậu bến để sửa chữa. 

Trạm Công An giữ sổ thuyền lại và chỉ đến một xưởng nhỏ gần đó. Nơi đây là một căn nhà đen đủi và hầu như trống không. Chỉ có một thanh niên túc trực. Cậu ấy nói chỉ sửa chữa cho chính quyền mà thôi, không nhận làm cho tư nhân. Hữu nài nĩ, nhỏ nhẹ yêu cầu giúp đỡ đặc biệt và hứa trả công xứng đáng. Cậu này xuống thuyền xem qua và cho biết nước biển đã làm hư máy phát điện, không sửa được. Cậu đề nghị đổi một cái khác còn tốt, với giá 20 đồng giải phóng (tương đương 10,000 đồng VNCH). Không biết từ đâu, cậu lôi ra một cái alternator xe jeep đổi vào thuyền Hữu.

Viên Công An đến xét thuyền và truyền lệnh không ai được lên bờ hay lại giếng lấy nước uống. Hữu lại nài nĩ, xin đến giếng cạnh đó tắm ít phút cho đỡ ngứa vì nước biển đầy người. Điều Hữu ngạc nhiên là giếng đá ong này cạn, nằm gần cầu tàu, cách mé nước biển chưa đầy 5m, mà nước lại trong và ngọt mát như nước mưa chứ không hề có vị lợ chát như nước ở Vũng Tàu hay ở các vùng bờ biển khác. Trên bãi cát gần đó có nhiều vỏ đồi mồi thật lớn mà chẳng ai thèm thu nhặt. Nhiều tù nhân còn ở lại đây. Mặt mày họ đen nám vì nắng gió. Gặp một người tù cùng tắm ở giếng, nói giọng Quảng Nam, Hữu hỏi:

- Quê hương đã đổi chủ, sao anh chưa được về với gia đình?

Anh ấy đáp:

- Tôi tình nguyện ở lại đây vài năm nữa để phục vụ cách mạng.

Hữu tự nghĩ: Ở tù mà sao gọi là phục vụ, người đã vào tù, mà sao cũng dùng chữ và vẫn nói cho ngơm. Hỏi tại sao bị đưa ra đây, anh ấy kể rằng lúc trước đi địa phương quân, sơ ý nổ súng làm chết người.

Hữu tắm xong, ra dấu cho con trai là Ngà và Hiển lẻn đến tắm vội và mang hai thùng nước uống lên thuyền. Trở lại trạm Công An để xin lại sổ thuyền và giấy tờ, Hữu được bảo là ngày mai đồn trưởng mới ký. Sẵn tiện Hữu xin phép đi vào chợ. Viên Công An đồng ý và dặn không được đi quá sau chợ và chỉ trong vòng nửa giờ. Trí lẻn lên bờ theo Hữu. Trên đảo có vài ba con đường nhỏ tráng nhựa với một ít nhà gạch trệt thấp, lợp ngói rêu phong cũ kỹ, từ thời Pháp. Một đường đi về phía Bắc ra phi đạo nhỏ. Hữu để ý nhìn mà không thấy nhà lao chỗ nào. Theo đường này, Hữu rẽ trái vào chợ. Thấy một số bộ đội đang chơi bóng chuyền gần đấy. Các bờ tường cũng được sơn đỏ và vẽ các khẩu hiệu chữ vàng như trong đất liền. Cờ đỏ sao vàng phất phơ trên trụ cờ. Hình họ Hồ choàng áo, môi đỏ như ăn trầu, Hữu nhìn có cảm giác rờn rợn, ra ngoài biển xa vẫn còn gặp Bác. Chợ là một bãi đất bằng, cỏ mọc thưa thớt. Không biết chợ đông vào lúc nào, nhưng chiều hôm đó, Hữu thấy chỉ vỏn vẹn có một người đàn bà ngồi trên một cái kệ gỗ giữa trời, bày bán vài gói thuốc điếu, vài cục xà phòng, một ống aspirine, một trái mướp và hai bó rau. Trông quá nghèo nàn. Ngoài ra không thấy có một quán xá gì khác. Sau chợ là một khoảng rừng thấp, rồi tiếp đến núi cao xanh thẳm. Hữu mua rau và mướp rồi trở về thuyền.

Một chiếc trực thăng từ đất liền bay ra, đáp xuống cầu tàu. Ba sĩ quan Cộng Sản mang súng ngắn, quân hàm đỏ vàng trên cổ áo, bước xuống đứng chỉ chỏ, nói gì một lát rồi lại lên bay đi. Đời sống ở Côn Sơn thầm lặng, quê mùa thiếu thốn hơn ở thôn quê trong đất liền rất nhiều. Hữu thấy trên đảo chẳng có mấy người, mấy nhà cửa mà sao lại đặt là quận hay tỉnh được. Như vậy quan sẽ phải nhiều hơn dân. Khí hậu Côn Sơn ấm áp, mát mẻ rất thích thú. Nơi này nếu được khai thác làm chốn du lịch hoặc giải trí thật là thích hợp và lý tưởng.

Sau bữa cơm chiều trên thuyền, trong cảng êm đềm với đám thợ câu, Hữu lân la trò chuyện với mấy người trên thuyền đậu bên cạnh. Hữu được biết thuyền mang bảng số PQ (Phú Quốc) bên trái đã bị giữ cả người lẫn thuyền tại đây hơn 6 tháng và bị dùng vào việc đi lại tiếp tế từ đất liền. Chiếc kề bên phải mang bảng số NT (Nha Trang) cũng đã bị giữ từ trước và dùng đánh cá cho giới cầm quyền tỉnh Côn Đảo. Hai chiếc này bị bắt cùng một lý do là đánh cá vi phạm hải phận Côn Sơn. Còn chiếc thứ ba trông cũ kỹ, mang bảng số CD (Côn Đảo) do Công An tịch thu của tư nhân để tù nhân đánh cá cho nhà tù. Hữu nghe nói cũng ớn sợ.

Tối hôm đó, thuyền Hữu được ngủ một đêm dưới trăng mờ, bình an bên cầu tàu hải đảo. Bình minh hôm sau, tiếng kiểng vang lên trên đảo khiến mọi người thức giấc. Thấy triều bắt đầu hạ, Năm Lạc cho thuyền lui ra để khỏi mắc cạn và chờ lấy sổ thuyền để rời cảng. Trời chưa sáng hẳn, nhưng nhìn vào trong đảo, Hữu thấy đông đảo tù nhân, hàng một nối đuôi nhau, dụng cụ vác trên vai, đi về phía Nam vào núi để bắt đầu một ngày làm việc. Côn Sơn qua bao nhiêu đổi thay triều đại, vẫn cứ là một nhà tù khổ sai lớn. Người đã bị tù, nay ghe thuyền cũng bị đặt cớ để bị giam giữ, làm khổ dịch không công, không biết ngày mãn hạn.

Sau 8 giờ sáng, đồn Công An mở cửa, Long chèo phao vào bờ, xin lại sổ thuyền và các giấy tờ cá nhân. Sổ thuyền được đóng dấu ký tên, cho phép đánh cá cách Côn Sơn 20 hải lý. Hữu mừng rỡ vì nếu mấy ông Công An hứng chí, kiếm cớ giữ thuyền và người ở lại đây làm việc như mấy thuyền kia, chắc đời tàn trên biển cả.

Thuyền di chuyển về Đông Nam, trời mây mù, gió lạnh, từng lớp sóng bổ bạc đầu. Đến trưa, thuyền ngừng cho đám ngư phủ buông câu, nhưng cả buổi không bắt được con cá nào đáng kể. Nhiều đợt sóng tung tóe nước lên thuyền làm Hữu thấy rít ráy lạnh lẽo trở lại. Bây giờ Hữu mới để ý thấy ông già Đầu Bạc, bên ngoài mặc một bộ quần áo bằng vải poncho nhà binh, nên vẫn ngồi câu tự nhiên. Ngà và Hiển lại say sóng nằm biệt trong khoang, sau khi đã ói khá nhiều. Bọn thợ câu chỉ bắt được năm ba con cá nhỏ.

Sau đó cả bọn tụ tập sau lái để ăn trưa. Nồi cơm và xoong cá được ôm chặc cho khỏi lật đổ. Mai ngồi gần lò nấu bên hông thuyền, đang bới cơm. Một cơn sóng bổ ào, khiến ấm nước đang sôi nhảy văng vào người làm nàng phỏng cả tay chân và vài chỗ. Hữu tạm dùng dầu ăn đem theo bôi vào các chỗ phỏng.

Chiều đến, Hữu bảo Năm Lạc đem thuyền vào cạnh các đảo nhỏ Côn Sơn núp gió vì biết đang lúc sóng cả gió to này, chính quyền trên Côn Sơn không có phương tiện tuần tra quanh đảo. Thuyền buông neo ở gần bờ Tây Nam của một đảo nhỏ. Vách bờ đảo màu đỏ gạch thẳng đứng cao cả chục mét. Hữu nghĩ nếu thuyền chìm ở đây cũng không ai có thể bám leo vào đảo được. Điều lạ, theo như địa chất học, hiện tượng xâm thực(invasion) hay xoi mòn (corrosion) của gió, nước, sóng và thủy triều đã làm thay đổi mọi địa hình trên địa cầu rất hiển nhiên và dễ nhìn thấy. Nhưng trái lại ở đây, Hữu không hiểu tại sao một hòn đảo nhỏ đất đỏ, bên trên có cây cối mọc đầy, vách bờ lại dựng thẳng đứng, chịu bao gió thổi, sóng vỗ liên tục, thủy triều lên xuống, hải lưu chảy mạnh triền miên, hằng bao tỷ năm mà vẫn không thấy dấu vết bị xoi mòn, trài xuống hay sụp đổ. Thuyền núp chỗ này chỉ câu được vài cá nhỏ và một con mực nang lớn. Qua đêm, thuyền được đảo che gió, tương đối dễ chịu.

Chuyến câu này kể như thất bại. Sáng hôm sau An đề nghị đưa thuyền đến sở cá thu. Hữu nghĩ bụng, chỗ nào cũng biển mênh mông như nhau mà sao lại có sở cá thu. Năm Lạc yên lặng đưa thuyền về phía Tây Bắc, cách Côn Sơn khoảng 20km. Lão nhìn vào hải bàn, nhìn đỉnh Côn Sơn ngưng máy và ra lệnh thả neo. Đám ngư phủ lại cắt cá nhỏ làm mồi và bắt đầu câu. Vừa buông dây câu xuống thì cá giựt, thợ câu lôi lên, một hay hai con cá lớn màu đỏ, mỗi con nặng có thể 4-5 kg, bề ngang to bằng bàn tay xòe. Cá vừa lôi lên khỏi mặt nước có màu sắc thắm tươi đẹp đẽ, kêu lẹt khẹt, dẫy dụa. Thợ câu dùng một khúc tre nhọn đâm sâu vào miệng cá xoay một cái, lấy lưỡi câu ra và liệng cá vào khoang có chứa nước đá. Cứ thế mà câu, bắt cá lên liên tục trong mấy giờ liền.

Vì dây neo cột ở mũi thuyền, nên mũi chong vào hướng sóng gió, khiến thuyền nhấp nhô theo chiều dài. Ngồi trên đó, Hữu có cảm giác như đang lái xe qua một con đường dốc, lên lên, xuống xuống. Dễ chịu và đỡ nguy hiểm hơn để sóng bổ ngang hông như đêm thả thuyền tự trôi nghiêng ngã theo gió sóng. Ngồi sau lái, nhìn ra, Hữu thấy những đợt sóng đùn lên dưới đáy thuyền và chạy lan ra về phía Tây Nam. Thỉnh thoảng gặp một con cá đuối màu đen mắc câu, dẫy dụa khá mạnh, kéo tới thả lui một lúc, rồi tuột câu đi mất. Có lúc lôi cá gần đến, thợ câu phải dùng móc sắt nhọn, móc vào cá, mới lôi được cá lên thuyền.

Đến một lúc, không thấy cá cắn câu nữa, mọi người nghỉ ăn trưa, rồi tiếp tục câu lai rai. Có lúc cá ăn liền liền, vừa thả câu xuống là bắt được cá ngay. Có khi bằng một đường dây chính, thợ câu có thể lôi lên một lúc ba bốn con cá bự. Trông rất ham. Có lúc lâu lắm mới được một hai con.

Ngồi câu bên cạnh ông già đầu bạc, những lúc cá chậm ăn, Hữu mới rù rì gợi chuyện, hỏi thăm nhau. Nhờ đó Hữu được biết ông quê ở Bình Định, đã từng đi lính sang Pháp tham dự Thế Chiến Thứ Hai. Sau 1945, theo lời kêu gọi của Hồ Chí Minh, ông trở về quê tham gia bộ đội, làm đến Tiểu Đoàn Trưởng, đã từng đánh đồn Komplong, Mang Đăng và các trận mạc ở Tây Nguyên. Ông bị sa thải vì không vào đảng và lại hay nói thẳng, đã phát biểu lạc điệu trong việc lập nghĩa trang liệt sĩ. Cấp trên bảo chỉ cần làm có hình thức, chỉ đắp đất làm mộ giả thôi, không cần phải mang xác bộ đội tử trận vào chôn thật. Thấy việc giả dối, nên ông phát biểu không tuân hợp nên bị sa thải với nhiều rắc rối. Qua thời Đệ Nhất Cộng Hòa, đạo Công Giáo được phát triển mạnh. Chính quyền địa phương hội họp dân chúng để lôi kéo thêm đạo hữu, ông lại không theo đạo, còn phát biểu móc họng, hỏi khó mấy cha cố, như hỏi Linh Mục trẻ tuổi sao lại bảo người già cả gọi là cha, trái với đạo lý thường tình. Nên ông bị nghi là Cộng Sản nằm vùng và bị Quận Trưởng quê ông bắt bỏ tù. Qua thời Đệ Nhị Cộng Hòa, được thả ra, ông đem gia quyến vào Saigon, chạy xích lô máy. Đêm nọ, ông chở một người đàn bà khá giả từ Phú Lâm vào Saigon, bà này đã bị hai tên cướp đi xe gắn máy theo dõi. Đến đường vắng, chúng chận xe tấn công giật tư trang. Ông dùng võ Bình Định đánh chúng và bắt được một tên giao cho cảnh sát. Sau đó cướp tìm ông trả thù. Đêm đó ông bị bệnh, một người bạn lại chạy xe ông, bị đám du đãng vây đánh lầm, chém bị thương gần chết tại Ngã Tư Bảy Hiền. Tiếp sau đó, một hôm ông chở một cô bán bar trên xa lộ, vì đau bụng, ông ngừng xe đi tiện, để xe tạm đậu bên lề. Cô gái ngồi chờ một mình. Chẳng may bị một quân xa Mỹ lủi vào đụng nát xe, cô gái chết. Từ đó ông giải nghệ xích lô máy, theo người bạn ra Vũng Tàu làm ngư phủ.

Đầu ông bạc trắng, nên người ta quen gọi ông là Năm Đầu Bạc. Giờ ông đã biết sợ, chẳng còn dám phát biểu linh tinh nữa, chỉ biết lắc đầu trước thời cuộc. Lão buồn bã than với Hữu rằng:

 - Đời người chẳng bao lâu, mà ông đã phải chịu đến hai lần nghịch cảnh non sông.

Qua chuyện trò, Hữu cũng được biết tài công Năm Lạc thời cũ cũng đã đi bộ đội Việt Minh và bây giờ cũng chẳng còn liên hệ gì. Long là lính địa phương quân quốc gia cũ. Trí là cựu cảnh sát Quốc Gia mới đi cải tạo về, ốm yếu vì thiếu ăn. Một mình núp trong khoang, lén ăn hết cả 2 buồng chuối mốc lớn dự trữ làm thức tráng miệng cho mọi người, nên bị gọi chế diễu là Đạo Chuối. Mường và Được đều gốc Nghệ Tĩnh, cộc cằn và giọng nói nặng khó nghe. Trước 1975 đã móc nối hoạt động cho Việt Cộng, nay thấy không được quyền lợi hay chức vụ gì thiết thực mà còn thấy đời sống khốn khổ hơn, lòng hăng hái của họ gần như đã nguội lạnh.

Một chiếc thuyền khác từ hướng Bắc mới vào, thấy thuyền Hữu đang câu có cá, nên neo lại cách hơn trăm thước và buông câu. Nhìn sang, Hữu thấy họ câu được nhiều cá xanh và trắng, khác với thuyền Hữu được nhiều cá hồng đỏ.

Gió cuối tháng Chạp thổi theo chiều Đông Bắc đến Tây Nam khá mạnh và giòng nước biển tây Côn Sơn cũng chảy theo chiều này khá nhanh. Hữu thử ném một miếng củi vụn, thấy củi ấy trôi nhanh như đang trôi trên một giòng sông chảy xiếc. Già Đầu Bạc kể rằng có lần thuyền ông câu bị hỏng máy, trôi tận Mã Lai và được bên ấy giúp sửa chữa để trở về. Kiểm nghiệm với sức gió và giòng nước biển quan sát được, Hữu thấy điều này có thể là sự thật. Đêm đó, thuyền có đèn từ bình điện nên cả bọn câu đến khuya mới đi nghỉ. Đêm đó sóng cũng khá lớn, nhưng thuyền được neo, sóng không bổ ngang hông, nên đỡ sợ. Chỉ hơi lo An mệt quá, ngủ mê quên bơm nước ra mà thôi.

Ngày hôm sau, cả thuyền dậy sớm câu tiếp, cá hết ăn thì ngừng. Thành ra lúc câu lúc nghỉ, mãi đến 5 giờ chiều. Những chỗ phỏng trên tay chân Mai bọng nước phồng to. Mai nhức nhối rên rỉ, bôi thêm dầu ăn lên cũng chẳng công hiệu gì.

Bầu trời thêm u ám, sóng mạnh hơn. Đài phát thanh Giải Phóng Việt Cộng từ Sàigon loan tin Ủy Ban Quân Quản thành phố Hồ Chí Minh bàn giao cho Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng, rồi loan báo thời tiết, gió cấp 5 cấp 6, biển động đến động mạnh. Sau 6 ngày say sóng ói mửa, Hữu thấy cả hàm răng mình lung lay, như có thể lấy tay nhổ ra từng cái. Nếu ở lâu thêm, răng cũng có thể tự rụng ra. Chuyến câu này đối với Hữu là quá mệt rồi. Hữu chỉ trông về, nhưng không dám nói ra, vì sợ đám ngư phủ quy trách nhiệm cho mình về kết quả nhiều ít và có thể tố là mình không thực sự làm biển, hay có ý định học kinh nghiệm để vượt biển. Lời tố cáo của họ còn đáng sợ hơn trùng dương sóng cả. Theo đó thuyền có thể bị tịch thu và người bị bắt giam vô hạn định như đã từng bị (Lúc trước đó, Hữu bị bắt hụt nên ở bên ngoài chạy chọt, thuyền và người đều được thả ra với điều kiện).

Bỗng Long và Trí cũng thấm mệt đòi về. Hữu nghe mừng như chết đi sống lại. Năm Lạc cũng đồng ý và nói:

- Ngày mai 23 tháng Chạp sẽ có gió lớn tiễn ông Táo về trời, cũng là ngày gió Ba Càng.

Hữu hỏi Ba Càng là gió gì. Năm Lạc giải thích:

- Gió này đánh chìm thuyền của bạn lão tên Ba Càng đêm này mấy năm trước.

Tất cả đều đồng ý ra về.

Trời về chiều, thuyền nhổ neo. Ngư phủ Được nhảy lên nắm tay lái, mở tốc lực nhắm hướng Bắc, ngược chiều sóng gió mà chạy, nước biển tung tóe vào thuyền. Thấy thuyền Hữu ra về, chiếc thuyền câu gần đó cũng nhổ neo chạy theo, nhưng hai thuyền không hề liên lạc hay có ý tương trợ lẫn nhau trong trường hợp trục trặc kỹ thuật. Trên đường về, Hữu nhìn thấy 3 pháo hạm màu xám, giờ thuộc Hải Quân Cộng Sản đang nối nhau di chuyển ngược chiều, xa mờ về phía Tây.

Quá nửa đêm, Hữu đã bắt đầu nhìn thấy ánh đèn từ hải đăng núi Vũng Tàu chớp tắt nơi chân trời Bắc. Ngoài Được đang nắm tay lái, tất cả đều ngủ vùi, la liệt trong khoang.

Trời chưa sáng, thuyền đã về đến Vũng Tàu... Đêm tháng Chạp, trời gió lạnh, nhóm Công An Biên Phòng trên trạm nổi Bến Đá, đóng kín cửa ngủ yên. Được, ỷ mình có gốc Việt Cộng, bỏ qua thủ tục trình vào, chạy thẳng vào bến, buông neo. Hữu muốn ngủ thêm, nhưng không được. Bến Đá đã bắt đầu náo nhiệt. Những chiếc dã tôm nổ máy ồn ào, lần lượt chạy ra trạm Công An trình giấy để rời bến cho một ngày làm việc mới.

Trời sáng rõ, kiểm điểm số cá câu được, nếu đem cân bán cho Hợp Tác Xã, may ra cũng đủ thâu lại số tiền đã bỏ ra mua thực phẩm và dầu nhớt. Theo thông lệ, Hữu có thể bán hết, trừ chi phí, rồi mới chia tiền cho thợ câu. Nếu làm đúng như thế, tất cả thợ câu, không ai sẽ còn có gì. Tết nhất đến nơi, cả đám họ đều nghèo quá. Họ đâm ra liều mạng mà xúm nhau đi câu khơi, khi mùa còn biển động. Hữu nghĩ, nếu làm để kiếm tiền, một chuyến đi như vậy dù kiếm cả chục triệu, Hữu cũng không làm vì rất dễ bỏ mạng, dù có bình an trở về, cân não cũng suy giảm nhiều. Hữu thấy những con cá đó thật vô giá, không thể so sánh với tiền bạc được, nên không muốn bán để đổi ra tiền. Hữu nghĩ thương những ngư phủ này vô cùng, chẳng có lòng nào để họ về tay không. Vợ con họ đang chờ đợi một cái gì để ăn Tết. Hữu quyết định đem tất cả số cá đếm chia phần cho mọi người. Riêng tài công và tài cãi đều được thêm nửa phần. Cả gia đình Hữu cũng chỉ lấy một phần đem về cho những người có liên hệ ơn nghĩa với chiếc thuyền và bà con ở Sàigòn. Hữu đưa Mai về Sàigòn chửa những vết phỏng.

Chuyến đi câu khơi này là một cuộc khảo sát và tập luyện sự chịu đựng. Hữu đã học được nhiều điều về biển cả: sóng gió, hải lưu, phương hướng, khả năng của chiếc thuyền và sự tuần hành của Hải Quân Cộng Sản. Hữu biết thêm về mức độ ba hoa, bố láo, hù dọa của người bà con Cộng Sản. Nhờ chuyến đi này, Hữu đã câu được con cá lớn nhất, đó chính là “Ông già Đầu Bạc”. Trong chuyện thần tiên cổ tích, người nhân đức hiền lương, lúc lâm vào đường cùng tuyệt vọng, thường được tiên ông phù phép cứu nạn. Đời thực không có tiên ông, Hữu đã nhờ ông già Đầu Bạc nầy đóng vai tiên ông. Với đủ tín cẩn và khả năng, ba tháng sau, già Đầu Bạc lái chiếc đò nhỏ, có mui che, đã chở (taxi) từ Sàigòn ra biển, gồm 2 người lớn, 2 cậu nhỏ canh me và đủ 8 bé gái, tuổi cách đều nhau từ thôi nôi đến 15 tuổi, giao cho Hữu giữa biển trong đêm tối. Bốc xong, thuyền Hữu đã đưa tất cả 18 người lớn bé thẳng đường qua Singapore rồi Nam Dương, ghé cảng Jakarta, tìm vào một quê hương mới. Ác mộng đã tàn qua. Phải chăng có định mệnh hay phù hợp vô tình: Thuyền mang bảng có số 18 lại chở đúng 18 người. Già Đầu Bạc quay về trong đêm, mênh mông trời biển, thời gian trôi nhanh, vật đổi sao dời, đời người phôi pha, ngàn năm không tái ngộ, Hữu nhớ ơn ông già Bình Định nầy, thương kính mãi không nguôi.

Nhật Quang Phi Hồ

No comments: