Wednesday, June 12, 2019

Sách Xưa Lần Giở Trước Đèn


__________________


HOÀI NAM

1. Lão Tử
      

Lão Tử tên thật là Lý Nhĩ, tên tự là Bá Dương. “Lão” là ý gọi người tuổi cao Đức lớn. “Tử” là cách gọi bày tỏ lòng tôn kính đối với người khác. Tương truyền Lão Tử bẩm sinh có khí chất phi phàm, am hiểu chuyện xưa, giỏi việc lễ chế, từng đảm nhiệm chức quan “Thủ tàng thất sử” (tương đương với giám đốc thư viện quốc gia hoặc là giám đốc viện bảo tàng quốc gia) và chức Trụ hạ sử (tương đương với chức quan Ngự sử thời Tần, Hán).
Lão Tử ở lại Lạc Dương nước Chu thật lâu, thấy rõ sự suy sụp của nhà Chu. Năm 500 trước công nguyên, trong hoàng tộc nhà Chu phát sinh cuộc nội chiến tranh giành ngôi vị, Lão Tử bị liên lụy và bị bãi quan. Lão Tử cảm thấy nhân thế hiểm ác, bèn rời đi. Ông lưu lạc khắp 4 phương trời nhưng không để ai biết danh tính của mình.
Khổng Tử từng đến kinh đô nước Chu, thỉnh giáo Lão Tử về Lễ chế. Một ngày, Khổng Tử cưỡi một chiếc xe cũ do trâu kéo, lắc la lắc lư tiến vào thành Lạc Dương – kinh đô của nước Chu. Ông đi lần này mục đích là để tham quan “Các nguyên tắc trị nước mà các vị Tiên vương đã dùng”, khảo sát “Nguồn gốc của Lễ Nhạc”, học tập “Các quy phạm đạo đức”, bởi vậy việc ông tới viếng thăm Lão Tử, vị quan tinh thông chế độ Lễ nghi và quản lý thư viện hoàng gia, ấy là an bài tối quan trọng [của Thiên thượng]. Khổng Tử sau khi hoàn thành việc khảo sát lần đó, đã nói một câu lưu truyền đời sau rằng: “Trong số rất nhiều học thuyết trên đời, ta chọn theo [học thuyết của] nhà Chu”. Chế độ Lễ nghi thời đại nhà Chu là phỏng theo Lễ chế thời đại nhà Hạ và nhà Thương làm cơ sở mà đặt định ra, và Khổng Tử chủ trương sử dụng Lễ chế của thời đại nhà Chu. Có thể thấy chuyến đi lần ấy của ông thu được ích lợi không hề nhỏ.
Khổng Tử bái kiến Lão Tử. Lão Tử hỏi Khổng Tử đọc sách gì, ông trả lời là đọc “Chu Dịch”, và Thánh nhân đều đọc sách này. Lão tử nói: “Thánh nhân đọc sách này thì được, còn ông vì sao cần phải đọc nó? Tinh hoa của quyển sách này là gì?”.
Khổng Tử trả lời: “Tinh hoa của nó là tuyên dương Nhân Nghĩa“.
Lão Tử nói: “Cái gọi là nhân nghĩa, đó là một thứ mê hoặc lòng người, giống như như muỗi rận ban đêm cắn người, chỉ có thể làm người ta thêm hỗn loạn và phiền não mà thôi. Ông xem, con chim Thiên nga kia không cần tắm rửa mà lông vũ tự nhiên vẫn trắng như tuyết, Quạ đen hàng ngày không nhuộm lông mà tự nhiên vẫn đen. Trời vốn là cao, đất vốn là dày, mặt trời mặt trăng từ trước tới nay đã phát ra ánh sáng rực rỡ, tinh thần từ trước tới nay chính là đã được an bài có trật tự, cây cỏ từ lúc sinh ra thì đã khác nhau. Nếu như ông tu Đạo, vậy cũng thuận theo quy luật tồn tại của tự nhiên, tự nhiên là có thể đắc Đạo. Tuyên dương những thứ nhân nghĩa để làm gì đây? Chẳng phải điều đó cũng đáng tức cười như việc vừa đánh trống vừa đi tìm một con dê thất lạc hay sao?”
Khổng Tử nói: “Tôi nghiên cứu ‘Thi Kinh’, ‘Thượng Thư’, ‘Lễ’, ‘Nhạc’, ‘Dịch’, ‘Xuân Thu’, giảng nói đạo lý trị quốc của các vị tiên vương, hiểu rõ con đường thành công của Chu Công, Triệu Công. Tôi đã lấy đó để bái kiến 70 quân vương, nhưng họ đều không chọn dùng chủ trương của tôi. Xem ra người ta thật là khó thuyết phục được!”.
Lão Tử nói: “Ông nói ‘Lục Nghệ’ ấy tất cả đều là những thứ xưa cũ của thời đại các tiên vương, ông nói những thứ đó để làm gì đây? Thành tựu tu học mà ông đạt được hôm nay cũng đều là những thứ xưa cũ rồi”.
Khổng Tử trở về, 3 ngày không nói chuyện. Tử Cống thấy kỳ lạ, bèn hỏi thầy chuyện là thế nào. Khổng Tử nói: “Chim, ta biết nó có thể bay; cá, ta biết nó có thể bơi; thú, ta biết nó có thể chạy. Có thể chạy thì ta có thể dùng lưới giăng bắt nó, có thể bơi thì ta có thể dùng dây tơ mà câu, có thể bay thì ta có thể dùng cung tên bắn được nó. Còn như con rồng, ta không biết nó làm sao có thể lợi dụng sức gió mà bay tới tận trời cao. Ta hôm nay gặp mặt Lão Tử, ông ấy cũng như con rồng kia thâm sâu không thể đo lường nổi!”.
Ngày 1 tháng 9 năm 478 trước công nguyên, Lão Tử 93 tuổi đi về nước Tần. Lúc đi qua cửa Hàm Cốc, quan Lệnh tên là Doãn Hỷ ở đó xem bói đã biết trước là sẽ có một Thần nhân đi qua đây, bèn sai người quét dọn sạch sẽ 40 dặm đường để nghênh đón. Quả nhiên Lão Tử tới. Doãn Hỷ nói: “Tiên sinh Ngài muốn ẩn cư, sau này không còn được nghe Ngài dạy bảo nữa, kính xin tiên sinh viết sách để truyền lại cho hậu thế!”. Lão Tử tại Trung Nguyên chưa từng truyền thụ lại điều gì. Ông biết Doãn Hỷ trong mệnh đã định là sẽ đắc Đạo, bèn tạm dừng lại nơi này một thời gian ngắn, viết lại cuốn sách nổi tiếng ngàn đời: “Đạo Đức kinh”. Sau đó, Lão Tử ra khỏi cửa Hàm Cốc đi về phía Tây, vượt qua vùng Lưu Sa… (Lưu Sa là chỉ vùng sa mạc lớn ở Tân Cương). Không ai biết cuối cùng ông đã đi về nơi đâu.
Lão Tử để lại nhiều câu khiến người đời và hậu thế phải nghiêng mình khâm phục, người đọc tùy hoàn cảnh mỗi lần xem lại đắc thêm ý mới, có tác dụng dẫn dắt con đường tâm linh, dẫn chứng cho ý ông nói. Thế nhân ai muốn định nghĩa Đạo mà ông giảng, sau một thời gian nhìn lại cũng tự thấy mình “lạc hậu”, nên không thể định nghĩa được là vậy.
Sau đây là 18 lời nói của Lão Tử để lại người đời sau:
1. Lo thắng người thì loạn, lo thắng mình thì bình.
2. Nếu muốn được tất cả, phải từ bỏ tất cả.http://media.kenh9.tv/http/1200x1200/bocau.net-BcKCN8-42026.jpg
3. Hiểu người là khôn, hiểu được mình mới là khôn thật sự.
4. Nếu biết vạn vật đều thay đổi, thì bản thân không nên cố nắm giữ điều chi.
5. Ai vội vàng tiến lên phía trước đều không thể đi xa.
6. Ai muốn hiển thị mình sẽ tự làm lu mờ bản thân.
7. Ai muốn chứng thực bản thân sẽ không tự biết bản thân mình là ai.
8. Ai muốn ước chế người khác thường không tự ước chế bản thân mình.
9. Không còn sự đối chọi, ma quỷ tự tiêu tan.
10. Nếu biết nhìn vào tâm mình, anh có thể tìm thấy tất cả các câu trả lời.
11. Nhu thắng cương, tĩnh thắng động.
12. Hãy để mọi chuyện tùy kỳ tự nhiên.
13. Nếu người muốn co lại, trước hết hãy cho phép nó duỗi ra. Nếu người muốn từ bỏ, hãy cho phép nó nhảy xuất ra. Nếu người muốn có điều gì, trước hết phải cho đi thứ đó.
14. Những khởi đầu tốt đẹp thường được ngụy trang thành một đoạn kết bi thảm.
15. Chú tâm đến sự công nhận của người khác rồi người sẽ trở thành tù nhân của chính họ.
16. Nếu một người có thể nhận ra mình không thiếu thứ gì, cả thiên hạ đã thuộc về người đó.
17. Vô hình vô tướng là niềm an lạc nhất.
18. Bậc trí tuệ là người biết những gì mình không biết.

2. Khổng Tử
      

Khổng Tử tên là Khâu, tự là Ni, sinh ngày 27 tháng 8 âm lịch năm Canh Tuất (551 trước Tây lịch), đời vua Châu Linh Vương năm thứ 21 nhà Châu, tương ứng với đời vua Lỗ Tương Công năm thứ 22 tại làng Xương Bình, huyện Khúc Phụ, nước Lỗ, hiện nay là tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Tương truyền Khổng Tử có tướng rất lạ: Môi như môi trâu, tay như tay hổ, vai như vai chim uyên, lưng rùa, miệng rộng, hầu lộ, trán phẳng và cao, khi lớn, mình cao 9 thước 6 tấc ( thước tàu), có tính ham học.
Năm Khổng Tử lên 3 tuổi thì cha mất. Ông sống với mẹ trong cảnh nhà nghèo. Khi lớn lên, mẹ cho đi học. Ông thích bày cúng tế khi chơi với trẻ hàng xóm. Năm 15 tuổi, ông đã lập chí học tập. Năm 19 tuổi, ông lấy vợ, vợ của ông là con của họ thượng quan nước Tống và sanh được một người con, đặt tên là Lý Tự. Khổng Tử là người rất thông minh, luôn luôn ham học. Bất cứ việc gì, ông cũng để ý xem xét rất kĩ lưỡng để biết cho tận cùng mới thôi. Tính ông ôn hòa, nghiêm trang, khiêm tốn, làm việc gì cũng hết sức cẩn thận, đề cao lễ nhạc, luôn luôn tin vào thiên mệnh. Năm 21 tuổi, Khổng Tử được cử làm chức Ủy Lại, một chức quan nhỏ coi việc sổ sách của kho lúa, cùng là cân đo và gạt lúa. Sau đó qua làm chức Tư Chức Lại, coi việc nuôi bò, dê, súc vật dùng trong việc tế tự. Năm 25 tuổi thì mẹ ông mất. Ông bắt đầu học đàn với Sư Tương, ở nước Lỗ. Tuy làm quan nhỏ, nhưng Khổng Tử đã nổi tiếng là người học rộng, biết nhiều, nên quan Đại phu nước Lỗ là Trọng Tôn Cò, cho hai người con trai là Hà Kỵ và Nam Quang Quát theo ông học lễ.
Khổng Tử muốn đến Lạc Dương nhưng vì nhà nghèo, không đủ tiền lộ phí, đành than thở mà thôi. Nhờ có học trò là Nam Cao Quát đến tâu vua và đã giúp ông đến Lạc Dương để học Lễ, học Nhạc. Ông còn gặp cả Lão Tử. Trong suốt gần 20 năm, từ năm 34 tuổi, Khổng Tử dẫn học trò đi khắp các nước trong vùng để truyền bá các tư tưởng và tìm người dùng các tư tưởng đó. Có nơi ông được trọng dụng nhưng có nơi ông bị coi thường. Năm 51 tuổi, ông quay lại nước Lỗ, được vua Lỗ mời ra làm quan, phong cho chức Trung Đô Tể lo cho việc cai trị ở Ấp Trung Đô, tức là đất kinh thành.
Sau 4 năm, ông được Lỗ Định Công phong làm Tướng Quốc, coi việc chính trị trong nước. Sau 7 ngày cầm quyền thì ông tâu với vua để giết gian thần Thiếu Chính Mão, chỉnh đốn quốc chính. Vì Thiếu Chính Mão là một tay nịnh thần rất nguy hiểm. Sau khi giết xong Thiếu Chính Mão triều đình ổn định, xã tắc bình an. Ông từ chức và bỏ nước Lỗ đi chu du các nước chư hầu.
Khổng Tử cùng các học trò qua các nước: Vệ, Khuông, Trần, Tống, Thái, Sở để mong thuyết phục các vua chư hầu chịu đem cái đạo của ông ra ứng dụng để đem lại thái bình thịnh trị cho dân chúng. Nhưng cái đạo của ông là Vương Đạo nên đi ngược ý đồ Bá Đạo của các vua chư hầu và quyền lợi của các quan Đại phu nên các chư hầu không dám dùng ông. Vì vậy, sau 14 năm đi chu du các nước không thành công. Ông trở về nước Lỗ, Đức Khổng Tử đã 68 tuổi. Ông trở lại quê nhà để mở mang việc dạy học và soạn sách. Tổng số môn đệ của Đức Khổng Tử có lúc lên tới 3000 người, trong đó 72 người được xếp vào hạng tài giỏi. Đức Khổng Tử san định lại các kinh sách của Thánh Hiền đời trước như: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Dịch. Sau đó, Đức Khổng Tử viết ra sách Xuân Thu, chép những việc của nước Lỗ và của nhà Chu. Đối với các môn đệ, ông rất dễ dãi. Hễ ai theo đúng lễ đến xin học ông đều không bao giờ từ chối. Ông thâu nhận học trò, không kể giàu nghèo, con quan hay con dân. Ông mở ra một nền giáo dục bình dân đại chúng, đào tạo được một lớp tri thức mới, tài giỏi và có đức hạnh trong giới bình dân.
Đến ngày Kỷ Sửu, tức là ngày 18 tháng 12 năm Nhâm Tuất, Đức Khổng Tử tạ thế, hưởng thọ 73 tuổi. Mộ của ông ở bên bờ sông Tứ Thủy, phía Bắc thành nước Lỗ, nay gọi là Khổng Lâm, thuộc huyện Khúc phụ, tỉnh Sơn Tây.
Khổng Tử là một triết gia vĩ đại trong lịch sử Trung Quốc có ảnh hưởng vô cùng lớn đến suy nghĩ và triết lý sống của con người phương Đông. Ông đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu các vấn đề về chính đạo, kỹ cương xã hội và mối quan hệ của con người cũng như muôn vàn các khía cạnh khác của cuộc sống. Các tư tưởng của Khổng Tử đã được phát triển thành một hệ thống triết học, và tạo nền tảng văn hóa rộng lớn cho các nước Á châu gọi là Khổng giáo.
Dưới đây là 18 lời răn của Khổng tử với hậu thế:
1. Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không tật bệnh, vì không tật bệnh thì tham dục dễ sanh.
2. Người quân tử nghiêm khắc với mình, kẻ tiểu nhân khắt khe với người.
3. Quân tử rộng rãi bao dung, tiểu thân hẹp hòi tính toán.
4. Sự nghiệp đừng mong bằng phẳng dễ đi, vì không gặp phải chông gai chí nguyện không kiên cường.
5. Làm việc đừng mong dễ thành, việc dễ thành lòng thường kiêu ngạo.
6. Làm ơn chớ mong đền đáp, mong cầu đền đáp ấy là có mưu tính.
7. Thấy lợi đừng nhúng tay, nhúng tay hắc ám tâm trí.
8. Dùng thì đừng nghi, nghi thì đừng dùng.
9. Ngồi bàn tiệc đừng ra vẻ anh hùng vì rượu đã làm cho nhiều người gục ngã.
10. Biết có lỗi mà không chịu sửa thì đó chính là lỗi.
11. Không nhìn điều sai trái, không nghe điều xằng bậy, không nói điều sai, không làm điều càn quấy.
12. Cứu xét tâm tánh thì đừng cầu không khúc mắc, vì không khúc mắc thì sở học không thấu đáo.
13. Trong ba người cùng đi, tất có người là thầy ta. Hãy học theo cái hay, mà tránh cái dở.
14. Ở đời đừng cầu không khó khăn, vì không khó khăn thì kiêu xa nổi dậy.
15. Chim trước lúc chết cất tiếng bi thương, người trước lúc chết thường nói lời lương thiện.
16. Người không biết lo xa, tất gặp phải ưu phiền trước mắt.
17. Việc mình không muốn làm, đừng bắt người khác làm.
18. Danh không chánh, lời chẳng xuôi.

3. Hiện Tình Đất Nước
Trong thời gian vừa qua, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, đạo đức nghề nghiệp sa sút trầm trọng cả trong những lĩnh vực được xã hội tôn vinh như ngành Y, ngành giáo dục, ngành tư pháp… Văn hóa “chạy chọt”, gian lận, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong xã hội và trong cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng… Đó là những biểu hiện cụ thể của sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử được Bộ trưởng Bộ Văn Hóa Thể Thao & Du Lịch Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận ngay tại diễn đàn Quốc hội Việt Nam. Nạn dâm ô trẻ em như cơn dịch, đang hoành hành trên các mặt báo hằng ngày trong cả nước. Việc nguyên Phó viện trưởng Viện Kiểm Soát Nhân Dân  T.P Đà Nẵng sàm sỡ bé gái trong thang máy, là một cá nhân từng đại diện cho ngành tư pháp của một thành phố, đạp trên tiêu chuẩn đạo đức tối thiểu, bất chấp pháp luật, tấn công tình dục, bạo hành trẻ vị thành niên. Tình trạng băng hoại đạo đức hôm nay, người ta vẫn tranh cãi những cá nhân gây tội ác ấy là nạn nhân hay là sản phẩm của xã hội?

Hoài Nam

No comments: