Thơ Tăng Ngọc Minh
Điệu Dạ cổ hoài lang
văng vẳng từ thôn xa
nghe như khóc như than họ Mạc (1).
Thành quách Hà Tiên đâu chẳng thấy
lăng mộ (2) nay ba trăm năm dài luyến lưu
cảnh núi sông liền biển đẹp như tranh tàu.
Núi đá vôi trùng điệp đất Kiên Lương
hàng tấn xi măng ngày đêm xuất xưởng
rừng xưa đem nung ( 3) nay trồng trở lại
nhưng giáo đường cũ (4) không ai dựng xây
Phụ Tử, Rể Lớn (5) … chờ trông mỏi mòn
hồi chuông đi lễ bao gờ ngân vang.
Hòn Đất, Sóc Xoài, Sóc Sơn
thời chiến tranh ngày đêm đổi chủ (4)
nay dù giao thông thủy bộ song hành
dù Tứ Giác ( 6) không chỉ trồng lúa xạ
cuộc sống sao lẳng lặng lục bình trôi
hàng năm, hàng năm chờ con nước nổi.
Rạch Giá vẫn như trái tim
đầu mối sông rạch nối liền xã huyện
nối cả Gò Quao, Giồng Riềng, U Minh…
vốn là dải đất giới hạn chiều ngang
sông một bên, biển một bên, đường ngang tắc nghẽn.
Đắp đất lấn biển, công trình thế kỷ
hiện chỉ là hoang mạc đang chờ hóa thân.
Người Rạch Giá quen sông nước, mộng hải hà
khu đất mới ngắm thuyền câu, mơ bến cảng.
Kiên Thành, Rạch Sỏi, cổng vào thị xã
đêm đêm ngỡ ngàng khách phương xa
đèn huỳnh quang sáng choang theo đội ngũ
cầu bê – tông vây phủ mọi phương
ốc đảo thật hào nhoáng giữa tối tăm.
Người đi hởi! dù xa xăm mau về.
Kiên Tân (8), vùng di cư thời 54
phố xá lấn bờ kinh tràn ra quốc lộ
Nhà nhà buôn bán, người người bán buôn
ruộng đồng Cái Sắn bây giờ ai trông
thương gia quá đông, khách hàng làm sao đủ
hay chỉ cần tiếp cận đường lên phố
chỉ cần thấy tới lui đủ thỏa tấm lòng.
Rạch Giá – Hà Tiên, Kiên Giang đó
tỉnh thành với nhiều địa danh lạ quắc
vùng địa đầu khi mở cỏi
ba thế kỷ chưa thoát khỏi ngổn ngang.
Thời gian đi, gian nan đọng lại
khiến câu vọng cổ còn bi ai điệu buồn
Rạch Giá, Hè 2000
Chú thích:
(1) Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích đã khai phá, mở mang vùng đất thuộc phía nam Sông Hậu và đặt bản doanh ở Hà Tiên với thành Phương Thành ( nay đã mất dấu tích). Về sau, họ hàng phục các chúa Nguyễn và vô hình chung đã hiến tặng vùng đất trù phú này cho tổ quốc
(2) Lăng họ Mạc nằm trên đỉnh đồi hướng xuống Tô châu và trung tâm thị xả.
(3) Đốn cây rừng làm củi nung đá vôi để làm vôi xây dựng.
(4) Linh mục Bá Đa Lộc đã từng xây dựng một dòng tu ở Kiên Lương nhưng nay không còn vết tích.
(5) Tên các đảo nhỏ gần bờ biển Kiên Lương.
(6) Trong thập niên 1960 đây là vùng tranh chấp, con lộ độc nhất nối liền Rạch Giá, Hà Tiên bên kia thì đắp mô, bên nầy phá mô và cứ như thế.
(7) Cánh đồng trũng bao la , phía bắc giáp Long Xuyên, Châu Đốc, phía nam giáp Rạch Giá, Hà Tiên. Hình như đây là vết tích dòng sông cổ đổ ra Vịnh Thái Lan.
(8) Nay gọi là Tân Hiệp
No comments:
Post a Comment