Monday, May 8, 2017

Cà Phê Ơi! Cà Phê Ơi!

_________

Trần Mộng Tú


Từ một thời xa xăm nào đó cà phê được một vài tu sĩ công giáo người Pháp mang vào Việt Nam trồng trong sân nhà thờ ở những vùng Hà Nam, Quảng Bình, Kontum, sau đó các chủ đồn điền Pháp trồng ở Phủ Quỳ - Nghệ An rồi tới Đắc Lắc và Lâm Đồng, nên người Việt trưởng thành ở miền Nam rất thân quen với hương vị cà phê.
Người miền Bắc trước đây chỉ dùng nước chè, sau người sành điệu, những nhà nho, nhà giáo uống tới trà Tầu. Cà phê không mấy phổ biến ở miền Bắc trước 1975.
Sau 1975, người miền Bắc mới bắt đầu tham gia vào việc “Nghiền cà phê”.
Trong Nam, thành phần nào trong xã hội cũng thưởng thức cà phê buổi sáng, buổi trưa, buổi tối. Nghĩa là bất cứ lúc nào. Điểm tâm, hò hẹn tình nhân, hẹn công việc làm ăn lớn, nhỏ, bàn thời sự, chính trị buổi trưa, hay đi chơi buổi tối, không thể thiếu ly cà phê trước mặt.


Những tiệm ăn sáng bình dân nấu cà phê trong những chiếc túi vải may theo hình chiếc vớ, được gọi là “Cà Phê Bí Tất”. Giới lao động miền Nam uống cà phê vui lắm, có khi họ đổ ra đĩa cho nguội, rồi mới bưng lên uống, nhưng ly cà phê của họ cũng nhỏ thôi, uống độ ba ngụm là hết.
Những nhà hàng lịch sự như: Broda, Givral, Pagode là nơi của các nhà văn, nhà báo, chính khách, tụ họp nhau cà phê bao giờ cũng phải cà phê phin (Filter). Những người miền Bắc sau 1975 vào Nam ngỡ ngàng với phin cà phê, gọi là “Cái nồi ngồi trên cái cốc,” rất tượng hình.
Cà phê hay đi đôi với thuốc lá. Thưởng thức cà phê, họ ngồi nhìn những giọt lệ đen thong thả nhỏ xuống tách từng giọt một. Trong khi đợi cà phê, đốm lửa lập lòe trên đầu điếu thuốc lá. Một hình ảnh rất đẹp trong những chiều mưa bong bóng.

Cà phê ngon đúng độ, pha đúng cách phải có mầu nâu vàng đậm óng ánh như màu cánh gián. Nếu đen thui là cà phê đó đã được pha chế vào một loại hạt nào khác như ngô, đậu. Không thể nào cho bạn tách cà phê ngon được.

Có người nói, cà phê pha bằng máy Expresso ngon hơn pha phin, vì độ nóng chính xác của hơi nước làm cà phê tiết ra mùi vị trung thực của nó, pha phin không phải lúc nào cũng ngon như ý mình muốn. Họ quên mất một điều, thưởng thức cà phê không phải chỉ bằng vị nếm mà còn bằng mắt nhìn.
Từng giọt, từng giọt rơi xuống cái ly thủy tinh trong suốt như kéo thời gian chậm lại, níu lại một khoảng khắc nào đó trong đời. Đợi cà phê rơi xuống có thể rơi theo một câu thơ, có thể là cái cớ thốt lên một lời hứa hẹn, hay xóa tan một nỗi buồn.
Không còn gì tuyệt diệu hơn.

Tôi nhớ hồi đi học. Thầy dậy Pháp Văn của chúng tôi là một vị tu xuất. Thầy thuộc rất nhiều thơ Việt, thơ Pháp. Chúng tôi chưa đủ giỏi để thuộc những bài thơ Pháp khó khăn. Thầy hay kiếm bài giản dị đọc cho chúng tôi nghe trong giờ giảng bài, vừa đọc vừa dịch. Thầy chọn bài nào cũng hay cả, tôi nhớ được một bài giản dị nhất và theo tôi cũng là hay nhất trong những bài thầy đọc. Một bài thơ về cà phê rất lãng mạn. 
Bây giờ lớn tuổi nghĩ lại, tôi biết người thầy dạy Pháp Văn của mình hồi đó phải có một chút thơ, có một chút lãng mạn trong máu, nên học trò mới được thưởng thức những câu thơ của Jacques Prévert, tôi xin trích một đoạn trong bài Điểm Tâm- Déjeuner du matin
Il a mis le café -                     Chàng bỏ cà phê
Dans la tasse -                       vào trong cái tách
Il a mis le lait -                        chàng bỏ thêm sữa
Dans la tasse de café -         vào tách cà phê
Il a mis le sucre -                   chàng bỏ thêm đường
Dans le café au lait -              vào cà phê sữa
Avec la petite cuiller -            với chiếc muỗng nhỏ
Il a tourney -                           chàng quấy khe khẽ
Il a bu le café au lait -             chàng uống nhè nhẹ tách cà phê sữa
Et il a reposé la tasse -          để cái tách xuống
Sans me parler -                              Không lời với tôi

Cái hình ảnh một thầy giáo trẻ cầm viên phấn trắng trên tay, đi qua đi lại trong lớp học, có khi thầy ghé ngồi vào một góc đầu bàn của nam sinh, cất tiếng đọc mấy câu thơ tiếng Pháp, những câu giản dị, dễ hiểu nhưng rất gợi hình như những câu trên, học trò cứ ngây người ra nghe. Các nam sinh thì ao ước được làm anh chàng đang tự pha cà phê đó, các nữ sinh thì mong được làm người yêu, ngắm nghía chàng pha cà phê, uống cà phê, rồi… đội mũ lên đầu, bỏ đi. Sans me parler - Không lời với tôi.  Lãng mạn như thế, làm sao mà quên được!

Bao nhiêu năm tháng trôi qua, vào những sáng mưa nho nhỏ, với ly cà phê nho nhỏ, đứng nhìn ra cửa sổ, mưa bay bay trên con dốc, trên những tán lá xanh ngọc, uống từng ngụm cà phê cũng nho nhỏ, những câu thơ lãng mạn đó lại quay về trong lồng ngực.
Mưa ở Seattle tinh khiết hơn bất cứ ở đâu nên màu diệp lục trên những tán lá óng ả, mượt mà hơn. Cà Phê Starbucks, Cà Phê Seattle Best, đều gần lắm, gần như ở ngay bên cạnh hiên nhà. Những giọt cà phê nho nhỏ, thơm ngát rơi rất nhẹ vào chiếc tách sứ mong manh có hoa văn hay chiếc ly thủy tinh trong suốt đều cho một nỗi quyến rũ rất dịu dàng.
Cà phê ơi! Cà phê ơi!
Giọt ngọt giọt đắng em mời môi thơm
Ừ thì có giọt đắng hơn
Em nghiêng tách xuống rót buồn sang anh.
(Thơ-tmt)

Bạn tới thăm Seattle đi, thế nào tôi cũng phải đưa tới tiệm Starbucks đầu tiên được thành lập ở Down Town Seattle. Chúng ta sẽ tuần tự, lịch sự, kiên nhẫn, xếp hàng chờ tách cà phê được đưa ra cho bạn đón lấy, rồi ngồi xuống ghế. Hay bạn đợi để có một ly cao hơn một chút, có thể mang ra ngoài, vừa uống từng ngụm nhỏ vừa nhìn ngắm chợ hoa bên kia đường. Starbucks được một trong ba người sáng lập là nhà văn, hai người kia là giáo sư Anh Văn và giáo sư môn Sử. Cả ba người điều thấm đậm tinh hoa của văn chương, chữ nghĩa, nên có phải nhờ đó những ly cà phê của họ làm ra đến với giới thưởng ngoạn, có cái thanh cao, nhã đạm ở từng giọt tan trong miệng mình.
Bao nhiêu bài thơ được viết xuống, bao nhiêu bài tường thuật tin tức và bao nhiêu những trăn trở, tính toán, lo toan, vui buồn, chẩy xuống theo những giọt cà phê?
Ai còn nhớ cà phê trong những phòng trà của Sài Gòn, uống từng ngụm nhỏ theo tiếng hát của Thái Thanh, Lệ Thu, Thanh Thúy hay trong những quán nhỏ bên đường, nơi hò hẹn của những người bắt đầu yêu hay đã yêu,
hai người uống chung một tách cà phê.
Người ta hay nghe được câu gọi cà phê như thế này ở những cặp tình nhân trẻ trong quán cà phê ở Đakao của một Sài Gòn thủa trước.
- Cho một ly cà phê sữa và một ly sữa cà phê.
Người chủ quán biết ngay là ly của chàng thì cà phê đậm đặc với một chút sữa và ly của nàng thì sữa với một chút cà phê cho thơm thôi.

Cà phê là một khía cạnh văn hóa rất đẹp của miền Nam. Những người ra đi mang theo văn hóa này đến những phần đất họ cư ngụ nên rất nhiều người bản xứ biết và thích “Cà Phê Việt Nam”.
Tôi may mắn có Cà phê Starbucks nổi tiếng thế giới ngay trong thành phố tôi ở. Tôi cứ đi vài ba ngã tư đường lại thấy một quán Starbucks.
Starbucks theo chân ta đến khắp mọi nơi và trao cho ta những giọt cà phê thanh nhã, những ngụm cà phê tuyệt vời.
Starbucks sang Việt Nam và sang đến cả Trung Hoa. Đây là hình ảnh tôi được xem trên trang mạng vào ngày trái đất 22 tháng 4 năm 2017.
Theo truyền thông Trung Cộng đưa tin, hưởng ứng Ngày Trái Đất thế giới 22/4, hãng cà phê nổi tiếng Starbucks đã có một số chương trình hoạt động khuyến mãi vô cùng hấp dẫn.


Theo đó, khách hàng mang cốc riêng đến một số cửa hàng trong chuỗi Starbucks sẽ được uống cà phê miễn phí. Để đáp ứng lời mời ngọt ngào ấy, từ sớm, một hàng dài người đã xếp hàng chờ tới giờ mở cửa. Điều đáng nói ở đây, là mọi người tới không phải mang theo cốc, mà là tô lớn, nồi, chảo, chậu rửa mặt, thậm chí can đựng nước 20 lít.
Chao ơi! Hình ảnh những người cầm nồi, chảo đi nhận cà phê miễn phí trông thật đau lòng.


Tôi nhớ dân tộc Trung Hoa với tách trà, ấm cổ, nổi tiếng thanh lịch về trà và về cách uống trà. Sao từ trà sang cà phê lại đến nỗi này. 
Có phải những người Trung Hoa trong sách tôi đọc ngày xưa và những người Trung Hoa ngày nay không cùng một chủng tộc.
Một anh bạn văn nói, xem hình này thấy phục Starbucks quá! Đem thau chậu to, nhỏ cỡ nào cũng được rót đầy. Đây mới gọi là hành động thương mại siêu việt.
Còn tôi, chỉ biết thảng thốt kêu: Cà phê ơi! Cà phê ơi!
tmt


5/5/2017

9 comments:

Anonymous said...

Tác giá bài nầy không biết nhiều thứ:
a)- Cà phê trước khi pha, phải biết chọn hạt và nhất là biết xào cà phê. Chính vì vậy mà cà phê VN không được xếp hạng cao trên thế giới như Arabica, v. v. Những người mua hay chọn cà phê theo thị trường New York họ đến tận đồn điền cà phê và gọi phone về New York mỗi hai giờ để định giá cả. Người nếm cà phê để mua, họ nếm kỹ hơn nếm rượu vin, họ nếm hằng giờ.
b)- Cà phê là loại nước đắc nhất thế giới hơn cả dầu xăng, bia, rượu chát...
c)- Starbuck nó tập cho bọn Tàu uống cà phê mà thôi. Vì trà Tàu tốt cho sức khoẻ hơn cà phê.

T. rất Thật Thà

trường tôi said...

Nói thiệt nghen anh Thật Thà tui hổng biết là trà tàu uống tốt cho sức khỏe như thế nào chớ tui vẫn phái uống cà phê hà !Sáng sớm mà lỳ một lam là thấy đời dễ thương gì đâu á ! Nhớ hồi năm ngoái vợ chồng thầy Long qua tui cứ mỗi buổi sáng ảnh pha 2 ly cho tụi tui, tới lúc ảnh dìa mấy ngày đầu tui nhớ cà phê thầy Long quá!!!hic!hic..HTX

trường tôi said...

Gõ tiếp...Thấy tui thích cà phê của thầy Long nghe đâu vợ chồng thầy định mở tiệm đó!
Cà phê Long
Grand opening! Coming soon!
Ha...ha...mại dzô...

Unknown said...

Lúc trước anh em xe kéo, xích lô trước khi đi làm ghé vào các tiệm nước kêu một ly "xây chừng" hay đôi lúc kêu một ly"phế nại" rồi tà tà đổ ra dĩa thưởng thức. Đó là cách uống cà phê của anh em xe kéo, xích lô còn các giới khác cũng tà tà uống cà phê trong ly bên những quán cóc vệ đường, cà phê nầy gọi là cà phê"kho" vì lược cà phê bằng vải để trong siêu suốt ngày. Trần Thật Thà có. Cà phê 3 T hết xẩy, Startbuck thua xa. Một tay pha cà phê khác nữa là thầy Lý Thành Lễ có cà phê Ru Nam, thầy Lễ sẽ trổ tay pha cà phê và món BBQ đảo anh chị em trưa ngày thứ ba tại nhà thầy. Như vậy anh em sẽ có dịp thưởng thức ba cao thủ pha cà phê" Thày Long, Thầy Lễ và Trần Thật Thà"....

Lanh Nguyễn said...

Quán Cà Phê

Cà phê phin nhẹ nhàng rơi từng giọt
Nhớ làm sao cái quán cóc ven đường
"Lỳ một lam" mỗi buổi sáng đến trường
Nghe vị đắng mà ngọt ngào khôn tả

Cà phê kho cả ngày nằm trong vợt
Hương thơm bay phơn phớt mất lâu rồi
Anh Xích Lô nằm ngắm mặt trời rơi
Mà nhớ lại một thời đầy oanh liệt

Cà phê ơi! Cuộc đời sao oan nghiệt
Mi theo ta mà chả biết về đâu
Quán ven đường bị cộng dẹp từ lâu
Cà phê cũ chìm sâu trong nổi nhớ...

Anonymous said...

Ông Nhựt Phạm là ai? Tr TT có gặp ông chưa? Tr TT thích làm quen, nhưng Tr TT ở bên Pháp thành chịu vậy.
Tr T T

trường tôi said...

Anh Thật Thà ơi, Thầy Nhựt Phạm hồi đó là Thầy dạy tui đó, sư phụ tui là người thiệt thà vui tánh nếu anh muốn thì hãy kết bạn qua meo đi nhen !

TUI

machbinhmy@gmail.com said...

Nói đến Cà Phê ở Rạch Giá thì phải nhắc đến tiệm rang cà phê Tân Nam Dương.
Các tiệm Cà phê Rạch Giá thì đã có từ lâu như Tân Tường Phát (còn gọi là Quán 2 căn), Cái Ký, Tân Vinh Phát, Ngũ Châu v.v...chưa kể những quán cà phê có bàn hủ tiếu mì mà giăng bàng bạt che mưa nắng đầu chợ Nhà Lồng. Cà phê thuở đó chuyên môn cà phê vớ nhưng không biết gốc gác cà phê là từ đâu. Nhưng kể từ khi ông Tân Nam Dương (người ở Chợ Mới, Long Xuyên) dọn về gần nhà tôi trên đường Duy Tân hồi đàu thập niên 60 thì ông đã rang cà phê bỏ mối khắp chợ Rạch Giá luôn tới Tân Hiệp, Hà Tiên. Lúc đầu ông rang ở một căn phố trên Đầu Doi sau sang được căn phố 26 Duy Tân ông mới rang tại đây. Mỗi ngày tui ngửi cà phê rang bay qua nhà tui (28 Duy Tân) với mùi bơ mà phát ghiền. Ông Tân Nam Dương có bà con khắp Đông Nam Á nên ông mua cà phê Moka của Mã Lai về rang lại nên dân Rạch Giá may mắn thưởng thức Đệ Nhất Hoàng Hậu Cà Phê mà không biết. Cho nên dù có đi đâu dân Rạch Giá cũng nhớ tới cá phê Rạch Giá. Đó là nói chuyện trước năm 1975 còn tiệm của ông tân nam Dương cà phê chính hiệu Moka cà phê không pha cái gì khác ngoài Bơ và nước mắm ()? cho hương vị thêm đậm đà. Còn bây giờ thì cháu tui cũng bỏ mối cà phê nhưng nó nói cà phê bỏ mối mà không thêm đậu đen bắp rang thì húp cháo rùa.

Katie co5rg said...

Khi còn ở VN tui không rành cà phê, nhưng lại nhớ khi còn nhỏ, có nhiều khi ba sai đi mua cà phê sửa đá cho má ở quán Cái Ký, bác người Tàu pha cà phê, tui đứng coi mà mê ly, bác cứ sang qua sớt lại trong cái vợt bằng vải vàng khè trông thật điệu nghệ, nhanh, gọn, sau đó lấy lon sửa bò còn chút sửa rồi đổ cà phê vô, tui bưng về nhà mà mùi cà phê thơm lừng, xin má cho hớp 1 cái...ôi nó ngon quá trời quá đất.
Bây giờ sáng sáng mà không có tách cà phê là như thiêu thiếu cái gì, người như ở cỏi trên, uống cà phê vô là tỉnh táo, mắt sáng và vô TH tám rất hăng hihihi