Monday, March 26, 2018

CÁI ĐĨA NHẠC

Tôi mong quý vị đón nhận truyện này.
Chỉ là một người tập tành viết lách để bộc bạch, tự tình,
 tôi luôn mong nhận được đóng góp từ người đọc.
Chúc nhiều điều tốt đẹp.

Thanh Lương

********************





 Tôi được nhận một đĩa nhạc vừa được thu thanh của nhạc sĩ Ngọc Lễ để chia buồn cái tang mẹ của tôi.
    Anh ta còn mẹ nhưng tôi đã mất mẹ vào tháng 6 năm 2001. Sau khi an táng bà, ngày đầu tiên đã thật dài, thật kỳ lạ, thật trống vắng đối với tôi. Thức dậy thật sớm và sau một lúc lâu thẫn thờ bất động, thật tự nhiên, tôi đã mail cho Ngọc Lễ người nhạc sĩ thân thiết với tôi sau bài “Xe đạp ơi” tôi đã dịch.
“Ngọc Lễ thân !
Trên thế gian này không ai có thể thay thế mẹ ta được. Buồn thay mẹ tôi vừa vĩnh viển ra đi.
Chúng ta cùng hiểu rằng không có điều gì mà ta không thể không làm được để mẹ ta hạnh phúc.
Tôi nhớ mẹ tôi vô cùng.”
Chiều hôm đó tôi nhận được mail của người tôi đang mong đợi chia xẻ nỗi buồn của tôi.
Trong bức mail ngắn gọn đó, Ngọc Lễ đã viết bằng tiếng Anh,
Dear Brother Thanh (Anh Thành thân!)
We all love Moms, don’t we?
Chúng ta đều yêu thương mẹ, đúng không anh?
We have recorded a song “Nho den me.”
Chúng tôi vừa thu thanh xong bài “Nhớ mẹ”.
We offer you this song as a small gift.
Tặng anh như là một món quà mọn.
We hope it helps you release your grief.
Mong ca khúc này giúp được anh vơi đi nỗi buồn.
 Ngọc Lễ- Phương Thảo
   Tôi đã nóng lòng chờ đợi và hồi hộp khi nhận cái phong bì một tuần sau đó và 2 giọt nước mắt của tôi đã chảy thành hàng xuống đến cằm khi tôi nhìn thấy cái CD với những chữ trên đó,
“Nhớ đến mẹ” mến tặng anh Thành.”
Như họ đã đoán, tôi đã khóc rất nhiều khi nghe đĩa nhạc đó. Làm sao tôi không nhớ đến mẹ tôi, người đã cưu mang tôi 9 tháng trong bụng và đã quyết định để tôi sống khi bà muốn cùng tôi tự vẫn lúc tôi chưa tròn một tuổi. Làm sao tôi không nhớ đến mẹ người đã bỏ hằng bao nhiêu ngày đêm mong tôi thành đạt, mong có cháu ẳm bồng, mong tôi ngày một khấm khá. Thật tiếc thay tôi không thể tự tay chăm sóc cho người nhiều hơn vì bà chỉ nằm trên giường bệnh đúng 3 đêm hai 2 ngày sau một cơn ngưng tim, cái hậu quả của 20 năm bị tiểu đường.
  Thật giá trị thay 48 giờ với tôi được ngồi bên giường bệnh của người trong phòng cấp cứu, yên lặng, hiền lành, ngoan ngoãn. Thật đáng để mọi người con xem cái cảnh tôi chăm sóc mẹ tôi. Thật xứng đáng với tôi vì tôi đã tự nhận ở lại VN 19 năm trước và trong lúc lâm chung chỉ có tôi ngồi kế bên kêu gào tiếc nuối,
“Mẹ ơi! mẹ không chờ để nhìn thấy mặt em và chị con sao mẹ ơi?”
Làm sao tôi có thể nguôi được những mất mát mà không có thứ gì điều gì có thể khỏa lấp được. Lúc một giờ sáng tôi đi đi lại lại trong phòng khách, nhìn dư ảnh lần này và lần khác. Không có một phép mầu nào, lời kinh nào, không có một thứ hương khói nào, một lời phán truyền của bất cứ ai có thể giúp mẹ tôi nguôi nỗi thương nhớ chúng tôi. Không có một đấng tối cao nào có thể giúp mẹ tôi quay về. Tôi thẩn thờ, chậm rãi đốt thêm một nén nhang cho mẹ tôi rồi khóc vì tôi “nhớ đến mẹ”.
    Những gì tôi nghe khiến tôi khóc nhiều hơn,
“Mẹ  hôm cũng ngồi nào nhớ thương con….
Ha há ha hà, con cũng rất nhớ mẹ, nhớ mẹ.”  
Tôi đã lại bỏ nhà lên cao nguyên lập nghiệp sau ngày 30 tháng 4 khoảng 2 tuần. Tôi lại rời mẹ tôi để đi học lại từ tháng 9 năm 1975 cho đến khi tôi lặn lội đến cái chòi lá trong một đêm mưa tháng 7 năm 1979. Nhưng đến năm sau đó tôi bỏ mọi thứ đã có ở Sài Gòn. Tôi mới đưa mẹ về chung sống trong một căn nhà lá tồi tàn mà tôi đã xin ở đậu. Chị và em tôi đã trốn đi để lại tôi trong lòng mẹ tôi hai lỗ hổng lớn. Họ cho tôi một cơ hội, họ vô tình giao cho tôi trách nhiệm “được chăm sóc mẹ”.
    Tôi đã làm mọi thứ, giúp những người hàng xóm hết lòng, tự tập tành hết cách, tránh hết những điều tai tiếng để đem về cho mẹ tôi niềm vui, niềm tự hào, tiếng khen tặng, sự kính nể và hơn hết là hạnh phúc cái mà bà lâu nay đã không có. Tôi mua bao xi măng để xếp thành bao đựng đường đậu. Tôi tự đi nhận bảng về để vẽ. Tôi tự tập làm thợ chụp ảnh dạo trong lúc tự học Anh Văn. Tôi được thầy tôi đến tận nhà mời tôi đi dạy.
    Tôi nhớ mẹ. Tôi nhớ đến những gì tôi đã làm được những gì chưa. Tôi hồi tưởng biết bao nhiêu buổi sáng sớm đã mài giũa đèn sách bút nghiên trên Bảo Lộc để có ngày mà tôi làm tròn được chữ hiếu. Tôi tưởng tượng được những buổi sáng cùng lúc đó mẹ tôi ở Cần Thơ đang đun nước pha cho các vị khách ghiền những ly cà phê đen nóng hoặc những buổi như vậy, ở Rạch Giá, mẹ tôi phải chèo xuồng vào kinh đi thăm đồng. Tôi nhớ lâu trước đó những ngày tháng mẹ tôi vác một bao quần áo to nặng trĩu về nhà để giặt ủi. Tôi nhớ đã lâu hơn thế là những lúc mẹ tôi theo ba tôi đi buôn bán nhiều nơi trong thiếu thốn vất vả trong sự chịu đựng ông chồng nhiều bê tha, ít trách nhiệm. Tôi nhớ cái bướu cổ mà mẹ tôi mang nặng nhiều năm cho đến ngày nó biến mất sau đám ma ông nội tôi. Tôi nhớ những bữa cơm do mẹ tôi nấu, những con cá chiên thật giòn cho riêng tôi, những khứa cá lóc to thắm màu với những hạt tiêu đen bốc mùi thơm.
     Tôi có thể kể ra lần tôi đã khiến mẹ tôi trồ lên mừng rỡ ngạc nhiên, khi tôi cho bà xem bao nhiêu tiền tôi kiếm được sau khi tôi đi chụp hình 3 ngày tết, giao xong một cái bảng quảng cáo to tướng hay số tiền nhỏ tôi kiếm được sau khi bán được những bao giấy đựng đường đậu do chính tay tôi cắt dán từ những bao giấy đựng xi măng. Tôi nhớ rõ mẹ tôi đã hãnh diện như thế nào lúc mà tôi trả xong số tiền trả góp để lấy chiếc xe Honda Dream mới. Tôi nhớ những lần mẹ tôi cười vui khi có những bà bạn ra sau vườn xem 5 hàng xoài tôi đã trồng, chăm sóc như một nhà vườn thứ thiệt, những trái xoài cát Hòa Lộc thơm ngon bà đã cắt ra mời khách ăn ngay trong miếng vườn to rộng sạch đẹp. 
     Tôi nhớ ánh mắt, vẻ mặt hớn hở của mẹ tôi hai lần đón cháu nội chào đời. Tôi hình dung ra được cảnh mẹ tôi bồng cháu trên tay đi sang nhà cạnh bên hay dắt cháu đi lẩm đẩm bên cạnh bà. Tôi nhớ những lần hiếm hoi mẹ tôi giận hai vợ chồng tôi, nào là không chịu sanh con, nào là không chịu làm điều này, không mua sắm thứ bà đã chọn. Tôi nhớ những mẫu chuyện bà kể về thời kỳ theo ba tôi đi nhiều nơi. Tôi nhớ những kỷ niệm bà đã kể khi chúng tôi ở Pleiku, Quy Nhơn. Tôi nhớ những cái tên bà thường nhắc. Tôi thuộc lòng các câu mẹ tôi đã kể về ông nội hay bà ngoại. Tôi nhớ những gì mẹ kể về những lần chị hai tôi từ Sài Gòn xuống tận nơi mẹ tôi ở để làm tình làm tội và những lần bà muốn tự vẫn vì thằng em hút sách của tôi.
  



Tôi nhớ mẹ tôi nhiều đến nỗi tôi bật khóc bất cứ lúc nào tôi kể về người. Ngọc Lễ có lẽ nên tìm hiểu điều đó và viết thêm một ca khúc mới, “Mẹ tôi” 

                                                                  Rạch Giá, May 7, 2013
                                                                      Thành Xì- TL-71

No comments: