__________
CHÂN DIỆN MỤC
Nghề thầy có cao quý không???
Đọc Lều Chõng ta thấy vai trò của ông thầy cũng không lấy gì làm vĩ đại
lắm (?). Chỉ là nhồi sọ một mớ kiến thức của ông Ba Tầu! Trường Cao Đẳng Tiểu
Học Đông Dương mở ra cũng không có gì là đột phá, là cao siêu (?), cũng là nhồi
sọ thôi!!! Những người tốt nghiệp trường này kiến thức cũng không quá trình độ
thành trung bao nhiêu! Ấy vậy mà đã đem tới Việt Nam một luồng sinh khí mới (chớ
có so sánh với tiến sĩ bây giờ, e rằng nhiều người sẽ cho là mình hâm!)
Thời đại mới thì phải kiến thức mới chớ! Những ngũ luân, ngũ thường nghe
sao mà nó xa lắc xa lơ, lạ hoắc lạ huơ!
Người Pháp đã dạy cho chúng ta thế nào là mở cửa nhìn ra thế giới. Người
Pháp đã dạy cho chúng ta thế nào là dân chủ, tự do, bác ái. Thế nào là tự trọng,
trách nhiệm, hòa nhập xã hội mới!!! Chính những ông thầy này đã truyền
thụ những kiến thức đó!
Tôi ngồi nhớ lại: Ông thầy nào cũng đạo mạo, mô phạm, tư cách! Rất nhiều
thầy tôi gọi thầy xưng con dù hơn tôi chừng mười tuổi. Tôi gọi luôn những thầy
không dạy tôi là thầy. Tôi học các thầy từ lời nói cho tới hành động, cư
xử chuyện đời!
Tôi rất nhớ và bái phục thầy Hoàng cơ Nghị. Thầy được cử làm chánh chủ
khảo rất nhiều lần. Với thầy thì đừng hòng xin xỏ dù là thi oral. Câu chuyện để
đời của thầy là bà Hoàng thị Nga em ruột thầy đi thi, hồi đó chỉ có một hội
đồng thi duy nhất cho tú tài! Bà Nga rớt!!! Một con người như thầy
thời sau không có đâu (!).
Người ngoại đạo lấy làm lạ là
tại sao các trường sư phạm (thuộc địa) lại cho ra những người mà thoáng nhìn
đã thấy toát lên phong thái bậc thầy rồi.
Tại sao bên văn học ta có văn
học sử, bên sư phạm ta không nhắc các thầy tiêu biểu, các trường tiêu biểu? Tại sao bên Pháp có Sorbone, Collège de France, Normal Sup Paris, ta không có? Tại sao bộ phận Chu Văn An
di vào Sàigòn thì... sau này... bị mất tiêu?
còn ở Hà Nội thì không đào tạo được gì?
Trường Chu Văn An mấy năm đầu
ở Saigon chẳng lừng lẫy sao? Không có
trường sở phải mượn đỡ một dãy của Petrus Ký để học mà sản sinh ra những
người du học Pháp đỗ đầu vào hai trường lớn ở Pháp! Ôi! Ngày nay thì chẳng còn
trường để mà ghi danh nhớ ơn các vị hiệu trưởng Vũ Ngô Xán, Vũ Đức Thận,
các giáo sư Hoàng cơ Nghị, Phạm Đình Ái, Vũ khắc
Khoan, Bạch văn Ngà... !
Tôi là một học sinh cá biệt
(!) học sinh khùng, học sinh hủ lậu, kính trọng cả các thầy mà các bạn tôi chê
bai và... ghét cay ghét đắng... Thầy Bạch văn Ngà mà các bạn cho là rất khó, thầy
Vũ Khắc Khoan đầu chải tém, ống quần túm rất hẹp (giống cao bồi), Thầy Quyến ăn
trầu răng đỏ lòm và ở rất dơ ...
Ôi! Thời gian thật lạnh lùng!
Nhớ hồi 1948-1949 học trường di tản chống Pháp gọi thầy là anh. Tôi
không hiểu người ta đổi gọi là thầy từ năm nào? Sau này người ta gọi tất cả
những người dạy mình là thầy (trừ một số trường Đại Học ở Saigon).
Riêng ở các lớp Hán Văn tại Đại Học Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa
sinh viên không gọi thầy mà gọi cụ vì các cụ già quá! Nhưng tôi cứ gọi là thầy! Cụ
Nguyễn Sĩ Giác, tiến sĩ khoa cuối cùng của Việt Nam đáng tuổi ông nội tôi nhưng
tôi cứ gọi là thầy. Vì thầy vẫn cứ là thầy!!!
Ôi! Những đợt sóng trào: đợt
một, đợt hai, đợt ba... xô những "anh hùng" đi và để lại những cặn bã.
Nhưng sao tôi không thể nào quên những hình bóng
xưa. Nhớ nhất là hình bóng thầy Vũ Hoàng Chương, thầy ốm như gió thổi bay! Thầy
cầm cái cặp nặng chừng ba ký mà vai phải như xệ xuống (Nhưng thầy thét: Trả ta
sông núi thì mới lớn làm sao?)
Tôi là một kẻ tầm thường, bất
tài nhưng nghĩ đến các anh Doãn Quốc Sĩ, Trần Thanh Hiệp, Lê Xuân Khoa, Lê Hữu Mục
tôi không đành lòng im lặng.Tôi không học với các anh nhưng coi các anh như anh
cả, như Thầy.Tôi phải viết để lớp hậu sinh biết rằng thời đó có những con người
có văn hóa, tư tưởng, tư cách như thế, đáng làm gương như thế.
C.D.M.
No comments:
Post a Comment