__________________
NGUYỄN XUÂN HOÀNG
Không nhiều thì ít ai cũng thỉnh thoảng mất chìa khóa,
có khi mất luôn, có khi tìm thấy lại. Còn việc sập cửa rồi mới nhớ ra mình vẫn
để chìa khóa bên trong là chuyện thường lắm.
Tôi mang chiếc chìa khóa của cửa sau nhà đi làm thêm một
chiếc nữa để khi nào chiếc chính để sai nơi, tìm không ra thì có một chiếc dự
phòng.
Cái kiosk nhỏ dựng trước khu chợ Fred
Meyer ở khu phố tôi ở rất tiện cho khách đi chợ rồi ghé vào làm khóa.
Trong cái kiosk nho nhỏ này, có cả ngàn cái khóa lớn, bé treo
chung quanh bốn bức tường.Từ khóa xe cho đến khóa két sắt, khóa cửa, khóa cổng.Chỉ
cần đưa chiếc chìa khóa cũ của mình ra, người thợ khóa biết ngay phải lấy chiếc
nào trên móc xuống, chập hai cái chìa vào nhau cho vào trong máy, rập mạnh xuống
một cái, lấy ra, nhìn sơ qua, giũa nhẹ vài cái, thế là xong cái phó bản.
Khi nhận cái chìa khóa mới tôi hỏi đùa người thợ khóa ở
tuổi trung niên:
- Ông có làm cái chìa nào để mở cánh cửa của trái tim
được không?
Người thợ khóa cười nhếch mép, nói:
- Nếu tôi làm được, tôi thành triệu phú từ lâu rồi.
Cả hai chúng tôi cùng cười thành tiếng.
Tôi ra về, ngồi trên xe đầu óc cứ nghĩ về những chiếc
chìa khóa mở được trái tim ai. Có chứ, phải có cái chìa khóa mở được trái tim
chứ? Cứ ấm ức mãi không nghĩ ra. Gần về đến nhà mới: À, nhớ ra rồi!
Chiếc chìa khóa đó để dưới viên gạch trong bức tường
phía mặt tiền của một căn nhà trống. Căn nhà run rẩy dưới mùa đông, trắng xóa
tuyết phủ. Người đàn ông run rẩy trở về kéo viên gạch ra, cho mấy ngón tay lóng
cóng của mình vào, lấy ra được chiếc chìa khóa. Ông mở cửa, bước vào trong. Căn
nhà vắng lạnh, vợ ông đã đi lánh nạn, người tình cũng đi xa. Ông nằm lăn lên
giường. Trái tim ông mở, trái tim ai ở nơi xa xôi nào đó cũng mở. Tôi bật kêu
thành tiếng: “Yuri, Lara, Tonya!” Ôi, mối tình thơ mộng tay ba trong chiến
tranh của một người đàn ông thi sĩ có vợ, với cô y tá. Cái chìa khóa dưới viên
gạch cho người tìm về!” (Doctor Zhivago – Boris Pasternak)
Có thế chứ, chiếc chìa khóa ngoài việc mở những cánh cửa
vô tri bằng gỗ, bằng thép, nó còn mở được trái tim của con người.
Cái miếng kim loại nho nhỏ đó cần thiết vô cùng. Về
hình thức nó dùng để mở cửa, mở cổng, về nội dung người ta nhân cách hóa nó có
thể mở tất cả những cánh cửa vô hình, từ: Thiên đàng, tình yêu, hạnh phúc, danh
vọng cho đến nỗi đau.
Sao mà cái vật bé nhỏ đó quan trọng thế!
Bên Âu Châu thời xa xưa khi anh hùng ra trận, đã khóa
những phần nhạy cảm trên thân thể của người yêu, của vợ mình, rồi mang theo
chìa khóa. Để bảo đảm sự yên tâm cho mình nơi trận mạc là chuyện thời đó coi
như dĩ nhiên.
Ngày nay người ta không dùng xích, dùng khóa bằng kim
loại để giữ tình yêu nữa. Cái chìa khóa đó được tượng trưng bằng một văn bản về
tiền bạc. “Nếu cô ly dị tôi sau 5 năm kết hôn thì cô chỉ được 10 triệu,
sau 10 năm kết hôn thì cô sẽ được 20 triệu.” Đó là đại khái những lời
giao ước của các minh tinh màn bạc, các nhà tỷ phú. Lời nói đó là những chìa
khóa, khóa chặt con chim yến trong lồng son.
Các cô gái ngày nay có thơ mộng đấy nhưng coi chừng cái
thơ mộng đó. Khi yêu các cô cũng nói với người tình những lời phủ dụ “em
trao cho anh chìa khóa của trái tim em” nhưng anh lúng túng, không biết
mở, làm hóc ổ khóa thì em lại phải đi nhờ người khác mở. Cũng cái chìa đó thôi,
nhưng người khác đó mang theo cái nhẫn kim cương thì trái tim em chắc chắn sẽ mở
cái tách. Thơ mộng nhưng vẫn phải thực tế và nói theo ngôn ngữ bây giờ: Hiệu
nghiệm lắm!
Trong đời sống thì chìa khóa vô hình luôn luôn được nhắc
đến trên miệng của cha mẹ, thầy giáo, bạn hữu, doanh nhân như: học vấn là chìa
khóa của thành công; tiền là chìa khóa để thăng quan, tiến chức (ở trong nước
bây giờ áp dụng câu này thì không sai vào đâu được). Có chí và kiên trì là chìa
khóa mở được bất cứ cánh cửa nào khó mở đến đâu.
Chìa khóa còn đi vào trong tôn giáo nữa. Người Thiên
Chúa Giáo nào mà không ít nhất một lần trong đời mình nói đến chiếc chìa khóa của
thánh Phêrô (St. Peter). Ai cũng chỉ mong sau khi chết, được ngài ra đón hồn
mình vào với chiếc chìa khóa mở cửa thiên đàng. Chiếc chìa khóa này được minh họa
trong tay thánh Phêrô rất to, to hơn nhiều so những chiếc chìa khóa cửa, khóa cổng
trần gian và được mạ vàng sáng lấp lánh.
Có chiếc chìa khóa cho đi, nói lên được lòng tin yêu gửi
gấm. Như chiếc chìa khóa cha mẹ vợ tặng cho chú rể trong ngày rước dâu: “Đây
là chiếc chìa khóa nhà mình, cha mẹ tặng cho con, nhà này cũng sẽ là nhà của
con, con có thể đến và ở lại bất cứ lúc nào. Ngay cả lúc cha mẹ đi vắng.”
Con gái yêu của mình còn cho được thì tiếc gì cái nhà,
cái cửa.
Chiếc chìa khóa cũng nói lên lòng tin cậy giữa hàng xóm
với nhau, gửi nhau chiếc chìa khoa khi đi vắng nhà vài tuần. Bạn bè đưa cho
nhau chìa khóa để khi ở xa đến chơi, đi về cho tiện. Nói lên tình thương yêu của
người mẹ, lúc nào cũng có chìa khóa nhà con trong túi để mang thức ăn sang cho
con khi con đi làm chưa về. Người cha có chìa khóa nhà con, khi gia đình con
đi vacation, sang cắt cỏ, sang lấy thư, nhặt báo cho con.
Chiếc chìa khóa đôi khi mang theo cả một nỗi ngậm ngùi
của quê nhà xa lắc. Một người bạn gái của tôi kể lại: “Tôi bảo lãnh cha tôi
sang Mỹ được tám tháng thì cụ mất. Lúc soạn lại đồ riêng tư của cụ thì trong
túi quần áo thấy có một chiếc chìa khóa. Tôi nghĩ đó là chiếc chìa khóa căn nhà
cũ của tôi, nơi cụ ở lại cho đến ngày đi.” Nghe câu chuyện mà nhỏ lệ.
Chìa khóa cũng đi cả vào trong thi ca nữa.
Một thi sĩ người Chili cũng có những giòng thơ rất lãng
mạn về chìa khóa
Họ nhìn rõ
trong túi quần nặng trĩu của anh
những chiếc chìa khóa trong căn nhà em trọ
những chiếc chìa khóa
để mở trang giấy viết, mở ánh trăng trong đám hoa nhài
mở bài ca hát bên ngọn thác
và em, em chẳng cần thốt lên tiếng nói (1)
Có những dòng thơ khác không nói đến chìa khóa, chỉ nói
đến những cánh cửa tình yêu cần được mở giữa hai người. Chắc là một người đã đi
xa lắm, mãi chẳng thấy về.
Tình hai ta như nhà cửa khép
Như tranh tĩnh vật treo trên tường
Ngàn năm tranh không lên tiếng nói
Mở hộ em từng cánh cửa buồn
Hãy mở cho em những cánh cửa
Từng gian im lặng của hai ta
Căn nhà nhỏ sao mênh mông quá
Bóng tối mang trái tim đi xa (2)
Nguyễn Công Trứ ngày xưa không làm thơ cho chìa khóa,
thi sĩ làm thơ cho cánh cửa nhà mình. Thơ không mơ mộng gì, vì lúc đó cụ đang
nghèo. Cụ không bao giờ đóng cửa nhà khi tối trời, cụ đi ngủ mà cửa mở toang.
Chắc chắn cụ không có chìa khóa trong túi bao giờ.
Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bình bịch / Người
quân tử ăn chẳng cầu no / Đêm năm canh an giấc ngáy kho kho / Đời thái bình cửa
thường bỏ ngỏ. (Hàn Nho Phong Vị Phú)
Tôi nghĩ chẳng phải thời thái bình không có ăn trộm
đâu, chẳng qua do nhà quá nghèo, trộm có viếng cũng chẳng có gì mà lấy.
Đầu kèo mọt đục vẽ sao
Trước cửa nhện giăng màn gió (HNPVP)
Nhà như thế, khóa làm gì, để mất chìa, rồi lại cả ngày
phải đi tìm?
Thi sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm không nhắc đến chìa khóa,
nhưng nói cho mọi người biết cụ đã dọn vào một nơi rất vắng vẻ, một cánh rừng
toàn tre với trúc chẳng hạn: Miệng ăn măng trúc măng mai. Cửa và khóa
hoàn toàn không cần thiết.
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao. (Cảnh Nhàn)
Cả hai thi sĩ trên, chùm chìa khóa của họ chính là những
bài thơ mở từng cánh cửa đời sống hàng ngày của mình.
Trong những truyện thần tiên cho trẻ em, chìa khóa còn
mở được cả những kho tàng, những chiếc rương toàn châu báu, vàng bạc. Những chiếc
chìa khóa này đôi khi chỉ là một câu thần chú. Tha hồ các em mơ mộng.
Có bao giờ bạn ngồi nhớ, đếm lại những chiếc chìa khóa
trong đời mình chưa? Chắc là nhiều lắm! Và chiếc chìa khóa của ngôi nhà hiện tại
bạn sẽ giao lại cho ai? Vì khi chúng ta dọn vào trong ngôi nhà cuối cùng của
mình, chúng ta không cần chiếc chìa khóa nào cả, hai cánh cửa vẫn mở thật rộng
đón chúng ta vào.
Và khi cánh cửa đó khép lại sau lưng, chẳng còn chiếc
chìa khóa nào cần thiết nữa.
(1) Thơ Pablo Neruda: They see/through my heavy
trousers /the keys to your door/ the keys to writing paper, to moonlight/ among
jasmines, /to the song that sings in the waterfall./ And you without opening
your mouth speaking. (Ode To A Secret Love –tmt dịch)
(2) Thơ- Mở-tmt
No comments:
Post a Comment