Monday, December 13, 2010

Ổ bánh mì đêm Gíang sinh

__________________
Nguyên Nhung


 









Lời người viết: Chuyện kể lại một góc đời thường của một linh mục sau năm 1975, với những nhọc nhằn trên đôi vai của ông cha xứ trong một xứ đạo nghèo, mà tinh thần bác ái của ông bao giờ cũng là một món quà Giáng Sinh đáng trân trọng.  
Nhà là nhà xứ mà cũng là nhà Dòng, Cha là cha xứ lại kiêm luôn việc trông nom tu viện, gồm một số tu sĩ nguyện tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa và tha nhân. Ấy là số tu sĩ chỉ độ hơn 10 người, sau khi đổi đời một số đã bỏ về nhà làm ăn sinh sống. Có làm linh mục vào thời buổi ấy mới cân lượng được cây thánh giá Chúa gửi đang vác trên vai, chứ đâu sung sướng gì như người ta nghĩ: “Một người làm Cha... cả họ được nhờ”.  
Xứ chỉ là xứ nghèo, số giáo dân đến nhà thờ được vài trăm, đa số đều vất vả và đơn chiếc. Nhìn là biết ngay, giáo dân chỉ toàn đi dép nhựa với mặc áo bà ba, mấy cái áo dài chắc được đem ra chợ trời để đổi lấy cơm gạo, hoặc mấy bà mẹ khéo tay đã lấy may lại tấm áo Tết cho con. Đám trẻ con lại càng tội hơn, chúng nó đi chân đất đến nhà thờ, áo quần xộc xệch, mặt mũi vêu vao, nhìn đám con chiên cha xứ chỉ muốn rơi nước mắt...  
Bây giờ nhà thờ rất thiếu linh mục, chiều thứ Bảy, ngày Chủ Nhật là ngày chạy “show” làm lễ cho giáo dân ở hai nơi khác nhau. Mà đã xong đâu, còn phải chọn giờ làm lễ sao cho phù hợp, không làm mất thì giờ lao động của nhân dân. Những buổi lễ ngày thường Cha phải dậy sớm lắm, nhà thờ chỉ lác đác mấy ông bà già không ngủ được đi lễ sớm, còn đám người lớn phải lo chạy gạo giờ nào mà đi lễ. Không có hát Thánh ca, không có đàn sáo trầm bổng gì hết, quanh đi quẩn lại chỉ có mấy cha con chúc Bình An cho nhau. 


 Bình An là tốt rồi, không dám mong mỏi gì hơn. Khu nhà thờ nằm trong khuôn viên rộng rãi giờ này như mâm cỗ đập vào mắt những kẻ đói ăn, khiến Cha nghĩ nát đầu để giữ lấy làm nơi thờ phượng và làm chỗ tu học cho các tu sĩ. Nhìn bề ngoài khu nhà thờ có vẻ bề thế, nhưng sau nhiều năm không được sửa chữa, tường đã nứt, mưa đến dột nát tứ tung, tiền không có ăn, nghĩ đến chuyện quét vôi cho sáng sủa nhà thờ chắc chỉ là chuyện chiêm bao.  
Nghĩ mãi Cha mới nảy ra ý kiến trồng rau nuôi gà, tất cả đều “tay làm hàm nhai”, các tu sĩ bây giờ tíu tít lên vì phải “tăng gia sản xuất”. Không phải vì cái khẩu hiệu “lao động là vinh quang” vẽ chữ vàng trên nền vải đỏ treo bên kia đường đập vào mắt Cha, nhưng “đói thì đầu gối phải bò”. Nghĩ cho cùng cha vẫn thấy hợp lý, con người không thể dấn thân vào Đạo khi không tự mình lo được cho mình miếng ăn, lại cứ phải sống nhờ vào lòng từ tâm của tín hữu.  
Khu nhà thờ biến thành một trại gà, vì thế mỗi buổi lễ con chiên vẫn ngửi được mùi phân gà thoang thoảng trong câu kinh nguyện. Những mảnh đất xung quanh khu nhà thờ, giờ này trồng đủ thứ rau xanh. Mùa nào thức nấy cả nhà Dòng trông vào mảnh vườn rau làm thức ăn chính. Su hào, cải bắp, khoai lang, mồng tơi, rau đay, rau muống, có chút rau xanh nấu với tôm khô cũng đẩy được bao nhiêu bát cơm gạo hẩm vào bụng. Khổ nỗi, số rau ấy được lũ trẻ đi nhà thờ tận tình chiếu cố, chả lẽ chúng nó mở miệng xin mà Cha lại từ chối, thành ra sau buổi lễ dành cho thiếu nhi ngày chủ nhật, bao nhiêu rau trong vườn được vặt trụi.  
Đất còn rộng, sợ ngứa mắt người khác, cha nghĩ đến chuyện đào ao nuôi cá, thêm chút chất đạm cho mỗi bữa cơm. Ban đầu chưa có kinh nghiệm, mua bao nhiêu cá giống về thả xuống ao, chỉ ngày hôm sau cá con đã nổi lềnh bềnh trắng xoá trên mặt nước. Ít lâu sau ao cá mới gầy được một vài lứa, hôm nào lưới lên Cha con được một bữa bồi dưỡng cũng thoả lòng. Nhưng lại có vấn đề, lũ trẻ đi nhà thờ ngày chủ nhật hay leo trèo, nghịch ngợm, ao cá nằm phơi ra đó lỡ đứa nào sảy chân chết đuối là Cha lãnh nợ. Lại phải rào, dây kẽm gai lúc ấy rất hiếm, dù ngày xưa chỉ để rào quanh đồn bót với những cơ quan quân sự. Thế là cha con lại hì hục chạy vạy để rào ao nuôi cá, tiền bán trứng gà dành dụm mãi bây giờ lại đổ vào việc mua dây kẽm gai, gà không có thực phẩm đầy đủ cứ gầy teo, rồi mùa gió chướng năm đó gục xuống chết hết, cha con tha hồ ăn thịt gà “toi”.  
Vấn đề chạy gạo cho cả chục người ăn là “căng” nhất. Nghĩ tới nghĩ lui, may là còn được chiếc xe Honda cũ, Cha vẫn dùng để chạy đi làm lễ từ nhà thờ này sang nhà thờ kia. Cha nghĩ ngay đến việc chạy xe “lôi” kiếm sống, gia nhập vào nghiệp đoàn “Xe Lôi” rất đông đảo. Xe lôi là một loại xe chuyên chở bình dân rất thông dụng ở miền Tây, chỉ cần một cái thùng xe phía sau là cha xứ có thể biến thành một bác chạy xe lôi rất chân chính. Miệng lưỡi thế gian không thể cho cha là loại người trốn tránh lao động, sống bám vào công sức của người khác, lại còn giải quyết được chuyện bao tử cho bấy nhiêu con người trong nhà Dòng.  
Mỗi buổi sáng ngày thường sau khi tan lễ, cha ăn uống qua loa rồi tất tả cởi chiếc áo chùng thâm, thay vào đó là cái áo lính cũ, với một mũ rộng vành kiểu nhà binh, bấy nhiêu đó là Cha có thể hoà nhập vào với dòng đời xôn xao ngoài kia. Bởi vậy mới xảy ra chuyện cười ra nước mắt giữa một ông cha xứ chạy xe lôi với một bà già giáo dân trong họ Đạo. Sáng sớm bà già đón xe đi chợ, vì chân yếu, chợ lại xa, bà không làm sao lạch được ra chợ. Bà già đứng bên đường ngoắc chiếc xe lôi vừa chạy tới. Chiếc xe tấp vào lề đường, cha xứ giấu mặt có đôi kính trắng dưới cái mũ rộng vành đội sùm sụp.  
- Từ đây ra chợ, chú lấy bao nhiêu?  
- Bà cho bao nhiêu cũng được. 
Bà già vừa ngồi trên xe vừa lẩn thẩn hỏi cho vui chuyện:  
- Chú chạy xe có khá không?  
- Thì cũng nhàng nhàng đủ ăn, thưa bà.  
- Nhà chú được mấy đứa con?  
- Nhà tôi đông con lắm...”. 
Cha chỉ trả lời cầm chừng, vì cụ bà thì cha biết rồi, chỉ có bà không nhận ra ông cha xứ của mình thôi. Bà là bà cụ đọc kinh to tiếng nhất trong nhà thờ, khoác tấm áo dài màu cánh gián, ngồi gật gù dưới chiếc cột có tượng Đức Mẹ từ bi, tuy mắt kém nhưng vẫn lò mò đi nhà thờ mỗi buổi sớm. Bà cụ than:  
- Đông con nhưng chú có chiếc xe để kiếm cơm cũng còn khá. Tôi bây giờ chỉ sống nhờ vào con, con trai lại đi tù, con dâu ở nhà nuôi cháu cho mình thấy vất vả quá. Hôm nay, tôi phải đi chợ để làm mấy món tiếp tế cho con, chia với vợ nó chút khổ, chứ trông vào một mình nó, thật ái ngại!
Cha thấy nao nao buồn, xung quanh Cha là những cây Thập giá đè nặng lên thân phận của những gia đình giáo dân trong xứ đạo, nhà nào cũng khổ như nhau, chỉ ít hay nhiều mà thôi. Đa số đàn ông vắng mặt trong nhà, đàn bà thì chân yếu tay mềm, suốt ngày quần quật ngoài chợ kiếm ăn, nuôi một đàn con nheo nhóc cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Đức bác ái thì không thiếu trong con người linh mục, nhưng lấy gì để chia sẻ đây?  
Chiếc xe rề rề tấp vào vỉa hè con phố ở đầu chợ. Bà già xuống xe, bàn tay nhăn nheo run run mở cái kim băng ngoài túi áo để lấy tiền, nhưng ông chạy xe lôi tử tế kia nhất định biếu không cho bà chuyến xe mở hàng đầu ngày. Mắt bà hấp hem nên chưa nhận ra ông ta là ông cha xứ của mình, dù nghe giọng nói kia quen quen mà chịu chưa nhớ ra được. Mãi tới khi lần mò đi vào khu chợ, vừa đi vừa cầu nguyện cho người đã làm ơn cho mình, bà mới ngờ ngợ nhận ra cái tiếng nói quen quen kia là giọng nói của ông cha xứ trẻ. Bà bồi hồi cảm động, hai hàng nước mắt cứ chực tuôn ra trên hai gò má. Bà vừa đi vừa thầm thĩ cầu nguyện Chúa nhân lành trả công cho ông cha xứ của mình.  
Làm ăn quần quật thế mà cha con vẫn sống thật vất vả, bữa cơm bày biện trên chiếc bàn dài, nhìn vào chỉ có canh cua đồng nấu rau đay, một đĩa cá kho, thêm một đĩa cà pháo, hôm nào ngon lắm thì thêm một vài miếng đậu hũ xốt cà. Tiện tặn, khiêm nhường, co kéo mà sống vậy cũng chưa yên thân, giáo dân nghèo bần cùng, đơn chiếc thỉnh thoảng vào nhờ cha giúp mấy lít gạo cũng không từ chối được.  
Khi dấy lên phong trào hồi hương lập nghiệp, nhà nhà đưa nhau đi xây dựng vùng quê hương mới, cha nghĩ ngày nghĩ đêm để tìm cách giúp con chiên được ở lại thành phố. Họ đổi mới thị trường công thương nghiệp, thay vì phải đi cày sâu cuốc bẫm, cho nên cha lại phải khôn khéo ngoại giao mới được giao cho công việc điều hành một Tổ Hợp Dệt Thảm bằng cói lác, được đánh giá là hàng mỹ nghệ xuất khẩu ra nước ngoài. Nhà xứ lại nhộn nhịp người ra kẻ vào, các tu sĩ thay cha điều khiển Tổ Hợp và dạy nghề lại cho bà con trong xứ.  
Không tham gia vào mấy cái Tổ hợp thì không phải là người thức thời, ai cũng biết chả sống được bằng cái nghề ấy, vì có làm cong lưng ra cũng không chạy đủ gạo cho con ngày hai bữa, chỉ có những người độc thân bám víu mà sống được, còn người nặng gánh gia đình tham gia cho có hình thức, rồi cắp túi ra chợ Trời ngồi mua chui bán nhủi. Dĩ nhiên chỉ có các vị tu sĩ phải chăm chỉ làm để lấy sản phẩm giao cho nhà nước, cũng được cấp phiếu mua gạo giá quy định, đỡ đần gánh nặng cho cha xứ.
Cũng vì lòng thương người, đức bác ái mà đời cha đôi phen điêu đứng, việc ngoài đối phó chưa xong mà việc trong lại rối rắm bằng mười. Điều làm cha buồn lòng nhất sao nó giống hệt nỗi buồn của Chúa Giêsu năm xưa, bị chính người môn đồ thân yêu bán đứng lấy 30 đồng bạc. Cha cô đơn chống chỏi với bên ngoài, cũng chỉ vì muốn giữ lấy cái nhà dòng cho các tu sĩ và ngôi nhà thờ cho giáo dân. Nhưng điều hành một giáo xứ và một nhà dòng, cha không tránh được chuyện người ưa kẻ không thích, khổ tâm nhất là bất cứ việc gì cha làm vì lòng bác ái, lại bị nhiều lời đàm tiếu vô căn cứ. Để rồi đôi khi cha thấy mình y hệt phạm nhân nằm trên cây thập giá, mà mỗi lời châm chích lại y như những cái đinh vô hình đóng vào tâm hồn cha, khiến cha chỉ biết thở than với Chúa.
Cha hiểu trong đêm tối chỉ có Chúa mới lắng nghe được cha đang nói gì, hay chính tiếng nói của lương tâm đang ủi an cha để làm nốt trách nhiệm quá nặng nề trên đôi vai người linh mục tội nghiệp. Ngày xưa Chúa chỉ có mỗi Philatô xét xử, mà với áp lực của đám đông đang gầm thét đòi đóng đinh Chúa, trước khi giao Chúa cho quân dữ, hắn đã phải rửa tay để thề rằng không có trách nhiệm gì trong cái chết của người công chính này. Cuối cùng, cha quyết định mình sẽ học bài học im lặng của Chúa, chờ đến một ngày người ta sẽ hiểu cha hơn, qua những việc cha làm, đó là cách hữu hiệu nhất mà vẫn rất cần thời gian mới trả lời được.  
*** 
“Ai bảo chăn trâu là khổ”, cũng như “ai bảo làm cha... là sướng”. Thời nào cha sướng không biết, chứ lúc ấy nghề linh mục là nghề cay đắng nhất, hai ba thứ dâu đổ vào đầu tằm, việc Đạo việc Đời phải khéo léo giải quyết, ai vác thay được cho Cha cây Thánh giá nặng nề chừng ấy. Nói theo Tôn giáo bạn thì đi tu là xa lánh việc đời, quẳng cái đa đoan để tầm đường tìm sự giải thoát cho bản thân, giá được vậy thì đã đỡ khổ. Từ sáng tinh sương tới tối mịt, khi chuông nhà thờ vang lên từng hồi dồn dập mỗi buổi sớm mai, Cha đã bắt đầu lo cho một ngày sắp đến.  
Nhìn xuống hàng ghế quỳ càng ngày càng thưa thớt giáo dân, cha thấy lòng nặng trĩu một nỗi buồn. Mùa Giáng Sinh sắp tới rồi, Mùa Vọng thường là mùa chuẩn bị cả phần hồn lẫn phần xác. Năm nào cũng vậy, nhà thờ vui nhất Mùa Giáng Sinh, ca đoàn bắt đầu chuẩn bị tập hát, những ca khúc giáng sinh rộn ràng khiến lòng ai cũng như mở hội. Đám trẻ dạo này ít tới nhà thờ, ngoài giờ đi học chúng nó bận họp hành tối ngày, công tác kiểm điểm liên miên giờ đâu mà tham gia sinh hoạt của nhà thờ. Đúng ra cũng chỉ có mỗi ca đoàn là còn tương đối hoạt động, mấy hội đoàn kia tự động giải tán, chả ai bảo ai cứ lẳng lặng mà tan hàng...  
Những chiếc đèn ngôi sao sau Mùa Giáng Sinh hằng năm được bọc giấy báo cất kỹ trong kho, bây giờ được lôi ra làm lại như mới, giăng hai hàng song song bên hông nhà thờ, khiến khu nhà xứ lại tràn ngập bầu không khí Giáng Sinh. Nhưng sao vẫn buồn thế nào ấy?  
Góc sân kia có thể làm hang đá ở chỗ ấy, dưới bóng mấy cây dương xỉ để nghe tiếng lá reo vi vu, như âm điệu buồn buồn của bài ca sinh nhật “Đêm Thánh Vô Cùng”, hay cảnh màn trời chiếu đất của một gia đình cách đây gần 2.000 năm. Năm nay Cha dâng Lễ ngoài trời, vì lễ sớm, bọn trẻ con đông, nhà thờ không đủ chỗ chứa bấy nhiêu con người, ngồi trên cung thánh nhìn xuống, cha thấy mướt mồ hôi. Tất cả đã được cha tính toán để ít là cũng mang được niềm vui Giáng Sinh đến cho giáo dân trong họ đạo. Ai cũng biết xứ nghèo lắm, cha xứ cũng nghèo, hiền lành nên mùa Giáng Sinh cũng chỉ được có thế, nhưng họ vẫn tuôn đến nhà thờ vào đêm Giáng Sinh. Hình như trong lúc này, họ mới cảm nhận được cái tương quan giữa cảnh đời của họ với gia đình Giêsu trong hang đá bé nhỏ kia, có vẻ gì gần gũi lắm.  
Cha hồi tưởng lại những Mùa Giáng Sinh vài năm trước, cả khu nhà thờ sáng rực đèn sao như mở hội. Người người không phân biệt tôn giáo kéo đến đứng đầy trên sân, vừa nghe nhạc Giáng Sinh, vừa ngắm nghía Chúa Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Năm xưa ấy, hang Bê Lem cũng khác với bây giờ, những ngọn đèn màu nhấp nháy liên tục làm lóng lánh thêm những sợi kim tuyến giăng ngang dọc trong hang đá. Có lẽ Chúa cũng không hài lòng lắm vì cảnh tưng bừng tương phản với sự nghèo khổ của gia đình Thánh gia năm xưa, vì thế năm nay vừa để tiết kiệm điện, vừa để thích hợp với cảnh nghèo nàn rất ý nghĩa, Cha chỉ dùng một ngọn đèn mờ, toả ánh sáng hắt hiu xuống những bức tượng thánh. Buổi tối trước ngày Lễ, cha đứng ngắm nghía cảnh nghèo nàn của gia đình Thánh gia trong hang đá đơn sơ, cha chỉ biết xin Chúa ban cho cha trở nên hột muối ướp cho mặn đời, với tinh thần khó nghèo, cha có cơ hội tận hiến đời mình cho anh em mà thôi.
Buổi chiều trước Lễ Giáng Sinh, lũ trẻ đã túa ra nhà thờ vây xung quanh hang đá, trầm trồ nhìn Chúa Giêsu bé nhỏ xinh đẹp đang nằm mỉm cười trong máng cỏ, tay chân giơ lên như muốn nhảy ra chơi đùa với bọn trẻ rất dễ thương, nụ cười ngây thơ nhìn đời rất thánh thiện như tâm hồn của chúng nó. Đám trẻ nhỏ xô đẩy nhau để được đứng gần lại với tượng Chúa, lúc này y hệt em bé của chúng nó ở nhà.  
Cha dự trù phải có một món quà Giáng Sinh ý nghĩa cho những gia đình nghèo, mà nghĩ mãi chưa ra. Cuối cùng cha “à” lên sung sướng, chiếc xe Honda cũ kỹ của cha kể cũng rất được việc, chỉ cần để dành chút tiền nhỏ của mỗi cuốc xe trong nhiều tuần lễ, cha cũng sẽ có tiền để thực hiện cái mộng ước đơn giản trong Mùa Giáng Sinh. Đó là những ổ bánh mì nóng giòn để làm quà cho những gia đình neo đơn, khốn cùng trong cái xứ đạo nghèo của Cha. Cha thiết thực tính toán với ông chủ tịch nhà xứ, chả có gì bằng “một miếng khi đói, bằng gói khi no”, vừa hợp tình, vừa hợp cảnh, bởi hình ảnh người đàn bà trong xứ đạo trong cuốc xe buổi sáng hôm nào, vẫn còn ghi đậm trong lòng cha nỗi khổ của một người mẹ, cha vẫn nghe lòng nao nao xúc động...  
Thánh Lễ cử hành vào lúc 8 giờ, thay vì nửa đêm như những năm trước, lễ đêm khuya khoắt chỉ có người lớn, ông già bà cả, còn đám trẻ con đã lên giường từ lúc 10 giờ. Nhìn vẻ náo nức của lũ trẻ con trên sân nhà thờ, tự cha cũng biết không nên dập tắt niềm vui giáng sinh trong lòng lũ nhỏ. Trên khuôn mặt chúng, cha nhìn thấy Chúa Giêsu đang hiện diện trong tâm hồn đơn sơ của chúng, nhìn niềm vui của trẻ con cha mới thực sự nhìn thấy sự bình an của tâm hồn. Quanh năm ngày tháng chúng được mấy giờ vui, nhất là đêm Chúa sinh ra đời, dù bối cảnh hang đá năm nay không rực rỡ, tưng bừng như những năm trước, nhưng ý nghĩa của hang đá Bê Lem chắc hẳn sẽ ghi đậm trong lòng những đứa bé thơ suốt cuộc đời. Suy bụng ta ra bụng người, hồi cha còn bé, cha cũng là một cậu bé con nhà nghèo hiền lành, cha đã hiểu được niềm vui ấy vẫn rạo rực nhiều ngày trước mùa Sinh Nhật, nó cháy mãi như ngọn nến trong chiếc đèn ngôi sao lẻ loi treo bên cạnh máng cỏ, để dù khi khôn lớn, mỗi mùa Giáng Sinh về, tâm hồn cha vẫn cứ reo vui như độ còn là một chú bé con.  
Khi tiếng chuông ngân từng hồi giục giã, ca đoàn bắt đầu cất tiếng hát vang dội cả một góc sân nhà thờ, những đứa trẻ con bắt đầu hoà nhịp với ca đoàn, khiến lòng cha tự dưng xúc động. Bao nhiêu đứa bé đứng dưới kia là bấy nhiêu hoàn cảnh gia đình bày trải trước mắt cha, có những gia đình neo đơn mà cha nhìn thấy trong giáo xứ, nhà nhà quạnh vắng chỉ có đàn bà và trẻ con. Cha hy vọng rằng lễ Giáng Sinh sang năm, trong khoảng sân giáo đường này, sẽ là hình ảnh ríu rít của đám trẻ con bên cha mẹ. Bà già được cha chở giúp trong chuyến xe lôi buổi sớm hôm ấy, dạo này đôi chân đã yếu, hai mắt đã mờ, không còn lạch được tới nhà thờ những buổi lễ sớm, con người cũng y như chiếc lá thoảng rơi xuống sân cỏ, chẳng mấy chốc lại chỉ là hạt bụi giữa cõi trần ai...  
Lễ tan, giáo dân tản mát ra về, một vài người còn ra đứng trước hang đá cầu nguyện, cơn gió tháng chạp thổi qua khiến đêm Giáng Sinh mang mang một chút buồn hiu hắt. Những đêm Noel bây giờ, đâu phải tất cả trần gian đều chìm ngập trong an hoà và hạnh phúc, hình như trong cha lại phảng phất nỗi buồn rầu nhớ thương của người chồng xa vợ, những giọt lệ âm thầm rơi trên đôi má người cô phụ, và những đứa bé thèm thuồng có được món quà nhỏ của ông già Noel trong câu chuyện huyền thoại ngày xưa.  
Sau lễ, trời dần khuya, cha xứ sửa soạn đi với ông chủ tịch nhà xứ, vác bao bánh mì trên vai đi đến những nhà giáo dân neo đơn, nghèo khổ đã được chọn sẵn trước ngày lễ. Con ngõ đi vào xóm vắng gập ghềnh tối om, hai cha con bước thấp bước cao lần mò như hai thằng ăn trộm. Một bên là bờ sông, một bên là nhà ở mập mờ trong bóng đêm và cây cối, ánh điện câu vàng quạch còn hắt lên trong những căn nhà nhỏ, mùi hoa ngọc lan thoang thoảng trong gió và trên kia là bầu trời đêm nhấp nháy những vì sao muộn.  
Hình như lâu lắm rồi cha chưa bước chân ra khỏi nhà xứ vào ban đêm, bởi vậy cũng vì thế mà cha chưa hình dung hết được cái buồn ngất ngây của một đêm buồn trong xóm vắng. Bóng tối làm âm u thêm những mảnh đời rách nát tả tơi, bóng tối cũng che giùm những vá víu trên manh áo cũ. Nếu làm cha xứ để chỉ biết loanh quanh khu nhà xứ, để suốt ngày bảo ban mọi người tĩnh tâm, cầu nguyện, đọc kinh rì rầm hết giờ này sang giờ khác, cha vẫn thấy không đủ. Phải đem Đạo vào Đời là thế, nhưng nhất định không thể để Chúa ở trong những chiếc hang đá diêm dúa với đèn màu chớp tắt, những cây Giáng Sinh trang hoàng loè loẹt, hay trong cung Thánh đèn hoa rực rỡ. Nhìn những căn nhà nằm im ngủ trong bóng đêm, ánh đèn còn lay lắt bên trong cánh cửa, cha cho rằng giờ này Chúa cũng đang ẩn mình trong bóng tối với những người cô đơn, cùng khổ.  
Khi Cha vừa đến căn nhà cuối xóm, qua cánh cổng gỗ, cha nhìn thấy bà cụ già hôm trước vẫn ngồi nhai trầu bỏm bẻm ngoài hiên. Cha và ông chủ tịch nhà xứ im lặng đứng ở phía bên ngoài khung cửa sổ còn mở, giáp với đường đi ngoài bờ sông, tò mò nhìn hai đứa bé đang lúi húi chúi đầu vào một góc bàn học. Trên ấy dưới một cành cây khô có từng cụm tuyết làm bằng bông gòn, chiếc hang đá bé cỏn con, trong hang là một tấm ảnh gia đình Chúa Hài Nhi bé tí teo. Hai đứa bé đang say sưa hát, tiếng hát non nớt theo cung điệu “Chúa Sinh Ra Đời” do hai thằng bé đồng ca, tiếng hát ngọng nghịu, đớt đát của thằng bé em làm cha cảm động. Chỉ có một ngọn nến bập bùng soi vào hang đá, hắt lên khuôn mặt thiên thần của hai thằng bé đang say sưa ngắm nhìn hang đá bé nhỏ của mình, cha chưa hề nhìn thấy một bức tranh nào đẹp hơn thế...  
Hai đứa bé vẫn say sưa với ngọn đèn cầy trước chiếc hang đá bằng giấy bé tẻo teo trên bàn học, bà nó chắc là vừa ăn trầu, vừa thì thầm đọc kinh trong bóng tối, còn mẹ nó thì đang lỉnh kỉnh dọn dẹp trong nhà bếp. Cha khẽ bảo ông chủ tịch rút hai chiếc bánh mì, khe khẽ luồn qua song cửa sổ, đặt nhè nhẹ lên góc bàn con trong bóng tối, rồi vội vã bước đi...  
Những ổ bánh mì tình nghĩa của ông cha xứ nghèo như một phép lạ đêm Giáng Sinh vì nó đến đúng nơi, đúng lúc. Cha hình dung ra nét mặt ngạc nhiên của hai đứa bé khi nhìn thấy hai ổ bánh mì thơm mùi bột nướng nằm trên chiếc bàn nhỏ, nhưng điều thú vị hơn cả là ân sủng của Chúa đã tràn ngập đem niềm hy vọng vào tâm hồn hai đứa bé thơ. Biết đâu từ đây trong cuộc đời của hai đứa nhỏ, mỗi Mùa Giáng Sinh về, sẽ là câu chuyện kể về hai ổ bánh mì tự trên Trời rơi xuống vào giữa đêm Chúa sinh ra đời.  
Để nhớ lại một mùa Giáng Sinh xưa.
Tác giả Nguyên Nhung

No comments: