Tuesday, January 1, 2019

SỨC SỐNG HUYỀN DIỆU CỦA CA DAO


___________________

Chân Diện Mục
Related image

Ngày nay nói đến Ca Dao là người ta nghĩ ngay tới Lục Bát, thậm chí có người còn thu hẹp hơn nữa, nghĩ rằng ca dao là những lời mẹ ru (?).

          Sở dĩ người ta chẳng biết gì về ca dao là vì ngày nay người ta không hát nữa. Tuy trong nhà trường có nói tới, nhưng không có những giờ học, những lời bình giảng đàng hoàng nên học sinh ít chú ý, chẳng ai học, nên sau đó quên luôn.
          Ở một vài nơi tại Bắc Ninh, người ta có hát lục bát trong những dịp lễ... nhưng người ta gọi đó là hát Quan Họ, hát Xẩm... chứ không ai biết rằng đó cũng là một thứ Ca Dao.


         
Image result for ca dao
 Riêng tôi thấy Ca Dao xưa, cùng với tục ngữ, chuyện cổ tích, chuyện tiếu lâm, không chỉ là bộ môn nghệ thuật mà là linh hồn của dân tộc, là tiếng nói, hơi thở, nhịp đập của con tim người dân Việt. Nhất là ca dao, nó xuất hiện bất cứ lúc nào, 24 tiếng trên 24, và ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp.
          Từ một em bé:
Má ơi đừng đánh con hoài
Để con câu cá nấu xoài má ăn
đến những cô cậu mới lớn:
Cô kia núm vú chủm cau
Lại đây anh bóp có đau anh đền
và rồi đến tuổi lỡ thì:
Trai ba mươi tuổi rũ bờ
Gái ba mươi tuổi còn tơ mành mành
cả đến những ông bà già:
Mồ cha đứa chê thiếp già
Thiếp còn gánh nổi một và trăm kim
Bất cứ lúc nào người ta cũng có thể hát lên. Từ giữa trưa:
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như nưa ruộng cày
hoặc đêm khuya:
Lạnh lùng thay láng giềng ơi
Láng giềng lạnh ít sao tôi lạnh nhiều
Người ta nghe gió lạnh mà xuất khẩu như thế, nhưng nếu trằn trọc, không ngủ được, thì lời hát thấm thía hơn:
Đêm nằm vuốt bụng thở dài
Thương chồng thì ít, thương trai thì nhiều
            Nguồn cảm hứng của ca dao thật là vô tận. người ta nhìn cái điếu thuốc lào mà nhớ đến người tình:
Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên
nhìn chim quyên xuống đất mà nghĩ về người ngãi:
Chim quyên xuống đất tha mồi
Anh xa người ngãi đứng ngồi không yên
ngó bụi ớt trước sân mà thương cô bạn vô vàn:
Chim chuyền bụi ớt líu lo
Mảng sầu con bạn ốm o gầy mòn
Cái nhớ trong ca dao nó xôn xao, cuồn cuộn, bốc khói thì không thi sĩ nào tả nổi:
Nhớ ai em những khóc thầm
Năm thân áo vải ướt đầm như mưa...
... Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai...
... Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than
           Các thi sĩ chào thua thôi!  Đương nhiên rồi!   Vì nó là sức sống tự nhiên, không phải là sức sống khuôn mẫu, gò ép, mài giũa.

           Thơ thì phải có niêm, luật, ngâm lên cho đúng điệu... không khổ độc. Còn ca dao thì ai muốn nói, muốn ca, muốn hét hay rống lên... tuỳ thích:
Đi đâu mà chửa lấy chồng
Người ta lấy hết chổng mông mà gào
Gào rằng đất hỡi trời ơi
Sao không thí bỏ cho tôi chút chồng
Câu sau đây:
Đêm qua anh đến chơi nhà
Thấy mẹ múc cháo thấy cha vét nồi
Thấy em dựa cột liếm muôi
Anh tưởng con chó anh lùi trở ra
tuy cũng là lục bát (mà lục bát đúng điệu) nhưng tôi đố thi sĩ nào ngâm lên cho êm tai đấy!
Còn câu sau đây nữa:
Hát cho ngựa tế bò lồng
Hát cho con gái bỏ chồng mà theo
Hát cho chó cắn mèo kêu
Hát cho ông lão trong lều bò ra

Ôi!  biết nói thế nào nhỉ! Tôi đành gọi nó là Kích Động Ca Dao (đâu kém gì kích động nhạc ngày nay)
          Chính vì thế mà tôi nói rằng ca dao hơn hẳn thi, từ, ngâm, khúc... vì nó chính là lời nói, hơi thở, nhịp đập của con tim.
         Khi hai trái tim đã cùng nhịp đập, thì người đối diện nói ra câu nào cũng có duyên.
khi chàng than:
Phòng loan trải chiếu rộng thinh
Anh lăn đụng gối tưởng bạn mình anh hun
thì lời than có duyên này được đáp trả lại liền:
Phải chi em được ở chung
Thì đâu đến nỗi anh phải ôm hun gối gòn
          Khi cô gái duyên dáng té xuống bùn:
Xẩy chân em té xuống bùn
Thân em lem lấm anh hun chỗ nào
thì chàng trai sẵn sàng... hầu tiếp:
Cô ơi đừng nói thấp cao
Thân cô lem lấm chỗ nào tôi cũng hun

Image result for ca dao
          Chính ở giữa cánh đồng nên thơ, có một tiếng hát bâng quơ... là có ngay tiếng khác... ứng theo liền!
          Nếu có một giọng chanh chua:
Thằng kia be bé mà lại chơi trèo
Chị thắt giải yếm chị treo lộn cành
thì sẽ có một chàng trai trơ cái mặt thớt ra, đối lại một câu... vô duyên mà... có duyên tệ:
Lộn cành mặc kệ lộn cành
Hoa thơm ta cứ bẻ từng nhành ta cố đeo
           Người ta đồn rằng những danh sĩ như Nguyễn công Trứ, Phan bội Châu cũng từng tham dự vào những hội hè đầy sức sống. Một lần, đường trơn, chàng té nhào, bị các nàng cười, bèn hát rằng:
Đất đâu có đất lạ lùng
Bấm thì chẳng chịu nằm cùng thì cho
hoặc lần khác, chàng bị một nàng thách:
Cho anh một nắm ngô rang
Đút đâu cho mọc chịu chàng giỏi thay
thi sĩ cũng ứng khẩu đáp bừa:
Chỗ mô mà nắng không khô
Mà mưa không ướt đút vô mọc liền

Cái không khí tươi vui, thoải mái đó đã bất chấp học thức, sang hèn, giầu nghèo, và... hẳn nhiên nó thách thức cả lễ giáo.
Lễ giáo ca tụng trinh tiết, ca dao thì:
Chữ trinh đáng giá ngàn vàng
Từ anh chồng cũ tới chàng là năm
Còn như yêu vụng dấu thấm
.....................................
Lễ giáo khuyên người ta phải chuyên nhất, ca dao thì:
Có chồng càng dễ chơi ngang
Đẻ ra con thiếp con chàng con ai
          Các bạn nói tôi ca tụng sụ nổi loạn chăng? Không đâu! Luật Hồng Đức đã chẳng quy định là: Nếu người chồng thất tung quá ba năm, thì người vợ có quyền lấy người khác đó!
Nên sẽ là bình thường khi một người vợ lính hát:
Cô kia má đỏ hồng hồng
Chồng cô đi lính cô nằm với ai
Cô nằm cô đẻ thằng bé con trai
Chồng về chồng hỏi con ai thế này
Con tôi đi kiếm về đây
Có cho nó gọi bằng thầy thì cho

          Tôi phải nói rằng chính ca dao đòi quyền sống cho người phụ nữ.
           Ca dao hết than phận lẽ mọn:
Con mèo kia lúc túng cũng gào
Gái ba mươi tuổi ai đào thấy xuân
Mười phần chị bớt cho em một phần
Để em kiếm chút chơi xuân kẻo già...
  Lại bức xúc trước tục tảo hôn:
Tham giầu em lấy thằng bé tí tì ti
Làng trên xóm dưới thiếu gì trai tơ
Em đem thân cho thằng bé nó dày vò
Mùa đông tháng giá nó nằm co trong lòng
  rồi cảnh lấy chồng già:
                                                   Vô duyên vô phúc múc phải chồng già
                                          Ra đường người hỏi rằng cha hay chồng
                                                   Nói ra đau đớn trong lòng
                                          Ấy cái nợ tiền kiếp có phải chồng em đâu
                                     (nàng này sẽ được nhiều cậu thông cảm và an ủi đấy)
                                                    Trời mưa nước chảy qua sân
                                           Cô đi cô lấy ông lão qua lần thời thôi
                                                    Bao giờ ông lão chầu trời
                                           Thời cô lại lấy một người trai tơ
Và rồi phụ nữ vùng lên:
Đi thì ra dáng ông đồ
Về nhà hỏi vợ cám khô đâu mày?
-  Cám khô tao để cối xay
Chó mà ăn mất thì mày đừng ăn
coi thường đàn ông:
Ba đồng một chục đàn ông
Ta bỏ vào lồng ta xách ta chơi
Ba trăm một vị đàn bà
Đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi
Không được coi ngang hàng thì tức mình nói: bướng, coi đàn ông chẳng ra gì:
Làm trai rửa bát quét nhà
Vợ gọi thì dạ bẩm bà con đây
Hoặc:
Chồng người như trống mới bưng
Chồng em như khỉ trong rừng mới ra
Thậm chí nói... ngược... rằng mình có nhiều chồng:
Gái chính chuyên lấy được chín chồng
Vo viên bỏ lọ gánh chồng đi chơi
Chẳng may quang đứt lọ rơi
Bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng
Chị em ơi cho tôi mượn cái gầu sống
Để tôi múc nước vớt chồng tôi lên
          Nhưng cũng có thể là một thắng lợi tinh thần như A.Q. để đối lại các chú đàn ông. Thử xem ai cần ai, ai thèm ai...
Cái cò là cái cò quăm
Mày hay đánh vợ mày nằm với ai
Có đánh thì đánh sớm mai
Chớ đánh chập tối không ai cho nằm
Nói cho cùng thì đây không phải là cuộc đấu tranh sinh tử, một mất một còn...  nó là cuộc đấu tranh có lý có tình! Nên khi chàng có bức xúc bất tử:
Một bên lửa tắt cơm xôi
Một bên con khóc chồng đòi tóm tem
thì nàng sẵn sàng xí cô hồn cho chàng:
Bây giờ lửa đã cháy lên
Con thời đã nín tòm tem thì tòm
Điều đó cho thấy người đàn bà Việt Nam thật là toàn vẹn, đảm... mọi thứ chuyện.
Chắc chắn cái sức sống toàn diện này đã sản sinh ra những bà Trưng bà Triệu chứ không phải là thứ Nho Giáo khắt khe kìm hãm con người!
Chính vì được ca hát tự nhiên mà ca dao nó đi vào lòng người và lan toả theo không gian và thời gian.
Tôi đã từng nghe một cô gái hát trước sự chứng kiến và chấp nhận của bà già:
Xưa kia ai cấm duyên bà
Bây giờ bà già bà cấm duyên tôi
và tôi cũng từng nghe một nông dân hát trước mặt một địa chủ
Ít tiền thì ít cù lao
Ít cơm ít gạo thì tao ít làm

Tôi lại nhấn mạnh một lần nữa ở đây là ca dao không những do đủ mọi hạng người sáng tác, mà một câu ca đã do nhiều người sáng tác.  Nghĩa là người ta không chỉ hùa theo người khác để sáng tác, mà người ta toàn quyền sửa đổi hay thêm bớt lời ca của người khác. Không có bản quyền Tác Giả, người ta đã "sở hữu tập thể nên ca dao đã được "nhuận sắc", "đổi mới" nên nó ngày một đẹp ra và phong phú hơn.
Nghe một câu hát:
Nam Vang đi dễ khó về
Trai đi có vợ gái về có con
thì người ở Mỹ Tho, Cần Thơ, Rạch Giá có toàn quyền "Bẻ Lại" như:
Kiên Giang đi dễ khó về
Trai đi có vợ gái về có con
Nghe một câu xưa:
Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Thất bát giang cũng lội, cửu thập đèo cũng qua
người ta có thể "Môi ra":
Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Thất bát giang cũng lội, tứ cửu tam thập lục đèo cũng qua
Người ta có thể môi ra cho một câu dài tới mấy chục chữ cho thêm phần lâm ly:
Em thấy anh tương tư bệnh chắc
Em mua một thang thuốc Bắc, đem về em sắc, ba mươi chén còn lại một phân, em thêm vào một lát gừng sống, một đống gừng lùi; một nồi chuối hột, một hộp đơn quy, một ky trái táo... thần quy một lượng, khoai sương một trăm, rau răm một đám, cám một bao, con gái lao rao mười hai đứa, sứa lửa vài trăm, huỳnh liên huỳnh bà huỳnh cầm, uống ba thang không khỏi em đào hầm chôn luôn
(Ôi! tôi uống một thang chắc đã xí lắt léo rồi)

Tôi nghĩ những người bẻ lại, môi ra... này có nhiều khuynh hướnh, quan điểm khác nhau, nhưng bẻ qua bẻ lại nhiều lần, thì những câu nào... hợp lòng người... sẽ thắng thế. Ý tôi không muốn nói rằng đa số thắng thiểu số, tôi chỉ muốn nói rắng câu nào vui tươi, lạc quan, sảng khoái sẽ đi vào lòng người và sẽ tồn tại với thời gian.
Các nhà Nho hương nguyện sẽ không bao giờ chấp nhận những câu: Chuột kêu rúc rích..." hay "Ăn rồi nằm ngửa...”. Các thi sĩ quý tộc chỉ chấp nhận những từ thanh nhã dùng làm "thi liệu" thì sẽ lên án:
Em như cục cứt trôi sông
Anh như con chó đứng trông trên bờ
là tục tĩu, không phải là văn chương. Nhưng người thường thì lại rất cần sảng khoái, thú vị, chơi cho mút mùa, chơi cho... đã!
Chơi cho liễu chán hoa chê
Cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời
Thật không còn ai vênh váo hơn anh chàng 9 vợ dưới đây:
Hôm qua đi chợ Gò Vấp
Mua một sấp vải
Đem về cho con hai nó cắt
Con ba nó may
Con tư nó đột
Con năm nó viền
Con sáu đơm nút
Con bẩy vắt khuy
Anh vừa bước cẳng ra đi
Con tám níu
Con chín trì
Ới mười ơi sao em để vậy còn gì áo anh
Nhưng mà... có như thế.... nó mới... đã!

Tôi nghĩ rằng chính vì sáng tác tập thể, sáng tác bình dân, sáng tác tự do... nên ca dao nó phản ảnh chân thực tâm tình người dân. Dù là tâm tình bộc lộ hay thầm kín (người ta có thể lầm thầm ca dao một mình khi đi trên quãng vắng)
Đó là ý nghĩ lành mạnh hay chưa lành mạnh lắm thì nó cũng thực là của dân mình, và nó đồng hành cùng dân. Phải chăng đó là hành trang hay kho báu của dân ta mà ông cha đã gìn giữ và bồi đắp
Vâng, ca dao đã được sáng tác và hát bởi mọi hạng người trong xã hội. Nếu cộng cả những câu xưa từ Bắc tới Trung tới Nam thì có thể có tới hàng trăm ngàn câu ca dao. Tôi chắc một điều là có bà ít học (và dĩ nhiên trí nhớ không tốt lắm) có thể thuộc tới cả ngàn câu!

Ôi! thật là kỳ diệu sức truyền tải của ca dao.
Ngày nay ta tự cho là văn minh (!) Nhưng tôi thấy các bà mẹ ngày nay quá xệ, chắc chẳng bao giờ họ được dạy:
Ngày con đã biết chơi biết chạy
Đừng cho chơi cầm gậy trèo cao
Đừng cho chơi búa chơi dao
Chơi vôi chơi lửa chơi ao có ngày
.......................................
           Ngày nay người ta hát với sân khấu hoành tráng, áo đẹp, ánh sáng và âm nhạc tiến bộ, ắt hẳn họ sẽ chê ca dao là quê mùa:
Chuột kêu rúc rích trong rương
Anh đi kheo khéo kẻo đụng giường má hay
hoặc:
Ăn rồi nằm ngửa tinh hinh
Không ai nằm sấp lên mình cho vui

Nhưng ngày nay đâu có biết rằng ta có hằng trăm ngàn câu: Ơn vua nợ nước, làm trai tang bồng hồ thỉ, cha mẹ dạy con, vợ khuyên chồng... được hát với sự cảm thông chia sẻ trong không khí tràn đầy ấm cúng gia đình, làng nước.

Trong không khí thanh bình một đêm trăng mà vang lên câu hát:
Sáng trăng trải chiếu hai hàng
Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ
thì ai mà không rộn lên một niềm tự hào về văn hoá Việt Nam.
Người Âu Mỹ không thấy ta có những kiến trúc hoành tráng như Tầu và Ấn Độ thì coi thường ta. Nhưng nếu họ biết rằng ta có hằng trăm ngàn câu ca dao thì hẳn cái nhìn của họ sẽ khác đi, và hẳn sẽ công nhận ta là một nước văn hiến.
           
Bớ này các anh trai
Bớ này các em gái
Hãy cùng nắm tay nhau hát lên lời ca dao Việt Nam dưới mái nhà tình yêu, hãy hát lớn lên cho tiếng hát bay qua mái nhà ra ruộng đồng, sông dài, núi cao, cho mây ngừng bay, gió ngừng thổi, rắn cuộn tròn lắng nghe, chim thẹn thùng không ganh hót. Cho mặt trời đẹp hơn mọi ngày, giọt sương lóng lánh thêm trên cánh hoa lan...  Tiên tổ hiện về gật gù hãnh diện: Ôi! Vẻ đẹp này sẽ trường tồn cùng dân Việt

CDM

5 comments:

Quang Minh said...

Thầy ui!
Em thì chiếc bóng không , đêm nằm trong bóng tối mong lung, đọc bài của Thầy tim cứ nhảy đùng đùng. Ca dao Việt Nam thiệt vô cùng xúc tích, lời tục ý thanh, lời trong ý đục,
tượng thanh tượng hình

" Khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười "
Theo Thầy em xin được góp đôi lời

Trẻ con ngây thơ vô số tội , đùa nghịch rong chơi, nên thường hay bị đánh đòn, nhưng lúc nào cũng có lòng hiếu thảo

Mẹ ơi đừng đánh con đau
Để con bắt ốc hái rau mẹ nhờ

Người phụ nữ khi chồng mất sớm tuổi đang còn nửa chừng xuân ( không quạt cỏ thờ chồng như Trang Tử thử vợ đâu nghe Thầy) , lại phải nuôi con.

Gái một con trông mòn con mắt

Ngoài vườn hoa bao ong chào bướm lươn , trong lòng bồi hồi xao xuyến ở thế giới ngày nay nhất là xứ Âu Mỹ đó là quyền tự do không ai cấm cản. Cho nên khi nghe con gái thố lộ thì nàng cũng chẳng ngại ngùng thố lộ

Mẹ ơi con muốn lấy chồng
Con ơi mẹ cũng một lòng như con

Nhưng cũng có người phụ nữ chung thủy một lòng vì

Chim quyên ăn trái nhản lồng
Thia thia quen chậu vợ chồng quen hơi

Rồi ccũng có những anh chàng điếc không sợ súng nhất quyết nhảy vào

Có chồng mặc kệ có chồng
Còn duyên anh ẵm anh bồng anh mang

Rồi cũng có cô yêu tthầm nhớ trộm nhưng vì không cùng một hướng. Yêu đến đổi như Thầy đã viết
Nhớ ai em những khóc thầm
Nữa đêm tỉnh giấc quần đầm ướt mưa
Hay là

Cô ơi đừng nói thấp cao
Thân cô lem lấm chỗ nào tôi cũng hun


( em chạy Thầy luôn hi hi hi...)

Em bây giờ cũng hơn bảy bó đọc đoạn Thầy nói mấy ông già làm em nhớ tới ông chủ tuần báo " Playboy " đã gần trăm tuổi mà còn có vợ nhí, chẳng qua cũng vì tiền . Ở Mỹ " no money no honey "

May thay lấy được chồng già
Ổng ra đi sớm tài gia hưởng tròn
Tìm chàng trai trẻ khoẻ hơn
Thân hình lực lưỡng như đờn căng giây

Càng tệ hơn

Vào chùa thấy Phật muốn tu
Về nhà thấy vợ chỏng khu la làng
( Mô Phật con xin sám hối)

Để kết thúc. Bây giờ tới em nghe Thầy

Nhà em phòng ốc trống không
Phải chi ai đó nằm chung một giường
Mền da sao ấm lạ thường
Em đi sao nở một phương lạnh lùng
Đêm về lạnh lẽo chiếu chăn
Xin em ở lại cùng anh cho rồi
Hi hi hi. ..

Tật Hay Cừ said...

Thầy hay
Anh QM cũng hay
Tật Hay Cừ

rachgia said...

Anh Quang viết theo ông Thầy cũng có lý lắm, làm cho bài nầy thêm sinh động ...

Bên nhà ông Thầy đang cười và lầm thầm bảo: "Thì ra ta hợp tâm đầu"

Quang Minh said...

Hồi học tiểu học tập làm văn Cô cho xuống lớp
Bây giờ già bắt chước Thầy tập làm văn
Cám ơn Tật Hay Cừ có lời khen
Cám ơn Cô giáo khuyến khích thêm
Cám ơn ông Thầy tạo cơ hội cho em

Thank you all

trường tôi said...

Tui thấy dạo này Ông Đạo mần mấy bài thơ quậy dữ hén kkk...tới luôn !
Cười mím chi