Tuesday, June 4, 2019

Những thư tình năm cũ


___________

NGUYỄN KIM HOA

           

1.

            Lần thứ hai hẹn đến nhà, tôi quyết định đưa cho anh hộp sơn mài đã dấu kín tận dưới đáy rương. Chiếc hộp sơn mài nằm trong phần thưởng toàn trường mà tôi nhận vào năm học lớp 9. Bên trong là tất cả những lá thư “tỏ tình”, tôi đã góp nhặt, giữ kỷ từ cuối lớp 8 đến bây giờ. Gom hết cũng đầy hộp, phần lớn là trao tay được xếp đôi xếp tư trên giấy pơ-luya trắng, xanh một thời. Và cũng không ít trên giấy tập trắng học trò có kẻ hàng hoặc cả loại giấy nâu nhạt của cửa hàng nhà nước sau này. Có những bức thư với mối tình khó quên, nhưng cũng có lá thư tôi chưa lần đọc hết, mờ nhạt tay người và không nỡ “bỏ” đi…

            Anh cầm, nhìn thoáng qua và đưa lại cho tôi: “Đây là những gì quí giá nhất của một đời con gái. Em phải trân trọng giữ gìn và kể lại anh nghe những kỷ niệm sau này…”. Tự dưng tôi có chút giận anh. Tưởng chừng anh sẽ tỏ chút gặm hỏi hay hờn ghen có lẽ tôi dễ chịu hơn. Thôi hề gì, tôi còn nhiều thời gian để trả món nợ “thờ ơ” với người ta trong những ngày tới. Và các bạn biết không, những ngày đòi món nợ đó chẳng bao giờ có.

            Năm học lớp 3 thì ba tôi được lệnh thuyên chuyển từ Ô-Môn (Phong Dinh) về thị xã Vị Thanh, tỉnh Chương Thiện. Vậy là cả nhà khăn gói, chở nồi niêu, bàn ghế tủ giường lên mấy chiếc xe cam-nhông nhà binh về đơn vị mới. Gần như cứ 3, 4 năm là gia đình phải theo ba tôi “dọn nhà” đến một tỉnh khác. Nên không có gì lạ trong giấy khai sinh của mấy anh em tôi, mỗi đứa một nơi mỗi người một tỉnh. Và cũng như những nơi ở trước, gia đình được cấp một căn nhà trong trại gia binh. Chiếc cổng trại và những dãy nhà san sát giống nhau của trại gia binh là hình ảnh cả một thời tuổi thơ của tôi… Từ lúc mới lớn, tôi rất ghét, ghét vô cùng ai gọi mình là “cô bé”. Nghe nó chói tai và “tiểu thuyết” thế nào ấy. Nhưng không hiểu sao mỗi lần anh Nguyên, N.T. Nguyên bạn anh Hai, gọi thì tôi không thấy khó chịu chút nào. Có lẽ anh Nguyên là tình cảm thơ dại của tôi. Năm đó là cuối lớp 8, tôi bắt đầu “trổ mã”, “liêu nghiêu” như cây sậy. Anh Nguyên đã là trung úy hải quân, thuộc giang đoàn quân khu 4 với anh Hai tôi. Cứ mỗi lần về phép, hoặc có dịp ghé tiểu khu Vị Thanh là anh đến nhà tôi chơi. Dù viện đủ mọi cớ, nhưng ai cũng biết anh đến nhà là vì tôi. Má tôi thường cằn nhằn về những món quà anh mua tặng từ Cần Thơ đem về, “Tiền lính tụi nó hổng đủ xài cho đến cuối tháng. “Bây” cứ để nó mua quà cáp mỗi lần ghé, thì còn tiền đâu mà sống?”. Mười lăm tuổi, ngực chưa kịp vung nhưng tim tôi đã đủ nhịp đập của cảm xúc. Bên cạnh những chiếc nón, kẹp tóc đồi-mồi, báo Tuổi Ngọc, áo kiểu chợ may sẵn, là những lá thư của anh luôn bắt đầu bằng câu: “Cô bé của anh”.

   Giang thuyền hải quân VNCH – (hình minh họa)
           
                

Tôi rất thích đọc thư anh, nét chữ rắn rỏi trên tờ pơ-luya màu xanh da trời, nhưng rất ít lần trả lời. Những đêm tuần tra trên sông, những lần đụng trận giải cứu đồng bào ra khỏi vùng chiến tranh, anh đều kể lại và nói lúc nào cũng nhớ đến tôi! Anh thì có nhiều chuyện kể, còn tôi chẳng lẽ viết chuyện ăn hàng, đánh vũ cầu hay chuyện tập múa trong ban vũ trường?  Nhiều lần anh hỏi, “cô bé có nhớ anh không?”. Thiệt lòng mà nói, tôi chỉ nhớ anh vài ngày đầu khi xa, rồi thì quên ngay bởi phải đi học, chơi với đám bạn bè trong lớp, hàng xóm… và cả mấy con trai lẽo đẽo theo sau trên đường tan học.
            Thị xã nhỏ nhưng có nhiều chuyến đò, những hồi còi tang tóc rền vang. Những đêm rực sáng hỏa châu và tiếng súng vọng khắp nơi, là ngày mai biết bao tiếng khóc nát lòng của những người vợ trẻ, dở từng chiếc poncho nhận mặt chồng.  Chiến tranh lan rộng trên mọi lứa tuổi quê tôi, anh được lệnh chuyển về chi khu Năm Căn, tận dưới Cà Mau. Cận ngày đi anh Nguyên ghé xin gia đình cho tôi đi chơi riêng với anh. Mượn xe Honda của anh Hai, anh chở tôi loanh quanh chợ thị xã, rồi ghé một quán nước bên hồ sen.  Nhớ lúc đó tôi còn chưa biết trang điểm, để mặt trần kẹp tóc lơ mơ chẳng hề để ý. Lần này anh ngỏ lời muốn nắm tay tôi. Mắc cở vì sợ người quen nhìn thấy, tôi đưa tay mình dưới gầm bàn cho anh nắm. Đây là lần tiên tôi thấy mình rung động, khác với những lần nắm tay chơi cúp bắt với đứa con trai cùng xóm. “Nga ở nhà học giỏi, đợi anh trở về nghen”, anh nói giọng dặn dò, chậm rãi (Nga là tên gọi ở nhà của tôi). Rồi từ đó, chỉ nắm tay tôi và không nói gì thêm. Tôi cũng không biết trả lời gì cho anh, rằng tôi sẽ đợi và đợi để làm gì?
            Thời gian không chờ ai bao giờ. Tôi lên lớp 9 và lãnh phần thưởng toàn trường năm đó. Phần thưởng cao và nặng đến nổi tôi không thể một mình ôm hết và trong đó có hộp trang điểm đồi-mồi. Còn nhớ rõ, phần thưởng toàn trường do ông tỉnh trưởng Chương Thiện là đại tá Hồ Ngọc Cẩn gửi tặng. Tôi đã làm được lời anh Nguyên dặn dò… Vài lá thư tay cho tôi, anh nói nhớ và thêm chữ “thương” tôi rất nhiều vào những đêm trực canh không ngủ được… Khi thật sự xa nhau, tôi mới nhận ra tình cảm mình dành cho anh Nguyên cũng giống dành cho anh Hai, anh Ba tôi vậy. Một thứ tình trong sáng, an lành của tuổi mới lớn. Và có lẽ sau này, anh Nguyên cũng nhận ra tình cảm dành cho tôi, chỉ là hình ảnh của cô em gái nhỏ mà thôi! Tôi lờ mờ dần khuôn mặt anh Nguyên, với bao nhiêu biến động chung quanh đời con gái.
Đầu lớp 10, tôi đã bắt đầu biết ngắm mình trong gương. Biết lo lắng những hạt mụn nổi trên gò má, dưới càm… Lần đó má tôi bệnh phải đưa đi bệnh viện của trung đoàn. Cầm toa thuốc bác sĩ, tôi lên lấy thuốc ở khu quân y viện thì gặp anh Lập, Đ.K. Lập. Là dược sĩ làm ở bệnh viện quân khu, tóc húi cao với cặp mắt kiếng cận dày cộm, anh nhìn tôi thật đầm ấm trong ánh mắt đầu tiên. Giác quan con gái cho tôi biết có cái gì đó khác thường, tạo nhiều lúng túng cho cả anh và tôi. Khi trao thuốc anh dặn dò rất nhiều và còn cẩn thận ghi xuống giấy tay cho tôi cầm về. Thị xã nhỏ, nên vài ngày sau tôi đã thấy anh Lập đứng trước cổng trường vẫy tay chào tôi khi tan học. Mắc cở tôi chỉ cười đáp rồi theo đám bạn bè đi thẳng về nhà. Nhưng khi đến khúc quẹo vào khu gia binh thì có một đứa con trai nhỏ chạy lại đưa lá thư nói nhanh: “Có người nhờ em gửi cho chị”! Về tới nhà, không kịp rửa mặt thay đồ tôi chạy vào giường, kéo tấm màn vải và mở thư ra đọc. Không ngạc nhiên gì với những dòng chữ của anh Lập. Trong thư anh xin lỗi vì mạo muội và chỉ muốn làm quen với tôi. Trên tờ giấy trắng không kẻ hàng, chữ anh đẹp, mềm mại như vẽ. Lúc đó ngoài căn nhà trong trại gia binh, má tôi mướn thêm một căn nhà nhỏ sát bờ kinh xáng Xà-No để anh em tôi ở tiện đường đi học và tránh việt cộng pháo kích. Riêng phần tôi thì chỉ thỉnh thoảng ban đêm mới ra căn nhà mướn ngủ, phần lớn là ở trong trại gia binh với má. Nên bạn bè và mấy đứa con trai theo đuổi tôi cũng gặp nhiều “khó khăn” khi phải vượt qua cổng trại.   
            Vài ngày trong tuần nhóm con gái trong ban văn nghệ chúng tôi thường đi học rất sớm đánh vũ cầu và ở lại trường hết chiều để tập múa. Hẹn hò gặp gỡ và thư từ qua lại là những dịp này. Thật như tôi đoán, anh Lập vẽ đẹp và thổi sáo trúc rất hay. Anh da ngâm đen, dáng dấp vạm vỡ nên đám con gái bạn tôi gọi anh là “Trương Chi”. Cũng không hiểu sao chỉ trong vòng một tuần là anh Lập quen được cả ba và anh Hai tôi. Ba tôi làm phòng truyền tin của trung đoàn, anh Hai thì bên ban kỹ thuật của giang đoàn hải quân tiểu khu. Anh đem thuốc cho má tôi đến tận nhà rồi ngồi nán lại chơi, nhậu với anh Hai. “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách – Sắc bất ba đào dị nịch nhân” (Mưa không khóa cửa vẫn giữ người khách – Sắc đẹp không phải bão giông vẫn chìm đắm người), anh Hai tôi ngâm và anh thổi sáo, bên ngoài trời đổ cơn mưa. Và mỗi lần như vậy, anh Lập đều nhét vào tay hay tập vở của tôi một lá thư dài. Thư anh viết thật thiết tha, tình tứ: mới gặp tôi buổi chiều mà đêm anh đã nhớ đến không ngủ được và chỉ mong trời sáng để anh đến cổng trường chờ gặp tôi trước giớ vào lớp… nhiều và nhiều… Mấy đứa bạn chọc ghẹo, gọi anh là “bồ” của tôi và ngược lại, tôi là “bồ” của anh. Tôi không đính chính, cũng không giận...

       Hồ sen thị xã Vị Thanh, Chương Thiện
                       
                               
Anh Lập đang ở chung với người chị tên Đ.K. Mỵ, có tiệm may quần áo bên hông chợ. Vậy là từ đó tiêm may chị Mỵ là “trạm bưu điện” của anh và tôi. Chữ viết trong thư bày tỏ nhiều hơn lời nói. Mặc dù có nhiều tình cảm với anh Lập, nhưng không hiểu sao tôi thích đọc thư anh hơn là gặp mặt, nói chuyện với nhau. Có lần ghé tiệm may chị Mỵ thì gặp anh, tôi chợt có chút lúng túng, mắc cở. Sau vài câu chào hỏi vu vơ, tôi thấy chiếc sáo trúc để một góc bàn, “Anh Lập thổi cho em nghe một bài đi”. Anh cầm ngay sáo trúc, nhìn tôi đăm đắm qua cặp kiếng cận dày cộm: “Anh thổi tặng em một bài, thì Nga phải đi ăn kem với anh hôm nay”. Tôi gật đầu không chút đắn đo. Tiếng sáo anh Lập trầm ấm, hun hút tim người:

“Đêm nay thu sang cùng heo may
“Đêm nay sương lam mờ chân mây
“Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng
“Như nhớ thương ai chùng tơ lòng…    (Con Thuyền Không Bến – Đặng Thế Phong)

Tôi giữ lời hứa đi ăn kem với anh ở hồ sen thị xã. Khác với bên anh Nguyên, như một người anh trai, với anh Lập tôi ý thức là người “dưng” khác phái. Cũng một quán cà-phê có bán kem nằm dọc theo bờ hồ sen, đây có lẽ là buổi hẹn hò “bồ bịch” đầu tiên trong cảm xúc con gái của tôi. Không còn nhớ đã nói gì với nhau bên ly cà-phê cho anh và ly kem ba màu cho tôi. Nhưng mãi đến bây giờ, giây phút bẽn lẽn, hồi hộp bên người con trai vẫn còn nhớ trong tôi. Buổi trưa hôm đó, bờ hồ sen thị xã thật đẹp, tĩnh lặng và có từng cơn gió thoảng ru mát suốt một thời mới lớn.

(phần 1)
Nguyễn Kim Hoa

2 comments:

Quang Minh said...

Sao giống tôi ngày xưa quá, nhút nhát chẳng dám cầy tay em
Hi hi hi....
Tình như không mà có
Tình thấy có như không
Rồi tình như cơn gió
Bay vào cõi mong lung

" ...Lần này anh ngỏ lời muốn nắm tay tôi. Mắc cở vì sợ người quen nhìn thấy, tôi đưa tay mình dưới gầm bàn cho anh nắm. Đây là lần tiên tôi thấy mình rung động, khác với những lần nắm tay chơi cúp bắt với đứa con trai cùng xóm. “Nga ở nhà học giỏi, đợi anh trở về nghen”, anh nói giọng dặn dò, chậm rãi (Nga là tên gọi ở nhà của tôi). Rồi từ đó, chỉ nắm tay tôi và không nói gì thêm. Tôi cũng không biết trả lời gì cho anh, rằng tôi sẽ đợi và đợi để làm gì?

Khi thật sự xa nhau, tôi mới nhận ra tình cảm mình dành cho anh Nguyên cũng giống dành cho anh Hai, anh Ba tôi vậy. Một thứ tình trong sáng, an lành của tuổi mới lớn. Và có lẽ sau này, anh Nguyên cũng nhận ra tình cảm dành cho tôi, chỉ là hình ảnh của cô em gái nhỏ mà thôi! Tôi lờ mờ dần khuôn mặt anh Nguyên, với bao nhiêu biến động chung quanh đời con gái...."

Quang Minh said...

“ con thuyền không bến “ đổ cho nên lang thang hoài
Còn cô Nga bắt cá hai , ba , bốn tay mặc sức mà lựa chon nhưng
“ vô oan trái bất thành phu phụ “