___________________
Trên sông một bóng con thuyền
Cắm sào đợi khách không phiền lòng ai
Hôm nào có một chàng trai
Về đây nối lại những ngày thương đau .
****
Giọng ngâm , của người ca sĩ quen thuộc ngâm bốn câu thơ trên đã khiến lòng của tôi chùng xuống không ngờ . Đó là bốn câu thơ đầu mào của bản nhạc Ông Lái Đò của nhạc sĩ Hiếu Nghĩa , nêu tôi không lầm . Giọng ngâm quá hay của người ca sĩ làm cho nỗi niềm tâm sự của ông lái đò bên bờ sông vắng , càng thêm ai oán não nề .
Nội dung bản nhạc này là hình ảnh của một ông lái đò bên bờ sông vắng rất xa vắng , có thể nói trên một bến sông rất hẻo lánh . Bản nhạc thay vì đưa tôi trở về với nếp sống kiêu hùng của những chàng trai yêu nước , âm thầm rời xa mái ấm gia đình để chiến đấu dành lại độc lập cho quê hương dân tộc lại khiến tôi liên tưởng đến những vị thầy , cô khả kính đã hiến dang tâm huyết , đào tạo những lớp trẻ như tôi trở thành con người hữu dụng sau này .
* o 0 o *
Biến cố 30/4/1975 là một cơn lốc phủ lên đâu dân tộc Việt Nam , như một đàn chim vỡ tổ , những con chim Việt nhốn nháo bay khắp 5 châu để tìm mảnh đất lành , cho dù là xa lạ . Sự thống trị và những đoàn thù sắt máu của chế độ mới đã khiến những đứa con thân yêu của đất nước , bất chấp mọi hiểm nguy chực chờ trên dòng biển cả . Niềm đau của họ là phải lìa xa mái nhà thân yêu nơi chôn nhao cắt rún ; bỏ lại cha già mẹ yếu vợ trẻ con thơ . Đau lòng hơn những thiếu phụ vì tương lai của con cái mà đành bỏ lại người chồng thương yêu , còn kẹt trong tù cải tạo nơi phương trời xa xôi miền Bắc .
Lánh xa được nạn cộng sản , thoát khỏi bọn hải tặc , được đi định cư nơi xứ người là niềm ước vọng của những thuyền nhân . Nhưng ngay khi đặt chân trên đất lạ , họ lại phải đối đầu với những khó khăn khác . Đấy là vấn đề hội nhập với hoàn cảnh mới , hoàn toàn mới đối với những người tỵ nạn . Phải hội nhập thật nhanh phải bươn chải , phải làm lụng vất vả , vì những người tỵ nạn vẫn còn trách nhiệm đối với những người thân không may nơi quê hương khốn khó .
Sau một thời gian không lâu , một số đã ổn định được cuộc sống , nếu không muốn nói là thành công . Nhưng bên cạnh đó lại có một số người khép mình trong nếp sống thật khiêm nhường , trong đó có những vị thầy / cô kính yêu của chúng ta .
Giữa ông lái đò và vị thầy , thoạt nhìn ta chỉ thấy nét tương phản trong hầu hết góc cạnh nhưng xét về chiều sâu thì công việc của những vị thầy cô nào có khác với ông lái đò . Thầy cô của chúng ta , hằng năm tiếp nhận những học trò mới , dạy dỗ những điều hay lẻ phải , truyền lại tư tưởng của thánh hiền cũng như trau dồi cho học sinh bao nhiêu là kiến thức để làn vốn luyến cho tương lai .
Cùng một công việc như trên , ông lái đò :
Mới ngày nào trên bến sông vắng lạnh
Đời buồn tênh như lỡ một cung đàn
Thuyền đò ông mang nặng sầu cô quạnh
Lặng lờ đưa bao khách lạ sang sông .
Sự đỗ đạt hoặc những thành công trên đường đời , phải chăng là kết trái từ các phân bón , nụ hoa đã từng được quí ân sư vun đắp cho chúng ta từ buổi niên thiếu ? Trong số những người này , có được mấy người còn nghĩ đến công ơn của thầy mình ?
Hay là :
Khách qua đò ngày xưa hờ hững quá
Trả công ông để lại một vài xu
Họ với ông hai cảnh đời xa lạ
Sang sông rồi không một tiếng phân ưu .
Hơn hai lăm năm mất nước , một phần tư thế kỷ đã trôi qua , ngay cả lớp trẻ như chúng ta , nay còn lại gì ngoài tấm thân đi vào tuổi xế chiều . Thế hệ kế tiếp đang đâm chồi nảy mọng , như báo hiệu tuổi đời thi nhau chồng chất lên vai chúng ta . Nhìn lại , một số bạn bè đã gối đã mỏi lưng đã còng , sau bao nhiêu năm vật lộn với cuộc sống . Có khi nào chúng ta suy gẫm lại :
Công Cha Nghĩa Mẹ Ơn Thầy .
Hình như trong chúng ta ai cũng đã ít nhiều báo hiếu mẹ cha ,nhưng nào mấy ai nhớ đến ơn thầy . Ngày xưa , khi còn ở quê nhà Thời VNCH thỉnh thoảng chung ta còn thấy cảnh trò viếng thăm thầy với chút ít quà mọn tỏ lòng tri ân giáo dục . Ngày nay nơi đất tạm dung này , có được mấy người trong chúng ta nhớ đến những ông lái đò đã đưa chúng ta từ bờ ngu dốt đến bên kia bến bờ vớii một túi đầy ắp kiến thức , góp phần xây đắp nên cuộc sống khá tươm tất này . Khách qua đò ngày xưa ít ra còn “ Trả công ông để lại một vài xu “ ; Những kẻ thành đạt hôm nay , thử nhìn lại xem , quí ân sư của chúng ta được đền đáp những gì ? có một vài vị thầy , khi nhìn thấy học trò cũ từ xa , đã âm thầm tránh chạm mặt chỉ vì trước đó những người học trò này đã không còn nhận ra . ?. mình !!!
Nhìn chung , thường thường lớp trẻ dễ thành hội nhập và thành công trên xứ người hơn lớp già , đặc biệt làcác vị thầy của chúng ta . Có phải chăng vì chúng ta giỏi hơn lớp trước ? Không hẳn thế . Đúng chăng là vì chúng ta còn trẻ nên dễ chấp nhận mọi đổi thay của cuộc đời , trong khi ấy , những thầy cô khi sang được nơi đây, vì tuổi đời đã lớn nên khó hội nhập với cuộc sống mới . Bên cạnh đó, các vị còn đối diện bao nhiêu là trách nhiệm trên vai , nào là thân nhân còn kẹt lại nơi que nhà , nào là phải lo cho con cái , và phải bươn chải lo miếng cơm manh áo cho gia đình . Thế nên , có một số thầy cô đã phải chấp nhận một nếp sống rất khiêm tốn , đạm bạc ; hai vợ chồng già hủ hỉ trong căn Apartment cũ kỹ để rồi một hôm nào đó .. bất chợt :
Một dĩ vãngtừ ngàn xưa chiếu dội
Mỗi chiều về sống lại giữa hồn ông
Ông chỉ muốn cuộc đời xưa đen tối
Xóa nhòa đi trong cùng tận đáy lòng .
Những ông lái đò đã từng đưa chúng ta qua dòng sông kiến thức này không bao giờ trông đợi một sự bồi đáp . Nhưng sách vở xưa nhắc nhở chúng ta là : uống nước nhớ người đao giếng , ăn trái nhớ kẻ trồng cây . Ân sư chúng ta chắc chắn không chờ đợi một vài xu trả công . Tuy thế , để chứng tỏ là chúng ta không phụ ơn thầy / cô mỗi khi có dịp hợp mặt , chúng ta nên tạo điều kiện thuận tiện để quí vị có thể chung nhau chứng kiến , những môn sinh của mình đang sống đề huề trong tình tương thân hòa thuận .
Bấy chừ , cho dù :
Ông lái đò giờ đây già yếu lắm
Cũng thấy lòng sống lại tuổi đôi mươi
Hồn rung động trước cảnh đời tươi thắm
Nỗi mừng vui không thốt được nên lời .
* * *
Thiết nghĩ đó là một cách trả ơn qúy thầy cô chúng ta vậy .
NQV
No comments:
Post a Comment