Monday, December 13, 2010

Thiên anh hùng ca Nguyễn Trung Trực

_________________


Lý Minh Hào



Một bậc anh hùng phải khởi bằng cái tâm anh hùng: không cúi đầu trước uy vũ
(Cổ ngôn)
Anh hùng Nguyễn Trung Trực, tên tuổi vang lừng gắn liền với công cuộc kháng chiến tiên phong chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam vào hậu bán thế kỷ thứ XIX tại miền Nam. Sau khi tuẫn quốc vì đại nghĩa, dù trải qua bao thế hệ và thời cuộc thăng trầm bể dâu của lịch sử dân tộc, gương hy sinh tận trung báo quốc của vị anh hùng hào kiệt đó vẫn ngời sáng trong tâm tưởng mọi người dân Việt ngày nay.
Ghi tạc công đức và uy hiển của người anh hùng “khi sống làm tướng, khi chết hóa thần” (sinh vi tướng, tử vi thần), biết bao danh nhân, văn nhân và thi sĩ do bởi tâm phục mà sinh nguồn cảm hứng viết, lên những áng thi văn trác tuyệt, hào hùng. Vào thời đại cùng thời có nhà nho Nguyễn Thông trong tác phẩm “Kỳ Xuyên Văn Sao” đã nhận xét nhân vật Nguyễn Lịch, một tên khác của Nguyễn Trung Trực, như sau: “Nguyễn Lịch tính thâm trầm, nghiêm nghị và can đảm.” Còn ông nghè Trương Gia Mô, còn gọi là chí sĩ Cúc Nông, viết tác phẩm “Gia Định Tam Tiên Liệt Truyện” ghi lại tiểu sử của ba vị tiên liệt của Nam Kỳ Lục Tỉnh là Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân và Hồ Huấn Nghiệp. Theo thi sĩ Đông Hồ, chí sĩ Cúc Nông Trương Gia Mô còn là tác giả bài điếu sau đây được Vua Tự Đức cử quan triều đình là Hoàng Giáp Lê Khắc Cẩn đọc trong lễ truy điệu:
Úy bỉ ngư dân
Hùng tai quốc sĩ
Hỏa Nhật Tảo thuyền
Đồ Kiên Giang lũy
Địch khái đồng cừu
Thân tiên tự thí
Hạo khí cổ kim
Thử nhân nam tử
Xích huyết hoàng sa
Ô hô dĩ hi
Huyết thực thiên thu
Chương ngã trung nghĩa
Tác giả quyển sách “Bốn Vị Anh Hùng Kháng Chiến Miền Nam,” nhà văn Thái Bạch dịch:
Giỏi thay người chài
Mạnh thay quốc sĩ
Đốt thuyền Nhựt Tảo
Phá lũy Kiên Giang
Thù nước chưa xong
Thân sao đã mất!
Hạo khí xưa nay
Người nam tử ấy
Máu đỏ cát vàng
Hỡi ơi thôi vậy
Ngàn năm hương khói
Trung nghĩa còn đây.
Bài Đường thi rất nổi tiếng “Điếu Nguyễn Trung Trực” của Huỳnh Mẫn Đạt, nhà nho ái quốc đã từ quan (chức Tuần Phủ Hà Tiên để bày tỏ sĩ khí trước giặc Pháp xâm lăng, qua những vần thơ trác tuyệt thương khóc vị anh hùng tuẫn quốc đã được lưu truyền và ghi nhớ mãi cho tới nay.
Thắng phụ nhung trường bất túc luân
Đồi ba đề trụ ức ngư dân
Hỏa Hồng Nhật Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần
Nhất đán phi thường tiêu tiết nghĩa
Lưỡng toàn vô úy báo quân thân
Anh hùng cường cảnh, phương danh thọ
Tu sát đê đầu vị tử nhân.
Trước cổng vào đình thần Nguyễn Trung Trực tại Kiên Giang, nơi các tượng đài tưởng niệm và đình thần các nơi khác thường khắc hai câu tiêu biểu cho hai chiến công hiển hách của người anh hùng chống Tây xâm:
Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần
(Lửa bừng Nhật Tảo rầm trời đất.
Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần)
Lớp thi văn nhân hậu thế, vào thời trùng tu đình thần thờ ngài tại Kiên Giang vào đầu thập niên 1960, không ngớt tiếp bồi thêm những bài thơ hay và giá trị. Xin được trích dẫn đôi câu tiêu biểu:
Bát niên hãn mã mông nam thổ
Nhất phiến đan tâm củng bắc thần
Nhật Tảo tung hoành ham sát địch
Kiên Giang khảng khái chí thành nhân
(Bài “Đề Nguyễn Trung Trực Tướng Quân Miếu” của giáo sư Lý Văn Hùng)
Hỏa công Nhật Tảo kinh thiên địa
Uy chấn Kiên Giang động đẩu thần
Trung hiếu nan toàn ninh tận tiết
Quốc ân vị báo khái thành nhân
(Họa vận “Đề Nguyễn Trung Trực Tướng Quân Miếu.” – Nhân sĩ Quách Dịch Chi)
Chính khí hạo nhiên đồng nhật nguyệt
Đan tâm bỉnh thí chiếu tinh thần
Dương oai Nhật Tảo sam ngoạn địch
Tráng liệt Kiên Giang khái thành nhân
(Họa vận “Đề Nguyễn Trung Trực Tướng Quân Miếu”- Nhân sĩ Diêu Thanh Ba)
Văn học, thi ca Việt Nam hiện đại xuất hiện thêm, những nhà thơ văn trọng tuổi cũng như trẻ tuổi, các nhà nghiên cứu, biên khảo lịch sử trong nước và hải ngoại, tiếp tục trước tác và hoàn thành những thi phẩm, ấn phẩm văn học, sử học đóng góp thêm cho việc phổ biến thân thế và sự nghiệp của nhân vật lịch sử Nguyễn Trung Trực. Gần đây có nhà thơ Hoài Anh (trong nước) dưới hình thức diễn ca theo thể thơ song thất lục bát đã sáng tác bài trường thi “Anh Hùng Nguyễn Trung Trực” dài ngót 300 câu. Bố cục theo trình tự diễn tiến trong cuộc đời dấn thân chống giặc cứu nước của anh hùng Nguyễn Trung Trực. Xin trích dẫn những vần thơ phản ảnh từng giai đoạn của con đường đấu tranh gian khổ nhưng hào hùng đó của vị anh hùng áo vải gốc dân chài.
Trong bối cảnh quốc phá gia vong, dân lành vô tội sống điêu linh dưới gót giày xâm lăng của thực dân Pháp, sự bất lực của triều đình nhà Nguyễn bị dân tình ta thán và thống trách:
Khi Tây đến tơi bời mặt đất
Giặc bắt người cướp vật không tha
Giết trẻ nhỏ, hiếp đàn bà
Bắt xâu, thâu thuế, đốt nhà, phá bưng…
…Giận triều Nguyễn tầm thường vụng tính
Nhượng cho Tây ba tỉnh miền Đông
Bịt giáo sắt, chẹn súng đồng
Ép dân không được tấn công quân thù…
Nhưng thế nước yếu vẫn có những con người không yếu, trong số những sĩ phu văn võ cương cường đó có một hào kiệt xuất hiện tại một vùng địa phương không xa phiên trấn thành Gia Định đang bị đe dọa bởi giặc Tây xâm:
Phủ Tân An có người chài lưới
Nguyễn Lịch là tên gọi thân quen
Ngày đêm võ nghệ luyện rèn
Căm loài giặc nước chờ phen rửa hờn.
Hào kiệt Nguyễn Lịch tìm cách đầu quân cứu quốc trong quân ngũ triều đình dưới quyền chỉ huy của chủ tướng Trương Công Định, ra trận tiền giết giặc với khí thế can trường, trí dũng tài ba:
…Buổi đầu theo vó ngựa quân triều
Giữ thành Gia Định thân yêu
Gian nan đâu ngại, hiểm nghèo sá chi.
Quản Binh Đạo, chức ghi sổ bộ
Dưới quyền Trương Định Phó Lãnh Binh.
Chí Hòa một trận tử sinh
Lướt vòng tên đạn coi mình như không.
Thành vỡ, chí không sờn, ra sức chiêu tập quân cơ cũ mới, cộng với biệt tài thao lược, người trai trẻ hào kiệt tiếp tục con đường đấu tranh theo cách dụng binh riêng và ý hướng riêng:
Đại đồn vỡ, đành lòng phân tán
Lịch kéo về trấn mạn Tân An
Nghe tin giặc cho tàu sắt lớn
Chạy dọc sông hung hãn phô trương
Thêm tàu sắt nhỏ tìm đường
Vào sâu các rạch trên đường tuần tra…
…Vàm Nhật Tảo sóng lao xao,
Bèo vương chân vịt, nước trào đuôi tôm.
Nghĩa quân khua om sòm tiếng mõ
Kế nghi binh: kéo nó ra xa
Chỉ huy Pháp lịnh truyền ra
Ca-nô thòng xuống, mã tà bơi mau…
Tiếp nghĩa quân xung phong đồng loạt
Nhảy lên tàu chém giặc liền tay
Giặc Tây đền tội bỏ thây
Số còn sống sót nhảy ngay khỏi thuyền…
Tàu ngút cháy mịt mờ lửa bốc
Nồi “xúp de” phút chốc nổ tung…
Sau đó, để tránh mũi dùi bạo lực tập trung binh pháo phản công để báo thù và phục hận của quân Pháp, Nguyễn Trung Trực lui về Hòn Chông (Hà Tiên) lập căn cứ kháng chiến, mở rộng địa bàn hoạt động tới Tà Niên, Sân Chim (Kiên Giang):
…Về Hòn Chông giáp cạnh biển khơi
Xây căn cứ, mộ thêm người
Vun bồi sinh lực qua thời gian truân
Vùng Tà Niên bàn chân in dấu
Trực được dân nồng nhiệt đón chào…
Vùng Sân Chim nương biển, tựa sông
Dọc ngang kinh rạch lưu thông,
Xuồng con một mái vẫy vùng nước non…
Áp dụng binh pháp người xưa, “lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều, tấn nhanh rút gọn, động tĩnh xuất kỳ,” người anh hùng chỉ huy trận đánh thần tốc vào thành địch, giết chết tên quan đầu tỉnh và triệt hạ gần toàn bộ lực lượng phòng thủ địch đóng tại ngay đầu não chính quyền thực dân Pháp là “Thành Săn Đá” (Citadelle de Soldats) do binh lính Tây trú đóng để bảo vệ trị an và địa phương.
Trực xuất phát bất thình lình
Vượt sông Cái Lớn, nấp rình một nơi
Bốn giờ sáng, say vùi, giặc ngủ
Lệnh tấn công sấm nổ truyền ra
Lính canh chết chẳng kịp la
Nghĩa quân trèo sẵn cây đa sát đồn…
Chém tên chủ tỉnh “Chánh Phèn”
Bảy mươi tên Pháp trận tiền bỏ thân…
Đồn Kiên Giang, lửa bốc cao
Tiếng reo dậy đất, đồng bào hân hoan.
Quân Pháp gọi viện binh các nơi về giải vây Kiên Giang, mặt khác dụng độc kế của tên Việt gian Huỳnh Công Tấn là “bắt mẹ để bức con, bắt con để ép cha” với dã tâm dồn người chí cả lâm vào thế khó xử sau khi rút về hải đảo Phú Quốc.
Tấn mượn bút thư đề gởi Trực
Báo ông hay tin tức chẳng lành:
Mẹ, và con Trực mới sanh
Trong tay Tấn đã trở thành con tin…
Kiếm phong lan vung dài, nắng xế
Cảm thương ai gạt lệ anh hùng.
Một mình gặp giặc cho xong.
Để dân Phú Quốc khỏi vòng đau thương…
Tự trói tay dây rau muống biển.
Xuống tàu giặc, chẳng chuyển rung chí bền
Được giặc phủ dụ vinh hoa, chức quyền, nhưng người anh hùng tâm bền, dạ một mực không đổi, ý vững quyết không lay:
Trực rằng, muốn một chức thôi:
Có quyền chặt đỗ hết loài giặc Tây
Bao giờ nước Nam này hết cỏ,
Mới hết người thượng võ đánh Tây!…
Biết không thể dễ dàng thuyết phục
Giặc liền tuyên độc án tử hình
Đưa về Rạch Giá thi hành
Cho dân chứng kiến cố tình thị oai…
Phong thái uy nghi của Nguyễn Trung Trực xem cái chết nhẹ tựa lông hồng trong những giờ khắc cuối cùng thọ tử càng khiến cho người đương thời và hậu thế thành tâm ngưỡng phục:
Lớp chiếu bông trải dài nền chợ
Dân Tà Niên dọn bữa cơm ngon
Tế sống Trực dãi lòng son
Tạ người vì nghĩa nước non quên mình
Ngày lịch sử đẫm máu ấy là 27 tháng 10 năm 1868, nhằm ngày 12 tháng 09 năm Mậu Thìn, người anh hùng trang phục:
Áo vạt hò, ấm tình dân tặng
Ra pháp trường, bước thẳng ngẩng cao
Chào Tổ Quốc, chào đồng bào…
Đầu rơi cổ vẫn không rung
Máu tươi thấm đất Lạc Hồng ngàn năm.
Đối với người dân Việt nói chung, anh hùng Nguyễn Trung Trực ngày nay là một nhân vật lịch sử ngời sáng uy linh trong pho sử đấu tranh cận đại của dân tộc Việt Nam, được nhà thơ Hoài Anh cảm khái và diễn tả qua hai câu thơ cuối trong bản diễn ca anh hùng:
Nguyễn Trung Trực: Tạ ơn Người
Ánh gươm sáng loáng để đời soi chung.
Lý Minh Hào cẩn bút

No comments: