Saturday, March 24, 2018

Hạt Bụi Vai Người


________________

Nguyễn Ngọc Hoàng
   “hạt bụi quê người”

Nhà cửa kiếng đóng kín quanh năm, sao toàn bụi là bụi. Bụi phủ mặt bàn, bụi phủ mặt sàn nhà lót thảm hay cả lót gỗ. Mỗi tuần hoặc lười hơn, bận rộn hơn, mỗi hai tuần là phải hút bụi, phải lau sàn gỗ. Nếu không, nhìn nghiêng, đâu đâu cũng thấy bụi. Tôi cằn nhằn, “Trong nhà, sao bụi ơi là bụi!”. Bà xã gọi người đến kiểm soát, hút sạch sẽ các đường ống dẫn hơi thổi và mua thêm các loại quạt có phần lọc không khí cho những phòng chính trong nhà. Mỗi tháng đều thay hai màn lọc lớn cho hệ thống máy điều hòa, thay vì mỗi ba tháng. Không khí trở nên trong lành thấy rõ. Nhưng cũng chỉ được một vài tháng, rồi mọi sư tình trở lại như cũ. Vẫn đâu vào đấy, bụi ơi là bụi. Bà xã “đầu hàng”, an ủi: “Bụi thì bụi, mình có bệnh hoạn gì đâu anh. Nhiều khi bụi còn giúp hệ thống miễn dịch (immune system) hoat động tốt hơn! Anh cứ coi như không thấy bụi, là nhà sẽ không có bụi”. Tôi thấy lý luận “bừa” của bà ấy cũng đáng suy nghĩ. Không hiểu tự bao giờ tôi chú ý đến bụi và đôi khi lại làm “lớn chuyện”. Thói quen của đời sống hay “trưởng giả” học làm sang? Nhớ lại những ngày nào, chừng như bụi chung quanh là cái không thể thiếu. Sống với bụi, ăn với bụi và ngủ cũng với bụi. Đã sao đâu? Vậy mà không hiểu sao bây giờ tôi lại xa rời với bụi, “phụ rẫy” người bạn tình chung của mình. Tôi đã đổi thay hay hoàn cảnh sống đưa đẩy chúng ta tách biệt với môi trường thiên nhiên? Hay cả hai nguyên nhân căn bản đó, hằn những nếp nhăn trong phản xạ của chúng ta? Một cuối tuần, bà xã đang cặm cụi lau sạch sàn nhà gỗ, từng mặt bàn phòng ăn bổng dừng tay, bùi ngùi nói:
            -Anh quá nhạy cảm thôi, ngay cả những hạt bụi xứ này cũng xa lạ với anh. Hạt bụi xứ người, không phải hạt bụi quê nhà!

                 


Có lẽ hay thật vậy? Chừng như bao nhiêu hạt bụi quanh tôi đang trĩu nặng, phủ kín mọi mặt đời. Bụi của thời gian chồng chất, bụi của cuộc đời hệ lụy vai mang. Và có cả hạt bụi nhỏ nhoi bay lận đận vào mắt tôi cay ướt, nhạt nhòa.    

****

Thời gian đẹp nhất đời người chính là những năm tháng tôi sống “bụi đời” ở Sài-gòn. Căn gác trọ của tôi nằm trong hẽm nhỏ, có thể đi vào từ cả hai phía đường. Mặt ngoài là đường Phan Đình Phùng rẽ vào và đi ngang qua chùa Phước Hòa. Mặt sau là đường Nguyễn Thiện Thuật, theo con hẽm đối diện cà phê Năm Dưỡng. Tôi thuận và thích đi ngõ chùa Phước Hòa hơn. Vừa đẹp, vừa yên bình. Để có những chiều, Trầm Hương đưa tôi về, dừng trước cổng chùa đúng lúc ngân lên từng hồi chuông tĩnh vọng. Nàng chấp tay, cúi đầu khấn nguyện. Tôi hỏi. Trầm Hương nói nhỏ: “Hổng thèm cho anh biết”. Rồi nàng quẹt đuôi tóc vào má tôi: “Cho anh nợ em những hạt bụi”, cười khúc khích và quay xe chạy khuất quanh đầu ngõ. Nắng chiều rơi nhẹ, in bóng người bụi phấn sau lưng... Tôi không tin đời người sẽ về với cát bụi mà sẽ trở lại với nơi chốn bắt đầu. Sống và đi qua bao nhiêu nơi chốn bụi trần, Trầm Hương đã để lại trên má tôi những hạt bụi đời thương nhớ. Hãy nằm yên nghỉ bụi ơi, ở một nơi quê nhà vời vợi...

****

Buổi quá trưa, tôi ngồi ôn lại mấy bài hán văn trên căn gác oi bức, lặng tênh. Cuối tuần mọi người đều đi vắng. Trầm Hương lên Đồng Nai giúp chị vừa sinh cháu. Duy và Cẩm Vân đi làm thêm cuối tuần. Từ Dung thì có hẹn với người bạn tình mới, trung úy công binh bảnh trai phong nhã. Chỉ có tôi là thất nghiệp nằm nhà. Cũng may là trước khi đi Trầm Hương đã chuẩn bị cho tôi lạp xưởng, trứng, giò chả cho cả mấy ngày không phải lo chuyện ăn uống. Chợt có tiếng chân lên thang gác. Từ Dung diện đẹp với chiếc áo dài xanh nhạt, cổ viền màu vân vàng đậm. “Biết anh thế nao cũng “neo đơn” ở nhà mà”, Từ Dung vừa cười nói, khuôn mặt đẹp thoáng chút mệt mõi. “Sao đi chơi với tình mới mà về sớm vậy?”, tôi ngạc nhiên hỏi. “Thôi chuyện dài hạ hồi phân giải. Bây giờ anh có gì ăn không? Em vừa đói vừa buồn ngủ!”, nàng nói nhanh. “Có. Anh làm cơm chiên thập cẩm nghen. Dung cứ ngồi chơi, nghỉ ngơi đi”, tôi đi vội vào bếp. “Khoan. Anh cho em mượn cái áo sơ-mi thay cho thoải mái nghen. Đầu tóc, áo dài em toàn là mồ hôi và bụi là bụi!”. Tôi đưa cho Từ Dung chiếc áo sơ-mi màu xám nhạt. “Cấm anh nhìn lén nghen”, nàng kéo tấm màn ni-long phòng tắm. Từ Dung thật nõn mà trong chiếc áo ngắn tay màu xám. Nhìn người đẹp ăn ngon lành dĩa cơm “có gì chiên náy”, tôi không khỏi nhịn cười: “Chưa thấy ai đi chơi với người tình mới mà đói như em!”. Đẫy cái dĩa không Từ Dung hân hoan:”Anh chiên cơm ngon thiệt. Hết dĩa luôn. Em phải chịu trận từ sáng đến giờ... Suốt mấy tiếng đồng hồ, chỉ hỏi em qua loa rồi nói toàn là chuyện của ảnh không thôi. Chán và buồn ngủ muốn chết luôn!”. Nàng chậm rãi kể lại buổi hẹn hò và kết luận: “Chắc là chỉ đến đây thôi. Nhìn khuôn mặt điển trai của anh ấy, em cũng tiếc. Nhưng biết làm sao, đành hẹn lại vài kiếp nữa”, rồi phá ra cười vui vẻ. Khác với cái đẹp sắc sảo, sáng rực của Trầm Hương, Từ Dung đẹp dịu dàng, thu hut ngấm ngầm như một ly rượu nếp than. Ngọt thơm, uống hoài say không biết. “Bây giờ anh chịu khó canh chừng, em thiếp một chút đươc không?”. “Em cứ ngủ một chút đi. Anh canh chừng cho”, tôi tình nguyện ngay. “Mà em dặn trước, là anh được nhìn trộm khi em ngủ nghen. Em ngủ xấu lắm đó!”, Từ Dung vừa nói vừa làm bộ nhíu mày như Bao Tự. “Được rồi anh hứa. Em đi ngủ đi, chiều rồi”, tôi hối. Từ Dung bước vào phía trong, nói vọng ra: “Chắc kiếp trước em là những hạt bụi bay bám quanh đời anh!”. Giọng nói nàng dìu dịu như vạt nắng nghiêng nghiêng khung cửa. Qua màn nắng vàng xuyên là những hạt bụi bay bay giữa đời nhau không dứt.       

****
  
            Để hẹn hò, K. Hoa và tôi phải chạy tuốt ra tận bến xe Rạch Giá - Hà Tiên. Chung quanh Rạch Sỏi, Minh Lương, An Hòa... đến tận chợ Rạch Giá, đâu đâu cũng gặp “phe nhà”. Nhất quỹ, nhì ma, thứ ba là đám học trò của tôi. Đúng là không sai dù chỉ là một cen-ti-mét. Hôm nào lỡ bị bắt gặp, dù dọc đường là hôm sau có chuyện kể “dưới cột cờ”. Ngồi phía sau thành “ôm eo ếch”. Còn lỡ bắt gặp “ôm eo ếch” là sẽ thành chuyện gì... chỉ có “trời biết”! Lúc đó bến xe Rạch Giá – Hà Tiên có mấy quán cà phê sinh tố và quán cơm lề đường vừa ngon vừa rẻ. Có điều bụi ơi là bụi. Ăn cơm tấm bì với bụi. Ăn bánh canh cá với bụi. Ngon nhất phải nhắc tới món bánh tằm bì chan nước cốt dừa, nước mắn ớt, cũng ăn với bụi. Ngon ơi là ngon. Chừng như bụi đường đóng góp phần không nhỏ cho ăn uống, đời sống quanh ta. Trên đường về, K. Hoa nói: “Đầu tóc anh toàn là bụi. Ghé nhà, em gội đầu cho rồi hẳn về trường”. “Anh tự gội được mà”. “Anh hà, em không tin. Học trò nói, thầy H. “làm biếng ở dơ”, mặc một bộ đồ ba bốn ngày không thay!”, K. Hoa cười nhỏ. Đành chịu. Thứ gì trên người, chung quanh tôi đều được tường trình theo chiều hướng không thể “kiểm soát”. Bao nhiêu “tờ rơi”, chị nào “thương” thầy H., rồi thầy H. “để ý” ai đều truyền xa và thất thiệt. Vậy mà, những buổi cùng học trò cắm trại “bỏ túi” hát nhạc “đồi trụy” và đọc thơ “phản động” ngay trong lớp lại được “dấu kín”  vô cùng... Gội xong đợt nhất với loại xà bông “đá”, chà hoài không thấy bọt, K. Hoa dùng chanh vắt nước. Lúc đầu hơi rít rít, nhưng sau đó thì đầu tóc thơm thoang thoảng mùi chanh và rất dễ chịu. “Em vẫn còn để lại mấy hạt bụi trên tóc. Tối về trường sẽ nhớ em”, vừa lau tóc, K. Hoa vừa nói nhỏ. 

****

Buổi sáng sẽ tầm thường, tẻ nhạt với người không chờ sáng. Cuộc sống sẽ hờ hững biết bao nếu ta không tha thiết, nâng niu từng giây phút bên người. Dòng sông nước lớn, nước ròng nhưng dòng thời gian trôi xuôi một lần không trở lại. Mỗi lần về Việt Nam thăm nhà, người khác thì lo đi du lịch ngoạn cảnh quê hương hoặc tìm những món ăn ngoan một thời để nhớ. Còn tôi thì góp nhặt những nắm bụi đất ven đường (bỏ vào những bao ni-long nhỏ, bà xã mua sẵn) ở những nơi chốn đi qua, góc phố kỷ niệm hay cả những vùng lần đầu tôi đến. Trong tủ nhà hiện nay, tôi có cả mấy chục bọc chứa bụi đường trên nhiều vùng đất của quê hương. Bụi đường quê tôi có thể tìm lại được, nhưng bụi phấn hơi người chẳng tìm lại được bao giờ! Nếu chỉ một lần, chỉ một lần thôi, được trở lại bụi phấn hương người một thuở tôi sẽ bỏ đời này không tiếc.
Bụi vẫn bay bay, rơi xuống cuộc đời không dứt. Hạt bụi quê người vẫn xa lạ quanh tôi. Hạt bụi quê nhà, hạt bụi hương xưa xin hãy nhẹ bám vai người thương nhớ!  

Cuối đông, 2018
NNH


10 comments:

trường tôi said...

Cám ơn bài viết của Thầy NNH

Katie co5rg said...

Thầy H ơi còn nữa : bụi phấn, bụi đỏ, và mùa hè thì bụi phấn làm cho biết bao người bị dị ứng, và ở đây “ Xứ Lạnh Tình Nồng” gần 6 tháng cứ bị ru rú trong nhà vì mùa đông băng giá nên Cô 5 RG rất thích “đi bụi” , ngao du sơn thủy phong cảnh hít thơ không khí hữu tình ngoài trời, hể có điều kiện là kể như em và ox đi bụi liền đó.

Thích bò bía nguyễn said...

Thầy Hoàng đi chơi với người yêu được nàng gội đầu cho thật là hạnh phúc biết bao có mấy ai được như vậy đâu ?

trường tôi said...

Bộ ganh tị hả bạn Thích bò bía ?thiệt là... tình mà khà khà...

Người nhiều chiện

Quang Minh said...

Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai tôi trở về với cát bụi. Ôi! Cát bụi tuyệt vời...không nguôi. Ôi! bao năm làm kiếp con người, một chiều nào tóc trắng như vôi. Lá úa trên cây rụng rời, cho trăm năm một kiếp con người... ( TCS )

Quang Minh said...

Tui không ngờ mình ở cùng xóm với thầy NNH trong khu Bàn Cờ. Khoảng tháng 9/1966 - cuối năm 1968 tui ở trong hẽm đường Nguyễn Thiện Thuật, cách tiệm cà phê Năm Dưỡng một căn nhà, ( bán cơm tấm mỗi buỗi sáng ). Đối diện là tiệm cho mướn sách của một người Bắc, ông nầy dáng người mảnh khảnh, đeo kính cận thật dầy, có cô con gái, mái tóc thề chấm vai, ( bạn của cô em, con gái của cô tui ), trông rất bắt mắt. Nhưng tui nhút nhát lắm, tiếp chuyện với mấy cô là trái tim tui run lập cập, muốn nhảy thót ra ngoài, miệng thì ấp a, ấp úng nói chẳng ra lời " em như cô gái hãy còn xuân,...lòng trong trắng chưa vướng " BỤI TRẦN " , lại trú ngụ trong nhà với em chồng của cô tui. Lúc đó cô khoảng chừng 60 tuổi hỏng có chồng, tính rất khó khăn lễ giáo . Dù là một sinh viên nhưng phải đi thưa về trình. " Dạ thưa cô con đi học, dạ thưa con đi học mới về " . Hôm nào về trể phải cho biết trước ( thưa cô hôm nay con về trể, cô đừng chờ cơm ). Vậy mà có một lần Trắc ( nay là BS Trắc, Giám đốc bệnh viện Triều An, ở bến xe miền Tây ) rủ lên thăm nhà Phạm thị Đỗ Mai ( bạn học NTT ) ở Thị Nghè. Vì không báo trước, lại về trể, khi về tới nhà, cô giận chẳng nói một lời, gương mặt rất nghiêm. Tui hỏi nhỏ em, cháu ruột của cô, khoảng 12 tuổi. Nó nói là " cô chờ cơm anh cả tiếng đồng hồ, không thấy anh về, cô dọn vô bỏ ăn luôn " . Tui cảm thấy mình có lỗi nên " con xin lỗi để cô chờ cơm , con sẽ không tái phạm nữa " . Mất cả tháng trời không khí mới trở lại bình thường.
Trở lại chuyện cô ở tiệm sách nhà đối diện , đã mấy chục năm rôi, tên của nàng cũng theo gió ngàn bay. Và cũng chẳng có gì gọi là kỹ niệm. Thỉnh thoảng cô có qua nhà cùng với em tui, nhưng tui cù lần quá, bỏ biết bao dịp để làm quen, trò chuyện trăng sao mây nước. Nếu không được cũng có chút tình yêu, tình ma để bỏ túi. Đúng là:
" Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng "
Lối xóm gần nhà nói tui sao mà giống con gái. Tối ngày du dú ở trong nhà, không thôi thì ngồi ở bao lơn ( balcon ) gạo bài
Tui lúc đó nghĩ đến công ơn cha mẹ, bỏ công sức tiền bạc cho mình ăn học nên chỉ biết vùi đầu học vào học . Vả lại bước vào ngưỡng cửa Y Khoa như mộng ước rồi , thì đâu dám xao lãng. Vậy mà
không ăn ớt thế mà cay
Ai quăng vỏ chuối ở ngay trên đường
Lủi thân vào chốn quân trường
Quân sự chín tháng dấu vương gót giày

Trong lúc dùi mài kinh sử, sáng đi chiều về từ trường đến nhà
Ra đi cô có dặn rằng
Cứ thẳng một mạch chớ lăng nhăng ngoài đường
Nghe lời nên chẳng vấn vương
Về nhà trong bốn bức tường mà thôi
Vậy mà
anh cơm tấm liếc ngược liếc xuôi
Nhìn sang miệng cứ tươi cười hỏi thăm
Tôi làm cơm tấm ( cho ) anh ăn
Để anh đi học yên tâm gạo bài
Chời ơi! Tui con gái hay trai ?
Mà sao anh cứ ai hoài hỏi thăm

Giữa nhà tui ngụ và tiệm cà phê Năm Dưỡng là căn nhà có quán cơm tấm do hai vợ chồng anh Bảy quán xuyến, thấy tui hiền lành chơn chất thấy tội nghiệp, nên sáng nào cũng hỏi làm cho tui dĩa cơm tấm , ăn trước khi đến trường. Thân anh tròn ú như chàng Bé Bự, tính rất vui vẻ, miệng lúc nào cũng tươi cười ( hỏng phải một mình tui đâu nhe ) , tui rất mến anh vì anh quá tốt. Vậy mà từ ngày đi cải tạo cho tới nay tui vẫn chưa một lần gặp mặt anh Bảy, người bạn tốt.



Unknown said...

Thật là vô Phước cho Quang Minh Nhật Đạo, ở đâu không ở lại chọn ngay cái xóm cà phê Năm Dưỡng mà ở...Bao nhiêu hạt bụi lớn nhỏ, tròn trịa ,sắc cạnh từ ngọn mái tóc thề, tóc mai, tóc xoả, tóc chấm ngang vai, tóc demi garcon đều vướng khắp cả Châu thân Nguyễn Ngọc Hoàng; chỉ dành lại cho anh những hạt bụi trần để bây giờ anh cô đơn ăn chay niệm Phật...Tội nghiệp thay ....

Quang Minh said...

Thầy Nhựt ơi!
Thi hào Nguyễn Du đã nói rồi
" Đã mang lấy nghiệp vào thân
Thì đừng trách lẩn trời gần trời xa..."
Tại mình không số đào hoa
Ngọc Hoàng trên cõi trởi xa thiên đình
Xuống trần kiều nữ đẹp xinh
Trước là cung nữ tuyệt trần mang theo
Còn mình số kiếp hẩm hiu
Thôi đành cam chịu ít nhiều phiền chi



Nguyễn Ngọc Hoàng said...

Thầy Nhựt và anh Quang Minh ơi, thấy vậy mà không phải vậy đâu! Quen biết đó đây, rồi “lụy tình” đây đó, đến cuối cùng thì... thì cũng bị con gái “Rạch Giá” nắm đầu về dinh!
Thì ra là tại anh Quang Minh nghiêm khắc, “kém” quá đó thôi. Chứ mấy anh như anh Quang Minh: y khoa dự bị ( ĐH khoa học) thì “ngon lành” nhất, tha hồ chọn “bạn gái”! Thiệt mà!

Nhưng thôi:

“... Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao...”

Tôi thuộc nhóm đầu, anh QM thì được phần câu sau nghen! Thân mến, NNH

Quang Minh said...

Cám ơn thầy NNH nghen
" Trai khôn tìm vợ chợ đông
Gái khôn tì chồng giữa chốn ba quân "
Tối ngày ru rú trong phòng
Làm sao kiếm vợ chợ đông đúc người
Nên đành phải nhập ngủ thôi
Để cho kẻ chọn, người lôi về nhà
Số tui như một món quà
Mặc cho người liệng, kẻ tha vô chuồng
Thiệt khổ mà