_______________
Trường Kỳ
I. Cuộc đời binh nghiệp
Từ gần 32 năm nay, chính xác hơn là từ sau biến cố tháng
4 năm 75, ông đã không nhận trả lời bất cứ một cuộc phỏng vấn nào về cuộc đời
và những họat động âm nhạc của mình. Nhưng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã đặc biệt
dành cho người viết trong vài chuyến về thăm Sài Gòn, những buổi nói chuyện
thân mật diễn ra tại tư gia của ông ở Phú Nhuận.
Đó cũng là nơi vợ chồng người nhạc sĩ nổi tiếng này có một
cửa hàng bán bánh mì thịt nguội với nhiều lọai kẹo bánh dưới tên Nhiên Hương, rất
quen thuộc với dân cư quanh vùng. Và đó cũng là nguồn thu nhập của hai vợ chồng
người nhạc sĩ năm nay 75 tuổi, từng giữ chức vụ Đại Tá trong quân đội Việt Nam
Công Hòa, hiện nay sống một cuộc sống bình lặng với những giây phút hướng về
quá khứ mà ông đã có dịp tâm sự với tác giả…
Cũng được biết, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã nhận lời mời
của trung tâm Thúy Nga để xuất hiện trên một chương trình Paris By Night đặc biệt
về ông, dự định thu hình ở Toronto vào hạ tuần tháng 3 năm 2006. Đáng lẽ ông đã
lên đường sang Hoa Kỳ và Canada cách đây gần một năm, nhưng vào giờ chót chuyến
đi của ông đã phải dời sang một dịp khác. Rất có thể vào mùa xuân năm nay.
Có thể nói, trước năm 75, không ai không biết tới những
nhạc phẩm với tác giả là Nguyễn Văn Đông như Chiều Mưa Biên Giới, Phiên Gác Đêm
Xuân, Sắc Hoa Mầu Nhớ, vv… Trong một lần đến thăm ông, chúng tôi cũng có dịp gặp
nữ ca sĩ Giao Linh là người đã được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông hướng dẫn trên con
đường ca nhạc cách đây trên 35 năm.
Nhưng sự cách biệt về thời gian đã không khiến Giao Linh
giảm bớt lòng quí mến và kính trọng người chị coi như thầy đã đóng góp không ít
vào sự thành công của mình mà hiện nay sức khỏe của ông không được mấy khả
quan. Thanh Tuyền cũng thế, được ông coi như một trong vài giọng hát thích hợp
nhất với những sáng tác của mình.
Tuy tuổi đời của ông có già đi, nhưng những tác phẩm của
nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông vẫn còn sống mãi với thời gian và luôn được mọi người
yêu thích… Điển hình như nhạc phẩm Chiều Mưa Biên Giới, được coi như nhạc phẩm
đã đưa tên tuổi ông lên cao đã ra đời trong hòan cảnh được ông kể lại như sau:
“Bản nhạc Chiều Mưa Biên Giới được viết vào năm 1956. Khi
ấy tôi là trung úy trưởng phòng hành quân của chiến khu Đồng Tháp Mười là người
có trách nhiệm đề ra những phương án tác chiến. Lần đó tôi dẫn đầu một nhóm biệt
kích bí mật đi điều nghiên chiến trường dọc theo biên giới Miên-Việt và Đồng
Tháp Mười. Trên đường về, anh em chúng tôi lâm vào cảnh trời chiều gió lộng,
mưa gào như vuốt mặt. Giữa cánh đồng hoang vắng tiêu sơ, lối vào tiền đồn thì
xa xôi, thoáng ẩn hiện những nóc tháp canh mờ nhạt ở cuối chân trời. Và từng chập
gió buốt kéo về như muới sát vào thịt da. Từ trong cảnh ấy, tận đáy lòng mình
đã nghe nẩy lên những cung bậc rung cảm, những trường canh đầu tiên buồn bã cho
bài Chiều Mưa Biên Giới anh đi về đâu…”
Tuy được phổ biến trong chiến khu Đồng Tháp Mười, nhưng
phải đợi đến năm 1960, nhạc phẩm “Chiều Mưa Biên Giới” mới được đài Phát thanh
Sài Gòn phổ biến, trong khi nhạc phẩm “Sắc Hoa Mầu Nhớ” sáng tác sau, nhưng lại
được phổ biến trước. Sau đó nhạc phẩm “Chiều Mưa Biên Giới” đã được quái kiệt
Trần Văn Trạch cất cao tiếng hát giưa thành phố Paris với một hơp đồng thu
thanh Pháp-Việt lần đầu tiên vào hãng đĩa của Pháp. Khi Trần Văn Trạch qua
Pháp, ông có nhờ nhiều nhạc sĩ danh tiềng ở Paris như Đan Trường, Nguyễn Thông,
vv… giúp về việc dịch thuật từ lời Việt ra lời Pháp để trình bầy bằng cả hai
ngôn ngữ.
Ngoài “Chiều Mưa Biên Giới”, còn có rất nhiều nhạc phẩm
khác của Nguyễn Văn Đông đã đi sâu vào tâm hồn người thưởng thức, trong hoàn cảnh
một đất nước giao động bởi chiến tranh. Trong số phải kể đến Phiên Gác Đêm
Xuân, được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sáng tác trước cả Chiều Mưa Biên Giới, cũng
tại chiến khu Đồng Tháp Mười. Đó là vào dịp Tết, ông ở lại tiền đồn với nguồn
xúc cảm dâng cao khi nhớ về gia đình và những người thân yêu quây quần trong
không khí ấm áp của những ngày xuân. Từ nguồn rung cảm đó đã nẩy sinh ra những
nốt nhạc và lời ca diễn tả rất sát thực với tâm trạng của người lính chiến nơi
tiền đồn xa xôi.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sinh ngày 15 tháng 3 năm 1932 tại
quận Nhất, Sài Gòn. Nguyên quán ông bà, cha mẹ ông ở huyện Bến Cầu, tỉnh Tây
Ninh. Thuở nhỏ ông theo học trường Huỳnh Khương Ninh ở Đa Kao. Khi đất nước gặp
phải những biến động lớn lao vào năm 1945, gia đình ông bị liệt vào thành phần
địa chủ, cường hào nên lâm vào cảnh khuynh gia bại sản, gia đình ly tán. Do đó,
tuổi thơ của ông là người con duy nhất trong gia đình cũng bị vùi dập để cuốn
theo thời cuộc lúc bấy giờ.
Trước khi theo học trung học ở trường Huỳnh Khương Ninh,
nhờ gia đình khá giả nên ông đã được cho học ở nhà với thầy giáo riêng. Cho nên
tuổi thơ của ông đến trường thì ít mà học ở nhà thì nhiều.
Sau khi trường trung học mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông theo
học là Hùynh Khương Ninh đóng cửa, ông tự ý xin gia nhập trường Thiếu Sinh Quân
Việt Nam. Đây là trường võ bị đầu tiên và lâu đời nhất của Việt Nam. Đó cũng là
nơi đào tạo nhiều vị tướng lãnh tài ba của Quân Đội VNCH. Nhạc sĩ Nguyễn Văn
Đông đã trải qua 5 năm ăn học ở ngôi trường này. Và chính tại đó ông đã được học
nhạc và văn hóa với những giáo sư người Pháp có thực tài. Đó là những giảng
viên của Viện Âm Nhạc quốc gia Pháp được cử về trường Thiếu Sinh Quân giảng dạy.
Chính vậy mà nền văn hóa Tây Phương đã ảnh hưởng đến ông rất nhiều.
Trong thời gian ông theo học tại trường Thiếu Sinh Quân
Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là một thành viên của ban quân nhạc thiếu
niên, khi mói lên 15 tuổi: “Trường Thiếu Sinh Quân có riêng một đoàn quân nhạc
trên 40 người có tầm vóc của người lớn, nhưng lại do chính những em thiếu sinh
qưân chưa quá 16 tuổi đời cử hành nhạc và do một giáo sư nhạc trưởng người Pháp
chỉ huy. Đòan quân nhạc của chúng tôi có những nhạc sĩ tí hon có mặt trong những
buổi lễ duyệt binh, diễn hành quan trọng một cách đường hoàng như các đoàn quân
nhạc chuyên nghiệp người lớn”.
Với đoàn quân nhạc tí hon này, ông sử dụng nhiều nhạc khí
như: trompette, clairon, trống, chập chả, vv… Nhưng một cách chuyên nghiệp hơn
là ông sử dụng đàn madoline và guitare Hawaiienne trong ban nhạc nhẹ của trường.
Nhờ sống trong một môi trường âm nhạc sôi động như vậy
trong trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã có dịp học
sáng tác từ những giáo sư người Pháp. Kết quả là ông đã viết được những ca khúc
đầu tiên ở tuổi 16 như Thiếu Sinh Quân Hành Khúc, Tạm Biệt Mùa Hè, vv…
Những nhạc phẩm này đã đuợc nhà trường chấp thuận cho phổ
biến và được rất nhiều bạn bè ưa thích. Ông cho biết cho đến nay tuy đã gần 60
năm sau, nhưng khi ông gặp lại một số bạn bè, những người này vẫn còn thuộc nằm
lòng những ca khúc này và hát lại cho nhau nghe như những kỷ niệm khó quên của
thời niên thiếu.
Trong suốt 5 năm theo học ở trường Thiếu Sinh Quân, ông
luôn luôn đoạt giải giọng ca hay nhất toàn trường. Nhưng sau một thời gian gia
nhập quân đội, Bộ Quốc Phòng đã chính thức cấm ông không được xuất hiện hát
trên sân khấu và các nơi công cộng vì các chức vụ do ông đảm nhiệm thời đó có
thể gây ảnh hưởng không tốt cho quân đội.
Sau khi ra trường Thiếu Sinh Quân, ông gia nhập trường Võ
Bị Sĩ Quan Vũng Tầu và tốt nghiệp năm 1952 với cấp bậc thiếu úy. Kế đó ông nắm
chức vụ trung đội trưởng tại trường Võ Bị Đà Lạt và tốt nghiệp năm 1953. Qua
năm 1954, ông về trường Chiến Thuật tại Hà Nội để giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng.
Trong hai năm 1955 và 1956, ông phục vụ tại Phân Khu Đồng Tháp Mười trong chức
vụ trung úy Trưởng Phòng Hành Quân.
Cũng trong thời gian này, ông kiêm nhiệm thêm chức vụ Trưởng
Phòng 3 của Chiến Khu Đồng Tháp Mười do đại tá Nguyễn Văn Là làm chỉ huy trưởng,
tham gia chiến dịch Thoại Ngọc Hầu do thiếu tướng Dương Văn Minh chỉ huy. Ông
không sao quên được một kỷ niệm có lần tướng Minh đã đến bắt tay ông để tỏ lòng
ngưỡng mộ tác giả của những ca khúc về đời lính chiến ngay tại mặt trận Chiến
Khu Đồng Tháp. Và hình ảnh cái bắt tay này đã được in trên trang nhất của báo
Chiến Sĩ Cộng Hoà.
Đến năm 1957, ông theo học khóa Chỉ Huy Và Tham Mưu tại
Hawaii. Và cũng trong thời gian này ông cho ra đời nhạc phẩm “Nhớ Một Chiều
Xuân”.
Cũng qua cuộc nói chuyện với người viết, nhạc sĩ Nguyễn
Văn Đông cho biết ông chọn binh nghiệp là nghề nghiệp chính. Mặc dù ông được học
nhạc chính quy ở trường, nhưng âm nhạc chỉ là nghề tay trái.
Từ cấp bậc thiếu úy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông bước dần lên
cấp bậc đại tá. Ông từng được nhận huy chương cao quí nhất của Việt Nam Cộng
Hòa là Bảo Quốc Huân Chưong vào giữa thập niên 60. Sau biến cố tháng 4 năm 75,
nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã kết thúc cuộc đời binh nghiệp của mình trong tăm tối
bằng 10 năm tù cải tạo. Đúng như ông đã dự đoán cuộc đời thăng trầm của mình bằng
2 câu kết của nhạc phẩm Chiều Mưa Biên Giới: “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
thì đường trần còn mưa bay gió cuốn còn nhiều anh ơi”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cũng nhấn mạnh thêm là chưa bao
giờ ông phục vụ ở Cục Chiến Tranh Chính Trị như nhiều người lầm tưởng. Ông chỉ
đích thực là một người lính tác chiến, rồi sau đó trở thành sĩ quan tham mưu
cao cấp của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa.
Sau năm 75, đầu tiên nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông bị đưa đi tù
cải tao tại trại Suối Máu. Nhưng không lâu sau, ông bị chuyển về nhà tù Chí Hòa
cho đến khi được trả tự do vào năm 1985. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cho biết ông
đã rất đau buồn vì không được nhìn thấy mặt thân phụ lần cuối trong thời gian
ông ở tù cải tạo. Trong khi đó thân mẫu ông đã qua đời trước đó vào năm 1971.
Sau khi được trả tự do vào năm 1985, sức khỏe của nhạc sĩ
Nguyễn Văn Đông không được mấy khả quan đến từ nhiều căn bệnh như đau bao tử,
thấp khớp và nhất là cao huyết áp nên đã không còn cảm thấy hứng thú trong việc
sáng tác ngoài một số bài viết trong khoảng hơn 30 năm nay.
Nhưng bù lại, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông may mắn còn tìm được
nguồn an ủi và hạnh phúc bên người bạn đời, chung sống với ông từ năm 1970 khi
chị Thu còn là một nhân viên của hãng đĩa Continental do ông làm giám đốc. Lòng
hy sinh, sự thông cảm cùng với tính quán xuyến và bươn chải của chị đã khiến
ông tìm lại được niềm hy vọng tưởng đã không còn tồn tại nơi ông. Đối với ông
đó chính là một người tình yêu dấu, như đề tựa một nhạc phẩm của ông sáng tác
sau này.
II. Cuộc đời âm nhạc
Về thời kỳ chính thức bước vào con đường sáng tác của
mình, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cho biết đó cũng chính là thời kỳ ông được xung
thẳng vào đơn vị tác chiến trên những mặt trận tiền tiêu, nóng bỏng. Thọat đầu,
ông đóng ở vùng Tam Giác Sắt với những địa danh quen thuôc Đức Hòa, Đức Huệ,
vv….
Sau đó ông xin thuyên chuyển về phân khu Đồng Tháp Mười
và phục vụ ở đây trong những năm 55 và 56. Trong hai năm đó ông đã có nhiều kỷ
niệm khó quên, ngoài những cảm hứng dồi dào đến từ nhiều hoàn cảnh, đặc biệt là
hình ảnh những tái tạo ngôi tháp 10 tầng ở Đồng Tháp Mười.
Chính khung cảnh khói lửa chiến tranh vào sinh ra tử đã
thôi thúc nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông hoàn thành những tác phẩm đẩu tay, sáng tác
ngay ngoài mặt trận như bài Súng Đàn, Lên Đường, Vui Ra Đi, vv… một thời được
hát vang trong chiến dịch Thọai Ngọc Hầu và trong Chiến Khu Đồng Tháp Tuy nhiên
vào thời kỳ này tên tuổi ông chỉ được biết đến một cách rất hạn chế.
Nhưng phải đến năm 1956 khi lần lượt những bản nhạc Phiên
Gác Đêm Xuân, Sắc Hoa Mầu Nhớ, Chiều Mưa Biên Giới và Mấy Dặm Sơn Khê ra đời
thì tên tuổi Nguyễn Văn Đông mới được nhiều người biết đến.
Một thời gian sau ông còn viết thêm nhiều bài về đời lính
như Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Lá Thư Người Lính Chiến, vv…
Tuy tất cả những bài ca viết về đòi lính chiến của Nguyễn
Văn Đông đều đón nhận được sự mến mộ của mọi người, nhưng Chiều Mưa Biên Giới vẫn
là bài để lại nơi ông nhiều kỷ niệm sâu xa trong cuộc đời sáng tác. Đặc biệt
vào năm 1961, bộ thông tin Sài Gòn đã ra lệnh cấm phổ biến nhạc phẩm này cùng với
nhạc phẩm “Mấy Dặm Sơn Khê” bởi lý do phản chiến, đã gây cho ông nhiều khó khăn
trong thời kỳ này.
Trường hợp của ông đã được báo chí Sài Gòn thời bấy giờ
khai thác rất nhiều, gây ra nhiều xúc động nơi quần chúng. Tuy nhiên đa số dư
luận đã tỏ ra ủng hộ ông khiến sự khó khăn xẩy đến cho ông cũng vơi nhẹ đi được
phần nào.
Song song với việc sáng tác nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông
cũng chú trọng đến việc tổ chức nhũng chương trình văn nghệ có giá trị nghệ thuật
trong việc khuyến khích mọi người về với cội nguồn Việt Nam khi ông đứng ra
thành lập đoàn văn nghệ Vì Dân.
Đây là một đoàn văn nghệ có tầm vóc, được sự hợp tác của
rất nhiều tên tuổi trong giới nghệ sĩ thời đó như các thi, ca, nhạc sĩ Mạnh
Phát, Minh Diệu, Khánh Ngọc, Hoài Linh, Thu Hồ, Minh Kỳ, Quách Đàm. Thêm vào đó
là những kịch sĩ lẫy lừng tên tuổi như Kim Cương, Vân Hùng, Ba Vân, Bẩy Xê, Trần
Văn Trạch, Trang Thiên Kim, vv… Đoàn văn nghệ Vì Dân đã một thời làm say mê giới
yêu nghệ thuật qua các chương trình hoành tráng mang dấu ấn của Nguyễn Văn
Đông.
Vào năm 1958, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông còn là trưởng ban Tíêng
Thời Gian của đài Phát Thanh Sài Gòn, qui tụ nhiều giọng ca nổi tiếng như Lệ
Thanh, Hà Thanh, Minh Diệu, Khánh Ngọc, Mạnh Phát, Quách Đàm, Anh Ngọc, vv… đã
mang đến cho thính giả những sắc thái riêng biệt của người nhạc sĩ tài hoa.
Năm sau ông còn là trưởng ban tổ chức đại hội thi đua văn
nghệ toàn quốc. Năm sau, ông lãnh nhiệm vụ trưởng ban tổ chức Đại Hội Thi Đua
Văn Nghệ Toàn Quốc ở cấp quốc gia. Ông cùng một số nghệ sĩ đã được phu nhân của
cố vấn Ngô Đình Nhu, đại diện cho tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm tưởng thưởng
Huy Chương Vàng cho những hoạt động của mình.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông không những chỉ là tác giả của những
nhạc phẩm về đời lính trong vai trò của một người lính tác chiến, ông còn là
tác giả của rất nhiều nhạc phẩm tình cảm như Khi Đã Yêu, Bóng Nhỏ Giáo Đường,
Thầm Kín, Đoạn Tuỵêt, Xin Đừng Trách Anh, vv… trong vai trò một người nghệ sĩ
thuần túy…
Qua nội dung nhưng nhạc phẩm đó, khi được hỏi phải chăng
nơi ông chất chứa một tâm hồn rất lãng mạn. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã trả lời
một cách không đắn đo, thêm vào đó là nhũng lời tâm sự chân thành của ông:
“Không những lãng mạn mà còn phải nói là yếu đuối nữa! Có lẽ mình cầm súng cũng
là một điều hơi nghịch cảnh. Tại vì bắn một con chim cũng ngậm ngùi, làm sao bắn
được người. Mình cầm cây súng mà mình bắn một con thú vật vì nhu cầu của mình.
Giả tỷ bây giờ đóng đồn ở một miền biên giới thiếu lương thực, đi vô rừng săn một
con thú. Nhưng bắn xong rồi thì buồn lắm, ăn mất ngon. Trong trường hợp đó thì
sao mình giết người được.”
Để nhận biết được tính chất lãng mạn nơi ông, có thể lấy
nhạc phẩm Khi Đã Yêu làm điển hình. Nhạc phẩm này được ông ký tên là Phượng
Linh.
Cách đây không lâu khi đài VOA tức đài Tiếng Nói Hoa Kỳ
phát thanh chương trình “Nghệ Sĩ Và Đời Sống” do tác giả bài viết này thực hiện
cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, đã có một thính giả ký tên là P.L. gửi một e-mail
đến người thực hiện cho biết “Khi Đã Yêu” chính là do vị thính giả này sáng tác
và yêu cầu được đính chính. Ngay sau đó, nguười viết liên lạc với nhạc sĩ Nguyễn
Văn Đông để trình bày sự việc. Ông đã xác nhận “Khi Đã Yêu” do chính ông là tác
giả.
Ngoài ra nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông còn gửi e-mail kèm theo
“Quyết Định Của Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn” thuộc Bộ Văn Hoá Thông Tin của Việt
Nam đề ngày 18 tháng 10 tại Hà Nội, trong đó có quyết định nguyên văn như sau:
“…Điều 1- Cho phép phổ biến trên toàn quốc 05 ca khúc của
ông Nguyễn Văn Đông gồm:
1- Bài Ca Hạnh Phúc
2- Thầm Kín
3- Khi Đã Yêu
4- Bông Hồng Cài Áo
5- Đồng tháp Duyên Gì
Điều 2- Cục nghệ Thuật Biểu Diễn, nhà xuất bản Âm Nhạc và
ông Nguyễn Văn Đông chịu trách nhiệm thi hành quyết định này”
Như vậy sự việc liên quan đến nhạc phẩm “Khi Đã Yêu” đã
được sáng tỏ.
Ngoài cuộc đời binh nghiệp và những họat động nghệ thuật
cộng với công việc sáng tác, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông còn đứng ra điều hành hai
hãng đĩa nhạc và băng nhạc nổi tiếng vào những năm đầu thập niên 60. Ông là
giám đốc của hai hãng đĩa nhạc uy tín thời đó là Sơn Ca và Continental. Với
hãng sau, ông là đồng giám đốc với một ngưòi bạn đã qua đời.
Hai hãng đĩa này đã thực hiện hàng trăm chương trình ca
nhạc và hàng chục vở tuồng cải lương kinh điển của miền Nam. Với hãng Sơn Ca,
ông đã là người tiên phong thực hiện những albums riêng cho từng ca sĩ, như Sơn
Ca 7 cho Khánh Ly, Sơn Ca 9 cho Lệ Thu, Sơn Ca 10 cho Thái Thanh và nhiều
albums riêng cho Trịnh Công Sơn, Phương Dung, Thanh Tuyền, Giao Linh, vv… đã
khiến cho những tên tuổi này trở nên sáng chói trong những thập niên 60 và 70 tại
Việt Nam.
Ngoài tên chính và cũng là nghệ danh của mình là Nguyễn
Văn Đông, người nghệ sĩ tài hoa này còn sử dụng nhiều nghệ danh khác như Phượng
Linh, Vì Dân, Phương Hà, Đông Phương Tử mà ít người biết ký tên trên một loạt
những nhạc phẩm tình cảm trẻ trung như Khi Đã Yêu, Niềm Đau Dĩ Vãng, Thầm Kín,
Dạ Sầu, vv…
Riêng với bút hiệu Đông Phương Tử, ông đã soạn 6 câu vọng
cổ, đã sáng tác nhạc nền và đồng thời làm đạo diễn cho trên 50 vở tuồng cải
lương nổi tiếng ở miền Nam như Nửa Đời Hương Phấn, Tiếng Hạc Trong Trăng, Sân
Khấu Về Khuya, Đoạn Tuyệt, Mưa Rừng, vv… Nhưng sau năm 75, ông gần như ngưng hẳn
sáng tác với việc cho ra đời vỏn vẹn vài nhạc phẩm trong những năm gần đây.
Tổng cộng tất cả ông đã hoàn thành được khoảng 100 nhạc
phẩm, kể từ sáng tác đầu tay… Hiện nay mới chỉ có một số tác phẩm của ông đã được
phép phổ biến tại Việt Nam, tổng cộng trên 20 bài. Nhưng ông hy vọng mọi việc sẽ
tốt đẹp theo năm tháng. Ngoài 5 bài đã nhắc tới ở trên được phép phổ biến, còn
những bài khác như Nhớ Một Chiều Xuân, Thầm Kín, Đom Đóm, Khúc Xuân Ca, Núi Và
Gió, Dạ Sầu, Vô Thường, Về Mái Nhà Xưa, Trái Tim Việt Nam, Hải Ngọai Thương Ca,
vv…
Riêng nhạc phẩm Hải Ngoại Thương Ca đã mang đến cho ông một
niềm vui như lời kể kể: “Năm 2004 bài Hải Ngọai Thương Ca được đưa ra ngoài Hà
Nội duyệt. Thì ngoài Hà Nội mới hỏi tôi: có phải bài Hải Ngoại Thương Ca Này mới
viết không mà sao nó sát với đề tài của thời cuộc này quá vậy? Nó hay đấy. Đấy
là lời của một vị lãnh đạo của cục Văn Hóa Nghệ Thuật.”
Thật ra nhạc phẩm này đã được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông viết
từ năm 1963, trong hoàn cảnh như ông kể: “Trước đó có một cuộc binh biến vào
năm 1960. Ông Nguyễn Chánh Thi dấy lên một cuộc binh biến đảo chánh. Nhưng cuộc
binh biến đó thất bại. Cho nên tòan thể sĩ quan tham gia trong cuộc đảo chánh
năm 1960 của Nguyễn Chánh Thi bay ra ngoại quốc. Đến năm 1963, có một cuộc đảo
chánh lần thứ nhì khiến chế độ của ông Ngô Đình Diệm bị suy sụp… Lúc đó mọi người
lên tiếng kêu gọi những anh em ly tán sau cuộc đảo chánh lằn thứ nhất đang ở ngọai
quốc trở về. Lúc đó tôi thấy một số bạn bè của tôi vẫn còn do dự chưa muốn trở
về. Điều này nó thôi thúc tôi viết bài Hải Ngoại Thương Ca, có ý nói bây giờ
trong nước cũng vui vẻ…”.
Bây giờ cuộc đời binh nghiệp của ông đã chấm dứt từ lâu.
Cuộc đời âm nhạc của ông đang ở vào giai đoạn cuối cùng, gần như không còn mấy
hứng khởi. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông tâm sự là ông chỉ tiếc có một điều là đời
người quá ngắn ngủi mà ông lại phải phí phạm một thời gian quá dài ngồi bó gối,
bất lực.
Nhưng dù sao, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cũng là một người
tin tưởng tuyệt đối ở số mệnh, nhất là ông đang ở trong một số tuổi cao. Và tuy
rằng cuộc đời của ông có nhiều điều bi quan như ông tâm sự, nhưng hiện nay ông
chỉ biết phó thác cuộc đời mình cho định mệnh đẩy đưa trong một cuộc sống êm đềm
và rất hạnh phúc bên người vợ hiền yêu dấu của ông. Và ông biết, đó chính là một
sự bù đắp cho những mất mát của mình để rồi coi cuộc đời này như một chốn vô
thường, cũng là tựa đề một nhạc phẩm của ông…
Trường Kỳ
2007
Nguồn: Trang mạng Hoàng Trọng
2 comments:
Nguyen van Dong nam 1956 la tieu doan Truong phao binh dong tai go Bac Chien (Moc Hoa) trong chien dich tiep thu Dong thap Muoi d Trung ta Nguyen van La chi huy,khi Dai ta La lam tong giam doc CSQG thi dai uy Dong la si quan tuy vien cua ong La tai tong nha canh sat quoc gia.
KT kính cẩn cuối đầu thành kính phân ưu cũng gia quyến và vô cùng thương tiếc người sĩ quan nhạc sĩ đại tài mà tôi luôn ngưỡng mộ .
Post a Comment